Qua Một Đời Chồng
Phần 10: Khác máu tanh lòng
Vợ chồng tôi cứ sống với nhau như những người dưng cùng nhà cho đến hơn nửa năm sau đó, có một biến cố lớn xảy đến khiến cho cuộc đời tôi phải rẽ sang một hướng khác, và bắt đầu từ ngã rẽ này, cuộc hôn nhân mua bán của tôi với Tùng cũng theo đó rơi vào vực thẳm.
Gần tết năm đó, mẹ tôi đột nhiên bị bệnh nặng. Bà sống một mình không có ai chăm sóc, thành ra những lúc ốm đau toàn lủi thủi một mình, tự mua thuốc, tự ăn cháo, thậm chí có khi nằm bẹp mấy ngày trời trong nhà mà không một ai hay biết gì.
Mẹ tôi vẫn day dứt chuyện cũ, vì nghèo và nợ nần nên mới phải bán tôi cho nhà người ta, sau này, biết tôi ở nhà chồng cũng không sung sướng gì nên bà càng tự trách mình, dần dần, mẹ sợ tôi đã khổ lại còn phải lo lắng thêm cho bà nên có bất cứ chuyện gì cũng không nói với tôi. Những lần tôi về thăm bà vẫn nói mình sống tốt lắm, ở một mình trông rau nuôi gà càng thoải mái, thỉnh thoảng rảnh rỗi đi sang hàng xóm chơi, có buồn đâu.
Thế mà đùng một cái, chiều hai mươi tám tết tôi nhận được điện thoại của một người hàng xóm. Vừa mới nhấc máy đã nghe giọng bác ấy hốt hoảng nói:
– Phương ơi, vào viện ngay đi. Mẹ cháu đang phải cấp cứu ở viện.
Tôi như bị sét đánh ngang tai, vội vội vàng vàng lấy mỗi cái túi rồi phóng xe như bay vào bệnh viện. Lúc đó, chồng tôi vẫn còn mải đi nhậu nhẹt với bạn, tôi gọi mấy cuộc không nghe, mà cũng nóng ruột quá không chờ được nên đành tự đi một mình.
Khi đến bệnh viện, nhìn thấy mẹ hốc hác xanh rợt nằm trên giường, xung quanh chẳng có lấy một bóng người nhà, không có nổi người thân, bỗng dưng tôi thấy tự trách mình và trách cả sự vô tâm của chồng vô cùng.
Tôi nắm tay mẹ, giọng run rẩy sắp khóc:
– Mẹ ơi, mẹ làm sao thế? Mẹ tỉnh dậy đi mẹ ơi.
Mẹ tôi mở mắt rồi lại nhắm mắt, bà muốn nói gì đó nhưng không còn sức mà phát ra âm thanh gì, chỉ chớp chớp mắt nhìn tôi. Tôi thấy mẹ thế, sợ quá nên khóc ầm lên:
– Mẹ làm sao thế? Mẹ làm sao thế mẹ? Mẹ bị mệt à, mẹ mệt lắm à?
Cùng lúc đó, có mấy bác sĩ từ bên ngoài đi vào. Nhìn thấy tôi ngồi khóc lóc ở đó, một chú nói:
– Người nhà bệnh nhân đây à?
– Vâng, cháu là con của mẹ ạ.
– Sao để mẹ suy nhược cơ thể đến mức này? Mẹ cô ở một mình hay sao mà bệnh đến thế này rồi mới đưa đến viện điều trị?
Dạo này gần tết, tôi bán hàng đông khách nên rất bận, thỉnh thoảng tôi có gọi điện về cho mẹ nhưng lần nào nói chuyện bà cũng bảo mình vẫn khỏe, còn bảo với tôi ngày nào cũng đi hái rau tích trữ cho lợn để thảnh thơi ăn tết, thế mà đùng một cái mẹ tôi lại thành thế này.
Tôi quay sang nhìn bác sĩ, mếu máo khóc như mưa:
– Mẹ cháu bị làm sao hả bác sĩ? Không nặng lắm đúng không ạ? Truyền nước vào là khỏi đúng không ạ?
– Đi đến phòng của tôi nói chuyện.
Tôi theo bác sĩ ấy đến phòng trưởng khoa, vừa ngồi xuống chưa kịp ấm chỗ đã liên miệng hỏi:
– Bác sĩ ơi, cháu sốt ruột quá, bác nói cho cháu biết mẹ cháu có sao không ạ?
– Mẹ cô bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 3, khả năng sống sót sau 5 năm chỉ còn khoảng 25 – 35%.
Tai tôi ù đi, tự nhiên cổ họng nghẹn lại không làm sao mà nói được nên lời. Bố tôi và em trai đã mất liên lạc với mẹ con tôi gần chục năm nay, bây giờ coi như tôi chỉ có mình mẹ. Mà mẹ tôi bị ung thư như thế này, mẹ tôi có bề gì… tôi sống làm sao bây giờ.
Tôi nuốt khan mấy ngụm nước bọt, cố không khóc nhưng nước mắt cứ chảy ra, cố gắng lắm mới nói ra được mấy chữ:
– Bác sĩ… bảo sao ạ? Mẹ cháu bị … ung thư ấy ạ?
– Quan trọng nhất là mẹ cô không ăn uống đầy đủ, cơ thể suy nhược vì thiếu dinh dưỡng là một, vì ung thư là hai. Khám sơ bộ, tôi thấy tâm lý của bà cũng không được tốt là ba. Những điều này khiến tốc độ phát triển của tế bào ung thư nhanh hơn, nghĩa là chuyển từ giai đoạn 1, sang 2, rồi sang 3 nhanh hơn.
– Cái này, có chữa được không hả bác sĩ? Chắc chữa được chứ ạ?
– Bây giờ cứ làm phẫu thuật cắt bỏ vùng có tế bào ung thư, sau đó kết hợp với hóa trị. Tôi gọi cô vào đây là để dặn dò gia đình, trong những giai đoạn thế này, vấn đề về dinh dưỡng và tâm lý rất quan trọng đối với việc điều trị bệnh, cô hiểu ý tôi chứ.
– Vâng, vâng ạ. Cháu hiểu ạ.
– Vậy gia đình cứ về bàn bạc đi, có chấp nhận phẫu thuật và hóa trị thì ra bệnh viện tuyến Trung ương chuyên về ung thư để điều trị. Tôi cũng chỉ tư vấn được thế thôi.
– Vâng, cháu cảm ơn bác sĩ.
Sau khi rời khỏi phòng bác sĩ, tôi giống như người mất hồn, không khóc và cũng không nghĩ được gì, hai mắt ráo hoảnh lê từng bước về phòng bệnh của mẹ.
Tôi ở với mẹ đến tối, Tùng mới gọi điện lại, nhưng anh không hề hỏi gì mà quát tôi luôn:
– Cô đi đâu mà không về cơm nước đấy? Gần tết đông khách cô đóng cửa hàng đi đâu?
– Em đến bệnh viện với mẹ. Mẹ ốm.
– Ốm gì. Cả năm không ốm, tự nhiên gần tết ốm cái gì.
Lâu nay anh ta vẫn luôn đối xử bên trọng bên khinh giữa nhà nội và nhà ngoại, Tùng không ngó ngàng gì đến mẹ tôi đã đành, còn thường tỏ ra khó chịu khi tôi về thăm mẹ và biếu mẹ quà. Giờ mẹ tôi bị thế mà anh ta vẫn có thể nói năng như vậy, tôi tức quá nên cũng cãi lại:
– Mẹ tôi bị ung thư đấy, anh sống ác vừa thôi.
Đầu dây bên kia im lặng rất lâu, một lúc sau anh ta mới nói:
– Đang ở đâu?
– Bệnh viện chứ ở đâu.
Tùng không nói không rằng câu nào, cúp rụp máy luôn. Nửa tiếng sau, tôi mới thấy anh ta gọi lại hỏi phòng bệnh rồi vào thăm mẹ tôi. Khi anh ta đến chỉ đi tay không, vào phòng chỉ liếc mẹ tôi đúng một cái rồi nói:
– Thế là thế nào? Bị lâu chưa?
– Em không biết, lên bệnh viện trung ương khám mới biết chắc được.
– Thế lúc nào đi?
– Sáng mai em thuê xe cho mẹ đi sớm.
Anh ta ngồi một lúc, chẳng nói chẳng rằng câu gì mà chỉ ngồi chơi điện tử, nửa tiếng sau lại xách đít đi về. Sáng hôm sau, một mình tôi thuê xe chở mẹ tôi ra bệnh viện K để khám, sau một ngày làm đủ mọi xét nghiệm, bác sĩ ở đây cũng kết luận mẹ tôi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 3, khả năng sống cũng chẳng còn được bao lâu nữa.
Tôi bán hàng lâu nay cũng dồn được một ít tiền, tiền đó tôi định để dành cho mẹ tôi dưỡng già hoặc nếu vợ chồng tôi có li dị, tôi cũng có cái mà trả cho người ta. Bây giờ tự nhiên mẹ tôi bị như thế này, tôi cũng chẳng thiết tha gì nữa mà rút hết để làm hóa trị cho mẹ.
Mẹ tôi ở bệnh viện K điều trị cả tết năm ấy, chồng tôi chỉ gọi điện hỏi thăm được đúng một lần, còn lại cũng chẳng thèm quan tâm tôi và mẹ sống hay chết như thế nào.
Khi đó, tôi mới thấm thía “khác máu tanh lòng” là như thế nào, dù là vợ chồng nhưng đối xử với nhau chẳng khác gì người dưng nó tệ bạc ra sao.
Xong lần hóa trị đầu tiên, tóc mẹ tôi đã bắt đầu rụng từng mảng, mặt mày không xanh nữa mà trắng bệch như tờ giấy. Hôm mẹ tỉnh, bà cầm tay tôi khóc mãi:
– Con ơi, con phải tha thứ cho mẹ thì mẹ mới nhắm mắt xuôi tay được. Đời này mẹ không cho con được cái gì, mẹ chỉ làm khổ con thôi.
Tôi thương mẹ quá mà không biết làm thế nào, chỉ có thể cố gắng không khóc cho mẹ tôi yên lòng:
– Khổ gì. Mẹ không thấy gả con vào nhà ấy, giờ con được ra ở riêng, sống thoải mái, có lo gì về kinh tế đâu. Con sướng chứ con có khổ đâu.
– Con nói thật cho mẹ nghe đi, thằng Tùng nó có đối xử tốt với con không? Lần trước nó đánh con như thế, sau rồi có đánh nữa không?
– Không, anh ấy không đánh con nữa, anh ấy tốt lắm. Mẹ đừng lo.
– Ừ, chỉ cần nó tốt với con là được rồi, giờ chỉ mong có đứa con nữa thôi. Đàn bà phải có đứa con, khổ hay sướng thế nào cũng phải có đứa con con ạ.
Kinh phật đã dạy: Tội lỗi lớn nhất đời người là bất hiếu. Tôi biết mẹ nói thế nghĩa là trong tâm bà luôn mong trước khi chết được nhìn thấy cháu mình. Mà tôi thì lại hiếm muộn thế này, làm sao để sinh con đẻ cái cho bà yên lòng được? Nếu mẹ tôi mà mất trước khi tôi sinh con, có lẽ tôi cũng sẽ day dứt không yên cả đời, tôi cũng sẽ ân hận cả đời… Ông trời ơi, tôi biết phải làm sao bây giờ!!!
Cổ họng tôi nghẹn đắng, ngực thắt lại, ngẩng đầu lên nhìn gương mặt già nua và hốc hác của mẹ mình:
– Con sẽ cố gắng đẻ. Không được thì con làm thụ tinh, mẹ đừng lo. Kiểu gì con cũng sẽ đẻ cháu cho mẹ bồng.
Mẹ tôi làm hóa trị ở ngoài bệnh viện K gần một tháng thì được về nhà. Nói chung, bác sĩ bảo thời gian sống của người bị bệnh phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tâm lý nên tôi cũng cố gắng hết sức động viên mẹ thoải mái lên, thích đi chơi đâu thì đi, muốn ăn gì thì ăn, từ giờ không phải tiết kiệm hay nghĩ ngợi gì nữa.
Sau khi đưa mẹ về nhà, tôi suy nghĩ mất gần một tuần mới quyết định bàn với chồng tôi chuyện đi làm IVF. Hôm đó, sau một thời gian rất dài không ngủ chung với nhau, tôi mang chăn gối vào giường rồi nằm bên cạnh Tùng. Anh thấy tôi chủ động ngủ cùng như thế, ban đầu cũng hơi ngạc nhiên nhưng không nói gì. Còn tôi, sau khi im lặng rất lâu cũng lên tiếng nói trước:
– Anh thấy vợ chồng mình còn ở với nhau được bao lâu nữa?
– Sao tự nhiên hỏi thế? Lại muốn li dị à?
– Lâu nay em vẫn thắc mắc không hiểu sao anh không li dị với em, từ đầu mình không yêu nhau, mà em cũng chậm con, sao anh lại thế?
– Vì chưa đến lúc.
– Em còn nhớ năm ngoái, anh bảo là: nếu ở với nhau một năm nữa mà không có con thì li dị. Bây giờ chớp mắt cái cũng gần một năm rồi, anh định thế nào?
– Nói đi nói lại vẫn là muốn li dị mà không mất tiền đúng không?
Tôi ngoảnh mặt nhìn lên trần nhà, cười nhạt:
– Em biết anh không có tình cảm với em. Anh chưa li dị là vì tình nghĩa thời gian em chăm sóc anh. Anh có muốn cho cả em, cả anh một cơ hội nữa không?
– Ý là gì? Nói đi, vòng vo lắm thế?
– Mình đi làm thụ tinh trong ống nghiệm đi. Kiếm lấy đứa con, biết đâu cải thiện được mối quan hệ vợ chồng.
Tùng bỗng dưng quay sang nhìn tôi, không hiểu anh suy nghĩ gì trong đầu mà lúc lâu sau mới đáp:
– Suy nghĩ kỹ chưa? Làm thụ tinh trong ống nghiệm không phải đơn giản đâu.
– Suy nghĩ một tuần rồi. Lúc đầu em định để tự nhiên, nhưng giờ mẹ em bệnh tật như thế, để mẹ em đi mà chưa nhìn thấy mặt cháu, em day dứt lắm.
– Tùy cô, muốn làm sao thì làm.
– Vâng. Thế mấy ngày nữa em với anh ra bệnh viện Phụ sản khám nhé. Nếu làm được thì mình làm luôn trong tháng này.
Chồng tôi không trả lời mà chỉ lẳng lặng nhắm mắt ngủ. Tôi biết anh không trả lời nghĩa là đồng ý. Trong mấy năm qua Tùng cũng sốt ruột và mong con như tôi, có lẽ anh cũng phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình và bạn bè, giờ cũng muốn thử đi IVF một lần xem như thế nào, nếu không được thì vợ chồng buông tay nhau cũng không còn gì hối tiếc.
Mấy ngày sau đó, tôi thuê người chăm mẹ mình rồi lên bệnh viện phụ sản Trung ương làm hồ sơ để bắt đầu IVF. Bác sĩ bảo trường hợp của tôi rất khó nhưng không có nghĩa là không thể thụ thai được, bây giờ làm IVF tôi phải tiêm thuốc kích trứng liều cao vì buồng trứng của tôi chỉ còn một bên, sau đó chọc hút noãn rồi tạo phôi, nếu chuyển phôi thành công thì tôi vẫn sẽ làm mẹ được bình thường như bao người khác.
Chồng tôi chỉ lên khám đúng một lần rồi lại về quê bán hàng, còn tôi ở lại Hà Nội để bắt đầu quá trình tiêm kích trứng. Trong suốt những ngày tôi thuê trọ một mình ở đây, Tùng cũng có quan tâm tôi hơn nhưng tôi cứ cảm thấy sự quan tâm của anh cứ gượng ép miễn cưỡng làm sao ấy.
Những ai đã từng làm IVF mới biết, tiêm thuốc vừa đau vừa mệt, có những ngày say thuốc còn chẳng ăn nổi một thứ gì. Tuy nhiên, những điều ấy so với việc được làm mẹ đối với tôi chẳng thấm tháp vào đâu, hàng ngày tôi vẫn lạc quan chịu đựng mọi đau đớn với niềm tin mình rồi sẽ có con, vợ chồng tôi cũng sẽ hạnh phúc như người ta, thế nhưng… tôi đã không hề biết rằng, cái giá tôi đã trả cho những đau đớn đó lại không hề ngọt ngào như tôi vẫn tưởng.
Tôi ở Hà Nội gần nửa tháng thì đến ngày chọc trứng, cũng là ngày phải lấy tinh trùng của chồng tôi để tạo phôi. Hôm đó, sau khi làm thủ thuật xong tôi đau quá, đứng không đứng được mà ngồi cũng không ngồi được, buồng trứng bị quá kích nên bụng trướng căng lên như người đang mang bầu mấy tháng.
Tùng thấy tôi như thế cũng chẳng hỏi han được câu gì, thậm chí đến việc ăn uống anh cũng bắt tôi phải tự dậy để đi ăn.
– Sao còn nằm ì ra đấy, người ta dậy về hết rồi, nằm mãi ở đấy à?
Thực ra vì tôi chỉ còn có một bên buồng trứng, kích trứng liều cao hơn nên đau hơn. Tùng thấy các bệnh nhân ở giường khác đã về hết rồi mà tôi vẫn còn chưa chịu dậy nên bắt đầu khó chịu.
Tôi không muốn vợ chồng cãi nhau trong giai đoạn này nên vẫn nhẫn nhịn trả lời:
– Em đau quá, em nằm thêm tý nữa rồi về.
– Người ta cũng chọc trứng, mình cũng chọc trứng, người ta thì về được hết rồi thế mà mình thì cứ làm như sắp chết đến nơi.
– Anh đói rồi à? Tý nữa muốn ăn gì?
– Ở gần đây có chỗ nào ăn tối không?
– Cách đây 2km có một chỗ bán cơm gà, anh có thích ăn không, tý mình đi.
– Ờ.
Tôi biết chồng thích ăn cơm gà nên mới đề nghị như thế, còn anh thì vẫn vô tâm vô tư, cũng chẳng thèm hỏi tôi thèm ăn gì, đau thế ăn cơm có được không, cả buổi hết cáu gắt rồi lại quay sang nghịch điện thoại.
Sau khi xuất viện, Tùng đèo tôi đi xe máy ra chỗ tiệm cơm gà cách đó mấy kilomet. Lẽ ra tôi định đi Taxi cho đỡ xóc, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chẳng lẽ lại để chồng đi xe máy một mình, thế nên dù vẫn còn đau nhưng tôi vẫn cố ngồi xe máy với anh.
Đường Hà Nội hồi đó toàn ổ gà, mà mỗi lần xóc lên xóc xuống bụng tôi lại nhói lên từng cơn, đau đớn không sao chịu nổi. Có thể nói, 2 kilomet ấy với tôi là cả một cực hình, còn khốn khổ hơn lần bị mẹ chồng dội nước sôi vào người gấp nhiều lần, thế nhưng lúc gần đến tiệm cơm gà, Tùng chẳng thèm để ý đến tôi ngồi sau đang rên rỉ mà vẫn lao vào một đoạn cống to tướng khiến tôi phải gào lên:
– Đau quá. Anh đi kiểu gì thế?
Sẵn tính cộc cằn, anh ta lập tức sửng cồ lên rồi chửi tôi ầm ỹ ngay giữa đường:
– Kêu đéo gì mà kêu lắm thế. Đường nó nhiều ổ gà thì tránh kiểu quái gì được. Mày xuống đây mà đi này, bố mày đã đưa đi ăn còn lắm mồm.
Tôi không hiểu tại sao tính nết của chồng lại trở nên thô lỗ một cách cực đoan đến như vậy, trước đây dù không bao giờ dịu dàng được nhưng anh cũng không chửi bới tôi thế này, đặc biệt là ở chỗ đông người.
Khi đó tôi vừa đau vừa tức nên cũng cãi lại:
– Em đau thì em kêu chứ làm sao. Anh đi vào ổ gà như thế bụng em đau lắm.
– Mày làm như cả thế giới có mình mày làm thụ tinh. Mày làm được thì làm mà đéo làm được thì nghỉ mẹ đi.
– Sao anh nói buồn cười thế? Em có muốn đau như thế đâu, em đau thế lẽ ra anh phải đi chậm tránh ổ gà chứ sao anh lại chửi em.
– Tao chửi vì mày lắm mồm, người khác đã đưa đi ăn còn không biết điều.
Tôi ức đến nỗi đã mím chặt môi để không khóc rồi mà nước mắt vẫn tuôn ra như suối, khi đó tủi thân quá nên tôi nói:
– Thôi, nếu anh đưa em đi ăn mà thế này thì anh đi ăn một mình đi, em bắt Taxi về phòng trọ trước đây.
Nghe thế, Tùng lập tức phanh xe lại rồi xô tôi xuống đường:
– Cút mẹ mày luôn đi. Loại đàn bà đã đéo được tích sự gì còn làm mình làm mẩy, loại như mày đéo ai hầu được.
Người đi đường thấy chúng tôi to tiếng thì ai cũng ái ngại ngoái đầu lại nhìn, tôi bị xô xuống đường, người giống như tờ giấy lảo đảo suýt ngã, may sao túm được vào cột đèn mới đứng thẳng người được. Anh ta không thèm quan tâm đến tôi mà phóng xe đi luôn, bỏ mặc tôi chơ vơ bên vệ đường, vừa cay đắng vừa tủi nhục mà bất lực không làm gì được.
Đã làm IVF đến giai đoạn này rồi, lẽ nào lại chia tay?
Một chú lái taxi thương tình cho xe đi chậm lại rồi hạ kính xe xuống hỏi tôi:
– Sao thế cháu gái? Có cần đi bệnh viện không?
Mặt mày tôi lúc ấy đã tái xanh tái mét, hai mắt bắt đầu hoa đi rồi nhưng vẫn cố chấp lắc đầu:
– Không ạ. Chú cho cháu về nhà với, nhà trọ của cháu cách đây một đoạn thôi.
Sau khi lết được về đến phòng trọ, tôi khóa cửa, leo lên giường đắp chăn cẩn thận rồi mới bắt đầu khóc. Tôi đói, từ chiều đến giờ chưa được ăn gì, người lại mệt lả vì đau và mất sức, thế nhưng người mà tôi đã coi là chồng suốt mấy năm nay, người tôi đã chịu đủ mọi cay nghiệt và đau đớn để có thể mang thai cho anh, người mà tôi đã luôn mong có thể đi cùng tôi đến cuối đoạn hôn nhân này lại đối xử với tôi không bằng nổi một người dưng, bạc bẽo và ác độc đến mức khiến tôi không làm sao mà chấp nhận được.
Dù đã chuẩn bị trước tinh thần rồi nhưng tôi vẫn bị sốc tâm lý!!!
Nếu có ai hỏi tôi, kỷ niệm đáng sợ nhất trong cuộc đời là vào lúc nào, có lẽ tôi sẽ không trả lời là quãng thời gian bị mẹ chồng hành hạ mà là quãng thời gian khi tôi IVF lần đầu tiên. Khi đó, một bên là mẹ mình bị bệnh nặng, một bên là chồng mình đối xử với mình như vậy, tôi giống như chơi vơi giữa một hồ nước, hễ muốn ngẩng đầu lên lại bị xoáy nước nhấn chìm vào vực thẳm.
Lần thứ hai sau mấy năm kết hôn, tôi lại vừa khóc vừa gọi tên bố tôi một lần nữa: Bố ơi, em ơi, hai người bây giờ đang ở đâu? Có biết mẹ sắp bỏ con mà đi nữa rồi không? Có biết con khổ lắm không? Sao hai người không tìm con và mẹ? Sao hai người cũng bạc bẽo thế, hai người không nhớ con à?
Tôi khóc đến mức hai mắt sưng húp không mở ra được, cuối cùng cũng hết sức nên ngủ thiếp đi. Cả đêm hôm ấy Tùng không gọi điện cho tôi, mà tôi nhắn tin bảo anh về ngủ anh cũng không trả lời. Tôi chẳng biết anh đi đâu, làm gì, cũng chẳng còn sức đâu mà chờ đợi, chỉ biết nằm co ro trong căn phòng trọ mà không có một ai bên cạnh, không có một lời hỏi han, thậm chí một bát mì chống đói cũng không có.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!