Luyện Hồn

Chương 8




Nhắc đến sư phụ, Tử Phàm vẫn không quên được món nợ trong quá khứ của hắn. Vốn dĩ Tử Phàm là cô nhi, sống lang thang ngoài bách tùng miếu, thằng nhỏ ăn đồ cúng lễ trong miếu, ngủ dưới sàn miếu, quanh năm chỉ lủi thủi một mình, không có ai bầu bạn. Năm đó, Tử Phàm không rõ lên mấy tuổi, nhưng đã biết quét dọn trong ngoài bách tùng miếu, một hôm, thằng nhỏ gặp một vị đạo sĩ có tuổi, dángngười phốp pháp, vô tình ghé vào miếu trú chân.

Vị đạo sĩ hỏi thằng nhỏ sao không về với bố mẹ, ở lại trong miếu một mình chẳng lẽ không thấy buồn. Thằng nhỏ lắc đầu. Vì lúc bấy giờ Tử Phàm đã quen với cuộc sống cô quạnh, thấy có người nói chuyện với mình thì hết sức chăm chú, nhìn cái vẻ ngoài vô tội đó, vị đạo sĩ quyết định ở lại miếu này chăm sóc hắn. Thời gian trôi qua, vị đạo sĩ dần trở lên nổi tiếng khắp vùng, ngài ấy có thể xem tướng, trừ tà, trị bệnh, trong tay có rất nhiều tài phép, người dân vì thế mà lũ lượt kéo nhau đến bách tùng miếu hương hỏa thờ phụng.

Lại đến một ngày, Tử Phàm từ một thằng nhỏ chỉ biết quét miếu, được vị đạo sĩ kia nhận làm đồ đệ, theo sư phụ học đạo, tu vi của hắn hơn người, lại được ăn lộc thánh đã lâu, bấy giờ liền có thể đứng ra hô phong hoán vũ. Hôm đó, sư phụ nói là đi xuống các trấn lân cận thông báo lễ cầu siêu cùng xóa tội vong nhân, dặn hắn ở nhà chuẩn bị lễ ngãi, đem giường thờ hương án lau dọn sạch sẽ, đợi sư phụ về là có thể lập đàn tế lễ.

Thế mà, sư phụ đi hẳn. Tử Phàm đợi quá nửa đêm liền ngủ gật, sáng sớm hắn đã thấy dân từ khắp các nơi đến miếu xin được làm lễ xóa tội, nhưng mà sư phụ còn chưa về, hắn không biết trả lời ra sao, mọi người nói tiền cúng đã thu rồi, nhanh nhanh làm lễ để họ còn ra đồng cày ruộng. Chuyện đến mức này thì hắn cũng đành làm tới, sau ba ngày lễ lạt linh đình, dân đã ra về hết, trong miếu còn trơ lại mỗi mình hắn, tới một đồng cắc hắn cũng không còn.

Tử Phàm biết mình bị sư phụ lừa, lão ta vốn dĩ chỉ muốn dùng miếu của hắn làm nơi hành nghề, sau khi vét một mẻ liền bỏ đi. Hắn nghĩ mà không cam tâm, một ngày cách đây không lâu, Tử Phàm khăn gói quả mướp lên đường tìm sư phụ. Không khó để dò la ra tung tích của vị đạo sĩ ấy, chẳng là lão ở đâu thì nơi đó người ta đồn ầm lên rằng có vị tiên nhân hạ phàm vì dân trừ ác, nhưng lần nào hắn tới thì nơi đó cũng đã bị vét cạn rồi.

Cho tới một ngày, Tử Phàm đi đến một làng gọi là làng Chó Đá, ở đây hắn vô tình gặp lại sư phụ. Hắn lập tức xông tới đòi lý lẽ với vị đạo sĩ kia, lúc gặp hắn, vị đạo sĩ không làm ra vẻ bất ngờ, lại mời hắn về nhà, hai người vừa uống trà vừa nói chuyện. Sư phụ Tử Phàm không phủ nhận những việc xấu mà lão đã làm, đợi cho đồ đệ nói xong, lão mới từ tốn giải thích. Rằng lão bỏ hắn lại như vậy vốn dĩ là vì duyên của hai người đã hết, hắn giờ đây đã trưởng thành, đạo pháp cũng vô cùng thông thạo, không có lão thì hắn vẫn có thể hành nghề được. Sư phụ đã có công rèn rũa ra hắn, với nghề này trong tay, hắn có thể đi khắp nơi kiếm tiền, cũng có thể là giúp đời, cái này còn tùy ở tâm của hắn.

Còn như sư phụ, bây giờ cũng đã đến tuổi không thể cứu nhân độ thế được nữa, sức già chỉ muốn được sống yên ổn nốt phần đời còn lại, làng Chó Đá này coi như là chốn dừng chân cuối cùng của lão. Vì mấy lời tâm huyết đó mà Tử Phàm liền trở thành con người như bây giờ, thế chân sự phụ, đi ngao du thiên hạ buôn thần bán thánh kiếm tiền. Món nợ năm xưa, hắn đã sớm không còn nhớ đến, giờ đây khi nghe Đình Thiên nói, hắn mới nghĩ tới sư phụ, và chuyện cũ không đầu không cuối tái hiện lại trước mắt.

Từ ngày ấy tới nay đã được bốn năm có lẻ, đường tới làng Chó Đá hắn vẫn nhớ, chỉ là không có cớ gì để quai lại đó, từng ấy năm trôi qua, không rõ sư phụ còn sống hay đã chết. Đình Thiên nghe tới có người giúp được mình, tâm trạng lập tức tốt lên, công tử nói với hắn đợi khi nghỉ ngơi ổn thỏa rồi sẽ lên đường đi gặp sư phụ hắn. Làm như sư phụ hắn chắc chắn biết vị tiên nhân đó rồi vậy, Tử Phàm không đáp, chỉ lẳng lặng gật đầu.

Vết thương trên tay hắn đang ngấm thuốc, có mùi thảo mộc bay ra, lâu rồi hắn mới lại bị thương nặng như vậy. Mà dù có bị thương thì cũng chỉ có mình hắn đối mặt, đây là lần thứ hai hắn được người khác quan tâm, so với lần trước, Tử Phàm đã không còn cảm thấy chuyện này quan trọng. Đơn giản là người đó cần hắn làm một việc, vì thế mà thuận tiện chú ý hắn một chút, ngoài ra không vì nguyên nhân nào khác nữa.

Một ngày sau bốn người liền lên đường. Đi từ làng Đồng Chiêm tới làng Chó Đá hết ngót năm ngày, dọc đường không phát sinh chuyện gì rắc rối, bọn họ tới làng Chó Đá vào một buổi chiều có nắng, khi mà người lớn vẫn đang ở ngoài đồng và bọn trẻ con hùa nhau chạy chơi đầy đường. Quốc Trí tìm được quán trọ duy nhất nằm ở giữa làng, cách đó không xa là chợ, đây xem chừng là nơi phát triển nhất trong làng.

Sắp xếp nơi nghỉ chân xong xuôi, Tử Phàm liền dẫn mọi người đi tìm sư phụ hắn, theo như dân làng ở đây gọi thì đó là Kỷ lão tiên sinh. Kỷ lão tiên sinh cất một nóc nhà trên con dốc cuối làng, ngay bên cạnh miếu thờ thành hoàng. Tiên sinh không nhận mình là đạo sĩ, nhưng hễ trong làng có chuyện gì mờ ám là tiên sinh liền có mặt, khi thì trừ tà, khi lại siêu độ, mà chưa từng lấy của ai một đồng cắc nào, vì thế nên người làng rất biết ơn tiên sinh. Muốn tìm Kỷ lão tiên sinh thì rất dễ, bốn người cứ đi thẳng đường chính, leo lên bậc đá, tới trước miếu thành hoàng thì rẽ sang trái, căn nhà nhỏ của tiên sinh nằm sau bóng miếu, người bên trong lúc nào cũng niềm nở đón khách tới thăm.

- Đánh chết nó đi, chúng mày, đánh vào chân nó ấy….

Đang đi trên đường, bỗng Quốc Trí nghe thấy có tiếng người dọa đánh từ đâu vọng ra, nhìn sang hai bên thì thấy, trong một con ngách có mấy đứa trẻ con đang xúm vào dùng que vụt tới tấp vật gì dưới đất. Trần hộ vệ là người gặp chuyện bất bình là không thể để yên, dù là lũ trẻ con đánh nhau, nhưng ác khẩu như vậy là không tốt. Do đó trần hộ vệ lập tức tiến về phía đám trẻ, khi thấy đứa lớn nhất trong đám hùng hổ giơ gậy lên, chuẩn bị vung một đòn chí mạng xuống, cánh tay nó lập tức bị giữ lại.

Đám trẻ giật mình ngẩng mặt nhìn, thấy người đứng sau lưng chúng cao lớn vạm vỡ, bàn tay rắn như đá, siết một cái thằng bé kia liền kêu lên oai oái, cái gậy trong tay cũng rơi ra. Quốc Trí nói:

- Chỉ là một con chó, tại sao mấy đứa lại đánh nó?

- Tại nó… nó không chịu sủa… cháu bắt nó sủa mà nó… nó không chịu sủa… - Đứa bé bị giữ tay mếu máo nói.

- Chỉ thế mà mấy đứa xúm lại đánh một con chó, vậy có hơn gì nó? – Quốc Trí càng ra vẻ giận dữ, mặt nộ khí phừng phừng.

Đám trẻ lập tức khóc lên thành tiếng, chúng xin tha rối rít, còn hứa từ nay về sau không dám bắt nạt động vật như thế nữa. Quốc Trí bấy giờ mới buông tay, đám trẻ ba chân bốn cẳng chạy khỏi ngách, sợ tới không dám quay đầu lại. Đình Thiên lúc ấy mới qua xem, thấy Quốc Trí đang nắn người con chó, có vẻ như nó đã già, chân lại bị đánh gãy, tới đứng cũng không được nữa. Quốc Trí liền xốc nó lên, làm một cái gùi bằng gậy và dây nạt buộc lại, đặt nó ra sau lưng, rồi không dám chậm trễ liền theo Đình Thiên tiếp tục đến nhà Kỷ lão tiên sinh, con chó này về sau sẽ xử lý tiếp.

Công tử lấy đó làm vừa lòng lắm, vốn biết Quốc Trí là người bộc trực, đối với kẻ yếu thường có lòng giúp đỡ, dọc đường hành hiệp trượng nghĩa, mấy việc này làm cũng không thừa. Lại đi tiếp một đoạn, từ dưới dốc nhìn lên có thể thấy ngôi miếu thờ thành hoàng, vì làng này không giàu có gì nên miếu thờ cũng chỉ nhỏ nhỏ như căn chòi lợp mái rơm thôi. Cửa miếu ban ngày mở lớn, từ trên cao thành hoàng có thể nhìn ra coi sóc cuộc sống cho người dân trong làng.

Bốn người bước tới trước miếu thờ, Đình Thiên chủ ý bước vào thắp một nén nhang, muốn bố cáo với thành hoàng về việc mình tới đây, nhưng thoạt nhìn, công tử liền khựng lại. Trong miếu thờ không có tượng thần phật, chỉ có duy nhất một con chó đá đặt sau hương án. Tượng cao mười thước, điêu khắc có đậm có nhạt, mặt chó dữ như mãnh thú, bốn chân đều có móng vuốt, xung quanh là rèm rủ xanh đỏ, bát hương cùng mâm bồng ngũ quả. Người ở đây thờ một con chó đá? Đình Thiên nhìn Tử Phàm, ý hỏi chuyện này cũng có thể xảy ra sao?

- Công tử đừng ngạc nhiên, thành hoàng vốn dĩ không phải thần phật, chỉ cần là người hoặc vật có ảnh hưởng tới làng thì đều được đặt lên thờ phụng. Chuyện con chó đá này thực ra cũng ly kỳ lắm, làng lấy tên như vậy, cũng là vì con chó đá này xuất hiện từ ngày người ta tới đây khai khẩn đất hoang để sinh sống.

Tử Phàm trước từng được nghe kể, cụ kị tổ tiên của dân làng này ngày xưa tới đây lập nghiệp, trong lúc phá đất đào đường, xây nhà lập ấp có tìm thấy một con chó đá, được chôn sâu dưới chín thước đất. Người ta lấy lên, nó cao bằng một thân người trưởng thành, hình dung dữ tợn, ai nhìn cũng khiếp hãi, không ai dám làm gì nó, chỉ biết để nguyên chỗ cũ, ai về nhà nấy.

Đêm hôm đó có tiếng chó chu từ ngoài đồng trống vọng lại, sáng sớm có người ra đồng liền hốt hoảng chạy vào báo, bãi đất tự nhiên bị cày xới, dấu vết sâu tới hàng thước, hướng thẳng từ ngoài đồng vào làng. Người dân hoang mang không biết làm gì, đêm hôm sau liền cắt cử trai tráng ra đồng trông con chó đá. Đêm ấy không nghe thấy tiếng gì kỳ quái, cho mãi tới sáng, người làng ra xem liền kinh hãi thấy xác mấy trai tráng bị xẻ ra làm nhiều mảnh, vứt ngổn ngang dưới chân tượng.

Biết mình động phải tượng thần, một lão niên trong làng liền lập bàn thờ, đem bát hương cùng rất nhiều gà lợn ra cúng bái, lại lệnh cho người làng quỳ lạy cả đêm ngoài đồng, xin tượng thần nguôi giận. Đợi tròn một tuần trăng sau không thấy có sự gì bất thường, các lão niên họp lại với nhau, rằng thì là con chó đá này dễ là thần yểm ở đây, mình tới đất nó làm ăn, không thể không thờ phụng nó.

Thế là tới sáng hôm sau mọi người cấp tốc lập miếu, chọn giờ đẹp để di dời con chó đá vào trong đó, còn làm hẳn một bát hương thật lớn, ngày đêm nhang khói. Làng Chó Đá từ ngày có thành hoàng lập tức yên ổn hẳn, đồng ruộng tốt tươi, nhà nào cũng có của ăn của để. Dân làng cũng vì thế mà đông dần lên, việc gì không thể giải quyết đều đem tới miếu thành hoàng cầu xin, nội trong ba ngày liền được xử lý.

Đình Thiên nghe đến ngây người, lại nhìn con chó đá kia một cái, mắt nó tạc như thật, còn thấy cả ánh kim hiện lên, quả nhiên không phải thứ tầm thường, có thể đem lại bình yên lo ấm cho cả một làng, không uổng công người ta thờ phụng nó. Sau khi thắp một nén nhang, bốn người rời khỏi miếu thờ thành hoàng, theo lời người dân, bọn họ đi sang bên trái ngôi miếu, quả nhiên có một căn nhà con ở đó.

Tử Phàm dẫn ba người còn lại tiến qua hàng rào, hắn nhìn quang cảnh một lát, không biết sư phụ cuộc sống có ổn định không, chỉ thấy cái chõng tre đặt ngoài sân đã mục nát tới không thể ngồi lên được. Hắn cất tiếng gọi, ngay lập tức trong nhà có người tất tả chạy ra, thân hình phốp pháp dần dần xuất hiện, sau khi nhìn hết ba người kia, Kỷ lão tiên sinh dừng lại trước mặt Tử Phàm, nói:

- Ta không phải đã bảo ngươi đừng đem chủ nợ tới tìm ta nữa, chuyện ngày trước ta đã giải thích rõ ràng, bao nhiêu năm rồi ngươi vẫn còn đeo bám ta, nói cho các người biết, tên này không phải là đồ đệ của ta, chuyện của nó ta không quản, mau đi đi.

- Sư phụ, người đừng tuyệt tình như vậy, con là vì mong nhớ sư phụ nên mới lặn lội đến đây, sư phụ không thể để con chào hỏi người một câu sao – Tử Phàm ra vẻ đau khổ đáp lời Kỷ lão tiên sinh.

- Ngươi… thằng trời đánh, học đạo xong liền chuồn thẳng xuống núi, để ta ở bách tùng miếu đợi hàng năm trời, ngươi còn dám gọi ta là sư phụ? Lần trước dám đem chủ nợ tới tìm ta, chẳng phải ta đã nói tiền trả nợ cho ngươi cũng coi như là tiền cắt đứt quan hệ, ngươi còn đến đây làm gì? – kỷ tiên sinh nộ khí xung thiên, mặt đỏ tía tai mắng Tử Phàm.

Ba người còn lại nhìn nhau, rõ ràng lời sư phụ hắn nói khác với những gì hắn từng kể, chẳng phải sư phụ hắn bỏ hắn, còn khiến hắn phải trả nợ ròng rã bao năm, giờ đây sao người gây nợ lại là hắn. Tử Phàm bên kia toát mồ hôi, vội bá vai Kỷ lão tiên sinh, kéo ra một góc nói nhỏ:

- Sư phụ, lần này tuyệt đối là cực phẩm, người thấy nam nhân mặc trường bào kia không, hắn cực kỳ giàu có, người chỉ cần nói với hắn một chút, hắn sẽ trả người chục quan tiền, chỗ đó chúng ta chia nhau, sư phụ một nửa, con…

- Ngươi còn dám dụ dỗ ta, để xem ta xử lý ngươi thế nào.

Kỷ lão tiên sinh rút từ bên cạnh ra một cành tre, vung tay giáng xuống chân Tử Phàm một gậy, hắn lập tức lùi lại, mắt thấy sư phụ lại giơ tay, hắn không dám nói tiếp, một mạch chạy ra sau ba người kia núp. Kỷ lão tiên sinh tới trước mặt Đình Thiên, nhìn một lát, thấy vậy công tử liền hành lễ, nói:

- Tiên sinh, tại hạ có việc muốn xin tiên sinh chỉ giáo.

- Ta tuổi già sức yếu, e rằng không thể giúp gì được công tử, xin hãy đi về cho, đem cả thằng nhóc kia về nữa.

Dứt lời, từ sau lưng Quốc Trí có tiếng chó sủa, lại thấy cái đuôi nó quẫy lên tít mù, Kỷ lão tiên sinh lấy làm lạ, bảo Quốc Trí đem con chó kia ra đây. Vừa thấy, Kỷ lão tiên sinh liền mừng quýnh, chẳng là con chó này tên lão cẩu, là con chó già nhà tiên sinh, nuôi đã tám năm, tự nhiên cách đây hai hôm nó đi mất, lão tìm cách nào cũng không thấy. Tìm được chó rồi thì Kỷ lão tiên sinh cũng trở lên dễ dàng hơn, vì nó đang bị gãy chân, Quốc Trí lập tức bế nó đặt lên cái chõng ngoài sân, tiên sinh lấy rẻ cùng một cành cây buộc vào chân nó, lại bôi thuốc để nó mau lành.

Xong xuôi, Kỷ lão tiên sinh nhìn bốn người một lượt, cuối cùng mới chỉ vào Quốc Trí, nói:

- Các người về đi, để lại hắn ở đây, có gì năm ngày nữa quay lại nói tiếp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.