Chiều hôm ấy sau giờ cơm, Bảo Nguyệt đột nhiên chạy lên phòng tôi báo là có chuyện cần nói. Lúc cô ấy lên, tôi với Đường Cảnh đang nói chuyện trong phòng, tôi không nhìn thấy cô ấy nên cũng không biết là có chuyện gì xảy ra.
Bên cạnh, tôi nghe giọng Đường Cảnh khẽ cất:
– Bảo Nguyệt, em lên đây làm gì?
Bảo Nguyệt chắc đứng ở gần cửa, tôi nghe giọng cô ấy khá là không vui:
– Em… em có chuyện muốn hỏi chị Tâm.
Có chuyện muốn hỏi tôi sao? Là chuyện gì nhỉ?
Ngước mặt về phía trước, tôi hỏi:
– Em tìm chị… bộ có chuyện gì hả Nguyệt?
– Đúng vậy. Chị Tâm, lúc chiều… chị có đánh Xuân đúng không?
Tôi có chút giật mình, không nghĩ là Bảo Nguyệt lại chạy lên đây để hỏi chuyện này. Chuyện tôi đánh con Xuân… chẳng lẽ cô ấy cũng muốn tố cáo với Đường Cảnh? Bảo Nguyệt… cô ấy nông cạn thế nhỉ?
Tôi gật đầu, xác nhận:
– Ừ là chị đánh, có gì không?
Giọng Bảo Nguyệt vang lên:
– Xuân, nói đi.
Mắt tôi không thấy đường nên không nhìn thấy được Bảo Nguyệt đang bày binh bố trận gì cho Cảnh xem. Tôi chỉ nghe được tiếng khóc tỉ tê của con Xuân:
– Dạ Cậu… Mợ Tâm đánh con… tại miệng con ăn ngay nói thẳng quen rồi… Mợ không vừa lòng nên Mợ đánh. Chuyện này… con cũng không dám trách Mợ nửa lời. Nhưng mà Cậu coi… Mợ đánh con xong là cái mặt con thành ra vầy… Con là con gái… mặt mũi vầy sao dám nhìn ai nữa. Cậu… Cậu phân xử cho con đi Cậu… đi Cậu…
Mặt mũi? Bộ con Xuân nó bị gì à?
Tôi vươn tay tìm tay của Đường Cảnh, kéo kéo tay anh, tôi khẽ hỏi:
– Anh… con Xuân bị sao vậy?
Đường Cảnh nhẹ tiếng:
– Bên má trái của con Xuân bị nổi mẩn đỏ… giống như là mụn…
Ngừng một chút, anh lại hỏi:
– Em đánh nó… bên nào?
Tôi ngẫm nghĩ một lát, liền trả lời:
– Em đánh bằng tay phải, vậy chắc là đánh vào má bên trái của nó…
Giọng con Xuân lại vang lên:
– Đó Cậu… Mợ Tâm cũng nhận là đánh con. Cậu giúp con đi, chứ để như vậy… con uất ức con chết cho Cậu với Mợ coi.
Bảo Nguyệt cũng bắt đầu lên tiếng:
– Anh Cảnh, chuyện chị Tâm dạy dỗ tôi tớ trong nhà em không có dám nói. Chị Tâm là người cương trực ngay thẳng, chắc chắn là Xuân làm gì sai quấy nên chị ấy mới đánh cảnh cáo. Nhưng dù cho Xuân có sai thì cũng nên có mức độ vừa phải, đằng này… cái mặt Xuân thành ra thế này… em biết ăn nói làm sao với vú Bắc, với người nhà của Xuân.
– Anh nhìn xem, bên má trái nổi mẩn đỏ nhưng bên má phải không có. Cái này chỉ có thể là do bị người khác cố tình hại chứ không thể nào do chính em ấy được.
Tôi nheo nheo mắt, nghe hết thảy không bỏ sót một chữ nào. Thì ra là bên má trái của con Xuân bị nổi mẩn nên Bảo Nguyệt mới bày binh bố trận đem con Xuân lên kiện cáo với Đường Cảnh. Bảo Nguyệt… cô ấy chịu hết nổi tôi rồi à?
Không gian trong phòng yên tĩnh một lát, giọng của Bảo Nguyệt lại the thé cất lên:
– Chị Tâm, em thật sự không muốn nghĩ oan cho chị. Nhưng… nhưng mà mặt mũi Xuân thành ra thế này, em có không muốn nghĩ là chị làm thì cũng không được. Lần trước vụ cái bình sứ, em không rõ thực hư thế nào, chỉ nghe nói chị làm bể bình sứ của Mẹ rồi nói là do Xuân đụng trúng chị nên chị mới bị ngã rồi làm bể bình sứ. Chuyện đó em cũng có hỏi Xuân, Xuân nói không có đụng trúng chị… em… em cũng không dám hỏi chị cho rõ ràng vì ngại. Nhưng chuyện lần này, chị đánh Xuân… Xuân lại bị nổi mẩn đỏ như vậy… em dù có kính nể chị thế nào cũng không thể im lặng được. Em đưa Xuân lên đây là để hỏi chị cho rõ ràng, nếu chị nói không phải chị làm… em cũng không dám cãi nửa lời…
Tôi nghe Bảo Nguyệt nói, thật sự lúc này tôi rất muốn phi ra cười vào mặt cô ấy vài chục cái cho đã đời tôi. Bảo Nguyệt đúng là biết lựa thời cơ, canh mắt tôi không thấy đường nên lại tìm chuyện vu vạ. Hoặc cũng có khi, Bảo Nguyệt chịu không nổi việc tôi được Đường Cảnh bảo vệ nữa rồi. Cô ấy là muốn hoặc là cô ấy hoặc là tôi làm lớn trong nhà này đây mà.
Tôi ngồi trên giường, môi khẽ nhếch lên một chút, tôi nói rõ ràng:
– À ra là con Xuân bị nổi mẩn đỏ trên mặt nên em lên đây hỏi tội chị đó hả?
Bảo Nguyệt tranh lời:
– Chị đừng nói vậy, em chỉ muốn hỏi cho rõ ràng… chứ em không có dám hỏi tội chị.
Tôi cười:
– Em hỏi cho rõ ràng hay là em định tội? Con Xuân cái mặt nó ra như vậy sao em không nghĩ là do nó bị dị ứng hay là do nó… tự làm?
Con Xuân chu tréo:
– Mợ… Mợ nói gì vậy Mợ Tâm? Sao Mợ làm mà Mợ không nhận? Con tự làm con ra như vậy làm gì?
Tôi nghiêm túc trả lời:
– Vậy con nghĩ Mợ hại con để được cái gì?
– Cái này… tại Mợ ghét con nên Mợ… mới…
Tôi phá lên cười:
– Mợ ghét con Mợ có thể đuổi cổ con ra khỏi nhà họ Đường này từ lâu rồi Xuân. Con quên tại sao Mợ đánh con rồi hả? Là vì con láo. Con có dám chối là con không nói xấu Mợ với người làm trong nhà không? Chuyện cái bình sứ… con có dám thề trước bàn thờ tổ tiên nhà con là con không đụng trúng Mợ không?
Con Xuân ấp úng:
– Con… con… con không có nói láo. Con không có tự làm mặt con ra như vầy… con không có. Mợ đừng có đổ oan cho con.
Vẫn còn lỳ lắm!
Đường Cảnh quát lên:
– Xuân, cô nói chuyện với ai cái kiểu đó? Còn em nữa Bảo Nguyệt, chỉ vì một con hầu bị nổi mẩn đỏ mà em chạy lên đây tìm Tâm hỏi tội, em có thấy em vô lý không? Em lấy bằng chứng gì chứng minh là do Tâm làm? Em có nhân chứng vật chứng hay không hay chỉ dựa vào lòng ganh ghét của em với Tâm?
Dừng một chút, anh tiếp tục tức giận nói:
– Anh không nghĩ là em lại hồ đồ như vậy, em xem trọng người làm của em quá mức, em làm quá vấn đề lên… anh cảm thấy vô cùng thất vọng về em.
Giọng Bảo Nguyệt ủy khuất:
– Anh Cảnh… sao anh lại…
Úi giời ơi, anh Cảnh sao anh lại… làm như vô tội lắm không bằng ấy.
Không đợi cho ai nói thêm gì, Đường Cảnh lại cất tiếng trầm đục:
– Em đưa con Xuân biến khỏi mắt tôi, đừng tưởng lên nói hươu nói vượn vài câu là tôi sẽ tin nó mà trách Tâm. Tâm không thấy đường, thời gian tập đi còn không có, không rảnh đâu mà hãm hại người hầu của em. Còn nếu em vẫn muốn điều tra cho lợi gan của em… được, tôi cùng em điều tra cho rõ ràng.
Tôi ngồi im bên cạnh anh, không nói cũng không muốn nói gì. Tôi thử xem là Bảo Nguyệt sẽ nói như thế nào.
Đúng thiệt như tôi nghĩ là Bảo Nguyệt sẽ nhượng bộ trước, cô ấy khẽ cất tiếng, giọng có chút run run:
– Anh Cảnh… có thể là do Xuân bị dị ứng… em… chuyện này em nóng vội quá… cho em xin lỗi.
– Chị Tâm, cho em xin lỗi… em xin lỗi vì đã đổ oan cho chị. Chị… chị lớn rộng lượng… đừng trách em tội nghiệp.
Đường Cảnh hậm hực:
– Còn con Xuân? Cô có còn muốn đòi công bằng không
– Dạ… không… không Cậu…
– Vậy xong chưa? Nếu xong rồi thì cút xuống dưới.
– Dạ…
Bảo Nguyệt “dạ” một tiếng rồi sau đó tôi nghe tiếng bước chân lục tục rời đi. Chậc chậc, còn chưa đánh giáp lá cà, sao Bảo Nguyệt lại bỏ cuộc sớm vậy nhỉ?
Đợi bọn họ đi rồi, Đường Cảnh mới quay sang tôi hỏi lớn:
– Tâm, vết bầm trên tay em là do con Xuân làm em ngã?
Bị anh hỏi có chút chột dạ, tôi cúi mặt trả lời:
– À chuyện đó… cũng không hẳn đâu.
Anh siết lấy tay tôi, gằn giọng:
– Còn muốn giấu tôi? Là em dặn Cường không báo cho tôi chuyện đó?
Chết, liên lụy tới anh Cường đẹp trai rồi!
Tôi tìm tay của Đường Cảnh, giọng tôi gấp gáp:
– Thực ra thì chuyện không có gì to tát… em thấy không sao nên không muốn cho anh biết vì sợ anh lo. Với lại em cũng đánh con Xuân hả dạ rồi… anh đừng giận nữa… được không?
Tôi ôm chầm lấy anh, nỉ non nhẹ tiếng:
– Anh… đừng giận nữa. Giận mau già lắm, đừng giận đừng giận mà… thương thương!
Đường Cảnh cũng ôm lại tôi, giọng anh dịu hơn khi nãy rất nhiều:
– Em dỗ trẻ con à?
Tôi cười nhe răng:
– Thì anh đang giận dỗi giống trẻ con còn gì… thôi thương mà… tục tưng… tục tưng!
Đường Cảnh phì cười, anh ôm siết lấy tôi, xem như là hết giận. Khẽ vỗ vỗ vào vai tôi, anh nói:
– Sau này đừng giấu tôi, tôi cũng biết cư xử hợp tình hợp lý chứ không phải chỉ biết quát ầm lên đâu.
– Em biết rồi mà, sau này không giấu anh nữa đâu.
Ôm tôi một lát, tôi lại nghe tiếng anh thở dài, giọng cũng có chút bất đắc dĩ:
– Bảo Nguyệt… em ấy càng lúc càng kỳ lạ. Tôi nghĩ… đã đến lúc em ấy nên rời khỏi đây rồi.
Tôi có một chút giật mình trước câu nói của anh, tôi không nghĩ là anh sẽ để Bảo Nguyệt rời đi khi chưa hết một năm như trước kia anh đã nói. Mà thật ra nếu anh không để cô ấy rời đi, tôi cũng sẽ bảo anh để cho cô ấy đi. Bảo Nguyệt ngày càng gây chuyện, tôi không muốn lúc này lại làm Đường Cảnh khó xử. Đúng là trước mắt Bảo Nguyệt chưa làm gì hại đến tôi cả, nhưng âm thầm sau lưng cô ấy có làm gì hay không thì tôi không biết. Hiện tại mắt tôi không thấy gì đã là bất lợi lắm rồi, tôi không muốn để cho người khác lợi dụng thời cơ tính kế với đôi mắt mù loà tạm thời này của tôi. Bảo Nguyệt nên rời đi là tốt nhất!
______________
Ngày hôm sau, con Xuân bị bắt phạt quỳ gối ngoài sân vì cái tội đụng trúng Đường Cảnh. Lúc tôi nghe bé Dâu kể lại, tôi biết là anh muốn lấy lại công bằng cho tôi nên mới làm như thế. Thật ra ở nhà này, chỉ cần tôi lên tiếng, Đường Cảnh nhất định không để cho tôi chịu thiệt thòi. Nhưng mà tôi cũng không thể cứ bám theo chân anh ấy mãi như thế được, không lập uy thì danh phận Mợ nhỏ nhà họ Đường xem ra là quá uổng phí.
Nguyên buổi sáng, tôi không có xuống nhà dưới, sau khi thầy Trí tới châm cứu xong, tôi liền kêu bé Dâu báo với anh Cường một tiếng để anh ấy lấy xe đi mời thầy Đề tới một chuyến. Tôi viện cớ là mặt tôi hơi rát nên kêu thầy Đề tới xem sao.
Tôi nằm trên giường, cảm nhận được mấy mũi kim châm cứu của Thầy Đề đang chạm vào da thịt. Cảm giác hơi tê tê chứ cũng không đau đớn gì, thầy Đề vừa châm cứu vừa hỏi:
– Mợ thấy sao, có đau không?
Tôi khẽ trả lời:
– Dạ không Thầy.
– Được rồi, Mợ từ từ mở mắt ra thử xem.
Tôi nghe theo Thầy rồi từ từ mở hai mắt nhìn lớn, trước mắt tôi không còn là khoảng đen bao la nữa, có vài tia sáng vừa chiếu vào khiến tôi gần như chịu không được. Tôi giật mình, nhắm tịt hai mắt, tôi gấp gáp nói:
– Thầy… có tia sáng… có tia sáng…
Thầy Đề gật gù:
– Vậy được rồi, mắt Mợ không sao đâu. Tôi đoán chừng vài ngày nữa là Mợ có thể thấy đường lại được. Toa thuốc thầy Trí cho Mợ cũng là thuốc trị tan máu bầm trong não nhưng công hiệu của nó rất chậm. Thay vì tôi kê cho Mợ uống 5 ngày là sáng mắt thì đơn của thầy Trí kê phải tới 15 ngày. Bây giờ Mợ cứ theo đơn của tôi mà uống kèm, chắc chắn vài bữa là sáng mắt.
Tôi gật đầu, hỏi thêm:
– Tức là thuốc của thầy Trí không sao hả Thầy?
– Không sao, cũng là thuốc tốt, Mợ không cần quá lo.
Tôi xem như cũng yên tâm toàn phần, kể từ lúc Bảo Nguyệt bảo thầy Trí về đây khám cho tôi là tôi đã cảm thấy không mấy yên tâm lắm. Tất cả đơn thuốc thầy Trí kê cho, tôi lúc nào cũng kêu bé Dâu chạy tới hỏi qua thầy Đề một tiếng rồi mới cho con bé đun thuốc. Tất cả đều làm trong âm thầm, tới cả Đường Cảnh cũng không được biết. Mà rõ ràng tôi cảnh giác là không sai, thầy Trí đúng là có vấn đề.
Sau khi châm cứu cho tôi xong, lúc thầy Đề định ra về, tôi chợt nhớ đến tay đau của mình nên liền nhờ thầy Đề xem qua một chút.
Thầy cầm tay tôi lên xem, lúc thầy xoa vào chỗ bị bầm, tôi đau đến điếng người, mồ hồi bắt đầu chảy dài ra. Thầy Đề ấn xuống một chút, tôi ở đây gần như muốn tè ra quần vì đau quá. Mãi một lát sau, tôi mới nghe giọng thầy khẽ cất:
– Nhìn thì giống bầm nhưng ấn vào lại thấy không giống. Mợ Tâm, Mợ có đau nhiều không? Có cảm giác cộm cộm khó chịu không?
Tôi mếu máo, gật gật:
– Đau nhiều đó Thầy, sờ vào có hơi cộm cộm.
– Ừ, bây giờ tôi cho Mợ thuốc sứt, nếu sứt ba ngày vẫn không hết, Mợ tới nhà tôi, tôi rạch ra xem thử.
– Phải rạch ra hả Thầy?
– Đúng Mợ, thuốc sứt này của tôi là loại mạnh, bầm đen bầm đỏ gì sứt hai ngày là hết. Trừ phi là bị trong thịt trong máu, còn nếu như chỉ bị ngoài da thì không thể không hết được.
Nói rồi, Thầy quay sang bé Dâu dặn dò một chút. Xong xuôi hết, tôi kêu bé Dâu bảo anh Cường tiễn thầy ra về. Lúc Thầy Đề chuẩn bị ra về, tôi có lên tiếng cảm ơn Thầy:
– Thầy… con cảm ơn thầy giúp con.
Thầy Đề cười, thầy vỗ vai tôi:
– Bảo Nguyệt là chỗ quen với tôi, tôi coi nó như cháu gái, miễn nó không làm gì sai thì tôi vẫn thương nó như lúc trước. Có điều, Mợ cũng là người tốt, tôi lại mang ơn cậu Cảnh nhiều… mà Mợ lại là vợ của Cậu. Thôi, tôi coi như là giúp người, còn chuyện riêng tư của Mợ với con bé Bảo Nguyệt, tôi không dám xen vào. Tôi làm đúng bổn phận của người thầy thuốc, Mợ yên tâm.
Tôi khẽ gật, coi như là đáp lại tấm chân tình của Thầy. Lúc anh Cường đưa thầy xuống dưới, tôi có nói vọng ra:
– Anh Cường, nhớ những gì tôi dặn nha.
– Dạ tôi hiểu rồi Mợ.
Thật là tốt, may là tôi còn có được thầy Đề giúp mình. Thầy Đề là thầy thuốc cương trực, Thầy lại có ơn với Đường Cảnh, từ trước tới giờ thầy luôn giúp tôi hết sức hết lòng. Ơn này của Thầy, tôi không bao giờ quên.
……………..
Buổi chiều hôm ấy tôi có xuống nhà, nghe nói con Xuân vẫn còn bị phạt. Lúc tôi xuống cũng vừa hay Bảo Nguyệt đang dìu con Xuân về phòng, thấy tôi được bé Dâu dắt tới, Bảo Nguyệt cũng lên tiếng “chào” tôi.
– Chị Tâm, mắt chị không thấy gì, chị đi xuống đây làm gì… bất tiện cho chị.
Tôi kêu bé Dâu dắt tôi đi tới gần Bảo Nguyệt, tôi khẽ nói:
– Chị không cảm thấy bất tiện, với lại… chị bị mù chứ không phải bị ngáo… nếu ai đó muốn giở trò… xem ra là làm cho người ta thất vọng rồi.
Bảo Nguyệt cười nhạt:
– Chị nói gì… em không hiểu?
Tôi cười một cái thật tươi rồi nhẹ nhàng trả lời:
– Con Xuân… cái mặt nó bị sao… chị không tin là em không biết. Em đừng nghĩ chỉ có em biết dược liệu… chị đây cũng biết sương sương. Cái mùi thuốc trên mặt con Xuân hôm qua nồng như vậy mà em cũng dám chạy lên kể tội… công nhận không ai gan bằng em.
Giọng Bảo Nguyệt run sợ:
– Chị… làm sao chị…
– Sao trăng gì em ơi, chị nói cho em biết để sau này đừng tùy tiện hất nước bẩn lên người chị. Mắt chị không thấy nhưng chị còn cái đầu, mắt tàn nhưng đầu chưa phế… hơn nữa chị còn một tuyệt chiêu… em có muốn biết là gì không?
– Là… là gì?
Tôi bật cười:
– Là… Đường đại nhân Đường Cảnh.
Nói rồi tôi định rời đi nhưng chợt nhớ vẫn chưa nói xong, tôi lại lùi về sau một bước rồi nói tiếp:
– À quên nữa, có câu này chị muốn tặng em… Gần đất thì xa trời còn gần chồng chị… chị đá văng cái mỏ lên ngọn cây… ráng chịu em nha.
Tôi cười hừ một tiếng:
– Buồn cười thật á Bảo Nguyệt, làm người em không thích lại thích đi làm con giáp thứ 13. Tánh kỳ!
– Chị!
Tôi không trả lời, chỉ cười khinh một cái rồi rời đi. Lần này xem như là tôi lật bài trước với Bảo Nguyệt. Từ nay về sau, tôi và cô ấy không thể chung một thuyền. Nếu cô ấy vẫn nhây lỳ không chịu thông suốt thì tôi cũng không ngại vả cho cô ấy vài phát cho tỉnh người ra.
Dìu tôi lên phòng, bé Dâu phấn khích reo lên:
– Mợ, Mợ đỉnh quá!
Tôi cười xuỳ:
– Chuyện, Mợ của con mà.
– Nhưng mà sao Mợ biết là Mợ Nguyệt dùng dược làm cho chị Xuân bị sưng mặt?
Nhắc tới chuyện này, tôi lại phải cảm ơn thầy Đề. Đợt tôi bị hạ “Độc Sắc”, trong lúc chữa bệnh cho tôi, Thầy cũng có dạy tôi học qua vài ba loại dược. Mà tôi cũng coi như là sáng dạ, ngửi qua vài lần là liền nhớ. Mặc dù không học được gì nhiều nhưng ngửi thuốc với dược thì tôi ngửi được. Vừa vặn cái loại dược Bảo Nguyệt thoa lên mặt con Xuân thì tôi biết, bởi thế nên tôi mới chắc cú như vậy. Cỡ mà hôm qua Đường Cảnh không tin tôi thì tôi cũng có thể tự cứu lấy mình.
________________
” Tự, con chọn ai? Là thằng Cung hay thằng Cảnh?”
Trong căn phòng lớn, người đàn ông tầm 30 ngồi trên ghế gỗ đang cau chặt chân mày, biểu cảm vô cùng cương nghị. Tôi thoáng sững người, người đàn ông này… chẳng phải là người mà hôm trước ngoài vườn tôi đã nhìn thấy?
Đúng rồi, ông ấy là người đàn ông phong độ đi cùng người phụ nữ xinh đẹp có đứa con tên “Cảnh” ấy. Đúng rồi, đúng rồi!
“Ba, ba tin vào lời của bác Thượng?”
“Tin, ông ấy chưa nói cái gì sai cả”.
Một người đàn ông độ tuổi ngũ tuần từ từ bước tới, ông ấy đi đến vỗ lên vai người đàn ông đang ngồi trên ghế. Gương mặt hai người bọn họ có nét tương đồng với nhau.
“Nhưng thằng Cung hay thằng Cảnh… đứa nào cũng là con trai của con… con không thể chọn được. Con làm sao có thể đẩy con trai của con vào con đường tăm tối?”
Người đàn ông độ tuổi ngũ tuần thở dài một hơi:
“Nếu bây giờ con không chọn… về sau này… Đường gia chắc chắn sẽ suy sụp. Ngay bây giờ, dù cho con chọn thằng Cảnh hay thằng Cung thì điều ấy cũng đồng nghĩa với chuyện con sẽ bảo vệ được cả hai đứa tụi nó. Một đứa ngoài sáng, một đứa trong tối, mặc dù đứa trong tối sẽ thiệt thòi nhưng như vậy sẽ đỡ hơn sau này anh em chúng nó tương tàn đứa còn đứa mất. Con… con nên suy xét cẩn thận.”
Người đàn ông phong độ vò tóc bực dọc, ông ấy cáu gắt lên tiếng:
“Con biết chọn ai, thằng Cung còn nhỏ lắm nhưng thằng Cảnh… mẹ nó vừa mất… nó không thể là ác quỷ được?”
“Nếu đã như vậy, ba biết con đã có sự lựa chọn của riêng con. Tự, ngay bây giờ con lựa chọn thì khả năng anh em tụi nó gϊếŧ nhau sẽ giảm đi rất nhiều. Số mệnh của tụi nó là khắc nhau, không đoán được tương lai đứa nào là ác quỷ như lời ông Thượng đã nói. Nếu con đã chọn thằng Cung… ba… cũng đồng ý.”
Chuyện gì vậy? Hai người bọn họ đang nói gì? Chọn ai là thế nào? Sao lại có cả Đường Cung và Đường Cảnh?
“Con… không thể để thuận theo tự nhiên sao hả ba?”
“Là tùy con, trước sau gì họ Đường cũng sẽ có chuyện, đó là nghiệp báo từ nhiều kiếp. Ông Thượng cũng có nói, chuyện anh em chúng nó khắc nhau là do ân oán từ nhiều kiếp, kiếp này phải trả hết một lần. Ba chỉ sợ họ Đường cũng bị kéo theo anh em tụi nó. Họ Đường còn nhiều tông chi nhánh to nhánh nhỏ, ba ép con chọn cũng vì muốn tốt cho con. Không thể để Đường gia bị hủy ở đời của mình được… con nên sáng suốt một chút.”
Dừng một chút, ông ấy lại nói tiếp:
“Đường Cung hay Đường Cảnh bị giam cầm… cũng chưa chắc là xấu. Một trong hai anh em tụi nó sau này vẫn phải có người thừa kế gia sản, người kia thì không. Thằng Cung có tố chất, thằng Cảnh thông minh gan lỳ… chắc chắn không thằng nào chịu nhường thằng nào cả. Tụi nó… lại là một cha khác mẹ, mẹ thằng Cảnh lại vừa chết không rõ ràng… Tự, không thể để anh em tụi nó cùng lớn lên với nhau được, không thể được.”
Tôi nhìn thấy được sự lo lắng trong đôi mắt của người đàn ông tuổi ngũ tuần, và tôi cũng nhìn thấy rõ ràng sự thương xót của người đàn ông đang ngồi trên ghế gỗ. Bọn họ bắt nhau phải chọn… có phải là chọn Đường Cảnh hay Đường Cung?
Nói như vậy có nghĩa là… chuyện Đường Cung bị giam cầm trong nhà họ Đường… là do được sắp xếp từ trước? Anh ta… có khả năng không phải là khắc tinh của họ Đường?
Càng nghĩ tôi càng thấy đáng sợ, trước mắt tôi hình ảnh hai người đàn ông vẫn chưa nhạt nhòa. Bỗng dưng ở đâu có người chạy tới, người ấy hét ầm lên:
“Ông Nội, ông lớn… Cậu… Cậu Cung leo cây bị té rồi Ông ơi!”
“Bị té? Nó có sao không?”
“Con không biết, Bà lớn biểu con vô báo với Ông.”
“Được rồi, mày mau kêu xe chở Cậu lên bệnh viện, Ông ra liền.”
Người đàn ông phong độ đứng bật dậy, ông ta chạy nhanh ra cửa với gương mặt lo lắng tột độ. Trong phòng lúc này chỉ còn lại người đàn ông tuổi ngũ tuần được tên hầu kêu bằng “Ông Nội”. Tôi thấy ông ấy ngồi xuống ghế, sự lo lắng hiện sâu trong đáy mắt, giọng ông đầy bất lực:
“Cung, Đường gia xin lỗi con vậy!”
Ánh sáng từ từ khép dần, trả lại cho tôi một khoảng đen quen thuộc. Sau lưng đột nhiên có tiếng bé Dâu lảnh lót vang lên:
– Mợ, bánh phô mai này ngon lắm nè Mợ.
Tôi giật bắn người, đầu cũng lắc lư thật mạnh. Nhắm mắt rồi mở mắt, làm liên tục vài lần nhưng tôi vẫn không thấy được gì ngoài màn đen tối om. Ôm lấy ngực mình, tôi cố trấn an bản thân để thôi không run rẩy. Tôi tự nhủ thầm… chuyện lần này nhìn thấy… chắc chắn không phải do tôi suy tưởng…
Nếu đã như vậy, có thể nào… có người muốn cho tôi nhìn thấy tường tận mọi chuyện hay không?!
———