Người Yêu Cũ Thấy Tôi Ăn Lẩu Một Mình

Chương 11




Dịch: Hạnh

Người nọ lập tức quay đầu lại như không có chuyện gì xảy ra.

Diệp Dương gần như ngồi phịch xuống ghế trong cơn choáng váng.

Người đổi sang ghế cạnh Diệp Dương là một cô gái.

Cô gái này bằng lứa với Diệp Dương, thấy dáng vẻ lúng túng chực khóc của cô, cô gái tưởng cô giận người ta, bèn thì thầm: “Không sao đâu, trên đời có rất nhiều người như vậy, đừng để bụng.”

Diệp Dương ngơ ngác quay sang nhìn cô.

Cô gái nở nụ cười thân thiện.

Diệp Dương chợt thấy mình như được chữa lành, cô dần tỉnh táo lại, nở nụ cười biết ơn với cô gái.

Cô gái nói: “Cô cười đẹp thật đấy.”

Diệp Dương tưởng cô gái đang lịch sự, bèn đáp một câu cảm ơn, nhưng cô gái thấy cô không để tâm bèn chêm thêm một câu: “Tôi nói thật đấy, cô cười rất đẹp.”

Diệp Dương sững sờ.

Quen với những lời khen ngợi dối trá khách sáo trong công việc rồi, cô thật sự cảm thấy lạ lẫm trước sự thẳng thắn chân thành này. Diệp Dương hoàn hồn, cảm thấy mình nên làm gì đó để đáp lại cô gái, bèn nói: “Tôi tên Diệp Dương.”

Cô gái nọ cười, vươn tay ra nói: “Điền Tâm.”

Diệp Dương chạm vào tay cô, nói: “Rất vui được làm quen với cô.”

Cô gái nở nụ cười ngọt ngào: “Tôi cũng vậy.”

Rõ ràng cô gái này trang điểm rất nhẹ nhàng tươi sáng nhưng không biết vì sao Diệp Dương lại cảm thấy cô rất ngầu, đó là cái chất độc lập khác biệt của một cô gái trẻ có tính nghệ sĩ. Chỉ là cuộc trò chuyện của họ cũng kết thúc ở đó, đèn trong nhà hát vụt tắt, màn kịch nói sắp bắt đầu rồi.

Diệp Dương lặng đi trong bóng đen, nhưng hình ảnh Trương Kiền quay đầu nhìn mình vẫn in hằn trong đầu cô.

Trương Kiền ngồi ở hàng đầu, chắc hẳn anh là khách quý được ban tổ chức mời tới, nhưng vở kịch này không có sự tham gia của bố anh, vậy rốt cuộc vì sao anh lại tới đây? Cô mở điện thoại, tra tìm lại ban sản xuất chính của vở kịch. Vở kịch nói này rất đông diễn viên chính, cô chỉ để ý tên đạo diễn và những diễn viên lão làng nổi danh hoạt động sôi nổi trong giới điện ảnh truyền hình, hoàn toàn không quan tâm tới những người khác, giờ cẩn thận nhìn lại, cô lại bất ngờ phát hiện có một nữ diễn viên tên Trình Ninh.

Có ảnh để đối chiếu, Diệp Dương cố gắng để ý thật kỹ. Nhưng đây là kịch dân quốc, hơn nữa sân khấu và người xem còn cách nhau một dàn nhạc nên cô không thấy rõ được mặt diễn viên, chỉ loáng thoáng có cảm giác nữ diễn viên mặc bộ sườn xám đỏ rượu chính là bạn gái Trương Kiền.

Dáng vóc lả lướt, linh hoạt hài hòa, cách xa như vậy nhưng Diệp Dương vẫn có thể ngửi thấy hương thơm từ cô.

Trương Kiền có diễm phúc thật.

Nhưng Diệp Dương lại nghĩ, đúng là Trương Kiền có tư cách này.

Sau khi vở kịch kết thúc, đoàn kịch tổ chức một buổi giao lưu chia sẻ. Xong xuôi cũng đã gần bảy giờ rồi, Diệp Dương và Điền Tâm đứng ngoài vỉa hè gửi lời mời kết bạn cho nhau, nói về sau có cơ hội sẽ gặp lại nhau rồi chia tay.

Diệp Dương mở phần mềm gọi xe, phát hiện ra giờ còn phải xếp hàng, định ngồi xe bus trở về, nhưng lại có một chiếc xe đỗ xịch lại trước mặt cô, cửa xe từ từ hạ xuống. Hoàng hôn buông một tấm rèm tối mờ xuống mặt đất, Diệp Dương không thấy rõ người này là ai, vừa định tránh ra nhường đường đã nghe người sau cửa sổ cất tiếng gọi: “Diệp Dương.”

Diệp Dương cứng đờ người.

Nếu giờ cho Diệp Dương hồi tưởng lại thì cô thấy từ nhỏ tới lớn có ba người gọi tên mình nghe êm tai nhất.

Người đầu tiên là bà ngoại cô.

Diệp Dương sống với ông bà nội từ nhỏ, vì bố mẹ không bên cô, nhà bà ngoại lại rất xa nên cô ít cô dịp ghé chơi. Nếu muốn đi thật thì chỉ có thể đạp xe đạp. Ngày ấy cô còn nhỏ, không trèo lên xe đạp người lớn nổi, vẫn đạp chiếc xe nhỏ cho trẻ em. Với cô mà nói thì nhà bà ngoại cách sáu cây số xa tít như ngoài chân trời. Cô đạp chiếc xe nhỏ xinh, trên đường, cô ngang qua vài thị trấn nhỏ, đạp hết gần một buổi sáng mới tới nơi. Mỗi lần bà ngoại thấy cô bé nhỏ xíu mệt tới độ đỏ bừng mặt, bà sẽ lại liên tục gọi tên cô, tiếng bà vừa dịu dàng lại vừa kiên nhẫn.

Người thứ hai là cậu bạn cùng lớp thời trung học của cô.

Khi ấy Diệp Dương đã không còn học trong trấn rồi. Cô tới Giang Âm học hành. Người bạn kia là bạn cùng bàn của cô, vì cùng bạn nên có chuyện chỉ cần vỗ vai hoặc huých cùi chỏ là được, người bạn này ít khi gọi tên cô. Lần ấy mấy người bạn bàn trên bàn dưới đang nói chuyện, cô cũng quên khi ấy họ đang nói gì, có lẽ là nói xem mọi người dùng dầu gội đầu nào. Cậu bạn ấy thấy cô cứ im lặng không hé môi, chợt hỏi cô: “Diệp Dương thì sao, Diệp Dương dùng gì?” Cậu gọi tên Diệp Dương khiến cô ngẩn ra, lúc sực tỉnh, cô lại kinh ngạc hồi lâu, hóa ra cậu có thể gọi tên cô một cách êm tai như vậy. Về sau, lớn hơn một chút cô mới phát hiện khi ấy cái êm tai cô cảm nhận được thật ra chính là sự dịu dàng. Một chàng trai biết dịu dàng quả thật là một đòn trí mạng.

Người thứ ba chính là Trương Kiền.

Khi ấy cô và Trương Kiền còn đang trong giai đoạn mập mờ, anh hẹn cô đi xem kịch nói, xem xong thì trời cũng đã tối. Hai người vừa rảo bước tới trạm xe bus vừa trò chuyện. Nhưng cô lại hơi lơ đãng, vì sau khi vào nhà hát cô mới biết Trương Kiền mua vé hàng hai, giá vé gần bằng sinh hoạt phí một tháng của cô. Dù Trương Kiền bảo lần này anh mời nhưng cô cũng chẳng thể để anh bỏ không như vậy được, lần sau cô phải trả lại anh. Mà chắc chắn không phải một tấm, mà là hai tấm, như vậy tiền sinh hoạt phí hai tháng của cô cũng đi tong. Đây cũng chỉ là một mặt. Mặt khác, cô còn bị sốc trước khoảng cách quá lớn giữa mình và Trương Kiền. Cô biết nhà anh khá giả, nhưng không biết khả giả tới mức nào. Còn giờ cô đã thật sự cảm nhận được rồi, cô chợt cảm thấy người này xa không với nổi. Cô cứ nghĩ vậy, nghĩ tới độ thoáng mơ màng, bỏ quên cả Trương Kiền bên cạnh, tới tận khi Trương Kiền gọi cô mới phát hiện mình đã bỏ anh lại phía sau.

Đây là lần đầu Trương Kiền gọi tên cô, giọng nói ấm áp còn anh vương cả sự dịu dàng.

Cô quay đầu nhìn, anh bước lại giữa cảnh trời chiều, nhìn cô cười: “Em nghĩ gì mà mơ màng vậy, vứt anh lại xa thế này mà cũng không biết.”

Trước đó Diệp Dương ngỡ lời yêu là những câu thoại đẹp đẽ đầy chất thơ như trong phim của Vương Gia Vệ, nhưng gặp Trương Kiền, cô chợt phát hiện chỉ cái tên bình thường không có gì đặc sắc của mình thôi cũng có thể trở thành một câu âu yếm.

Chỉ là giờ đây, dù người đó đang trước mặt, cũng gọi tên cô nhưng đã chẳng còn vẻ dịu dàng nữa, chỉ còn lại giọng nói ấm áp êm dịu.

“Diệp Dương” cũng không còn là lời âu yếm, “Diệp Dương” chỉ là một cái tên bình thường nhất có thể.

Diệp Dương xuống vỉa hè, bước lại gần chiếc xe. Gió thổi, những cánh hoa hoè tán loạn buông mình xuống, cô cúi người, cố gắng để giọng nói mình mang theo chút ngạc nhiên vui vẻ không quá khoa trương, cố gắng khiến mình giống như một bên B bé nhỏ vô tình gặp được bên A quyền lực: “Giám đốc Trương, sao anh lại ở đây?’

Trương Kiền nhìn cô qua cửa xe, lời ít ý nhiều, anh hỏi: “Em đi đâu?”

Diệp Dương lắc đầu: “Không phiền anh đâu, tôi đã gọi xe rồi, chắc cũng sắp tới nơi.”

Trương Kiền nhìn cô.

Diệp Dương đối mắt với anh vài giây, cuối cùng dưới áp lực hai tầng thân phận của anh, cô cũng rời mắt sửa lại lời: “Chùa Đồ Bạch, nếu giám đốc Trương tiện đường thì phiền anh cho tôi quá giang một đoạn.”

Vừa dứt lời đã nghe “tách” một tiếng, khóa cửa ghế phó lái mở ra.

Diệp Dương tự hiểu là tiện đường, cô bèn biết điều bảo: “Cảm ơn giám đốc Trương.” Nói rồi cô vòng sang phía đối diện, mở cửa xe chui vào ghế phó lái.

Chiếc xe lăn bánh trong màn đêm Bắc Kinh lộng lẫy, hai người đều không cất lời.

Xe quẹo vào đường Triều An, tắc đường, vậy là nó cứ bò như một con ốc sên suốt gần bốn mươi phút.

Trong bốn mươi phút này, Trương Kiền nhận được năm cuộc điện thoại công việc.

Trong khoảng thời gian ấy, hình như anh muốn hút thuốc, đã lấy được bao thuốc rồi nhưng chắc ý thức có phụ nữ trên xe nên đành thôi.

Trước đó Diệp Dương rất say mê dáng vẻ hút thuốc của anh, vì trông anh rất phong cách. Thực ra vốn từ của Diệp Dương rất phong phú, nhưng cô vẫn không hình dung được rốt cuộc sức hấp dẫn dửng dưng thờ ơ tỏa ra khi hút thuốc của Trương Kiền là gì, chỉ thấy giống những thước phim điện ảnh cũ, khiến người ta ghi nhớ thật lâu.

Xe băng qua cầu Chùa Đồ Bạch, rẽ vào khúc ngoặt, vậy là đã tới cổng khu chung cư Diệp Dương ở.

Diệp Dương cất tiếng cảm ơn, xuống xe, bước đến cửa sổ tạm biệt anh. Cảm ơn xong cô cũng không rời đi ngay, cô cảm giác Trương Kiền có lời muốn nói, anh sẽ không đưa cô về nhà vì ga lăng. Cô nghĩ nhân cơ hội này để nói thẳng ra với nhau cũng hay, trốn tránh cũng chẳng khiến ai dễ chịu nổi, nói ra mới có thể cảm thấy nhẹ nhàng.

Trương Kiền giương mắt nhìn cô, hỏi: “Còn có chuyện gì không?”

Trong xe tối mờ. Anh ngồi bên trong, trông mờ ảo nhạt nhòa, chẳng được rõ ràng.

Thời còn sinh viên, Diệp Dương thích khuôn mặt này, thích vẻ tự tin và cởi mở trên gương mặt sáng sủa ấy. Giờ con người anh đã lắng lại, tâm sinh tướng, ngũ quan anh rõ nét hơn, sâu hơn, anh mang theo vẻ thờ ơ xa cách của một người đàn ông trưởng thành và cái oai nghiêm của kẻ đứng trên cao, đây lại là một vẻ đẹp hấp dẫn tới đáng kinh ngạc khác.

Trương Kiền nâng kính xe lên, anh nói: “Em về đi, Diệp Dương.”

Diệp Dương nhìn chiếc xe của anh hòa vào làn xe, khuất xa tầm mắt.

Cô trở về nhà, ngồi trên giường, chợt không biết mình nên làm gì. Liếc thấy chiếc ghita bên góc tường, cô bèn cầm nó lên.

Cô mua chiếc ghita này khi vừa thăng chức. Có dịp công việc rảnh rỗi, cô bỏ tiền đăng ký học đánh ghita. Trong khoảng thời gian ấy, cô rất nhiệt tình với ghita, cứ rảnh rỗi là lại tập. Về sau bận bịu, cô phải gác lại, chiếc ghita cứ nằm trong góc phủ dày bụi.

Lý Tiểu Bạch lê dép lạch xạch bước vào, tựa bên cửa nghe một lúc, chợt thốt: “See you again.”

Diệp Dương không đáp.

Lý Tiểu Bạch cười: “Hồi trước tớ đi xem ‘Fast 7’ với bạn trai, hết phim rồi mà anh ấy không chịu đi, cứ đòi nghe hết bản nhạc nền cuối phim, tớ nghĩ có gì hay đâu, không ngờ đàn bằng ghita lại dịu dàng thế này.”

Diệp Dương vừa đàn vừa hỏi: “Sao hai người lại chia tay?”

Lý Tiểu Bạch cười, không mấy để tâm: “Bọn tớ cãi nhau, đang chiến tranh lạnh còn chưa chia tay thì anh ta đã đi xem mắt.”

“Hả?” Diệp Dương dừng lại.

Lý Tiểu Bạch nhàn nhạt cất lời: “Anh ta muốn kết hôn, tớ nói kết hôn thì cũng được, nhưng phải mua nhà trước. Anh ta bảo được, thế là thôi, về sau không nhắc đến nữa, như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra vậy. Anh ta không nhiệt tình, tớ thì cứ cuống lên thu xếp, kéo anh ta đi xem nhà, anh ta vừa nghe tiền cọc hơn một triệu tệ, mặt đã trắng bệch. Tớ hỏi anh ta thấy sao, anh ta bảo được. Thật ra tớ biết anh ta không muốn mua, anh ta biếng nhác lắm, bắt anh ta gánh khoản tiền cho vay mua nhà tới mấy chục năm, anh ta sợ. Tớ cũng không định mua nhà ở Bắc Kinh thật, chỉ muốn cho anh ta chút áp lực, để anh ta biết nếu kết hôn, anh ta phải chịu trách nhiệm với gia đình, không thể sống vật vờ như khi trước nữa. Nhưng anh ta chẳng bảo không mua, chỉ im lặng vậy thôi. Anh ta không nói gì, tớ cũng coi như không biết. Về sau vì một chuyện nhỏ mà chúng tớ cãi nhau, anh ta bỏ bẵng tớ suốt nửa tháng, tớ còn tưởng anh ta đang nghĩ cách làm lành, ai ngờ lại đi xem mắt. Kỳ quặc hơn là anh ta xem mắt mấy lần không thành còn trở về tìm tớ. Lúc này tớ mới biết tại sao anh ta không dứt khoát nói chia tay, hóa ra anh ta coi tớ là lốp xe dự phòng. Không tìm được người tốt hơn thì lại quay về thương lượng với tớ. Tìm được người tốt hơn thì đá tớ.”

Diệp Dương: “…”

Lý Tiểu Bạch khẽ mỉm cười: “Cái người này ấy à. Bình thường lúc ở bên nhau thì mặt người dạ thú, vừa gặp chuyện lớn đã lộ mặt. Bảo sao người ta nói đừng thử lòng dạ con người. Đúng là lòng người không chịu nổi thử thách.”

Diệp Dương tiện tay gảy dây đàn, một chuỗi nhạc êm ái trong trẻo vang lên, cô nói: “Trong cái rủi có cái may, nếu không kết hôn rồi mới phát hiện ra anh chàng này không trông cậy được thì phiền lắm.”

Lý Tiểu Bạch nói: “Đương nhiên.” Nói rồi, cô bước ra ngoài.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.