Nhìn thấy tử khí xuất hiện trên trán, ấn đường chuyển sang màu đen của bà Chúc, Ninh Thư cũng biết bà Chúc chẳng sống được mấy hôm. Cô tạm nghỉ bán đậu, không rời bà Chúc nửa bước.
“Tố Nương qua đây với u.” Bà Chúc ốm nặng nằm liệt giường bỗng nhiên ngồi dậy vẫy tay gọi Ninh Thư.
Bà Chúc khoẻ hơn cả trước khi ốm làm Ninh Thư rợn người, cô qua hỏi: “Sao vậy u?”
Bà Chúc nắm tay Ninh Thư, tay kia vỗ mu bàn tay cô. Ninh Thư muốn rút ra nhưng bị cầm chặt. Người ốm nặng dư sức vậy à?
“Con là con hiền, dâu thảo, Nghiên Thu lấy được con là có phúc. Sau khi u đi, con và Nghiên Thu nhớ sống hạnh phúc, nuôi Tư Viễn khôn lớn, nghe chưa?” Bà Chúc dặn dò: “U và thầy nó ở dưới suối vàng nhìn thấy mấy đứa hạnh phúc cũng được yên nghỉ.”
Ninh Thư chỉ nói rằng: “U đừng nói linh tinh, u sẽ khoẻ lại mà.”
Bà Chúc lắc đầu: “Đêm qua u mơ thầy nó về đón u. U biết u sắp đi rồi, con hứa với u phải hạnh phúc với Nghiên Thu nhé.”
Ninh Thư ậm ừ thưa vâng, không xúc động trước lời trăn trối của bà Chúc: “U yên tâm, bọn con sẽ hạnh phúc.” Bọn con ở đây không bao gồm Chúc Nghiên Thu.
Bà Chúc không nghe thấy Ninh Thư nói bóng gió mới gật đầu hài lòng, vừa nhìn ra cửa vừa nhớ nhung não nề: “Không biết Nghiên Thu trông thế nào?”
Chúc Nghiên Thu mười tám tuổi đi Thượng Hải, năm nay gần hai mươi mốt, chẳng trách bà Chúc rất muốn gặp Chúc Nghiên Thu.
Ninh Thư đỡ bà ta nằm xuống, bà Chúc vẫn nhìn mãi ra cửa. Ninh Thư không rời nửa bước, cô về phòng đặt Chúc Tư Viễn đã ngủ trong lòng xuống giường.
Quay lại phòng bà Chúc, bà ta đã ngủ nhưng không có tiếng hít thở. Ninh Thư kiểm tra mũi thì đã ngừng thở.
Đêm hôm chết nên Ninh Thư sợ lắm. Cô chạy vội sang gõ cửa nhà hàng xóm, đỏ hoe đôi mắt nhờ họ sang giúp.
Nghe bà Chúc mất, hàng xóm thấy có mình Ninh Thư là phận nữ ở nhà lo ma chay khổ quá nên vội vã qua hỗ trợ.
Nhờ có hàng xóm, bà Chúc được đặt nằm trong phòng khách. Ninh Thư ở trong phòng khách tắm rửa rồi mặc áo liệm cho bà Chúc, bận rộn cả đêm cho đến sáng mờ.
“Tố Nương này, Chúc Nghiên Thu vẫn chưa về à?” Bác gái nhà bên hỏi: “Rồi ai túc trực bên linh cữu?”
Ninh Thư cúi đầu, hơi gắt giọng nói đỡ cho Chúc Nghiên Thu: “Nghiên Thu bận học, cháu và Tư Viễn sẽ túc trực bên linh cữu…”
Mọi người trong nhà nhìn nhau, cuối cùng là trưởng bối trong họ lên tiếng: “Có học gì mà mẹ chết không về.”
Ninh Thư im lặng.
Ninh Thư và thằng nhóc Chúc Tư Viễn mặc áo tang, ngồi quỳ đốt vàng mã bên quan tài.
Chúc Tư Viễn ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Ninh Thư chi nhiều tiền mời thầy mo về xem đất đặt mộ, lại mời đầu bếp về nấu cỗ mời trưởng bối trong họ và bạn bè thân thiết ở lại chia buồn.
Tóm lại tất cả mọi việc đều do Ninh Thư lo liệu, từ thuê kèn trống cho đến đưa bà Chúc chôn ở đâu cho hợp phong thuỷ.
Do cần đàn ông đưa tang mà Chúc Tư Viễn là nam giới duy nhất trong nhà. Chúc Tư Viễn ngây ngô, thầy mo bảo Ninh Thư bế con, con cầm bát hương cắm một nén hương, không được để hương tắt hoặc đổ bát hương là được.
Dạy cách đưa tang xong, Ninh Thư bế Chúc Tư Viễn đi đầu đội đưa tang, đi một mạch đến ô đất đã đào.
May mà quá trình không có gì bất trắc, bà Chúc đã được mồ yên mả đẹp.
Ninh Thư đứng nhìn các lớp đất lấp dần quan tài, bà Chúc là con gái nhà giàu, chưa từng chịu khổ, đến tuổi thầy u gả cho ông Chúc tú tài. Sau này cuộc sống khó khăn nhưng vẫn có Chúc Tố Nương chăm sóc bà ta như ruột thịt.
Có lẽ bà ta đã dùng hết phúc phận, không đợi được đến ngày Chúc Nghiên Thu công thành danh toại.
Chôn cất bà Chúc xong, Ninh Thư không gửi điện báo cho Chúc Nghiên Thu nữa. Điện báo của Chúc Nghiên Thu Ninh Thư đọc xong liền xé, hoặc không mang về cho Chúc Tư Viễn gập máy bay chơi.
Ninh Thư vẫn bán đậu đều đều, được cái đã có quán nhậu thích món đậu phụ khô Ninh Thư làm, cố định được số lượng bán ra mỗi ngày, nhờ vậy cuộc sống đủ đầy hơn trước.
Có kha khá tiền rồi cô dùng phần nhiều mua lương thực tích trữ.
Một thời gian qua tay của Ninh Thư, Chúc Tư Viễn béo hơn, tóc đen hơn. Ninh Thư không quên nâng cao sức khoẻ, rảnh sẽ lại luyện Tuyệt Thế Võ Công, nhờ đó cô khoẻ hơn trông thấy.
Ninh Thư vẫn luôn tìm cho mình vũ khí thích hợp. Súng là vũ khí ghê gớm nhất ở thời này nhưng cô không có mối lái mua súng. Không lẽ cô phải đeo đại đao như nữ hiệp?
Cô nên chế ám khí thôi, vừa bí mật vừa dễ mang theo.
Ninh Thư thuê nhà rèn làm cho cô những cây kim đủ loại lớn bé nhưng nhọn hơn kim bình thường. Khi rảnh cô sẽ tập phi kim ở sân, luyện phi cho chính xác.
Thời thế ngày càng loạn, khi Nhật Bản châm ngòi tấn công là lúc cả dân tộc lầm than, đói khổ liên miên.
Một phụ nữ một trẻ nhỏ yếu đuối dễ bị bắt nạt.
Ninh Thư ghé mua ít thuốc trong quầy thuốc, mang về chế phấn độc và các dạng thuốc bột có công hiệu cầm máu, chữa ngoại thương.
Lúc nhàn rỗi Ninh Thư sẽ bắt Chúc Tư Viễn chạy vòng quanh sân hoặc đứng tấn để rèn luyện sức khoẻ. Song Chúc Tư Viễn chỉ là trẻ con, không làm được trò trống gì nên cô cần phải mạnh gấp đôi.
Ninh Thư vẫn bán đậu mỗi ngày, thế nhưng không khí ở thị trấn ngày một hoảng loạn.
Ngày 18 tháng 9 Nhật Bản châm ngòi chiến tranh, do chính sách không đánh trả của Trung ương nên Trương Học Lương lùi về phòng tuyến, không tổ chức đánh trả. Chẳng mấy chốc ba tỉnh Đông Bắc thất thủ, cả xã hội lên án Trương Học Lương và chính quyền Nam Kinh.
Đó là chuyện quá xa vời với dân chúng, nhưng do ba tỉnh Đông Bắc thất thủ, người dân đổ xô chạy nạn về những nơi khác.
Cùng với đó, sau khi người Nhật chiếm được ba tỉnh Đông Bắc, họ bắt đầu mở rộng địa bàn, khả năng cao sẽ tấn công thị trấn của cô. Không những thế, dân tị nạn đổ xô về cũng biến mảnh đất này thành nơi đại loạn.
Chiến tranh loạn lạc, ai ai cũng khổ, chẳng ai muốn điều đó xảy ra nhưng biết sao được. Ninh Thư càng cảm nhận rõ rệt sự nhỏ bé của một con người.
Đã có khá nhiều nhà trên thị trấn chuyển đi. Có nhà khởi xướng những nhà khác cũng chuyển theo, ai cũng sợ nhanh không muộn.