Lưỡng Triều Hoàng Hậu

Chương 19: Mượn đường diệt Quắc, Bộ Lĩnh dẹp Khuê- Đường. Rừng trúc điền viên, Vân Nga diện cao nhân




“Mệnh trời đã định nẻo xưa,

Ngọc khuê dành để đợi chờ đế vương.”

Gần đây khắp đầu đường xó chợ trong dân gian bắt đầu lưu truyền rộng rãi hai câu sấm truyền này. Cùng với đó là câu chuyện về việc Đinh Bộ Lĩnh thuở thiếu thời đánh cá đoạt được ngọc quý tinh quang lan tỏa, là thần vật trời ban cho bậc chân mệnh thiên tử. Người người truyền miệng Đinh Bộ Lĩnh là người trời, thuận thiên mệnh, xưng đế nghiệp, gánh sơn hà.

Việc này khiến ta vô cùng phiền muộn, ta đương nhiên không tin cái gọi là sấm truyền. Từ cổ chí kim những lời sấm truyền, điềm lạ dự báo về việc xưng vương, xưng đế của các vị vua chúa trong lịch sử, điển hình như giai thoại Hán Cao Tổ Lưu Ban “chém rắn trắng khởi nghĩa” hay lời sấm truyền thứ mười sáu của Thôi Bối Đồ rằng Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn "Khoác hoàng bào lên, thiên hạ thái bình" đều là do bàn tay con người tạo nên cả. Việc Đinh Bộ Lĩnh “Đoạt ngọc khuê, lĩnh mệnh trời” chín phần cũng là do mưu sĩ bên cạnh Đinh Bộ Lĩnh bày ra. Chỉ là ta ở trong Đinh quân lâu nay, những mưu sĩ, quân sư bên cạnh Đinh Bộ Lĩnh đều đã gặp qua, trong đó quân sư đứng đầu phải kể đến Lưu Cơ. Nhưng Lưu Cơ lại là người thật thà, không giống người có thể nghĩ ra diệu kế cao thâm giúp Đinh Bộ Lĩnh đoạt được lòng dân như thế này. Rốt cuộc là cao nhân nào phía sau Đinh Bộ Lĩnh còn chưa lộ diện?

Đương khi ta còn đang miên man suy nghĩ thì Lưu Cơ ngồi bên cạnh ta thấp giọng hỏi nhỏ ta:

 - Dương cô nương, Chúa công phân phó về việc phân chia quân hưởng cô đã ghi chép cẩn thận chưa?

Ta lúc này mới định thần lại, nhận ra ta còn đang ở tiền điện Đinh phủ tham dự buổi họp quân của Đinh Bộ Lĩnh cùng các tướng lĩnh, quân sư. Công việc thư lại này tuy nhàm chán, giống công việc thư ký thời hiện đại ghi chép biên bản các cuộc họp, nhưng lại giúp ta nắm được rất rõ lực lượng quân số, các vị trí đóng quân chủ chốt, việc phân chia giao nhận quân lương của Đinh Quân. Cũng coi như thời gian ta lưu lại Hoa Lư cũng không phải vô nghĩa. Ta bèn quay sang trả lời Lưu Cơ:

 - Lưu quân sư yên tâm, ta đều ghi chép lại cả rồi.

Lưu Cơ nghe ta trả lời mới bày ra vẻ mặt yên tâm, lại quay sang tiếp tục nghe Đinh Bộ Lĩnh đang phân phó chúng tướng. Lúc này, Đinh Bộ Lĩnh cùng chúng tướng đang thương nghị về việc bình định vùng Đông Nam Giao Châu. Đinh Bộ Lĩnh hỏi:

 - Ta muốn trong thời gian ngắn nhất thu phục toàn bộ vùng Đông Nam Giao Châu, nếu có thể hoàn thành trước chiến dịch Tây Phù Liệt là tốt nhất. Chúng tướng có ý kiến gì không?

Một vị tướng tuổi trạc bốn mươi, gương mặt chữ điền, mày thanh mắt khiết, khí độ trầm ổn lên tiếng:

 - Theo mạt tướng thấy chúng ta có thể đưa thêm quân từ Hoa Lư lên Bố Hải Khẩu, từ cửa Bố dùng thủy quân bắc tiến, chia làm ba đạo quân đánh đồng loạt Siêu Loại, Tế Giang và Đằng Châu.

Vị tướng quân vừa đưa ra ý kiến là Tướng quân Bùi Quang Dũng. Đây là chủ tướng một Đạo quân vừa quy thuận Đinh Bộ Lĩnh gần đây. Trước đây, Bùi tướng quân nức tiếng gần xa là người có tài, văn thao võ lược, tinh thông binh pháp nên được cả ba vị Sứ quân đương thời là Ngô Sứ Quân, Kiều Công Hãn và Đỗ Cảnh Thạc nhiều lần thuyết phục lôi kéo về dưới trướng, nhưng đến cuối cùng vị Bùi tướng quân này đã tìm về với Đinh Bộ Lĩnh.

Lời Bùi tướng quân vừa đưa ra, chúng tướng đều đồng loạt hưởng ứng cho là kế hay. Sau khi nghe hết ý kiến của chúng tướng, Đinh Bộ Lĩnh mới nói:

 - Kế sách của Bùi Tướng quân là kế hay nhưng chưa phải là thượng sách. Đi đường thủy tuy nhanh nhưng chia ba lực lượng đánh cùng lúc ba nơi sẽ chiếm mất phần lớn lực lượng của Đinh quân, có thể ảnh hưởng đến trận chiến chủ lực với Tây Phù Liệt. Hơn nữa, tài lực và vật lực phải xuất ra cũng rất lớn. Ta đây muốn dùng kế “mượn đường diệt Quắc” của cổ nhân để đánh trận này. Ta sẽ cho người đến gặp Phạm Bạch Hổ ở Đằng Châu, “mượn đường” đi đánh Lã Đường ở Tế Giang. Lại nói với Tế Giang là cho “mượn đất” để đánh Lý Khuê ở Siêu Loại. Diệt Lý Khuê xong, ta quay lại diệt Lã Đường, cuối cùng khi rút về Đằng Châu, tất Phạm Bạch Hổ phải đầu hàng.

Ta chợt khựng bút, mưu cao kế chắc đến thế này quả thật chỉ có Đinh Bộ Lĩnh mới có thể nghĩ ra được, ta không khỏi thán phục hắn. Xưa nay Đinh Bộ Lĩnh dụng binh đều là uyển chuyển khéo léo, mượn sức người khác làm lợi cho mình, hoặc nếu có thể đều là chính sách ngoại giao không tốn một binh một tốt mà giành thắng lợi. Lý Khuê, Lã Đường ở mạn Đông Giao Châu thường xuyên tranh chấp, tranh giành lãnh thổ, là kẻ thù không đội trời chung. Mà Phạm Bạch Hổ ở phía Đông Nam Giao Châu cũng coi hai Sứ quân ở lân cận mình là cái gai trong mắt, đánh ai chứ đánh Tế Giang Lã Đường thì Phạm Bạch Hổ mừng còn không kịp, hẳn sẽ nhận lời.

Tất cả chư tướng không ai là không thán phục diệu kế của Đinh Bộ Lĩnh, nhất loạt ca tụng tâng bốc. Ta không nhịn được bèn cất giọng hỏi khó Đinh Bộ Lĩnh:

 - Đinh Sứ quân, chẳng hay nên để ai đi thuyết phục Phạm Bạch Hổ đồng ý cho “mượn đường” đi đánh Tế Giang đây? Vạn nhất không thuyết phục được Phạm Bạch Hổ, há chẳng phải tất cả đều vô ích rồi sao?

Đinh Bộ Lĩnh khẽ nhếch mép cười nhàn nhạt, giọng điệu chín phần châm chọc:

 - Phiền Dương Cô nương phải viết một phong thư cho “Thê đệ” Ngô Nhật Khánh của ta ở Đường Lâm, nhờ hắn thay ta làm thuyết khách với Phạm Bạch Hổ vậy.

Cái tên Đinh Bộ Lĩnh này, vẫn không quên sự vụ ta thay hắn cầu thân với Đường Lâm tháng rồi. Bị hắn phản đòn làm cho nghẹn họng, ta cố nén giận, ngoan ngoãn đáp:

 - Tiểu nữ tuân lệnh.

Ngô Nhật Khánh và Phạm Bạch Hổ đều là bộ hạ cũ của nhà Ngô, có chút giao tình. Để Ngô Nhật Khánh làm thuyết khách, mười phần ắt thành chín phần thành sự. Tâm tư của Đinh Bộ Lĩnh thật quá kín kẽ rồi, cả việc lợi dụng nhân tâm này hắn cũng đã sớm tính đến.

Lại nghe Bùi tướng quân lên tiếng:

 - Mạt tướng xin được lãnh binh ra trận, thề giúp Chúa Công đoạt được toàn vùng Đông Nam Giao Châu.

Đinh Bộ Lĩnh mỉm cười hài lòng:

 - Ta quả là có ý này, Bùi Tướng quân quay về điểm binh, hai ngày sau lập tức khởi hành đến Bố Hải Khẩu, từ Bố Hải Khẩu di chuyển lên đất Đằng Châu. Ta sẽ cho người dàn xếp phía Phạm Bạch Hổ và Lã Đường. Sau khi ngươi đến địa phận Đằng Châu, nhất định sẽ một đường thuận lợi vượt đất Tế Giang tiến đánh Lý Khuê ở Siêu Loại.

Bùi Quang Dũng lập tức vái Đinh Bộ Lĩnh lĩnh mệnh.

Đoạn, chúng tướng lại tiếp tục bàn bạc về chiến dịch tấn công Tây Phù Liệt Nguyễn Siêu. Theo như thỏa thuận với Lê Hoàn, Lê Quân sẽ từ Đỗ Động Giang tấn công phía Bắc Tây Phù Liệt. Đinh Quân sẽ dùng thủy quân từ Bố Hải Khẩu tấn công phía Nam Tây Phù Liệt tạo thế gọng kìm bao vây toàn bộ Tây Phù Liệt. Sau khi thương nghị, chúng tướng quyết định sẽ để hai chủ tướng tuy trẻ tuổi nhưng thông thạo thủy chiến là Đào Cam Mộc và Đinh Trọng Dật thống lãnh hai Đạo quân của mình tham gia trực tiếp chiến dịch này, Đinh Bộ Lĩnh sẽ là Chủ Soái giám trận, tả Tham quân Đinh Điền, hữu Tham quân Lưu Cơ. Đạo quân của Đinh Trọng Dật Tướng quân vốn đã trấn thủ sẵn ở Bố Hải Khẩu, nên hai ngày sau Đạo quân của Đào Cam Mộc Tướng quân cũng sẽ cùng với Đạo quân của Bùi Quang Dũng Tướng quân đến Bố Hải Khẩu hợp quân.

*******************************************************

Đinh Bộ Lĩnh lần này quả thật liệu việc như thần, kế “mượn đường diệt Quắc” của hắn tính không sai một li, Bùi Quang Dũng lại là tướng tài. Tin tức chiến thắng cứ liên tiếp từ tiền tuyến truyền về. Sức ảnh hưởng của Đinh Bộ Lĩnh càng ngày càng lan rộng, cộng thêm với lời sấm truyền trong dân gian kia, ta bắt đầu có chút đứng ngồi không yên. Chỉ thầm cầu khấn trời cao cho Lê Viễn có thể nhanh chóng kiểm soát Diễn Châu, có như vậy thế lực của Lê Hoàn mới cân bằng với được với Đinh Bộ Lĩnh, cùng hắn đấu trận cuối cùng.

Ta cứ vừa đi dạo vừa suy nghĩ, ấy vậy mà không biết tự bao giờ lại đặt chân đến rừng trúc phía sau Đinh Phủ. Từng cơn gió nhẹ thổi qua rừng trúc xanh biếc xua tan đi cái oi bức của mùa hạ, lòng ta bất chợt cũng mềm đi. Ta thong thả bước chân xuyên qua rừng trúc, lại thấy cách đó vài bước chân là một gian nhà gỗ trang nhã, cửa sổ mở rộng, rèm cửa trắng tinh khẽ phất phơ. Bên cạnh gian nhà lại là một vườn rau nhỏ tươm tất, khoảng sân trước nhà rộng rãi được quét tước sạch sẽ, kê một bộ bàn ghế gỗ. Mà trên ghế một thân ảnh nam tử mặc áo màu lục đang ngồi quay lưng về phía ta. Hắn đang thổi tiêu, tiếng tiêu khi trầm khi bổng, làn điệu du dương, khiến lòng người mê mẩn. Thân hình hắn cao gầy, mái tóc đen dài thi thoảng lay động, cử chỉ thanh tao, nhã nhặn, toát ra khí chất thần tiên. Chỉ nhìn bóng lưng cũng có thể cảm nhận được sự tinh khiết không nhiễm thế tục của hắn. Ta cứ ngỡ mình vừa tiến nhập tiên cảnh, cho đến khi tiếng tiêu dứt hẳn, ta mới giật mình thanh tỉnh. Không muốn quấy rầy thế ngoại cao nhân, ta khẽ lui bước, định quay lưng rời đi, không ngờ lại nghe được một thanh âm trầm ấm:

 - Cô nương, nếu đã đến sao không vào dùng một tách trà?

Ta thoáng chút giật mình, chẳng lẽ ban nãy mình thất thố gây ra động tĩnh lớn lắm sao? Nhưng cuối cùng vẫn là không nén nổi tò mò mà bước vào khoảng sân. Ta đến ngồi trước mặt hắn, âm thầm đánh giá, quả thật là một mỹ nam tuấn tú thanh nhã như trúc. Ta mỉm cười cất lời:

 - Quấy rầy nhã hứng của tiên sinh. Vân Nga thất lễ rồi.

Hắn cũng mỉm cười dịu dàng đáp:

 - Hóa ra là Dương cô nương.

Ta hơi ngạc nhiên nhướng mày hỏi:

 - Tiên sinh biết ta sao?

Hắn rót một tách trà, cử chỉ lịch sự đưa tới trước mặt ta, nói:

 - Dương cô nương được Chúa công coi trọng, ta đương nhiên cũng nghe nói qua.

Ta phì cười, nguyên lai là vậy, đại nhân vật phía sau lưng Đinh Bộ Lĩnh đây rồi. Ta đứng dậy chắp tay hành lễ với hắn:

 - Trịnh Quân Sư ngưỡng mộ đã lâu.

Trịnh Tú phẩy tay:

 - Dương cô nương quá lời rồi. Mời ngồi.

Ta không khách sáo nâng chén trà đưa lên miệng, hương trà thơm ngát, vị trà thanh mát, thấm nhuần trong cuống họng, khiến cả người tỉnh táo, ta tấm tắc khen:

 - Trà ngon! Trà ngon!

Trịnh Tú liền cười nói:

 - Trà ta hái từ trên núi buổi sớm, cũng do chính tay ta ủ, nước pha trà dùng sương đọng trên cánh sen, hương vị có chút khác biệt với trà thông thường. Để cô nương chê cười rồi.

Ta cũng vui vẻ đáp:

 - Thật ngưỡng mộ cuộc sống điền viên của Trịnh Quân Sư.

Trịnh Tú từ tốn nói:

 - Không dám, không dám. Tại hạ hiện giờ bất quá cũng chỉ là tìm chút bình an trong thời loạn, chỉ cầu mong ngày sau Chúa công nên nghiệp lớn, bản thân có thể sống một đời ở chốn thanh vắng.

Ta đặt tách trà xuống bàn, chăm chú nhìn Trịnh Tú, lại nói:

 - Trịnh Quân sư tài năng kinh bang tế thế, lui về như vậy thật đáng tiếc.

Khóe môi Trịnh Tú khẽ cong lên:

 - Dương cô nương lại quá lời. Tại hạ nào có tài năng gì? Có chăng cũng chỉ là thỉnh thoảng bồi Chúa công uống một chén trà, đánh vài ván cờ luận chuyện thiên hạ.

Đoạn, Trịnh Tú lại tự rót cho mình một chén trà, động tác tao nhã nâng tách trà ngang mũi thưởng thức hương thơm, rồi từ từ nhấp một ngụm. Thoáng chốc, ta bỗng cảm giác hành động này có chút quen mắt, chỉ là nhấc thời không nhớ ra đã gặp ở đâu. Lòng ta có chút không nhịn được, bèn hỏi:

 - Trịnh Quân sư không biết gần đây có nghe trong dân gian lưu truyền hai câu thơ: “Mệnh trời đã định nẻo xưa - Ngọc khuê dành để đợi chờ đế vương.”?

Trịnh Tú lại cất giọng bình ổn:

 - Đã từng nghe qua… Chúa công hiện có cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa, xưng đế là chuyện không sớm thì muộn. Người là bậc kỳ tài trăm năm hiếm gặp, có thể kết thúc loạn thế đương thời, mở ra thái bình thịnh trị. Việc Người xưng đế chính là thuận thiên ý, thỏa lòng dân.

Ta khẽ hừ nhẹ một tiếng, giọng có chút bất mãn mà nói:

 - Thật hay cho một câu “thuận thiên ý, thỏa lòng dân”.

Trịnh Tú thấy sắc mặt ta không tự nhiên, lại ôn tồn giảng giải:

 - Dương cô nương, tự cổ chí kim, người nào lấy được lòng dân chính là lấy được cả thiên hạ.

Ta có chút bất nhẫn đáp:

 - Trịnh Quân sư, lấy được lòng dân không phải chỉ bằng những trò giả thần giả quỷ.

Trịnh Tú khẽ rũ mi mắt, có chút ngại ngùng, sau lại bình thản nói:

 - Dương cô nương, bách tính trong thiên hạ đã chịu quá nhiều nỗi khổ loạn li. Trong mắt họ, ai lên làm vua cũng không quan trọng, quan trọng là cho họ một đức tin, để họ còn có thể tiếp tục sống, tiếp tục hy vọng về tương lai.

Ta lại không cho là đúng mà hỏi tiếp:

 - Trịnh quân sư sao dám đảm bảo niềm tin của họ sẽ không đặt nhầm người?

Trịnh Tú không đáp lời ta, chỉ khẽ mỉm cười, hồi sau, hắn lại mở lời:

 - Dương cô nương, chuyện của cô và Lê Hoàn ta có nghe Chúa công nói qua. Dương cô nương là một nữ tử hiểu chuyện, vì sao lại không khuyên Lê Hoàn quy thuận Chúa công, đỡ cho bá tánh được một hồi binh đao? Hai người cũng có thể ở Ái Châu mà an nhàn hưởng phúc.

Ta thấy hắn chuyển chủ đề, cũng không muốn gặng hỏi hắn đến cùng, chỉ lạnh nhạt đáp lời:

 - Dương Vân Nga ta không muốn dùng nữ nhi tình trường trói buột quyết định của Lê Hoàn.

Trịnh Tú chỉ khẽ gật đầu, sau lại nói:

 - Dương Cô nương, hiện tại trong thiên hạ, Chúa công là lấy đức lập uy, mà Lê Hoàn là lấy dũng lập uy. Một khi hai người này đối đầu, ta nghĩ không cần nói cô cũng biết rõ thắng bại sẽ nghiêng về bên nào? Cô nương cũng là người biết thức thời, sao không nhân lúc còn có thể vãn hồi mà bỏ tối theo sáng?

Ta có chút ương ngạnh hỏi lại:

 - Vậy thì đã sao? Chưa đến phút cuối cùng sao có thể nói trước thắng thua? Càng huống hồ từ lúc ta quyết định ở bên cạnh Lê Hoàn, ta đã biết sẽ có một ngày chàng và Đinh Bộ Lĩnh đối đầu. Mặc kệ kết quả ra sao, ta vẫn luôn đứng bên cạnh chàng.

Trịnh Tú ngẩng ra nhìn ta, sau đó thì bật cười:

 - Ha ha, quả thật là một cô nương cao ngạo. Không hổ danh là người có mệnh phượng hoàng.

Câu này của hắn làm ta không khỏi nghi hoặc, bèn cao giọng hỏi hắn:

 - Mệnh phượng hoàng gì? Xin Trịnh Quân sư nói rõ.

Trịnh Tú nhìn ta nói:

- Dương cô nương, thứ cho tại hạ thất lễ, kể từ lúc cô đặt chân đến đây, ta đã nhận ra cô nương có cốt cách bản mệnh phượng hoàng. Chẳng hay cô nương có ngại để ta xem chỉ tay lần nữa cho kỹ.

Ta hơi ngần ngừ, nhưng sau cũng đưa tay đến trước mặt hắn nói:

 - Được!

Trịnh Tú khẽ nâng tay ta, nhẹ giọng nói:

 - Thất lễ!

Đoạn, hắn chăm chú quan sát chỉ tay ta. Sau đó nhẹ nhàng thả bàn tay ta xuống, lại bấm bấm ngón tay, lẩm nhẩm tính toán một hồi. Một lúc sau, hắn mới nói:

 - Thật kỳ lạ… Rõ ràng là mệnh phượng hoàng, nhưng… nhưng sao lại… như vậy?

Thấy Trịnh Tú khẽ nhíu mày, thần thái loáng thoáng mơ hồ, ta không kiên nhẫn mà hỏi lại hắn:

 - Xin Trịnh Quân sư chỉ rõ có gì không ổn!

Sắc mặt hắn có chút bất đắt dĩ, nói:

 - Dương cô nương đúng thật là có bản mệnh phượng hoàng! Nhưng khi ta xem chỉ tay của cô nương lại có đến hai mệnh phượng hoàng. Xưa nay trong thiên hạ người có mệnh phượng hoàng đã hiếm, nhưng lại có song mệnh phượng hoàng thì lại càng không thể.

Nghe hắn nói làm đầu óc ta lùng bùng, rối loạn cả lên, giọng ta không giấu được khẩn trương mà hỏi:

 - Trịnh quân sư, xin ngài giải thích một chút, cái gì gọi là mệnh phượng hoàng?

Trịnh Tú ung dung giải thích:

 - Mệnh phượng hoàng, nói ra chính là người có mệnh cách làm Hoàng hậu, phò trợ Đế vương sáng lập đế nghiệp.

Ta giật mình, nói vậy sau này Lê Hoàn sẽ lập ta làm hoàng hậu sao? Ta đã biết Lê Hoàn sẽ xưng đế, ta và chàng đã ước định chung thân, ngày sau ta nhất định sẽ gả cho chàng, chỉ là ta chưa từng nghĩ đến chuyện mình có được chàng lập làm hoàng hậu hay không. Nay nghe Trịnh Tú nói vậy, tự nhiên trong lòng liền nổi lên một trận kinh hỉ, không nhịn được mà trong lòng cũng có chút thẹn thùng cùng một chút kỳ vọng xa xăm. Chỉ là bị giọng nói của Trịnh Tú cắt ngang những suy nghĩ ngổn ngang trong lòng.

 - Có điều một người nếu có song mệnh phượng hoàng chẳng phải sau này sẽ làm hoàng hậu hai lần sao? Việc này sao có thể? Trừ phi…

Ta gấp gáp hỏi:

 - Trừ phi thế nào?

Trịnh Tú hơi chần chừ, cuối cùng lại thấp giọng nói:

 - Cũng không phải là không thể… Có thể là phế rồi lại lập…Như vậy cũng tính là hai lần.

Ta hơi thất vọng, lại có chuyện như vậy nữa à? Cái gì gọi là có thể phế rồi lại lập chứ? Nghe sao mà thê lương quá. Thôi, những chuyện như thế này cứ không tin thì sẽ không có. Mệnh ta là do ta định. Dứt khoát nghĩ vậy, ta liền nheo mắt cười cười:

 - Ha ha, Trịnh quân sư thật biết nói đùa! Mệnh phượng hoàng gì chứ? Ta bất quá cũng chỉ xuất thân trong một gia đình bình thường, nào dám có tâm vọng tưởng. Càng không nói gì đến việc song mệnh phượng hoàng. Chuyện này chắc có nhầm lẫn gì rồi.

Trịnh Tú thoáng có chút tự ái, nhướng mày nói:

 - Dương cô nương, quẻ tính của ta chưa bao giờ sai.

Ta lại cười đáp:

 - Ha ha, Trịnh Quân sư, trời đất còn không vẹn toàn, huống chi là một quẻ tính! Chuyện này chỉ nói đến đây thôi, xin Trịnh Quân sư chớ nhắc lại kẻo lại phát sinh thêm phiền phức cho ta.

Trịnh Quân sư là người thông tuệ, nghe ta nói vậy liền hiểu ý mà khẳng khái đáp:

 - Dương cô nương nói phải. Tại hạ lắm lời rồi!

Đương khi ta và Trịnh Quân sư còn đang nói chuyện thì ta thấy từ xa một thân ảnh bạch y tuấn nhã, khí độ cao quý, thong dong bước đến. Nụ cười vẫn giữ trên đôi môi mỏng đẹp đến mê người ấy, người nọ cất giọng ôn nhu:

 - Trịnh huynh hôm nay có khách đến thăm sao?

Trịnh Tú vội vàng đứng lên quay lưng chắp tay cúi đầu hành lễ:

  - Chúa công!

Đinh Bộ Lĩnh nhanh chân bước đến, hai tay cẩn thận nâng Trịnh Tú lên, nhẹ nhàng nói:

  - Trịnh huynh không cần đa lễ.

Đoạn, Đinh Bộ Lĩnh mới quay sang nhìn ta hỏi:

 - Dương cô nương cũng ở đây sao?

Ta cũng cúi đầu hành lễ với Đinh Bộ Lĩnh:

 - Bái kiến Đinh Sứ quân. Tiểu nữ chỉ là vô tình đi ngang qua biệt trang này, cũng tới lúc nên quay về rồi, không làm phiền Đinh Sứ quân và Trịnh Quân sư nữa. Xin cáo từ!

Nói rồi ta cũng quay sang nhìn Trịnh Tú hành lễ:

 - Trịnh Quân sư, Vân Nga cáo từ!

Trịnh Tú gật đầu nói:

 - Dương cô nương, cáo từ. Cô nương ngày sau có rãnh rỗi mời lại ghé tệ xá thưởng trà, ta sẽ để dành trà ngon mời cô nương.

Ta liền nở nụ cười thật tươi đáp:

 - Đa tạ Trịnh Quân sư.

Ta xoay lưng cất bước rời đi, để lại sau lưng đôi quân thần Đinh Bộ Lĩnh- Trịnh Tú.

Trịnh Tú, Trịnh Quân Sư, mưu sĩ giỏi nhất triều Đinh, người đứng đằng sau lời sấm truyền “Đoạt ngọc khuê, lĩnh mệnh trời” cuối cùng cũng đã xuất hiện rồi. Người này, mười mấy năm sau, sẽ trở thành kẻ đối đầu lớn nhất của Lê Hoàn. Chỉ là, biết trước kết cục của hắn, lòng ta vẫn không khỏi dâng lên một hồi luyến tiếc…

-Hết chương 19-

Chú thích:

“Mượn đường diệt Quắc”: Tam thập lục kế, kế thứ hai mươi tư. Xuất phát từ điển tích: Tấn Hiến Công, vị vua thứ 19 của nước Tấn. Bấy giờ, nước Quắc là nước thù địch với nhà Tấn. Tấn Hiến công nóng lòng muốn đánh nước Quắc lắm nhưng Sĩ Vĩ can rằng nên chờ nước Quắc loạn rồi hẳn đánh. Chờ dài cổ mà chẳng thấy nước Quắc loạn, các mưu sĩ bèn dâng kế Giả đạo phạt Quắc nghĩa là mượn đường đi qua nước Ngu để đánh nước Quắc. Bèn đem ngựa tốt xe đẹp tặng vua nước Ngu, nói rằng nước Tấn và nước Ngu là đôi bạn vàng. Vua nước Ngu nghe bùi tai bèn cho nước Tấn mượn đường diệt Quắc. Sau khi tiêu diệt nước Quắc, quân nước Tấn thôn tính luôn nước Ngu, bắt sống Ngu công.

Lời tác giả: Cổ nhân dùng kế “Mượn đường diệt Quắc”, mà diệt được cả hai nước Quắc, Ngu. Trong truyện, Đinh Bộ Lĩnh cũng dùng kế này mà dẹp được cả ba sứ quân Lã Đường, Lý Khuê, Phạm Bạch Hổ. Đúng như Dương Vân Nga nhận xét, qủa là “mưu cao kế chắc”, không ai là không phục.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.