Mài Giũa

Chương 15




Tống Lãng Huy vòng về phòng trang điểm, Trang Phi Dư và Hứa Sở vẫn còn ở đó. Thấy đầu anh nhễ nhại mồ hôi, mặt mày chù ụ, Trang Phi Dư ghé tới hỏi:

– Sao vậy? Đám cù lần ở trường ông lại tới thúc đít ông học à?

Trang Phi Dư nhân lúc anh ra ngoài đã lấy xấp tài liệu trên bàn xem thử, rồi thảo luận với Hứa Sở bảo Tống Lãng Huy thê thảm quá, đi đóng phim mà vẫn còn bạn học “5 tốt” nhiệt tình giám sát việc học.

Thấy Tống Lãng Huy hầm hầm không đáp, Trang Phi Dư lại vẫy tờ tài liệu trong tay:

– Ê, ông không xem thật à? Bạn học tốt của ông còn viết hẳn một quyển ghi chép đấy.

Tống Lãng Huy giằng lấy cuốn vở và xấp đề trong tay Trang Phi Dư, mấy trang đầu là bài kiểm tra trong lớp và bài thi tháng, mấy trang sau là tài liệu bổ trợ chung của trường, sau đó là một quyển ghi chép bài học.

Trang Phi Dư vẫn chưa chịu tắt đài:

– Ê, ông xem này, bạn học ưu tú của ông đúng là Lôi Phong (*) sống đấy, viết hết sức cặn kẽ, “Mình mượn vở của Nhiếp Sảnh Sảnh để chép cho cậu”… Há há há há đúng là cù lần, nó tưởng nó là thiên thần học tập hay gì.

(*) Lôi Phong: chỉ người năng nổ nhiệt tình tốt bụng hay giúp đỡ người khác

Lửa giận của Tống Lãng Huy bốc lên ngùn ngụt, mặt nhăn như khỉ ăn ớt, quát vào mặt Trang Phi Dư:

– Mày có thôi đi chưa?

Trang Phi Dư là đứa ngang ngược xấc láo nhất trong đám. Bác cả của nó làm trong bộ Văn hóa, bình thường mọi người cũng phải nhịn nó nhiều. Nghe Tống Lãng Huy quát như thế, Trang Phi Dư nổi sùng lên ngay. Hứa Sở thấy Tống Lãng Huy đang tức giận thật sợ lớn chuyện là cả đám chết hết nên túm Trang Phi Dư cứng ngắc.

Tống Lãng Huy ôm đống tài liệu rời khỏi phòng trang điểm. Tòa nhà bị bỏ hoang có tổng cộng sáu lầu, anh chạy lên sân thượng. Cuối tuần học sinh trong trường rất nhàn hạ, anh đứng trên sân thượng có thể nhìn thấy từng đôi nam nữ chở nhau trên chiếc xe đạp dưới hàng cây xanh mát, có cả tốp năm tốp ba nam sinh ôm trái bóng rổ đi trên sân, thỉnh thoảng nhảy chồm lên làm động tác ném rổ.

Hết cấp ba là đại học, mình và Trần Trác vào đại học sẽ như thế nào?

Tống Lãng Huy thấy đáp án quá rõ ràng. Từ nhỏ anh đã sống trong một tập thể xem nhẹ việc học, còn Trần Trác đã được định sẵn sẽ trở thành người nối nghiệp công việc nghiên cứu vật lý. Giao điểm giữa hai đứa đến từ quyết định cứng rắn của Tống Cảnh và sự sắp xếp vô tình của thầy Chu. Thật ra bọn họ vốn không phải kẻ chung đường, dù từng có vài khoảnh khắc cả hai cảm thấy đối phương là một trong số ít những người có thể hiểu được mình, nhưng đến cuối cùng thì cũng chia đôi ngả mà thôi: Trần Trác sẽ học ở một trường đại học bình thường, tiếp tục sự học nghiêm chỉnh của mình, bắt đầu một mối tình tử tế; Tống Lãng Huy không còn lựa chọn nào ngoài một trong hai trường kịch nghệ tốp đầu cả nước, tiếp tục đóng phim, tiếp tục bù khú với đám bạn thổ tả ở những nơi rực rỡ ánh đèn và nồng nặc men rượu, nghe theo công ty quản lý tạo ra vài tin đồn thu hút công chúng.

Thậm chí lửa giận hôm nay cũng không thể trách Trang Phi Dư được. Người hùa theo nó là chính anh cơ mà, dù cho câu nói ấy không phải thật lòng đi nữa. Nếu không phải vì Trần Trác là một đối tượng đáng để chơi chung thì đổi thành bất kì ai khác, anh cũng chả thèm ngó ngàng gì tới chuyện đôi bạn cùng tiến rồi.

Anh thật sự rất thích thế giới của Trần Trác, sạch sẽ, đơn giản, tin tưởng vào vật lý và sự nỗ lực của bản thân, không có chất gây nghiện, hút thuốc, uống rượu, tán gái nhăng nhít. Nhưng Tống Lãng Huy không phải ngày đầu tiên vào nghề, làm sao mà không hiểu người quá đơn thuần sẽ không thể có chỗ đứng trong giới giải trí này. Giống như Tống Cảnh muốn cho anh ba năm cấp ba ngây ngô trong sáng nhưng cũng không cấm tiệt mối quan hệ giữa anh với bọn Trang Phi Dư và Hứa Sở. Vì đây là giới xã giao, đằng sau nó có vô số tài nguyên và quan hệ.

Tống Lãng Huy cúi đầu nhìn cuốn vở trong tay, trang đầu tiên kẹp một tờ ghi chú nhỏ, “Bình thường mình không hay ghi bài nên mình mượn vở của Nhiếp Sảnh Sảnh để chép cho cậu, cậu đọc trước cho hiểu rồi hẵng làm bài tập. Trần Trác.”

Chữ viết của Trần Trác rất đẹp, vở ghi được viết nắn nót hơn nửa cuốn, bên cạnh mỗi một điểm kiến thức còn chỉ ra số trang chứa bài tập tương ứng trong xấp đề. Đây không thể là chép của Nhiếp Sảnh Sảnh được.

Tống Lãng Huy chỉ ở trên sân thượng mười phút thôi, không lâu sau đã bị trợ lý phim trường bắt xuống quay rồi. Chiều hôm đó, vai anh diễn nhận được thư thông báo trúng tuyển của trường đại học mà mình mơ ước, đạo diễn yêu cầu anh phải diễn sự sung sướng trào dâng từ trong nội tâm.

Anh quay rất suôn sẻ, hai lần là qua rồi, thậm chí Tô Lịch còn ngợi khen anh nức nở. Tống Lãng Huy nhớ lại cảm xúc bùi ngùi của mình hồi chiều và lớp vỏ ngụy trang trước ống kính, chưa bao giờ thấy mệt như vậy.

Anh là diễn viên, dù ngoài đời có trải qua kiếp nạn khổ ải gì kinh khủng nhưng một khi máy quay đã bật thì cũng phải diễn cho được niềm hạnh phúc của nhân vật hư cấu.

Buổi tối Tống Lãng Huy gọi điện cho mẹ, đã lâu lắm rồi anh không tỏ ra trẻ con trước mặt bố mẹ nữa. Nhưng lần này trước khi cúp điện thoại, anh có hỏi:

– Mẹ ơi, giả sử con không đóng phim mà làm một người bình thường thì sẽ thế nào?

Chương Nhân Ỷ hồi sau mới trả lời:

– Lãng Lãng à, từ trước đến nay mẹ chỉ mong con sống một cuộc sống bình thường và vui vẻ mà thôi.

Khi Chương Nhân Ỷ rời khỏi màn ảnh là lúc bà vẫn còn đang ở đỉnh cao sự nghiệp, thế mà vẫn nói lời giã từ nó không một chút do dự. Khi Tống Lãng Huy ký hợp đồng quay bộ phim đầu tiên bà đã không đồng ý, Tống Cảnh nói đây là lựa chọn của con trai, cũng có thể là số mệnh của nó.

Tống Lãng Huy cúp điện thoại. Dù cho Chương Nhân Ỷ có sẵn lòng trải đường lui vô tận cho anh, thanh toán sẵn lựa chọn cho cuộc đời của anh, nhưng năm nay anh đã mười sáu tuổi chứ không phải sáu tuổi. Anh đã bước vào cái ngành này được mười năm rồi, mất rất nhiều thứ và cũng trải qua rất nhiều chuyện. Mà huống hồ anh cũng có niềm đam mê với nó, đương nhiên nó cũng có những nhơ nhớp và mất tự do nhưng cũng không thiếu giây phút tỏa sáng.

Trước khi đi ngủ, anh suy tư rất lâu nhưng cuối cùng cũng không gọi cho Trần Trác. Anh vừa không muốn cười hi hi ha ha cho qua chuyện, càng chưa chuẩn bị sẵn sàng để giải thích hay xin lỗi một cách nghiêm túc.

Thật ra Trần Trác cũng chưa ngủ được.

Hôm trước cậu thức tới nửa đêm để chép vở, buổi chiều cậu lại ra ngoài hết thời gian một bộ phim mới quay về. Vào nhà, bà thấy cậu không vui bèn hỏi:

– Cháu sao thế? Mới nãy đi không phải còn khấp khởi nói muốn xem một bộ phim mới rất hay gì đó mà.

Trần Trác trả lời bà:

– Lúc trước cháu tưởng nó rất hay, nhưng thật ra cũng không hay đến mức đó.

Cậu dầm mình suốt cả buổi tối trong suy tưởng, bộ phim đó không hay ở chỗ nào?

Cậu nhớ tới những buổi chiều cùng nhau làm bài tập trong lớp đội tuyển, cuộc gọi đêm giao thừa từ phía nam bán cầu. Trái ngược với những khoảnh khắc dịu dàng tinh khôi đó là chàng trai trong quảng cáo nước ngọt, là gương mặt sắc sảo bội phần trong phòng trang điểm, và những câu đánh giá đầy tính châm chọc.

Tống Lãng Huy ở trước mặt cậu rất đơn giản. Sự giản đơn ấy đã che mờ vẻ lõi đời vốn có của anh. Như chiều hôm nọ chẳng hạn, Tống Lãng Huy lôi từ trong cặp ra cuốn đề đã làm xong từ hôm trước, sơ ý lôi ra một hộp Malboro, sau đó anh nhanh tay cất đi, tiếp tục gọi Trần Trác là “thầy Tiểu Trần” như chưa có chuyện gì xảy ra.

Trong lớp phụ đạo, trong quảng cáo nước ngọt, trong phim mới của đạo diễn lớn, con người này sắm mỗi nhân vật khác nhau cho từng hoàn cảnh.

Nhưng Trần Trác không chán ghét gì cả.

Dù cậu bị đặt biệt hiệu là robot đi nữa thì cậu cũng không ghét người đã nói ra câu ấy. Vì cuộc sống mà anh trải qua đặc sắc và đa dạng hơn cậu rất nhiều. Đến cả bản thân Trần Trác cũng từng hoài nghi con đường mình đi thật buồn tẻ và vô nghĩa, làm sao mà một Tống Lãng Huy lớn lên trên sân khấu và trước ống kính lại không cảm thấy cuộc sống của cậu máy móc cho được.

Cậu quay đầu bỏ đi trong sự thất vọng và buồn bã, chỉ bởi vì cậu tưởng rằng, qua những lần cậu trao gửi chân tình thì Tống Lãng Huy đã có cái nhìn tường tận hơn những người xung quanh về cuộc sống máy móc của cậu rồi, dù là một tẹo teo đi nữa.

Nhưng chiều nay, câu nói đó đã khiến cậu nhận ra, cậu và Nhiếp Sảnh Sảnh, hay là những người bạn học mà có lẽ Tống Lãng Huy còn không nhớ nổi tên, chẳng qua chỉ là những chiếc đinh ốc trong dây chuyền sản xuất của anh mà thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.