Nửa Đời Thanh Tình

Chương 191




Ngày mười bốn tháng mười một năm Khang Hi thứ sáu mươi mốt, tân hoàng đế Dận Chân bổ nhiệm đại học sĩ Mã Tề, cửu môn đề đốc Long Khoa Đa, Bát A Ca Dận Tự và Thập Tam A Ca Dận Tường làm tổng lý sự vụ đại thần, đồng thời triệu Đại Tướng Quân Vương Thập Tứ A Ca Dận Trinh đang ở tiền tuyến tây bắc về kinh chịu tang. Ngoài ra, lệnh cho Cửu Môn Đề Đốc Long Khoa Đa đích thân canh gác chín cửa kinh thành đã đóng kín đến ngày hai mươi để tổ chức quốc tang, không có chỉ dụ của hoàng đế, ngay cả thân vương cũng không được phép vào thành.

Sắp xếp xong tất cả mọi việc, khi Dận Chân trở về noãn các phía đông, Vân Yên đã ngủ say rồi. Nàng không hề ngủ trên long sàng phủ màn trướng vàng rực trong noãn các, mà cuộn người trên chiếc sập nhỏ, co ro trong chiếc chăn, tì nửa trán lên một góc sập, mái tóc rủ xuống gò má, nhìn nàng gầy gò và mệt mỏi.

Ngài tới long sàng lấy chiếc chăn thêu rồng màu vàng, khẽ khàng đắp lên người nàng, lẳng lặng ngồi bên sập ngắm nàng ngủ, không nói gì.

Sâu trong hốc mắt là đồng tử đen tuyền, trong đôi mắt dày đặc tơ máu, dưới cằm lún phún hàng râu xanh nhạt, bờ môi mím chặt không chút màu máu.

Vân Yên ngủ nhưng không ngon giấc, không biết mơ thấy gì, thỉnh thoảng nàng khe khẽ nói mớ. Dận Chân nhẹ nhàng vỗ lưng nàng, bỗng Vân Yên thốt lên một tiếng "Dận Chân!"

Vân Yên mở choàng mắt, trên trán còn đọng vệt mồ hôi, gương mặt người ấy cũng xuất hiện trước mắt nàng.

Dận Chân khom người xuống, Vân Yên giơ hai tay lên, hai người ôm chầm lấy nhau.

Vân Yên cọ nhẹ gò má mình lên khuôn mặt lành lạnh của Dận Chân, hai tay cũng vòng qua cổ ngài, mười ngón tay xanh xao lạnh buốt mơn trớn vành tai và làn da trên cổ ngài. Sự thân thiết ấy, đem lại cảm giác an tâm hơn bất kì ngôn ngữ nào.

- Lạnh không?

Vân Yên khẽ hỏi ngài.

- Ôm nàng thì không lạnh nữa, nàng lạnh à?

Dận Chân kề bên tai nàng, thủ thỉ bằng giọng khàn khàn.

Mười ngón tay lành lạnh của Vân Yên từ làn da trên cổ áo long bào chầm chậm di chuyển xuống, cảm nhận độ ấm ở phía dưới, nàng hơi nghiêng mặt nhẹ nhàng hỏi:

- Thế này được không?

Dận Chân trầm khàn đáp:

- Sao lại không được.

Khoé mắt Vân Yên ươn ướt, sự lạnh lùng và mệt mỏi trên gương mặt ngài luôn làm trái tim nàng đau đớn. Nàng rút tay ra, nắm lấy đôi tay buốt giá của ngài đặt đến bên môi hà hơi sưởi ấm, rồi kéo vạt áo dưới mình ra, đặt bàn tay rộng lớn của ngài lên ngực mình.

Dận Chân không để tay mình gần làn da ấm áp mềm mại của nàng, ngài vùi mặt vào cổ nàng, giọng nói trầm trầm:

- Sẽ lạnh đấy.

Vân Yên sờ hàng râu lún phún trên gò má ngài, áp lên khuôn mặt ấy, đáp:

- Không lạnh.

Dận Chân nói sâu xa:

- Đừng sợ gì cả, có ta ở đây, trời sẽ không sập.

Vân Yên mỉm cười:

- Thiếp biết, thiếp không sợ gì hết.

Tay Dận Chân dần nóng lên, đặt bên vùng bụng mịn màng của nàng, trên đôi tay tràn ngập hơi ấm. Ngón tay mảnh khảnh của Vân Yên vuốt ve mí mắt ngài, trượt theo bọng mắt và nếp nhăn nơi khoé mắt, lướt qua hàng râu dưới cằm, và ánh mắt vẫn luôn nhìn thẳng vào khuôn mặt Dận Chân.

Bên ngoài phòng vang lên tiếng gọi khe khẽ của đại thái giám Nguỵ Châu:

- Hồi bẩm Hoàng thượng, đại học sĩ Trương Đình Ngọc và tổng lý đại thần Trương Khoa Đa đang ở điện Chiêu Nhân chờ thánh giá ạ.

Giọng Dận Chân trầm xuống:

- Trẫm biết rồi.

Vân Yên thẽ thọt:

- Chàng đi đi, thiếp chờ chàng về cùng ăn cơm.

Dận Chân rút tay ra xoa đầu nàng, nói dịu dàng:

- Là chuyện di chiếu kế vị... ta sợ nàng ngủ ở đây bị lạnh, không muốn ngủ trên giường sao?

Vân Yên cắn môi, nói thật:

- Chưa từng ngủ trên long sàng, nên không quen.

Khoé môi Dận Chân cũng bất giác thả lỏng hơn, hôn lên trán nàng:

- Tẩm cung hàng ngày của hoàng khảo đều ở noãn các phía tây, nàng đừng quá căng thẳng, ta đến điện Chiêu Nhân bên cạnh bàn chuyện, bàn xong ta sẽ về.

Sau khi Dận Chân đi, Vân Yên khoác áo vào. Khang Hi vừa mới băng hà, ngay cả trong cung cũng trở nên lạnh lẽo.

Lần đầu tiên Vân Yên vào trong cung, dẫu vẫn chưa quen, nhưng nghĩ tới Dận Chân một ngày một đêm chưa có hạt cơm giọt nước nào vào bụng, nàng định dặn dò cung nữ đang trực chuẩn bị một ít, ai ngờ vừa bước chân ra khỏi cửa thì thấy Tô Bồi Thịnh thở hồng hộc, quỳ thụp xuống trước cửa:

- Phu nhân!

Vân Yên giật mình:

- Sao vậy, vào rồi hẵng nói.

Tô công công bò lên, nói bằng giọng rất nhỏ:

- Đức... Hoàng Thái Hậu biết Đại Hành hoàng đế băng hà, muốn tuẫn táng theo ngài!

Đầu Vân Yên ong lên, vịn vào cột trụ trước cửa. Nhà đã dột còn gặp bão bùng. Trước đây, Dận Chân đã từng nói với nàng chuyện xưa giữa mẹ đẻ và mẹ nuôi, hôm nay chuyện này lại xảy ra ngay trước mắt. Bây giờ Đức phi muốn tuẫn táng theo vua, Dận Chân không chỉ mất cha mất mẹ, mà vị hoàng đế mới là ngài phải nói với người trong thiên hạ thế nào? Phải làm sao để tất cả mọi người đều tin ngài không lên ngôi bất chính?

Vân Yên đứng vững lại, lập tức sải chân bước:

- Mau đưa tôi đi.

Nàng đi ra ngoài, thấy cung nữ đứng trực bèn hỏi:

- Cô có biết điện Chiêu Nhân không?

Cung nữ quỳ xuống trả lời:

- Nô tì biết ạ, để nô tì đưa chủ tử qua đó.

Hai người vội vàng đi theo tiểu cung nữ tới điện Chiêu Nhân nằm bên cạnh, Vân Yên không còn tâm tư để ý đến khung cảnh trang nghiêm xa hoa của cung vua.

Điện Chiêu Nhân rất gần, ở phía đông của noãn các đông, từ phòng ngoài đi qua một cánh cửa là tới, đứng ở cửa là đại thái giám Nguỵ Châu và mấy tiểu thái giám khác.

Nguỵ Châu đương nhiên biết Vân Yên, ông ta tinh mắt khuỵu gối quỳ xuống hành lễ, khiến những tiểu thái giám đứng xung quanh không biết thân phận Vân Yên cũng dè dặt quỳ theo.

Vân Yên không quan tâm nhiều đến thế:

- Nguỵ công công mau đứng lên đi, vào nói Tô công công tìm... Hoàng thượng vì có việc gấp cần bẩm báo!

Dận Chân đột ngột thay đổi thân phận, trước mặt người khác Vân Yên cũng phải dần làm quen. Nguỵ Châu vừa mới bẩm báo, bên trong đã vang lên tiếng cho vào. Vân Yên dẫn Tô Bồi Thịnh vào, ba người Dận Chân, Trương Đình Ngọc, và Long Khoa Đa đang đứng trước ngự án đọc di chiếu.

Long Khoa Đa hiển nhiên biết thân phận Vân Yên, Trương Đình Ngọc hình như cũng biết, hai người tiếp tục cúi đầu nhìn di chiếu. Dận Chân thấy Vân Yên đưa Tô Bồi Thịnh vào, lập tức đi tới hỏi:

- Sao thế?

Vân Yên quay người nhìn Tô Bồi Thịnh, y lập tức ghé vào tai ngài thì thầm. Dận Chân nghe xong giật mình, bước chân hơi loạng choạng, Vân Yên vội đưa tay ra dìu ngài.

Dận Chân nắm chặt ngón tay Vân Yên, nhìn Tô Bồi Thịnh, thở gấp mà hỏi:

- Tình hình hiện giờ thế nào?

Tô Bồi Thịnh đè thấp giọng:

- Đã được cung nhân cứu rồi ạ, nhưng tình hình không ổn, sợ rằng sẽ...

Vân Yên nắm lấy bàn tay đang run rẩy của ngài:

- Nếu bây giờ có thể, thì chàng đi xem thế nào đi.

Dận Chân gật đầu, quay người dặn dò hai người Long Khoa Đa và Trương Đình Ngọc mấy câu, rồi đưa Vân Yên và Tô Bồi Thịnh sải bước khỏi điện Chiêu Nhân.

Cung Vĩnh Hoà cách cung Càn Thanh một đoạn, Dận Chân đứng trước cửa, xoay người lại kéo tay Vân Yên:

- Cung Vĩnh Hoà khá xa, nàng lại ăn mặc phong phanh, để cung nhân đưa nàng về cung, ta làm xong việc sẽ về.

Vân Yên mím môi gật đầu, nhưng vẫn không yên tâm, ghé vào tai ngài nhắn nhủ:

- Dù gặp chuyện gì cũng đừng nóng vội, ngạch nương của chàng cũng do quá đau buồn mà thôi, bà nói gì chàng cũng đừng để trong lòng, chỉ cần an ủi bà, ổn định lại tinh thần bà.

Dận Chân đáp:

- Được, ta biết rồi.

Vân Yên cùng tiểu cung nữ trở về noãn các phía đông cung Càn Thanh, luôn cảm thấy đứng ngồi không yên, có phần hối hận vì đã không kiên quyết cùng ngài đến cung Vĩnh Hoà, nhưng nàng cũng biết, có lẽ một nô tài mang thân thận không phải hậu cũng chẳng phải phi như mình sẽ không làm được điều gì. Dù vậy, đại lễ đăng cơ của Dận Chân chưa tiến hành, tất cả mọi việc lúc này đều phải cẩn thận.

May mắn thay bây giờ là thời khắc cũ mới giao thoa, hễ là gia quyến của tân hoàng, dù không nói không được vào, nhưng dù có vào, thì hơn một nửa vẫn chưa được phong hiệu, thế nên sẽ không làm khó nàng.

Vân Yên không mang nhiều quần áo theo, tiểu cung nữ đưa nàng bộ quần áo màu tro lông chuột của cung nhân để thay, vì vậy đi đâu cũng không quá thu hút, còn sau này, nàng biết có lẽ mình vẫn mang thân phận ấy, chỉ với tư cách "cô cô" cũ mà thôi.

Trời đã tối hẳn, Vân Yên ăn một ít cháo trắng thanh đạm, rồi tắm rửa sạch sẽ, trên bàn là cháo trắng để phần cho Dận Chân, đổi hết bát nọ đến bát kia. Thỉnh thoảng nàng nhìn ra cửa ngóng trông, còn sai một tiểu thái giám đến cung Vĩnh Hoà hỏi thăm tình hình.

Khi Dận Chân về đến cung Càn Thanh, sắc mặt cực kì kém, không hé nửa lời, chỉ nghe thấy tiếng thỉnh an đồng thanh "Hoàng thượng cát tường" của nhóm cung nữ thái giám bên ngoài, ngay cả thở mạnh họ cũng không dám.

Vân Yên ra ngoài đón ngài, thấy ngài mệt mỏi, nàng vội vàng bước tới dìu, vẫy tay ra hiệu cho các cung nữ đứng lên, rồi đỡ ngài vào trong phòng ngồi. Ngài như đứa bé bị thương, vùi người trong lòng nàng, im lặng không nói gì.

Vân Yên ngồi xuống sập, ôm đầu ngài. Một lát sau, ngài khàn khàn nói:

- Trán của ngạch nương bị thương, ta quỳ xuống khẩn cầu hết lời, cuối cùng ta nói nếu bà chết, ta cũng chết theo, bà mới gượng gạo đồng ý sẽ không bồi táng, nhưng bà một mực không chấp nhận người khác gọi mình là Thái hậu, không muốn đến cung Ninh Thọ, không muốn thứ gì hết, bà nói chỉ muốn gặp Thập Tứ đệ.

Tim Vân Yên nhói lại, mũi cũng cay xè, dường như trong đầu đã hiện lại khung cảnh thảm thương ấy, môi nàng áp lên trán ngài, thì thầm:

- Rồi dần dần bà ấy sẽ nhìn thấy tấm lòng của chàng. Không có bà mẹ nào không thương con mình, điều bọn họ cần là thời gian.

Dận Chân khép mắt lại ôm chặt lấy nàng, gật nhẹ đầu. Vân Yên sờ trán ngài, khẽ nói:

- Ăn chút cháo nóng nhé? Lót bụng để còn túc trực bên linh cữu.

Dận Chân trả lời "được".

Vân Yên chậm rãi buông ngài ra, đi tới bên bàn lấy nửa bát cháo nóng rồi quay lại, thổi nguội từng muỗng rồi đút cho ngài. Ăn xong, Vân Yên giúp ngài rửa chân rửa mặt, chỉnh lại áo tang. Nàng cũng mặc thêm áo của cung nữ, khoác áo tang bên ngoài, hai người cùng túc trực bên linh cữu.

Dận Chân thấy nàng mặc quần áo cung nữ thì chau mày:

- Nàng không cần vậy đâu, không ai dám...

Vân Yên kéo tay ngài, vỗ về:

- Thiếp không mang quần áo theo, nên bảo cung nữ lấy hộ mấy bộ, nhưng như vậy lại thuận tiện, tốt nhất là không nên gây sự chú ý.

Dận Chân nắm tay nàng thật chặt, không nói lời nào.

Quan tài của Khang Hi được đặt trong cung Càn Thanh, linh cữu xa hoa to lớn như một dãy núi cao đen tuyền, hương khói nghi ngút. Tô công công dẫn tiểu thái giám vào trải thảm, có thái giám và cung nữ cùng trực đêm.

Các cung nữ thái giám thấy tân hoàng đến, đồng loạt quỳ xuống thỉnh an, Dận Chân xua tay, họ đều lui xuống trong yên lặng.

Hai người quỳ trước linh cữu cả đêm, vừa đốt tiền vàng, vừa trông đèn nhang, khi Vân Yên buồn ngủ, Dận Chân sẽ lấy chăn quấn nàng lại, để nàng gối lên đầu gối mình ngủ một lát.

Cung Càn Thanh trong đêm đông, không còn dáng vẻ ngày xưa của cung Càn Thanh khi Khang Hi còn sống, trong trí nhớ Vân Yên, nơi náo nhiệt ấy đã hoàn toàn đi theo vị hoàng đế thiên cổ. Cả đêm Dận Chân ôm nàng, trong cung điện mênh mông trống trải chỉ còn lại hai người trong cái ôm ấm áp, chậu lửa vẫn lặng lẽ cháy, chợt sáng chợt tối.

Trong thời cuộc rối ren, gia quyến đều ở trong viện mình, chỉ có Tô công công trước mắt, hai người chờ trong cung, ngoài việc triệu đại thần vào bí mật thảo luận, thì không đi đâu khác.

Ban ngày, Dận Chân đưa Vân Yên về noãn các phía đông nghỉ ngơi, rồi ngài lại về điện Chiêu Nhân.

Đêm đến, hai người như hình với bóng quỳ trước linh cữu. Chỉ có hai người, tuy mệt, nhưng không cảm thấy quá tang thương.

Ngày mười sáu, tân hoàng Dận Chân công bố di chiếu "Dụ lệnh Hoàng Tứ Tử Dận Chân kế vị đăng cơ" với các đại thần.

Khi ấy, văn võ bá quan mặc đồ tang, sau khi hành lễ ba quỳ chín dập đầu thì nghe tuyên chiếu. Tuyên chiếu xong, các quan đứng lên mặc niệm, rồi tiếp tục hành lễ ba quỳ chín dập đầu với tân hoàng. Lúc này, Lễ bộ mới thông báo di chiếu của hoàng đế Khang Hi cho cả nước, để tất cả người dân đều biết.

iết tân hoàng quỳ thâu đêm canh gác linh cữu, các văn võ bá quan dâng tấu chương mời tân hoàng chịu tang ở điện Chiêu Nhân hoặc điện Ngự Hoằng, Dận Chân lấy lý do không chịu nổi khi chỉ ngồi lì trong điện để từ chối, đổi sang sống trong căn phòng nhỏ phía đông cung Càn Thanh.

Sắc trời dần ngả về tối, tuy lều cỏ dưới bức tường phía đông được dựng để người trong thiên hạ biết tân hoàng giữ đạo hiếu, nhưng Dận Chân và Vân Yên thật sự đã ngủ trong ấy. Trong lều cỏ đơn sơ tối tăm, Vân Yên vùi người trong lòng Dận Chân, lắng nghe nhịp tim của ngài, từ từ ôm chặt lấy ngài, cảm thấy yên lòng hơn cả khi ngủ trên long sàng xa hoa.

Dận Chân của nàng không còn trẻ trung nữa, nhưng tấm lòng đã bao la hơn hồi trẻ, trên vai gánh vác giang sơn xã tắc. Tất cả đều là tham vọng ngài theo đuổi, nàng vui mừng thay ngài, và cũng yêu thương ngài. Dầu rằng trong xã hội phong kiến trọng xuất thân, nàng biết mình sẽ không bao giờ trở thành hoàng hậu, nhưng ngài vẫn luôn là chồng và người thân của nàng.

- Để nàng chịu khổ cùng ta rồi.

Ngón tay Dận Chân bỗng chạm lên hàng mi nàng, ngài thầm thì nói thế, dường như biết nàng chỉ nhắm hờ mắt.

- Ngốc, cho phép sau này chàng bù lại.

Vân Yên thẽ thọt một câu, khoé môi nhẹ nhàng hôn lên yết hầu ngài, trên môi còn mang theo nụ cười.

Dận Chân đáp:

- Một lời đã hứa.

Bên ngoài điện chợt vang lên tiếng nói chuyện khiến cả hai người đều mở choàng mắt, tiếng bước chân khẽ khàng tới gần căn lều, là giọng nói của Tô Bồi Thịnh.

- Sao thế?

Dận Chân ôm Vân Yên mà không cử động, cau mày mở miệng hỏi.

- Hồi bẩm Hoàng thượng, Đại Hành đế Hoà phi nương nương đang khóc bên ngoài điện, nói muốn vào điện tế bái ạ.

Vân Yên sửng sốt, Hoà phi Qua Nhĩ Giai thị ư? Bà là sủng phi lớn tuổi nhất của Khang Hi, cũng là phi tần phụng mệnh Khang Hi tận tâm chăm sóc Hoằng Lịch sau khi cậu vào cung, khi xưa lúc nàng còn ở Ninh Cổ Tháp, bà là con gái của hiệp lĩnh (1) nơi ấy. Mối liên quan giữa bà và phủ Ung Thân vương không hề hời hợt.

Dận Chân cỏn rõ hơn bất cứ ai, ngài bế Vân Yên lên, nói nhỏ vào tai:

- Ta không đi, nếu nàng muốn gặp bà thì đi đi.

Vân Yên lắc đầu:

- Không cần đâu, thiếp không muốn gây thêm rắc rối.

Dận Chân hôn nàng, thể hiện sự đồng ý trong thầm lặng.

Ngày mười chín, tân hoàng Dận Chân lệnh cho quan viên Lễ Bộ sau khi cúng tế ở đàn thờ trời, thái miếu và đàn Xã Tắc (2), thì bãi bỏ lệnh cấm vào cửa kinh thành trước thời hạn.

Đêm nay, long bào dành cho đại lễ đăng cơ đã gấp rút làm xong sau bao nhiêu ngày đêm không nghỉ, Vân Yên tự tay giúp Dận Chân thử bộ lễ phục màu vàng rực, từng đường kim mũi chỉ tỉ mỉ khiến người ngắm cảm thán không thôi...

Đường mép được làm từ lông chồn tía Hải Long, hoa văn rồng và thập nhị chương được thêu xuyên suốt lễ phục; hai vai, trước cổ sau cổ thêu chính long, trên eo có năm con hành long, vạt áo trước thêu một con chính long, trên các nếp gấp trước sau là chín con đoàn long, ngụ ý "Cửu ngũ chi tôn", ngoài thập nhị chương là nhật, nguyệt, tinh thần, sơn, long, tảo, hoa trùng, phủ, phất, hoả, tông di, phấn mễ (3), đan xen là những đám mây ngũ sắc, dưới vạt áo thêu "thuỷ cước" (Là nhiều đường gấp khúc xếp lên nhau), như những con sóng cuồn cuộn tầng tầng lớp lớp, trên những con sóng ấy là châu báu bảo ngọc, thoạt nhìn như mang theo khí thế của người thống nhất giang sơn đứng đầu thiên hạ. Đoan tráo (áo choàng), mũ miện, dây lưng, chuỗi tràng, giày rồng đi cùng phức tạp lộng lẫy hơn long bào thường ngày rất nhiều.

Râu ngài đã dài hơn, bờ vai rộng rãi và thân hình cao lớn càng làm gò má ngài thêm gầy gò, ngũ quan càng thêm lạnh lùng. Vân Yên tự tay chỉnh trang lại khuôn mặt hốc hác của ngài trong những ngày đêm thức trắng, gột bỏ mệt mỏi gió sương, nhưng không thể nào làm giảm đi sự đau thương.

Đã canh bốn, Vân Yên giúp ngài mặc xong bộ long bào trang nghiêm long trọng xa hoa nhất, nàng lùi ra xa ngắm mới nhận ra, hoá ra bộ trang phục này lại hợp với ngài như vậy, khí chất uy nghiêm lại ung dung ấy như được sinh ra sẵn cho ngài.

Ngay cả người sớm chiều bên ngài hơn hai mươi năm là nàng còn cảm thấy vẻ đẹp này thật lạ lẫm, như có cả kính trọng, có cả tôn sùng. Không thể không cảm thán cổ đại đã tạo ra hàng loạt cách hoàn chỉnh chỉ vì tôn sùng hoàng quyền, như vậy người ngắm sao có thể gần gũi, thân cận, sao có thể không thấp thỏm lo lắng.

Sáng sớm ngày hai mươi, Dận Chân đến điện Thái Hoà trước để thực hiện đại điển đăng cơ, nhận lời chúc mừng từ văn võ bá quan trong triều. Khung cảnh vô cùng uy nghiêm. Theo lệ cũ, hoàng đế sẽ đến hành lễ với Thái hậu trước, nhưng Đức phi từ chối không nhận vị trí Thái Hậu, do vậy không chịu để tân hoàng hành lễ với mình, đại điển đăng cơ suýt nữa không thực hiện được nghi lễ mở đầu. Sau đó Tổng lý đại thần ra mặt, cũng bị từ chối. Cuối cùng tân hoàng đế đích thân đến thỉnh cầu lần nữa, bà mới đồng ý nhưng không hề vui vẻ, đại điển đăng cơ rốt cuộc được bắt đầu.

Vì Khang Hi vừa mới băng hà, nên không nhận những lời chúc từ đại thần. Sau đó là ban bố di chúc truyền ngôi, công bố di nguyện kế thừa của Khang Hi, cũng công bố cả ba mươi điều trong thánh chỉ, sửa niên hiệu thành "Ung Chính", thường gọi là "Ung Chính Đế".

Trên bảy bậc thềm, ở vị trí cao nhất giữa đại điện đặt ngai vàng, trên ngai vàng là ba mươi con rồng vàng uốn lượn xung quanh, một con chính long trong đó ngẩng đầu nằm giữa lưng ngai, hung tợn uy nghiêm, kê dưới ngai vàng màu vàng rực là bệ chân khá cao, hai con rồng nghịch ngọc được khắc theo hình vòng cung trên đầu lưng ghế, nước sơn vàng óng.

Hoàng đế Ung Chính Ái Tân Giác La Dận Chân lần đầu tiên ngồi trên ngôi báu chạm rồng bằng vàng cao quý bậc nhất Tử Cấm Thành, phía sau ngai vàng là bảy tấm bình phong vàng rực chạm hoa văn rồng mây, càng khiến văn võ bá quan không dám ngước mắt lên nhìn thẳng.

Hàng trăm quan viên trong đại điện không ai biết rằng, có một người phụ nữ được vua Ung Chính sắp xếp giả làm thái giám đứng phía sau tấm bình phong, nàng cũng cảm nhận được đại điển đăng cơ tôn quý không gì sánh bằng, trong lòng xúc động như thuỷ triều dâng.

Vân Yên lặng lẽ nín thở đứng sau tấm bình phong, ngón tay níu chặt hoa văn rồng mây trên ấy, trước khi đăng cơ, Thái Hậu của cung Thái Hoà đã nhiều lần làm khó Dận Chân, nàng đều nghe thấy hết, trong lòng lo âu không thôi. Nhưng nàng không thể nói, chúng ta không cần ngôi hoàng đế này nữa, nàng chỉ có thể đứng phía sau thầm nguyện cầu cho ngài vững vàng kiên định. Nàng biết, người đàn ông dù mạnh mẽ cỡ nào, nhưng ngày hôm nay đã không còn chút thể diện vì mẹ ruột, người thân sinh ra ngài.

Cho đến khi nghe thấy ba tràng pháo vang vọng Tử Cấm Thành phá tan mây xanh, Vân Yên mới yên lòng lại, để tiếng pháo vang khắp trong tim cùng cung kính nể phục. Chuông vàng và khánh ngọc dưới bệ đỏ son bắt đầu hoà tấu, âm thanh êm tai lanh lảnh như nước chảy, chóp mũi vấn vít mùi hương thoang thoảng toả ra từ lư hương quy hạc, sau ấy bên tai ngập tràn tiếng hô vạn tuế long trọng và tiếng hành lễ ba quỳ chín dập đầu, khiến mỗi lỗ chân lông của nàng đều thít chặt lại.

Nàng lặng lẽ ngước đầu nhìn thải họa (tranh màu) chạm rồng trên cột, trụ và xà nhà gần ngai vàng trong cung điện khổng lồ, tất cả đều được sơn son thiếp vàng. Bên trong khung trang trí trên trần là con rồng cuộn mình ngậm ngọc, hết thảy đều được phủ nước sơn vàng, một màu vàng choáng ngợp đôi mắt, một biển rồng khiến người nhìn lóa mắt, nơi đây toát lên khí thế cao quý xa hoa của cung điện hoàng gia không nơi nào sánh bằng, và người đàn ông ngồi trước nàng đây đang nhận những cái cúi đầu của văn võ bá quan, nhẫn nhịn bốn mươi lăm năm, cuối cùng quần lâm thiên hạ, làm bá chủ giang sơn.

Nàng nghe thấy giọng nói già dặn sắc bén rõ ràng từng câu từng chữ của đại thái giám Ngụy Châu khi đọc di chiếu truyền ngôi cho Ung Chính, đại điện yên tĩnh ngay cả tiếng hít thở cũng không nghe thấy.

Nàng nghe thấy giọng nói trầm khàn chỉ cách mình trong gang tấc:

- Ngày hoàng khảo về trời, có triệu trẫm đến kế thừa sự nghiệp...

Cuối cùng Vân Yên đã biết, hóa ra giờ phút này bản thân mình lại xúc động như vậy, khóe miệng có vị mằn mặn, nàng mới nhận ra mình nước mắt đầy mặt lúc nào không hay.

Sau khi tuyên bố bãi triều, Ung Chính đế bước về dưới cái quỳ của hàng trăm quan viên, đợi cho quan viên về hết, sau tấm bình phong, Vân Yên quỳ sụp xuống trước người ngài, chân tay tê rần bủn rủn.

Ung Chính xoa đầu gối nàng:

- Như đứa ngốc vậy, không phải Tiểu Thuận Tử đã chuẩn bị cho nàng ghế rồi hay sao?

Vân Yên hiểu ý ngài là nghi lễ mở đầu bị trễ ấy, nàng bèn ôm cổ ngài để đánh trống lảng, bỗng nhiên dịu dàng thủ thỉ vào tai ngài câu hoàng thượng, trong phút chốc Ung Chính bất ngờ suýt nữa bật ho khù khụ.

Vân Yên cười hì hì thành tiếng, vừa giúp ngài xuôi khí vừa nghịch chuỗi hạt trước ngực ngài.

- Thiếp là Luyện Luyện (4), bây giờ mọi người đều gọi thiếp như thế, chàng nghe xong cũng thấy thích.

Ung Chính xuôi khí, nhéo eo nàng:

- Nói linh tinh, nếu cả ngày nàng gọi ta như thế, thì không cần bận bịu chính sự nữa.

Vân Yên như cô gái nhỏ nũng nịu thì thầm vào tai ngài:

- Ôi chao, chàng không biết dáng vẻ uy nghiêm khi chàng xưng trẫm với người khác như thế nào đâu, rất có phong cách.

Ngài xoa đầu nàng, cuối cùng cũng không nhịn được mà bật cười, để cả người nàng tựa vào bình phong, nói:

- Những lời trước đây nói với nàng, nàng đã quên mất rồi... trẫm là thiên tử, nhưng chúng ta, vẫn là chúng ta.

Ngày mùng ba tháng mười hai, quan tài của Khang Hi được di chuyển đến Cảnh Sơn Thọ Hoàng Điện tạm thời yên nghỉ, đồng thời tiếp tục để tang.

(Còn tiếp)

(1) Hiệp lĩnh: quan viên tam phẩm đóng tại mỗi kỳ trong tám kỳ thời nhà Thanh.

(2) Đàn Xã Tắc: là một trong các loại đàn tế cổ, được các vị Vua cho lập để tế Xã thần (Thần Đất, 社) và Tắc thần (tức Thần Nông, 稷) - hai vị thần của nền văn minh lúa nước.

(3) Trên phẩm phục nhà vua có thêu mười hai hình gọi là mười hai chương, phân phối như sau:

1- Mặt trời (nhật 日)

2- Mặt trăng (nguyệt 月)

3- Những vì sao (tinh thần 星辰)

Nhật, nguyệt, tinh thần lấy ý nghĩa soi sáng.

4- Núi lấy nghĩa vững vàng (sơn 山)

5- Rồng lấy nghĩa biến hóa (long 龍)

6- Chim trĩ lấy nghĩa văn hoa (hoa trùng 華蟲)

Nửa áo dưới (thường) có thêu:

7- Bình tông di, có mang hình con hổ và con vị (một thử khỉ đuôi dài) tượng trưng cho quyền tế lễ (tông di 宗彞)

8- Rau tảo, lấy nghĩa khiết tịnh, thanh đạm (tảo 藻)

9- Gạo trắng, có nghĩa nuôi nấng (phấn mễ 粉米)

10- Lửa có nghĩa sáng soi và làm cho ấm áp (hỏa 火)

11- Lưỡi rìu chỉ sự quyết đoán, và quyền sửa phạt (phủ 黼)

12- Chữ phất, thành bởi hai chữ kỷ quay lại với nhau, chỉ sự cân nhắc, thận trọng. (phất 黻) (Theo Khổng học tinh hoa - Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ)

(4) Luyện luyện đọc giống với luyến luyến (yêu).


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.