Sau năm ngày đêm rong ruổi không nghỉ, cỗ xe đã vượt qua địa giới Đại Việt. Ôi Đại Việt! Ôi Tổ quốc, Quê hương, chàng đã xa cách bảy năm đằng đẳng:
Đây rồi nhé, òa vui trời Đại Việt.
Núi rừng xưa bừng dậy chiến công xưa...
Sông Nhĩ ngẩn ngơ, Châu Mộc đón ta về,
Nghe trong gió nỗi đau nào lẩn khuất...
Nước mắt tràn trên gò má Đoàn phu nhân. Đây quê hương của bà, xa cách đã hai mươi năm... Trời đã vào xuân chưa mà cây rừng đang thay lá? Ôi, mùa xuân vừa trở lại trên đất nước thân yêu; còn bà, mùa xuân của bà, không bao giờ có nữa! Hai mươi năm đã trôi qua và hai mươi lăm năm, kể từ ngày bà được gán cho mỹ hiệu “Tây Bắc đệ nhất mỹ nhân” nay còn đâu. Hai mươi năm trở về lòng đau như muối xát, như dao cưa.
Quê hương yêu dấu của ta, bà thầm gọi. Đây mây trời, đây đỉnh núi gió ngàn, đây giống sông xưa, đường lối cũ. Nắng vàng ngày xuân thắm vẫn còn đây? Bà nghe mơ hồ có tiếng cựa mình trong từng đọt búp non mừng rỡ đón bà trở lại nghe mây cuồn cuộn đau, nghe gió trăn trở thì thầm, và tiếng thác ào ào thiên thu trên vách đá... Tất cả vẫn như xưa Tất cả vẫn như xưa, ngày bà rời bỏ vùng trời Mộc Châu về làm vợ người đàn ông kiêu hùng một thuở! Bây giờ tóc đã bạc, lòng đã xanh xao, tấm thân đã uế tạp, làm sao nhìn núi non trời đất, làm sao nhìn thấy người đàn ông năm xưa mà không thẹn mặt! Nhưng bà phải sống, ít ra sau khi nhìn thấy chồng mình, và xin ông thứ tội; nhìn thấy giang sơn gấm vóc của tổ tiên, rồi tấm thân bà xin được vùi trong lòng đất quê hương nồng nàn yêu dấu...
Đoàn phu nhân gục đầu lên cánh tay, Hoài Nam khóc theo mẹ... Nàng lắng nghe tiếng chim hót trên quê ngoại, lắng nghe tiếng gió xào xạc thổi qua tàng cây, mơ màng nhìn dòng sông êm uốn mình lấp loáng. Quê hương của mình có gì khác lạ? Nó là nỗi đằm thắm và xôn xao trong trái tim nàng. Có một điều gì đó làm cho nàng thấy nắng vàng hơn, gió thơm hơn, trời xanh hơn, hoa cỏ mơn mởn hơn, trong lòng nàng, trong lòng của người trở về nơi quê mẹ! Đã trên hai năm nay, Hoài Nam đã được mẹ dạy cho tiếng mẹ đẻ Đại Việt. Ôi, kỳ diệu làm sao âm điệu tuyệt vời của ngôn ngữ của Tổ quốc nàng...
Chiếc xe lao dọc theo con đường mòn hẹp. Đỉnh Liên Sơn sừng sững trước mắt, hoa đào nở rộ trên triền cao hồng tươi dưới nắng... Căn nhà cũ vẫn còn nguyên vẹn, không hiểu tại sao bọn Thất Sát đã không quay trở lại độ ấy. Dư lão tứ đã già đi rất nhiều, dáng đứng còm cõi, ngơ ngác, nhìn cặp ngựa sùi bọt mép kéo cỗ xe dừng lại trước sân.
Nguyên Huân tung người xuống, ôm lấy Dư Tứ kêu lên :
- Dư thúc, Dư thúc đó ư! Cháu đã về đây...
Đoàn phu nhân cũng nhận ra người nô bộc năm xưa, bà kêu lên thảng thốt :
- Dư Tứ, Dư Tứ đó ư!
Dư lão tứ ngơ ngẩn, một lúc mới òa lên mừng rỡ :
- Thiếu gia đã về, Thiếu gia đã về!
Ông bỗng quay mình nhìn người đàn bà vừa hỏi tên mình, một lúc lâu nghẹn ngào :
- Phu nhân, ôi Phu nhân đó ư?!
Nói xong quỳ phục xuống đất. Nguyên Huân đỡ Dư Tứ dậy, nóng vội hỏi :
- Dư thúc, Đoàn lục thúc của cháu đâu? Còn Uyển Thanh đâu rồi?
Dư Tứ ngậm ngùi, nói :
- Uyển Thanh chiều mới về, còn chủ nhân vừa mới thiếp đi, đã một tuần nay ông hầu không hề nhắm mắt!
Gương mặt Đoàn phu nhân tái xanh, mắt đẫm lệ, phải cố gắng lắm bà mới không ngất đi. Hoài Nam cũng chan hòa nước mắt dìu một bên mẹ. Nguyên Huân rón rén bước lên thềm, cánh cửa khép hờ, chàng đẩy nhẹ. Căn phòng chìm trong bóng tối mờ, leo lét ánh sáng của ngọn đèn dầu phộng, chiếc giường xưa vẫn còn nguyên chỗ cũ.
Đoàn Chính Tâm đang nằm thiêm thiếp, gương mặt gầy ốm xanh xao, đôi má hóp lại, tóc không còn sợi đen, đôi mắt trũng xuống. Phu nhân run rẩy quỳ bên giường, Hoài Nam quỳ bên cạnh mẹ, bà thều thào :
- Con ơi, cha con đó...!
Bà gục đầu lên bàn tay xương xẩu của người chồng oai chấn võ lâm năm xưa, giờ chỉ còn là tấm thân tiều tụy. Những giọt nước mắt chan chan bao nhiêu đau đớn, xót thương, bao nhiêu hận oán nhục nhằn của suốt hai mươi năm nuốt tủi che hờn, bây giờ theo đôi dòng lệ, chan hòa như suối... Riềm mi nặng nề của Đoàn Chính Tâm khẽ động đậy, Nguyên Huân áp bàn tay chàng vào đôi bàn tay của Đoàn lục thúc, vận công truyền nội lực sang thân thể khô kiệt của ông, luồng nội lực nóng ấm sinh động... Có tiếng ông khẽ rên lên và từ từ mở mắt. Ông vẫn nằm im, chưa nhận dạng được thực tại. Một lúc sau ông thều thào hỏi :
- Ai đây?
Nguyên Huân nước mắt như mưa, chàng khẽ gọi :
- Thúc phụ, con đây, Huân nhi của cha đã về đây!
Như có phép mầu, đôi mắt ông sáng lên, ông hỏi :
- Con đấy ư? Ta những tưởng không còn nhìn thấy con nữa...
Cùng lúc ông cảm nhận được một nguồn nội lực mạnh khôn tả trong cơ thể khô héo của mình, trên môi khô dường như thoáng nụ cười :
- Sao con?
Nguyên Huân hiểu ông muốn hỏi gì, chàng đáp :
- Thưa cha, con đã thực hiện được trọn vẹn mọi điều cha kỳ vọng...
- Thế ư con!
Đoàn phu nhân bỗng bật lên tiếng khóc cố nén, bà kêu lên như cánh chim bị thương :
- Chàng ơi! Chàng ơi!...
Đoàn Chính Tâm ngơ ngác, rồi như chợt hiểu, ông nhắm mắt lại, đôi dòng lệ ứa ra. Ông thầm gọi như hơi thở :
- Lý Phi Yến, em đã về đó ư?
- Vâng, thiếp đã về đây, cả con nữa!
Ông mở bừng đôi mắt, từ trong hố mắt sâu mù mịt, mệt mỏi, một tia sáng lóe lên :
- Con ư! Trai hay gái, nó đâu?
Hoài Nam ôm chầm lấy cha, khóc nức nở :
- Con gái của cha đây! Cha ơi!
Ông để bàn tay nhăn nheo lên tóc nàng, bàn tay kia vẫn nằm trong tay Nguyên Huân :
- A, con ta, con đừng khóc, cho cha nhìn thấy con đi!
Hoài Nam ngẩng đầu lên, ông ngơ ngác, nói như reo :
- Ôi con, sao con giống mẹ con ngày xưa đến thế! Con tên là gì, con gái tội nghiệp của ta!
- Thưa cha, con là Đoàn Hoài Nam!
Hoài Nam, Hoài Nam... Ông nhắm mắt lại :
- Yến muội! xin thâm tạ lòng em...!
Phu nhân khóc nức lên :
- Không, không chàng đừng nói thế, hãy tha thứ cho em, đáng lẽ em phải tự sát để giữ vẹn cùng chàng, nhưng vì con, vì con... Em xin chàng hãy tha thứ...!
- Em có lỗi gì đâu Yến muội, bởi vì ta không đủ tài sức để bảo vệ em, người có lỗi là ta. Yến muội ơi, em đừng nói thế, đã hai mươi năm, đã hai mươi năm ta không ngừng âm thầm xin em xá tội... Em hãy ngồi lên đây cạnh ta, để ta nhìn thấy em!
Đoàn phu nhân ngồi ghé xuống cạnh giường. Chiếc đèn lồng đã được thắp lên từ lúc nào. Dư Tứ mở một cánh cửa sổ, ánh nắng nhẹ buổi đầu xuân tràn vào.
- Em đừng khóc Phi Yến, em đừng khóc! Tạ ơn trời đất kiếp này đã cho ta gặp lại em; tạ ơn con, Huân nhi, con đã mang mẹ con về cho ta, mang em con trở về. Ôi, Phi Yến, tóc em bạc cả rồi, nhưng em đẹp hơn xưa nhiều lắm, hãy ngồi sát bên ta, Phi Yến!
- Không, em không thể ngồi gần chàng được, em ô uế lắm, em không xứng đáng với lòng chàng dành cho em.
Không đâu em! Không có một bùn nhơ nào làm ô uế em cả. Em đã hy sinh vì con, vì ta. Sao em lại nói thế làm cho ta đau lòng, hãy ngồi gần lại đây đi em!
Đoàn phu nhân khóc nấc lên. Hoài Nam vừa đứng lên, cả Nguyên Huân cũng đứng lên từ lúc nào. Phu nhân gục đầu lên ngực chồng. Những giọt lệ tủi hờn, những dòng lệ sung sướng. Bà bỗng quên đi bao nhiêu đau khổ. Những nỗi đắng cay, đau đớn suất hai mươi năm vò xé tim bà, theo từng dòng lệ trôi đi Bà thì thào trên ngực ông, bàn tay ông vuốt lên mớ tóc mây ngày nào bây giờ đã bạc trắng!
- Phi Yến, năm nay em bốn mươi lăm tuổi rồi, tóc em bạc quá sớm. Ta hiểu lòng em và kính trọng em. Phi Yến, em có nghe ta nói không?
- Có thiếp đang nghe chàng nói, thiếp thâm tạ ơn chàng... Phu quân ơi! Uyển Thanh đi đâu?
Câu hỏi của bà đã chạm vào điều ông đau đớn nhất, nước mắt ông ứa lên mi :
- Ta xin em tha lỗi, Phi Yến. Ta đã không coi sóc, bảo vệ được con...
Phu nhân ngửng phắt lên, cả Nguyên Huân, cả Hoài Nam đứng dưới chân giường đều giật mình, sợ hãi. Một ý nghĩ khủng khiếp cho điều bất hạnh hiện lên trong ý nghĩ. Phu nhân không dừng được, bà kêu lên thoảng thốt :
- Uyển Thanh, Uyển Thanh làm sao rồi?
- Không, Phi Yến, con nó còn sống, nhưng... đã thành phế nhân...!
Phu nhân thét lên một tiếng, gục xuống ngực ông lịm đi.
Đoàn lão âm trầm, đau đớn nói :
- Đó là nguyên nhân làm cho ta hao kiệt như hôm nay...Uyển Thanh con nó cải nam trang, chiến đấu trong hàng ngũ của thủ lĩnh áo đỏ Xa Khả Tham. Nó bị trọng thương không lâu, mất một cánh tay, hỏng một mắt, trong một trận phản công của Nghĩa quân, đổi lại, nó đã cứu thoát cho cả đạo quân nghĩa dõng sắp phải rơi vào bẫy phục kích. Nó đã thay ta, thay cho chồng nó, chiến đấu không thua một nam nhi nào...!
Hoài Nam ôm chân mẹ khóc nấc :
- Mẹ ơi, tội nghiệp chị con...!
Đoàn lão thở dài :
- Thôi, con đừng khóc nữa, ta cũng đau lòng, nhưng nước mắt nào có được gì, con hãy chờ chị con về... Nguyên Huân, con lại đây, kể cho ta nghe bước đường con đã trải qua từ lúc con ra đi...!
Tiếng Nguyên Huân vang lên trong căn phòng im lặng, Đoàn lão chăm chú nghe, nét mặt ông càng lúc dần tươi lên, cuối cùng khi Nguyên Huân đã ngừng lời, ông nói, với một thần thái tươi tỉnh :
- Tạ ơn Trời Phật, ta không ngờ con đã đạt thành mọi điều ngoài cả ước nguyện của ta. Con đã toàn thành một thân thủ võ công tuyệt học, nếu có gọi là Thiên hạ đệ nhất nhân thì cũng xứng đáng. Con xứng đáng với tổ tiên, thân phụ mẫu con ở chốn suối vàng, xứng đáng với Ngũ ca, Thất, Bát đệ ta, được nở mặt mày bên kia thế giới, con làm đẹp lòng ta biết bao! Nhưng... con ơi, Uyển Thanh, Uyển Thanh...
Nguyên Huân ngắt lời ông :
- Thưa cha, con hãnh diện về vợ con, con hãnh diện vì Uyển Thanh. Xin cha hãy tin ở con, suốt đời con sẽ vì nàng, con không nghĩ đến con, bởi chính vì thay con, thay cho nghĩa vụ của con mà Uyển Thanh đã nhận lấy bất hạnh. Dù Uyển Thanh có thế nào thì chỉ làm cho con thương yêu hơn. Cái nghĩa của nàng quá lớn, con sẽ sống xứng đáng với tấm lòng của Uyển Thanh, mãi mãi...
“Ta không thể bội bạc với Uyển Thanh, dù ta có yêu Hoài Nam đến đâu đi chăng nữa, nàng chỉ còn có ta mà sống, mà được nâng đỡ, ta không có quyền nghĩ đến riêng ta. Ta phải trả hết đời ta cho cái nghĩa của nàng, đã vì ta mà gánh điều bất hạnh...” Nguyên Huân biết chàng đang cố dìm lấp nỗi đau đớn riêng tư đến tận cùng. Biết làm thế nào, chàng biết làm thế nào? Ôi tình yêu trong chàng chỉ còn là nỗi đắng chát!
Hoài Nam cũng hiểu ra điều Nguyên Huân nói. Chàng nói với cha mẹ nàng, mà cũng là nói với nàng. Cõi lòng nàng tê dại vì nghịch cảnh, nhưng nàng nễ phục người nàng yêu “Ta yêu chàng chính vì chàng như thế, nếu chàng là kẻ có tấm lòng bội bạc, đổi thay, chàng chỉ đáng nhận lấy ở ta sự khinh khi... Mãi mãi ta yêu chàng, ta không còn hiện hữu trong tình yêu ta dành cho chàng, mà ta hòa nhập cùng chàng... Với chàng, với chị của ta, và ta, cùng là một...”
Uyển Thanh bước vào phòng cha già, đập vào mắt nàng trước nhất là Nguyên Huân, nàng sững sờ vài giây, rồi đột nhiên Uyển Thanh quay mình té chạy ra cửa, nhưng Nguyên Huân nhanh như cắt, đã ở sát bên nàng và ôm chặt lấy hình hài tàn tạ của Uyển Thanh trong vòng tay mình, người nàng đã rủ mềm, nàng ngất đi.
Nguyên Huân bế Uyển Thanh thẳng về nơi phòng riêng của nàng, vẫn là căn phòng cũ. Đặt nhẹ nàng lên giường, Nguyên Huân quỳ bên nhìn khuôn mặt xanh tái của Uyển Thanh, lòng chàng tràn ngập thương cảm, chàng điểm huyệt cho Uyển Thanh hồi tỉnh. Vừa mở mắt, Uyển Thanh đã ngồi bật dậy, Nguyên Huân hai mắt đỏ hoe, ôm lấy Uyển Thanh vào ngực mình và nhẹ vuốt lưng nàng. Uyển Thanh như được một trời yên ủi, nàng rung người theo mỗi tiếng nấc, nước mắt nàng đẫm ướt ngực áo Nguyên Huân.
Nguyên Huân dịu dàng nói, như bàn tay chàng đang dịu dàng vuốt tóc Uyển Thanh :
- Thanh muội, em đừng khóc nữa, ta vẫn là Nguyên Huân của em ngày nào, lòng ta thương yêu em không hề dời đổi. Nhan sắc em, dung nhan em chính là trái tim em, và ta cũng không phải là kẻ tham vàng phụ nghĩa; ta yêu quý những dấu tích này trên thân thể em, nó nói lên rằng em đã vì yêu ta mà thay ta, chiến đấu cho Đại nghĩa. Ta mãi mãi yêu thương, mãi mãi hãnh diện bởi em Uyển Thanh ạ!
Chàng nâng đầu Uyển Thanh khỏi ngực, hai mắt nàng nhắm nghiền, cánh tay phải còn lại quàng lên vai Nguyên Huân, mặt đầm đìa nước mắt. Nguyên Huân cúi xuống, hôn lên những dòng lệ nhạt nhòa trên mắt, trên môi nàng. Uyển Thanh rùng mình. Bao nhiêu năm nàng chờ đợi, và chàng đã trở về Lòng nàng dịu đi đón nụ hôn đầu đời, nụ hôn trên đôi môi đã héo hắt nụ cười suốt bảy năm qua, “Ôi, chàng của ta, chàng đã trở về!”
Có tiếng bước chân, Hoài Nam và Đoàn phu nhân cùng bước vào. Nguyên Huân ngước mắt lên nhìn. Hoài Nam nhìn thấy trong đôi mắt chàng nhìn nàng thẫn thờ, như đau đớn, như muốn nói trăm điều không thể nói; và nàng nhìn chàng, cũng bằng ánh mắt, cũng bằng nỗi câm lặng ấy... Đoàn phu nhân ngồi xuống đối diện với Nguyên Huân, bà nhẹ nhàng ôm Uyển Thanh vào lòng, tràn ngập thương cảm :
- Uyển Thanh, mẹ đây con, mẹ của con đây...!
Và bà òa khóc nức nở.
Nguyên Huân đứng dậy nhường chỗ cho Hoài Nam. Hoài Nam run rẩy đặt hai tay lên đôi vai gầy của chị, giọng nói nàng tràn ngập nước mắt :
- Chị Uyển Thanh, em đây, em là em của chị, em là em ruột của chị, em và mẹ đã trở về cùng với chị, chúng ta sẽ chẳng còn phải sống ly tan nữa chị ơi...!
Cánh tay cụt quàng áp sau lưng mẹ, Uyển Thanh dùng cánh tay còn lại ôm lấy em gái :
- Mẹ ơi, mẹ bỏ con đi suốt hai mươi năm, con nhớ mẹ ngày đêm... Em ơi, em gái của chị!
Phu nhân nói :
- Tên em con là Hoài Nam, Đoàn Hoài Nam, nó mười chín tuổi rồi, nó thua con năm tuổi, thua Nguyên Huân sáu tuổi!
Uyển Thanh đã bớt bi lụy, nàng ngước lên ngắm nhìn mẹ :
- Mẹ, tóc mẹ bạc hết rồi, tội nghiệp mẹ biết bao...?
- Đừng tội nghiệp mẹ, mẹ bỏ con với cha con sống cô quạnh lẻ loi, con tha thứ cho mẹ!
- Không đâu mẹ ơi, đó chỉ là thảm họa...!
Uyển Thanh nhìn em gái chan chứa yêu thương :
- Hoài Nam, em đẹp lắm. Ngày xưa chắc mẹ cũng đẹp như em con, phải không mẹ?
Phu nhân vuốt tóc nàng :
- Ôi đẹp mà làm gì hả con? Tấm lòng mới là cao cả, mới là đáng kể, mới là cái đẹp không bao giờ tàn phai trong lòng người đàn ông con ạ! Nhan sắc chỉ làm ta đau khổ mà thôi, nào có ích gì.
- Mẹ đừng an ủi con, mẹ!
- Không, mẹ không hề có ý đó, mà là thật lòng mẹ. Chiến tích của con mới là cái đẹp sống mãi mãi không phai tàn trong lòng mọi người, cái đẹp của một đất nước, của một dân tộc...
Bệnh tình của Đoàn Chính Tâm mỗi ngày một nặng thêm, Nguyên Huân đã cố gắng cứu chữa cho ông. Chàng khám phá ra rằng, các huyệt đạo trong người ông đã hoàn toàn đình trệ. Một vài huyệt đã vỡ, chàng không thể tiếp chân khí cho ông được nữa, chân khí sẽ làm vỡ tan thêm các huyệt đạo Và khi mà Sinh Tử Huyền Quan bị vỡ nát, ông sẽ chết ngay tức khắc.
Nguyên Huân không nói ra điều ấy, nhưng Đoàn Chính Tâm, ông biết. Ông hiểu bệnh tình của ông không còn cơ cứu chữa, dẫu tiên thánh cũng đành bó tay. Nhưng sao ông thấy lòng mình bình yên. Ông đã mãn nguyện.
Những ngày cuối cùng này của đời ông, ông đã được bàn tay của người vợ hiền chăm sóc. Ông cười nói với phu nhân :
- Hiền thê ạ! Thế là ta hoàn toàn mãn nguyện, đã có em ở bên ta lúc ta ra đi. Em cũng đừng buồn vì sẽ phải phân ly. Nguồn vui lớn nhất là vợ chồng ta đã được sum họp, được có nhau lúc cuối đời. Em hãy vui lên, đừng bi lụy như thế! Phi Yến, có nghe ta nói không! Đừng để ta ra đi mà không được yên lòng!
Phu nhân cúi hôn lên trán chồng :
- Tâm lang, thiếp vẫn là bên chàng mãi mãi... Thiếp không buồn, không khóc nữa đâu!
Chu Cẩm Đoàn vẫn quanh quẩn bên giường Đoàn hoàng gia từ hôm trở về. Đối với Đoàn lão, họ Chu vẫn giữ trọn lễ của một tôi thần như trước một Hoàng đế còn tại vị. Hôm nay, Đoàn đại hiệp dường rất tỉnh táo. Ông cho gọi mọi người đến bên giường. Phu nhân vực ông ngồi dậy, dựa lưng vào đống chăn gối bên thành giường, bà ngồi cạnh đỡ lấy bả vai gầy gò của chồng; Uyên Thanh và Hoài Nam quỳ dưới chân mẹ. Nguyên Huân vòng tay đứng sau lưng Uyển Thanh, họ Chu và Dư lão tứ đứng lặng lẽ cuối chân giường. Hôm ấy là ngày 24 tháng giêng năm Ất Tỵ.
Đoàn lão bắt mở tung các cánh cửa. Ngoài trời mưa bụi. Ông đưa đôi mắt bình thản nhìn cảnh vật bên ngoài, một lát sau cất tiếng, giọng rõ ràng :
- Hiền thê, hiền thê còn nhớ không, ngày ta gặp gỡ hiền thê cũng vào một ngày xuân mưa bụi thế này. Một năm sau, cũng vào tiết xuân, núi rừng nở rộ hoa đào, Tam ca đã đứng ra lo liệu cho chúng ta trở thành chồng vợ. Ngày ấy, hiền thê vừa hai mươi tuổi, còn ta, hơn hiền thê những hai mươi lăm tuổi Hiền thê không chê ta già và xấu, đối với ta một dạ kính yêu. Vợ chồng ta có được với nhau năm năm hạnh phúc thì chia lìa.
Trong suốt hai mươi năm, ta thương nhớ hiền thê, những tưởng không bao giờ còn gặp lại, thế mà trời còn thương ta, cho ta có được nàng những ngày cuối đời, thế cũng là đã đủ, chỉ hiềm một nỗi là để nàng lẻ loi nơi dương trần. Các con rồi chúng cũng theo chồng theo luật trời đất, chỉ tội nghiệp nàng...
Ông dừng lại, điều hòa hơi thở, nói tiếp :
- Còn riêng ta, chẳng ngại gì cái chết, chỉ đau buồn là bao hoài bảo đã tiêu tan. Đã năm đời nay, tổ tiên ta mong có một ngày dựng lại tổ quốc, vậy mà cho đến đời ta, ta cũng chẳng làm được điều gì, cố quốc chỉ còn là trong tâm tưởng! Thế mới biết mệnh trời chẳng thể đoạt được!
Khi ta mất rồi, Tiêu lão nhị có về đây, nói cùng lão, ta chẳng còn biết cách nào để đền ơn tri ngộ, và mệnh trời đã như thế, có cưỡng lại cũng chỉ lao tâm khổ trí, vô ích mà thôi! Ta gởi lời chào đến những người anh em của ta, chẳng bao lâu nữa, Bát đại gia sẽ cùng sum họp... Sống gửi, thác về có gì đâu mà phiền não! Vậy hiền thê, các con, và hai vị huynh đệ của ta chớ than khóc làm chi, đừng nghi lễ rườm rà, hãy đưa ta đến nơi triền ngọn Liên Sơn, ngay bờ dốc xoải có cây tùng lớn nhất ấy. Hãy để mắt ta được nhìn về hướng Tây bắc, để hồn ta bay về cố hương. Đừng bia đá tên đề, chỉ cần một chữ Đoàn giản dị. Ta sống đã một đời vô dụng, cũng xin được chết âm thầm... Các người khóc than ta, chính là đã muốn quên ta đó!
Nhìn qua Nguyên Huân, ông tiếp :
- Nguyên Huân! Ta coi con như con đẻ, yêu thương con hơn ta yêu bản thân mình, nay ta xin con, vì tình sâu ấy, mà săn sóc, phụng dưỡng mẹ của con. Chính hiền thê ta đã xâm hình hổ phù lên ngực con ngày con vừa lên bốn, ngày nay con đã khôn lớn, đã mang được một thân võ công tuyệt học, hãy lấy đức độ và bao dung làm đầu, lấy lòng thành mà đãi người, lấy nhân nghĩa thủy chung làm gốc, ta nói ít con hiểu nhiều!
Ông lại dừng, nhìn Uyển Thanh, lúc lâu tiếp :
- Uyển Thanh con, ta biết rõ Nguyên Huân, con đừng vì lẽ tàn phế mà đau buồn; chiến tích trên người con chính là niềm vinh dự. Sau khi ta mất sẽ trở ngại cho các con, nên ta muốn hai con làm lễ thành hôn, có sự chứng giám đầy đủ mọi người trong gia đình, và chỉ lạy tổ tiên là đủ. Các con hãy đứng lên, lạy nhau cho đủ ba lạy, để nên vợ nên chồng...
Nguyên Huân nghe lời, chàng đỡ Uyển Thanh dậy, mắt Uyển Thanh nhòa lệ. Đoàn lão nói :
- Ta biết con buồn, ai chẳng muốn làm cô dâu trong ngày cưới nhưng con ạ, hạnh phúc chính ở lòng các con, chứ chẳng phải bằng những nghi lễ long trọng? Nghi lễ trang trọng nhất là các con yêu thương tôn kính nhau. Uyển Thanh, nếu con còn khóc, ta chết không nhắm mắt được!
Cả hai vâng lời cha già, hướng vào nhau lạy đủ ba lạy, xong hướng về Đoàn phụ mẫu toan quỳ xuống. Đoàn lão giơ tay ngăn :
- Khoan đã! Dư lão đệ, lấy giùm ta ba nén nhang mang lại đây!
Ba nén hương phảng phất khói thơm trong hai bàn tay run run chấp lại, Đoàn lão nhắm mắt :
- Tam ca và tẩu tẩu, tiểu đệ tin rằng hương linh Đại ca và Tẩu tẩu cùng Ngũ ca, Thất, Bát đệ đang quanh quẩn nơi đây, chứng kiến giờ phút tiểu đệ thay mặt, tác thành cho đôi trẻ theo như lời giao ước năm xưa. Xin hãy chứng giám và độ trì cho con cháu...!
Uyển Thanh và Nguyên Huân đỡ lấy nén hương từ tay ông, lạy tám lạy rồi bước đến bàn thờ, sóng đôi làm đại lễ ra mắt tổ tiên, cắm nhang vào lư hương, xong quay trở lại giường ông. Đoàn lão nói :
- Hoài Nam, sao con không đứng lên mừng cho anh chị con!
Hoài Nam như người đang phiêu linh, nghe cha nói, giật mình. Nàng đi đến trước Nguyên Huân và chị gái, cố lấy giọng vui mừng nói :
- Em chúc mừng, em cầu mong cho anh chị bách niên giai lão!
Nàng không giấu nổi đôi bàn tay run rẩy, Nguyên Huân liếc thấy chàng xót thương Hoài Nam vô bờ. Chàng biết làm sao, biết nói thế nào với người chàng yêu dấu??
Tiếng nói của Đoàn lão vẫn đều đều :
- Hoài Nam, con yêu quý của cha, cha con ta sum họp chẳng bao lâu thì lại phân lìa... đừng khóc con... Hãy can đảm lên con, trong mọi hoàn cảnh, cha nhắm mắt mới yên lòng được. Tình cha con tuy thời gian chẳng được là bao, nhưng cha tin tình phụ tử trong con sâu đậm như tình con thương mẹ!
Ông nắm chặt bàn tay Hoài Nam, và quay xuống nhìn hai người đàn ông đứng ở cuối giường. Hai người hiểu ý bước đến gần. Đoàn lão nói :
- Nhị vị hiền đệ, từ trước đến nay, ta vẫn coi hai hiền đệ như ruột thịt; hai em đã vì ta mà bỏ lỡ cả cuộc đời, vì ta mà chịu bao nhiêu gian nan vất vả. Ta chỉ còn tấm lòng này để tạ ơn tri kỷ. Ta mất rồi, hai hiền đệ có muốn trở về cố thổ, hay thế nào thì ta cũng chẳng dám có ý kiến, tùy ở hai hiền đệ mà thôi. Con chim trước khi chết cất tiếng thiết tha, hai hiền đệ hiểu lòng ta là đủ!
Hai người quỳ phục xuống đất. Chu Cẩm Đoan lên tiếng :
- Chúa công ơi, tổ tiên nhà thần đời đời giữ nghĩa thủy chung, tỏ trọn lòng trung liệt; nay Chúa công bỏ mà ra đi, cho thần được cùng theo hầu hạ Chúa công...
Đoàn lão cảm động nói :
- Quý thay! Tấm lòng của bốn dòng họ trong Ngư, Tiều, Canh, Mục. Chu lão độc ơi, không cần phải thế! Vợ con ta còn đây, ta trông nhờ vào sự quan tâm của nhị vị hiền đệ. Chu hiền đệ; hiền đệ còn trẻ, nên nghe lời cuối của ta, sau khi ta chết, ta muốn ngày thứ chín, hiền đệ hãy đón Bạc Thúy Miên về làm vợ; và hai vợ chồng, cùng Dư lão đệ ở cùng lại đây, cùng với vợ con ta đùm bọc lấy nhau... Hiền thê ạ, nàng nghe rồi đó, hãy vì ta mà lo việc này!
Nguyên Huân xin phép lui ra, một lúc trở vào, chàng lấy ra một viên hồng ngọc cực đẹp có sợi dây vàng, viên bảo ngọc của Nghĩa mẫu tặng chàng ngày ở Tuyệt Tình đàm, choàng vào cổ vợ. Uyển Thanh nghe trong lòng an ủi, khẽ nói :
- Phu quân, thiếp cảm nhận ơn phu quân đã ban cho thiếp!
Chàng bóp chặt bàn tay còn lại của nàng, rồi đi lại trước Chu Cẩm Đoan cúi đầu nói :
- Chu thúc phụ, trong túi này có mười viên hồng ngọc, tiểu điệt xin Thúc phụ thu dụng để làm sính lễ!
Đoàn lão cả vui nói :
- Chu Cẩm Đoan, hãy cầm lấy. Nhân danh ta, ban cho hiền đệ!
Ông nhìn Dư Tứ :
- Dư lão đệ, ta với em, trên ba mươi năm nay không rời nhau một bước, bây giờ sắp phải xa nhau nhưng chúng ta rồi sẽ gặp lại... Một trong những người ta thương yêu nhất là Dư đệ xin vì ta mà quan tâm đến gia đình ta, các con ta!
Dư Tứ khóc nói :
- Lão nhân gia ơi! Dư Tứ này chỉ có một tấm lòng thiết tha vì chủ, ba mươi sáu năm nay đã gởi nó ở nơi này, lấy lại làm sao được! Chẳng lẽ Lão nhân gia không còn tin Dư Tú này nữa hay sao?!
- Không đâu, ta không tin ở tấm tình Dư đệ thì còn biết tin vào ai?!
Nói xong ông nhắm mắt, phu nhân đỡ ông nằm xuống. Đến cuối giờ Tuất, ông mở mắt, không nói gì, lần lượt nhìn phu nhân, các con và hai người tâm phúc, lại nhìn rất lâu vào đôi mắt người vợ yêu dấu, mỉm cười, và qua đời.
Đám tang của Đoàn đại hiệp diễn ra rất âm thầm và giản dị, không một tiếng khóc; lời trối trăng của ông được tuân thủ trọn vẹn... Một tảng đá hình chóp, cao hơn đầu người được Nguyên Huân chuyển đến để làm bia mộ, chỉ không theo lời yêu cầu của ông, người một đời ôm niềm đau không thực hiện nổi đại sự phục hồi cố quốc, chàng khắc trên đó hàng chữ: “Bát đại danh gia - Đoàn lục hiệp Hoàng tôn Đệ ngũ đại - Đại Lý Đoàn Triều Chi Linh mộ”, phía trên hàng chữ, Nguyên Huân vận Tiên Thiên công ấn mảnh ngọc Nguyệt Kiếm tín phù, huy hiệu của Bát đại gia lún sâu vào đá. Vâng theo lời Đoàn lục gia, không một ai kể cả phu nhân được túc trực bên mộ theo tập tục đương đại.
Ngày tháng trôi qua, những mầm cỏ non đã nhú lên phủ xanh ngôi mộ. Đoàn phu nhân gương mặt bình thản, bà tiến hành việc cưới vợ cho Chu Cẩm Đoan; mọi người trong gia đình gượng làm vui, đón Bạc Thụy Miên về. Đó là một nữ lang thuộc dòng dõi quý tộc, xinh đẹp và hiền hậu; tuy bề ngoài, đôi vợ chồng họ Chu theo tình chị em mà xưng hô với Đoàn phu nhân như bà bắt buộc, nhưng bên trong họ vẫn giữ đúng lễ Chúa Tôi, cả với vợ chồng Nguyên Huân và Hoài Nam.
Nguyên Huân và Chu Cẩm Đoan bắt tay xây dựng thêm mấy ngôi nhà, lấy đá xây tường, bao bọc thành một dinh cơ.
Hoài Nam sống âm thầm như chiếc bóng quẩn quanh bên mẹ. Nàng cố tránh mặt Nguyên Huân trừ những bữa cơm trong gia đình. Nguyên Huân cũng giữ lễ trên, dưới của một gia đình; chàng cư xử với Hoài Nam như một người em gái, ân cần, trìu mến, với một nét mặt bình yên...
Uyển Thanh, từ ngày cha mất, xin với chồng cho nàng được cư tang để trọn đạo hiếu, nàng ngủ chung phòng với em gái, Nguyên Huân càng kính trọng nàng, chàng nào hiểu được tâm sự, những suy nghĩ day dứt của Uyển Thanh...
Hoài Nam nghe lời Nguyên Huân, dần dà nàng chịu tập luyện võ nghệ. Nguyên Huân cũng ra công chỉ dạy thêm võ công cho Chu Cẩm Đoan. Và Đoàn phu nhân, bà trao phó mọi việc trong nhà cho vợ chồng họ Chu điều động, quán xuyến. Thụy Miên thấy Hoài Nam có ý thích làm bếp, nàng chỉ dạy cho cô thiếu nữ nấu thành thục những món ăn của dân tộc. Hoài Nam dò ý Nguyên Huân, nàng làm những món hợp khẩu cho chàng: canh cua rau đay và cà pháo. Và những lần thấy Nguyên Huân ngon miệng, Hoài Nam không giấu nỗi vui mừng, đôi mắt nàng long lanh trên gò má còn hồng ánh lửa; nhưng nàng không biết rằng, những lúc ấy, Đoàn phu nhân càng thương xót con âm thầm. Bà biết tình yêu của Hoài Nam dù là vô vọng, nhưng nó không trở nên là bóng tối, là nỗi đau nhưng không héo úa, tàn rủ tâm hồn nàng, nhưng là nỗi ngậm ngùi khôn khuây!
Uyển Thanh càng ngày càng yêu quý người em gái xinh đẹp. Tính tình Hoài Nam đôn hậu, dịu dàng. Uyển Thanh hoàn toàn tìm được nguồn vui sống... Uyển Thanh được an ủi rất nhiều bởi những chăm sóc, thương yêu của Nguyên Huân, chàng không buồn phiền gì về nàng bởi lời yêu cầu cho nàng được cư tang hiếu đạo ba năm.
Tuy con mắt trái của nàng không còn nhìn thấy, do sự chấn thương ở huyệt Ngự Yêu, nhìn qua khó ai biết được, nhưng còn nỗi đau buồn khác nàng giữ kín trong lòng không tỏ lộ cùng ai, cả với người mẹ hiền. Đó là huyệt Thận Du của nàng bị trọng thương rất nặng, tuy đã được Đại sư bá Hoạt Phật dốc tâm, dốc lực cứu chữa, và ông cũng không giấu nàng :
- “Con ạ, tuy tính mạng con không có gì nguy hiểm nữa, nhưng ta phải nói thật rằng con không còn có khả năng làm mẹ được nữa...”
Đó là nỗi buồn lớn nhất của nàng! Và Nguyên Huân, hậu duệ cuối cùng của Hưng Đạo đại vương, chàng sẽ lâm vào trọng tội “Vô hậu vi đại”. Điều ấy đã day dứt nàng suốt từ ngày nàng bình phục, và cho đến bây giờ. “Vô hậu vi đại” là tội lớn nhất đối với nhà chồng trong “Thất xuất”. Nàng yêu chồng, tình yêu ấy đã trải qua chín năm, từ ngày nàng mười lăm tuổi. Tình yêu ấy theo thời gian chẳng hề phôi pha. Giờ đã nên vợ nên chồng, nàng cũng chưa dám nói ra điều ấy cùng Nguyên Huân; ngày, tháng đi qua, nỗi đau đớn lại càng ray rứt dằn vặt tâm hồn Uyển Thanh, nước mắt theo niềm đau câm nín chảy ngược vào lòng...
Đoàn phu nhân ngày càng trở nên trầm lặng, cứ mỗi sáng, chiều, bà lên thăm mộ chồng một cách đều đặn. Tuy chỉ mới hai tháng từ ngày phu quân bà qua đời, mái tóc của Phu nhân đã bạc trắng như tuyết. Những nếp nhăn trên trán, vết chân chim nơi khóe mắt đã xuất hiện, và nỗi buồn lắng đọng trong đôi mắt héo hon, khiến bà như già đi hàng chục tuổi. Bộ quần áo xô gai làm tăng thêm dáng vẻ tiều tụy. Đâu rồi “Tây Bắc đệ nhất mỹ nhân” thuở nào!
Đời như lá, thoắt xanh rồi thoắt úa,
Ta như rêu mọc giữa lôi đi này
Cơn gió nổi một đêm nào nghiệt ngã
Sớm mai đây còn lại chút hưng phai...
Và những đêm khuya, những canh khuya u tịch quặn thắt lòng bà: “Bao nhiêu năm gom lại một canh khuya!” Cái mặc cảm có lỗi với chồng dầy vò bà khôn dứt... Bà đã có một khoảng thời gian lãng quên ông mà sống với kẻ thù của chồng, hơn thế nữa, kẻ thù của nhân dân Đại Việt. Những cơn ác mộng hành hạ bà từng đêm!
Vậy mà ông, Đoàn lang của bà, suốt hai mươi năm chịu đựng căn bệnh trầm kha do kẻ thù gây ra, trong khi bà chung sống với y; với thời gian đăng đẳng ấy, ông đã thương nhớ bà không phút giây khuây lãng. Những câu chuyện Uyển Thanh vô tình kể lại, càng làm cho bà thêm kính yêu chồng, càng làm cho bà thêm đớn đau chất ngất... Ông đã không khép tội bà, ông nhận cái phần lỗi ấy về ông. Có người đàn ông nào không đau đớn, khi biết người yêu của mình đã từng ở trong vòng tay kẻ khác; càng xót xa hơn khi biết được người vợ yêu dấu một đời, lại bị kẻ thù của chính mình ôm ấp! Chỉ trừ ông, Đoàn lang của bà, ông đã yêu bà bằng một tình yêu tự xóa, một tình yêu quên lãng bản thân mình... Ông độ lượng với bà như trời biển.
Những buổi chiều, ngồi nhặt cỏ úa trên mộ chồng, bà nói cùng ông, bà thì thầm cùng người dưới mộ những mặc cảm tôi lỗi giằng xé lòng bà. Những lần bà mãi mê than thở cùng ông, bà quên lãng cả thời gian, khiến Nguyên Huân và Uyển Thanh phải đi rước bà về. Có những đêm thao thức không ngủ, bà lại tìm lên mộ, ngồi đó với ông dưới bầu trời khuya long lanh những vì sao hiu quạnh, trong cái mênh mông yên tĩnh, lòng thấy dịu đi... Tiếng gió ngàn rì rào trên sườn non, tiếng ếch nhái dưới cỏ ướt, tiếng mơ hồ của đêm khuya có điều gì làm cho bà được thanh tĩnh, bình yên, hay chính ông, linh hồn đau thương ấy đã về quanh quẩn bên bà! “Đoàn lang, sao không về cùng thiếp, sao không nói với thiếp một lời, mà im lìm đến vậy...”
Nỗi ao ước được gặp lại ông khiến bà đã bao lần muốn đi theo ông. Nhưng còn Hoài Nam tội nghiệp của bà! Nàng rời bỏ chốn trang đài gác tía, theo mẹ về quê cha, chịu làm thân một sơn nữ giữa núi rừng hiu quạnh, với nỗi đau thầm kín xót xa của một cuộc tình không lối thoát và với một Uyển Thanh tàn tật thiếu tình mẫu tử bao năm. Bà không thể để các con ở lại trong lẻ loi, mất cha rồi mất mẹ. Không, bà phải sống, phải xua tan ý nghĩ thiết tha muốn theo ông; bà thương xót các con, khấn hương hồn ông thấu hiểu cùng bà. Nhưng thời gian cứ bỏ đi, rũ theo sức khỏe của bà. Ôi, nỗi tàn phai nào chẳng có!
Bà sống với hình ảnh một người chồng choáng ngợp tâm linh bà từng khắc một, và Uyển Thanh con bà, ấm áp với nghĩa vợ chồng, được thương yêu, được an ủi, vỗ về. Chỉ còn một Hoài Nam, nàng chỉ có mình bà làm nơi nương tựa. Còn ai đáng chọn mặt để gởi vàng?! Nhiều lúc, bà có ý nghĩ cho Hoài Nam và Uyển Thanh thờ chung một chồng, nhưng tính tình của Nguyên Huân bà hiểu, con người ấy, tâm hồn ấy, làm sao bà có thể nói ra!
Từ sau khi trở về, Nguyên Huân chăm chút, ân cần với Uyển Thanh, chàng biết chàng không thể không hy sinh mối tình của mình, chàng là lẽ sống của người vợ thương tật. Vả chăng, Đoàn phu nhân biết rằng, dù ý bà có muốn như thế, Nguyên Huân có bao giờ lại nhận cái ân huệ lớn lao dường ấy...
Thấm thoát đã trăm ngày mất của Đoàn lão, Phu nhân sắm sanh lễ vật hương hoa cùng mâm rượu lên tế mộ chồng. Trời đã vào hạ, mầu nắng vàng chảy êm bên triền núi xanh, trên bãi cỏ mướt dưới gốc những cây phượng già đã bắt đầu nở bung sắc thắm những chùm hoa rực rỡ, mây trắng trôi dịu dàng trong bầu không gian thanh nhẹ. Ông nằm đây đã ba tháng mười ngày, nhưng với bà như đã hàng thế kỷ.
Dư, Chu nhị vị và các con bà đã hành lễ xong, đứng im lặng kính cẩn sau lưng bà. Đoàn phu nhân tỏ ý muốn ở lại một mình, tất cả dường ái ngại nhưng vẫn tuân lời bà ra về. Bà một mình ngồi với ông cho đến sáng hôm sau. Sau đêm ấy bà ngã bệnh, và từ đó trở đi, sức khỏe bà suy sụp. Nhưng ý chí phải sống vì các con đã giúp bà vượt qua cái chết dịu dàng chờ đợi bà, cưỡng lại sự mời gọi của cõi chết mà bà hằng khát khao, mong ước.
Một hôm, bà nhẹ nhàng trách cứ Uyển Thanh :
- Cha con là người giang hồ phóng khoáng, sở dĩ muốn hai con thành thân trước, cũng là để khỏi phải cư tang chờ đợi ba năm; nếu bây giờ con giữ hiếu đạo ấy, chẳng phải là đã làm ngược lại ý của cha con hay sao?
Uyển Thanh nức nở khóc, bà gạn hỏi, một lúc sau nàng mới thổ lộ điều uẩn khúc dày vò nàng. Suốt đêm ấy, Phu nhân suy nghĩ miên man và buồn phiền vô hạn. Cuối cùng, bà gọi riêng Uyển Thanh vào phòng, không ngần ngại, bà nói cho con gái biết về tình yêu thầm lặng mà sâu đậm của Hoài Nam, kể từ khi em gái nàng cứu thoát Nguyên Huân giữa trùng vây nguy khốn của kẻ thù. Uyển Thanh ngồi lặng, xót thương em gái, và nàng tán thành ngay ý định của mẹ. Hoài Nam sẽ cùng nàng săn sóc Nguyên Huân, cùng nàng chia xẻ nỗi lo âu trĩu nặng tâm trí. Hoài Nam sẽ thay nàng gánh trách nhiệm nối dõi dòng họ Trần. Phu nhân vẫn lo lắng :
- Mẹ chỉ e rằng Nguyên Huân nó chẳng chịu!
- Mẹ, cứ để mặc con!
Đêm ấy, Uyển Thanh sang cùng Nguyên Huân. Nàng nhu thuận trong vòng tay chồng như bao nhiêu người vợ tròn nghĩa gối chăn. Nguyên Huân nâng niu tấm thân tàn phế của vợ và hôn lên khuôn mặt nàng. Dưới bóng trăng dịu dàng chiếu qua khung cửa nhỏ, đôi mắt Uyển Thanh long lanh giọt lệ, Nguyên Huân ngỡ rằng vì niềm hạnh phúc dâng đầy, nhưng Uyển Thanh lại nức nở tiếng khóc. Thấy vợ có điều khác lạ Nguyên Huân ôm vợ xoa tấm lưng trần dỗ dành gạn hỏi, Uyển Thanh giấu mặt vào ngực chồng kể nỗi niềm riêng nàng mang nặng, cùng lời nàng yêu cầu mong chàng chấp thuận.
Nguyên Huân ngồi lặng, chàng đau đớn, nhưng chàng cũng thấy thương Uyển Thanh khôn xiết; cuối cùng chàng mỉm cười, tay xoa nhẹ trên bờ vai thon của vợ, vuốt cánh tay trần lành lặn của nàng, dịu dàng nói :
- Mình ạ! Đó là điều đáng buồn thật, nhưng cũng chẳng đáng để cho mình ray rút như thế. Ta nhất định không thể phụ mình, cho dù là mình vui vì điều mình muốn. Không, ta vĩnh viễn coi Hoài Nam là em gái của ta, nếu mình còn nói nữa, ta giận đấy. Ý ta đã quyết, xin mình đừng nói nhiều!
Nói xong, Nguyên Huân bịt miệng nàng bằng một chiếc hôn. Uyển Thanh nồng nàn hạnh phúc trong vòng tay chồng.