Tam Hạ Nam Đường

Chương 35: Diên Táng xuất trận cầm Triệu Toại Lưu Quân thương nghị giữ Hà Đông




Bát vương lãnh chiếu về dinh, nói với Hô Diên Táng rằng:

- Nay ta tâu cùng chúa thượng xin ban cho tướng quân một chiếu chỉ tha tội cho tướng quân. Vậy từ nay về sau cứ phép mà làm thì không hề chi nữa.

Hô Diên Táng tạ ơn, lui về Thiên Quốc Tự, thì không thấy vợ đâu cả, nên lấy làm lạ hỏi quân sĩ mới biết là Mã Kim Đẩu khi nghe mình bị dẫn ra pháp trường, sợ hãi trốn về Thái Hành sơn rồi. Hô Diên Táng buồn bã than thở một hồi rồi nằm yên ở đó.

Bấy giờ Lưu Quân ở Hà Đông nghe Tống Thái Tông đã triệu Hô Diên Táng phong làm tướng, bèn hội quần thần thương nghị:

- Lúc Tống Thái Tổ còn trị vì đã có chinh chiến cùng ta, nhưng bị bất lợi, phải rút quân về. Nay Thái Tông lên nối ngôi, chắc thế nào cũng đem binh chinh phạt chớ chẳng không? Đinh Quới tâu:

- Từ lúc Dương lịnh công chịu giảng hòa mà về San Hậu cho đến nay, thì binh ta luyện tập rất tinh nhuệ, bệ hạ còn lo chi nữa? Vả trước kia bởi ta thờ ơ không đề phòng nên mới bị thua. Vậy nay chúa công phải thủ thế, dầu binh Tống có kéo đến cũng chẳng sợ chi.

Lưu Quân khen phải, liền hạ lệnh cho các quan ải phải chỉnh tề binh mã, binh tướng luyện tập cho nhuần.

Tin ấy đồn đến Biện Kinh, vua Thái Tông hội quần thần thương nghị việc đem quân chinh phạt Hà Đông. Dương Quang Mỹ tâu:

- Hà Đông thế lực mạnh lắm, tôi e đánh gấp bây giờ chưa được. Xin bệ hạ chờ lúc nào chúng nó chểnh mảng thì ta sẽ đem quân sang đánh. Vua Thái Tông chưa quyết thì có Tào Ban quỳ tâu:

- Binh tướng của ta đang mạnh mẽ, nay đến Hà Đông chẳng khác bẻ một cành khô, còn sợ chi nữa.

Vua Thái Tông y tấu, liền phong Phan Nhơn Mỹ làm Bắc lộ đồ, Cao Hoài Đức làm Tiên phong, Bát vương làm Giám quân, Hô Diên Táng làm Phó tiên phong, lãnh một muôn binh đi đánh Hà Đông. Vua Thái Tông truyền chỉ ngự giá thân chinh, Phan Nhơn Mỹ lãnh mạng, hợp các tướng nơi giáo trường mà phân binh, nhưng còn giận Hô Diên Táng, nên sai Diên Táng kéo binh đi trước toàn là những người già yếu, đi không muốn nổi. Cao Hoài Đức thấy vậy than rằng:

- Tướng tiên phong chẳng phải là việc chơi, nay ngài giao cho Hô Diên Táng quân sĩ bạc nhược như vậy, nếu có hư việc triều đình, chẳng biết ngài đổ tội cho ai? Phan Nhơn Mỹ làm thinh một lúc rồi mới nói:

- Quân lính có kẻ mạnh người yếu, nếu chỉ lãnh những kẻ mạnh mẽ, còn những người già yếu kia thì giao cho ai? Cao Hoài Đức nói:

- Những binh sĩ già yếu chỉ nên để lại làm công việc ở hậu phương, còn bắt chúng nó ra giao tranh thật là chuyện bất lợi.

Phan Nhơn Mỹ cực chẳng đã phải lựa một số binh sĩ tráng kiện trao cho Hô Diên Táng.

Hôm sau, Phan Nhơn Mỹ ra lệnh xuất binh, vua Thái Tông bèn giao việc triều chính cho Thái tử là Triệu Phổ ở nhà chăm sóc rồi sai. Quách Tấn đi trấn nơi Thái Nguyên, ngăn ngừa binh Liêu. Dặn bảo xong, vua Thái Tông hạ chiếu thẳng đến Hà Đông. Ngày kia, binh đến Hoài Châu, có quân vào báo:

- Có một đạo binh kéo ra cản đường.

Hô Diên Táng liền lên ngựa xông tới trước, thấy đó là Lý Kiến Trung, Kiển Lượng, Liễu Hùng Ngọc, Mã Kim Đẩu giục ngựa thẳng tới. Hô Diên Táng hỏi Lý Kiến Trung:

- Sao đại ca không để ai ở lại mà giữ sơn trại? Lý Kiến Trung nói:

- Vì Kim Đẩu về nói lại em bị phạm tội, và bị xử tử nơi pháp trường rồi, nên nay ta nghe binh trào đi đến Hà Đông, quyết ra đón bắt cho được người nào đã hãm hại hiền đệ, để giết mà báo thù.

Hô Diên Táng cảm ơn, rồi thuật lại mọi việc ọi người nghe. Kế có Cao Hoài Đức tới biết là bọn anh em của Hô Diên Táng, nên nói:

- Sao tướng quân không tâu cùng chúa thượng, ấy người này nhập bọn cùng đi đánh Hà Đông để lập công với triều đình. Lý Kiến Trung nói:

- Nếu được như vậy thì anh em tôi rất thỏa chí, nguyện sống thác mà đền ơn nước.

Cao Hoài Đức liền trở lại hậu quân, tâu với vua Thái Tông, cho họ sát nhập vào quân triều đình, cùng đi đánh Hà Đông. Vua Thái Tông mừng rỡ phong cho bọn Lý Kiến Trung tám người làm Đoàn Luyện sứ, cùng đi chinh phạt.

Hôm sau, binh Tống đi qua tới Thiên Tỉnh Quan thì hạ trại. Chúa tướng ải Thiên Tỉnh là Triệu Toại, sức mạnh muôn người, nghe binh Tống đến liền sai phó tướng là Vương Vãn ra đối địch. Vương Văn nói:

- Binh Tống thế mạnh lắm, tôi e đánh không lại, xin tướng quân thủ thành, rồi sai người về Tấn Dương mà viện binh, họa may mới thắng nổi. Triệu Toại nói:

- Binh Tống đi đường xa đến đây, ta nên thừa cơ đánh một trận trong lúc chúng còn mỏi mệt, chớ cần gì phải viện.

Nói rồi Triệu Toại truyền mở cửa ải, dẫn ba nghìn quân ra giáp chiến. Tướng tiên phong nước Tống là Hô Diên Táng ra ngựa xông tới hỏi:

- Bắc tướng sao không đầu phục cho rồi, để nhọc sức ta chém giết. Triệu Toại nói:

- Các ngươi ỷ mạnh, xâm phạm lãnh thổ ta. Nếu không lui binh ta sẽ giết hết.

Hô Diên Táng nổi giận giáp chiến hơn ba mươi hiệp, chưa định hơn thua, thứ Triệu Toại giả thua quay ngựa vào thành, chẳng ngờ Cao Hoài Đức kịp đuổi đến bắt sống Triệu Toại trên lưng ngựa. Binh Tống kẻo thẳng vào lấy Thiên Tỉnh Quan, giao nạp Triệu Toại cho vua Thái Tông. Vua Thái Tông ra lệnh chém Triệu Toại bêu đầu làm lệnh.

Hôm sau, binh Tống kéo tới đánh Thạch Châu, tướng giữ ải này là Vương Hy Liệt nghe binh Tống đến bèn thương nghị với phó tướng là Ngô Xương:

- Tống tướng nhiều kẻ anh hùng, nếu mình đem binh đánh thì không lại, chi bằng truyền quân giữ thành, đợi binh Tống mệt mỏi sẽ kéo ra đánh một trận, ất toàn thắng. Ngô Xương nói:

- Thành mình chắc, binh mình đông, lẽ nào cứ đóng cửa mà ngủ. Để tôi đem binh giao chiến với chúng nó một trận, nếu có thua sẽ vào thành cố thủ cũng chưa muộn.

Vương Hy Liệt nghe nói liền cho Ngô Xương dẫn ba ngàn quân ra đánh. Ngô Xương giục ngựa tới trước trận, nói lớn:

- Hớn vương đã giữ một cõi mà cai trị thiên hạ, còn muốn đến chiếm đoạt các vùng khác, thật quá tham lam. Diên Táng nói:

- Chúa ta đã dẹp xong các nước rồi, còn Hà Đông chẳng sớm thì muộn cũng bình định xong. Bọn các ngươi bây giờ chẳng khác nào cá lội trong chảo, chết giờ nào không biết. Thôi, hãy đầu hàng cho sớm.

Ngô Xương nổi giận giục ngựa tới đánh. Hai bên giao đấu chưa đầy vài hiệp, binh Tống đã ào đến Ngô Xương biết sức cự không lại, cũng không dám vào thành, bèn giục ngựa chạy thẳng qua Phần Dương mà trốn. Chẳng ngờ vừa chạy được một lúc thì bị một cái đầm lớn ngăn chận không vượt qua được. Hô Diên Táng rượt theo bắt được, khiến quân trói lại dẫn về nạp cho vua Thái Tông. Vua Thái Tông truyền đem chém, rồi truyền lệnh ba quân công phá Thạch Châu. Bấy giờ tướng Hy Liệt nghe quân vào báo:

- Tướng Tống đà đến vây ải Ngô Xương đã bị bắt rồi. Hy Liệt kinh hãi, vợ là Trương Thị bước ra nói:

- Phu quân hãy an tâm! Tôi có kế hoạch đuổi giặc, không hề chi mà sợ. Hy Liệt nói:

- Giặc đang vây thành, tình thế gần như lửa cháy, phu nhơn có kế gì đối phó được. Trương thị nói.

- Hôm nay phu quân đem binh ra đánh Tống, rồi trá bại mà chạy vào rừng là nơi tôi phục binh. Nếu binh Tống rượt theo, thì binh phục của tôi sẽ vây bắt.

Hy Liệt khen hay, bèn truyền lệnh cho quân sĩ rạng ngày xuất trận. Quả nhiên, theo kế hoạch của Trương thị, Hô Diên Táng thất thế phải chạy dài binh Tống chết vô số. Còn hai vợ chồng Hy Liệt trọn thắng, hiệp binh cùng nhau kéo về thành. Hô Diên Táng về dinh tức tối nói với Mã Kim Đẩu:

- Ta không phải ngu dốt mà mắc kế như vậy. Chỉ vì khinh địch nên mới thất trận. Phu nhân có kế chi trả thù chăng? Mã Kim Đẩu nói:

- Chẳng có gì mà phu quân phải lo sợ, vợ Hy Liệt biết dùng kế còn tôi đây lại không biết tính mưu sao? Để tôi lấy Thạch Châu cho phu quân xem. Hô Diên Táng hỏi:

- Phu nhân tính mưu kế gì vậy? Mã Kim Đẩu nói:

- Phu quân hãy truyền cho các doanh trại đóng lại một chỗ, dẹp hết đồ binh khí, rồi truyền tin rằng phu quân bị thương nặng không ra trận được nữa. Như vậy quân giặc sẽ tự hào, không chuẩn bị, phu quân đem binh phục ở núi phía đông, bất ngờ hãm thành, đánh riết vào Thạch Châu. Như vậy lấy thành dễ như trở bàn tay.

Hô Diên Táng nghe lời vợ, truyền lệnh cho các dinh trại làm theo kế ấy. Mấy ngày sau, bên Thạch Châu có quân thám thính về báo với Hy Liệt:

- Bên dinh Tống thì binh sĩ tàn tệ, còn Hô Diên Táng thì bị thương, không dám ra trận nữa.

Hy Liệt nghe tin bàn với Trương thị đem quân ra đánh. Trương thị nói:

- Ngày trước Hô Diên Táng bị một thương gần chết, nên binh Tống khiếp sợ. Nếu mình thừa cơ lúc này đem quân đánh một trận nữa thì binh Tống tan tành.

Viên Hy Liệt nghe lời, kéo quân thẳng qua dinh Tống mà đánh. Binh Tống giả bộ bỏ chạy, không dè Cao Hoài Đức phục binh kéo vào hãm thành. Hy Liệt vội đem binh về cứu ải, bị Hô Diên Táng đuổi theo đâm một đao nhào xuống ngựa chết tươi. Còn Trương thị vừa đem binh trở lại cửa đông bị Kim Đẩu đón lại giao tranh. Trương thị không xong chạy trở về ải của cha mình là Phong Châu để lánh nạn. Cao Hoài Đức hiệp binh cùng vợ chồng Hô Diên Táng, vào chiếm Thạch Châu. Vua Thái Tông mừng rỡ truyền lệnh xa giá vào Thạch Châu chiêu an bá tánh.

Lời bàn: Muốn cho thiên hạ thái bình phải nắm được thiên hạ, để xây dựng một cuộc sống bền vững, ấm no. Vua tôi nước Tống đang hồi hưng thịnh đánh Đông dẹp Bắc, Mở mang bờ cõi, lẽ ra phải chấm dứt việc chiến chinh để cho thiên hạ khỏi chết chóc về việc đao binh. Nhưng theo quan niệm của người xưa, muốn bình ổn được thiên hạ, không phải chỉ củng cố quyền lực nơi triều đình, mà phái tóm thâu giang san về một mối, để ứng dụng kế sách cai trị của mình, làm cho an dân. Vì vậy nước Tống vẫn phải chinh phạt những nơi chưa đầu phục mình. Đó không phải là tham vọng riêng tư, mà muốn giúp dân có được một xã hội tốt đẹp, văn minh. Cái quan trọng là sau khi tóm thâu được thiên hạ, triều đình có làm cho thiên hạ được an vui trong cuộc sống hay không. Những triều đại, lúc được thiên hạ thì hay nghĩ đến quyền lợi riêng tư của mình, thì đó không phải là minh chúa.-oOo-

- Hết hồi 35:2 (38):


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.