Tam Hạ Nam Đường

Chương 11: Vâng lời cha, Kim Đính cứu giá Mang ơn chúa, Quân Bảo vầy duyên




Khi tới Thọ Châu, nhằm lúc Triệu Hoàng Cô bị thương nằm trong trại la rên, Kim Đính bèn sai bốn con đòi vào báo với Đào nguyên soái hay.

Đào nguyên soái với ba vị phu nhơn chưa rõ ra cội rễ. Lưu Kim Đính bước vào ra mắt và thưa hết sự tình Đào nguyên soái và ba vị phu nhơn nghe nói mới hay rằng: công tử đi dọc đường tỷ võ và hứa việc nhơn duyên, nên nay Lưu tiểu thơ vâng lệnh cha đến giúp. Lý phu nhơn thấy tiểu thơ sắc nước hương trời thì lòng mừng thầm cho cháu phỉ duyên đẹp phận. Lưu Kim Đính thưa cùng mấy vị phu nhân xin ra mắt mẹ chồng cho biết mặt. Đào nguyên soái nói rằng:

- Triệu Hoàng Cô ra trận bị phi đao của Dư Hồng, hôm rày thuốc thang cũng chẳng lành, bịnh làm khi mê khi tỉnh, lúc mê thì nằm hoài nằm hủy, khi tỉnh lại la nhức la đau, còn nằm tại dinh sau, không biết thuốc chi mà xức vì Hoàng Cô bịnh trọng nên phá vây chưa đặng mà đem binh tướng vào thành. Lưu Kim Đính nghe nói, lật đật thưa:

- Xin cho tôi coi thử thương tích ra thế nào, tôi có thuốc linh đơn hoặc may cứu đặng. Lý phu nhơn mừng rỡ nói:

- Vậy thì cháu đi với thím ra sau coi có thuốc chi cho thử. Lưu Kim Đính vào coi kỹ lưỡng thấy một vết trên vai thì nói rằng:

- Cái đao này đã rèn một trăm năm, ai phạm tới nó thì mục xương mà chết, không thuốc chi cứu đặng, trừ ra có một món tiên đơn Lê Sơn Thánh mẫu có cho tôi để đem theo mình, hễ uống vào thì lành mạnh. Bốn vị phu nhơn đồng nói rằng:

- Trời khiến tiểu thơ đến đây cứu Hoàng Cô khỏi nạn!

Sau đó Lưu Kim Đính sai con đòi đem nước lạnh ra lấy hoàn thuốc nhỏ màu đỏ như son, hòa ra một chum, nửa thoa, nửa cho uống. Triệu Hoàng Cô uống rồi trong giây lát trong vai chảy nước độc đen như mực, ra đặng chừng một chén đầy thì cái vết ấy tự nhiên gom miệng, Hoàng Cô hết la đau nhức, ngủ một giấc thẳng thừng, khi thức dậy ngồi tỉnh rồi hỏi:

- Tôi bị phi đao, nhờ thuốc chi mà hết? Bốn vị phu nhân liền chỉ Kim Đính và nói:

- Nhờ Lưu Kim Đính tiểu thơ đến đây quyết ra tay giúp Tống, nhân dịp cho Hoàng Cô uống thuốc linh đơn, bởi mình làm lành nên gặp lành dầu mắc nạn cũng khỏi nạn.

Triệu Hoàng Cô nghe rõ, liền bước xuống tạ ơn. Lưu Kim Đính chối từ không dám nhận. Lý phu nhân kéo Hoàng Cô lại, rồi thuật chuyện trước sau, Triệu Hoàng Cô nghe rõ mừng và nói:

- Ấy cũng là duyên tiền định nên khiến cho Quân Bảo trốn đi mà gặp đặng duyên lành. Nay có nàng dâu đến cứu, nhắm cũng xứng trai tài gái sắc, hiệp nhau mà phò Tống dẹp Đường. Thiệt là nàng trung hiếu lưỡng toàn, đã nên trang tài nữ. Lưu Kim Đính làm lễ và thưa rằng:

- Công tử đã hứa lời vàng đá, nên cha tôi sai đến tiếp binh xin Nguyên soái biên tên đặng lập công với nước.

Đào nguyên soái ghi tên vào sổ công rồi truyền quân dọn yến mà thết đãi tiểu thơ. Tiệc rồi ai nấy đều nghỉ ngơi, song có Hoàng Cô với tiểu thơ không ngủ. Mẹ chồng với nàng dâu mới nói chuyện, hỏi thăm từ chân tóc kẽ răng, tình ưa càng kể càng dài mà không hay trời sáng.

Rạng sáng, Đào nguyên soái truyền lệnh hiệp binh đặng giải phá trùng vây. Binh gia bốn mươi vạn, kéo đi rầm rầm rộ rộ, Lưu tiểu thơ có phép nên đi tiên phong thế chức cho Hoàng Cô, đặng nếu gặp Dư Hồng sẽ ra tài đấu phép, trước là vào thành cho Hoàng Đế hay tin, sau là giáp mặt Cao Quỳnh kẻo lâu ngày trông đợi. Lưu Kim Đính lãnh lệnh tiễn rồi, cầm đao lên ngựa tức thì. Đào nguyên soái liền hỏi:

- Tiểu thơ muốn lãnh bao nhiêu binh đặng đi trước giải vây cho chắc thắng? Lưu Kim Đính thưa:

- Đánh giặc với giải vây khác xa nhau lắm! Đánh giặc thì dụng binh đông ạnh thế, lập trận khỏi thiếu người, còn như việc giải vây đem binh đông càng khó giữ, bốn con đòi của tôi đây cũng đủ, chẳng dùng binh tướng làm chi!

Đào nguyên soái khen phải nên dẫn binh tướng đi sau, một mình Kim Đính đi tiên phong với bốn con thế nữ. Lưu Kim Đính một người một ngựa vào chém loạn đả Đường binh, gặp tướng thì tướng nhào, gặp binh thì binh chết, phá luôn luôn như vậy, hết bảy vòng binh Đường.

Còn trên thành Thọ Châu khi nghe binh ó vang trời, tôi chúa lên thành coi thử, ngờ là năm vị phu nhân đến tiếp, song coi lại ngọn cờ không phải của nước mình. Tôi chúa hồ nghi không hiểu là binh của ai và ở đâu kéo đến, xảy thấy một nữ tướng cỡi ngựa đến thành, hình dung tươi tốt như hoa, diện mạo xem đường tiên nữ, nàng ấy nói lớn:

- Tôi vào báo tin cho Bệ hạ hay, có năm vị phu nhân đem binh đến cứu giá còn đi sau. Tống Thái Tổ mới hỏi rằng:

- Nữ tướng là ai đó? Lưu Kim Đính tâu:

- Tôi là con gái Lưu Nãi, tên là Kim Đính, vợ của Cao Quỳnh, xin vào ra mắt Bệ hạ. Tống Thái Tổ nghi ngờ:

- Lưu Nãi làm quan Bắc Hớn là nước cừu thù, sao con này lại đến đây giải vây, xưng là vợ của Cao Quân Bảo? Vả lại Quân Bảo thủa nay chưa có vợ, chuyện này không biết giả chân, còn Quân Bảo nằm mê man biết làm sao mà hỏi cho rõ? Nghĩ rằng Nam Đường làm kế, gạt mở cửa cho quân vào nên Tống Thái Tổ hỏi lại:

- Nữ tướng nói vâng lệnh Nguyên soái xin nhập thành, vậy chớ có lệnh tiễn hay không, đưa ra coi thử. Lưu Kim Đính nói có.

Liền thò tay rờ trong túi thì đâu mất, bèn phách lạc hồn xiêu, mồ hôi ra ướt áo, mới tâu lớn:

- Tôi vâng lệnh Nguyên soái đi tiên phong, có lãnh lệnh tiễn, bởi phá bảy vòng binh lâu lắm, chắc là làm rớt dọc đường, xin Bệ hạ rộng suy dung tội cho hạ thần thứ nhất. Tống Thái Tổ phán:

- Việc binh cứ tin ở cờ lệnh tiễn, nếu không làm sao biết đặng thiệt hư. Trẫm cũng muốn cho vào, lại sợ lầm mưu của giặc. Lưu Kim Đính bên tâu:

- Tuy mất cờ lệnh tiễn mà còn có vật làm tin, xin Bệ hạ xem qua, thì hết lòng nghi ngại.

Tống Thái Tổ truyền quân giòng cái thùng xuống, Kim Đính lấy đôi vòng của Quân Bảo để vào thùng. Quân rút dây lên, lấy đôi vòng dâng cho Thái Tổ. Thái Tổ ấm vòng coi rõ có chạm chữ Cao Quỳnh thì lòng đã tin rồi, chẳng còn nghi ngại, song nghĩ lại con này tài lắm, mới phá nổi trùng vây, chi bằng giả dạng hồ nghi cho nó trở lại một lần nữa. Trước là thử tình thiệt dối, sau là giết bớt binh Đường. Như vậy đặng lợi hai phần, song cũng là lòng độc. Tống Thái Tổ mới nói rằng:

- Đôi vòng thiệt có tên Quân Bảo, song e khi nó làm mất mà nàng xí được chăng? Lại cũng nhiều người trùng họ trùng tên, có chỗ chi làm chắc? Lưu Kim Đính tâu:

- Nếu Bệ hạ không tin, thì cho Quân Bảo ra đây sẽ biết. Tống Thái Tổ nghe nói khen thầm:

- Mình tính kế cũng sâu. Nó kêu nài cũng phải. Muốn vậy cho vậy để gạt nó đi cho giáp vòng thành. Thái Tổ liền nói:

- Nàng muốn gặp cháu trẫm, cũng chẳng khó chi. Quân Bảo đang trấn tại thành Nam, vậy hãy đi tới Nam môn thì gặp.

Lưu Kim Đính túng thế, phải giục ngựa qua thành Nam. Lưu Kim Đính nghe Thái Tổ nói Cao công tử trấn tại thành Nam, vì muốn thấy mặt chồng, nên liền dẫn bốn con thể nữ phá trùng vây thẳng tới cửa Nam. Lưu Kim Đính đi tới đâu binh tướng tránh đường, không ai dám ngăn cản. Tiểu thơ giục ngựa đến cửa Nam kêu lớn rằng:

- Có Cao công tử ở đó không? Kêu rồi bỗng thấy một người mặt đỏ đứng trên thành, coi lại là Thái Tổ. Lưu Kim Đính thấy Thái Tổ thì chúc vạn tuế rồi tâu:

- Chẳng hay công tử đi đầu vắng, không có lên thành? Thái Tổ nói:

- Bởi vì binh Đường phá thành Tây không ai đánh lại, phải triệu ngự sanh qua đó mà trấn thủ thành Tây nên trẫm đến đây trả lời cho nữ tướng rõ.

Lưu Kim Đính nửa giận nửa nghi. Song đã lỡ bề, lui không tiện mà tới cũng gay, nghĩ vậy tạ từ Hoàng đế, một đoàn kéo tới thành Tây. Khi Kim Đính dẫn mấy con tỳ nữ đi đặng một hơi, bỗng có tướng canh ra đón đường, bị tiểu thơ chém chết, bốn con đòi lướt tới phá nát vòng binh. Lưu Kim Đính giục ngựa tới cửa thành và kêu lớn:

- Cao công tử! Có Lưu Kim Đính tới đây! Kêu rồi xảy thấy Thái Tổ lên mặt thành phán:

- Giặc phá bên thành cửa Bắc rất gấp cho nên ngự sanh phải đến Bắc môn ứng tiếp, vậy nữ tướng phải đi qua thành Bắc thì chắc gặp chẳng không! Lưu Kim Đính nghe nói liền khóc và than:

- Mình phá thành Đông, thành Nam, thành Tây là ba cửa chẳng nài đụt pháo xông tên, mà không thấy mặt chồng, thiệt lấy làm vô duyên bạc phận! Không rõ vì cớ nào mà chẳng cho chồng vợ gặp nhau?

Lưu Kim Đính đứng lau nước mắt hoài, không tung hô vạn tuế nữa. Con đòi của Kim Đính tên là Hạ Liên thấy vậy liền thưa:

- Chuyện này tôi đã rõ rồi, Tống Thái Tổ tính nghi như Tào Tháo, thấy mình không có lệnh nên nghi là Nam Đường giả mạo vào thành, nên cố ý thử hoài, bắt đi cùng bốn cửa. Một là coi thiệt giả, nếu quả là binh trá hàng thì đánh chẳng thiệt tình, hai là mượn sức mình, giết bớt binh Đường cho Thái Tổ, nên phế ba cửa mà chẳng gặp công tử của cô. Mình đã phá ba dinh chỉ một cửa nữa lẽ nào trở lại? Huống chi bây giờ trở về cũng khó, biết làm sao thưa lại với ông. Công đào giếng đã lâu chỉ một thước nữa bỏ đi uổng lắm! Nếu phá xong thành Bắc, không lẽ vua còn biểu đi đâu? Dầu người hiềm bực nào cũng phải cho gặp mặt.

Tiểu thơ đánh phá ba cửa đà hết nửa ngày trong bụng thì đói lòng, ngoài lại mệt hết hơi. Lưu Kim Đính mới lấy năm hoàn thuốc chia nhau mà uống đỡ lòng, rồi ráng qua cửa Bắc. Còn về Nam Đường từ lúc ban mai đến nữa ngày thì nghe quân báo, lần đầu:

- Có năm tướng gái đến phá vây cửa thành Đông. Hai lần sau:

- Chúng nó qua cửa thành Nam, thành Tây, mà quân sư làm lảng. Vua Nam Đường không lẽ ép đi, nay nghe quân báo rằng:

- Năm nàng ấy xông vào cửa thành Bắc nữa? Vua Nam Đường mới tức giận nói:

- Trong nửa ngày nay mà bị năm con a hoàn phá bốn vòng binh tan nát, coi như thế đến chỗ không người, đi giáp vòng không biết sợ ai, thế này phải thỉnh quân sư ra cứu binh mặt Bắc.

Dư Hồng nghe báo rằng có năm nàng nữ tướng phá hết ba mặt binh thì rõ biết là Kim Đính, học trò của Lê Sơn Thánh mẫu, chắc nàng này phép tắc cao lắm, báu vật cũng nhiều, nghĩ như vậy nên làm lảng làm ngơ, chẳng dám ra thành cự địch. Chằng dè vua Đường ép trí, không lẽ chối từ Dư Hồng liền cử binh ra thành mà chỉ thấy có năm tướng gái phá nát các vòng binh. Dư Hồng hỏi:

- Nữ tướng có phải là Lưu tiểu thơ, đệ tử của Lê Sơn Thánh mẫu chăng? Lưu Kim Đính đáp:

- Phải! Rồi Lưu Kim Đính hỏi lại Dư Hồng:

- Dư sư huynh có phải học trò Xích Mi lão tổ chăng? Dư Hồng đáp phải và hỏi lại Lưu Kim Đính:

- Ông thân đại hữu hồi trước phò Lưu Sùng là vua Bắc Hớn, vả lại ngài là em của vua. Làm quan đến cực phẩm, sau Thái Tổ lấy Bắc Hớn vậy có phải Tống là nước cừu thù! Đạo hữu là dòng dõi họ Lưu, cháu vua Bắc Hớn, đáng lẽ thì oán Tống, qua giúp với Đường, bởi vì Đường đánh Tông trận này, cũng để trả thù cho Bắc Hớn. Ông thân đạo hữu hồi trước là tôi Bắc Hớn, nay tuy tuổi già mà không lẽ phụ quân vương, sao đạo hữu lại đánh Đường, mà giúp Tống là nước cứu nước oán là nghĩa lý gì? Xin đạo hữu xét lại có phải là trái lẽ chăng? Đạo hữu với tôi tuy khác thầy, song cũng là một đạo. Nếu đua tranh như thế, chắc là thiên hạ chê cười, vả lại ngao cò chẳng nhịn nhau, chắc ông câu có lợi, chi bằng xét lại lời can gián về giúp Đường thì vua Đường kính trọng mười phần, mà đạo hữu cũng đặng làm quan tột phẩm. Tôi cũng bày lời hơn thiệt, xin đạo hữu xét lại thử coi, chớ như Thái Tổ là người bạc nghĩa vô tình, đến nỗi Trịnh Ân là em bạn có công mà còn sát hại. Nếu tin lòng đầu Tống, ra công lấy đặng nước Đường thì Thái Tổ như Hớn Cao Tổ còn đạo hữu như Hàn Tín, hẳn đặng chim rồi bẻ ná, bắt đặng cá lại quên nơm, chừng đó đạo hữu mới ăn năn sao kịp? Lưu Kim Đính đáp lại:

- Mấy lời nói đó, nghe ra chẳng khác kẻ nghịch thiên. Mình đã lầm lỗi lại muốn cho người khác phải khốn! Khi trước cha ta có làm quan Bắc Hớn, bởi vua chẳng nghe lời can gián, bỏ việc chính nhân, dùng kẻ gian tà, tham lòng sắc dục, lòng dân chẳng phục, vận nước hầu suy. Cha ta liệu khó nỗi phò trì, nên từ chức lui về phường rẫy. Ấy là người minh triết, biết họa mà lánh trước. Còn sư huynh không biết tùng quyền, cứ chấp kinh mà trách? Vả lại đệ tử Xích Mi lão tổ cũng là một vị thần tiên, họ không biết cơ trời xoay giang sơn về cho Tống? Khí số nhà Đường đã hết, cãi trời sao đặng mà phò, tiếc cho sư huynh công tu hành đã tám trăm năm, cũng gần thành chính quả, nếu mến công danh phú quí, làm nghịch ý trời, sợ bỏ xác nơi chiến trường, rất uổng công tu luyện.

Dư Hồng nghe Kim Đính nói mình là: Sợ bỏ xác nơi chiến trường thì nổi giận, mình nói lành mà nó sanh dữ. Nên Dư Hồng đỏ mặt tía tai hét lớn:

- Mi là con khốn! Ăn nói hỗn hào, quyết một trận cho biết thấp cao.

Nói rồi đánh xuống một gậy, Lưu Kim Đính đưa đao ra đỡ. Hai đàng đánh đặng mười hồi mà không phân thắng bại. Dư Hồng có tuổi mà quân sư cũng ít tài, bị Kìm Đính đánh đỡ đã không kịp. Dư Hồng nghĩ:

- Chắc đấu tài không lại, phải dụng phép mới xong!

Liền lấy phi đao quăng lên, hào quang chiếu ra sáng ngời. Còn Tống Thái Tổ đứng trên thành nhìn xuống ban đầu mới thấy hai người nói chuyện, ở xa nghe rõ ràng, kế thấy Dư Hồng móc túi lấy phi đao quăng lên. Thái Tổ thất kinh hồn vía, chắc lưỡi nói:

- Nếu nữ tướng bị phi đao, thì cũng như trẫm giết, phải cho vào trước đâu đến đỗi nước này.

Thái Tổ đương than thở, bỗng thấy Kim Đính lấy một cây cờ nho nhỏ năm sắc quăng lên hào quang chiếu sáng, thì cây phi đao ấy sa xuống đất tức thì. Tống Thái Tổ mừng rỡ khen:

- Không dè con nhỏ này có phép tiên như vậy? Ai ai cũng sợ yêu đạo, mà Kim Đính lại có phép cao hơn, chắc phải nhờ con này giải vây mới đặng thiệt đáng làm cháu dâu của trẫm lắm. Chắc là trời sanh gái anh hùng đặng dẹp Đường giúp Tống, thôi đế trẫm đánh trống trợ oai cho nữ tướng.

Dư Hồng đang đấu phép với Kim Đính, bỗng bị cờ Ngũ Thể âm dương đánh phi đao rớt xuống thì Dư Hồng thâu phi đao lại mà cất, rồi niệm thần chú hớp một hơi gió bên Tây Bắc thổi qua, Dư Hồng cầm gươm báu trong tay mà chỉ xảy đâu gió giông như bão, không thấy mặt trời cát bay ào ào vãi tới. Lưu Kim Đính cười và nói:

- Yêu đạo làm phép ấy rất nhỏ mọn và không biết hổ ngươi! Kim Đính liền niệm thần chú rồi vỗ tay tức thì sấm vang một tiếng, hết giông hết gió, trời nắng như thường. Dư Hồng thấy Kim Đính phá phép mình thì ngẫm nghĩ:

- Nếu mình dùng mấy phép tầm thường thì nó biết hết, bây giờ không biết dừng phép chi lạ mà hại nó cho đặng?

Lưu Kim Đính thấy Dư Hồng đứng trơ trơ, biết anh ta hết phép và nghe trống trên thành giục tới, coi lại là Thái Tổ cầm dùi. Kim Đính muốn làm phép cao kỳ cho Thái Tổ ngó thấy. Nhớ lại Thánh mẫu có ột báu vật là cây roi đả tiên, dầu cho quỷ thần nó cũng đánh hết. Kim Đính liền lấy cây roi ấy quăng lên, hào quang chiếu sáng cả trời. Dư Hồng ngó thấy liền nhảy xuống hươu độn thổ trốn mất, bỏ hươu đứng đó.

Kim Đính thấy Dư Hồng chạy mất rồi, liền đánh binh Đường, bốn con đòi cũng đuổi theo chém giết, còn tên nào chưa tới số thì thoát đặng chạy về trào. Còn Lưu Kim Đính trở ngựa đến ngoài thành với bốn con thế nữ.

Lúc ấy Tống Thái Tổ mới truyền mở cửa thành rước vào hết thảy. Năm nàng bước tới đồng lạy và chúc thọ nhà vua. Tống Thái Tổ cho ngồi và phán:

- Chẳng phải trẫm không cho nữ tướng thấy mặt ngự sanh, bởi hai tháng trước nó vào thành bị bịnh nằm liều, nói năng không đặng. Nữ tướng muốn thấy mặt nó thì đi thẳng đến nhà sau. Nghe nói chồng đau đã hai tháng thì thất kinh, bèn tâu:

- Tôi tuy chẳng biết làm thầy, song có thuốc của Thánh mẫu để cho hộ thân, trị bệnh gì cũng mạnh, chắc là công tử bị trái gió dầm sương, nên bị chứng thương vong mà mê mẩn. Đến như Hoàng Cô bị phi đao bịnh trọng, thuốc tiên tôi còn cứu lành thay huống chi công tử chứng ấy, mà lo ngại gì, hễ gặp thuộc tiên thì phải hết, không hề gì đâu.

Tống Thái Tổ nghe Kim Đính nói có thuốc, thì mừng rỡ vô cùng. Liền truyền cho Miêu quân sư dẫn tiểu thơ và bốn con đòi đến nhà sau, nơi công tử nằm, và dẫn Lưu Kim Đính đi trị bệnh. Lưu Kim Đính truyền a hoàn đi múc nước, rồi tán thuốc linh đơn. Bước lại giường ngà thấy Cao công tử mắt xanh như tàu lá, nằm nhắm hại con mắt, không động đậy chân tay. Kim Đính thấy chồng như vậy, đau lòng rơi lụy và than:

- Cách hai tháng trước, gặp chàng mạnh giỏi, nay chẳng may mang bệnh bất kỳ mà sanh ốm gầy thể ấy, vì tôi đến đây chậm bước nên chàng. Bệnh nhiều ngày, ấy là lỗi tại tôi, vậy mà cứ trách chàng sao lỗi hẹn!

Khóc rồi, Kim Đính sai bốn con đòi đỡ công tử dậy. Kim Đính một tay đỡ lưng Quân Bảo, một tay bưng thuốc linh đơn cho công tử uống, rồi đỡ công tử nằm xuống lấy mềm gấm đắp lên. Công tử nằm một hồi lâu đổ mồ hôi như tắm, qua nửa ngày mới tỉnh, liền cựa quậy chân tay, dụi con mắt thở ra và chống tay ngồi dậy. Tống Thắt Tổ mừng rỡ và khen:

- Không ngờ con cháu dâu có thuốc tiên hay quá! Bệnh hơn hai tháng trị có nửa ngày, ngự y điều trị thủa nay mà chẳng hề thuyên giảm, may gặp đặng thuốc hay, dầu Lư Y, Biển Thước đời xưa trị cũng không mau lành như vậy!

Cao Quân Bảo thấy Thái Tổ ngự đến, liền bước xuống giường làm lễ tức thì. Thái Tổ khuyên:

- Cháu chẳng nên giữ lễ làm chi, bệnh mới khá hãy nằm mà nghỉ, ít ngày cho thiệt mạnh, rồi sẽ ra ngoài. Cao Quân Bảo tâu:

- Tôi bây giờ mạnh mẽ như thường xin Bệ hạ đừng lo chi nữa. Song chưa rõ Lưu tiểu thơ đến hồi nào đó? Tống Thái Tổ nghe hỏi thì biết công tử bệnh nhiều nên không hay tới chuyện ngoài, liền cười chúm chím phán:

- Lúc cháu phá vòng vầy vào ải, trẫm truyền dọn yến ăn mừng, cháu đương dự tiệc bởi nhiễm gió mà bệnh hơn hai tháng nay, nay có vợ cháu đến giúp, cho cháu uống thuốc tiên. Có nhờ sức tiểu thơ. Cháu mới lại hoàn tánh mạng, vậy cháu phải tạ ơn Lưu tiểu thơ cứu mạng.

Cao Quân Bảo thấy Kim Đính đến đó thì lo sợ mười phần, e Thái Tổ chấp rằng một mình hứa việc nhân duyên, chẳng thưa cùng cha mẹ. Nay nghe Thái Tổ thuật chuyện lại thì Quân Bảo biết vua đã hay rồi, mới nói đó:

- Khi cháu quyết đến đây cứu giá, lỡ đường ghé nghỉ nhà họ Lưu có nói lỡ một lời chớ chưa có giáp mặt tiểu thơ mà giao lời ước hẹn, sao tiểu thơ dám kể chức đến đây tâu trước bệ rồng? Tôi chưa bẩm với song thân, biết mẹ cha có khứng? Nay tiểu thơ nói quả quyết như vậy có phải là buộc tội cho tôi không? Lưu Kim Đính nghe Quân Bảo nói thì nổi giận trả lời:

- Nếu vậy thì công tử là người bội ước, còn tôi đây cũng chẳng phải là hoa tàn liễu úa chi mà mong đeo theo lá ngọc cành vàng. Công tử nhớ lại mà coi, khi đập bảng chiêu phu tại Song Tỏa, cùng nhau đấu võ tôi có giao rằng: "Hễ ai hơn tôi thì tôi phải nâng khăn." Câu nhất ngôn thiết quá, công tử hứa chắc rồi mới đi cứu giá. Nay cha tôi sai tôi xuống, một là lập công với Bệ hạ mà đánh phá Dư Hồng, hai là cứu Đông Bình vương cho trọn niềm phụ tử, không phải tại tôi tự ý, sao chàng buông tiếng bạc đen? Tống Thái Tổ hiểu ý nên cười và nói:

- Thôi! Hai cháu chớ đôi co, trẫm đã biết hết! Chắc ngự sanh có hứa, song sợ phạm tội triều đình, một là chưa thưa với cha mẹ, hai là kết duyên với nước giặc, sợ e phạm luật, cũng như lâm trận chiêu thân. Thôi, nay trẫm đứng chủ hôn, không bắt tội chi hết. Vả lại cháu đặng vợ như vậy phước biết chừng nào, khi ở ngoài trại thì cứu Hoàng Cô lành bệnh phi đao, bây giờ vào thành cứu ngươi đặng thuyên cửu bệnh. Cứu được hai mạng nhờ có một tay nàng, ngươi phải lạy tiểu thơ tạ ơn cứu mẹ, chẳng nên sợ tội mà nói bạc tình. Huống chi Kim Đính đánh đuổi Dư Hồng có công với trẫm, việc lứa đôi đã xứng còn cãi lẫy làm chi?

Khi ấy Cao Quân Bảo cười chúm chím, cúi đầu mà lạy Lưu tiểu thơ. Lưu Kìm Đính hai tay đỡ dậy và nói:

- Đạo làm dâu phải vậy, chớ có ơn chi!

Tống Thái Tổ nghe hai vợ chồng thuận hòa, lòng mừng khấp khởi, lại nghe quân báo:

- Đào nguyên soái và Triệu Hoàng Cô đã đến.

Thái Tổ liền truyền cho các quan vãn võ và hai vợ chồng Quân Bảo mở cửa thành ra nghinh tiếp. Năm vị phu nhân vào thành, đồng quỳ lạy vua và tung hô vạn tuế, vua Thái Tổ cho ngồi và giả ơn cứu giá. Cao Quân Bảo lạy mừng mẹ và thưa:

- Xin mẹ dung tội cho con, một là trốn đi cứu giá, hai là tội thí võ nghệ mà hứa việc nhơn duyên nhờ Bệ hạ thứ dung, đem công trừ tội. Hoàng Cô môi nghe qua liền quở trách, thì Thái Tổ giải khuyên:

- Trốn đi cứu chúa, cứu cha, trốn ấy cũng nên dung tội!

Mấy vị phu nhân cũng nói giúp nên Hoàng Cô đổi giận làm vui. Còn Cao Quân Bảo ra mừng em là Cao Quân Bội, cùng nhau thuật chuyện đi đường. Lúc ấy. Thái Tổ nói với Hoàng Cô rằng:

- Kim Đính tài sắc song toàn, thiệt xứng đôi với Quân Bảo, nàng ấy phép tiên nhiều lắm, đánh mới lại Dư Hồng, trị bệnh cho Hoàng Cô và Cao Quân Bảo nữa. Vậy phải chọn ngày hoàng đạo mà lập cuộc đuốc hoa, rồi lo phá Nam Đường mà ban sư về nước cho sớm. Vả lại Đông Bình vương lòng ngay dạ thẳng, mật trải gan trung, nếu để sau về đây chắc không cho con kết duyên cùng gái nước nghịch, thì sánh ra lỗi nguyền ước hẹn, phụ tình Kim Đính, trẫm chẳng bằng lòng. Thà một mình Hoàng Cô đứng chủ hôn tính trước. Triệu Hoàng Cô tâu rằng:

- Vương huynh tính vậy hay lắm! Kim Đính ân tình đã nặng tài phép cũng cao, tính nết lại dễ thương, việc ấy cũng nên tính gấp kẻo ngày sau trắc trở lứa đôi. Tống Thái Tổ mừng rỡ liền phán:

- Mai đây đặng ngày lành, vậy phải dọn phòng hoa chúc. Nói rồi vua truyền quân sửa soạn cho kịp ngày mai. Triệu Hoàng Cô bèn tâu:

- Tôi nghe nói Đông Bình vương bị bắt, đầu Đường đem binh về đánh Tống, mắng vua, chẳng hay có vậy chăng? Xin cho tôi tường kẻo ngại! Thái Tổ phán:

- Quả có như vậy, ban đầu trẫm giận lắm, sau quân sư bàn rằng: "Đông Bình vương trung nghĩa, không lẽ như vậy, chắc là bị bùa mê thuốc lú của Dư Hồng nó khiến cho Nguyên soái danh nhơ tiếng xấu. " Trẫm nghe phải lẽ nên không chấp. Hoàng Cô còn ngại làm chi.

Hoàng Cô và Quân Bảo nghe vua nói như vậy đồng lạy tạ ơn. Qua đêm sau dọn tiệc giao duyên. Về sau ông Hảo Cổ có làm một bài thơ như vầy:

"Tuy hai người mới, mà một cặp quen

Thiên nhai ngõ cũ, bánh xe đi đã êm đường,

Định Giáp điểm sau, giấc điệp xem nền liền biết mặt

Ong chưa nếm nhụy, khôn tìm một điểm mật hoa.

Mưa tối dầm non, trực nhớ hai phần mái nước."

Đêm ấy hai người vâng chỉ hiệp vầy cầm sắt gắn chặt keo sơn, hoa đuốc rỡ ràng, bây giờ dạn dĩ hơn khi trước. Bởi Cao Quân Bảo khi có mặt Thái Tổ nên chối việc hẹn hò, e tiểu thư không suy, trách mình phụ bạc, nên trả lời cùng Kim Đính rằng vì mình sợ tội nên phải nói màu. Tiểu thư nghĩ thầm nên không hề giận, liền nói với công tử:

- Nhờ ơn hoàng đế đứng việc chủ hôn, nên vợ chồng ta mới đặng kết nghĩa trăm năm, vầy duyên cá nước. Vậy đôi ta phải quyết liều thân trâu ngựa mà đền đáp nghĩa quân vương.

Hai người kể hết ân tình, xảy nghe gà gáy sáng, vợ chồng mới trang điểm ra lạy tạ ơn vua, rồi lạy Hoàng Cô, tạ ơn sánh thành dưỡng dục. Hoàng Cô thấy con dâu thuận thảo, rất mừng nên nói:

- Hai vợ chồng bây nên đôi là nhờ ơn vua cậu, phải hết lòng ráng sức mà báo nghĩa quân ân. Còn mẹ từ khi đến đây cũng chưa rõ việc cha bây ra thế nào, trong lòng rất ái ngại. Ngày mai phải ra trận đánh với Nam Đường đặng dò tin cha bây coi thử đầu thiệt hay đầu giả. Cao Quân Bảo nghe mẹ nói thì thưa:

- Khi con vào thành, quyết dò tin cha cho rõ, rủi mang bệnh nặng, mê mẩn nằm liều, mấy ông ngự y cho thuốc không mạnh, may nhờ linh đơn của Thánh mẫu, nên mới tỉnh hồn, hai vợ chồng con cũng có bàn luận ngày mai xin ra trận.

Trịnh Ấn từ khi Quân Bảo mang bệnh, vua sai Trinh Ấn đi vận lương, khi giải lương về gặp mẹ tới ải, mẹ con cùng nhau mừng rỡ, tức thời bèn tâu cho vua hay. Thái Tổ phán:

- Nhữ Nam vương rất dày công, vận lương lao khổ, vậy trẫm cho nghỉ ngơi cho khỏe, sẽ ra trận giao thương.

Trịnh Ấn tạ ơn lui về. Bữa sau, Thái Tổ thấy lương thảo đã đủ, binh tướng cũng đông, Bèn truyền lệnh đánh Nam Đường, quyết tranh tài cao thấp. Đến khi hai bên giáp chiến thì Nam Đường bại trận luôn luôn. Dư Hồng làm phép bao nhiêu, bị Kim Đính phá tan hết thảy không còn như khi trước mà bắt tướng như chơi! Vua Nam Đường thấy quân sư ra trận bại hoài, hết chỗ trông cậy, liền ra tuồng lợt lạt, không trọng đãi như xưa. Đã vậy vua Nam Đường theo nói khích hoài, cho Dư Hồng ráng sức. Dư Hồng thấy vua nói khích, tức mình tâu:

- Việc binh thắng bại là lẽ thường, Bệ hạ hơi nào mà lo sợ? Tôi là học trò của một vị tiên lớn, tu luyện ngàn năm, lẽ nào chịu thua đàn bà cơn gái! Vầy để tôi làm miếng cũ, cho bên Tống chúa tôi hờn giận nhau, con nói cha chẳng trung, vợ trách chồng làm phản, khi ấy trong thành nó có điều xao xuyến, trễ việc binh cơ, chúng ta thừa dịp sẽ kéo qua đánh lùa, lo chi không thắng? Vua Nam Đường nói:

- Trẫm giang sơn một khoảnh, nhờ cậy có Quân sư. Xin làm phép bày mưu cho yên lòng trẫm. Dư Hồng nói:

- Để mai tôi dùng phép ấy, chắc là bên Tống sảng kinh, như vậy nghĩa là:

"Nếu có tướng tài đều thối chí,

Dầu cho gái phép cũng co tay!"

Lời bàn: Tình thương cha mẹ đối với con cái là thiêng liêng, nó vượt lên trên những nguyên tắc thông thường của lễ giáo. Lưu Kim Đính yêu Cao Quân Bảo là một mối tình của tuổi xuân xanh, tình cảm ấy là Lưu Kim Đính dùng tài năng, tình nghĩa chinh phục. Phương pháp chinh phục tình yêu ở đây vận dụng rất nhiều mặt, nàng chiêu phu bài để thách thức những kẻ có tài, rồi dùng pháp thuật gây ra những tai nạn để người mình yêu chịu mang ơn, và cuối cùng đem thân làm nghĩa vụ để phụng sự cho đường lối của người yêu. Việc chinh phục ấy thể hoàn hảo.

Đến như Lưu Nãi, xóa bó nguyên tắc và quyền hạn làm cha, Để cho hôn nhân của con mình được thành tựu. Điều đáng nói là Lưu Nãi đã đặt nặng ý thức tùng phu, tức là phụng sự tư tưởng và công nghiệp của Cao Quân Bảo, nên đã sai Lưu Kim Đính đi giải giá Thọ Châu, làm cho chồng nàng là cả vua tôi nước Tống phải khâm phục.-oOo-

- Hết hồi 11:2 (38):


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.