Mất Tư Cách Làm Người

Chương 13: Tám cảnh sắc Tokyo




Tặng một người một đau khổ

Đó là một ngôi làng chán ngắt nằm ở phía Nam xứ Izu, chẳng một cái gì đặc biệt trừ suối nước nóng. Có thưa thớt chừng khoảng ba mươi nóc nhà. Tôi chọn sơn thôn này chỉ vì một lý do duy nhất là một nơi như thế thì chắc giá thuê nhà sẽ rẻ chăng. Lúc ấy là ngày ba tháng bảy năm Chiêu Hòa thứ mười lăm. Thời gian này tôi vẫn còn chút ít dư dả về tiền bạc. Tuy nhiên từ đó trở đi thì thật sự là tăm tối. Có lẽ là vì tôi không viết được một trang tiểu thuyết nào cả. Trong vòng hai tháng, nếu như tôi không viết được một tác phẩm nào thì chắc chắn tôi sẽ quay trở về cảnh không xu dính túi như trước kia. Sự dư dả đáng thương hại này tuy vậy đối với tôi mà nói đó là lần đầu tiên trong mười năm qua. Tôi bắt đầu cuộc sống của mình ở Tokyo vào mùa xuân năm Chiêu Hòa thứ năm (1930). Không lâu sau đó tôi đã sống chung với một người đàn bà tên là H. Dù hàng tháng tôi đều nhận được tiền trợ cấp của người anh cả từ quê gửi ra, và hai đứa chúng tôi đều bảo ban nhau tằn tiện thế mà không có tháng nào là không phải mang một hai món trong nhà ra tiệm cầm đồ. Cuối cùng sau sáu năm chung sống, chúng tôi đã chia tay nhau. Tôi chỉ còn lại một mớ hành lý với một cái chăn, cái bàn và cây đèn điện cùng một món nợ lớn không biết bao giờ mới trả xong. Sau đó hai năm, nhờ sự giúp đỡ của một vị tiền bối(17) tôi đã làm đám cưới xuềnh xoàng với một người con gái thông qua mai mối. Hai năm sau đó nữa, lần đầu tiên tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Tuyển tập các sáng tác nghèo nàn của tôi được gom in lại thành tuyển tập gần mười quyển. Và tôi thấy rằng từ đó trở đi nếu tôi vẫn cố gắng viết thì dù không có sự đặt hàng sáng tác đi nữa chắc tôi cũng sẽ bán được hai trong số ba bản thảo hoàn thành. Từ đó trở đi, viết văn đối với tôi đã trở thành một nghề nghiêm túc chứ không còn là một thú vui nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn chỉ viết những gì tôi muốn viết.

17. Ý nói đến nhà văn Ibuse Matsuji, người đã giúp đỡ Dazai rất nhiều trong cả đời tư lẫn văn nghiệp.

Tuy còn nhiều lo lắng bất an, nhưng với chút tiền dư dả đó, thật sự trong thâm tâm tôi thấy rất vui mừng. Bởi ít nhất thì trong vòng một tháng, tôi có thể viết bất cứ gì mình thích mà không phải bận tâm lo lắng gì đến vấn đề tiền bạc. Nhưng ngược lại, tôi cảm thấy tình cảnh thoải mái của mình lúc này dường như không thực và nỗi bâng khuâng trộn lẫn giữa niềm hưng phấn và sự bất an đã vượt quá sức chịu đựng của tôi khiến tôi không thể nào tập trung vào công việc được.

Tám cảnh sắc Tokyo. Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ thong thả viết một truyện ngắn nhan đề như vậy. Tôi muốn gửi gắm tâm tình mình trong mười năm trời cư ngụ ở thành phố này vào những cảnh sắc Đông Kinh. Năm nay tôi ba mươi hai tuổi. Theo như cách quan niệm ở Nhật Bản, độ tuổi này là có nghĩa bắt đầu bước vào tuổi trung niên. Và từ thể trạng, đến tâm tình tôi biết mình không thể nào chối bỏ được sự thật buồn này. Hãy nhớ cho kỹ. Mi đã qua mất tuổi thanh xuân. Là một thằng đàn ông trang nghiêm ba mươi tuổi. Tám cảnh sắc Tokyo. Và tôi muốn viết thiên truyện này để tiễn biệt tuổi trẻ của riêng mình chứ không chiều theo thị hiếu của ai cả.

Hắn đã dần dần trở nên lưu manh đê tiện thì phải. Câu nói bất giác ấy thường văng vẳng bên tai tôi như một cơn gió nhẹ. Mỗi lần như thế trong tâm tư tôi lại vọng lên câu trả lời rất rõ ràng. Mình ngay từ đầu đã là một thằng đê tiện lưu manh. Mọi người không nhận ra điều đó à? Ngược lại là khác. Khi đã chọn văn chương làm nghề nghiệp của đời thì ngay cả thằng ngu cũng nhận ra rằng tôi là kẻ dễ thỏa hiệp. Tôi chỉ còn biết cười khổ. Tuổi xuân vĩnh cửu chỉ có trong phim ảnh mà thôi chứ trong văn chương làm gì có.

Chính trong thời gian này tôi muốn viết về tám cảnh sắc Tokyo. Lúc này không phải vướng víu công chuyện gì cả lại sẵn dư dả trên khoảng một trăm yên. Không thể cứ đi lại quanh quẩn trong căn phòng chật hẹp với nỗi bâng khuâng phức tạp giữa hưng phấn và bất an nữa, mình phải bắt tay vào công việc thôi.

Tôi mua một tấm bản đồ thành phố Tokyo, rồi từ nhà ga Tokyo đáp xe điện đi về hướng Maibara. Chắc chắn đây không phải là một chuyến đi chơi rồi. Tôi tự dặn mình bao nhiêu lần là đây là chuyến đi nghiêm túc để viết một tấm bia kỷ niệm trang trọng cho cuộc đời mình. Đến Atami, tôi đổi tàu đi lto. Từ Ito, tôi lại lên xe buýt đi về Shimoda. Và sau ba tiếng đồng hồ ngồi trên chiếc xe dằn xóc chạy dọc theo bờ biển bán đảo Ito, cuối cùng tôi cũng dừng chân tại một ngôi làng tồi tàn lưa thưa chừng ba chục nóc nhà nơi góc nam bán đảo. Ở một nơi như thế trọ một đêm chắc khoảng dưới ba yên là cùng, tôi thầm nghĩ. Có bốn căn nhà trọ tồi tàn, u uất đến mức khó mà chịu đựng nổi nằm kế bên nhau. Tôi chọn một căn tên là F vì căn nhà này cho tôi cảm giác sáng sủa hơn một chút so với mấy căn khác. Một người nữ phục vụ lôi thôi lếch thếch, có vẻ khó ưa dẫn tôi lên tầng hai. và sau khi xem qua căn phòng, tự dưng tôi muốn khóc dù đã già đời. Bởi nó gợi nhớ đến căn phòng trọ ở Ogikubo mà tôi đã thuê ba năm về trước. Căn phòng trọ mà tôi thuê đó thuộc loại rẻ nhất ở Ogikubo nhưng căn phòng sáu chiếu kế bên phòng ngủ còn có vẻ đỡ rách rưới và rẻ tiền hơn căn phòng này.

“Không còn căn phòng nào khác nữa sao?”

“Dạ, các phòng khác đều được cho thuê hết rồi ạ. Nhưng phòng này cũng mát mẻ đấy ạ”.

“Vậy sao?”

Tôi cảm thấy như mình vừa bị chơi khăm vậy. Chắc có lẽ vì y phục của tôi tồi tàn quá chăng.

“Dạ, tiền thuê thì có hai loại là ba yên năm mươi xu với loại bốn yên. Tiền ăn thì tính riêng ạ. Ý quý khách ra sao?”

“Ba mươi yên năm mươi xu đi. Còn ăn uống thì khi nào muốn ăn tôi sẽ gọi. Tôi đến đây vì muốn yên tĩnh để tập trung học tập trong khoảng mười ngày”.

“Xin quý khách đợi chút ạ”. Người hầu gái chạy xuống cầu thang, lát sau quay trở lên và nói.

“Dạ nếu quý khách ở lâu thì chúng tôi sẽ phải thu tiền trước ạ”.

“Vậy tôi phải đưa trước bao nhiêu?”

“Dạ, bao nhiêu cũng được ạ”. người hầu gái ngập ngừng nói.

“Vậy tôi đưa trước năm mươi yên nhé”.

“Hừm”.

Tôi sắp tiền giấy ra trên bàn. Thật cáu tiết.

“Đây tất cả có chín mươi yên. Cầm lấy hết đi. Tôi chỉ còn để một ít tiền lẻ trong ví này để mua thuốc lá thôi”.

Tại sao mình lại đến một nơi như thế này chứ, tôi thầm nghĩ.

“Dạ, vậy xin cảm phiền ạ”.

Người hầu gái biến mất. Không được giận dữ, mình có việc quan trọng phải làm. Với thân phận mình hiện giờ bị đối xử như thế cũng là phải lắm. Tôi ép mình nghĩ như thế rồi lấy từ đáy va li ra bút mực và giấy viết.

Đây là khoảng thời gian thư thả đầu tiên trong vòng mười năm qua. Nhưng nỗi muộn phiền mà định mệnh đã gieo rắc vào tôi nhắc nhở tôi phải nghiêm túc bắt đầu khởi thảo công việc của mình.

Mình không phải đi chơi. Mình đến đây là để làm việc. Tối hôm đó, dưới ánh đèn điện tù mù, tôi trải rộng cái bản đồ thành phố Tokyo lên bàn. Mười năm trước, khi lần đầu tiên đến Tokyo, ngay cả việc hỏi mua một tấm bản đồ thành phố cũng khiến tôi xấu hổ. Sau nhiều lần do dự không biết là người ta có cười mình là đồ nhà quê hay không tôi cũng quyết ý hỏi mua một tấm bản đồ với giọng tự trào và thô tục. Mua xong, tôi nhét vào túi và chạy như bay như biến về nhà. Đêm đó, khóa kín cửa phòng, tôi len lét giở tấm bản đồ ra. Một bức tranh thật đẹp với những màu vàng xanh đỏ. Tôi ngưng thần nhìn và nín thở. Dòng sông Sumida, khu Asakusa, Ushigome, Akasaka. Hay quá, nơi nào cũng có. Chỉ cần muốn đi, bất cứ khi nào mình cũng có thể đến đó ngay được. Tôi thậm chí còn cảm thấy đúng là kỳ tích

Bây giờ đây, nhìn toàn thể thành phố Tokyo như một lá dâu bị tằm ăn nham nhở, tôi nhớ lại những con người sống nơi đó, những lề thói sinh hoạt của kinh đô. Trên cái dải đất chán ngắt đó, người tứ xứ từ khắp nơi đổ về, chen lấn nhau toát mồ hôi; phản kháng, ganh tỵ nhau tranh giành từng tấc đất; con mái vẫy gọi con đực, còn con đực chỉ biết cắm cúi bước đi như điên. Tự nhiên chẳng đâu vào đâu, tôi lại nhớ đến một câu nói u buồn trong quyển tiểu thuyết “Umoregi”.

“Tình yêu ư?”

“Hãy mơ đến những điều đẹp đẽ và hành xử như một tên ma cô.”

Rõ ràng câu nói này chẳng ăn nhập gì với Tokyo cả.

Totsuka ư? Lúc mới đến Tokyo lần đầu tiên tôi đã ở chỗ này. Người anh kế ngay trước tôi đã thuê một căn nhà ở khu này để học nghề điêu khắc. Vào năm Chiêu Hòa thứ năm, tôi tốt nghiệp trường cao đẳng Hirosaki, và nhập học khoa văn học Pháp tại trường Đại học Đế quốc Đông Kinh. Dù không biết một chữ tiếng Pháp nào, tôi vẫn muốn đến nghe những buổi giảng về văn học Pháp. Và thầm kính phục tiên sinh Tatsunoyutaka. Lúc đó, tôi thuê căn nhà phía trong cùng của một dãy nhà trọ mới xây cách nhà anh tôi ba khu phố. Mặc dù là anh em ruột thịt với nhau nhưng nếu sống chung một mái nhà e rằng sẽ có điều bất tiện. Hai chúng tôi không ai nói ra nhưng đều ngầm hiểu điều đó. Vì thế mặc dù sống trong một thành phố nhưng chúng tôi vẫn quyết định ở cách xa nhau. Ba tháng sau đó, người anh này qua đời vì bạo bệnh, chỉ mới hai bảy tuổi đầu. Sau cái chết của anh, tôi vẫn ở trong căn nhà thuê khu Totsuka đó. Từ học kỳ hai trở đi, tôi hầu như không đến trường nữa. Tôi thản nhiên tham gia vào những hoạt động ngầm. Tôi khinh miệt cái văn học với điệu bộ khoa trương tự xưng là nghề nghiệp ấy. Thời kỳ đó, tôi là một chính trị gia thuần túy. Mùa thu năm đó, có một người phụ nữ từ quê lên theo lời yêu cầu của tôi. Đó là H. Tôi quen nàng vào dịp đầu thu năm mới nhập học trường cao đẳng, sau đó cùng nàng chơi bời ba năm. H là một nữ ca kỹ trong sáng vô tư. Vì người đàn bà này mà tôi đã thuê một căn nhà ở Higashikomagata, quận Honjo. Nó nằm trên tầng hai của một tiệm đồ gỗ. Cho đến lúc đó, tôi chưa quan hệ thân xác với H một lần nào cả. Vì của H mà anh cả tôi phải lặn lội từ quê lên Tokyo. Anh em tôi sau bảy năm kể từ khi cha mất mới gặp mặt nhau trong căn phòng mờ tối ở khu nhà trọ Totsuka. Anh tôi chỉ còn biết khóc khi thấy thái độ hung hãn của thằng em nay đã thay đổi quá nhiều. Tôi đồng ý giao H cho anh tôi với điều kiện sau này hai chúng tôi phải được cưới nhau. Chắc chắn là anh tôi đau khổ hơn nhiều so với thằng em ngỗ nghịch đã buông tay từ bỏ nàng ta. Vào đêm trước khi chia tay, lần đầu tiên tôi đã ôm một người con gái. Anh tôi đưa nàng quay quả trở về quê. Còn H thì trước sau vẫn xem như chẳng có gì xảy ra cả. Tôi chỉ nhận được một bức thư với lời lẽ cứng nhắc báo là nàng đã về nhà bình an vô sự rồi thôi sau đó không có bất cứ thư từ liên lạc gì nữa. Nàng ta dường như rất an tâm yên ổn. Còn tôi thì bất bình về điều đó. Mình đây vì nàng mà ráng hết sức đấu tranh, gây sốc nặng cho tất cả thân bằng quyến thuộc, khiến mẹ phải nếm mùi khổ đau địa ngục. Còn nàng thì cứ đủng đà đủng đỉnh, với sự tự tin vô tri như vậy. Thật là nhục nhã. Tôi nghĩ ít ra mỗi ngày nàng phải gửi cho tôi một lá thư chứ. Tôi nghĩ nàng yêu tôi nhất đời. Nhưng nàng có vẻ là người không thích viết thư. Tôi tuyệt vọng. Thế là từ sáng đến tối tôi bôn tẩu ngoài đường tham gia các hoạt động ngầm. Tôi không nề hà bất cứ việc gì người ta giao cho. Và dần dần tôi nhận ra được những giới hạn của khả năng mình và tôi lại tuyệt vọng gấp bội.

Có một người con gái làm ở quán bar sau khu Ginza đã đem lòng yêu thương tôi. Ai trong đời cũng có một thời kỳ được yêu thương. Đó là thời gian bất tỉnh. Tôi rủ nàng cùng trầm mình ở biển Kamakura. Tôi nghĩ khi thất bại sẽ là khi mình chết. Tôi cũng sắp thất bại trong việc buôn thần bán thánh của hoạt động ngầm rồi. Vì không muốn bị chê là nhút nhát, tôi đã nhận làm những việc nặng vượt quá sức mình. H chỉ nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình thôi. Em đâu phải là người đàn bà duy nhất trên đời này. Em đâu có biết tôi đã phải chịu đựng khổ sở như thế nào. Đây là đòn báo thù cho em đó. Đáng đời em chưa.

Nhưng đau khổ nhất cho tôi là bị toàn thể gia đình xa lánh hắt hủi. Tự biết là vì chuyện của H mà cả mẹ tôi, anh tôi đến cô tôi đều choáng váng là nguyên nhân trực tiếp nhất khiến tôi muốn tự tử. Nhưng người con gái thì chết còn tôi lại sống. Về chuyện người con gái đã chết, trước đây tôi đã viết mấy lần rồi. Đó là điểm đen tối trong cuộc đời tôi. Tôi bị tống vào phòng tạm giam. Sau khi người ta điều tra đầy đủ, tôi sẽ bị khởi tố. Chuyện xảy ra vào cuối

Các ông anh tôi đã thật chu đáo với thằng em nguy nan sắp chết. Anh cả tôi đã chuộc cho H khỏi nghề ca kỹ, và tháng 2 năm sau đó đã gửi nàng lên cho tôi. Anh tôi đã giữ đúng lời giao ước. H đến gặp tôi với vẻ mặt vô tư hớn hở. Tôi thuê một căn nhà ở khu Gotanda giá ba mươi yên một tháng, nằm kế bên khu đất vốn thuộc về công ty bất động sản Shimazu. H bắt đầu làm việc rất chăm chỉ. Lúc đó, tôi hai mươi ba tuổi còn nàng thì hai mươi.

Giai đoạn ở Gotanda là giai đoạn ngu ngốc của đời tôi. Tôi hoàn toàn tiêu ma hết ý chí. Không còn chút hy vọng nào về việc làm lại cuộc đời. Tôi gắng pha trò và cười đùa mỗi lần bạn bè đến chơi. Những lầm lỗi về cách cư xử ngạo ngược của mình trước đây tôi chẳng lấy làm nhục thì chớ lại còn vênh váo khoe khoang. Thực sự đó là giai đoạn ngu độn và vô liêm sỉ. Tôi cũng hầu như chẳng đi đến trường nữa. Tôi chán ghét mọi nỗ lực, sống qua ngày với cái mặt nhơn nhơn mà nhìn ngắm H. Đúng là ngu. Chẳng chịu làm một thứ gì cả. Rồi thì một cách chậm chạp tôi cũng khởi sự lại làm công việc như đã nói trên kia. Nhưng lần này làm mà chẳng có nhiệt tình gì cả. Như thể đó là một thứ hư vô của kẻ chơi bời. Đó là dáng vẻ cuộc đời tôi khi lần đầu tiên thuê nhà ở một góc Tokyo.

Sang mùa hè năm đó, chúng tôi chuyển nhà đến khu phố Dobocho ở Kanda. Rồi cuối thu năm đó, chuyển sang khu Izumi cũng ở Kanda. Vào đầu xuân năm sau, là ở Kashiwagi khu Yodobashi. Chẳng có chuyện gì đáng nói ngoài chuyện tôi thỉnh thoảng tập trung vào chuyện sáng tác thơ haiku với bút hiệu Chu Lân Đường (Shurindou). Tôi đã già. Vì tham gia giúp các hoạt động ngầm như trên đã nói mà tôi hai lần bị bắt giam. Mỗi lần được thả ra, tôi lại theo chỉ thị của những người bạn chuyển đến một chỗ ở mới. Tôi chẳng cảm kích hay ghét bỏ gì chuyện mình làm. Đó là một thái độ yếu ớt theo kiểu nếu điều đó tốt cho mọi người thì mình làm thôi. Tôi với H hai đứa như hai con chim trong tổ cứ sống mơ màng theo ngày qua. H thì vui vẻ lắm. Nàng một ngày lớn tiếng chửi tôi hai ba bận sau đó chăm chỉ học tiếng Anh như chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi cũng bắt H học để cho khỏi phí thời gian nhưng hình như nàng không nhớ được nhiều. Đến chừng khi đọc được tiếng Anh qua các mẫu tự La Tinh rồi thì nàng ngưng hẳn. H viết thư cũng dở. Mà hình như nàng không muốn viết. Tôi phải viết mẫu cho nàng. H hình như rất thích làm chị tôi thì phải. Thậm chí khi tôi bị cảnh sát đến áp giải đi thì nàng cũng chẳng tỏ vẻ gì là hốt hoảng cả. Có ngày nàng còn khoái chí xem cái tư tưởng của phong trào tôi đang hoạt động như là biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng nữa kia. Giai đoạn chuyển từ Dobocho sang Izumicho rồi Kashiwagi là tôi hai mươi bố

Cuối xuân năm đó, cứ tôi lại phải chuyển nhà một lần nữa. Do cảm thấy cảnh sát có vẻ sắp sửa đến áp giải mình nên tôi bỏ trốn. Lần này vấn đề hơi phức tạp một chút. Tôi bịa chuyện nói với anh cả ở quê để nhận một lúc hai tháng tiền trợ cấp rồi cầm số tiền đó mà chạy trốn. Đồ đạc trong nhà tôi phân phát cho bạn bè nhờ giữ giùm, hai đứa chúng tôi chỉ mang theo những vật cần thiết dọn đến một căn phòng tám chiếu nằm trên tầng hai một công ty đồ gỗ ở Hacchobori, Nihonbashi. Tôi đổi tên thành Ochiai Kazuo, sinh quán tại Hokkaido. Thật sự là khổ sở. Tôi rất cẩn trọng với số tiền của mình. Tự an ủi rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thỏa cả thôi nhưng tôi chẳng chuẩn bị gì cho ngày mai cả. Tôi cũng chẳng thể làm gì khác được. Thỉnh thoảng tôi đến trường, nằm dài nơi bãi cỏ trước giảng đường ngủ vài tiếng đồng hồ. Rồi có một ngày, tôi nghe được một câu chuyện cay đắng từ một sinh viên ngành kinh tế vốn học chung trường cao đẳng với tôi xưa kia. Nghe xong tôi muốn uống luôn một ngụm nước sôi. Không lẽ nào lại như thế. Ngược lại tôi còn ghét cay ghét đắng cậu sinh viên đã báo tin đó cho tôi. Tôi nghĩ nếu mình về hỏi thử H thì chắc sẽ biết rõ ngay thôi. Tôi vội vàng chạy về căn phòng mình ở Hacchobori, Hokkaido nhưng sau khi gặp H thấy sao khó mà mở lời. Đó là một buổi chiều ngày đầu hạ. Ánh mặt trời phía tây chiếu rọi vào phòng nóng bức. Tôi bảo H đi mua một chai bia Oraga. Lúc đó giá một chai bia Oraga là hai mươi lăm xu. Uống xong chai bia, tôi bảo H đi mua chai nữa, thế là nàng nổi giận. Tôi bị nàng mắng cũng nổi khí xung thiên, cố giữ giọng thật bình tĩnh vặc lại H chuyện mà người sinh viên đó kể cho tôi nghe hôm nay. H nhíu đôi lông mày lại như giận dữ, lầm bầm bằng ngôn ngữ quê mùa ngớ ngẩn rồi sau đó im lặng đan len. Chẳng có thấy vẻ gì là tội lỗi cả. Vì thế mà tôi tin H.

Tối đó, tôi đã đọc một quyển sách tệ hại. Quyển “Thú tội” của Rousseau. Khi đọc đến đoạn Rousseau khổ đau dằn vặt về quá khứ của vợ, thật tình tôi chịu không nổi. Và tôi cảm thấy không thể nào mà tin H được nữa. Đêm đó, tôi lại khơi chuyện ra hỏi nàng một lần nữa. Và tôi mới hay câu chuyện mà cậu sinh viên đó kể cho tôi nghe hoàn toàn là sự thực. Thậm chí sự thực còn cay đắng hơn. Tôi có cảm giác rằng nếu mình tiếp tục đào bới lên thì câu chuyện này sẽ là một hố sâu không đáy. Vì thế tôi bỏ cuộc nửa chừng.

Thực ra về phương diện này, tôi đâu có tư cách đổ lỗi cho ai. Vụ tự sát đôi ở biển Kamakura vẫn còn đó. Tuy nhiên đêm đó tôi lại nóng máu ngủ không yên. Tôi nhận ra là cho đến giờ mình đã đối xử với H thật là chu đáo, lo cho nàng thật thiết tha. Và tôi đã sống vì điều đó. Tôi cứ nghĩ mình đã cứu vớt nàng lúc nàng còn trong trắng. Từ những điều H nói, tôi chỉ hiểu đơn thuần rằng nàng là một con người mạnh mẽ. Đối với bạn bè, tôi cũng thường tự hào mà khoe như vậy. Bởi vì tính cách đó nên nàng mới có thể giữ mình trong trắng cho tận khi đến với tôi. Không từ nào có thể hình dung được sự vui sướng hạnh phúc đó. Tôi thật là một thằng con trai ngu ngốc. Chẳng hiểu chút gì về đàn bà cả. Nhưng tôi không căm ghét H chút nào về tội lừa dối tôi. Thậm chí tôi còn thấy lời tự thú của H thật đáng yêu làm sao. Tôi còn muốn chà lưng cho nàng nữa chứ. Chỉ là một việc đáng tiếc mà thôi. Tôi cảm thấy chán nản rã rời. Tôi muốn dùng gậy đập tan cuộc sống riêng của mình. Tóm lại là tôi thấy mình không thể nào tiếp tục được nữa. Vì thế tôi đến sở cảnh sát đầu thú.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.