Như Hoa Như Sương Lại Như Gió

Quyển 1 - Chương 11: TÌNH CŨ. ĐÊM TÀN




Chớm thu. Cuối cùng, cái nóng ran của mùa hạ khó chịu nhất ở Vũ Hán cũng chịu thu nanh khép vuốt, ông trời hào phóng ban phát mấy sợi gió mát đầu tiên.

Hàng cây ngô đồng trồng hai bên phố rì rào ngả ngớn theo những cuộc viếng thăm liên tục của gió heo may. Thân cây rung rung mời gọi gió rước những phiến lá run rẩy sắp rụng về làm kỷ niệm. Thế mà gió cứ cuốn lá khô, ném xuống đất tạo thành một thảm vàng úa, phũ phàng ngoảnh đầu không thành toàn cho cây, dẫu chỉ là chút dư tình. Mấy phiến lá tàn tạ rơi xuống vai Tư Kỳ, nàng vô tình lấy tay phủi xuống.

Phía trước không xa là một tòa biệt thự mang phong cách châu Âu, đó là khu dinh thự của những nhân vật cấp cao trong nước. Hai bên cổng đều có lính gác. Cánh cổng sắt lớn màu đen uốn hình hoa đứng sừng sững uy nghiêm ở chính giữa, trừng mắt nhìn người con gái xa lạ đang xách chiếc hộp giấy mày trắng đứng dưới chân mình. Đoàn Tư Kỳ đến chỗ lính gác nói rõ mục đích đến đây rồi đợi anh ta gọi điện vào trong thông báo. Chỉ lát sau, một bà vú đứng tuổi mặc áo dài màu trắng, quần đen bước từ trong phủ ra. Bà vú già hỏi cô gái đứng sau cánh cửa sắt: “Ông chủ Lý sai cô mang đồ đến hả? Cô tên gì?”

“Cháu là Đoàn Tư Kỳ, bác cứ gọi chác là Tư Kỳ được rồi. Cháu mang áo dài đến cho Khang phu nhân. Ông chủ chỉ sợ phu nhân lỡ buổi dạ tiệc nên ngày đêm may gấp, mãi trưa nay mới cắt chỉ và giao cho cháu mang tới đấy ạ”. Tư Kỳ không thể không thêm thắc chút tình tiết để thổi phồng thành ý của ông chủ.

“Ừ. Ông chủ Lý cũng đã gọi điện báo tin trước cho phu nhân rồi, nói là người học việc ở chỗ ông ấy sắp đến đây. Nào, vào đi”. Bà vú giơ tay mở khóa, những đường gân xanh trên mu bàn tay gầy guộc nổi cả lên. Bà ta chậm rãi hé cửa, vừa vặn đủ chỗ cho một mình Tư Kỳ bước vào. May mà trước đây, Tư Kỳ cũng từng làm kẻ ăn người ở trong gia đình giàu có nên nàng biết rõ cách đi đứng trong nhà danh gia vọng tộc. Huống hồ đây lại là nơi ở của quan chức chính phủ nên khí chất càng không thể so sánh với những nhà làm ăn buôn bán bình thường khác. Nếu nàng làm gì đó luống cuống ở đây thì chắc công việc ở tiệm may cũng khó đảm bảo lâu được. Cân nhắc thiệt hơn, nàng cắm cúi đi thẳng, mắt không liếc ngang liếc dọc.

Chẳng bao lâu, nàng đã được dẫn vào sảnh chính với tường dát vàng rực rỡ của dinh thự. Trước đây, khu này thuộc tô giới của người Tây nên phòng ốc toàn được thiết kế theo phong cách châu Âu, ngay cả nội thất cũng được vận chuyển từ nước ngoài về. Tư Kỳ không dám ngắm nghía nhiều, chỉ chăm chăm đi theo bà vú già vào phòng khách nhỏ ở mé bên. Trên ghế sô pha màu vàng lông gà trước khung cửa sổ sát đất có một vị phu nhân trung tuổi đang ngồi, dáng điệu rất ung dung, quý phái. Dường như bà ta không biết có người mới vào nên chỉ chăm chú lật tờ báo trong tay. Có lẽ do thị lực không tốt lắm nên bà ta mới với tay lấy cặp mắt kính có dây buộc bằng vàng để trên mặt bàn đeo vào mắt. Bấy giờ, Tư Kỳ mới phát hiện sống mũi bà ta vừa cao vừa thẳng, mang nét anh tuấn hiếm có ở phái nữ.

“Thưa bà, người bên tiệm may đã đến ạ”. Bà vú già khẽ gọi. Bấy giờ, Khang phu nhân mới ngẩng đầu lên, nói: “Vất vả cho cô phải chạy sang đây rồi. Mang cho tôi xem nào!” Nói rồi, bà ta giơ tay ra.

Tư Kỳ vội vàng đưa chiếc hộp giấy cho bà ta. Nhân lúc Khang phu nhân kiểm tra hàng, nàng nhỏ nhẹ nói: “Phu nhân cứ kiểm tra kỹ từng đường kim mũi chỉ mà xem, chúng tôi không thể làm qua loa để kịp thời gian đâu ạ. Nếu phu nhân mặc thấy không vừa người thì tôi sẽ ngay lập tức mang về cho ổng sửa lại, nhất định không thể lỡ việc chính tối nay của phu nhân”.

Khang phu nhân bỏ kính ra, cười rất vui, “Nếu ông chủ Lý mà hồ đồ thế thật thì từ nay về sau, tôi không bao giờ tới đó đặt may đồ nữa. Nhưng đường kim mũi chỉ của ông ấy chưa bao giờ làm tôi phải thất vọng, ngay cả người bốn mắt như tôi cũng không phát hiện thấy lỗi. Mà sao chỉ trong vòng một ngày rưỡi ngắn ngủi, ông ấy có thể làm xong được nhỉ?”

“Phu nhân là khách hàng quen của tiệm nên đương nhiên ông chủ phải để tâm đến bà hơn là những người khác ạ”.

Khang phu nhân ngẫm thấy cũng đúng, bèn bảo vú già cất áo dài gọn gàng vào hộp, sau đó nói: “Tôi mặc thử trước, nếu cảm thấy vừa vặn, sẽ thưởng thêm cho ông chủ một đơn hàng nữa”.

“Tôi thay mặt ông chủ cảm ơn lòng yêu mến của phu nhân. Mời bà đi thử trước ạ”. Tư Kỳ phấn khởi nói.

Nàng đưa mắt dõi theo Khang phu nhân đến lúc bà ta lên tầng, lúc này mới ngửa đầu thở hắt ra một hơi. Nhân lúc trong phòng không có người, nàng len lén cúi lưng đấm bóp đôi chân rã rời của mình. Từ sáng đến giờ, trừ lúc chạm mông xuống ghế ăn cơm trưa thì thời gian còn lại, nàng đều chạy lông bông ngoài đường, không được ngơi nghỉ lúc nào. Đột nhiên, sau lưng có cơn gió lướt qua, nàng giật mình vội vàng đứng thẳng người lại. Nào ngờ người đang ngồi trước mặt không phải là Khang phu nhân mà là một chàng trai chừng mười bảy mười tám tuổi.

Người cậu ta nhễ nhại mồ hôi, hai tay không ngừng kéo chiếc áo sơ mi màu trắng ra khỏi quần, bất kể trong phòng có người hay không. Cậu ta cởi ủng ném ngay đến trước mặt Tư Kỳ, bộ quần áo cưỡi ngựa cách tân oai phong là thế mà khoác lên người cậu ta chẳng toát ra chút khí chất tao nhã, quý tộc nào, ngược lại trông nhàu nhĩ chẳng khác nào miếng dưa cải muối.

Tư Kỳ đoán cậu ta chắc là cậu chủ họ Khang, liền lễ phép chào: “Chào cậu chủ”. Cậu thanh niên vênh mặt lên, thô lỗ cất giọng trách mắng: “Chào cái gì mà chào! Tôi về từ bao giờ mà không rót nổi tách trà dâng lên à? Mời cô về làm cây cột đèn chắc?” Thì ra cậu ta tưởng nàng là người hầu mới trong phủ nên chẳng buồn hỏi rõ đầu cua tai nheo đã mắng phủ đầu luôn.

Tư Kỳ nén giận vì nể mặt Khang phu nhân. Lúc vào phòng, nàng đã đảo mắt thấy trên tủ bếp bằng kính bày đồng hồ có một bộ tách trà kiểu Tây. Thế là nàng lẳng lặng rót cho cậu ta một cốc nước lọc. Cậu ta uống một hơi hết sạch cốc nước rồi lại quay sang bảo: “Rót thêm cốc nữa! Sau này cô còn hầu hạ kiểu đấy thì sớm muộn cũng phải cuốn gói rời khỏi đây thôi”.

“Xin lỗi. Tôi không phải là người hầu của quý phủ”. Tư Kỳ buộc phải thanh minh.

“Không phải sao? Thế cô là ai?” Rõ ràng cậu thanh niên này vô cùng ngạc nhiên, không ngờ mình gọi nhầm người.

“Tôi đến đây để đưa áo dài cho Khang phu nhân. Hiện giờ Khang phu nhân đang lên tầng thử áo, bảo tôi đứng đây đợi”.

“Ồ nếu không phải là người hầu ở đây thì cô phải nói ngay chứ!” Cậu thanh niên vỗ đùi đánh “đét” một cái, móc ra mấy đồng đại dương trong túi quần màu đen, vứt lên trà kỉ rồi chậm rãi nói: “Cô rót trà cho tôi, tôi trả tiền công cho cô”.

Tư Kỳ lắc đầu, nhẹ nhàng từ chối: “Nào có công cán gì đâu, sao dám nhận tiền thưởng của cậu chứ. Cậu cất tiền đi”.

“Không lấy à?” Cậu ta nghiêng đầu nhìn nàng. Bị nàng từ chối, cậu ta không cam lòng, gặng hỏi: “Không lấy thật à?”

“Được! Vậy bây giờ, tôi sẽ lên gác bảo với mẹ tôi rằng cô gạ gẫm tôi”. Nói xong, cậu ta dợm bước như thể sẽ đi mách mẹ thật. Tư Kỳ nhận được mình đen đủi, đành cầm lấy mấy đồng đại dương, cuống quýt nói: “Tôi nhận là được rồi chứ gì?”

“Cứ bắt tôi phải giở thủ đoạn”. Cậu ta gian xảo rồi quay người lại, vắt chân này lên chân kia, miệng huýt sáo vất vênh vang tự đắc. Không ngờ đúng lúc đó lại có người bước vào phòng, chiếc roi da bay vun vút quất thẳng vào chân cậu thanh niên nọ”.

“Thiếu Kỳ! Đứng dậy mau!”

Khang Thiếu Kỳ vội vàng bật dậy, không ngừng xoa chỗ bắp chân bị vụt trúng. Cậu ta ngửa mặt kêu bai bải: “Anh điên à? Anh lấy tư cách gì mà dám đánh tôi?”

“Tư cách là anh trai mày chứ tư cách gì!” Người vừa mới đến chính là Khang Thiếu Đình, anh trai lớn hơn Khang Thiếu Kỳ hai tuổi. Dù hai anh em mặc quần cưỡi ngựa giống như nhau nhưng Tư Kỳ vẫn lập tức nhận ra người anh. Cùng một trang phục nhưng ở anh toát ra thần thái hiên ngang, kiêu hùng, khác hẳn với người em. Trông anh sạch sẽ, gọn gàng như bầu không khí trong lành lúc ban mai. Mặc dù anh lấy roi ngựa quất em trai nhưng trông không hề tàn bạo mà rất đỗi uy nghiêm.

“Cha mới rời khỏi Vũ Hán ngày hôm qua mà đã đến lượt anh làm chủ cái nhà này rồi à? Đừng tưởng cha cho anh vào quân đội kiến tập mà ngỡ mình là tướng quân nhé! Anh vẫn chưa phải quân nhân thực thụ, tôi cũng chẳng phải phụ thuộc vào anh. Anh dựa vào đâu mà lạm dụng chức quyền trả thù riêng như thế hả?” Khang Thiếu Kỳ xông tới cãi lại.

“Dựa vào đâu hả? Hôm nay, bảo em học cưỡi ngựa, em đã không học hành cho nghiêm chỉnh, lại còn tự tiện dắt ngựa ra khỏi doanh trại, chẳng những vậy mà còn tùy tiện cho ngựa ăn thức ăn ở ngoài. Thức ăn hàng ngày của ngựa chiến đều do lính dinh dưỡng phụ trách, tuyệt đối không được cho ngựa ra ngoài ăn linh tinh. Em ngang nhiên coi kỷ luật quân đội là cỏ rác nên tội càng nặng thêm. Mọi người đều nể mặt cha nên mới không làm khó dễ cho mẹ mà trút hết tội lỗi lên đầu anh lính cấp dưỡng chuyên phụ trách cho ngựa ăn. Nhưng như thế chẳng phải em đã làm ảnh hưởng đến uy danh của cha sao?” Khang Thiếu Đình nghiêm khắc vạch ra từng lỗi sai của Khang Thiếu Kỳ. Anh chỉ chiếc roi ngựa ra ngoài cổng nói tiếp: “Nếu em có bản lĩnh thì thử bắt chước Tào Thực bảy bước xuất khẩu thành thơ xem nào. Bằng không thì hãy tự gánh lấy hậu quả mình gây ra giống như một thằng đàn ông”.

“Bỏ cái bài ấy đi! Tôi không sợ ăn roi đâu, nhưng tôi chúa ghét cái kiểu diễu võ dương oai của anh”. Khang Thiếu Kỳ không định trốn tránh trách nhiệm nhưng cũng không nuốt trôi cục tức này.

Chỉ khổ cho Tư Kỳ lúng túng bị kẹp ở giữa. Về tình về lý, đều không đến lượt chen mồm vào, nhưng cứ đứng trơ như phỗng ở đó mà không khuyên can câu gì thì chẳng khác nào đang đứng xem anh em họ diễn trò hề. Thế là nàng khe khẽ quay người, gọi người giúp việc đang dọn ở sảnh chính đến giải vây. Ai ngờ người giúp việc như thế quen với cảnh này, cô ta chỉ lắc đầu vội vàng lên lầu xin ý kiến Khang phu nhân.

Tư Kỳ tròn mắt nhìn, đành đứng trơ ra ở cửa, ngộ nhỡ anh em họ đánh nhau thật, nàng còn dễ chạy vào can ngăn. May mà Khang Thiếu Đình biết rõ tính khí ương ngạnh, ngang ngược, ăn nói bạt mạng của em trai nên chẳng thèm chấp nhất. Anh nhỏ nhẹ khuyên: “Năm nay em đã mười tám tuổi rồi mà còn không chịu học hành cầu tiến, ngày nào cũng rước họa về nhà, gần đây, còn cả gan trốn học nữa. Mẹ mới mắng em mấy câu, em đã cãi nhem nhẻm. Người như em thử hỏi sau này làm nổi chuyện gì?”

Khang Thiếu Kỳ nghe xong thì trợn mắt lườm anh trai, trông chẳng khác gì côn đồ ngoài chợ, “Không phải cứ có học vấn mới cầm được quân đi đánh trận. Tôi không giống anh, chỉ chăm chăm thi vào trường quân sự để mai này ra có quân hàm tốt. Tôi muốn làm một tướng quân thực sự, một tướng quân biết dùng súng thật, đạn thật để đánh nhau”.

“Tướng quân? Em làm lính còn chưa làm nổi, có mà làm thổ phỉ thì có. Bây giờ lập tức đến Bộ tư lệnh cho anh, nếu không anh sẽ trói em lại”.

“Đi thì đi! Nhưng không phải vì sợ anh đâu nhé!”. Khang Thiếu Kỳ biết anh trai nổi giận thì không thể đối phó, đành hậm hực bỏ đi, ra tới cửa còn quay lại, giơ nắm đấm về phía lưng anh trai. Tư Kỳ thấy cảnh ấy, buồn cười mà không dám cười. Lúc này, bà vú già trong phủ đến đưa nàng sang phòng lĩnh tiền. Nàng vội vàng rời khỏi nơi thị phi này.

Lúc Tư Kỳ trở về tiệm may thì nhìn thấy có hai viên tuấn bổ đang nói chuyện với ông chủ. Một trong hai tuấn bổ cười rất sảng khoái, không ngừng quay chiếc côn trong tay, nói: “Ông chủ Lý đừng lôi thôi với anh em chúng tôi nữa. Bảy giờ tối nay, mời ông đến uống rượu ở Đại Hưng tửu lầu”. Hai người đó nói xong liền chắp tay cáo biệt. Chờ bóng họ đi khuất, ông chủ Lý liền sa sầm mặt, liên tục lắc đầu.

“Ông chủ, ông sao vậy? Tôi nay có tiệc rượu mà sao lại cau mày cau mặt thế?” Đoàn Tư Kỳ không hiểu, liền thắc mắc.

Ông chủ Lý hừ lạnh một cái nói: “Uống rượu cái nỗi gì! Tháng này coi như làm không công cho người ta. Thôi thì của đi thay người”. Nói rồi, ông vội vàng lấy bàn tính ra bắt đầu tính lỗ lãi, ông ta ngẩng đầu hỏi Tư Kỳ: “Tư Kỳ, tiền quần áo của hai nhà đã lấy chưa? Khang phu nhân có ý kiến gì không?”

“Khang phu nhân rất vừa ý, còn trả gấp rưỡi tiền công, chỉ chê sao không may thêm túi xách tay. Còn Du phu nhân …” nàng đang định nói bề biến cố nhà họ Du thì ông chủ Lý đột nhiên ngắt lời như thể rất bận tâm về phản ứng của Khang phu nhân: “Cô nói Khang phu nhân cảm thấy trang phục nên có phụ kiện kèm theo ư?”

“Vâng ạ. Tôi cũng đang định đóng góp ý với ông, chi bằng ta cứ lấy vải thừa của bộ trang phục may thành một chiếc túi xách nhỏ hoặc trùm đầu gì đó, coi như quà tặng kèm, như vậy sẽ khiến khách hàng hài lòng hơn!”

“Sáng kiến này không tệ! Đúng là các cô gái các cô vẫn hiểu tâm lý phụ nữ hơn. À cô vừa nói nhà Du phu nhân làm sao cơ?”

“Nhà của Du phu nhân bị tịch thu rồi”. Tư Kỳ đưa tiền cho ông chủ rồi kể lại những điều mắt thấy tai nghe ở nhà họ Du, “Buổi chiều, tôi vừa đến ngõ đã nghe thấy hàng xóm xôn xao bàn tán chuyện nhà của Du phu nhân bị tịch thu. Có người chỉ điểm bà ấy là phần tử Đảng Cộng Sản. Lúc ấy, tôi cũng không tiện nán lại lâu nên lập tức trở về kể với ông”.

Ông chủ Lý kinh ngạc, sau đó chỉ thở dài, nói: “Phen này hay rồi, lại một đơn hàng nữa lỗ vốn. Haizzz… Thời thế đại loạn, bách tính lầm than…” Cái bàn tính trong tay ông ta kêu lách cách, viên hất lên viên hất xuống, trừ đi kha khá tiền. Trong một ngày lỗ liền hai món lớn, nếu là những hộ làm ăn nhỏ lẻ thì chịu sao nổi.

Vì buổi tối ông chủ Lý còn phải đến chỗ hẹn với người ta nên tiệm cũng đóng cửa sớm hơn bình thường. Nhân lúc trời còn chưa tối, Tư Kỳ muốn tranh thủ đi chợ để mua ít rau củ người ta thường bán rẻ trước khi dọn hàng. Vừa khóa cửa xong thì Tiết Vân Tần đột nhiên xuất hiện. Nhìn mặt mày hớn hở thế kia, chắc là có chuyện vui. Tư Kỳ rảo bước tới đón, mỉm cười hỏi hắn: “Anh Vân Tần, sao hôm nay anh lại tới đây tới? Tôi cũng đang định tìm anh đây”.

“Tìm tôi?” Tiết Vân Tần nở nụ cười bí hiểm, thậm chí còn phản phất ý trêu chọc. “Không lẽ ‘ Một ngày không gặp, cách tựa ngàn thu’ rồi sao?”

“Lại bắt đầu rồi đấy! Hôm qua tôi mới lĩnh lương, định mời anh đến quán nào đó ăn bữa cơm. Anh chẳng nghiêm túc gì cả”. Tư Kỳ cong môi, vờ trách hắn.

“Lẽ nào cô thích kẽ ngụy quân tử? Đó không phải bản sắc của bổn thiếu gia”. Hắn cất tiếng cười hào sảng, nghe âm vang chẳng khác nào tiếng sáo vi vút giữa bầu không, khiến người ta bất giác xúc động. Có lẽ ngay cả bản thân Tiết Vân Tần cũng không biết tiếng cười của mình có ma lực hấp dẫn tới chừng nào, khiến người ta tan nát cõi lòng, mê đắm tới chừng nào. Tư Kỳ bắt đầu hiểu vì sao Tiểu Cửu và những cô gái khác lại đắm đuối hắn đến như vậy.

“Mấy đồng lương còm của cô ấy à? Thôi, khỏi phải mời tôi đến quán ăn. Nhưng nếu cô có nhã ý mời tôi đến nhà ăn bữa cơm dưa cà mắm muối thì tôi lại rất sẵn lòng”. Tiết Vân Tần gợi ý cho Tư Kỳ.

Do dự một lát, nàng thấy ý kiến này cũng không tồi, liền nói: “Có điều, chỗ ở của tôi trong tiệm nhỏ xíu, chỉ sợ…”

Nhà bếp và phòng ngủ của Tư Kỳ bé như cái lỗ mũi, đâu đủ để tiếp khách. Nhìn thấy nàng ngần ngại, Tiết Vân Tần đã nghĩ ra một cách chu toàn hơn. “vậy thì mua thức ăn rồi mang tới chỗ tôi nấu. Tôi rất muốn nếm thử tay nghề nấu nướng của cô, xem liệu có phải mẹ hiền vợ đảm tương lai không đây”. Nói rồi hắn vòng tay qua vai nàng rồi vênh mặt cười rất tươi. “Cho phép công tử buổi trẻ tài này đi chợ cùng cô nhé! Rồi cô sẽ khiến bao người phải tròn mắt ghen tị cho mà xem”.

Tư Kỳ dở khóc dở cười trước hành vi thân thiết quá mức của Tiết Vân Tần, thật là hết cách với con người này. Có điều, đây là lần đầu tiên nàng được người đàn ông đưa đi dạo phố, có thể coi đây là niềm vinh hạnh đáng để kỷ niệm không nhỉ? Kỳ thực, nàng cũng không hề để ý rằng, càng ngày càng có nhiều việc đầu tiên trong cuộc đời nàng là làm cùng hắn.

Chợ sắp tan nên nhiều loại rau củ, cả thịt đều được bán đổ bán tháo cốt sao cho hết. Tư Kỳ tìm mãi mới thấy một hàng cá. Từ nhỏ đến giờ, nàng chưa bao giờ được ăn cơm thịt cá thịnh soạn, mãi đến khi tới phủ họ Đỗ mới được nếm chút cá tươi. Cũng vì vậy mà nàng bám lấy bác đầu bếp rất lâu để học cách kho cá. Mặc dù Tiết Vân Tần nói chỉ cần ăn cơm dưa cà mắm muối đơn giản là được nhưng làm sao nàng có thể tùy tiện bày mấy món đại khái để mời hắn được. Đã mời khách thì phải thể hiện thành ý đến nơi đến chốn. Thế là nàng vào chợ mua một con cá diếc với mấy món rau, thêm hai quả trứng gà nữa, coi như cũng khá thịnh soạn.

Lúc đi chợ, Tiết Vân Tần sợ mùi cá tanh dính vào người nàng nên nàng chỉ cần mặc cả, còn công việc xách hàng nặng nhọc cứ để hắn làm đỡ. Có một bác nông dân bán rau lại ngỡ hai người là hai vợ chồng son nên cứ khen Tư Kỳ có phúc, ra chợ mua rau cũng có chồng đi cùng. Tư Kỳ lập tức phủ nhận nhưng mọi người không tin, cứ cười nói da mặt nàng mỏng quá, càng làm nàng xấu hổ đỏ lựng cả mặt, trăm miệng cũng không thể thanh minh nỗi. Trong khi đó, thái độ của Tiết Vân Tần điềm nhiên hơn nhiều, hắn chỉ cười như không để tâm mấy chuyện đó. Thậm chí khi về đến nhà của Tiết Vân Tần rồi, sắc đỏ trên mặt Tư Kỳ vẫn chưa tan hết. Hắn càng được thể trêu chọc nàng đến nỗi suýt nữa nàng bỏ về. Đúng lúc đó, Tiểu Cửu bất ngờ xuất hiện, khiến bầu không khí vui vẻ lập tức chùng xuống.

Tiểu Cửu ngây người nhìn Tiết Vân Tần. Cuối cùng, người cô đang đợi cũng đã về, không những thế còn dắt theo một người nữa. Đó là cảnh tượng cô không muốn nhìn thấy nhất. Chỉ có điều, ngay cả cô cũng không ngờ người thay thế cô đứng cạnh Tiết Vân Tần lại là Đoàn Tư Kỳ. Rõ ràng mới chỉ xa nhau một thời gian ngắn mà khoảng cách giữa hắn và cô đã bị một người con gái khác kéo dãn đến mức này. Trong đầu Tiểu Cửu thoáng liên tưởng đến một hình tam giác đều, mỗi người một đỉnh. Đáng thương thay cho cái đỉnh bị cô lập bên trên chỉ có thể cười khổ, nhìn xuống hai đỉnh cùng một đường thẳng nằm ở phía dưới. Kẻ ngoài cuộc như cô chỉ có thể đứng nhìn và cười… mãi đến khi hai hàng lệ đã len ra khỏi tròng mắt, cô vẫn cứ cười và nhìn, không thể dừng lại nổi.

“Tư Kỳ, cô về trước đi. Cầm cả thức ăn về này!” Đột nhiên, Tiết Vân Tần lên tiếng, hắn không muốn mình bị kẹt giữa hai người con gái.

Bản thân Tư Kỳ cũng không mong mình rơi vào hoàn cảnh này, bởi nàng chỉ là nhân vật phụ, không hề có vai trò gì trong chuyện tình cảm của hắn và Tiểu Cửu. Vào khoảnh khắc nhìn thấy Tiểu Cửu, nàng đã muốn bỏ đi, chỉ có điều bị hắn nhắc như vậy, không hiểu sao trong lòng nàng chợt thấy nghèn nghẹn, không nói thành lời. Nàng vội vã cầm lấy thức ăn trong tay hắn rồi quay người đi bị ma đuổi, mặt cúi gằm xuống. Chính nàng cũng không hiểu vì sao mình lại bỏ chạy như kẻ trộm thế này. Nàng đã ăn cắp thứ gì sao? Hay thứ gì đó nàng đã bị người ta đánh cắp?...

“Nhung nhớ” là tên một hàng Tây. Trong đại trào lưu sính ngoại như bây giờ, việc nhà hàng này cố chấp dùng tên tiếng Trung thật đáng quý, nhưng mỉa mai thay, ông chủ của nhà hàng lại là người Ý chứ không phải người Trung Quốc.

Thực khách ngồi rải rác xung quanh phòng ăn, tiếng dương cầm du dương len lỏi vào từng ngóc ngách, hòa quyện với những lời thì thầm tình tứ, như trùm lên một lớp khăn voan lãng mạn cho gian phòng. Tiểu Cửu rất thích nhà hàng này, một nữa là vì tên của nó, nữa còn lại là vì tiếng đàn dương cầm với những khúc ca vô cùng ngọt ngào. Vừa nghe nhạc vừa thưởng thức rượu vang khiến mùi vị của các món ăn chợt trở nên thơm ngon đến kỳ lạ. Bởi vậy, mỗi lần vui hay buồn, cô đều chạy đến đây ăn một bữa linh đình. Những lúc ấy, Tiết Vân Tần luôn dịu dàng nhìn cô cười, nhìn cô khóc, nhìn cô nũng nịu. Lần nào cũng vậy.

Chỉ có điều, hôm nay hắn rất ít nói, nụ cười cũng khan hiếm hơn. Điều duy nhất không thay đổi là hắn vẫn nhớ cô thích nhất món bò bít tết. Nhưng món bò bít tết đã bày trước mặt gần mười phút mà Tiểu Cửu vẫn chưa nếm thử miếng nào. Cô cứ ngỡ hắn sẽ nói gì đó, nào ngờ hắn chỉ im lặng nhìn mình. Cuối cùng, người thấy sốt ruột trước lại là cô, “Tiết Vân Tần, nếu anh thấy khó chịu đến mức không muốn ở bên em một giây phút nào nữa thì anh có thể đi rồi đấy”.

Những lời hờn dỗi của Tiểu Cửu không xuất phát từ đáy lòng và hoàn toàn trái với suy nghĩa của cô, nhưng Tiết Vân Tần lại nghe theo lời cô, rời khỏi bàn ăn. Thấy vậy, Tiểu Cửu cuống quýt đứng bật dậy, định chạy theo hắn. Tuy nhiên, Tiết Vân Tần không phủi tay đi mất mà chỉ đến chỗ người chơi dương cầm, thì thầm vài câu vào tai anh ta. Lúc hắn trở lại chỗ ngồi thì giai điệu đã chuyển thành bản sonata Ánh trăng của Beethoven. Đó là bản nhạc mà Tiểu Cửu thích nhất.

“Ăn chút gì đi, em gầy quá!” Giọng hắn đều đều vang lên. Hắn vẫn quan tâm đến cô như trước. Trong phút chốc, hai mắt Tiểu Cửu nhòa lệ, cô chợt nảy sinh ảo giác, có lẽ họ chưa thật sự chia tay nhau, cô vẫn còn hi vọng.

“Vân Tần…”

“Ăn đi đã. Nếu không anh đi thật đấy”. Tuy miệng nói vậy nhưng Tiết Vân Tần lại không hề có ý muốn bỏ đi. Hắn đỡ cô ngồi xuống ghế, cầm khăn ăn trên bàn dịu dàng lau nước mắt trên gương mặt đã trôi hết son phấn của cô, cảm giác mơ hồ vẫn giống như trước đây. Nhưng Tiểu Cửu biết rõ, dù cô có khóc mù mắt thì vẫn không thể ngăn cản hắn rời bỏ cô. Tuy vẫn là con người ấy, vẫn là lồng ngực ấy, nhưng cảm giác thân thuộc đã không còn như trước nữa. Có lẽ đã đến lúc cô cần một người đàn ông khác, không thể cứ ôm chút tình cảm chẳng còn là bao để đánh cược với thần may mắn.

Bởi cô không thể nào thắng nổi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.