Mùa Hè Mang Tên Em

Chương 8: Đổi chỗ




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Kì học hè được nghỉ đều đặn một ngày mỗi cuối tuần.

Cuối cùng Thịnh Minh Phong đã tạm thoát khỏi mớ công việc để dẫn ba cô con gái đi ăn.

Thịnh Hạ không nghĩ Trâu Vệ Bình cũng có mặt.

“Chào cô đi.” Thịnh Minh Phong nói.

Trịnh Đông Ninh không thích nói chuyện, đừng ai hòng cạy miệng con bé ra được một chữ.

Ngô Thu Tuyền là đứa trái tính khó chiều, lườm Trâu Vệ Bình một cái rồi ngồi ngay vào tận ghế trong cùng.

Vương Liên Hoa vẫn bảo trong ba cô con gái thì Ngô Thu Tuyền là giống mẹ nhất nên Thịnh Minh Phong mới không thích con bé. Còn Thịnh Hạ lại là đứa giống Thịnh Minh Phong nhất, vì thế mà bố quý cô hơn.

“Cô Trâu ạ.” Thịnh Hạ hơi cúi đầu.

Trâu Vệ Bình cười dịu dàng: “Mau ngồi đi, bố cháu gọi nhiều món các cháu thích lắm đấy.”

Món ăn vừa lên đủ, câu đầu tiên Thịnh Minh Phong nói đã là răn Ngô Thu Tuyền: “Con đã lớp chín rồi đấy, cứ giữ cái tính đấy thì lên cấp ba, ở nội trú ai mà ưa được!”

Ngô Thu Tuyền không buồn để tâm: “Vào trung học phụ thuộc thì đâu cần ở nội trú.”

Thịnh Minh Phong hừ lạnh một tiếng: “Thành tích của con mà mơ vào trung học phụ thuộc, trừ phi năm tới tóc treo xà, dùi đâm chân(*)!”

(*) Thời Chiến quốc, Tô Tần cố gắng đọc sách lúc đêm khuya, sợ ngủ gật nên lấy dùi đâm vào đùi. Lại thời Tấn, có Tôn Kính mỗi ngày học hành đến khuya, sợ ngủ quên nên buộc tóc lên xà nhà, hễ buồn ngủ gục xuống là bị tóc kéo giật lên mà tỉnh. Sau thành ngữ “tóc treo xà, dùi đâm chân” dùng để chỉ sự chăm chỉ và ý chí học tập.

“Thì bố chẳng có cách cho con vào được cần gì, cần thi gì nữa?”

Nghe lời này, không chỉ Thịnh Minh Phong mà cả Trâu Vệ Bình cũng biến sắc mặt.

“Ai bảo con thế?” Thịnh Minh Phong trầm giọng, “Hả? Mẹ con bảo vậy à?”

Ngô Thu Tuyền ghét nhất là nghe Thịnh Minh Phong chê trách mẹ mình trước mặt Trâu Vệ Bình, bật đứng dậy, “Đừng có vu tội cho mẹ con!”

Trâu Vệ Bình vỗ vỗ Thịnh Minh Phong, liền đó đi đến bên cạnh Ngô Thu Tuyền, đặt tay lên vai con bé nhẹ giọng, “Tuyền à, bố cháu không có ý đó. Bố quan tâm các cháu thật đấy, vốn dĩ hôm nay bố còn phải xuống dưới quê…”

“Không cần cô ra vẻ tốt bụng,” Ngô Thu Tuyền lại không chịu nghe, vặn vai hất tay Trâu Vệ Bình ra, châm chích, “Quan tâm bọn cháu thật sao còn dẫn cả cô tới đây?”

Bàn tay Trâu Vệ Bình cứng đơ giữa không trung, gương mặt có vẻ lúng túng.

“Ngô Thu Tuyền!” Trông Thịnh Minh Phong như sắp đập bàn đứng dậy, Thịnh Hạ lập tức phủ bàn tay mát lạnh lên bàn tay siết chặt của bố, “Bố…”

Rồi cô kéo tay Ngô Thu Tuyền, “Tuyền…”

Ngô Thu Tuyền cúi đầu, “Chị!”

Thịnh Hạ hơi lắc đầu ám chỉ con bé đừng gây rối. Lúc ở nhà chỉ có lời Thịnh Hạ là Ngô Thu Tuyền nghe lọt tai vài câu, bây giờ con bé cố nén cơn tức, hậm hực ngồi xuống ghế.

Trâu Vệ Bình cũng trở về chỗ mình.

Thịnh Hạ chuyển đề tài: “Bố, tháng sau là sinh nhật Ninh Ninh rồi. Năm nào nó cũng mong quà của bố nhất, năm nay bố định tặng gì vậy?”

Thịnh Minh Phong không thể không hiểu ý Thịnh Hạ, bèn đổi giọng ôn hòa, nghiêng đầu hỏi lại: “Ninh Ninh muốn cái gì, bố mua hết!”

Trịnh Đông Ninh mím môi nhìn Thịnh Minh Phong đầy mong mỏi, lại không nói một lời.

Thịnh Minh Phong biết hỏi cũng không ra câu trả lời, quay sang hỏi Trâu Vệ Bình, “Em thấy năm nay chúng ta tặng gì thì được? Ninh Ninh chín tuổi rồi, sắp lớn rồi.”

“Ừm…” Trâu Vệ Bình chống cằm, “Việc này phải nghĩ kĩ mới được.”

“Mười tuổi ạ.”

Tiếng nói non nớt vang lên.

Xung quanh im phăng phắc.

Thịnh Hạ cũng ngạc nhiên nhìn sang.

Vương Liên Hoa nói dạo này tình trạng Ninh Ninh lại tệ đi, đã có già nửa tháng không nói một câu nào.

Trịnh Đông Ninh mấp máy khuôn miệng bụ bẫm, cường điệu lặp lại: “Con mười tuổi rồi.”

Ngô Thu Tuyền đang cắm đầu húp canh, nghe vậy nhỏ giọng lầu bầu: “Cái đấy cũng nhớ sai, đúng là hết nói nổi.”

Giọng điệu châm biếm nghe chói tai lạ thường trong gian phòng yên ắng.

Lần này Thịnh Hạ cũng cúi đầu, không nén được tiếng thở dài.

Hiếm có khi Thịnh Minh Phong ngẩn ra bối rối. Người đàn ông ngang dọc quan trường bao năm giờ bị một câu của con gái út khiến không thốt nổi thành lời.

Trâu Vệ Bình đứng ra giảng hòa: “Mười tuổi là tuổi chẵn, càng phải chuẩn bị quà kĩ hơn. Anh đừng hỏi Ninh Ninh nữa, tự chọn lấy mới có thành ý chứ.”

“Nhất định anh sẽ tự đi chọn.” Thịnh Minh Phong hùa theo.

Mở đầu này đã định sẵn bầu không khí tiếp sau đó không thể quá thân mật hài hòa, chủ đề câu chuyện cũng chỉ xoay quanh chủ thể tương đối an toàn: Thịnh Hạ.

Hầu như chỉ có Thịnh Minh Phong hỏi, Thịnh Hạ trả lời.

“Trường trung học phụ thuộc quả là không tầm thường,” Thịnh Minh Phong cho ra kết luận, “Cố gắng mà học, cần gì thì nói với bố hay với cô cũng được. Đừng tự ép mình quá, cũng đừng nghe mẹ nói linh tinh. Con còn nhỏ, học hành vui vẻ là quan trọng nhất.”

Trâu Vệ Bình nói tiếp: “Phải đấy Hạ Hạ à, việc to nhất nhà mình bây giờ là lo cho cháu thi đại học, cái Tuyền thi vào cấp ba. Có cần gì cứ gọi điện cho cô nhé.”

Ngô Thu Tuyền “há” lên một tiếng.

Thịnh Minh Phong liếc con bé một cái, chẳng biết là cam chịu hay không còn lời nào để nói mà ông không phê bình gì, chỉ bảo Thịnh Hạ: “Điện thoại bố đưa con không dùng à, sao gọi điện không thấy nghe máy?”

Thịnh Hạ muốn nói cô không dùng nổi cái điện thoại cao cấp như thế, song nhìn ánh mắt Thịnh Minh Phong đầy chờ mong thì lời đến đầu môi lại nuốt trở vào, gật đầu bảo: “Lúc trước tưởng trường không cho mang, sau này con sẽ mang theo.”

Thịnh Minh Phong gật gù hài lòng: “Nhớ thường xuyên kể bố nghe tình hình học hành với sinh hoạt.”

“Vâng.”

Sau bữa cơm, anh Lý đưa chị em họ về nhà. Lúc xuống xe, anh đưa họ ba cái túi mua hàng rất to, nhìn logo biết là nhãn hiệu thời trang.

Mỗi người một phần, bên trong có váy áo, chất vải rất đẹp, giá cả không hề thấp.

Ngô Thu Tuyền hỏi: “Bố em mua ạ?”

Anh Lý gật đầu.

“Chắc lại bà cô kia mua chứ gì? Em chẳng tin bố em có thể đi lượn lờ cửa hàng mua quần áo cho bọn em đâu.”

Anh Lý gãi đầu.

Ngô Thu Tuyền nhếch môi cong cong, “Đồ miễn phí ngu gì không lấy.”

Ba chị em xách túi mua hàng về nhà. Hôm nay Vương Liên Hoa phải trực, không có nhà.

Ngô Thu Tuyền thử váy mới, còn giúp Trịnh Đông Ninh mặc thử. Váy rất vừa người.

Hai cô bé chạy đến phòng Thịnh Hạ, thấy Thịnh Hạ gấp quần áo mới cất vào tủ, làm xong về bàn chuẩn bị lấy sách ra đọc.

“Chị, chị không thử ạ?”

Thịnh Hạ quay sang, giọng nói rất điềm tĩnh: “Xem size thấy vừa rồi nên không thử. Chị còn phải làm bài tập nữa.”

Ngô Thu Tuyền dắt em gái đi, không ở lại quấy nhiễu Thịnh Hạ.

Cô bé cúi đầu trông cái váy của mình.

Đây không phải lần đầu bà cô kia mua quần áo cho chị em họ. Nghĩ kĩ thì, hình như chị chưa từng mặc đồ bà ta mua cho.

Thịnh Hạ rất ít mặc váy, vì quần áo Vương Liên Hoa mua cho trước giờ chỉ có những bộ kiểu thể thao.

Thuở mới bằng Thu Tuyền bây giờ, Thịnh Hạ chỉ vừa có nhận thức về cái đẹp. Thi thoảng cô cũng có ước ao những bộ váy xinh đẹp của các bạn, vì đồ thể thao của cô thì cứ rộng thùng thình, mặc tới mặc lui chỉ toàn những kiểu dáng đó, chẳng có gì hay.

Có một lần nghỉ hè cô tới chỗ Thịnh Minh Phong ở mấy ngày, khi về mặc bộ váy Thịnh Minh Phong mua cho.

Lúc ấy Thịnh Minh Phong hãy chưa bận rộn tối mặt như bây giờ, mỗi lần thi xong vẫn dành thời gian dẫn cô đi thủy cung hay công viên trò chơi, mua cho cô những thứ đồ ăn vặt Vương Liên Hoa không cho ăn, cho cô chơi những trò Vương Liên Hoa không cho con gái chơi, mua những bộ váy Vương Liên Hoa không cho mặc.

Niềm “hạnh phúc” tuổi thơ không bị pha tạp nhiều tình cảm và quan niệm đạo đức như thế. Những kí ức vui vẻ không nhiều của Thịnh Hạ, thảy đều tới từ tháng ngày ngắn ngủi sống cùng Thịnh Minh Phong.

Cái váy ấy có thiết kế không phải thật nổi bật, chiều dài váy cũng khá bảo thủ, chỉ để lộ một nửa bắp chân. Nhưng không biết có phải ảo giác hay không mà Thịnh Hạ cứ cảm thấy dọc đường rất nhiều người ngoái lại nhìn mình.

Lúc vào thang máy, cô bắt gặp người hàng xóm ở căn hộ đối diện. Số tầng giống nhau, thang máy đến nơi là ai vào nhà nấy.

Nhưng ngay khi cánh cửa đóng lại, người hàng xóm quay đầu đưa ánh nhìn như quan sát Thịnh Hạ.

Cái nhìn không ác ý nhưng vẫn khiến Thịnh Hạ thấy bức bối toàn thân.

Trong nhà, hiển nhiên Vương Liên Hoa cũng đã thấy cảnh này, “há” lên một tiếng, lạnh nhạt: “Mới đi có vài ngày đã biết ăn diện rồi, xem ra sống ở đây uất ức cho chị quá.”

Thịnh Hạ trốn trong chăn khóc hết một đêm.

Nửa đêm Vương Liên Hoa vén chăn lau nước mắt cho cô. Cô không biết phải đối mặt với mẹ thế nào, đành vờ như đã ngủ.

Tiếng Vương Liên Hoa thở dài nghe đè nén như tiếng sấm rền rĩ. Mẹ ngồi bên giường một mình lẩm bẩm, kể lể những xót xa tủi nhục của bản thân những năm qua, nghẹn ngào xin lỗi con gái, “Các con không biết con gái mới lớn hấp dẫn người ta thế nào. Không phải mẹ không muốn các con chăm chút xinh đẹp, nhưng nhà ta không có đàn ông…”

Nhà họ chỉ có bốn người toàn là nữ, không có ai là nam, không đủ uy khiến người ta kiêng sợ. Vương Liên Hoa cẩn thận đề phòng, cái cách bảo vệ ba chị em có vẻ sao mà bất lực.

Thịnh Hạ chậm rãi ngồi dậy nắm tay mẹ, Vương Liên Hoa cũng ôm lại cô. Hai mẹ con cứ thế ôm nhau khóc.

Thứ Hai, trước giờ đọc bài sáng có một việc cần làm, là đổi chỗ.

Chỗ ngồi cứ một tuần đổi một lần, tuần tự dịch theo chiều sang phải một bàn, xuống dưới một bàn.

Dãy bàn đơn ngoài cùng bên phải chuyển tới ngoài cùng bên trái.

Thịnh Hạ chuyển tới bàn đầu tiên của dãy bàn đơn, đối diện với cửa trước của lớp.

Cô và Tân Tiểu Hòa bị tách ra, nhưng cũng chỉ cách nhau một lối đi.

Chỗ của Lư Hựu Trạch tuần trước là ngay bàn đầu, bây giờ ngồi sau lưng Tân Tiểu Hòa, phía sau bên trái Thịnh Hạ.

Trương Chú chuyển tới bàn đầu tiên ngoài cùng của tổ một, mé bắc lớp học.

Thịnh Hòa ở ngoài rìa phía nam, cuối cùng đã cảm thấy tự do thoải mái hơn.

Có ai ngờ tháng ngày nắm giữ bí mật của người khác lại kinh hoàng đến thế.

Nhưng cứ nghĩ tuần sau lại đổi chỗ, thành bạn cùng bạn với Trương Chú, cô lại bắt đầu lo lắng thấp thỏm.

Chỉ mong tuần này sẽ dài hơn một chút.

Hiềm nỗi vị trí bàn đầu cạnh cửa cũng không phải vị trí hay ho. Cứ mỗi giờ tan lớp người ra người vào, đám thiếu niên thanh xuân tràn trề rảo bước đi qua, riêng mùi cơ thể Thịnh Hạ đã ngửi thấy tận mấy loại mùi. Nhất là sau giờ trưa, cậu nào cậu nấy lưng ướt sũng, người đẫm mồ hôi, cứ đi qua là một mùi hương thoảng tới muốn váng cả óc.

Có mấy nam sinh thích nhảy lên bắt lấy khung cửa như động tác úp rổ khi vào lớp, cú đáp đất uỳnh uỵch sau đấy thường xuyên làm Thịnh Hạ giật nảy.

Còn có vài bạn nữ cứ đi qua là sẽ chào hỏi bạn mới là cô đây một cách thân thiện, khiến cô phải cố gồng mình đáp lại cho phải phép.

Chính vì thế nên mỗi khi giải lao, nếu không đi lấy nước Thịnh Hạ cũng vào nhà vệ sinh.

Riêng giờ học tập trung thì không còn cách nào. Giờ học liên tục quá dài, cô lại không thích lang thang bên ngoài mãi, chỉ còn cách cắm đầu làm đề.

“Thịnh Hạ, cậu đã quen với trường mới chưa?” Lư Hựu Trạch trò chuyện với cô qua lối đi.

Thịnh Hạ nói: “Mình vẫn ổn, chỉ có bài giảng đi hơi nhanh, mình làm bài tập không kịp.”

Lư Hựu Trạch an ủi: “Bài tập chỉ để tham khảo thôi, không nhất thiết phải làm hết, cậu đừng lo quá.”

“Ừm.”

Tính theo chỗ ngồi, có thể đoán xếp hạng kì trước của Lư Hựu Trạch ở trên dưới hạng mười lăm, mười sáu. Thịnh Hạ muốn biết đại loại thì thứ hạng này sẽ có trình độ ở mức nào, xem mình có khả năng vươn tới không, bèn hỏi: “Cậu thì sao, cậu làm được khoảng bao nhiêu bài tập, có làm hết được không?”

Lư Hựu Trạch tạm dừng giây lát, không trả lời câu hỏi ngay mà nói: “Người có thể làm hết bài tập chỉ là thiểu số thôi.”

Thịnh Hạ ngại hỏi kĩ thêm, mím môi gật gù.

Lại một cơn gió lướt qua trước bàn, một thứ mùi nhẹ nhàng man mát tựa mùi cỏ non phơi mình trong nắng sớm thoảng vào khoang mũi.

Một giọng nói vang vào trong tai: “Người có thể làm hết bài tập không phải thiểu số, là Trương Chú.”

Âm sắc trầm, nhưng lời nói rất vênh váo.

Thịnh Hạ quay sang.

Trương Chú và Hầu Tuấn Kỳ một trước một sau đi vào trong lớp. Hầu Tuấn Kỳ ôm bụng cười nghiêng ngả: “Ha ha ha ngầu bá cháy!”

Người mới nói là Trương Chú. Một tay cậu cầm lon nước ngọt, bước một mạch qua bục giảng về đến chỗ ngồi, vừa nói vừa ngoái lại nhìn về phía Thịnh Hạ. Chính xác hơn, là ngoái lại liếc Lư Hựu Trạch.

Bằng ánh mắt ngạo nghễ, khiêu khích, không coi ai ra gì.

Tự chơi chữ khen mình, ngông cuồng biết mấy.

Lư Hựu Trạch không định tranh cãi, gương mặt thoáng qua vẻ lúng túng và nhẫn nhịn.

Thịnh Hạ thấy vậy lập tức quay về làm đề, rời xa hiện trường tình địch đỏ mắt đấu đá tóe lửa này.

Giờ tự học tối thứ Sáu do Vương Duy phụ trách. Thầy có một thói quen khi phụ trách giờ này, đó là sẽ gọi vài học sinh ra trao đổi tâm sự, lấy tên chuyên mục “Anh biết tuốt gỡ rối tuổi hồng”. Lần đầu nghe tới cái tên này, Thịnh Hạ mím môi không nén được bật cười.

Tuy trông Vương Duy có vẻ là người bảo thủ, tóc tai cũng dần rời bỏ da đầu, thực chất lại mới chỉ ngoài ba mươi, độc thân có thâm niên. Như lời thầy là thế này, “Khoa học quy định chênh lệch từ mười sáu tuổi trở lên mới gọi là cô là chú. Thầy đây còn chưa đến ngưỡng ba lăm, phải gọi là anh.”

Còn rốt là môn khoa học nào quy định thế, chẳng ai biết được.

Với tư cách học sinh mới chuyển đến, Thịnh Hạ trở thành đối tượng nhận tư vấn đầu tiên của học kì này.

Mở đầu toàn những câu kiểu “đã quen trường lớp mới chưa” “có khó khăn gì không”. Thịnh Hạ không nhiều lời, chỉ đáp tất cả đều ổn.

Vương Duy vào đề chính: “Mẹ em nói em hơi hổng kiến thức lý hóa, tuần rồi học có thấy quá sức không?”

Thịnh Hạ thật thà gật đầu, bổ sung: “Toán cũng không theo kịp ạ.”

Vương Duy nói: “Thành tích ngữ văn, tiếng Anh của em đều rất tốt, hẳn là học các môn xã hội khá ổn. Tại sao ban đầu em không chọn theo xã hội?”

Lúc ấy, Vương Liên Hoa đã quyết định thay cô. Số ngành xét tuyển bằng tổ hợp môn tự nhiên nhiều, sau này tìm việc cũng dễ. Trong suy nghĩ cố hữu của Vương Liên Hoa, chỉ những đứa không học được toán lý hóa, đầu óc kém cỏi, đến bước đường cùng mới chọn theo văn. Mà bản thân Vương Liên Hoa cũng chính là sinh viên khoa văn.

“Nhà em không cho ạ.”

Vương Duy không ngạc nhiên khi nghe câu trả lời này. Những đứa trẻ ngoan ngoãn giống vậy thường không có nhiều quyền tự quyết định và lựa chọn. “Thầy chỉ muốn hiểu rõ hơn thôi. Bây giờ đã chọn theo tự nhiên rồi, tất nhiên phải cố mà học. Một năm không dài nhưng cũng không phải ngắn, vẫn có thể thay đổi rất nhiều thứ. Thành sự do người.”

Thịnh Hạ gật đầu: “Vâng, em cảm ơn thầy.”

“Cảm ơn gì,” Vương Duy nhìn bộ dạng ngoan ngoãn của cô mà bật cười, “Tuần sau đổi chỗ, em sẽ ngồi cùng bàn với Trương Chú. Bạn Trương Chú học rất giỏi, em nên quan sát học tập bạn nhiều, có gì thì hỏi bạn.”

Thịnh Hạ vẫn nhẹ nhàng gật đầu, trong bụng thì nhủ nhầm: không ngờ tuần này trôi qua nhanh vậy, việc nên tới rồi cũng phải tới.

Chẳng biết là đầu óc cậu thông minh vậy thì trí nhớ như thế nào, liệu có thù dai hay không.

Vương Duy lại hiểu lầm vẻ e dè của cô thành một ý khác, cười bảo: “Trông Trương Chú không hòa đồng lắm nhưng bạn bè hỏi bài thì lúc nào cũng nhiệt tình, việc ấy em cứ yên tâm.”

“Vâng.”

“Được rồi, thế em vào lớp đi. Gọi Trương Chú ra cho thầy.”

Tác giả có lời:

Trương Chú: Người có thể làm hết bài tập không phải thiểu số, là Trương Chú. Cảm ơn *vênh mặt*

Thịnh Hạ: Ấu trĩ.

Chú thích:1. Tên bạn Chú 澍, phiên âm shù, phát âm giống từ “số” trong thiểu số, vì vậy mới nói bạn ấy chơi chữ để tự khen mình. Điều này cũng giải thích cho những chương đầu, đôi khi bạn Hạ hiểu lầm tên bạn ấy là Số thay vì chữ Chú.

Từ Chú ở đây nghĩa là cơn mưa tới đúng lúc, nghĩa bóng là sự giúp đỡ, sự xuất hiện kịp thời.

2. Cách diễn giải về chỗ ngồi và đổi chỗ của mình có thể khó hiểu nên mình sẽ giải thích thêm ở đây, các cậu hiểu rõ rồi thì cứ bỏ qua và đọc tiếp chương sau.

Mình kẻ hình dưới là sơ đồ lớp bạn Hạ tuần đầu tiên (số hàng ghế mỗi dãy chỉ là tượng trưng). Lúc này bạn Hạ ngồi bàn cuối dãy bên phải của tổ ba, bên trái là Hòa, bạn Chú thì ngồi cách Hạ một lối đi và ngay bên cửa. Bạn Trạch lúc này ngồi ở bàn đầu bên trái tổ ba, cùng dãy với Hòa và Vũ.

Đến tuần thứ hai (hình bên dưới), chỗ ngồi dịch sang phải một bàn, xuống dưới một bàn. Lúc này Hạ dịch sang phải một bàn là chỗ lúc trước của Chú, xuống dưới một bàn, vì đã là bàn cuối nên đảo ngược lên bàn đầu của dãy. Chú dịch sang phải một bàn là dãy trong cùng tổ một, xuống một bàn là đảo ngược lên bàn đầu. Hòa dịch sang phải là dãy của Hạ, cũng xuống một bàn là đảo lên đầu dãy. Các bạn khác cứ thế tính theo quy tắc.

Như vậy đến tuần thứ ba, Chú và Hạ sẽ ngồi cùng bàn, ở dãy bàn hai của tổ một như hình dưới. Và cứ như vậy, cả năm học hai bạn ấy sẽ luân phiên một tuần cùng bàn, một tuần cách nhau một lối đi.

<<≡ Mục lục>>

Chia sẻ:

Facebook

Điều hướng bài viết

PREVIOUS POSTMùa hè – 7

NEXT POSTMùa hè – 9

Trả lời

Tìm kiếm cho:

829 134 hits

Bài viết mới

Mùa hè – 26 Mùa hè – 25 Mùa hè – 24

BLOG TẠI WORDPRESS.COM.ĐỪNG BÁN THÔNG TIN CÁ NHÂN

Chạy nhờ WordPress.comTham gia

Theo dõi

Trang này sử dụng cookie.

Tìm hiểu cách kiểm soát ở trong: Chính Sách Cookie


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.