Tống Dục mỗi khi nhớ đến sự tình yến tiệc mừng xuân năm đó đều không nhịn được phải mỉm cười thích thú.
Một con ma men bên khóm mai khôi, một con tin bị thích khách khống chế, một kẻ vì thọ thương mà khóc lóc náo loạn. Trong một khoảng thời gian ngắn y đã thấy được ba biểu hiện khác nhau ngay chính ở con người Lý Tùng Thanh, mà cả ba đều thập phần đáng yêu. Tuy rằng Lý Tùng Thanh là một nam nhân, nhưng ngoại trừ chữ “đáng yêu” thì y không còn tìm được bất kỳ từ ngữ nào thích hợp hơn để miêu tả.
“Ừm, đôi lúc hắn thật sự rất đáng yêu, nhất là biểu tình lúc buồn ngủ, tựa hệt như một chú cún con dễ thương vậy… A, không, không đúng, thần đệ đến không phải để nói chuyện này. Tam ca, huynh để Tiểu Diểu đến Sở Nam là muốn đưa hắn đến chỗ Tiểu Thất sao?” – Tống Huyễn hỏi.
“Có ở lại bên cạnh Tiểu Thất hay không là tùy theo ý muốn của Tiểu Diểu.” – Hoàng đế thản nhiên trả lời.
“Vậy huynh cần gì bảo Lý Tùng Thanh đi cùng?”
“Mọi việc trẫm tất có dụng ý.”
Tống Huyễn trầm ngâm chốc lát, muốn nói gì đó rồi lại thôi, cuối cùng mới cất giọng – “Tam ca, thần đệ gần đây nghe được một số lời đồn đãi… à… thật sự không biết có nên nói cho huynh biết không.”
“Là đồn đãi về trẫm và Lý Tùng Thanh phải không?”
“Quả nhiên trong thiên hạ không chuyện gì có thể qua được mắt huynh cả.” – Tống Huyễn thán phục kêu lên – “Huynh để hắn rời đi vào thời điểm này không sợ hắn sẽ vĩnh viễn không quay về sao?”
“Không, hắn nhất định sẽ trở về, là trở về bên cạnh trẫm.” – thần sắc Hoàng đế không biểu lộ chút gợn sóng nào, ngôn ngữ vẫn kiên định tràn đầy tự tin.
“Đôi lúc thần đệ thật sự không hiểu rõ là Hoàng đế có được Lý Tùng Thanh, hay là Lý Tùng Thanh có được ngài?”
Hoàng đế chỉ cười mà không đáp.
Chính xác mà nói, là hai người đã có được nhau.
Mỗi khi Lý Tùng Thanh nổi tính bướng bỉnh, y trước sau dùng ngữ khí ôn hòa kiên nhẫn dỗ dành hắn, chưa bao giờ lấy đó làm phiền, càng không nói đến tức giận, thậm chí còn yêu thương vạn phần, dung túng hắn, mang hết thảy những thứ tốt đẹp nhất trên đời này cho hắn, cơ bản có thể gọi cưng chiều. Ngẫm lại y đường đường là thiên tử Đại Thiệu, trên đời này làm gì có ai có thể khiến y cam tâm tình nguyện làm những việc tưởng chừng như hèn mọn như thế, duy chỉ có mỗi mình Lý Tùng Thanh.
Đây gọi là đạo lý vạn vật tương sinh tương khắc từ ngàn đời nay cổ nhân truyền lại.
Lúc trước y cũng không dự đoán nổi Lý Tùng Thanh sẽ chiếm một vị trí quan trọng đến nhường ấy trong tâm tư mình, cứ nhè nhẹ từng chút một len lỏi vào sâu thẳm bên trong mà bén rễ, gắt gao bám chặt không rời, muốn nhổ bỏ cũng đành vô phương.
Cả đời đã định là không thể thiếu đi con người này. Và y tin tưởng rằng Lý Tùng Thanh cũng như thế. Họ là, ai cũng không thể thiếu ai.
Y biết bên ngoài ngự thư phòng này, những lời đồn đãi về Hoàng đế cùng Lễ bộ Thị Lang đang lặng lẽ gợn sóng, vậy thì chẳng bao lâu nữa sóng kia sẽ hóa thành phong ba bão táp quật thẳng vào họ. Mà y thì cơ hồ đã hiểu quá rõ về con người kia, càng đoán được hắn sẽ có phản ứng thế nào.
Chắc chắn sẽ tìm đường đào tẩu.
Để rồi sau đó trở về bên cạnh y.
Những tinh tú trên bầu trời thăm thẳm kia vô luận là chuyển dịch theo quỹ đạo nào thì cuối cùng cũng quay trở về điểm khởi đầu. Lý Tùng Thanh từng chỉ vào cả một dải ngân hà hằng hà sa số những ngôi sao mà nói với y như thế. Đôi mắt kia ban ngày nửa khép nửa mở như ngủ không yên, nhưng khi màn đêm buông xuống lại trong sáng rực rỡ đến nhường ấy.
Cho nên mặc kệ là hắn đi đến nơi đâu, cách y bao xa, bao lâu, kết quả vẫn sẽ trở về bên cạnh y.
Nhất định là thế.Đại nạn không chết tất có hồng phúc tề thiên.
Thực xui xẻo mà cũng thực may mắn khi những lời này lại ứng nghiệm trên người Lý Tùng Thanh.
Kỳ thật bả vai của hắn mặc dù phải nhận lãnh một nhát kiếm đầy thống khổ, nhưng kiếm kia được rèn tốt đến độ chém sắt như chém bùn, lưỡi kiếm lại mảnh nên vết thương không quá lớn, sau đó cũng không động đao động kiếm để vết thương phải rách toạc ra, đồng thời cũng chưa tổn thương đến kinh mạch. Một nhát kiếm kia tưởng chừng sẽ đoạt mạng ngay lập tức, ấy thế mà vừa vặn sao đều tránh khỏi những chỗ hiểm yếu. Thật không thể không thừa nhận kiếm thuật của thích khách kia rất thần diệu, lợi hại, vô cùng lợi hại.
Lại nghiêm túc nói tiếp, Lý Tùng Thanh dẫu có thọ thương cũng chỉ là vết thương ngoài da thịt, đại ngự y dùng những loại dược liệu trân quý nhất để chạy chữa. Vì thế miệng vết thương chỉ một thời gian ngắn sau đó đã khép lại, bắt đầu kéo da non mà hắn cũng không còn đau đớn kêu gào đến mức gà bay chó sủa. Nhưng hắn ước chừng vẫn yên vị tại nhà nằm dài tĩnh dưỡng suốt hai tháng liền, thân nhân đối với thương thế của hắn chăm sóc vô cùng cẩn thận, đến cả kẻ yêu tiền như mạng sống Lý Tùng Ngân cũng không tiếc bỏ ra một số bạc lớn mua những thánh phẩm trân quý thượng đẳng để hắn tẩm bổ.
Bất quá lão đại miệng mồm vẫn như cũ mà bảo rằng – “Ngươi không cần cảm động, ca ca ngươi còn phải trông cậy vào chức nghiệp liên kết quan viên triều đình của ngươi. Bởi vậy ngươi không được lãng phí lộc nhung, nhân sâm ngàn năm đệ nhất của ta, mau mau đứng dậy trở về cung đi.”
Lý Tùng Thanh mỉm cười đáp lại, nói rằng – “Đệ đệ ta còn muốn ăn ngọc thiềm tuyết cáp và địa cực liên tử[1].”
“Hỗn tiểu tử, sao ngươi còn chưa chết hả?”
Hôm sau canh ngọc thiềm tuyết cáp và địa cực liên tử được đưa đến ngay sau khi dùng điểm tâm. Cơm dâng nước rót đến tận cửa miệng, quả nhiên là túy sinh mộng tử[2], như thể đang ở chốn thiên đường.
Đây há chẳng phải chính là hạnh phúc đến cuối đời ư?
Thế rồi đến ngày hồi cung phục chức thì hắn cuối cùng cũng đạt thành sở nguyện, thuyên chuyển đến nhậm chức Lễ bộ Thị lang.
Sự tình là như thế này. Sau khi lâm triều thì hắn bị triệu đến ngự thư phòng, lúc ấy có cả Lại bộ Hứa Thượng thư, Lễ bộ Trương Thượng thư và Thượng Trí Quốc sư cùng ở đấy. Cả ba vị nếu không là thượng quan thì cũng là thượng sư.
Đợi sau khi hắn hành lễ bái lạy Hoàng đế xong, Thượng Trí Quốc sư liền nói – “Hoa lại đã khai nhụy rồi, Lý đại nhân có muốn đến hái hoa nữa không?”
Lý Tùng Thanh chắp tay trả lời – “Cảm tạ Đại quốc sư ngày hôm đó đã ban lời chỉ giáo. Hoa đã dâng lên Hoàng thượng nên hạ quan vốn là chẳng cần hái nữa làm gì.”
“Bản quan nhớ rõ hoa là ngươi ăn lấy mà.” – Trương Thượng thư nói. Người này có ánh mắt hiền từ y hệt như Thượng Trí Quốc sư, nhìn qua cũng biết là một vị lão tiên sinh phúc hậu.
Lý Tùng Thanh vẻ mặt chẳng chút ngượng ngùng, tiếp tục chắp tay cười nói – “Trí nhớ của Trương đại nhân tốt thật, nếu không sao có thể nhớ chuyện của hạ quan ngày ấy.”
“Hôm nay Hoàng thượng triệu ngươi đến đây là bởi vì tháng trước ngươi có công hộ giá, muốn hỏi xem ngươi có muốn được ban thưởng gì không.” – Hứa Thượng thư lái câu chuyện trở về chủ đề chính.
Hộ giá có công? Lý Tùng Thanh sửng sốt nghĩ thầm chẳng lẽ ý là chỉ việc hắn đẩy Hoàng đế ra, giúp Hoàng đế không bị thích khách kia sát thương sao? A, thật ra đó là vì thích khách kia đẩy hắn mạnh quá, nên hắn cũng thuận thế đẩy ngã Hoàng đế. Tình cảnh khi ấy rối ren nguy cấp, hắn làm gì còn tâm trí nghĩ đến chuyện cứu giá, chỉ có thể nói hùa theo, hết thảy đều là do trùng hợp mà thành.
“Hạ quan không dám! Chỉ cần Hoàng thượng được bình an, hạ quan dẫu chết trăm triệu lần cũng đáng, càng không dám nói đến việc đòi hỏi được ban thưởng gì.” – Lý Tùng Thanh làm ra vẻ kinh sợ, chột dạ mãi không thôi.
“Lý Tùng Thanh, khanh có nguyện vọng gì thì cứ thoải mái đề đạt.” – Hoàng đế mở miệng nói.
“Đúng vậy, không cần từ chối mãi thế. Những thứ nên là của ngài thì sớm muộn gì cũng là của ngài mà thôi.” – Thượng Trí Quốc sư tủm tỉm cười nói vào, xem ra rất có cảm tình với chàng thanh niên này.
Nếu cứ kiên trì từ chối lễ vật của người khác là không lễ độ, mà đây là do Hoàng đế ban cho, nếu không nhận sẽ là bất kính. Lý Tùng Thanh ngẫm nghĩ rồi tuân theo – “Nếu đã vậy thì hạ quan chỉ có một nguyện vọng là được thuyên chuyển đến nơi khác.”
“Ngươi muốn được thăng quan ư?” – Hứa Thượng thư nhướng mày hỏi.
“Không, hạ quan chỉ hy vọng có thể thuyên chuyển sang Lễ bộ, nếu có bị giáng chức cũng chẳng sao cả.”
Kẻ khác được thăng quan vui mừng nắm bắt lấy còn không kịp, vậy mà lại có người tự xin được giáng chức. Hứa Thượng thư nhìn hắn mà thầm nghĩ phải chăng trí tuệ của hắn đã bị thích khách kia phá hủy hết rồi không.
“Lễ bộ không tệ chút nào, nếu được chuyển đến đó thì có thể thường xuyên đến Bạch Hộc Tự hái mẫu đơn.”
Cái gì vậy chứ, Thượng Trí Quốc sư dường như đặc biệt rất thích nhắc đến chuyện này thì phải. Lý Tùng Thanh không khỏi nghĩ thầm người ta vẫn bảo cứ nhắc đi nhắc lại mãi một chuyện là dấu hiệu đãng trí của các lão nhân. Thượng Trí Quốc sư phải chăng cũng đã trở nên như thế rồi?
“Vì sao ngươi lại muốn chuyển đến Lễ bộ?” – Trương Thượng thư hỏi. Theo lý thuyết mà nói thì trong lục bộ, Hộ bộ là nơi dễ dàng thể hiện tài trí, thuận đường thăng quan tiến chức. Vậy mà chẳng hiểu sao kẻ này lại muốn chuyển đến Lễ bộ, là nơi tiền đồ vô hậu nhất trong lục bộ.[3]
“Hồi bẩm Trương đại nhân, là bởi vì hạ quan có hứng thú với công vụ ở Lễ bộ.”
Hứng thú? Hắn dám mang công vụ triều đình ra xem như một vở kịch sao? Ánh mắt kinh ngạc của Hứa Thượng thư chuyển thành ánh mắt khinh thường. Ông ta phụ trách quản lý điều động quan viên từ hàng tứ phẩm trở xuống đã lâu, chưa từng nhìn thấy một kẻ không có chí tiến thủ đến thế này.
“Lễ bộ còn khuyết vị trí nào không?” – Hoàng đế hỏi.
“Hồi bẩm Hoàng thượng, Lễ bộ vẫn còn thêm được một chân Thị lang.” – Trương Thượng thư trả lời.
“Vậy thì bắt đầu từ sáng mai, điều Lý Tùng Thanh đến Lễ bộ nhậm chức Lễ bộ Thị lang, phong hàm chánh tam phẩm.” – Hoàng đế hạ chỉ.
“Vi thần khấu tạ Hoàng thượng thánh ân.” – Lý Tùng Thanh lại quỳ rạp xuống đất mà hành lễ. Chức vụ Lễ bộ Thị lang đối với hắn chính là cầu còn không được, công vụ ít, bổng lộc cao, lại cũng không cách nhà hắn quá xa.
“Vậy các khanh ai nấy đều lui cả đi, riêng Lý Tùng Thanh lưu lại.” – Hoàng đế ban lệnh.
“Chúng thần xin cáo lui.”
“Lý Tùng Thanh, bình thân!”
“Tạ ơn Hoàng thượng!”
“Ngẩng đầu lên!”
Lý Tùng Thanh y lệnh ngẩng đầu lên.
Hoàng đế chăm chú nhìn hắn thật cẩn thận. Suốt hai tháng ròng rã không thấy hắn, khí sắc so với lúc vừa thọ thương xem chừng đã tốt hơn nhiều, thậm chí còn phần hồng hào hơn, dáng điệu thập phần nhu thuận, làn da trắng trẻo mịn màng, đôi môi cũng khôi phục lại sắc hoa xuân, thần tiên mỹ lệ.
Và Hoàng đế chợt phát hiện mình đã nhớ hắn rất nhiều.
“Thương thế còn đau không?” – ngữ khí ngài bất tri bất giác dịu dàng lại, không lạnh lùng uy nghiêm như lúc trước.
“Vi thần cảm tạ hoàng thượng quan tâm, đã không còn đau nữa rồi.”
Hoàng đế đột nhiên đánh mắt về phía vết thương của Lý Tùng Thanh, lòng không khỏi xúc động muốn nhìn thử xem có thật sự đã tốt hẳn chưa. Thân làm Hoàng đế dĩ nhiên không thể làm vậy, thế nên, sự xúc động này khiến cõi lòng y chợt kinh ngạc, không hiểu vì sao mình lại quan tâm đặc biệt đến người này. Đơn giản chỉ vì người này hai tháng trước đã vì y mà suýt thân vong ư? Y là Hoàng đế, cho dù dùng đức mà trị thiên hạ nhưng số kẻ chết vì y nào đâu phải ít, nhưng y chưa từng đối với ai có sự quan tâm khác thường đến thế. Chính vì vậy y không khỏi có điều phiền muộn vì tình cảm không thể diễn đạt thành lời này.
Lý Tùng Thanh bị Hoàng đế nhìn đến toàn thân run rẩy. Từ trước đến nay dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào hắn đều có thể tự tại, chỉ trừ phi đứng trước mặt Hoàng đế bệ hạ là lại mất tự nhiên, thậm chí có phần không được thoải mái. Hơn nữa lúc Hoàng đế lẳng lặng nhìn hắn như thể muốn tìm kiếm trên người hắn một điều gì đó, khiến hắn cơ hồ muốn nói thẳng với ngài rằng “ngài không cần nhìn ta như thế đâu. Ta chỗ nào cũng khó coi hết”.
Hoàng đế dường như nhìn ra vẻ mất tự nhiên của hắn nên nghiêm túc hỏi – “Khanh năm nay tuổi cũng đã ngoài hai mươi, vì sao chưa thành gia lập thất?”
Gì vậy? Vấn đề Hoàng đế đề cập hình như hơi kỳ lạ khiến hắn giật mình thảng thốt – “Hồi bẩm Hoàng thượng, vi thần còn chưa gặp được người ý hợp tâm đầu.”
Trên thực tế thì số người muốn thay hắn mai mối, hoặc mang hoàng hoa khuê nữ nhà mình gả cho hắn không phải ít, bởi dù sao hắn cũng là một thám hoa, tiền đồ sáng lạn, nhưng đáng tiếc đều bị hắn khước từ. Mà Lý gia đối với chuyện hôn nhân đại sự, cả thái độ lẫn quan niệm đều khá khoan dung, muốn thành thân hay sống độc thân đều tùy theo ý muốn của mỗi người, không ai miễn cưỡng ai. Hắn là thuộc về riêng bản thân hắn, vậy hắn có thể tùy ý lựa chọn cho mình một cuộc sống riêng.
“Nếu trẫm làm mai một mối cho khanh thì khanh thấy thế nào?”
Gì cơ? Lý Tùng Thanh cảm thấy tột cùng kinh ngạc, nhất thời ngẩn người ta. Hoàng đế bệ hạ vĩ đại, có thể thỉnh ngài đừng dùng thứ biểu tình và ngữ khí nghiêm túc thế không? Nếu nói ra những lời như thể các vị cao niên lẩm cẩm thì có chút không phù hợp với hình tượng một vị Hoàng đế anh minh thần võ, uy phong ngất trời của ngài đấy.
“Vi thần cảm tạ Bệ hạ quan tâm, nhưng vi thần trước mắt chưa nghĩ đến chuyện thành thân.”
“Vì nguyên nhân gì?”
Chính là vì không nghĩ đến, chứ còn vì cái gì nữa chứ – “Hồi bẩm Hoàng thượng, vi thần hy vọng có thể công thành danh toại rồi mới tính đến chuyện thành gia lập thất.” – nếu đúng như lời hắn nói thì chi bằng cứ hiểu là hắn cả đời này cũng không thành thân.
Hoàng đế lại nhìn hắn chăm chú trong giây lát rồi nói – “Lui xuống đi!”
“Vi thần cáo lui!” – Hô, Lý Tùng Thanh nhẹ nhàng thở phào. Hắn hoàn toàn không nghĩ đến Hoàng đế đến cả việc chung thân đại sự của thần tử cũng quan tâm, thật không hổ là một vị Hoàng đế yêu dân như con (thật thế sao?)
Kết quả là Lý đại nhân của chúng ta đi nhậm chức mới, hoan hoan hỉ hỉ bước đến môn viện của Lễ bộ, trở thành một quan viên thanh nhàn không lớn không bé, giúp hắn phát dương quang đại lý tưởng của chính mình.
Ngoại trừ việc mỗi ngày đều phải đúng giờ tiến vào đại diện lâm triều nghị luận quốc sự.
Trước đây tuy rằng cũng phải lâm triều, nhưng các quan viên thuộc hàng tứ phẩm trở xuống đều ở ngoài đại điện, hướng về phía vị Hoàng đế không thấy rõ kia mà hành lễ, đợi đến khi nghe được câu “Có việc thì tấu, vô sự bãi triều” thì có thể ba chân bốn cẳng chạy về nơi của mình để nghỉ ngơi, không cần cố nhịn chuyện ăn không ngon, ngủ không yên mà chịu trận giữa đại điện.
Được tiến vào đại điện nghị sự cơ hồ có thể nói là một bước lên trời, người khác đối với hắn vừa hâm mộ, vừa ghen tị, còn hắn chỉ cảm thấy như chịu cực hình khổ sai. Ai, sớm biết thế này thì lúc trước cứ thẳng thắn nói bản thân chỉ muốn làm một Lang trung, thậm chí chỉ là Viên ngoại lang cũng tốt lắm rồi, không cần thăng hắn lên hàng Thị lang chánh tam phẩm gì cả.
Bất quá cũng còn chút ưu đãi, ấy là Lễ bộ so với Hộ bộ quả nhiên thoải mái hơn rất nhiều. Tuy rằng công vụ không ít, nhưng hắn hiện tại là Thị Lang, phẩm giai chỉ kém mỗi Thượng thư, có thể danh chính ngôn thuận sai phái người khác làm việc, mấy việc sao chép văn thư nhỏ nhặt không đến phiên hắn động tay vào. Hắn chỉ cần an nhàn ngồi đợi thành quả làm việc của thuộc cấp xem có sai lầm gì không, rồi mang trình lên Thượng thư đại nhân một văn bản tóm tắt là xong.
Lễ bộ Thị lang là một chức quan thanh nhàn, là chức vị mà chẳng ai muốn làm, bởi lẽ nó chẳng hề cho người ta bất kỳ cơ hội thăng quan tiến chức nào, nhưng Lý Tùng Thanh cảm thấy rất khoái hoạt.
Đồng liêu[4] ở Lễ bộ xem chừng cũng dễ dàng giao thiệp hơn là ở Hộ bộ. Trong mắt quan viên Lễ bộ thì Lý Tùng Thanh là một nhân vật thần kỳ. Nào là một vị cấp trên có thể khiến bọn họ thoải mái làm việc, nếu có sai sót gì hắn sẽ ôn tồn chỉ bảo chứ không nghiêm giọng trách cứ. Nhìn qua có vẻ chỉ là một người lơ đãng không chú tâm nhưng lại có thể phát giác những điểm lỗi dù là nhỏ nhặt nhất, tránh được rất nhiều sai lầm.
Nhưng thần kỳ nhất chính là bất cứ lúc nào cũng có thể ngủ gà ngủ gật. Mỗi khi có việc đánh thức hắn, chỉ thấy hắn hai mắt kèm nhèm mở chẳng lên như hai đường thẳng mà xem văn kiện một lượt từ trên xuống dưới, ấy vậy mà vẫn có thể vạch ra những điểm sai lầm không mảy may nhầm lẫn. Sau khi đưa ra những chỉ thị sửa chữa, hắn lại tiếp tục ngả đầu tìm mộng đẹp. Trương Thượng thư đối với hắn tương đối khoan dung, hắn yêu ngủ thì cứ để hắn ngủ, miễn sao chức trách vẫn hoàn thành là tốt rồi.
Lý đại nhân kỳ thật rất thông minh, chỉ có điều lại là một người ham ngủ, thân mình lúc nào cũng ngả ngả nghiêng nghiêng, chẳng mấy khi thấy hắn ngồi thẳng lưng nghiêm túc. Trừ điểm ấy ra thì không có gì là không tốt. Nhìn chung, đây chính là quan viên Lễ bộ sau khi quan sát hắn mà rút ra được kết luận như thế.
Đã thế, quan điểm của Lý Tùng Thanh còn là – không cầu công danh, chỉ cầu vô sự. Thế nên được đảm nhiệm chức vụ Lễ bộ Thị lang là vô cùng hợp ý hắn, hắn đối với việc thăng quan tiến chức, thuyên chuyển đến nơi khác một chút cũng không màng.
Về phần Hoàng đế thì chú ý mỗi khi lâm triều hắn thường chỉ ngủ gật, có khi lại gật gù, người khác không biết còn cho rằng đấy là hắn tán thành với những lời nghị luận, nhưng riêng Hoàng đế bệ hạ sao lại nhìn không ra hắn chỉ là đang ngủ mà thôi. Cho dù hắn đứng ở cuối hàng sát ngoài lề, ở tại vị trí góc phòng chẳng mấy ai chú ý đến, nhưng Hoàng đế thì có, hơn nữa lại chưa từng buông lời khiển trách, nên chẳng ai phát hiện ra.
Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, lâu dần có người phát giác, Lý Tùng Thanh kể từ đó có một biệt hiệu là – Thị lang ngái ngủ.
Hứa Thượng thư càng lúc càng xem thường hắn, lúc bình thường cứ hay xét nét lỗi sai của hắn, tìm cơ hội đuổi hắn ra khỏi đại điện. Ông ta không thể chịu đựng được một kẻ đứng giữa đại điên thần thánh mà lại có thái độ khinh nhờn như thế. Nhưng đáng tiếc ngoài trừ ưa buồn ngủ thì lại chẳng tìm thấy gì, mà Hoàng đế đối với chuyện buồn ngủ của hắn lại như không nghe không thấy. Chính vì thế, Lý Tùng Thanh cứ an ổn đứng mãi một chỗ, đứng đến hơn nửa đời người.
Sau đó, Hoàng đế vô tình biết được Lý Tùng Thanh không chỉ lúc lâm triều, mà ngay cả lúc bình thường cũng là lười nhác ham ngủ. Có ngày sau giờ ngọ, ngài ngẫu nhiên bước ngang qua Lễ bộ, thoáng nhìn thấy Lý Tùng Thanh gục mặt lên bàn ngủ trưa, ngủ đến mức thóa dịch chảy ra còn không biết, đã thầm nghĩ người này ham mê ngủ, tính tình lười nhác, khó trách sao hắn chỉ muốn đến Lễ bộ làm việc. Ngài bước vào Lễ bộ, chúng quan viên lập tức bỏ việc dập đầu bái lạy, có người cuống quít muốn lay gọi Lý Tùng Thanh. Thế mà Hoàng đế lại ra dấu ý bảo không cần đánh thức hắn.
“Các vị trước tiên cứ lui xuống cả đi.” – Ngụy Tiểu Diểu nói khẽ với các quan viên rồi cùng bọn họ lui xuống, lưu lại một mình Hoàng đế bệ hạ với vị Lễ bộ Thị lang ngủ đến không biết trời trăng gì.
Hoàng đế ngồi xuống bên cạnh hắn, im lặng nhìn dung nhan đang say giấc khờ dại như một hài tử, cảm thấy có một cảm giác kỳ diệu chưa từng trải qua. Vừa nhìn thấy người này tâm tình lập tức trở nên thoải mái, tất cả những gánh nặng tựa hồ như đều tạm thời trút bỏ được. Có lẽ là bởi vì chưa có bất kỳ ai dám ở trước mặt y thả lỏng tâm ý như thế, dẫu chỉ là một hài tử lên hai thì khi đối mặt với y cũng câu nệ kiểu cách, chỉ riêng mỗi Lý Tùng Thanh dù cung kính vẫn lộ ra vẻ hồn nhiên, thanh thản tự tại.
Ngài mỉm cười, dùng tay áo giúp hắn lau đi một giọt thóa dịch tràn tới bên mép, ngón tay như một cánh bướm tìm hương, khẽ vân vê làn môi tựa đóa hoa khép mở. Đôi cánh bướm kia như truyền đến lồng ngực ngài sự rung động nhẹ nhàng mà tinh tế. Trời vào cuối hạ, ngoài cửa sổ gió vi vu thổi, thoảng nhẹ đưa mình qua chiếc phong linh lưu ly dưới mái hiên, phát ra những âm thanh leng keng giòn tan, nghe thấm đậm lòng người. Hoàng đế không đánh thức hắn dậy, càng không động tay động chân, chỉ im lặng ngồi bất động nhìn hắn, cho đến khi ngài rời đi thì Lý Tùng Thanh vẫn chưa tỉnh lại.
Ngay sau khi Hoàng đế rời khỏi, Lý Tùng Thanh chậm rãi mở mắt, chậm rãi ngồi dậy, tay chạm nhẹ lên môi, đờ đẫn ngồi yên đến xuất thần, mãi cho đến khi những người khác quay lại thì hắn mới đứng dậy vươn mình xoa bóp vai và thắt lưng.
Ôi chao, hôm nay hắn ngủ trưa đến tứ chi cứng đờ, từ xương sống đến thắt lưng chỗ nào cũng đau.Sóng yên bể lặng trôi qua từng ngày, chớp mắt hạ đã tàn, mùa thu trở mình kéo đến.
Hoàng đế trên vai gánh cả giang sơn xã tắc, trọng trách lẫn áp lực so với người bình thường nhất định phải nhiều hơn, bởi vậy cần phải có những trò giải trí để giúp ngài khuây khỏa. Ra ngoại thành dạo chơi săn bắn là chuyện vận động tốt lúc nhàn rỗi, có công dụng điều hòa lại thân thể và tinh thần, còn có thể giúp thân thể kiện cường. Thu đến, các trò săn bắn lại càng nhiều hơn.
Năm nay là lần đầu tiên Hoàng đế triệu một số quan văn cùng tham gia hội săn, Lý Tùng Thanh là một trong số ấy. Lý do là vì quan văn cũng cần có thể lực tốt mới có thể vì quốc gia và triều đình mà cống hiến. Lý Tùng Thanh vốn là một thư sinh trói gà không chặt, nào đâu có hào khí thúc ngựa vào rừng, càng không nói đến việc giương cung thể hiện bản lĩnh, chỉ cầu không lập tức ngã chỏng vó đã cảm tạ trời đất lắm rồi. Huống hồ dịp xuân rồi hắn vừa chịu đại thương, mặc dù trải qua điều dưỡng đã phục hồi như cũ, nhưng vì vết thương ở bả vai vẫn có chỗ không thoải mái, nhất là những khi trái gió trở trời. Vì thế hắn quyết định chọn lấy một con ngựa lành tính nhất, chậm rãi cưỡi ở cuối hàng, so với xe bò cũng chẳng nhanh hơn được bao nhiêu.
Hoàng đế sau khi săn được hai con nai thì quay về hoàng trướng nghe báo cáo chính sự, các quan viên còn lại bắt đầu thi săn bắn với nhau.
Đang lúc những người khác truy đuổi theo một con nai con thì Lý Tùng Thanh vẫn lắc lư trên lưng ngựa, nhàn tản dạo chơi ngắm cảnh. Hắn đối với săn bắn chẳng mấy hứng thú, nếu cứ phải truy đuổi một con thú con chạy tới chạy lui, thú mệt mà người càng mệt hơn.
Nói cho đúng thì Lý Tùng Thanh dẫu là một con chim nhỏ hay một con thỏ cũng không săn được, chỉ đi hai tay không, sẵn sàng nhận lấy vị trí chót bảng. Hắn hoàn toàn không màng, dù gì cũng chẳng có gì quan trọng, cùng lắm thì bị người khác chế nhạo là vô dụng thôi.
Một người hữu dụng hay không hoàn toàn không phải được quyết định bởi việc người đó săn được bao nhiêu thỏ hay bao nhiêu hồ ly. Hắn hiểu rõ được giá trị của mình nằm ở nơi nào, còn người khác đánh giá hắn ra sao là chuyện của họ, lại càng chẳng liên quan mấy đến hắn.
Mãi đến khi chạng vạng, mọi người chậm rãi trở lại hành cung, có rất nhiều người dâng lên cho Hoàng đế chiến lợi phẩm của mình, những muốn làm vui lòng ngài. Cuối cùng toàn bộ chiến lợi phẩm đều được đưa đến trù phòng, sau đó dâng lên cho tất cả cùng thưởng thức, cho nên có săn được hay không săn được thú đều chẳng sao cả, bởi lẽ dù sao thì vẫn sẽ được ăn. Nếu được ăn chính thịt nai do đích thân Hoàng đế bệ hạ săn được ấy mới gọi là thánh ân long sủng, công đức viên mãn, so với việc ăn thịt Đường Tăng còn có phần hưởng thụ hơn.
Mọi người ai nấy đều giật mình thảng thốt bởi Hoàng đế triệu Lý Tùng Thanh đến bên cạnh mình, chia cho hắn một phần thịt nai do ngài săn được. Dĩ nhiên cũng có những người khác được một phần nhưng chẳng ai có phần to bằng phần của hắn. Mọi người ai cũng tự hỏi vì sao Hoàng đế lại mang phần thịt to nhất cho Thị lang ngái ngủ. Cứ tạm cho đó là vì hắn đã từng có cứu giá, xem như vì triều đình mà lập công nên việc Hoàng đế thưởng cho hắn cũng không có gì là trọng đại. Chúng thần rốt cuộc không thể tìm được bất kỳ lý do nào khác nên cũng đành chấp nhận là thế.
Lý Tùng Thanh an phận ngồi bên cạnh Hoàng đế, dùng cái miệng nhỏ cắn từng miếng thịt nai cũng nhỏ nốt, chậm rãi nuốt, không mấy để tâm đến những người khác. Hoàng đế thì không ngừng nhận lấy những chén rượu kính của các thần tử, hai người chẳng ai nhìn ai. Thẳng đến khi cơm no rượu say yến tiệc mới tàn, từng tốp tụm năm tụm ba rời khỏi.
“Lý đại nhân, huynh xem chừng đắc ý muốn chết!” – Cảnh Bách Tá lần này cũng được triệu cùng đi săn chạy đến bắt chuyện. Y và Lý Tùng Thanh năm trước cùng danh đề bảng vàng, xem như là một trong số ít những bằng hữu của hắn. Y hiện đang đảm nhiệm chức Công bộ Thị lang, lúc lâm triều tại đại điện đứng ngay bên cạnh nhau.
“Cái gì đắc ý muốn chết?”
“Có thể ăn được thịt nai do Hoàng thượng săn, thật là khiến ta hâm mộ muốn chết.”
Gì vậy chứ? Vậy có thể đổi thành ngươi đắc ý muốn chết còn ta hâm mộ đến chết không? Ta đây thật sự rất muốn mang phần thịt ấy tặng cho ngươi lắm đấy. Lý Tùng Thanh thầm nghĩ rồi lãnh đạm nói – “Bất quá chỉ là một miếng thịt thôi mà, cần gì phải hâm mộ đến thế chứ?”
“Người sống trong phúc lại không biết hưởng phúc. Huynh có biết mới rồi có bao nhiêu người nhìn huynh ganh tị không?”
Ta có thể không nhận phần phúc này không? Hắn một chút cũng không muốn trở thành tâm điểm chú ý của Hoàng đế lẫn mọi người, sự đau khổ cơ hồ hiển hiện trên mặt. Miếng thịt nai mới rồi ăn rất ngon, thịt nướng thơm phức, da lại giòn giòn, cắn một miếng chỉ thấy nước bọt ứa ra thèm thuồng. Thế nhưng hiện tại hắn cảm thấy nó như viên thuốc chuột bọc đường đang độc chết mình. Dù rằng có ngu ngốc đến thế nào cũng có thể cảm nhận được Hoàng đế đối với Lý Tùng Thanh có “vài phần kính trọng”, khiến cho một Lý Tùng Thanh luôn lơ đãng có phần phải câu nệ hơn, trong lòng không tránh khỏi kêu khổ.
Đêm càng lúc khuya, những tiếng cười nói cũng dần ngớt. Mọi người ai nấy hoan ca mệt nên đều nghỉ ngơi cả, riêng Lý Tùng Thanh lại không ngủ, một mình rời khỏi hành cung đến một thảo nguyên cách đó không xa. Hắn ngẩng đầu nhìn lên thấy đêm nay trăng khuyết một vầng, sao trời sáng rực. Dải ngân hà vắt qua bầu trời đêm, những ngôi sao lung linh hiển hiện rõ trước mắt.
“Là điều gì khiến cho khanh nhìn chuyên tâm như thế?”
A, một thanh âm đột nhiên vang lên khiến Lý Tùng Thanh hoàng sợ quay đầu lại, thấy Hoàng đế đang đứng rất gần ngay phía sau mình.
“Vi thần khấu kiến Hoàng thượng.” – hắn vội vàng dập đầu.
Hoàng đế đỡ lấy, ngăn không cho hắn quỳ xuống – “Lý khanh gia không cần đa lễ, về sau thấy trẫm không cần dập đầu hành đại lễ.”
Lý Tùng Thanh ngập ngừng giây lát rồi ấp úng nói – “Vi thần tuân mệnh thánh ý.”
“Khanh đang nhìn gì thế?”
“Bẩm, vi thần nhìn sao. Nơi này quả thật vô cùng thích hợp để ngắm sao.”
“Khanh thường ngắm sao à?”
“Dạ!”
Hoàng đế rốt cuộc cũng hiểu được ngoại trừ việc thích ngủ, thì thức đêm ngắm sao cũng là một nguyên nhân trọng yếu khiến hắn cứ hay ngủ ngày.
“Khanh có thể xem rồi thì đoán ra cát hung, họa phúc không?”
“Hồi bẩm Hoàng thượng, vi thần ngắm sao cũng chỉ vì có hứng thú, cảm thấy đó là ý thích cá nhân, hoàn toàn không có ý xem thử việc thiên tai, nhân họa nên chưa bao giờ từ sao trời mà đoán ra cát hung, họa phúc.” – Lý Tùng Thanh đáp, đôi mắt trong đêm đen sáng lên, thứ ánh sáng mà trước đây chưa từng có. – “Vận mệnh của con người phải do chính tay mình nắm giữ, không phải được quyết định bởi những vì sao xa xôi kia.”
Hoàng đế cười nói – “Nếu không trẫm sẽ điều khanh đến Khâm thiên giám.”
“Cảm tạ Hoàng thượng có lòng, nhưng chỉ e là không được. Một việc vốn là làm vì hứng thú, nay lại hóa ra chức trách thì sẽ không còn gì thú vị cả” – từ lời này cũng đủ để thấy nhân sinh quan của Lý Tùng Thanh chính là nhàn nhã chiếm vị trí hàng đầu, cuộc sống thú vị chiếm hàng thứ hai.
Có lẽ vì là đàm đạo chuyện Lý Tùng Thanh cảm thấy yêu thích và vì cả thái độ của Hoàng đế rất đỗi thân hòa, nên bọn họ nói một hai câu đã bắt đầu thả lỏng, không còn câu nệ quy tắc, không còn như hai kẻ xa cách tận chân trời góc bể nữa.
“Giả dụ như hình dạng của Huỳnh Hoặc[5] từ trước đến nay đều khiến người khác nghĩ rằng là điềm báo thiên tai quốc họa hoặc Hoàng đế băng hà, thực tế cũng chỉ theo quy luật tự nhiên mà dịch chuyển.” – Lý Tùng Thanh chỉ vào một ngôi sao, nói liên hồi – “Những tinh tú trên bầu trời thăm thẳm kia vô luận là chuyển dịch theo quỹ đạo nào thì cuối cùng cũng trở về chốn cũ.”
Những đốm nhỏ rải khắp bầu trời hệt như những bông tuyết nhỏ, tựa hồ sau mỗi một vì sao đều chôn giấu một cố sự xa xưa.
Hoàng đế phát giác mình rất thích nghe giọng nói chậm rãi Lý Tùng Thanh, bèn mỉm cười lắng tai chăm chú. Lý Tùng Thanh lại phát giác bản thân rất thích nhìn nụ cười mỉm ôn hòa của Hoàng đế. Việc này khiến hắn cơ hồ đã quên bọn họ vốn một người là quân vương, kẻ kia là thần tử.
Mấy canh giờ trước hắn còn đang phiền não việc Hoàng đế đối với hắn có vài phần kính trọng, lúc này nhờ thế mà mang phiền não bỏ lại phía sau. Mau quên là cá tính của Lý Tùng Thanh, huống chi Hoàng đế dùng thứ ánh mắt khác lạ nhìn hắn khiến hắn không thể khống chế được bản thân mình. Những chuyện phiền não hắn cũng lười làm, chi bằng đừng khiến bản thân phiền não là tốt nhất.
Bọn họ ban đầu là đứng trò chuyện, sau mệt mỏi liền sóng vai ngồi xuống. Hai người lặng lẽ ngồi, không khí vì thế có phần không mấy tự nhiên. Tuy vậy, cảm giác hai người ngồi bên nhau không nói gì cũng không tệ. Thị lang ngái ngủ Lý Tùng Thanh ngồi một lúc bất tri bất giác chìm vào giấc mộng, đầu ngả sang một bên, thân mình nhẹ hẫng, thập phần bất kính dựa vào vai Hoàng đế bệ hạ.
Ngài ngoảnh sang nhìn hắn.
Gương mặt của hai người kề sát vào nhau, sát đến mức có thể cảm nhận thấy hơi thở của đối phương, khiến ngài không thể tự chủ đưa mắt nhìn đôi môi tựa đóa hoa tươi đẹp kia.
Bờ môi của ngươi ăn có ngon không? Hay là để ta nếm thứ một chút nhé?
Ngài trong một phút không thể khống chế chính mình liền cúi đầu xuống, nhẹ nhàng in dấu lại trên đóa hoa ấy. Trong một khoảnh khắc, ngài giật bắn mình đứng bật dậy lùi ra xa. Lý Tùng Thanh vì thế ngã ngửa ra bãi cỏ, bừng tỉnh giấc, hai mắt lờ đờ mở ra chẳng rõ nguyên cớ gì nhìn Hoàng đế.
Hoàng đế không nói gì, chỉ chăm chú nhìn hắn. Ngài từ trước đến nay luôn tao nhã, hỉ nộ không hiện lên mặt lúc này lại có vẻ ảo não uất giận, ánh mắt thâm trầm phức tạp.
“Có chuyện gì thế?” – Lý Tùng Thanh trừng mắt hỏi.
Cổ họng Hoàng đế chợt trở nên khô khốc, giữa đáy mắt xuất hiện một ánh hào quang bí hiểm, biểu tình có vẻ không được vui liên tục vò đầu bứt tóc. Ngài không nhìn hắn cũng không nói lấy một lời, chỉ lẳng lặng bỏ đi.
“Người vì sao mà lại tức giận chứ?” – Lý Tùng Thanh bối rối nghĩ thầm trong lòng. Cơn buồn ngủ lại kéo đến, hắn ngả đầu nằm xuống bãi cỏ, rất nhanh sau đó lại chìm vào mộng đẹp.
Dù sao lúc ở nhà hắn có thói quen ngủ lại tại đình viện hay bãi cỏ, lúc này chẳng thèm suy xét rằng khi ở nhà sẽ có người giúp hắn đắp chăn, còn tại nơi hoang sơn dã lĩnh này, lão thiên gia chắc chắn sẽ không hảo tâm vất xuống giường ấm nệm êm cho hắn.
Nhưng điều khiến hắn kinh ngạc chính là sáng hôm sau tỉnh lại, hắn phát hiện mình từ lúc nào lại đang nằm trong phòng tại hành cung. Hắn cũng không rõ là ai đưa hắn trở về đây. Hắn lúc ngủ là ngủ say như chết, đối với những chuyện xảy ra bên ngoài giấc mộng hoàn toàn chẳng hay biết gì.
A… hay là Hoàng đế bệ hạ? Không, làm gì có khả năng đó chứ.
Lý Tùng Thanh đã sai rồi. Đưa hắn trở về chính là người mà hắn cho rằng tuyệt đối không thể nào, Hoàng đế bệ hạ.
Lúc ấy Hoàng đế bệ hạ đã đi được một quãng, nhịn không được ngoảnh lại nhìn Lý Tùng Thanh, ấy thế mà hắn không đứng dậy, tiếp tục nằm xuống vỗ giấc khiến ngài lần nữa bùng lửa giận, lại vừa muốn cười. Không ngờ trên đời lại có người chẳng biết tự chiếu cố chính mình thế này.
Đêm thu lạnh se sắt, ngài không đành lòng nhìn hắn hứng chịu sương gió, đành phải quay lại bên cạnh hắn. Ngài vốn định sẽ lệnh cho hắn quay về hành cung, nhưng lại thấy hắn đã say giấc, do dự hồi lâu rồi xoay người bế bổng hắn lên, tránh đi vệ binh đang gác đêm, bước đến một gian phòng trống. Sau khi đặt hắn vào giường liền vội vã rời đi, không dám dừng lại lấy một khắc,
Một hoàng đế luôn biết tự kềm chế bản thân, lần đầu tiên trong đời cảm thấy sắp không thể kềm chế được nữa.
[1]ngọc thiềm tuyết cáp: sò tuyết.
địa cực liên tử: hạt của hoa sen mọc ở vùng cực.
[2]túy sinh mộng tử: sống như đang say và chết như trong mộng, ý nói một cuộc sống mơ màng, không biết rõ đâu là thực đâu là hư.
[3]lục bộ: đây là 6 cơ quan hành chính chủ chốt trong triều đình phong kiến xưa. Ở vào thời nhà Minh, thì triều đình chia làm sáu bộ là: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Công, Hình. Trong số đó thì:
Hộ bộ: là bộ giữ việc ruộng đất, nhân khẩu, kho tàng, thu phát, bổng lộc, đồ cống nạp, thuế khoá, muối và sắt. Ngoài ra còn giữ chính sách điền thổ, hộ khẩu, tiền thóc, điều hòa nguồn của cải nhà nước. Nếu so với ngày nay thì có ngang với bộ đầu tư, bộ tài nguyên môi trường và tổng cục thuế nhà nước.
Lại bộ:là bộ giữ việc quan tước, phong tước, ân ban thuyên chuyển, lựa chọn, xét công, bãi truất và thăng thưởng, bổ sung quan lại, cung cấp người cho các nha môn.
Lễ bộ:giữ việc lễ nghi, tế tự, khánh tiết, yến tiệc, trường học, thi cử, áo mũ, ấn tín, phù hiệu, chương tấu, biểu văn, sứ thần cống nạp, các quan chầu mừng, tư thiên giám, thuốc thang, bói toán, tăng lục, đạo lục, giáo phường, đồng văn nhã nhạc. Bộ này trông coi việc tổ chức và kiểm soát vấn đề thi cử (thi Nho học khoa cử) chọn người tài ra giúp triều đình; tương đương với bộ giáo dục và bộ văn hóa thông tin ngày nay.
Binh bộ: là bộ giữ việc binh nhung, quân cấm vệ, xe ngựa, đồ nghí trượng, khí giới, giữ việc biên giới, lính thú, nhà trạm, phố xá, nơi hiểm yếu, việc khẩn cấp, tuyển dụng chức võ. Nếu so với ngày nay là bộ quốc phòng.
Công bộ:là bộ coi việc xây dựng thành hào, cầu cống đường sá, việc thổ mộc, thợ thuyền, tu sửa xây dựng, thi hành lệnh cấm về núi rừng, vườn tược và sông ngòi. Nếu so với ngày nay thì là bộ xây dựng.
Hình bộ: là bộ giữ việc luật lệnh, hình phạt án tù, ngục tụng và xét xử người phạm tội ngũ hình. Nếu so với ngày nay chính là bộ tư pháp và tòa án nhân dân tối cao.
[4]đồng liêu: bạn làm quan đồng triều.
[5]Huỳnh Hoặc: là tên gọi của sao Hỏa thời cổ đại ở Trung Quốc. Huỳnh Hoặc cùng với Tâm Túc (tức chòm sao Bò Cạp) là hai thiên thể màu đỏ, xuất hiện bên cạnh nhau gọi là Huỳnh Hoặc Thủ Tâm. Hỏa Tinh lấp lánh như lửa, gọi là Huỳnh Hoặc, Tâm Túc được gọi là Đại Hỏa. Nếu hai “hỏa” này gặp nhau thì trời sẽ đầy lửa. Huỳnh Hoặc là một điềm báo xấu, mà nếu có thêm Tâm Túc cùng xuất hiện trùng lên nhau (nên mới gọi là “thủ”) thì ở thời cổ đại người ta xem như là một hiện tượng không lành, nếu không phải tể tướng mất chức thì cũng là đế vương băng hà.