Những năm 7501 – 7502 là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời tôi xét về khía cạnh tình cảm. Mối tình với Mục Á như sự tổng hợp của tất cả những gì đẹp đẽ mà người ta vẫn luôn trông đợi ở yêu đương: nồng nhiệt sến sẩm tuổi trẻ - chín chắn nghiêm túc tuổi trưởng thành và sự trông đợi cái kết hạnh phúc từ cả hai phía. Những ngày ở bên Mục Á cũng là lúc tôi bắt đầu tính chuyện hôn nhân một cách kĩ lưỡng, thấu đáo, thậm chí âu lo. Không dễ để một gái điếm trở thành con dâu nhà quý tộc, nhất là họ Xuy Hạ. Tôi đã dự trù cảnh mình bị đuổi khỏi nhà, bị tước hết danh hiệu quý tộc và bị thu hồi toàn bộ tài sản – cha tôi sẵn sàng làm vậy vì thể diện. Bấy giờ tôi mới biết cưới một người con gái khó đến mức nào. À, chào các vị, lại là tôi, Khai Y đây!
Những ngày tháng ở Cội Gió, tôi chìm đắm hạnh phúc cùng Mục Á. Chúng tôi tán dóc những điều thuộc về tôi, những điều thuộc về em, cả những điều chẳng thuộc về ai. Em biết mọi thứ về tôi, từ chuyện tôi là cậu nhóc yếu ớt hay bị bạn bè bắt nạt tới ngày lột xác thành ứng cử viên Thập Kiếm, từ việc tôi trở nên kiêu căng tự phụ đến lúc quỳ gối dưới lưỡi kiếm của thủ lĩnh Tiểu Đoàn Kiếm Sắt; mấy rắc rối gia đình dòng họ, cả các cô gái lẫn mối tình chóng vánh – Mục Á biết hết. Em cũng kể cho tôi nghe quãng thời gian thơ ấu của mình bên Diệp quốc, thứ tình cảm trong sáng mà em dành cho cậu bạn học, những chuyến về thăm đằng ngoại – Mục Á luôn nhớ ngôi nhà cổ kính nơi mẹ em sinh ra, lớn lên và học tập những lề lối truyền thống của người Diệp quốc, sau này em cũng tiếp bước mẹ nhưng chưa trọn vẹn. Mục Á vẫn gửi thư đều đặn cho ông bà ngoại nhưng không dám gặp vì mặc cảm. Em kể cho tôi mọi thứ. Chúng tôi chưa chắc hiểu hết nhưng biết tất cả về nhau, một điểm xuất phát đẹp trước đoạn kết viên mãn.
Thật ra còn đó hai điều khiến tôi thắc mắc. Mục Á thường tránh đề cập đằng nội hay quê hương người cha, thứ nữa là những dấu ấn màu vàng cam thi thoảng xuất hiện sau cổ em. Khi tôi hỏi, Mục Á lắc đầu vẻ khó nói. “Chờ em thời gian nữa, được không?” – Em bảo. Tôi yêu em, tôi đợi được.
Một hôm trên boong thăng vân tàu ngắm cảnh hoàng hôn ở Cội Gió, tôi dợm hỏi chuyện hôn nhân, Mục Á khuyên tôi nghĩ kĩ. Em hiểu suy nghĩ của quý tộc Băng Thổ, hiểu cả chuyện thể diện danh dự trong giới quý tộc. Thậm chí em lường trước việc tôi bị đuổi khỏi dòng họ. Mục Á cười:
-Nhưng có đuổi thật thì cha cũng gọi anh về thôi. Anh là con cả đồng thời là con chính thức, cha anh đâu thể chọn cậu em Khai Nhạn làm người thừa kế? Suy cho cùng, cậu ấy vẫn là Uyjiluk – con hoang. Không ai chọn con hoang thừa kế dòng họ.
-Nếu cha đuổi thật thì sao? – Tôi nhún vai – Tôi nói với em chưa nhỉ? Cha tôi là một trong các đại thống lĩnh quân đội Băng Hóa, ông chẳng nhân nhượng ai bao giờ!
-Vậy thì phải xem xét khoản đầu tư này rồi… – Mục Á chống cằm ra vẻ ngẫm nghĩ – …anh sẽ làm hộ vệ thánh sứ, ngày này qua tháng khác chiến đấu cho những lý tưởng. Vậy em ở lại, một mình sống qua ngày chắc?
Tôi phì cười nhưng lòng hơi chùng xuống vì có vẻ Mục Á rất coi trọng địa vị. Tôi hơi buồn:
-Xem chừng cưới em khó nhỉ?
Mục Á liếc sang tôi cười tinh quái rồi nhìn bầu trời:
-Cô gái nào chẳng muốn làm thiên nga? Và cô gái nào muốn người mình yêu lang thang ngoài kia với người phụ nữ khác? Anh đi xa hàng tháng trời, chỉ sợ anh thiếu thốn rồi ngủ với người khác. Anh đẹp trai mà, Khai Y, nguy hiểm ở chỗ anh tự ý thức được điều đó! Rồi em bực bội, anh cũng bực bội, chúng ta cãi nhau, anh sẽ nói em từng làm gái điếm…
Những diễn giải của Mục Á làm tôi cười ầm ĩ. Hóa ra em không ngại tôi mất địa vị mà sợ hãi những nỗi sợ kiểu phụ nữ. Nghiệp kiếm sĩ lang thang dễ có con rơi con vãi, Mục Á lo lắng âu cũng bình thường. Tôi nhún vai:
-Vậy sao em không cấm tôi làm kiếm sĩ lang thang hay hộ vệ thánh sứ? Nếu không theo nghiệp chiến binh, tôi có thể làm nghề khác. Khai Y của em vừa đẹp trai còn vừa đa tài nữa kia!
Tôi nháy mắt còn Mục Á nguýt dài. Suy tư một hồi, em chống cằm trông hoàng hôn váng đỏ:
-Ai cản nổi giấc mơ của đàn ông?
Đôi mắt Mục Á mơ màng chuyện cũ, chắc em đang nhớ về cha. Tôi nghiêng đầu nghĩ ngợi:
-Đại Bác nói hắn muốn cặp kè tất cả gái đẹp trên thế giới Tâm Mộng, cái đó có tính là mơ không?
-Đấy là ngựa giống! – Mục Á thúc sườn tôi – Ai muốn hẹn hò với người như vậy chứ?
-Thế mà bao nhiêu cô gái vẫn hẹn hò với hắn đấy thôi?
Mục Á lắc đầu lẩm bẩm “Đám ngu ngốc!” rồi đấm ngực tôi vài cái như muốn nhắc nhở tôi chớ nhiễm thói lăng nhăng từ ông bạn. Mắt em long lanh những tia trông đợi mà nắm đấm bồn chồn nhiều lo lắng – em đấm mà tôi đau chút nào đâu?! Bấy giờ tôi mới hiểu tại sao mẹ mình hiếm khi tiếp xúc mẹ hai. Hẳn bà đã trông đợi mối tình đẹp đẽ ở cha như Mục Á đang mong chờ tôi lúc này, hẳn bà từng mong ông khác biệt đám quý tộc lằng nhằng chuyện trai gái, nhưng vì một phút lầm lỡ của cha, mẹ trở thành một nhành dây leo thường xuân: ít chịu tươi tắn dưới ánh mặt trời mà dễ ủ dột mỗi đợt mưa ngâu. Dù bà yêu quý cậu em Khai Nhạn và chấp nhận cuộc sống tay ba khó xử, nhưng vết thương bị phản bội vẫn còn đó, lằn sẹo, rỉ máu và không bao giờ được chữa lành dù cha tôi kiên trì bù đắp. Tôi thương mẹ song nhiều lúc mệt mỏi vì bà, mệt mỏi vì những cô gái hay người phụ nữ giống bà. Như quy trình luyện thủy tinh, họ trộn mọi cảm xúc lẫn thể xác vào một cái hũ rồi để ngọn lửa tình yêu nung chảy, tôi luyện, chỉnh nắn thành một khối trong suốt mà chỉ một cái lỡ tay của đàn ông, họ sẽ vỡ. Mẹ tôi cũng vậy, chưa vụn nát nhưng rạn nứt. Cơ mà biết làm sao được? Vạn Thế tạo ra phụ nữ như vậy, chẳng thể đổi khác.
-Tôi luôn ngưỡng mộ Biệt Liên Đại Đế, ông ấy yêu cô bạn thân từ nhỏ… – Tôi mở lời – …lớn lên rồi cưới nàng làm vợ, chưa một lần nghĩ về cô gái khác dù đã là “Đại Đế”. Em biết không, người nơi khác hay kể cả dân xứ tuyết chỉ coi đó là truyền thuyết, một cách tự huyễn để che đi thói lăng nhăng của đàn ông Băng Thổ. Nhưng tôi biết đó là sự thật, bởi tôi nghĩ ngài Đại Đế cũng giống tôi bây giờ: đủ thời gian để hiểu yêu đương thật sự là gì, cái gì còn tồn tại sau khi tình yêu không còn hoặc chấp nhận những khó khăn sẽ xảy ra. Tôi không hứa trước đâu, Mục Á. Tôi đã hứa nhiều lần và thất hứa nhiều lần, nên lần này tôi không hứa. Tôi chỉ nói “cố gắng” thôi! Tôi sẽ cố gắng yêu Mục Á như cách cha em yêu mẹ em vậy, được chứ?
Trong thoáng vô thức, tôi định nắm chặt tay như cha thường làm. Tính cách di truyền, dù sao tôi cũng là con trai ông. Nhưng tôi không muốn giống cha, tôi nén lại tay mình. Tôi có kể cho Mục Á về cha lẫn điệu bộ đặc trưng của ông. Tôi sợ em thấy hình dáng ông trong con người mình. Mục Á biết điều ấy, em cười rồi nắm tay tôi như muốn nói rằng em cũng sẽ “cố gắng” dù không hứa trước điều gì. Cả tôi lẫn em đều hiểu chữ “hứa” nguy hiểm đến mức nào. Thay vào đó, chúng tôi “cố gắng”. Tôi gãi đầu:
-Có lẽ cha sẽ đuổi tôi ra khỏi nhà, tước sạch mọi danh hiệu lẫn tài sản. Tôi phải bắt đầu lại cuộc đời. Tiền không khó kiếm, nhưng để trở thành một quý tộc tự thân thì mất thời gian đấy! Giá như tôi thông minh bằng cha em thì mọi chuyện dễ hơn. Cha em trở thành quý tộc năm ba mươi tuổi, đúng không? Chắc em phải đợi… hai mươi năm nữa mới được gọi là “bà Khai Y”. Mà nếu mãi mãi không thể trở thành “bà Khai Y” thì em tính sao?
-Tất nhiên em sẽ bỏ anh… – Mục Á đáp – …đấy là lúc em vào quan tài với bộ mặt già nua xấu xí còn anh đứng kế bên khóc lóc. Yên tâm đi chàng kiếm sĩ, em sẽ chết trước anh.
Tôi nhăn trán vì Mục Á nói gở còn em cười khanh khách, vai rung lên như chim họa mi vỗ cánh cất tiếng hót. Phía xa, mặt trời chìm dần rồi tự hòa tan chính nó vào không gian, nhuộm sắc hoàng hôn đỏ đậm vào những tầng mây, những tòa cổ thành lửng lơ, những con sông cát lững lờ cùng những giấc mơ không bao giờ kết thúc. Chúng tôi ngồi đó nhìn mặt trời lặn ở chốn tận cùng thế giới, tay trong tay, tóc lẫn tóc, cùng nhau chìm đắm dưới đáy biển gió rồi để sắc chiều tàn xóa nhòa ngăn cách thể xác. Gió lộng nhưng tôi nghe được tiếng thở nhè nhẹ của Mục Á còn em cũng nghe thấy giọng hát nhuốm mùi rượu của tôi long phong bên tai mình. Mục Á phì cười vì giọng tôi khàn khàn lệch pha – dù gì tôi cũng chưa bao giờ tự tin vào khả năng ca hát – nhưng em vẫn lắng nghe. Đợi tôi kết thúc bài ca, em hôn lên má tôi rồi thầm thì:
-“Bà Khai Y” đâu có đáng gì? Nếu ước thì phải ước là “Mục Á của người đàn ông vĩ đại”, vậy mới đáng! Anh tài năng, anh sẽ làm được nhiều điều lớn lao như cha em, thậm chí hơn vậy.
Tôi nhíu mày:
-Chắc ngoài em chỉ có mỗi nàng công chúa Thượng Cổ nói thế. Mấy cô gái khác toàn bảo tôi toàn lo chuyện bao đồng thiệt thân.
Mục Á cười lớn như thể tôi vừa kể mẩu chuyện hài hước. Em nhíu mày:
-Thế tại sao mấy cô gái đó yêu anh?
-Vì tôi đẹp trai phong độ! – Tôi dang tay đoạn nháy mắt với Mục Á – Bộ em không thấy à?
Mục Á đấm tôi mấy cái, lườm một trận rồi nhếch miệng:
-Thế thì bọn họ là đám ngu ngốc nhất đời! Bộ họ không hiểu rằng làm hộ vệ cho ngài đại thánh sứ Tây Minh có ý nghĩa thế nào?! Chắc họ cũng chẳng hiểu người ra sao mới được đại thánh sứ lựa chọn. Nhưng vì họ ngu ngốc nên em mới sở hữu anh. Em may mắn đấy chứ? Hì! Rồi mọi cô gái Băng Hóa chỉ biết nhìn em và ghen tức suốt ngày thôi!
-Tôi muốn phục vụ thầy Tây Minh tới khi thầy già yếu hoặc muốn nghỉ… – Tôi chống cằm nhìn Mục Á – …tôi sẽ xa nhà nhiều tháng, thậm chí cả năm. Kết hôn với tôi là vậy, liệu em có chịu được?
Mục Á nghiêng đầu ngẫm nghĩ, mái tóc trượt bên vai. Rồi em quay lại, chui vào lòng tôi thủ thỉ:
-Vậy em sẽ làm bà chủ cửa hàng hoa. Em sẽ đặt bình hoa trà đối diện cửa ra vào, để khi trở về anh sẽ thấy nó, còn em nói “Mừng anh về nhà!” theo truyền thống của người Diệp quốc. Chịu chứ?
Tôi gật đầu cười đoạn ôm hôn Mục Á. Em ngắm nhìn, thi thoảng rờ tay lên mấy vết sẹo mờ ở cổ tôi. Từng đấy sẹo là từng ấy lẫn lộn giữa niềm vui vì làm được điều có ý nghĩa, hối hận vì không thể giúp ai đó hoặc hoài nghi về điều mình đã làm – thứ khổ tâm kiểu đàn ông mà chẳng mấy gã đàn ông dám nói ra. Nhưng dưới ngón tay của Mục Á, chúng bớt nhức nhối. Nó không giống như khi tôi trò chuyện với Đại Bác, gã là chiếc thăng vân tàu giúp tôi tiếp tục hành trình và trút bỏ phiền muộn; còn Mục Á giống căn nhà nhỏ để tôi lui về, tựa lưng, nghỉ ngơi sau chuyến đi khắc nghiệt. Gió cần mây để nghỉ chân, kẻ tự do nhất cũng cần nhà để quay về. Chiều tàn đêm buông, tôi kể cho em về những câu chuyện xung quanh mấy vết sẹo. Nhiều nỗi niềm sâu kín, tôi cũng đem ra trải bày trước Mục Á.
Đại Bác nhờ Mục Á chuẩn bị bữa tối, em đồng ý rồi hẹn tôi lúc đêm khuya. Sau bữa ăn rồi vô số điệu múa với bài ca mà Mục Á dành tặng đám Đạo Chích, tôi lại kể cho em nghe câu chuyện dang dở. Em hứng thú với tôi, buồn cùng tôi, lắm bận tranh cãi kiểu hài hước để khiến tôi vui vẻ. Tôi nhận ra mình là thứ sinh thể đầy mạnh mẽ thừa can đảm nhưng chẳng có nổi một chút dịu dàng hay mềm mại để xoa dịu nỗi đau cho chính mình. Ơn Vạn Thế, người đem đến cho tôi Mục Á. Em khác tôi, khác thể chất, khác tâm lý, khác cả suy nghĩ nhưng ở bên nhau, chúng tôi đồng điệu như thế giới vốn thành hình từ những mảnh ghép bất đồng điệu. Chúng tôi trò chuyện cười đùa không biết chán và chỉ chịu ngừng khi cơn buồn ngủ ríu mắt đánh gục cả hai. Tôi tựa lưng lên thành tàu rồi ôm Mục Á ngủ tới sáng. Chuyện này kỳ thực không hay ho đâu, các vị, bởi cánh tay tôi tê rần còn lưng thì đau nhức suốt ngày hôm sau. Mà thôi, vì tình yêu nên tôi cứ coi đó là chuyện lãng mạn vậy, ha ha!
Chuyến vui chơi không thể kéo dài mãi, tôi đưa Mục Á trở về như hạn định. Bằng nhiều nỗ lực, tôi cũng thuyết phục được ông chủ Đông Môn Cao Lầu cho phép Mục Á dùng điện thoại riêng. Trên chuyến tàu rời Hoàng Hôn Cảng, tôi nhận cuộc gọi từ em, nghe được cả giọng vui thích của em. Tôi bật cười, trò chuyện với em thêm ít lâu rồi chìm vào giấc ngủ. Mục Á không còn ngại ngùng hay trốn tránh như trước, em cố gắng vì tôi cũng như tôi cố gắng vì em. Chúng tôi cố gắng để thuộc về nhau.
Quay lại Băng Hóa thành, tôi thưa chuyện với cha mẹ về việc hủy hôn. Tôi cũng kể chuyện Mục Á và dự định giới thiệu em với gia đình. Cha phản đối cật lực, tất nhiên. Còn mẹ hành xử hệt như tôi lường trước: bà bưng mặt khóc, mắng tôi là thằng trẻ con nông nổi làm xấu mặt dòng họ, thề rằng sẽ tự tử nếu tôi dám hủy vụ đính ước. Nhiều ngày kế tiếp, mẹ liên tục gọi tôi nói chuyện riêng, hết khuyên răn mắng mỏ lại khóc lóc. Tôi thừa biết bà chẳng bao giờ tự tử nhưng cách bà phản đối làm tôi phát mệt. Cha mẹ quan trọng thể diện bao nhiêu, tôi chán ghét nó bấy nhiêu, chán luôn cả địa vị quý tộc. Chán chường, tôi tìm mẹ hai, hi vọng tìm được sự ủng hộ nhỏ nhoi từ người lớn tuổi. Phiền thay, ngay cả mẹ hai cũng dè dặt:
-Cha mẹ con nói đúng đấy, Khai Y. Con sẽ thừa kế dòng họ, sẽ là nhân vật quan trọng của Băng Hóa quốc. Con hiểu đám quý tộc Băng Thổ hơn ai hết! Nếu con cưới gái điếm làm vợ chính thức, họ sẽ moi móc đời tư của con quanh năm suốt tháng, nói xấu con ở bàn ăn, cười cợt sau lưng con mỗi dịp tiệc tùng. Nhưng nếu quá yêu, con có thể lấy cô Hạ Nga Chi đó làm vợ hai, vậy tốt hơn.
Người duy nhất trong gia đình ủng hộ tôi là cậu em cùng cha khác mẹ Khai Nhạn. Cậu nhỏ hơn tôi hai tuổi nhưng đã lập gia đình và có một đứa con trai. Có lẽ do tuổi tác sàn sàn nhau lại cưới người vợ thuộc tầng lớp bình dân nên Khai Nhạn thông cảm cho tôi. Một tối nọ, cậu rủ tôi uống rượu cho vơi buồn bực. Nghe tôi tâm sự, Khai Nhạn chép miệng:
-Cha mẹ giận anh cũng đúng thôi. Anh là người thừa kế họ Xuy Hạ, cưới một cô gái điếm sẽ rất rách việc. Nhưng anh có chắc chắn mình nghiêm túc?
Tôi nốc cạn ly rượu rồi mở lời:
-Đôi khi ấy cô ấy hơi xấu tính, nhất là khi anh đụng vào hoa trà. Cô ấy không thích khói thuốc vờn quanh hoa hay đụng chạm nó mạnh bạo. Đôi khi cô ấy im lặng quá lâu, sòng phẳng quá mức cần thiết. Tin được không Khai Nhạn, trừ việc đi chơi xa và trả tiền cho Đông Môn Cao Lầu, anh chưa mất đồng nào cho Mục Á cả! Nhiều lúc anh khó chịu lắm, đàn ông mà! Nhưng bởi vậy nên cô ấy là con người. Anh yêu một cô gái chứ không phải si mê một hình tượng. Khi đi xa, anh nhớ Mục Á, cả tính xấu của cổ nữa. Anh ngán chuyện yêu đương tận cổ rồi, anh cần người chia sẻ. Mục Á là người đó, chỉ một mình Mục Á! Điều này… chú đã lập gia đình, chú hiểu lời anh nói, đúng không?
Cậu em tôi rướn lưng tò mò:
-Mục Á chấp nhận cho anh lang thang khắp thế giới và nhiều tháng chẳng về nhà? Phụ nữ không chịu được lâu đâu! Họ dễ tủi thân lắm, vợ em đó! – Khai Nhạn tặc lưỡi.
-Mục Á nói sẽ cố gắng. – Tôi đáp – Với lại cổ quen rồi, cha cổ là Đạo Chích Không Trung mà!
Khai Nhạn gật gù đoạn vỗ vai tôi:
-Thế thì anh phải cưới cô ấy thôi, không là uổng!
Tôi cười vang, cạn ly rượu đầy với Khai Nhạn rồi tiếp lời:
-Nếu anh bị đuổi khỏi nhà, chú sẽ thừa kế dòng họ. Dẹp mấy thứ danh dự khỉ gió đi! Giờ chú là thủ lĩnh nhóm viễn chinh quân đội Băng Hóa, chú còn tiến xa. Chú giống cha hơn anh. Chú kỷ luật, biết suy nghĩ, để chú làm người thừa kế họ Xuy Hạ là tốt nhất!
Cậu em tôi cười sặc sụa, nhăn nhó mặt vì rượu chạy ngược lên mũi, ho mấy chặp sau lắc đầu:
-Đây không phải chuyện cổ tích đâu, anh trai. Nhiều chuyện cổ tích đã xảy ra nhưng không phải giữa chúng ta, không phải ở họ Xuy Hạ. Em chỉ là quân nhân còn anh mới là người đàn ông vĩ đại. Sau nhiều nỗ lực, em thừa nhận anh giỏi hơn em, anh sẽ làm nên nhiều điều lớn lao. Không phải em, không phải mấy tay họ hàng bất tài nhưng thích khoác lác, chỉ anh mới gánh vác được dòng họ lẫn Băng Hóa quốc. Số phận của anh là như thế.
-Dẹp mấy chuyện số phận giùm! – Tôi thở phì phì – Đàn ông Băng Thổ tự quyết định cuộc đời mình, chú quên rồi sao?
-Nhưng đàn ông Băng Thổ không chối bỏ trách nhiệm. – Khai Nhạn nhún vai – Anh là người trách nhiệm, anh không bao giờ chạy trốn, bởi vậy em mới gọi anh là “anh”. Anh tưởng Mục Á giỡn à? Cô ấy nói đúng đó! Anh sẽ trở thành người đàn ông vĩ đại!
Tôi cười khùng khục và thôi tranh cãi với Khai Nhạn, bản thân tôi ghét chuyện mê tín hay dự đoán tương lai. Điều đáng vui là Khai Nhạn ủng hộ tôi. Dẫu chẳng ai đến thì chắc chắn sẽ có hai vị khách tham dự hôn lễ giữa tôi với Mục Á, một là Đại Bác, người kia là Khai Nhạn. Cậu em trai chưa bao giờ làm tôi thất vọng. Tôi yêu quý cậu như em ruột mình.
Gia đình giữ kín chuyện tôi muốn hủy hôn, nhưng bằng cách nào đó mà nó đến tai vị hôn thê nhanh hơn gió thổi, có lẽ mẹ tôi nói cho nàng biết. Tôi đã từng kể cho mọi người về vị hôn thê, nhỉ? Nàng có vóc người dong dỏng, đôi mắt hiền hậu, trí tuệ khỏi bàn. Nhưng tôi chưa kể nàng cũng rất kiêu hãnh, nàng tin rằng chỉ mình nàng xứng đáng với tôi, thế nên tin tức hủy hôn chẳng khác cơn mưa đá dội xuống lâu đài kiêu hãnh đó. Vị hôn thê yêu cầu tôi giải trình đàng hoàng. Hết cách, tôi buộc phải gặp nàng vào một buổi tối tháng 3. Hôm đó nàng chẳng bàn chuyện đi xem nhạc kịch như thường lệ, mà chất vấn tôi bằng cái mím môi im lặng cùng đôi mắt ít chớp như cửa sổ mở toang vào một ngày không gió. Không muốn nỗi khó chịu phình to hơn, tôi bắt đầu kể mọi thứ, thú nhận mình không hề có tình cảm với nàng và tôi bị ép dự lễ đính hôn. Điều duy nhất khiến tôi bớt tội lỗi là từ ngày hẹn hò tới giờ, tôi chưa ngủ với nàng một lần nào.
-Xin lỗi em, Xa Hạn Lý, thành thực xin lỗi em! – Tôi cúi đầu trước vị hôn thê – Đáng lẽ tôi nên nói sớm hơn chứ không nên để em khó xử thế này. Mong em hiểu cho tôi!
Tôi cúi đầu lần nữa, thâm tâm chờ đợi vị hôn thê buông lời mỉa mai mắng chửi. Nhưng nàng suy nghĩ một chút sau cười tươi, tôi quên nàng là tiểu thư danh giá chứ không phải những cô gái dễ nổi cơn tam bành vì ghen:
-Quý tộc Băng Thổ nào cũng vậy, em hiểu! Em thừa nhận các Hạ Nga Chi quyến rũ và đẹp, họ biết chiều đàn ông hơn em. Nhưng chàng sẽ quên họ thôi, hôn nhân và gia đình không có chỗ cho gái điếm. Mấy cô Hạ Nga Chi yêu chàng vì tiền bạc, địa vị và… chàng đẹp trai mà, cô gái nào chẳng si mê chàng? – Hạn Lý che miệng cười – Nhưng đàn ông muốn phụ nữ yêu con người mình chứ không phải tiền bạc địa vị thậm chí cả chuyện đẹp mã hình thể, em nói đúng chứ? Thử cởi bỏ hết thân phận, liệu cô Hạ Nga Chi đó còn yêu chàng? Nhưng em thì có đấy Khai Y, em sẽ yêu, giúp chàng mọi điều nếu có thể. Em không phải bình hoa di động như cô Hạ Nga Chi đó! Em…
-Em hiểu nhầm rồi. – Tôi giơ tay ngắt lời vị hôn thê – Tôi thực sự yêu cô gái ấy, là yêu, là gắn bó, là chấp nhận những mặt trái của yêu đương lẫn hôn nhân. Xin lỗi Hạn Lý, trái tim và linh hồn tôi thuộc về cô ấy mất rồi. Em được nhiều người theo đuổi, họ tốt hơn tôi nhiều. Yêu người yêu em, đừng yêu người em yêu, Hạn Lý à!
Bấy giờ vị hôn thê của tôi nổi đóa. Gọi “nổi đóa” chứ thực ra nàng chỉ túm chiếc khăn trải bàn để đôi tay không hất đổ tách trà kế bên, giọng nàng vẫn nhỏ song ngữ điệu run rẩy ấm ức:
-Vậy là sao? Chẳng lẽ em không bằng một gái điếm? Cô ta… đẹp hơn? Chà… cứ cho là vậy đi, nhưng liệu cô ta tốt hơn em? Em không tin đâu, Hạ Nga Chi chỉ là những con kền kền khoác áo họa mi, không hơn không kém. Còn người tốt hơn chàng? Vạn Thế ơi… một đám quý tộc ngoài kia tối ngày rượu chè, bỏ bê gia đình, vui vẻ với gái điếm, chẳng biết cái gì là phẩm giá hay danh dự, ai tốt hơn chàng đây, Khai Y? Chàng bỏ em cho đám người đó? Chàng tàn ác quá, Khai Y à! Rất tàn ác… Vậy cô Hạ Nga Chi đó… tên Mục Á, phải không? Em sẽ gặp cô ta! Em cần gặp cô ta! Em không tin mình thua kém một gái điếm!
Tôi cố chia tay trong êm đẹp nhưng Hạn Lý từ chối, đòi gặp tận mặt Mục Á mới tính tiếp. Vị hôn thê của tôi rất kiêu hãnh, nàng đã quyết thì chẳng ai cản nổi. Nàng không hỏi Mục Á sống ở đâu hay gặp bằng cách nào, mà nếu nàng hỏi thì tôi cũng từ chối trả lời. Bất quá sự quyết tâm của nàng khiến tôi vừa lo âu vừa khó xử. Tin tôi đi các vị, phụ nữ có thể thống trị cả thế giới khi họ quyết tâm. Ơn Vạn Thế, cây mẹ dùng gia vị “xao nhãng” nhiều hơn khi tạo ra họ.
Sau cuộc chia tay bất thành, gia đình tôi thông báo hoãn lễ thành hôn vô thời hạn. Gia đình Hạn Lý dĩ nhiên không vui vẻ, nghe đâu có lời qua tiếng lại hôm hai nhà gặp mặt. Hạn Lý vẫn là hôn thê của tôi trên danh nghĩa nhưng thực tế là chúng tôi đã cắt quan hệ. Chuyện dài lê thê cũng chẳng vui vẻ, nghĩ lại chỉ mệt mỏi, tôi xin phép được bỏ qua!
Tôi trở lại công việc hộ vệ thánh sứ sau đó vài hôm. Chuyến đi lần này ít nguy hiểm, tôi đủ rảnh để nướng thời gian vào điện thoại cho Mục Á và chỉ ngừng khi điện thoại hết pin hoặc tới giờ Mục Á làm việc. Thay vì nói mấy câu sến rện hồi mới yêu thì tôi hỏi thăm em, khuyên em tránh xa mấy việc bốc đồng như một mình xông vào căn phòng có ba thằng bệnh hoạn để cứu Na Li Nã. Em cười, hứa sẽ cân nhắc kĩ càng hơn đồng thời nhờ tôi điều tra một anh chàng nghiên cứu sinh người Băng Hóa si mê Na Li Nã, em muốn hai người họ thành đôi. Tôi ái ngại cho Mục Á. Dù biết em chịu ảnh hưởng từ người cha nhưng điều đó khiến tôi lo lắng. Tôi khuyên em nên ích kỷ một chút và bớt nghĩ cho người khác. Mục Á ừ hữ một hồi sau trêu chọc tôi:
“Thì em cũng giống chàng kiếm sĩ hay lo chuyện bao đồng nào đấy thôi! Người ấy tệ đến mức lo giúp đỡ người khác mà bỏ mặc bạn gái mình hàng tháng trời. Đã thế khi quay về, anh ta còn ghen tuông cằn nhằn đủ điều nữa chứ!”
Tôi cười xòa:
-Lỗi của tôi. Nghe này, công việc ở đây xong sớm, tôi sắp về rồi. Tháng tới có tiệc ở Băng Hóa quốc, nhiều gia đình quý tộc sẽ tham dự, em đi cùng tôi chứ?
Đằng thẳng là việc hẹn hò với Mục Á vẫn thuộc hợp đồng giữa tôi với Đông Môn Cao Lầu, thế nên tôi có thể yêu cầu em dự tiệc bất cứ lúc nào. Nhưng em trong mắt tôi chẳng còn là Hạ Nga Chi, tôi mời em trong tư cách bạn gái, muốn giới thiệu em trước gia đình bất chấp cha mẹ phản đối hay người ngoài đàm tiếu. Mục Á hỏi:
“Được thôi, em sẽ đi. Nhưng có ổn cho anh không? Anh bảo nhiều dòng họ lớn rồi cả hoàng gia cũng dự tiệc, người ta sẽ sớm biết em là Hạ Nga Chi. Cha mẹ anh cũng đến, phải không? Nghĩ kĩ chưa, Khai Y? Em quen rồi, chẳng ngại người ta chỉ trỏ chửi thầm đâu, nhưng còn cha mẹ anh… họ xấu hổ đấy!”
-Đúng là rắc rối thật… – Tôi thở dài – Nhưng tôi không muốn che giấu mãi. Dù bị gia đình đuổi khỏi nhà, tôi cũng phải cho họ biết cô gái tôi yêu là người thế nào. Tôi muốn có trách nhiệm với em, tôi không muốn em nghĩ tôi là thằng cha chơi bời đem một cô gái điếm làm trò đùa.
Mục Á cười khúc khích, em ngậm những ngôn từ trong vòm miệng thành tiếng ậm ừ hay hơi thở nhè nhẹ. Được một lát, em chuyển sang chủ đề không liên quan – cũng là chủ đề mà tôi sợ nhất:
“Vị hôn thê của anh… tên là Xa Hạn Lý, nhỉ? Cô hôn thê đó yêu anh lắm, đúng không?”
-Sao em hỏi thế? – Tôi ngạc nhiên – Chúng ta bỏ qua được không? Ờ… ờ thì… cũng có… cô ấy nói vậy, tôi cũng chỉ biết vậy thôi chứ không rõ cô ấy nghĩ thế nào… Nhưng sao em hỏi thế?
“Xác nhận ấy mà!” – Mục Á cười – “Cổ không yêu anh mới lạ!”
Ý tứ em dò hỏi hay kiểm tra điều gì, tôi thực không rõ. Nhưng một Mục Á khiến người khác khó hiểu mới là nàng Mục Á mà tôi yêu.
Cuộc hành trình kết thúc, tôi quay lại Hoàng Hôn Cảng gặp Mục Á. Chúng tôi hẹn hò mấy bữa rồi chuẩn bị chuyến đi tới Băng Hóa quốc. Trước ngày khởi hành, em nhờ tôi chọn váy dạ tiệc. Dù trải qua nhiều lần song tôi vẫn thích thú chuyện này vì đây là dịp các cô gái thể hiện nhiều chất nữ tính nhất. Mục Á không ngoại lệ. Em chọn bộ váy truyền thống của người Diệp quốc với áo khoác màu trắng sữa thêu họa tiết đỏ tươi, hai vạt áo dài may đường diềm đỏ đậm vắt chéo nhau và được bó trong đai lưng lớn có dải tua rua bên hông phải, để lộ khoảng cổ cùng chiếc yếm đỏ tía bao lấy khuôn ngực, cổ tay dài bằng lụa đỏ hồng xếp ba lớp cầu kỳ. Tôi khá vất vả mới thắt xong từng sợi dây đỏ cam cố định ống tay áo rộng lẫn đai lưng – chúng quá nhỏ so với bàn tay to bè của tôi, và mất thêm mười phút nữa để gắn hết những khuy gỗ trang trí lên chiếc váy đỏ rực. Nhưng thành quả cho sự kiên nhẫn luôn đáng giá. Nhìn em hoàn chỉnh với bộ váy, tôi bất giác đưa tay che nụ cười, che tiếng thở mạnh bối rối, che cả tá ngôn từ ngốc ngếch đang gào thét đòi chui ra khỏi miệng. Trước giờ Mục Á chưa từng mặc bộ váy này, tôi dám chắc điều đó, cứ nhìn em thì biết! Em cười chúm chím, hai má sum sim những ngượng ngùng màu hồng khi thấy tôi ngẩn ngơ ngắm nghía. Chính tay bà ngoại Mục Á may bộ váy, bởi thế em cất giữ nó như vật báu. Tôi gật gù tán thưởng bà ngoại, nhờ bà mà tôi được thấy em đẹp thế này.
Phụ nữ Diệp quốc khi mặc váy truyền thống đều buộc tóc nhưng Mục Á vẫn để tóc xõa. Tôi biết em không tự ý thức được phần cổ đẹp vô khuyết của mình. Vì có một lần tôi đề cập thứ báu vật đó, em ngạc nhiên “Ồ?! Vậy à? Em thấy bình thường thôi mà?! Anh có sở thích kỳ dị nhỉ?” rồi sờ lần cổ tôi tìm điểm khác biệt. Tôi hỏi:
-Em không muốn người lạ phát hiện những dấu ấn, phải không?
-Ừ, Na Li Nã với anh biết là đủ rồi. – Mục Á đáp.
-Những thằng cha từng ngủ với em thì sao? Chẳng lẽ họ không thấy?
Mục Á chép miệng rồi miễn cưỡng giải thích, em thực sự ghét đề cập chuyện này:
-Đại khái… chúng chỉ xuất hiện khi em có cảm xúc thực sự. Mấy thằng cha khách hàng thì không bao giờ, làm ăn thôi!
-Bây giờ em kể cho tôi về chúng được chưa? – Tôi tò mò.
Mục Á lắc đầu cười đoạn ôm lấy tôi:
-Cố đợi, Khai Y. Em sẽ kể, anh cố đợi.
Tôi xoa đầu Mục Á rồi hôn lên trán em. Chờ đợi là một phần trong tình yêu với Mục Á, tôi đợi thành quen. Tôi đợi được.
Sớm hôm sau, chúng tôi lên tàu đến Băng Hóa thành, tầm trưa chiều thì tới nơi. Tôi đưa em dạo quanh thành phố, dĩ nhiên không thể không ghé qua quảng trường nơi đặt tượng Biệt Liên Đại Đế. Rồi chuyện gì tới cũng phải tới, trong hồi hộp lẫn lo âu, tôi dắt tay Mục Á về nhà và giới thiệu em với gia đình. Rất dễ nhận ra những nét cau có gượng gạo trong cách hành xử lịch sự của cha mẹ tôi, cha chẳng buồn nhìn Mục Á khi bắt tay em mà hướng đôi mắt tóe lửa về phía tôi. Ơn Vạn Thế, ông là quý tộc biết kiềm chế, bằng không mặt tôi đã lằn mấy cái tát. Không khí chỉ bớt căng thẳng khi mẹ hai cùng vợ chồng Khai Nhạn tỏ ra chào đón Mục Á. Đáp lại tất cả, cô gái của tôi cúi thấp lưng, đôi bàn tay ấp lên ngực đoạn nói rành rọt “Semiya ne’ls Tashaya” nghĩa là “Nữ Thần luôn ở bên gia đình”. Vấn đề ở chỗ hầu hết người Băng Thổ không biết phương ngữ gốc của Nữ Thần Tiên Tri là “Tashaya”, chỉ giới quý tộc đẳng cấp cao mới hiểu. Họ dùng nó nhằm bày tỏ sự kính trọng với gia chủ, ngay cả vị hôn thê Hạn Lý cũng không chào như thế hồi mới gặp gia đình tôi. Nó cũng liên quan tới ý niệm tôn giáo cổ xưa của người Băng Thổ khi đặt Nữ Thần Tiên Tri cao hơn cây mẹ Vạn Thế. Hết thảy mọi người đều ngạc nhiên, cha chợt quay sang tôi, cười nhạt:
-Anh chuẩn bị tốt đấy!
Nói rồi ông quắc mắt nhìn, ý rằng tôi dạy Mục Á mấy từ ngữ nọ trước lúc đến đây nhằm gây ấn tượng tốt. Nhưng cha quên tôi là gã kiếm sĩ lang thang chán ghét mấy phép tắc quý tộc, thậm chí chẳng gọi cha mẹ là “phụ thân, mẫu thân” chứ chưa đợi lời chào trang trọng kia. Mẹ nhận ra điều đó sớm hơn cha, phụ nữ vốn tinh tế. Bà nhìn Mục Á một chút đoạn ngỏ lời mời ăn tối, em đồng ý. Đi bên em, tôi ghé đầu hỏi nhỏ:
-Thật tình, tôi chẳng bao giờ đọc nổi chữ “ne’ls”! Em còn giấu tôi những gì nữa, Mục Á?
-Thì anh cũng giấu em nhiều thứ mà! – Mục Á liếc xéo – Đây đâu phải “nhà”, cung điện thì có!
Bữa tối vui vẻ hơn tôi nghĩ. Ban đầu nó hơi chán, không ai đề cập thân phận Hạ Nga Chi của Mục Á nhưng cũng không ai bắt chuyện em. Sự im lặng dẻo đặc chỉ tan chảy khi cậu em Khai Nhạn hỏi Mục Á về Diệp quốc. Em bắt đầu kể về những mùa trăng đêm hè, những ngôi đền tâm linh huyền bí, về hoàng gia Diệp quốc luôn thu mình trước thế giới bên ngoài và khái niệm vũ nữ thần linh vốn xa lạ trong mắt người Băng Thổ. Mọi người dần cuốn theo em kể cả cha tôi dù ông luôn giữ thái độ ngờ vực. Mãi khi biết cha Mục Á là một quý tộc tự thân, gương mặt ông mới dãn ra đôi chút. Ông lắng nghe Mục Á thành tâm hơn, thần tình ngạc nhiên trước những kính ngữ đậm chất Băng Thổ mà Mục Á sử dụng. Căn phòng vốn chỉ phập phù hơi nóng đồ ăn giờ có thêm hơi ấm gia đình.
Cuối bữa, mẹ tôi và vợ chồng Khai Nhạn trò chuyện với Mục Á. Riêng mẹ hai gọi tôi nói chuyện riêng:
-Con trai Khai Y, con chắc cô gái đó là Hạ Nga Chi không?
-Dạ đúng, cô ấy là Hạ Nga Chi. Vậy… mẹ thấy không ổn à?
Mẹ hai gật đầu xác nhận. Nhưng tôi chưa kịp thất vọng thì mẹ tiếp lời:
-Ta biết Đông Môn Cao Lầu, nó nổi tiếng từ khi ta còn trẻ. Nơi đó đào tạo những Hạ Nga Chi xuất sắc nhất Băng Thổ, nhưng nó không dạy bất cứ cô gái nào về những từ ngữ cổ xưa, đơn giản là không cần thiết vì chẳng còn nhiều quý tộc sử dụng chúng nữa. “Karuyime Kanidamanda”, Mục Á đã nói như vậy với mẹ con, một từ quá dài dòng và con cũng không hiểu, phải chứ? Bởi vì nó chỉ nằm trong bộ sách nghi lễ giao tiếp còn con không hề đọc mấy thứ đó. Thật may, cha con đã cho ta xem một lần và ta hiểu nó nghĩa là “lệnh bà” nhưng trang trọng hơn rất nhiều, gần như là nghi thức hoàng gia. Đông Môn Cao Lầu không có thứ ấy đâu, hoặc là họ tiến xa đến mức đào tạo một công chúa thay vì Hạ Nga Chi. Ta biết Mục Á không “diễn”, ta từng là Hạ Nga Chi mà! Con chưa bao giờ hỏi cha Mục Á đến từ đâu à?