Người Không Thể Bỏ Lỡ

Chương 25: Phần 25




Người Không Thể Bỏ Lỡ​

Phần 25

Nghe nó nói thế, tôi đến nghĩ cũng không cần nghĩ đã gật đầu lia lịa:

– Ừ, đúng rồi. Con gái của cậu đang cần ghép tủy. Bây giờ đủ tuổi ghép được rồi. Cậu là bố nó, tủy của cậu có thể sẽ tương thích với nó. Cậu cứu lấy con cậu được không? Nó ngoan lắm, ghép được tủy là sẽ sống được thôi.

– Tôi cũng chẳng biết có hợp không.

– Biết đâu sẽ hợp. Cậu về Hà Nội thử một chuyến được không? Tôi mua vé máy bay cho cậu về nhé?

– Thôi không cần đâu. Nếu tủy của tôi có thể cứu được con bé thì tôi sẽ thử xem.

– Cảm ơn cậu. Cảm ơn cậu. Nếu thế thì tốt quá. Cậu sắp xếp về hôm nào để tôi đón?

– Khoảng cuối tuần sau đi. Tôi viết đơn xin nghỉ phép rồi về. Mà con bé ở bệnh viện nào?

– Viện K.

– Ừ. Khi nào về thì tôi gọi điện cho cô.

– Ừ, tôi biết rồi. Cảm ơn cậu.

Cúp máy xong, tâm trạng chán chường suốt mới bắt đầu cảm thấy kha khá hơn được một ít. Tôi cúi xuống nhìn Bống ở trong lòng, sờ tay chân đầy vết kim truyền của con, khẽ nói:

– Bống sắp được ghép tủy rồi, Bống sắp khỏi bệnh rồi nhé. Nhanh nhanh khỏi ốm rồi mẹ cho Bống về quê chơi nhé.

– …

– Nhanh thôi. Kiểu gì cũng nhanh thôi con nhỉ?

Con gái tôi mặc dù không hiểu những điều tôi nói nhưng vẫn cười toe cười toét, gật đầu nói “Ba… ba”. Tôi nghe thế tự nhiên trong lòng lại không kìm được, bỗng dưng nghĩ đến một người…

Từ hôm đó đến giờ anh gần như biến mất luôn trong cuộc đời tôi, không có thông tin gì, không ai liên lạc với ai, tôi muốn hỏi một ai đó về anh nhưng cuối cùng chợt nhận ra chẳng còn ai để mình hỏi được cả.

Tôi biết, chúng tôi vẫn còn chưa thể kết thúc ở đó, vì con gái tôi vẫn chưa ghép tủy xong, tôi vẫn phải ở thành phố này. Như thế nghĩa là sẽ có ít nhất trên một lần chạm mặt nữa. Nhưng đụng mặt rồi thì biết phải làm sao đây? Nói gì đây?

Một lúc sau đó, chị Tâm đi mua cháo về, có lẽ thấy vẻ mặt tôi nhiều tâm sự nên mới ngồi xuống, nhìn tôi thở dài:

– Sao dạo này em toàn ở đây thế? Sao không về nhà? Em không đi làm nữa à?

– Không ạ. Em nghỉ chỗ làm rồi chị ạ.

– Chết, chị tưởng em nghỉ phép chứ. Hóa ra là nghỉ hẳn rồi à?

– Vâng. Sắp ghép tủy cho Bống nên em xin nghỉ thôi. Khi nào ghép xong cho con bé thì em tính tiếp chị ạ.

– Thế… sao lâu rồi chị không thấy Vũ đến?

– Anh ấy bận ạ.

– Hai đứa có chuyện gì à?

Tôi lắc đầu:

– Không. Bọn em có việc gì đâu. Bọn em là anh em mà.

– Hả? Anh em á? Anh em kiểu gì cơ? Sao lâu nay không thấy em kể. Thế mà chị không biết, chị cứ tưởng…

– Nói chung cũng không phải máu mủ chị ạ. Không yêu nhau được đâu.

– Sao chị nhìn bọn em thấy đẹp đôi lắm. Mà thấy kiểu kiểu như em cũng có tình cảm với Vũ ấy. Chị cũng là phụ nữ, chị nhìn là biết mà mà.

– Thật hả chị?

– Ừ, thật. Đợt Vũ bị đau dạ dày gì đấy, em đứng ngồi không yên mãi, xong rồi giữa trưa nắng cũng chạy qua viện để thăm Vũ còn gì. Nếu không thích thì sẽ không lo lắng thế đâu. Em cứ nói với chị đi. Nửa tháng nay chị thấy em buồn lắm nhưng không dám hỏi.

Giữa thế giới xô bồ đầy cạm bẫy này, tôi chẳng có ai để sẻ chia, cũng chẳng có ai để tâm sự cả. Có lẽ cũng bởi vì thế mà lòng tôi càng ngày càng nặng trĩu, bức bối quá mà không có cách nào để giải tỏa. Cuối cùng, tôi quyết định nói với chị Tâm, cũng là trút bớt gánh nặng trong lòng mình:

– Thích thì có được không hả chị?

– Được chứ. Ai chẳng có quyền thích người khác. Em thích Vũ chẳng có gì sai cả.

– Nhưng em thấy sai chị ạ. Mẹ anh Vũ không thích em, mẹ anh ấy muốn anh ấy lấy người môn đăng hộ đối. Em thì chẳng có gì cả, lại vướng bận thêm đứa con, em không hợp với anh ấy. Với cả anh ấy cũng không thích em.

– Chị thì chị nghĩ thế này. Mẹ nào cũng mong điều tốt nhất cho con cả, mà Vũ thì chắc cũng thuộc dạng giàu có đúng không em? Chị thấy Vũ phong độ lắm, kiểu như người có tiền ấy.

– Vâng. Anh ấy cũng có điều kiện chị ạ.

– Ừ. Thế nên yêu cầu của mẹ Vũ cao là đúng rồi. Nhưng không phải vì thế mà mình dễ dàng từ bỏ. Nhiều người không môn đăng hộ đối nhưng lấy nhau rồi vẫn hạnh phúc đến hết đời đó thôi. Em với Vũ chỉ cần không phải anh em gần trong ba đời là có thể yêu nhau được. Hoặc là không cần cưới, muốn yêu thì cứ yêu đi. Sau này không yêu được nữa thì chia tay.

– Em không có đủ can đảm.

Tôi ngẩng lên nhìn chị Tâm, lặng lẽ cười buồn:

– Em nghĩ thế này. Yêu mà phải vượt qua nhiều rào cản như thế thì sẽ mệt lắm. Nhưng mà cái quan trọng nhất là phải có tình yêu từ người kia ấy. Ví dụ như anh Vũ cũng yêu em, bọn em yêu nhau, thì vất vả thế nào cũng cố gắng đi tiếp. Nhưng mà anh ấy với em thì khác. Anh Vũ chỉ là bác của Bống thôi…

– Không có tương lai được hả em?

– Vâng. Chẳng có tương lai gì cả chị ạ.

– Chắc thời gian vừa rồi em dọn vào đây ở là để tìm cách quên đi Vũ phải không?

– Chắc là thế chị ạ. Vào đây em thấy có đông người, đỡ buồn hơn, mà có cả Bống nữa.

– Buồn lắm phải không?

Lâu lắm rồi không ai hỏi tôi câu này. Buồn lắm phải không?… Phải rồi… Tôi rất buồn. Yêu anh cũng buồn mà chia tay nhau còn buồn hơn cả trăm nghìn lần… Mỗi tội cô độc quá, chẳng có ai hỏi han hay quan tâm đến cảm giác của tôi thế nào, cho nên cũng đã quên mất mình cũng có quyền được người khác quan tâm vui buồn rồi.

Tôi cúi đầu, hít sâu một hơi rồi chậm chạp đáp:

– Vâng. Buồn chị ạ.

– Không sao đâu. Từ từ rồi sẽ qua thôi. Sẽ ổn thôi.

– Vâng, từ từ rồi cái gì cũng qua thôi chị nhỉ?

– Nằm xuống đây đi, ngủ một giấc đi em. Chị bế Bống cho.

Thứ bảy của tuần đó, sau gần nửa tháng không về bên nhà bố, tôi không thể tiếp tục viện cớ này cớ nọ trì hoãn nữa nên đành phải về. Mẹ kế thấy tôi đến cũng không nói gì, nhưng trước lúc tôi vào nhà thì bà ấy có liếc mắt nhìn một lần, giống như muốn cảnh cáo tôi nên biết thân biết phận, đừng lại gần con trai bà ấy.

Tôi hiểu mình nên làm gì nên suốt cả buổi chỉ lúi húi trong bếp nấu nướng, anh Thành hỏi gì thì đáp nấy, không thì thôi. Đến bữa ăn cơm, mặc dù không thấy Vũ về nhưng tôi cũng không dám nhìn quanh hay hỏi bố như mọi lần. May sao, bố tôi lại chủ động nói:

– Thôi cả nhà mình ăn đi, Vũ hôm nay đi công tác rồi, thấy bảo mai mới về cơ. Hôm nay chỉ có bốn người nhà ta ăn thôi.

– Vâng.

– Thanh dạo này sao gầy thế hả con? Không chịu ăn à?

– Tại mùa này nắng nóng quá, suốt ngày chỉ uống nước thôi đã no căng bụng rồi ấy bố ạ. Ăn cơm chẳng thấy ngon.

– Hay là về đây bố nấu cho ăn? Nhà chuẩn bị có thêm chị dâu nữa, về đây ở có chị có em cho vui con ạ.

Tim tôi đột nhiên nhói một cái, lồng ngực đột nhiên co rút lại giống như vừa bị một thứ gì đó sắc lạnh đâm vào. Chị dâu ở đây có nghĩa là gì? Là vợ của Vũ hay là của anh Thành? Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý rằng sau này kiểu gì anh em họ cũng lấy vợ rồi, nhưng mà tôi không nghĩ nhanh như thế. Nhanh đến mức tôi thấy không sao chấp nhận được.

Mẹ kế thấy sắc mặt tôi hơi tái đi thì mở miệng nói:

– Mấy hôm trước đi xem tuổi của thằng Vũ với cái Hương rồi. Thầy bảo tháng chín năm nay cưới là đẹp. Từ giờ đến đó cũng còn có gần hai tháng nữa thôi. Nhà mình cũng phải chuẩn bị dần dần đi là vừa.

Bố tôi cười:

– Em nói với Vũ ngày cụ thể chưa?

– Chưa, đợi nó đi công tác xong đợt này rồi em nói.

– Ừ, hôm bữa thấy nhắc đến chuyện cưới xin mà nó không nói gì thì anh cũng thấy mừng mừng rồi. Chắc là cũng đến lúc chán cảnh ở một mình rồi, cũng muốn lấy vợ đấy em ạ.

– Vâng. Nó mà cưới vợ thì em mới đỡ lo được. Không cứ ở mãi thế em lo lắm. Lấy người tốt thì chẳng sao, nhưng gặp phải người xấu thì đúng là hỏng cả một đời.

– Mắt con mình cũng đâu đến nỗi. Em cứ lo linh tinh. Thôi, ăn cơm đi em. Thanh ăn đi con. Thành ăn đi.

– Vâng.

Tôi không nói gì, chỉ cúi đầu ăn cơm, nhưng kể từ lúc ấy nhai cái gì cũng cảm nhận thấy đúng duy nhất một vị đắng. Đắng đến mức chỉ cần nuốt vào cũng có thể cảm nhận được sự khó chịu từ tận trong đáy lòng.

Đến lúc ăn cơm xong, lần đầu tiên mẹ kế chủ động xuống rửa bát cùng tôi. Tôi biết bà ấy sẽ không có ý tốt như thế mà chỉ là muốn nói chuyện gì đó với tôi thôi, thế nên tôi cũng giả vờ như mình rất bình thường, im lặng chờ bà ấy tự nói trước.

Một lúc sau, quả nhiên mẹ kế bảo tôi:

– Lúc nãy cô nghe rõ rồi đấy. Thằng Vũ nó sắp lấy vợ. Những chuyện của cô với nó, cô đã chấm dứt hoàn toàn chưa?

– Rồi ạ. Lâu rồi con với anh ấy không gặp, cũng không liên lạc gì cả. Không còn gì nữa rồi dì ạ. Dì đừng lo.

– Cô làm cách gì?

– Con chỉ bảo với anh Vũ đó không phải là lần đầu của con. Con lừa anh ấy. Không cần anh ấy phải có trách nhiệm gì nữa. Thế thôi ạ.

– Tốt nhất là nên thế. Mỗi người nên đi một con đường riêng. Nó chọn người phù hợp với nó. Cô chọn người phù hợp với cô. Những thứ không phải của mình thì đừng có cố.

– Vâng.

– Cô làm sao thì làm, đừng bao giờ để chuyện của cô ảnh hưởng đến việc kết hôn của con tôi, cô hiểu không? Khó khăn lắm nó mới chịu lấy vợ. Giữa đường cô đừng giở trò gì là được.

– Vâng ạ. Con biết rồi.

Lúc đó tôi cũng không thể hiểu nổi tại sao mình có thể bình tĩnh như thế, bình tĩnh đến mức có thể nghĩ ra được cách nói dối mẹ kế về nguyên nhân chia tay, bình tĩnh mỉm cười với bà ấy khi nói ba chữ “con biết rồi”. Nhưng sau đó khi tôi suy nghĩ thật kỹ lại, tôi mới phát hiện ra rằng, hóa ra không phải tôi bình tĩnh mà là tôi không tin.

Đời người, tiếc nuối nhất là từ bỏ cái không nên từ bỏ, nhưng lại cố chấp kiên trì cái không nên kiên trì. Tôi không muốn tin anh lấy vợ nhanh như thế, Vũ mà tôi biết sẽ chẳng bao giờ nghe theo sự sắp đặt của người lớn, anh cũng không vội vàng trong bất cứ chuyện gì. Cho nên tôi cứ vẫn cứ cố chấp nuôi một chút hy vọng ít ỏi rằng anh sẽ không kết hôn trong thời gian nhanh thế, vẫn tin rằng tạm thời anh vẫn sẽ sống bình thường như bây giờ.

Tuy nhiên, không lâu sau đó tôi lại nhận ra mình đã nhầm, nhầm hoàn toàn. Bởi vì có một lần tình cờ, tôi đến ngân hàng rút tiền để chuẩn bị nộp chi phí xét nghiệm tủy cho Thắng và Bống, ngang qua một tiệm trang sức khá lớn, thấy biển số xe của Vũ đỗ ngay bên đường nên tôi vô thức nhìn vào, cuối cùng lại nhìn thấy anh và bà Hương đang chọn trang sức bên trong đó.

Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi chính là: Bọn họ đi mua nhẫn kết hôn. Phải rồi, mẹ kế nói gần hai tháng nữa bọn họ sẽ tổ chức đám cưới, thế thì bây giờ mua nhẫn là đúng rồi còn gì?

Tim tôi có cảm giác như vừa bị ai cầm dao khoét ra, vừa bàng hoàng đau đớn lại vừa thấy trống rỗng. Lúc bấy giờ mới thực sự thấu hiểu lòng người tàn nhẫn như thế nào. Trong kinh doanh, anh quyết đoán khiến người khác nể sợ, ở bên ngoài, anh nói với tôi “chúng ta kết thúc thôi”, thì sẽ vĩnh viễn dừng lại với tôi ở đó.

Không thèm quay đầu nhìn tôi lấy một lần, không nuối tiếc, không đau buồn, dứt khoát đến tàn nhẫn. Tôi yêu tính cách này, giờ thì cũng hận luôn cả tính cách này của anh.

Tôi dừng xe ở bên đường, đứng nhìn anh rất lâu, nhìn đến khi trong lòng tê dại không còn cảm giác gì nữa mới nổ máy tiếp tục đi tiếp con đường của mình, bước tiếp thế giới không có anh của tôi…

Sau hôm đó, tôi đã nghĩ rất nhiều, cũng buồn rất nhiều, nhưng đến khi thông suốt rồi, tôi biết cũng đã đến lúc phải từ bỏ đi tình cảm của chính bản thân mình, từ bỏ đi mọi thứ để anh có được hạnh phúc của riêng anh. Còn tôi, tôi sẽ đi đến một nơi khác làm lại từ đầu.

Trước kia tôi cứ nghĩ mình đủ bản lĩnh để không phải chạy trốn, nhưng bây giờ mới nhận ra bản thân mình thực ra quá hèn mọn. Tôi không có can đảm nhìn anh lấy vợ, không đủ dũng khí để nhìn anh ở bên người khác. Tôi sợ đau lòng không chấp nhận nổi nên tôi hạ quyết tâm rồi, đợi ghép tủy cho con tôi xong, tôi sẽ trốn khỏi thành phố nhiều khổ đau này thôi…

Cứ như vậy cho đến một hôm, tự nhiên tôi lại nhận được điện thoại của anh Hải. Tôi tưởng anh ấy gọi rủ mình đi chơi nên đã chuẩn bị sẵn tâm lý để từ chối rồi, nhưng mà không ngờ, anh Hải lại bảo tôi:

– Thanh ơi, anh có tin muốn thông báo với em đây.

– Dạ. Sao thế hả anh? Tin gì thế ạ?

– Em có nhớ quyển sổ đỏ mà đợt em làm mất của bà khách hàng tên Hằng không?

– Vâng, em nhớ ạ.

– Ừ đấy. Sáng nay anh vừa tìm thấy rồi.

– Ơ em tưởng đợt đấy làm cấp lại sổ đỏ mới cho bà ấy rồi chứ ạ. Bà ấy vẫn đòi sổ cũ hả anh?

– Bà ấy không đòi, nhưng sáng nay cái Bích bị ốm nghỉ làm, anh cần tài liệu gấp nên thử lục ngăn tủ của nó. Cuối cùng thấy sổ kẹp trong một hồ sơ trong đó. Ngày trước em có nhớ nhầm không? Em có kẹp nhầm vào đó không?

Tôi suy nghĩ một lúc, biết rõ là mình không hề kẹp nhầm mà chỉ là bà Bích cố tình hại tôi thôi, nhưng tôi không muốn nói ra với anh Hải mà chỉ bảo:

– Có khi thế thật anh ạ. Em kẹp nhầm mà không nhớ.

– Đấy, biết trước tìm ở đó thì có phải mọi chuyện xong rồi không. Em vẫn làm ở văn phòng bình thường, không phải nghỉ việc oan uổng thế.

– Em không sao đâu mà. Biết đâu là cái số đấy anh ạ. Với cả tại em vứt lung tung rồi không nhớ nữa.

– Lung tung gì. Hay là giờ tìm được sổ rồi, em quay về văn phòng làm nhé?

– Sếp ơi từ từ. Con em sắp ghép tủy rồi. Em chưa có thời gian đi làm. Sếp đợi xong xuôi, có gì em thông báo cho sếp nhé.

– Thật à? Thế thì hôm nào anh phải đến thăm mới được.

– Vâng, khi nào sếp đến thì gọi em, không lại bảo em nói dối.

– Ừ rồi. Em cứ chăm con cho tốt đi, khi nào con khỏe thì đi làm lại nhé.

– Vâng. Em cảm ơn sếp ạ.

Cúp máy xong, tôi nghĩ mình có đủ bằng chứng để đến tìm bà Bích rồi, với cả clip gốc của tôi và Vũ cũng ở trong tay chị ta nữa, cho nên tôi quyết định đợi đến khi ghép tủy xong cho con, trước lúc tôi rời khỏi thành phố này thì sẽ đến tìm chị ta một chuyến, nợ cũ nợ mới tính luôn một thể.

Nhưng mà ông trời hình như nghe thấu được lòng tôi thì phải, sau đó mấy hôm thì tự nhiên cái cô người nhà bệnh nhân nằm cùng phòng với con gái tôi tự nhiên lại xem một clip trên mạng rồi cứ lẩm bẩm bảo mãi:

– Bọn trẻ bây giờ sợ thật đấy. Cướp chồng rồi đánh nhau lột quần áo loạn cả lên. Còn tung cả lên mạng nữa.

Chị Tâm nghe thế mới bảo:

– Chị xem ở đâu đấy, em xem với nào.

– Đây này, chị cầm điện thoại mà xem. Chúng nó đánh nhau ghê lắm.

Ban đầu tôi cũng không để ý lắm, nhưng lúc chị Tâm cầm điện thoại xem, tôi ngồi bên cạnh tự nhiên lại nghe giọng quen quen vọng ra từ điện thoại: “Em xin các chị, em có biết chồng các chị là ai đâu, các chị tha cho em”.

Sau đó là hàng loạt tiếng đấm đá la hét: “Tha này, tha này…”

Tôi lờ mờ nhận ra giọng của bà Bích vội vàng ngồi thẳng dậy, ngó vào điện thoại thấy đúng là chị ta bị cả một đống con gái túm tụm vào đánh. Tôi không biết những người đánh chị ta là ai nhưng thấy bọn họ cứ luôn mồm bảo bà Bích cướp chồng, làm con giáp thứ mười ba phá hoại hạnh phúc của người khác.

Tôi thấy kịch bản này quen quen, giống hệt như trước đây tôi cũng có một lần bị thế rồi, mà bây giờ đối với bà Bích thì gậy ông đập lưng ông thì phải.

Nhưng mà ai làm? Ai là người làm chuyện đó? Bà Bích trước giờ chỉ thích có mỗi mình Vũ, thì làm gì có chuyện đi cướp chồng của ai được?

Đang nghĩ đến đó thì điện thoại tôi đổ chuông, là bố tôi gọi. Chắc lâu rồi tôi không về nên bố tôi nhớ. Tôi sợ ở viện ồn ào, lỡ ai nói gì thì bố nghe được nên phải chạy ra tít ngoài hành lang rồi mới nghe máy:

– Alo bố ạ.

– Thanh đang ở đâu thế con?

– Con đang đi siêu thị bố ạ. Sao thế bố?

– Lâu rồi bố không sang nhà nên giờ bố qua chơi. Con sắp về chưa? Khoảng mười lăm phút nữa bố đến chỗ con.

– Bố qua chơi ấy ạ?

– Ừ. Mấy khi hôm nay bố rỗi, với cả anh Vũ cũng về sớm nên bố bảo chở bố sang.

Nghe đến tên anh, lòng tôi lại không kìm được, rung lên dữ dội. Tôi sợ, tôi không muốn đụng mặt, nhưng có lẽ Vũ cũng như tôi, vì ở giữa còn có bố nữa nên không thể tránh được.

Tôi chần chừ vài giây rồi đáp:

– Vâng, giờ con về đây ạ. Nếu bố sang mà chưa thấy con thì đợi con tý.

– Ừ, không phải mua gì cả đâu. Bố mua thức ăn đây rồi. Bố sang nhà nấu cho con ăn.

– Vâng ạ.

Vì sợ bố tôi phát hiện ra nên ngay khi cúp máy xong, tôi quay vào phòng bệnh dặn dò chị Tâm vài câu rồi vội vàng ra về. Nhà cửa lâu rồi không ai ở nên phủ đầy bụi bặm, tôi vừa vào đến nhà là cuống cuồng lao vào dọn dẹp, may sao khi vừa xong xuôi thì cũng là lúc nghe tiếng chuông cửa.

Tôi phủi phủi tay vào tạp dề, vén tạm mấy lọn tóc bết hết mồ hôi sang một bên, hít sâu một hơi rồi chạy ra mở cửa. Bố tôi và cả Vũ nữa, hai người tay xách nách mang mấy túi thức ăn to đùng. Vừa thấy tôi, bố đã cười tươi rói:

– Đấy, gọi mãi không về nên bố phải mang thức ăn sang tận nơi nấu đây. Hôm nay con gái bố thích ăn gì nào?

– Sao bố mua nhiều thế? Con ăn gì cũng được mà.

– Bố mua cho con tích trữ dần trong tủ đấy. May mà có anh Vũ đi cùng mới có người xách cho.

Tôi không dám nhìn anh, nhưng mà vẫn phải nói:

– Vâng, bố vào nhà đi. Anh vào nhà đi.

Buổi trưa hôm ấy, bố vào bếp nấu cơm cho tôi ăn. Tôi lăng xăng phụ bố cái này cái kia thì bị bố quát đuổi ra. Bố tôi bảo tôi chỉ việc ra ghế ngồi nói chuyện với Vũ thôi, còn lại để bố tôi lo, tôi nói mãi không được nên đành phải ra ngoài.

Sau hơn nửa tháng không gặp, chúng tôi cũng chẳng biết phải nói gì. Tôi ngại bố nên cũng không dám bỏ vào phòng ngủ mà vẫn ngồi ở ghế sofa đối diện anh, Vũ thì thản nhiên ngồi xem tin tức gì đó trên điện thoại, không để ý gì đến tôi.

Tôi muốn hỏi “Dạo này anh khỏe không?”, nhưng mãi cũng chẳng thể phát âm ra được thành lời, cuối cùng cả hai cứ im lặng ngồi đó. Rất lâu sau, Vũ là người lên tiếng trước:

– Nhìn gì?

– À… không. Tôi đang định bảo cái thẻ mà anh đưa tôi ấy, giờ tôi không dùng nữa thì trả lại anh nhé?

– Vứt đi.

– Anh không cần nữa à?

– Bẩn.

Tôi cười, dù trong lòng ngập tràn cay đắng. Bây giờ đúng là mọi thứ đã quay lại như ba năm trước rồi, dù nửa con mắt anh cũng không thèm liếc tôi, lúc nào cũng coi tôi là đứa bẩn thỉu khiến anh chán ghét. Đúng ý nguyện của tôi rồi, mà sao tôi chẳng thấy vui?

– Ừ, không lấy nữa thì để tôi vứt đi.

Vũ không đáp, tiếp tục cúi đầu nhìn điện thoại. Tôi nghĩ có lẽ đây sẽ là lần cuối nói chuyện giữa tôi và anh rồi, tôi sợ sau này đến câu chúc phúc cũng chẳng thế nói được, cho nên đắn đo mãi cũng hạ quyết tâm nói ra một câu:

– Chúc mừng anh nhé.

– Chuyện gì?

– Sắp lấy vợ.

Vũ tắt điện thoại, ngẩng đầu nhìn tôi cười lạnh lùng. Nụ cười này của anh tôi chưa từng thấy bao giờ, nhưng bỗng dưng trong lòng lại thấy thật thê lương:

– Cũng chúc mừng cô. Lòng yêu anh tôi nhưng nghe nói lại có người yêu khác rồi.

– Biết làm sao được. Tôi có yêu anh Thành thì cũng không đến được với anh ấy, cho nên tôi phải tìm người khác thôi.

– Tim cô rộng rãi thật.

– Cảm ơn.

Chúng tôi nói đến đây thì anh có điện thoại, tôi không biết là ai nhưng Vũ trả lời rất nhẹ nhàng “Anh đây”. Tiếp theo đầu dây bên kia nói gì đó khoảng hơn một phút, đến khi anh cúp máy xong thì đi vào bếp bảo bố tôi:

– Con có việc phải đi, tý nữa con quay lại đón bố sau nhé? Bố ăn cơm xong, khoảng một giờ chiều về phải không?

– Ừ, con bận thì cứ đi đi. Chiều bố bắt taxi về cũng được. Không cần phải lo cho bố đâu.

– Con quay về đón kịp. Bố cứ ăn cơm ở đây đi. Khi nào con về thì con gọi nhé.

– Ừ.

Sau khi anh đi rồi, tôi vào bếp phụ bố dọn đồ ăn lên bàn. Cả một bàn rất nhiều thức ăn mà chỉ có hai bố con thì buồn, bố tôi cứ lắc đầu mãi:

– Cái thằng… bận rộn suốt ngày. Còn bận hơn cả thằng Thành nữa. Chẳng biết rồi đến khi lấy vợ có đỡ bận hơn không.

– Lúc có gia đình rồi phải khác chứ bố.

– Bố chỉ mong nó lấy được người nó yêu thương thôi. Vũ khác với Thành, từ nhỏ đến lớn có gì nó cũng đều im im chịu đựng, chẳng hay tâm sự với ai, cũng chẳng bao giờ than vãn gì cả. Chỉ mong khi nó cưới vợ rồi, nó chịu mở lòng mình ra, chứ nó cứ như thế bố thấy thương lắm.

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.