*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Hội hoa xuân của Bình Dương Hầu phủ, Tống gia hằng năm cũng có tham gia. Năm trước, chính là Tống Ngọc Thiền một lần biểu diễn đã đoạt được hoa khôi của hội hoa xuân. Nàng đàn đàn tranh vô cùng hay, bất luận là châu lạc ngọc bàn, hay là cao sơn lưu thủy, vui vẻ, hay cao nhã, thì nàng đều có thể khảy thành thạo. Nữ tiên sinh tại gia của Tống Ngọc Thiền vốn là một vũ cơ từ trong cung, am hiểu nhất chính là đàn tranh. Mỗi cô nương Tống gia đều có một sở trường riêng, Tống Ngọc Thiền là đàn tranh, Tống Ngọc Hàn là tỳ bà, Tống Ngọc Mộng là đàn không hầu [1], nàng ấy có một cây đàn Phượng Thủ Không Hầu [2] do hoàng hậu ban thưởng khi hiến nghệ tại tiệc cuối năm của hoàng gia. Ngay cả Tống Ngọc Chiêu nhỏ tuổi nhất cũng khảy đàn nguyệt rất êm tai.
[1] Đàn không hầu: hay còn gọi là đàn hạc (hạc cầm)
[2] Phượng Thủ Không Hầu: một loại đàn không hầu
Năm nay hiển nhiên Tống gia cũng được mời, nhưng khác với mọi năm là có thêm Tống Ngọc Tịch.
Mấy người tỷ muội tụ tập tại noãn các trong Hương La Uyển của Tống Ngọc Thiền, nơi này có một khu luyện tập vũ đạo rộng lớn, cho dù mấy cô nương có tụ lại cùng một chỗ thì cũng không cảm thấy chật chội, dưới sàn là đốt địa long, mùa đông cũng giống như mùa xuân ôn hòa ấm áp.
"Đoán chừng năm nay vẫn là đại tỷ đứng thứ nhất, đàn tranh của đại tỷ đã đạt đến mức xuất thần nhập hóa, thậm chí ngay cả tiếng tỳ bà của muội cũng không mượt mà véo von bằng tiếng đàn của tỷ. Thất muội muội là lần đầu tiên tham gia, nhưng cũng không cần cảm thấy sợ hãi, chúng ta đi chỉ là góp chút náo nhiệt mà thôi."
Tống Ngọc Tịch dạo qua rất nhiều nhạc cụ, Tống Ngọc Mộng sai người khiêng cây đàn Phượng Thủ Không Hầu của nàng từ bên ngoài vào. Tất cả mọi người đều tiến lên nhìn, Tống Ngọc Tịch cũng tấm tắc khen, rốt cuộc vẫn là đồ vật thưởng từ trong cung, kim quang lóng lánh nhưng nhìn rất đẹp mắt.
Tống Ngọc Mộng rất tự nhiên, sau khi ngồi xuống liền gảy cho mọi người một khúc đàn. Đàn Không Hầu là nhạc khí từ ngoại bang truyền đến, không phổ biến ở Trung Nguyên, âm thanh trầm thấp, âm rung khuếch tán rộng, nên vô cùng khó khống chế, quan trọng là chú ý lực ngón tay, nếu không âm thanh rất dễ bị khuếch tán không ngưng tụ.
Theo như Tống Ngọc Tịch nghe qua, thì tài nghệ đánh đàn Không Hầu của Tống Ngọc Mộng cũng không tính là quá tài giỏi, mới dừng lại ở mức dễ nghe, nhưng chưa chạm đến mức âm thanh sâu lắng cộng hưởng, nghe xong liền sẽ quên chứ chưa để lại dư vị ba ngày vẫn vấn vít bên tai.
Các cô nương đều rất cao hứng. Sau khi Tống Ngọc Mộng kết thúc khúc đàn của mình, cả đám đều muốn thử nhạc khí ngự tứ này. Tống Ngọc Mộng cũng không hẹp hòi, rời khỏi chỗ ngồi để mấy tỷ muội chơi thử. Thế nhưng nhạc khí này nếu như không phải luyện tập lâu ngày thì khi gảy nhiều nhất cũng chỉ ra được mấy âm tiết dễ nghe mà không có kết cấu, bởi vậy mọi người chỉ sờ hai cái cho đỡ ghiền rồi thôi.
Tống Ngọc Tịch sau khi ngồi xuống, sửa soạn đúng tư thế, cố gắng nhớ lại một đoạn nhạc rồi bắt đầu gảy đàn.
Mẹ đẻ của Lý Trạm là người Hồ, đàn Không Hầu này kỳ thật chính là nhạc khí của ngoại bang. Mặc dù Tống Ngọc Tịch không được Lý Trạm ưa thích, nhưng mẹ đẻ của hắn ngược lại đối xử với nàng cũng khá tốt, ngày thường vào những lúc rỗi rảnh, thường dạy cho nàng ít nhạc khí. Mẫu thân của hắn cũng có một cây đàn Không Hầu mười bốn dây. Tống Ngọc Tịch chính là vào lúc đó đã được tiếp xúc với loại đàn này.
Một chút thử đàn ngắn ngủi, nhưng cũng đã hấp dẫn ánh mắt của các tỷ muội khác. Tống Ngọc Mộng giật mình nói: "Thất muội muội cũng biết chơi đàn Không Hầu à?"
Tống Ngọc Tịch cười nói: "Nhị tỷ tỷ của Kỷ gia đánh đàn Không Hầu khá hay, ta ngẫu nhiên có nghe qua. Về sau, sau khi thành môn hạ của Lưu lão tiên sinh thì đã hỏi ông ấy một chút. Nhưng cũng chỉ biết đúng hai đoạn, nhiều hơn thì không."
Trong nhất thời nàng quên mất việc này, nên Tống Ngọc Tịch tạm lấy Lưu tam lang làm cái cớ, nếu không thì thật đúng là không có cách nào giải thích tại sao nàng lại biết đến đàn Không Hầu, loại nhạc khí cao sang thanh nhã này.
Nghe xong lời của nàng, các cô nương Tống gia mới hiểu ra, Tống Ngọc Mộng vô tư nói: "Thất muội muội thật có thiên phú, nếu như bắt đầu luyện tập thì đợi đến thời điểm cuối năm hiến nghệ ngự tiền thì muội chắc chắn sẽ nhận được ban thưởng đàn Không Hầu."
Tống Ngọc Tịch chỉ cười cười, mà không nói gì. Tống Ngọc Thiền nói: "Muội cho rằng vì muội gảy đàn tốt nên Hoàng hậu nương nương ban thưởng cho muội đàn Không Hầu sao? Đây là cấp cho Tống gia thể diện. Cho dù Thất muội muội lại tiếp tục đánh đàn Không Hầu thì cũng không thể đạt được ban thưởng đàn Phượng Thủ Không Hầu lần nữa. Hoàng hậu nương nương cũng không phải mở bán cửa hàng đàn không hầu. Đây là đồ tiến cống từ miền Nam, chỉ có một hai cây mà thôi, cho muội một cây cũng là ban thưởng hậu hĩnh rồi."
Tống Ngọc Mộng giờ mới vỡ lẽ, cười hối lỗi với Tống Ngọc Tịch. Tống Ngọc Thiền lại nhìn về phía Tống Ngọc Tịch, nói: "Thất muội muội có nhạc khí gì không? Năm nay, muội vừa trở về, khẳng định cũng sẽ phải lên sân khấu. Ta nghe Ninh tỷ nhi nói, muội gảy cổ cầm khá tốt, nếu không năm nay muội liền biểu diễn cổ cầm đi, nghe nàng ấy nói muội được Lưu tiên sinh tặng cho một cây đàn cổ, đúng không?"
Tống Ngọc Tịch gật đầu nói: "Vâng, Lưu lão tiên sinh đúng thật là có tặng cho muội một cây đàn cổ. Thế nhưng, Nhị tỷ tỷ ở Kỷ gia không biết rằng, thật ra muội không quá yêu thích đánh cổ cầm. Cổ cầm là nương của muội thích, nhưng muội luôn cảm thấy quá buồn, muội yêu thích những gì vui vẻ như sáo và hồ cầm hơn."
Tống Ngọc Hàn bưng miệng cười: "Muội cứ thích khác người! Tất cả tiểu thư gia đều tranh nhau yêu thích các loại nhạc khí cao sang tao nhã, nhưng muội lại thích những thứ phố phường."
Tống Ngọc Tịch không cam lòng yếu thế đáp lời: "Còn không phải là học tỷ sao, không phải tỷ thích thổi sáo sao?"
Trong noãn các, mọi người thoải mái cười đùa, ngươi nói móc ta một câu, ta lại chê cười người một câu, không khí vô cùng hòa thuận vui vẻ. Tống Ngọc Tịch sau khi biểu diễn tất cả nhạc khí nàng biết thì cuối cùng quyết định không đi con đường cao sang nhã nhặn mà lựa chọn cùng Tống Ngọc Hàn tận hưởng gió mát của phố phường, nàng ấy thổi sáo, còn Tống Ngọc Tịch kéo hồ cầm!
Nói đến chuyện kéo hồ cầm này, Tống Ngọc Tịch vẫn rất là thích thú. Bởi vì nàng nán lại Bắc Tĩnh nhiều năm, ở phủ Diệp Tu có một cặp vợ chồng nhạc công, bọn họ dưỡng lão ở trong phủ. Nàng cùng Tố Nhiễm, vị nữ bác dạy nàng đánh cờ, chỉ cần rảnh rỗi mà không đánh cờ thì hai người sẽ đi chỗ ở của cặp vợ chồng này nghe họ kéo hồ cầm. Sự thê lương của biên quan, tĩnh mịch của tuổi già, tất cả đều được thể hiện trong âm điệu tiêu điều của hồ cầm. Nếu không có kinh qua, thì sẽ không nghe ra đau thương ẩn trong tiếng đàn của hồ cầm, đây chính là lý giải của Tống Ngọc Tịch đối với hồ cầm.
Tống Ngọc Thiền mấy người các nàng không biết hồ cầm có ý nghĩa như thế nào đối với Tống Ngọc Tịch, nhưng tất cả đều ủng hộ lựa chọn của nàng, dù sao Tống gia cũng không nhất định phải đoạt được thứ hạng, mà quan trọng là tham gia mở mang kiến thức, mọi người cùng nhau náo nhiệt vui vẻ mới là mấu chốt, đánh cái gì, thổi cái gì, kéo cái gì, thực sự là không quan trọng.
- --
Hai mươi lăm tháng ba, năm cô nương Tống gia được Kỷ Uyển Ninh mời đi Bình Dương Hầu phủ, dự định ngủ lại một đêm.
Bình Dương Hầu phủ là nhà cậu của Tống Ngọc Thiền, sau khi các nàng đến, dự định đi bái kiến phu nhân Bình Dương Hầu Diêm thị. Diêm thị là đích trưởng nữ của Tương Dương Hầu phủ, lúc gả cho Kỷ Sóc, Kỷ Sóc vẫn chưa là thế tử, nên theo lúc ấy mà nói thì coi như là gả thấp. Thế nhưng về sau Kỷ Châu mất, Kỷ Sóc ngoài ý muốn kế thừa tước vị, thì cũng coi như là môn đăng hộ đối nhân duyên hài lòng.
Diêm thị chừng ba mươi tuổi, bảo dưỡng cũng không quá là tốt. Khuôn mặt của Kỷ Uyển Ninh có chút giống bà ta, nhưng ngũ quan thì giống Kỷ Sóc nhiều hơn. Sắc mặt của Diêm thị có hơi vàng, tròng mắt luôn ươn ướt, nói chuyện nhỏ nhẹ, thần thái ôn hòa, thỉnh thoảng dùng khăn tay chấm khóe mắt, nhưng mặc dù là vậy thì sự kiêu ngạo giữa hai hàng lông mày vẫn không thể che giấu. Theo như Tống Ngọc Tịch được biết thì vị phu nhân này lúc còn trẻ tuổi cũng không ít lần giằng co với Trữ thị, Kỷ gia lão thái quân. Bởi vì khi đó Kỷ Sóc còn chưa là thế tử, nhà mẹ đẻ Diêm thị lại lợi hại nên ở Kỷ gia Diêm thị luôn áp chế hắn một cái đầu, thậm chí cũng không đặc biệt tôn kính với Trữ thị. Nhưng Trữ thị cũng không phải người dễ bị khi dễ, bà ta đầu tiên là án binh bất động, đợi đến lúc sau khi Diêm thị hạ sinh Kỷ Uyển Ninh ở kinh thành thì bà ta trực tiếp phái người ôm Kỷ Uyển Ninh đến chỗ bà ta, lấy mỹ danh là muốn tự mình giáo dưỡng tôn trưởng nữ là đích tiểu thư, nhưng kỳ thật đây là một chiêu để đánh trả sự ngạo mạn của Diêm thị. Lúc ấy, Diêm thị vừa sinh hài tử, vẫn còn trong tháng, nhưng vì quá thương nhớ con gái, nên ngày đêm thút thít nỉ non, dẫn đến việc mắc bệnh chảy nước mắt khi gặp gió, nên bình thường cũng không thể ra gió. Đối với một nữ nhân mà nói những căn bệnh tiềm ẩn như thế này mới thật sự là khó chịu. Trữ thị là trưởng bối, bà ta muốn đem tôn tử ruột giữ ở bên người giáo dưỡng là chuyện hợp tình hợp lý nên Diêm thị cũng không thể làm gì. Vừa ra tháng là phải bôn ba giữa hai nơi kinh thành và Uyển Bình, những khổ sở lúc đó ngẫm lại cũng có thể hiểu được.
Kỷ Uyển Ninh là lớn bên người Trữ thị nên thoạt nhìn cũng không quá thân thiết với Diễm thị, thế nhưng, đây cũng là tình trạng chung khi mẫu tử bị chia lìa, cũng là điều thường thấy trong những gia đình phú quý. Kỷ Sóc có sáu di nương, thế nhưng không một di nương nào có hài tử. Bình Dương Hầu phủ chỉ có ba hài tử là Kỷ Uyển Ninh, Kỷ Đào và Kỷ Vân, tất cả đều là đích tử đích nữ của Diêm thị, đây cũng coi như là một loại phương thức trả thù của Diêm thị đối với Trữ thị. Ngươi ôm nữ nhi của ta, ta đây sẽ sinh, hơn nữa ta còn muốn con người chỉ có con với ta. Di nương vào phủ là phải uống canh tị tử thang, nếu vụng trộm mang thai thì trực tiếp đánh chết. Mà Kỷ Sóc cũng biết trong lòng Diêm thị không thoải mái, mặc dù hận nàng mạnh mẽ áp đảo nhưng nói cho cùng vì nhà mẹ đẻ Diêm thị là Tương Dương Hầu phủ lợi hại, nên cũng đành nhịn xuống.
Nói tóm lại, Bình Dương Hầu phủ cũng không hài hòa như vẻ bề ngoài. Kỷ gia là thượng bất chính, hạ tắc loạn. Có một chủ mẫu ngoan độc như Trữ thị thì người dưới hoặc là thần phục, hoặc là mạnh mẽ phản kháng. Như Tam phu nhân cùng Tứ phu nhân là lựa chọn thần phục, còn Diêm thị là phản kháng, xấu nhất cũng chỉ là cùng Trữ thị tiêu hao sinh mạng mà thôi, không phải sao?
Diêm thị đặc biệt chú ý đến Tống Ngọc Tịch, thế nhưng cũng không vạch trần điều gì, tiếp nhận hành lễ của mấy vị cô nương, rồi để Kỷ Uyển Ninh mang các nàng đến khách uyển, nơi đã sớm được chuẩn bị lộng lẫy.
Mặc dù mấy ngày này có rất nhiều khách nhân ngủ lại Kỷ gia, thế nhưng từ đầu đến cuối Kỷ Uyển Ninh vẫn kiên trì tự mình chiêu đãi nhóm người Tống Ngọc Thiền. Sau khi dùng xong cơm trưa, nghe nói mọi người đang tập luyện ở noãn các, nên Kỷ Uyển Ninh liền dẫn mấy người Tống Ngọc Thiền đến noãn các.
Bên trong noãn các có rất nhiều khuê tú đang luyện tập. Nhạc khí của Tống Ngọc Thiền mấy người các nàng đều đã được bày ra, tất cả các cô nương gia cũng tiến tới nhìn xem thế nào. Mấy người vây quanh đàn Không Hầu của Tống Ngọc Mộng miệng tấm tắc khen kỳ lạ, đề nghị Tống Ngọc Mộng diễn tấu một khúc. Tống Ngọc Mộng thịnh tình khó lòng từ chối, đành phải tòng mệnh. Kỷ Uyển Thanh đến bên người Tống Ngọc Tịch, nhàn nhạt hỏi một câu:
"Không biết Thất muội muội sẽ chơi khúc cổ cầm nào?"
Tống Ngọc Tịch nhìn nàng ta một cái, rồi chỉ chỉ hồ cầm đặt ở góc khuất, nói: "Lần này ta không đánh cổ cầm mà là kéo hồ cầm."
Kỷ Uyển Thanh nhìn hồ cầm da rắn lẻ loi, con mắt trừng lớn, rồi đến bên hồ cầm kia nhìn mấy lượt rồi lạnh giọng cười nói: "Kéo cài này sao? Trước đây ta cũng chưa từng thấy ngươi kéo lần nào đâu. Nhưng đây không phải là đồ vật mà chỉ có tên khất cái bên đường mới kéo sao? Ngươi lại muốn biểu diễn cái này trên sân khấu cao sang nhã nhặn sao?"
Tống Ngọc Tịch nhìn thấy sắc mặt của nàng ta nhìn mình như muốn nói "ngươi điên rồi sao", trong mắt cũng tràn đầy giễu cợt, nhưng Tống Ngọc Tịch cũng không tức giận, chỉ là cười nhạt một tiếng rồi quay người sang chỗ khác không hề có ý muốn nói chuyện với Kỷ Uyển Thanh.
Chú thích:
Đàn không hầu:
Đàn Phượng Thủ Không Hầu:
Cổ Cầm:
Hồ Cầm: