Luật Công Bằng

Chương 2




2.

Điện thoại rung lên, một đồng nghiệp hỏi tôi vài điều về công việc. Tôi xin nghỉ phép đột xuất vì có tang, làm khó cô ấy gánh vác thay lâu vậy mới phải điện hỏi tôi.

Tôi cầm điện thoại ra ngoài định gọi lại nói chuyện. Chưa kịp gọi thì Trần Quân đã gọi đến trước.

Có lẽ vì là “em trai”, lại còn đang trong giai đoạn yêu đương nồng nhiệt nên anh ấy lúc nào cũng dính lấy tôi. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ đề cập chuyện gia đình với anh ấy. Lần này mua vé máy bay về gấp tôi cũng không báo. Lúc này chắc Trần Quân nghĩ tôi đang ở công ty, gần tan làm.

Tôi nhận điện thoại, nghe Trần Quân kể chi tiết chuyện lớn chuyện nhỏ hôm nay đã làm, gặp khách hàng nào, tối nay sẽ đưa tôi đi đâu ăn tối. Tầm một phút sau, tôi mới nói được với anh, tôi đang xin nghỉ phép vì nhà có tang, đang ở quê.

Trần Quân lập tức lo lắng. “Ai mất?”

“Ba em, nhồi máu cơ tim không cứu được.”

“Sao không nói với anh để cùng về với em giải quyết.”

Tôi nói: “Không sao, quê em nhiều người biết cách làm tang ma, em không hiểu, anh càng không hiểu, có đến cũng vô dụng. Mọi việc em cứ nghe người lớn sắp xếp là được.”

Giải quyết xong Trần Quân, lại gọi hai cuộc điện thoại công việc ngắn gọn, tôi quay người vào nhà.

Trước khi đẩy cửa, tôi nghe Hứa Hân Duyệt đang nói. Giọng điệu rất chân thành, khiêm tốn mà người lớn yêu thích.

“Chị không rơi giọt nước mắt… còn có thể giải quyết công việc, thật bình tĩnh, có thể làm nên chuyện lớn. Không giống con, ba đột ngột mất đi, đầu óc loạn lên chỉ biết khóc, không làm được chuyện gì cả, còn phải làm phiền mấy cô bác.”

Khen công khai chê ngấm ngầm, đây là kỹ năng xưa giờ của Hứa Hân Duyệt.

Quả nhiên cô tôi tiếp lời: “Năm đó cha con cãi nhau còn mang cả dao ra, chỉ sợ con bé Hứa Thiến này tính tình nóng nảy, còn ghi hận…”

Tôi cầm di động đứng trong gió thu lành lạnh, lòng “À” lên.

Đúng là tôi rất nóng tính.

Cuộc cãi vã dẫn đến cha con cắt đứt tình nghĩa, lấy cả dao phay trong bếp ra làm đạo cụ cãi nhau là vì năm cuối tôi thực tập đi thuê nhà, bị người môi giới vô lương tâm lừa tiền đặt cọc, trên người không còn tiền nên muốn mượn trong nhà mấy ngàn xoay sở.

Ba tôi lại không cho một xu. Còn mắng tôi sao không đánh mắt cho bóng lên, tại sao người môi giới kia không lừa người khác mà đi lừa tôi.

Tôi cũng tức nghẹn, “Phải, mới ra đời không hiểu gì cả, con bị lừa là đáng, bị mắng cũng đáng!”

Ngày hôm đó, đồ Hán phục mà Hứa Hân Duyệt mua được giao đến. Tràn đầy cả ba túi. Tôi biết em ấy thích những thứ này nhưng không ngờ lại mua nhiều như vậy.

Tôi nhìn ba chằm chằm, giọng lạnh lẽo.

“Cùng là con gái trong nhà, tại sao Hứa Hân Duyệt có thể tiêu mấy ngàn đồng mua Hán phục, con không thể có mấy ngàn tiền thuê nhà?”

Ba tôi không hề nghĩ ngợi, buột miệng thốt ra: “Mày so được với em à?”

Nói hay lắm.

Từ nhỏ đến lớn tôi không thể so với Hứa Hân Duyệt. Bởi vì nếu so, tôi sẽ tức chết.

Người đứng hạng nhất lớp là tôi, mẹ mua bánh kem khen thưởng thì cũng phải mua cho Hứa Hân Duyệt một cái.

Khi điểm thi Hứa Hân Duyệt tiến bộ thì tôi không được chạm vào những con búp bê của em.

Cùng là cảm sốt, tôi chỉ được câu “uống nhiều nước ấm”, Hứa Hân Duyệt được lập tức đưa đi cấp cứu khám bệnh.

Tôi mới tốt nghiệp đại học, trong túi không tiền, một xu cũng phải chia thành hai mà tiêu xài, ở trong căn phòng thuê dột nát, ăn mì gói nước suông mỗi ngày.

Hứa Hân Duyệt tốt nghiệp, ở nhà ăn chơi không hai năm liền, ba mẹ hầu hạ cơm bưng nước rót, chăn êm nệm êm, còn tiêu tiền để tạo quan hệ.

Tôi thường nghĩ, có lẽ tôi không phải con ruột?

Nhưng người một nhà vẻ ngoài giống nhau, là chứng minh tốt nhất cho máu mủ. Vì thế tôi tự giễu, ông bà nói không đúng hoàn toàn.

Trời giao sứ mệnh cho người thì trước tiên nên cho một cặp cha mẹ bất công. Điều này không phải là khắc cốt ghi tâm hơn cả sự đói khát về thể xác sao?

Tôi đẩy cửa vào, xách hành lý của mình lên, “Muộn rồi, con về khách sạn ngủ, sáng mai về sớm.”

Mẹ đứng lên ngượng ngập: “Thiến Thiến, phòng con không ai ở nên hơi… hay là con ngủ cùng giường Duyệt Duyệt đi. Ra ngoài khách sạn ở để người khác thấy rất kỳ.”

Có gì mà kỳ cục. Chẳng lẽ tôi sống trong sự đàm tiếu của bảy cô tám dì sao?

Tôi đẩy vali ra ngoài, không quay đầu.

Bên tai vọng tới tiếng thở dài.

“Con bé này hư rồi.”

“Tính tình bướng bỉnh.”

Tôi vờ như không nghe thấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.