Tôi ngẩn người nhớ lại vẻ ngạc nhiên của cha khi nghe Mục Á trò chuyện, hình như ông đã nhận ra điều gì đó. Có vẻ Mục Á còn giấu tôi nhiều điều trong khi tôi cứ nghĩ mình đã hiểu rõ em.
Dăm ngày sau, tôi dẫn Mục Á đến tòa điện ở trung tâm thành phố dự tiệc, nơi chuyên dành cho hoàng đế Băng Hóa tiếp đón ngoại giao và chỉ chào mừng các quý tộc đẳng cấp cao nhất. Hoàng đế tổ chức cuộc họp mặt hàng năm nhằm duy trì quan hệ hữu hảo giữa các dòng họ theo nhiều hình thức, tiệc này là một kiểu như thế. Ước chừng phải mười năm rồi tôi mới quay lại đây. Tiệc thừa mứa, đầy rẫy con người xàm xí nhảm nhí, trong khi nhậu nhẹt cùng Đại Bác hay ra ngoài tán gái thú vị hơn nhiều, xưa vẫn thế mà giờ vẫn vậy. Nếu không vì Mục Á, tôi đã chẳng tới. Ơn Vạn Thế vì người mang em đến chốn khỉ gió này! Giữa một rừng người đàn ông mặc dạ quang phục(*) lẫn phụ nữ mặc đầm lấp lánh màu sắc, Mục Á khoác chiếc váy truyền thống của người Diệp quốc. Em như mặt trời phương đông lộ ánh bình minh trên đất tuyết xứ bắc, không chói chang mà dịu dàng trầm ấm còn cợn hơi lạnh màn đêm, cả tòa đại điện rực rỡ bỗng chùng xuống dưới sự xuất hiện của Mục Á, tựa thể mặt trời đang lặn còn trăng đang lên. Không dễ để khác biệt và trở thành tâm điểm chú ý, nhưng Mục Á sinh ra cho chuyện này. Nếu không phải tôi kè kè ở bên, lũ đàn ông đã vây quanh Mục Á như ruồi bâu mật.
Khi chẳng thể lâu nhâu quanh em, đám người bắt đầu bàn tán. Vài gã nhận ra em là Hạ Nga Chi nổi tiếng ở Hoàng Hôn Cảng, vậy là đám phụ nữ làm nốt phần còn lại: truyền bá thông tin càng nhanh càng tốt. Rủ rỉ rù rì tai nhau, cười khúc khích, liếc ánh mắt khinh miệt đến đối tượng rồi cười phá lên, để kẻ bị đàm tiếu chẳng nghe thấy nhưng biết rõ tại sao mình bị đàm tiếu – kiểu cách nói xấu nhau ở xứ Băng Thổ chẳng hề đổi khác qua hàng ngàn năm. Nhiều cuộc đấu đá sứt đầu mẻ trán cũng vì chuyện rù rì rủ rỉ này mà ra. “Hô, con cả nhà Xuy Hạ yêu một gái điếm!”, “Hắn muốn kết hôn với gái điếm sao? Mất trí rồi!”, “Khai Y vốn mất trí mà! Hắn đang làm hộ vệ cho người Phi Thiên quốc đấy!” – Tôi đọc được hàng tá suy nghĩ như thế. Tôi nắm tay Mục Á vì sợ em tổn thương, nhưng em cười tỏ ý mình ổn đoạn bảo tôi nên lo cho cha mẹ. Ngó lên tầng lửng, tôi thấy cha mẹ mình đang tiếp chuyện hàng tá quý tộc, nụ cười của họ méo xẹo khi bị hỏi móc máy chuyện hôn nhân. Chuyện còn tồi tệ hơn khi Hạn Lý xuất hiện. Tôi thấy nàng phía sau cột tòa điện, đôi mắt đựng cả rổ dao găm nhắm vào Mục Á. Tôi tạm xa Mục Á ít phút để giải quyết vấn đề với vị hôn thê. Chưa đợi tôi phân bua hết, Hạn Lý ngẩng đầu nói không chớp mắt:
-Em không làm chàng xấu mặt đâu, Khai Y. Em không ra đó vào hùa với đám người ngu dốt đang nói xấu chàng. Nhưng chắc chắn sau buổi tiệc, em sẽ gặp Mục Á.
Tôi vò tóc, thâm tâm rối bời. Tôi yêu nhiều người nhưng chưa từng bắt cá hai tay. Đại Bác thì có, gã là chuyên gia, gã biết cách xử lý. Giá mà thằng ngựa giống ở đây! – Tôi chửi thề.
Theo thông lệ, tôi trình diện trước hoàng đế đồng thời là bác ruột đằng ngoại. Bằng cách nào đó, tin đồn người yêu tôi là gái điếm đã đến tai hoàng đế. Ngài ôm tôi thật chặt đoạn hỏi “Có thật không, cháu trai ta? Chuyện đó…”. Tôi đáp lại bằng cách gật đầu xác nhận. Hoàng đế ái ngại cho tôi nhưng vẫn hôn tay Mục Á một cách nhiệt tình và thực tâm. Trong một động thái không thể ngờ tới, ngài đột nhiên mời em khiêu vũ. Mục Á ngạc nhiên, tôi cũng thế. Nhưng cái nháy mắt của hoàng đế giúp tôi hiểu ngài muốn gỡ bí hộ mình. Tôi thì thầm động viên Mục Á rồi đẩy lưng em. Vậy là giữa sảnh tiệc, người đàn ông quyền lực nhất lục địa tuyết khiêu vũ với một cô gái điếm khiến đám đông ngỡ ngàng. Tôi thích khung cảnh đó, Mục Á thật đẹp còn cái nơi đầy mùi xúc xiểm này bị đè bẹp dưới chân em.
Tiếng vỗ tay vang lên khi màn khiêu vũ kết thúc. Tôi thấy Mục Á thỉnh cầu hoàng đế điều gì đó, em hơi bạo gan, hẳn em chưa biết ngài không phải người dễ gần hoặc dễ chấp thuận thỉnh cầu. Nhưng rồi hoàng đế hướng lên tiếng với bốn phía tòa điện:
-Thành thật mà nói, mấy buổi tiệc thế này nên thay đổi. Buổi họp mặt hàng năm mãi một màu thế này, ta thấy mình hơi lạc hậu! – Ngài nhún vai, vài tiếng cười lẫn tiếng vỗ tay lác đác phụ họa – Nhưng may mắn là Vạn Thế đem đến cho chúng ta một món quà từ bên kia Đồng Gió. Hãy thưởng thức nhé, các vị!
Nói rồi ngài rời đi để lại Mục Á một mình giữa đương trường. Tôi nghĩ sự việc đang quá đà. Mục Á luôn là tâm điểm và em quen việc đó, tôi biết, nhưng tôi dám khẳng định số lượng Hạ Nga Chi dự tiệc hoàng gia thế này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nó rất khác buổi tiệc thông thường nơi mà người ta dễ dàng trò chuyện, dễ phát ngôn bậy bạ, dễ cảm thông cho nhau hơn. Tôi định bước ra thì hoàng đế ngăn lại:
-Ta đã hỏi, cô gái ấy muốn thế. Cháu nên tôn trọng câu trả lời của phụ nữ.
-Nhưng việc này không thích hợp, thưa ngài! – Tôi bối rối.
Hoàng đế cười:
-Tất nhiên là không thích hợp vì cô gái ấy muốn thể hiện tình yêu với cháu. Nhưng ta cho phép. Cái chỗ mua bán đổi chác chính trị này cần chút lãng mạn. – Hoàng đế nhìn quanh – Mục Á nói cháu là người đàn ông dũng cảm nên muốn đáp lại. Cháu nên vui, thời đại bây giờ toàn những cô gái kiêu kỳ thích dựa dẫm và ra vẻ đáng yêu, Mục Á là của hiếm.
Lúc này dàn nhạc đã ngừng chơi, đám người cũng bớt xôn xao mà trông về giữa sảnh. Tại đó, Mục Á đã cởi giày và chuẩn bị điệu múa trên đôi chân trần. Em chào một lượt đoạn quay lại phía tôi, đôi tay đương e ấp chợt vươn đến tựa thể vừa lấy một vật vô hình nào đó trong lồng ngực làm quà tặng tôi. Tôi ngộ ra em dành màn biểu diễn cho mình, bằng tất cả dũng khí của một cô gái điếm trước hàng trăm con người đang chực chờ buông lời thóa mạ. Lẽ ra em không cần làm thế, với tôi em là công chúa, là nữ hoàng, là nữ thần. Nhưng tôi biết ơn em. Sau đó em dang tay, cổ áo lụa đỏ phất lên như thiên nga tung cánh bắt đầu điệu ca vũ, chiếc váy đỏ rực xòe rộng lách cách tiếng khuy gỗ va nhau, còn giọng hát trong vắt như hồ băng của em vang khắp đại điện.
“Đông mớm tàn, tuyết dợm tan, cười thế gian tan tan hợp hợp
Tháng một người về chân tuyết rợp, nụ kết đơm, hoa nở chớm
Cỏ thơm nắng, đất tan băng, hội hoa đăng hằng sa đèn lồng
Tháng hai gót hài bước bên sông, hoa trổ bông, phấn má hồng
Ngàn đồng xanh, bút họa tranh, xuân thì thầm mành treo chuông gió
Tháng ba giấy hồng tô môi đỏ, hoa cài giỏ, lửa ấm lò
Đêm ngõ nhỏ, sao mờ tỏ, thẩn thơ gió rong chơi phố vắng
Tháng tư người hái sơn trà trắng, hoa treo lẵng, đêm hé trăng
Núi im ắng, mây chẳng rằng, sông lẳng lặng nước chảy hoa trôi
Tháng năm lược vương tơ tóc rối, chim sánh đôi, lộc đâm chồi
Tìm lối xưa, dưới ánh lửa, liệu còn nhớ đêm mưa hẹn ước?
Tháng sáu níu tay người bên đường, lòng bận vướng, mắt lệ sương
Năm bốn mùa hoa rơi hết tàn lại úa, đời ngàn kiếp hoa trôi nước chảy ngàn sông
Hỏi người lữ khách, người có đợi em không?
Qua ngàn kiếp, ngàn lời nói, ngàn nẻo lối tới ngày thế giới trống rỗng
Hỏi người lữ khách, người còn chờ em không...”
Điệu ca vũ còn dài và đủ mười hai tháng trong năm nhưng tôi không thể nhớ hết, bởi lúc ấy tôi đã hoàn toàn đắm chìm vào thế giới của Mục Á, dẫu em còn hát hay không cũng chẳng quan trọng. Mãi khi em ngừng nhảy, quỳ gối trên nền tòa điện và nhìn tôi bằng nụ cười rạng rỡ, tôi mới bừng tỉnh rồi vỗ tay trong vô thức. Kế sau tôi là hoàng đế, ngài vừa lắc đầu vừa vỗ tay như thể tìm thấy những rung động mà ngỡ tưởng chúng đã biến mất trong cuộc đời sắt đá của mình. Rồi cả tòa đại điện hò reo tán thưởng; đám quý tộc Băng Thổ thích nói xấu ưa thủ đoạn, nhưng ít nhất là họ cũng biết rung động trước cái đẹp. Kể từ ấy chẳng còn lời châm chọc nào trong bữa tiệc nhằm vào Mục Á hay gia đình tôi. Người Băng Thổ rốt cục vẫn là người Băng Thổ, họ không bôi nhọ thiên nga. Nắm tay em, tôi cảm nhận rõ làn da nóng ran lẫn sự hồi hộp còn run lên trên từng khớp ngón. Tôi hôn tay Mục Á thay lời cảm ơn còn em cười thật tươi, ánh mắt rạng rỡ với bộ váy trắng đỏ. Em đẹp quá!
Điều duy nhất làm tôi lấn cấn là Hạn Lý. Tôi sợ nàng gây chuyện khó xử nên định đưa Mục Á về sớm. Nhưng vài mối quan hệ thân thích hoàng gia khiến tôi phải tiếp chuyện, tới lúc ngoảnh lại thì chỉ kịp nhận ra bóng em đang theo Hạn Lý lên tầng trên tòa điện. Mục Á vẫn nghĩ cho người khác, em không muốn tôi dính vào mấy vụ tranh cãi đàn bà. Tôi vội vã đuổi theo, tới khi gặp hai người họ ở ban công thì nép mình sau cửa theo dõi. Đó là một khung cảnh lạ kỳ. Hai người phụ nữ đối mặt nhau, Mục Á kiên nhẫn chờ đợi song Hạn Lý im lặng. Bàn tay vị hôn thê run lẩy bẩy dù trời không quá lạnh, dường như nàng đang kìm nén cơn giận. Tôi đâm lo sợ nàng hành động thiếu suy nghĩ. Bỗng Mục Á lên tiếng:
-Tiểu thư muốn gặp tôi, nhưng cô chưa nói tên mình. Tôi chẳng quen ai ở Băng Hóa thành ngoài Khai Y. Vậy ra… tiểu thư là Hạn Lý, hôn thê của anh ấy?
Hạn Lý gật đầu mà không nhìn thẳng mắt Mục Á. Nàng đang né tránh dù nàng cao hơn Mục Á nửa cái đầu và xuất thân danh giá gấp vạn lần. Nhưng giờ nàng co rúm trong vòng tay thủ trước ngực như con chim nhỏ đang đối mặt nữ thần. Nàng thổn thức:
-Cô làm thế được sao, Mục Á? Cô cướp chồng người khác…
-Khoan, hãy nói cho rõ. – Mục Á giơ tay – Khai Y chưa phải là “chồng” tiểu thư. Tại Băng Thổ, “đính ước” khác “hôn lễ”, hôn lễ thì linh đình hoành tráng còn đính ước lại âm thầm lặng lẽ. Nếu tiểu thư không nói, sẽ không ai biết Khai Y từng đính ước với cô.
-Vậy cô không xấu hổ khi làm người thứ ba chen giữa chúng tôi? – Hạn Lý nói gấp – Cô rõ ràng hơn hẳn đám Sukka và Hattabi thông thường. Xin lỗi vì mấy từ đó, tôi không cố ý khinh miệt! Tại sao cô còn làm vậy?
Mục Á lắc đầu:
-Tôi không muốn chen vào cuộc sống bất cứ ai, nhưng tôi không thể làm ngơ trước người đàn ông dũng cảm yêu mình. Người ta chiều chuộng tôi, quà cáp cho tôi nhưng không ai nhớ tôi sau một tháng chia tay. Cuộc sống Hạ Nga Chi là vậy đấy! Khai Y khác, anh ấy nhớ tôi sau hàng tháng trời! Ngày đầu tiên gặp lại, Khai Y hỏi tôi sống thế nào chứ không phải đòi tôi lên giường phục vụ như một gái điếm. Khai Y đem tôi về đây và chấp nhận bị đuổi khỏi nhà. Người yêu tôi như vậy, sao tôi phụ người ta được?
-Cô không thể làm vợ Khai Y. Cô có thể giúp gì cho chàng? – Hạn Lý tức tối.
-Tôi không chắc, nhưng tôi sẽ cố gắng, bắt đầu từ đêm hôm nay. – Mục Á đáp – Tôi đã tặng quà cho Khai Y bằng tất cả tấm lòng mình, nó chẳng đáng so với những gì Khai Y phải chịu đựng khi yêu tôi. Vậy còn tiểu thư? Tiểu thư có quà cho anh ấy không? Tiểu thư ở đâu khi người ta bôi nhọ anh ấy?
Hạn Lý nhất thời á khẩu. Nàng không nói được, cổ họng như bị đá chèn ngang đến nghẹt thở. Vị hôn thê bật khóc, nàng nấc liên hồi:
-Tại sao… cô cướp Khai Y… cô cướp chàng… đồ Sukka, tôi mới là người xứng đáng… cô không thể nhường tôi sao?
Tôi thở dài, rốt cục Hạn Lý cũng không thể giữ khuôn phép và sự bình tĩnh mà một tiểu thư danh giá cần có. Tâm hồn nàng nứt vỡ, từng mảnh đang rơi lả tả xuống ban công đẫm ánh trăng. Lỗi do tôi. Đáp lại vị hôn thê, Mục Á cúi đầu:
-Xin lỗi tiểu thư, tôi không thể. Nếu còn yêu Khai Y, tiểu thư hãy chiến đấu để giành giật anh ấy. Đàn ông thống trị mọi thứ trên thế giới này bởi họ chiến đấu và dùng máu để đánh đổi, chỉ còn sót mỗi tình yêu, phụ nữ không chiến đấu giành giật nó, định để đàn ông làm nốt hay sao?
Vị hôn thê của tôi ôm mặt khóc lớn. Tội cho nàng. Nàng rời khỏi ban công, nước mắt nhiều đến nỗi không để ý rằng tôi ở ngay gần đó. Tôi gãi tóc bối rối, cảm giác như mình là thằng khốn nạn nhất thế giới. Bữa tiệc hôm ấy đáng lý hoàn hảo rốt cục lại kém vui một chút.
Nhờ buổi tiệc mà gia đình tôi bớt định kiến với Mục Á. “Bớt” chứ không phải “hết”, con đường để chúng tôi kết hôn còn đầy rẫy chướng ngại như đường rừng, mà một khi ra khỏi đó thì cả tôi lẫn em đều rớm máu thương tích. Cha vẫn khuyên tôi chọn giải pháp cưới cả Hạn Lý lẫn Mục Á, ông coi trọng danh dự hơn hết thảy. Nhưng việc cha trò chuyện riêng với Mục Á và tự tay mời em dùng trà đã là một bước tiến lớn. Em khá hòa hợp với mọi người, cháu tôi – con trai Khai Nhạn thích em hơn là người bác nó. Ha ha!
Nhưng việc kết hôn của tôi dần lắng xuống khi tin tức về miền nam Băng Thổ ngày một nóng lên. Cuộc chiến tranh tài nguyên đã kết thúc gần sáu năm nhưng tàn dư của nó vẫn âm ỉ khắp nơi. Các nước âm thầm chạy đua vũ trang, tổ chức khủng bố Xích Tuyết, quân phiến loạn cứ thế mọc lên như nấm sau mưa. Vấn đề với Băng Hóa quốc là Lực Lượng Mù Thủy – một tổ chức phiến quân với thành tích chống đối Băng Hóa lâu đời. Vậy là bữa ăn của gia đình trở thành phòng họp chiến tranh giữa cha tôi và Khai Nhạn, lắm lúc mẹ phải gạt đi trước khi hai người biến bàn ăn thành địa đồ quân sự. Sau đấy vài ngày, khi tôi chuẩn bị đưa Mục Á về Hoàng Hôn Cảng thì nhận tin Khai Nhạn lên đường tới vùng Tam Thủy Khu – bản doanh của Lực Lượng Mù Thủy. Những lúc thế này, tôi cảm giác mình như một kẻ thừa thãi trong gia đình khi chẳng thể giúp cậu em hay cha. Khai Nhạn vỗ lưng tôi:
-Chuộc Mục Á đi, anh trai, chuộc cô ấy khỏi Cao Lầu. Em đi chuyến này một năm, em muốn khi về là thấy anh đã cưới Mục Á. Hứa đi, anh trai, anh và Mục Á phải làm cha mẹ đỡ đầu cho con em!
Dĩ nhiên tôi không thể từ chối. Tôi ôm Khai Nhạn đoạn cầu chúc lời tốt đẹp nhất cho cậu em. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi lo lắng hơi thừa vì Khai Nhạn thực sự tài năng. Nếu chẳng phải gắn đời mình cho quân ngũ, cậu đã tiến xa hơn tôi chẳng biết chừng.
Dù vậy, nỗi lo lắng vẫn lợn cợn tâm trí tôi. Suốt mấy tháng theo chân thầy Tây Minh, ngoài gọi điện hỏi thăm Mục Á, tôi dành nhiều thời gian quan tâm tình hình chiến sự miền nam lục địa Băng Thổ. Ngay cả Mục Á cũng nhận ra nỗi thấp thỏm mà tôi dành cho Khai Nhạn. Em không giận tôi vì bớt thời gian trò chuyện hơn, thay vào đó em động viên rồi khuyên tôi nên về nhà trong kỳ nghỉ phép tới:
“Đừng đi chơi đâu cả, anh nên về nhà. Mẹ anh và cả mẹ hai, họ cần anh.”
Đó cũng là điều tôi nghĩ tới. Sau cuộc hành trình, tôi trở lại Hoàng Hôn Cảng đón Mục Á. Từ giờ tới lúc em hết hạn hợp đồng còn đúng ba tháng, tôi đề nghị ông chủ Cao Lầu giải phóng Mục Á sớm và chịu nộp phạt. Cuộc thương thảo bế tắc, ông chủ Cao Lầu muốn tận dụng Mục Á đến ngày cuối cùng. Nhưng so với quá trình chúng tôi yêu nhau, ba tháng chỉ như cái chớp mắt. Đêm trước ngày về Băng Hóa thành, tôi cùng em bàn chuyện lễ cưới, cả việc làm cha mẹ đỡ đầu cho con trai Khai Nhạn. Mục Á thích thằng bé vì nó hiếu động lại hay cười. Đương trêu đùa nhau, tôi chợt nhận được điện thoại của mẹ. Có hai điều kỳ lạ: mẹ không bao giờ gọi điện cho tôi vì bà hoài cổ chuyện viết thư hơn, thứ nữa là bà đang nói với tôi bằng giọng nức nở.
“Về đi con… có giấy báo tử… người ta đang đưa em con về…”
Tôi bàng hoàng, điều tồi tệ nhất trên thế giới này đã xảy ra. Ngay giờ phút đó, tôi chợt nhớ ngày đầu tiên gặp Khai Nhạn mà không biết thằng bé này từ đâu chui ra và thắc mắc tại sao tôi phải gọi nó là “em”. Những trận cãi vã giữa chúng tôi hồi nhỏ, vụ ẩu đả giữa tôi và lũ trẻ bắt nạt thằng bé, khoảnh khắc Khai Nhạn đón chào con mình ra đời còn tôi đặt tên cho đứa nhỏ. Từng ấy ký ức đánh quỵ cả đôi chân chân lẫn niềm kiêu hãnh của tôi. Đêm ấy, tôi cùng Mục Á vội vã trở về Băng Hóa thành.
Chúng tôi đến thành phố lúc ba giờ sáng cũng đúng lúc di hài Khai Nhạn được đưa về. Quan tài phủ quốc kỳ Băng Hóa màu đỏ với tấm khiên vẽ huy hiệu đại bàng. Qua lớp kính trên quan tài, tôi biết bên nhà xác phải cố lắm mới khâu được khuôn mặt Khai Nhạn. Người ta nói đội viễn chinh của Khai Nhạn gặp phục kích, kẻ thù không phải Lực Lượng Mù Thủy mà là một toán biệt kích khoảng hai mươi người, khẩu âm hỗn tạp và kẻ cầm đầu được gọi là “Mãnh Hổ”. Nhưng tôi không quan tâm lắm, chiến tranh là vậy. Vấn đề là ai sẽ lo cho mẹ hai? Và ai lo cho mẹ con Khai Nhạn? Tôi gặp gia đình, tất cả đều khóc và mẹ hai gần như ngất, chỉ trừ con trai Khai Nhạn. Tôi liền bế nó lên vỗ về:
-Khóc đi, Khai Giã. Khóc cho cha con, khóc cho người đàn ông dũng cảm. Có bác ở đây rồi, đừng sợ, khóc đi con!
Tôi vừa dứt lời, Khai Giã bấu lưng tôi khóc lớn. Đó là lần cuối cùng tôi thấy Khai Giã biết khóc trước khi nó lớn lên và trở thành kẻ lì lợm tàn nhẫn. Trong nỗi đau đớn, tôi nhìn về Mục Á. Em đứng ở một góc xa và không muốn chen vào chuyện gia đình tôi. Tôi dự cảm chuyện đám cưới sẽ không thể diễn ra theo ý mình, chí ít là trong năm nay.
------
(*) dạ quang phục là đồ dự tiệc của đàn ông thế giới Tâm Mộng, nvc Vô Phong từng mặc bộ này dự tiệc trong mạch truyện chính
(Còn tiếp)