Phù Hiểu, Em Là Của Anh!

Chương 4




Trên đường đưa Phù Hiểu về nhà Dương Mật, Đường Học Chính hỏi: “Ngày mai mình đi đâu em nhỉ?”

“Hả?” Phù Hiểu ngây ngẩn người, cô không hiểu sao anh lại hỏi thế: “Hôm nay em hơi mệt, ngày mai không định ra ngoài.”

“Làm gì có chuyện đi chơi một ngày đã mệt, loại việc như thăm quan này là cứ phải ‘rèn sắt khi còn nóng’[1].”

Cô chưa từng nghe ai nói như vậy cả.

“Ngày mai đi Tử Cấm Thành nhé, anh đến đón em.”

Lâu lắm rồi cô mới gặp một người nhiệt tình đến thế, Phù Hiểu cười nói, trong giọng pha một tia câu nệ, “Đường thiếu, cám ơn ý tốt của anh. Nhưng em không muốn làm phiền anh thêm nữa, làm trễ nải thời gian quý báu của anh, em sẽ không yên lòng.” Hại anh phải ở Địa Đàn cùng cô cả một buổi chiều, cô đã đủ ngại rồi.

“Đừng khách sáo thế, bạn của chị dâu chính là bạn của anh, nếu bọn họ không có thời gian chiêu đãi em để anh chiêu đãi em cũng như nhau.” Đường Học Chính nhẹ nhàng xoay tay lái một vòng, bâng quơ cười nói.

“Nhưng mà…”

“Không phải anh huênh hoang đâu, anh mà đưa em đi á, em sẽ được thấy rất nhiều thứ mà nếu đi một mình em không thấy được.” Đường Học Chính tự tiếp thị bản thân bằng cách cho thấy những ưu điểm của mình.

Phù Hiểu hơi hơi động lòng rồi.

“Nhưng mà, nhất định anh còn có việc khác…”

“Rất khéo là dạo này anh đang được nghỉ, nhàn đến phát hoảng luôn.”

“Thật chứ?”

“Đương nhiên là thật rồi.”

“Vậy thì…”

“Thậm chí anh còn có thể chỉ cho em mấy đường hầm bí mật ở đó nữa cơ.”

“Sau 10 giờ sáng có được không? Sớm quá thì em không dậy được.” Đến phút chót, Phù Hiểu vẫn bị dụ dỗ.

“Được quá đi chứ.”

Vì thế: mấy ngày liên tiếp, Đường Học Chính đưa Phù Hiểu đi thăm thú tất cả các địa điểm mà cô muốn đi: Tử Cấm Thành[2], Nam La Cổ Hạng[3], Phủ Cung Thân Vương[4], vv. Lợi ích mà Phù Hiểu thu được thật sự không ít, thậm chí cả những nơi không mở cửa cho khách vào thăm cô cũng theo anh lẻn vào. Hai người dần trở nên thân thiết, Phù Hiểu rất vui vẻ, cô nghĩ cô đã có thêm một người bạn tốt. Đường Học Chính là một người đàn ông tốt khó mà gặp được, anh lịch sự, hóm hỉnh, đôi khi chín chắn, đôi khi lại trẻ con. Chỉ có chút chuyện nhỏ vẫn khiến cô băn khoăn là: khi xung quanh là khung cảnh cổ đại, cô rất dễ chìm đắm trong những suy nghĩ của riêng mình, có lẽ những lúc đó động tác của cô quá chậm chạp nên về sau Đường Học Chính mới có thói quen dắt tay cô, giới thiệu cho cô về khu di tích.

Đi ra từ Phủ Đại Công Chúa[5], Phù Hiểu nói với vẻ cảm kích: “Đường Học Chính, em muốn mời anh đi ăn tối, anh có rảnh không?”

“Phải là em có rảnh không mới đúng?” Chàng trai cong môi lên, mấy hôm nay, anh chưa được ăn bữa cơm nào cùng cô.

Phù Hiểu ho khan hai tiếng, cô cảm thấy dạo này mình đã chiếm rất nhiều thời gian của anh rồi, không dám chiếm nốt thời gian anh ở bên bạn gái, thế nên cô luôn nói là Dương Mật ở nhà đợi cô về ăn cơm, mà thật ra mấy hôm nay Dương Mật và Tiêu Nhiên đều rất bận, bận đến nỗi hôm nào cũng mười một, mười hai giờ đêm mới về nhà.

“Chúng ta ăn gì đây?”

“Anh thích ăn gì nào?” Phù Hiểu hỏi ngược lại.

Đường Học Chính đang muốn mở miệng thì đột nhiên có tiếng nhạc vang lên, là di động của Phù Hiểu.

“Xin lỗi.” Cô gật đầu với anh, tiếp điện thoại, “Alo?”

“Cám ơn trời đất, Hiểu, cuối cùng tao cũng xong việc rồi, tụi tao đã đặt chỗ ở nhà hàng Alameda, mày bắt xe đến đây đi!” Giọng Dương Mật nghe như vừa trút được gánh nặng vang lên bên tai cô.

“Gì?” Phù Hiểu bị bất ngờ, cô thoáng liếc Đường Học Chính, sau đó suy nghĩ một lát rồi hỏi, “Nhà hàng nào?”

“Alameda,” Dương Mật chậm rãi nhắc lại, sau đó dặn dò, “Mày bảo tài xế: ở khu Triêu Dương, đồn Tam Lý, người ta khác biết.”

“Được, lát nữa tao qua.”

Cô cúp điện thoại, ngầng đầu nói với chàng trai tuấn lãng cao, lớn hơn cô rất nhiều, “Dương Mật đặt cơm trước mất rồi, anh có muốn đi cùng không?”

Đường Học Chính như có chút đăm chiêu, nhìn sang cô, “Chúng mình cùng đi?”

“Có vấn đề gì sao?” Phù Hiểu thấy khó hiểu trước câu hỏi của anh, sau một lát ngẫm nghĩ, cô cười nói: “Anh yên tâm, cô ấy không keo kiệt đến nỗi chỉ mời mỗi mình em đâu.”

Đường Học Chính bỗng bật cười, anh thua cô rồi, “Được rồi.”

Alameda là một tiệm ăn Brazil chính tông do người Brazil mở, việc kinh doanh cực kỳ nhộn nhịp. Thỉnh thoảng Đường Học Chính cũng đến đó dùng cơm nên khá quen đường, quanh co, lòng vòng một lúc thì anh cũng chở Phù Hiểu đến cửa nhà hàng.

Phù Hiểu nhe răng, cô bị xoay đến choáng váng. Nếu không có Đường Học Chính, cô sẽ bị tài xế ‘đập bao nhiêu cái sào trúc’[6] (lừa bao nhiêu xiền) đây.

Bồi bàn dẫn họ vào phòng ăn, kiến trúc mang đậm màu sắc văn hóa của một quốc gia khác cùng hương thơm thoang thoảng làm Phù Hiểu không khỏi hiếu kỳ, nhìn ngó chung quanh.

“Sao em cứ như trẻ con, đi chỗ nào cũng ngó ngó nghiêng nghiêng vậy.” Đường Học Chính cười cô.

“Ít ra em đã thấu hiểu được cảm giác của Già Lưu đến Đại Quan Viên[7].”

Đường Học Chính cười lớn, cho đến giờ, anh vẫn chưa gặp cô gái nào tự nói mình quê mùa đâu.

Tiếng cười thu hút sự chú ý của vợ chồng Tiêu Nhiên lúc này đang ngồi cạnh cửa sổ, hai người này vốn đang liếc mắt đưa tình với nhau, vừa ngầng đầu, họ lập tức bị hai người đang đi tới làm cho giật mình, liền vội vàng đứng dậy. Đường thiếu sao lại ở trong này? Hơn nữa tại sao anh ta còn nói cười với Phù Hiểu?

“Kẹo Mật, Tiêu Nhiên.” Phát hiện hai người họ, Phù Hiểu vui vẻ gọi.

“A, mày đến rồi.” Dương Mật ngơ ngác đáp lại một tiếng, sau đó cô nở nụ cười tươi rói, “Đường thiếu, khéo ghê, cậu cũng đến đây dùng cơm à?”

“Không, tớ đến đây ăn chực,” Thấy Phù Hiểu ngồi vào trong, anh ngồi xuống cạnh cô một cách cực kỳ tự nhiên, “Bởi vì Phù Hiểu nói các cậu không nhỏ nhen thế đâu.”

Hai vợ chồng chuyển mắt theo động tác của hai người đối diện, sau đó nhìn chằm chặp vào một nam một nữ ngồi trước mặt họ, suy nghĩ của hai vợ chồng không biết đã bay đến chốn nào rồi.

Lúc này, thấy vẻ mặt kỳ quái của họ, Phù Hiểu mới nhớ đến việc giải thích: “À, vừa rồi Đường Học Chính cùng tao đi thăm quan Phủ Công Chúa, tao định mời anh ấy ăn cơm rồi nhưng mày lại gọi điện thoại nên tao bảo anh ấy cùng đến đây luôn.”

“Đường thiếu đi Phủ Công Chúa với mày?” Dương Mật tròn mắt, hỏi lại cô.

“Không chỉ vậy, mấy hôm rồi anh ấy làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho tao suốt à.” Phù Hiểu nhìn sang Đường Học Chính vẻ cảm kích.

“Mấy hôm rồi?” Dương Mật xém biến thành vẹt, chỉ biết nhắc lại lời Phù Hiểu.

“Đường thiếu, mấy hôm rồi toàn cậu đưa Phù Hiểu đi thăm quan à?” Tiêu Nhiên cũng kinh ngạc lắm, hỏi.

Nhấp một ngụm nước chanh, Đường Học Chính nửa cười nửa không, “Vừa khéo tớ có rảnh.”

Hai vợ chồng Tiêu Nhiên thoáng nhìn nhau, kinh ngạc đến không nói nên lời. Đường thiếu nói vừa khéo anh ta rảnh rỗi, cho nên anh ta cùng Phù Hiểu đi thăm thú các nơi? Đây, đây là chuyện quá mức không tưởng rồi. Đường thiếu trông có giống loại đàn ông nhàn rỗi, cùng người khác đi du lịch khắp chốn không? Không những thế, còn mấy hôm liên tiếp lận?

“Tóm lại là tao gặp may.” Phù Hiểu cười tổng kết.

Dương Mật chịu không nổi lườm cô, có trúng năm trăm vạn cũng không khoa trương như bây giờ á! Cái con ả này thật là, chuyện lớn vậy mà không hó hé gì với cô, muốn đùa nghịch quả tim yếu ớt của cô hả!

*********************************

[1]趁 热打铁: Sấn nhiệt đả thiết (rèn sắt khi còn nóng): câu thành ngữ này khuyên chúng ta “hãy hành động ngay lập tức để có cơ hội thành công cao hơn” cũng như chỉ khi thanh sắt còn nóng đỏ, chúng ta mới có thể dễ dàng rèn nó thành hình dạng như ý.

[2]紫 禁城 : Hoàng cung của 24 vị vua cả triều Minh và triều Thanh Trung Quốc, Chu Đệ (Chu Thái Tông) vị vua thứ 3 của nhà Minh sau khi cướp ngôi anh dời đô đén Bắc Kinh khởi công xây dựng Tử Cấm Thành, Tử Cấm Thành hoàn thành năm 1420, ngày nay Tử Cấm Thành nay còn gọi là Cố cung. Diện tích Tử Cấm Thành là 720.000 m², gồm 800 cung và 8.886 phòng. Do đó, UNESCO đã xếp Cố Cung vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và được công nhận là Di sản thế giới tại Trung Quốc vào năm 1987 với tên gọi là Cung điện triều Minh và triều Thanh tại Bắc Kinh và Thẩm Dương.

[3]南 锣鼓巷: Nam La Cổ Hạng, một trong những khu phố cổ xưa nhất của Bắc Kinh, có từ thời Nguyên.

[4]恭 亲王府: Phủ Cung Thân Vương hay còn gọi là Phủ Cung Vương (恭王府), là một trong những Vương Phủ nhà Thanh được bảo tồn hoàn hảo nhất của Trung Quốc. Chủ nhân của Phủ này đều là những người có uy quyền uy nhất thời nhà Thanh, đứng “dưới 1 người, trên vạn người” , 1 vị là sủng thần của vua Càn Long – Hòa Thân ( vào ở từ 1776 đến 1799) , 1 vị là Khánh Hy Thân vương Vĩnh Lân, con thứ 17 (con út) của Càn Long, em trai của vua Gia Khánh(vào ở từ năm 1799 đến năm 1852), 1 vị là em thứ 6 của vua Hàm Phong – Cung Thân Vương Dịch Hân ( vào ở từ 1852-1898).

[5]大 公主府: Phủ Đại Công Chúa, xây dựng thời Thanh, chủ nhân đâu tiên là con trai thứ 24 của Khang Hy, đến thời Đồng Trị ban cho trưởng nữ của vua là Vinh An Cố Luân Công Chúa, trở thành “Phủ Cố Luân Công Chúa”, tục xưng “Phủ Đại Công Chúa”. Về sau phủ lại chuyển ban cho trưởng nữ của Cung Thân Vương Dịch Hân là Vinh Thọ Hòa Thạc Công Chúa, trở thành “Phủ Hòa Thạc Công Chúa”, tục xưng vẫn là “Phủ Đại Công Chúa”, con gái của Cung Thân Vương không là cách cách mà là công chúa vì Từ Hi thích đứa cháu này, nhận làm con nuôi, con nuôi của thái hậu đương nhiên là công chúa. Số phận của Phủ Đại Công Chúa khá chìm nổi, thời dân quốc, từng bị Hòa Thạc công chúa gán nợ cho rạp hát Cát Tường thành trở chốn ăn chơi, tiệc tùng, 1956 thành bệnh viện, 1985 được trùng tu lại, Phủ Đại Công Chúa có diện tích khoảng 210.000 m3.

[6] Nguyên văn: 敲多少竹竿: xao đa thiểu trúc can (đập bao nhiêu sào trúc) ý như mình đã dịch ở trên, ý chung chỉ việc lừa đảo tống tiền, do có điển tích về 敲竹竿 (xao trúc can – đập sào trúc) như sau: Cuối đời Thanh, việc buôn lậu thuốc phiện phát triển nhưng thuốc phiện bị cấm, quan quân kiểm tra rất gắt gao, dân buôn thuốc phiện nghĩ ra một cách là giấu thuốc phiện vào sào trúc, chở bằng thuyền. Lần đó, một chiếc thuyền buôn chạy tới bến Thiệu Hưng, Chiết Giang có lính lên tra thuyền, vị sư gia trong đám biết mánh của chủ thuyền, đập đập sào trúc, có bụi bay ra, quan quân ko để ý chi tiết ấy chỉ có chủ tàu sắc mặt biến xanh, chủ tàu vội gọi vị sư gia đó vào khoang sau, hối lộ bạc để bịt miệng ông ta, sau thuyền đi bình an, quan quân ko tra được.

[7] Nguyên văn 刘姥姥进大观园: Già Lưu (刘姥姥): nhân vật trong Hồng Lâu Mộng, là bà một nông dân, quê mùa chất phác nhưng tốt bụng, sáng sủa, do có quan hệ xa lắc xa lơ với Giả phủ nên 3 lần đến Giả phủ, Đại Quan Viên là một khuôn viên xa hoa, lộng lẫy của Giả phủ, điển tích Già Lưu đến Đại Quan Viên tương đương với ‘nhà quê lên tỉnh’ của Việt Nam ạ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.