Mộng Đổi Đời

Chương 7




Đến thị trấn huyện, công việc đầu tiên là Uông Trường Xích đến gặp trưởng phòng Giáo dục. Trưởng phòng nhìn cậu trừng trừng ấy trông chẳng khác nào đang nhìn người ngoài hành tinh đột nhiên xuất hiện.

- Tôi là con trai của Uông Hòe.

- Uông Hòe là ai?

- Là người rơi từ tầng bốn xuống suýt chết trước mặt ông – Uông Trường Xích hơi lặng người trước câu hỏi của trưởng phòng, giây lâu mới lên tiếng – Ngay cả tên của người ấy mà ông cũng không biết sao?

- À... - Hình như trưởng phòng đã nhớ ra – Cậu đến đây làm gì?

- Muốn xin học ôn thi đại học ở huyện miễn phí.

- Lớp ôn thi đã chật cứng, bây giờ một con dao cũng không thể lách qua nổi, cậu lại xin miễn phí sao? Đúng là quá ưu ái nhỉ?

- Miễn phí ôn thi chính từ miệng ông nói ra lúc ấy.

Trưởng phòng nói ông ta không nhớ là mình đã nói ra câu ấy. Uông Trường Xích chỉ tay lên trời thề rằng ông ta đã từng nói vậy.

- Cho dù là tôi đã nói ra câu ấy thì chẳng qua là cũng nhằm cứu mạng bố cậu mà thôi, đừng cho là thật. – Trưởng phòng nói – Toàn huyện chỉ mở có hai lớp ôn thi, những người có quyền có tiền đều đã cho con ngồi chật kín rồi, tôi không thể nhận cậu vào để cho người ta nghĩ là tôi làm chuyện mờ ám hủ bại.

Uông Trường Xích lo lắng đến độ hai chân như mềm nhũn, muốn quỵ xuống, mồ hôi túa ra toàn thân. Cậu rời khỏi phòng làm việc của trưởng phòng, xuống đến tầng hai, đột nhiên nhớ lại là mình vẫn còn có một chiếc ghế để lại ở đây. Ánh mắt cậu quét ngang quét dọc tìm kiếm, phát hiện chiếc ghế đang nằm trong góc phòng bảo vệ. Cậu trình bày ngọn nguồn với bảo vệ rồi vác chiếc ghế lên vai, rời khỏi Phòng Giáo dục.

Uông Trường Xích đến thẳng trung tâm huyện, tìm gặp chủ nhiệm lớp cũ. Chủ nhiệm lớp cũng đã nghe qua chuyện bố Uông Trường Xích nhảy lầu nên bắt tay cậu thật chặt, sau đó còn vỗ vỗ lên vai cậu nữa.

- Em muốn ôn tập. – Uông Trường Xích nói.

Chủ nhiệm lớp dẫn Uông Trường Xích đến gặp hiệu trưởng. Hiệu trưởng cũng từng nghe nói về chuyện Uông Hòe nhảy lầu, cũng bắt tay Uông Trường Xích thật chặt, tiếp theo cũng vỗ vai cậu, dẫn cậu đến lớp ôn thi. Cả hai phòng học đều đã chật kín người, chỉ có ở lớp thứ hai ngay cửa ra vào còn có một khoảng trống. Uông Trường Xích đặt chiếc ghế xuống vị trí ấy, ngồi xuống và bắt đầu nghe giảng.

Học sinh lớp ôn thi đều gọi Uông Trường Xích là “Ghế gỗ tiên sinh”, bởi cậu đi học mà lại ngồi trên ghế đẩu, không có bàn học. Mà nếu có bàn học đi chăng nữa thì cũng chẳng có chỗ để đặt. Trong ba lô cậu lúc nào cũng có một miếng bìa cứng, mỗi lần làm bài tập, cậu lại lôi nó ra, đặt lên đùi làm “mặt bàn”. “Mặt bàn” này trước thấp sau cao, do thị giác bị lệch nên chữ viết trong bài tập của cậu lúc nào cũng trước to sau nhỏ, mỗi lần viết chữ là một lần phải vươn cổ về phía trước, qua hai tuần cậu có cảm giác gáy của mình đã bị kéo dài ra không ít.

Một buổi chiều, một tiếng “uỵch” nặng nề vang lên trong lớp học, tất cả học sinh đều ngoái đầu ngoái mông để tìm nơi phát xuất ra âm thanh ấy, phát hiện "Ghế gỗ tiên sinh" không còn ngồi ở chỗ thường ngày nữa. Thì ra Uông Trường Xích đã ngã xuống đất. Bốn nam sinh khiêng Uông Trường Xích đến trạm xá trường. Bác sĩ hỏi đau chỗ nào? Uông Trường Xích phát ra một âm thanh qua kẽ răng, bác sĩ phải ghé tai đến tận miệng, cậu nói đến lần thứ ba, bác sĩ mới nhận ra đó là từ “đói”. Bác sĩ vội vàng truyền dịch. Dịch thể nhỏ giọt rất nhanh chảy vào huyết quản.

Mấy tuần trước Uông Trường Xích chỉ ăn bánh bao không nhân và uống nước lã pha vài giọt muối, tệ hơn là mỗi ngày chỉ một bữa. Lúc nào quá đói, cậu chạy ra vòi nước công cộng. Uống nước nhiều tất nhiên cũng không đỡ đói. Uông Trường Xích nghĩ ra cách khác, bèn mua một ít đường trắng pha vào nước, mỗi ngày đi học mang theo mấy chai nước tự chế ấy trong ba lô. Nhu cầu uống nước của Uông Trường Xích ngày càng nhiều, thông thường thì mỗi tiết học hết một chai. Uống nước nhiều tất nhiên là phải đi tiểu nhiều, có lẽ đi tiểu nhiều nên thân thể càng ngày càng suy nhược. Hình như mỗi lần đi tiểu, chất dinh dưỡng ít ỏi nghèo nàn mà Uông Trường Xích nạp vào thân thể mình mỗi ngày cũng theo nước tiểu mà trôi ra mất. Lúc mới bắt đầu, Uông Trường Xích vẫn còn tin tưởng rằng mình là nhân tài của tương lai, tất cả những khó khăn chỉ là những thử thách, trải nghiệm thôi. Do vậy, cho dù có đói lả, Uông Trường Xích vẫn học nhiều hơn các bạn khác ít nhất mỗi ngày một tiếng đồng hồ. Ký túc xá tắt đèn, cậu bèn đến bên dưới đèn đường đọc sách. Tuần thứ nhất, chữ trong sách ôn tập vẫn còn là chữ, nội dung vẫn còn có thể nhớ, nhưng bắt đầu từ tuần thứ hai, những con chữ trong sách bỗng nhiên biến thành những con côn trùng trắng có đen có năm màu ngũ sắc vằn vện đều có cả. Chúng bay lượn lờ trước mắt Uông Trường Xích, chẳng cần nói đến việc nhớ được nội dung mà ngay cả nhận ra được hình dạng của những con chữ cũng đã toát mồ hôi. Lý tưởng càng tràn trề thì hiện thực càng đen tối. Ngày nào cũng thế, Uông Trường Xích phải tranh đấu với việc hôn mê, mất trí nhớ, ngáp vặt, ngủ gật và mệt mỏi. Để tiết kiệm thể lực, Uông Trường Xích cũng không tập thể dục theo loa phóng thanh nữa, giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học, cậu ngồi trên ghế nhắm mắt dưỡng thần, mỗi lần hé mắt là màu sắc của chiếc ghế bảng phía xa xa lại biến đổi, thoắt là màu xanh lục, thoắt là màu đỏ. Có lúc Uông Trường Xích còn nhận ra trong toàn lớp học có một luồng ánh sáng lấp lánh đến lóe mắt, có lúc cậu lại thấy nó bị bao phủ trong một màu đen kịt giống như bị cắt điện khoảng thời gian một phần nghìn giây. Bởi tần số xuất hiện của việc “cắt điện” càng ngày càng nhiều, thời gian “cắt điện” cũng ngày càng dài hơn, do vậy mà cậu mới bị ngất!

Uông Trường Xích bị một mùi thơm nồng nàn đánh thức. Mùi thơm ấy xuất phát từ căng tin ở ngoài cổng trường. Nó vượt qua hai mươi bậc tam cấp, xuyên qua sân trường, len lỏi qua những bồn hoa và cuối cùng dừng lại trước mũi Uông Trường Xích. Mở mắt, Uông Trường Xích nhận ra cậu bạn học họ Lý đang bê trên tay một tô cháo, bên trong có một ít thịt. Cậu hít một hơi thật dài, thật sau, trong lòng bị kích động trông chẳng khác nào được gặp Uông Hòe và Lưu Song Cúc. Cậu họ Lý định đút cháo cho Uông Trường Xích nhưng cậu đã ngồi bật dậy, đỡ lấy bát cháo và chỉ mấy lần húp, bát cháo đã sạch veo. Hình như để cho dạ dày kịp thích ứng và tiếp nhận thức ăn, Uông Trường Xích vẫn giữ nguyên tư thế như đang ngồi húp cháo. Cậu Lý vươn tay định cầm chiếc bát, Uông Trường Xích lại giữ chặt khư khư nhưng chỉ vài giây sau, bàn tay cậu run bắn lên, chiếc bát rơi xuống và “choang!”, mảnh sành văng tung tóe. Lúc này cậu mới kịp định thần, nói lí nhí một lời xin lỗi.

- Nhà em khó khăn lắm phải không?

Đó là câu hỏi của bác sĩ.

Uông Trường Xích đưa mắt nhìn tất cả học sinh đang bao vây chung quanh. Tất cả đều hấp háy đôi mắt, đều chờ đợi một đáp án trả lời. Do dự một lát, Uông Trường Xích nói:

- Không quá khó khăn.

- Không khó khăn sao lại đói đến độ này? Gầy như que trúc, có lẽ nào em lại muốn giảm béo?

Vẫn là câu hỏi của bác sĩ. Da mặt vốn xanh tái đột nhiên đỏ rực, Uông Trường Xích xấu hổ cúi đầu, nói:

- Không sao cả, em không ngất nữa đâu!

Có được chất dinh dưỡng của bát cháo thịt tuôn vào dạ dày cộng với một bịch dịch truyền vào cơ thể, tế bào não của Uông Trường Xích đột nhiên linh hoạt hẳn lên. Cậu nhận ra rằng, bất cứ một lý tưởng nào nếu không có được sự phối hợp giúp đỡ của chất đạm, chất béo, các-bon, chất xơ, vitamin, nước,... đều biến thành không tưởng. Phẩy tay một cái, Uông Trường Xích đi tìm Hoàng Quỳ. Trước tiên là Hoàng Quỳ giúp cậu nhét đầy cái bao tử rỗng. Ăn xong hai bát cháo, hai quả trứng, bao tử đã đầy, Uông Trường Xích ngồi tựa người thoải mái vào thành ghế.

- Đồng ý làm với tớ không? – Hoàng Quỳ hỏi.

Câu hỏi ấy trở nên thừa thãi với Uông Trường Xích lúc này, cho dù không biết là làm việc gì, cậu cũng chỉ có thể nói hai tiếng “Đồng ý.”

Hoàng Quỳ tự phong làm Tổng Giám đốc, công ty đặt tại một cửa hiệu nhà cậu ta trên phố Tiểu Hà. Cửa hiệu này được chia làm hai, một nửa giao cho Hoàng Quỳ làm công ty, một nửa vẫn dùng để bố mẹ gã bán hàng tạp hóa. Tấm bảng được treo ở phía trước cửa hiệu là “Công ty mậu dịch Hoàn Cầu”. Giải thích cái tên công ty, Hoàng Quỳ nói, tuy chúng ta không có liên quan gì đến Thái Bình Dương cũng như toàn cầu, nhưng xét cho cùng, trước mặt chúng ta là một dòng sông nhỏ, nước của dòng sông này cuối cùng cũng đổ ra Thái Bình Dương. Nói là công ty mậu dịch cho oai, thực ra là ngoài việc bố Hoàng Quỳ bán một ít hàng tạp hóa thì chẳng buôn bán gì thêm, mỗi ngày tiền lưu động trong tiệm cũng chỉ khoảng vài trăm tệ kể cả tiền vốn. Công việc chủ yếu của Hoàng Quỳ là đi đòi nợ thuê cho người khác. Thu nợ thành công, Hoàng Quỳ được hưởng một ít thù lao, Uông Trường Xích nói:

- Tớ chả biết một tí gì về nghiệp vụ đòi nợ thuê cả.

- Rất đơn giản, khi họ quẳng tớ từ trên lầu xuống thì cậu ở dưới đất đỡ lấy tớ, thế thôi.

- Lầu có cao không?

- Không cần biết là cao đến từng nào.

Uông Trường Xích giật mình, bất giác cậu liếc nhìn đôi vai mình.

Hoàng Quỳ đã từng đi đòi nợ mấy lần, mỗi lần đi là quần áo vest chỉnh tề trông giống như những nhân viên chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài. Mặc dù đã có “nhân viên” mới nhưng hầu như mỗi lần đi đòi nợ, Hoàng Quỳ đều không đưa Uông Trường Xích đi theo, nhưng lần nào cũng vây, gã không hề trở về với bàn tay trắng. Nhận được tiền thù lao, Hoàng Quỳ mời Uông Trường Xích ăn uống rượu thịt no say. Mỗi khi ăn uống, Uông Trường Xích thường ngầm so sánh mình với Hoàng Quỳ, cảm thấy mình thật vô dụng, chẳng khác nào đồ phế thải. Chờ mỗi lúc Hoàng Quỳ rời khỏi cửa hiệu là Uông Trường Xích lại phụ giúp bố cậu ta bán hàng tạp hóa. Hoàng Quỳ biết chuyện, kêu to không hiểu là tán thưởng hay là châm chọc:

- Té ra cậu cũng có năng khiếu nhỉ?

Uông Trường Xích cũng không thể biết được là mình có năng khiếu buôn bán hay không, chẳng qua là chẳng có việc gì để làm đành phải giúp bố Hoàng Quỳ mua bán mà thôi. Bố Hoàng Quỳ nói:

- Đừng nghe những gì thằng đó nói, lông con vừa mới mọc mấy cọng đã bày đặt coi thường cái tiệm tạp hóa này. Nó lớn lên bằng cái gì nào? Không phải là dựa vào đôi bàn tay của lão với cái tiệm cỏn con này sao?

Ban đêm, Uông Trường Xích ngủ tại công ty để trông coi cửa hàng và công ty. Hoàng Quỳ và bố về nhà, Uông Trường Xích vừa bán hàng vừa ôn tập. Thi thoảng Hoàng Quỳ cũng ở lại cửa hàng, uống rượu nói chuyện phiếm với Hoàng Quỳ. Một đêm nọ đã khuya, Hoàng Quỳ uống quá nhiều rượu nên đã cầm tất cả sách vở của Uông Trường Xích vất ra khỏi cửa tiệm. Sách vở bay vèo qua con đường rộng năm mét và rơi xuống dòng sông nhỏ. Uông Trường Xích nhảy ùm xuống sóng vớt lên. Quần áo cậu ướt sũng, sách vở cũng chẳng khá hơn. Uông Trường Xích đặt quần áo và sách vở bị ướt trên chiếc giường lưới sắt rồi bật quạt máy chạy vù vù để hong khô. Hoàng Quỳ nói:

- Cứ cho là cậu sẽ đỗ đại học đi, sau khi tốt nghiệp giỏi nhất là cậu cũng chỉ làm một tay cán bộ quèn. Nhưng lúc này, ngay cả những người đang là cán bộ nhà nước cũng đã nở rộ bỏ công việc nhà nước để đi buôn bán rồi, cậu còn định thi thố làm gì?

- Tớ không muốn bỏ cuộc, tớ phải trả nghĩa cho bố mẹ.

- Muốn thi thì cậu lo đi ôn thi, đừng năm lăn nằm lóc ở chỗ này nữa.

Uông Trường Xích tắt quạt máy, những trang sách đang bay lật phật đã nằm im. Hoàng Quỳ tiếp tục lải nhải:

- Lúc đói thì cậu đòi ăn. Ăn no rồi thì rửng mở, nghĩ ngợi lung tung...

- Nhưng... tớ nghĩ chuyện ôn thi không ảnh hưởng gì đến việc buôn bán.

- Đúng là trong đầu không có chí lớn! Việc mua bán mấy cái thứ tạp nham này thì liệu có được mấy đồng?

Ngày hôm sau, Hoàng Quỳ gọi Uông Trường Xích đến tiệm cắt tóc cạo trọc đầu, Uông Trường Xích van nài hãy cho cậu để mái tóc lại vài phân. Hoàng Quỳ nói chắc nịch:

- Nhất định phải cạo trọc, cạo đến sáng bóng thì thôi.

Khi người thợ cắt tóc miết những đường dao sắc ngọt trên da đầu, Uông Trường Xích không thể ngăn được những giọt nước mắt. Cậu cảm thấy cái nghi thức nhập môn này không hề xuất phát từ sự tự nguyện của chính mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.