Lộc Đỉnh Ký

Chương 152: Viên Viên Xuất Thân Ở Chốn Phong Trần




Vi Tiểu Bảo luống cuống đáp:

- Dạ dạ!

Hai chân gã nhủn ra ngồi phệt ngay xuống. Nước trà trong chung đổ ra làm

ướt một mảng vạt áo.

Đàn ông thiên hạ thấy mặt người đẹp thường lâm vào tình trạng hồn lạc

phách xiêu, nàng được chứng kiến nhiều rồi nên không để ý. Nhưng Vi Tiểu Bảo,

một gã thiếu niên mới mười lăm mười sáu tuổi, cũng bị dung quang tuyệt thế của

nàng làm cho mê mẩn, khiến nàng không nhịn được, tủm tỉm cười nói:

- Vi đại nhân tuổi nhỏ tài cao, tưởng Cam La ngày trước mới mười hai tuổi đã

làm thượng khanh ở nước Tần cũng chẳng thể hơn được.

Vi Tiểu Bảo đáp:

- Tại hạ không dám! Trời ơi! Chẳng hiểu Tây Thi, Dương Quý Phi ngày trước

thế nào mà thiên hạ đua nhau tâng bốc, nhưng tại hạ nhất quyết còn thua nương

tử xa lắm.

Người đẹp giơ tay áo lên che nửa mặt ngọc mỉm cười. Cử động này tưởng

chừng bao nhiêu vẻ đẹp đều hiện ra. Nàng nghiêm trang nói:

- Mỹ sắc làm hư việc nước, xưa đã thế mà nay cũng thế. Con người bất tường

tự hận mình được trời ban cho tấm dung nhan khuynh quốc chỉ tổ làm đau khổ lê

dân trong thiên hạ. Vì thế mà mấy năm gần đây tiện thiếp giam mình vào chốn am

mây, làm bạn cùng thanh đăng cổ phật, khổ tâm sám hối. Hỡi ơi! Tiện thiếp dù khua

tan mõ gỗ, niệm nát chân kinh cũng không đủ đền tội trong muôn một.

Nàng nói tới đây vành mắt đỏ hoe rồi không nhịn được để hai hàng châu lệ

tuôn rơi.

Vi Tiểu Bảo không hiểu những câu nàng nói có ẩn ý gì. Gã chỉ biết lúc nàng

mỉm cười như ánh thần quang, chia rồi lại hợp, lúc nàng buồn thảm khiến người xúc

động can trường. Bất giác gã nảy lòng thương hương tiếc ngọc. gã chẳng biết

nàng họ tên là gì, lai lich thế nào, mà bầu máu nóng trong lồng ngực sủi lên sùng

sục. Dù gã có phải vì nàng mà tan xương nát thịt cũng lấy làm mãn nguyện.

Bất giác gã vỗ ngực đứng dậy nói:

- Ai là kẻ đã khinh khi nương tử? Tại hạ quyết liều mạng với kẻ đó. Nương tử

có điều chi khó giải quyết cứ trông vào bàn tay tại hạ. Nê Vi Tiểu Bảo làm không

được thì xin chặt đầu dâng cho nương tử.

Gã vừa nói vừa giơ tay lên chặt mạnh vào cổ.

Người đẹp cũng đứng dậy, ngưng thần nhìn gã một lúc, vành mắt lại đỏ hoe,

bỗng nàng quỳ xuống sụp lạy, nghẹn ngào nói:

- Vi đại nhân nghĩa cả ngất trời xanh, tiện thiếp chẳng biết lấy gì đến đáp

cho vừa.

Vi Tiểu Bảo la lên:

- Không đúng! Không đúng!

Gã cũng quỳ xuống nhìn về phía người đẹp, dập dầu binh binh.

Gã vừa lạy vừa nói:

- Nương tử là tiên nhân giáng thế, Bồ Tát hiện hình. Tại hạ dập đầu trước

nương tử mới phải, khi nào dám nhận đại lễ của nương tử.

Người đẹp khẽ đáp:

- Đại nhân dạy thế khiến tiện thiếp phải tổn thọ!

Nàng giơ tay ra nhẹ nhàng đỡ gã dậy.

Vi Tiểu Bảo thấy trên má nàng còn đọng mấy giọt nước mắt lóng lánh như mấy

hạt châu, vội giơ tay áo lên khẽ lau cho nàng và kiếm lời an ủi:

- Nương tử đừng khóc! Đừng khóc! Dù có gặp việc tày đình chúng ta cũng

giải quyết cho xong.

Kể tuổi thì người đẹp đáng là mẫu thân Vi Tiểu Bảo, nhưng dung nhan cung

cách, cử chỉ lời nói cùng dáng điệu của nàng xinh đẹp quá chừng khiến người ta

chẳng thể không sinh lòng lân mẫn.

Vi Tiểu Bảo lại hỏi:

- Nương tử có điều chi khó giải quyết?

Người đẹp đáp:

- Vi đại nhân thấy thư liền đến ngay lập tức, tiểu nữ tử thực là cảm kích...

Nàng chưa hết lời, Vi Tiểu Bảo đã la lên một tiếng "úi chà"

Gã giơ tay lên đập vào trán nói:

- Tại hạ thật là hồ đồ. Đây là vì A Kha.

Cặp mắt gã trừng trừng ngó người đẹp rồi chợt tỉnh ngộ, lên tiếng hỏi:

- Phải chăng tôn giá là mẫu thân của A Kha?

Người đẹp khẽ đáp:

- Vi đại nhân quả là người thông minh. Tiện thiếp chưa kịp nói đại nhân đã

đoán ra rồi.

Vi Tiểu Bảo nói:

- Vụ này dễ đoán lắm vì tướng mạo hai người rất giống nhau. Có điều... có

điều... A Kha sư tỷ... không đẹp bằng tôn giá...

Người đẹp hơi đỏ mặt lên. Màu da trắng mịn ửng hồng khác nào bạch ngọc

điểm phấn tô son càng tăng vẻ kiều diễm.

Nàng khẽ hỏi:

- Đại nhân kêu A Kha bằng sư tỷ ư?

Vi Tiểu Bảo đáp:

- Đúng thế! Y là sư tỷ của tại hạ.

Rồi gã chẳng giấu diếm gì nữa, đem chuyện gặp A Kha trong trường hợp nào,

bị nàng đánh trật khớp tay ra sao, cả chuyện bái Cửu Nạn làm sư phụ, cho đến

chuyện đi Côn Minh, thuật lại cho người đẹp nghe. Gã còn thú nhận mình say mê

A Kha mà cô đối với gã tuyệt không để vào mắt xanh chút nào.

Vi Tiểu Bảo kể hết đầu đuôi mọi việc đã xảy ra từ ngày gặp A Kha đến nay.

Chỉ có thân thế của Cửu Nạn và cuộc mưu đồ của gã bất lợi cho Ngô Tam Quế là

những chuyện trọng đại nên gã lược đi không nói đến.

Người đẹp lẳng lặng chú ý nghe Vi Tiểu Bảo kể xong, nàng khẽ thở dài và

cất tiếng ngâm:

Thê tử xen chi vào đại kế

Anh hùng lại cũng giống đa tình

Rồi nàng nói:

- Hồng nhan là nguyên nhân của tai hoạ. Việc trước mắt lại càng rõ rệt. Bước

tiền đồ của Vi đại nhân thật là viễn đạt...

Vi Tiểu Bảo lắc đầu đáp:

- Không phải! Không phải! Câu hồng nhan là nguyên nhân tai hoạ, tại hạ đã

từng nghe thầy đồ nói tới. Nào Tây Thi, nào Vương Chiêu Quân, nào Điêu Thuyền,

nào Dương Quý Phi gì gì đều là những mỹ nữ làm nguy hại cho quốc gia. Thực ra

nếu chẳng có bọn đàn ông tồi bại, bọn quân vương hôn ám thì những mỹ nhân kia

dù đẹp hơn thế nữa cũng chẳng làm gì nguy hại cho quốc gia. Người ta nói Bình

Tây vương vì Trần Viên Viên mà phải đầu hàng Thanh triều. Theo nhận xét của tại

hạ, nếu Ngô Tam Quế tận trung với Minh triều thì dù có cả chục mụ Trần Viên

Viên, tổ bà tên Ngô Tam Quế cũng chẳng chịu hàng nhà Đại Thanh.

Người đẹp đứng dậy xăm xăm bước tới sụp lạy nói:

- Đa tạ Vi đại nhân! Kiến thức cao minh của đại nhân đã thấu rõ nỗi oan ức

ngàn đời khó lòng bộc bạch của tiện thiếp.

Vi Tiểu Bảo lật đật đáp lễ. Trong lòng rất lấy làm kỳ, gã lắp bắp:

- Phu nhân... phu nhân... Trời ơi! Đúng rồi! Tại hạ thật hồ đồ hết chỗ nói. Phu

nhân mà không phải là Trần Viên Viên thì... trong thiên hạ làm gì... còn có người

thứ hai... dung nhan khuynh quốc như thế này? Hỡi ơi! Tại hạ mỗi lúc một đi vào

chỗ u mê tăm tối. Phu nhân không phải là vương phi của Bình Tây vương thì sao lại

ơ chốn này... A Kha sư tỷ không phải là ái nữ của phu nhân thì còn của ai nữa.

Người đẹp đây đúng là Trần Viên Viên, một nhân vật có dính líu đến quốc

vận Đại Thanh, Đại Minh lưỡng triều.

Trần Viên Viên đứng dậy đáp:

- Vụ này câu chuyện khá dài. Tiện thiếp một là có điều thỉnh cầu Vi đại nhân,

chẳng dám dấu diếm một điểm gì, hai là vừa nghe đại nhân minh oan cho tiện

thiếp, trong lòng cảm kích vô cùng. Hơn hai chục năm nay, tiện thiếp bị hết thảy

mọi người trong thiên hạ thoá mạ nhục nhằn... Bao nhiêu tội danh về việc vong

quốc đổ hết lên đầu tiện thiếp. Trên cõi đời này chỉ có hai vị đại tài từ là thấu rõ

nỗi oan cho tiện thiếp. Một là đại thi gia Ngô Mai Thôn Ngô tài tử. Còn một vị nữa

là Vi đại nhân.

Thực ra Vi Tiểu Bảo mù tịt về những việc lớn nhà nước. Gã nói vơ nói vẩn,

dè đâu lại trúng vào nỗi oan uổng của Trần Viên Viên, vì gã ngó thấy con người

tuyệt sắc này liền nảy lòng thương hương tiếc ngọc.

Gã đang thống hận Ngô Tam Quế đến cùng cực, huống chi người đứng trước

mặt gã lại là mẫu thân A Kha, thì dù nàng có trăm ngàn tội lỗi gã cũng đổ hết lên

đầu Ngô Tam Quế.

Vi Tiểu Bảo nghe Trần Viên Viên xưng tụng mình là đại tài tử thì không khỏi

hổ thẹn. Về điểm này quả gã sáng suốt tự biết bản sắc của mình, gã vội xua tay

đáp:

- Tại hạ là một thằng ngốc chẳng hiểu chữ nghĩa gì, viết ra không được một

nhúm mà phu nhân tán tụng là đại tài tử thì tưởng nên thêm vào hai chữ ⬢cẩu thí⬢

và kêu bằng cẩu thí tài từ Vi Tiểu Bảo.

Trần Viên Viên không nhịn được mỉm cười nói:

- Làm được văn chương thơ phú là hay, nhưng chỉ mới đáng mặt tiểu tài tử.

Con người có kiến thức, đảm đương nổi việc lớn mới là đại tài tử.

Vi Tiểu Bảo nghe hai câu tâng bốc này không khỏi có ý tự phụ. Gã phổng

mũi lên nghĩ thầm:

- Đệ nhất mỹ nhân trong thiên hạ bảo ta là đại tài tử. Ha ha! Thực ra lão gia

chẳng phải là con người kém tài tình. Con mẹ nó! Từ ngày lọt lòng mẹ, bữa nay lão

gia mới được nghe người ta ca tụng lần đầu.

Trần Viên Viên đứng dậy nói tiếp:

- Xin đại nhân dời gót để tiện thiếp trình bày rõ đầu đuôi vụ này.

Vi Tiểu Bảo dạ một tiếng rồi theo Trần Viên Viên xuyên qua lối đi giải đá

vụn tới một gian phòng nhỏ.

Trong phòng không đặt bàn ghế, chỉ có hai cái bồ đoàn. Trên tường treo

một bức thư pháp viết đầy những chữ. Bên cạnh bức thư pháp treo một cây đàn

tỳ bà.

Trần Viên Viên nói:

- Mời đại nhân an toạ.

Nàng đến bên tường với lấy cây tỳ bà ôm vào lòng, ngồi xuống chiếc bồ

đoàn thứ hai.

Trần Viên Viên trỏ vào bức thư pháp khẽ nói:

- Đây là Ngô Mai Thôn tài tử tặng tiện thiếp một bài trường thi kêu bằng Viên

Viên khúc. Bữa nay gặp cơ duyên xin tấu khúc nhạc này để đại nhân thưởng thức,

dù nó chẳng bõ làm nhơ tai đại nhân.

Vi Tiểu Bảo thích quá vỗ tay reo:

- Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu! Có điều phu nhân hát mấy câu rồi lại giải

thích cho rõ nghĩa, vì cẩu thí tài tử học vấn rất tầm thường.

Trần Viên Viên mỉm cười đáp:

- Đại nhân quá khiêm mà thôi.

Rồi nàng so dây dạo đàn bật lên những tiếng tình tang. Nàng nói đón trước:

- Khúc này tiện thiếp bỏ lâu ngày không tấu. Có chỗ nào sơ sót xin đại nhân

miễn thứ.

Vi Tiểu Bảo gạt đi:

- Phu nhân bất tất phải khách sáo. Dù phu nhân có tấu nhầm, tại hạ cũng

không biết được.

Trần Viên Viên dạo mấy tiếng nữa, rồi tay tiên dìu dặt gảy đàn, miệng cất

tiếng hát:

Quân vương xa lánh cõi trần hoàn

Phá giặc thâu thành đoạt ải quan

Khóc chúa ba quân đồng chế phục

Ra oai giận dữ vị hồng nhan

Trần Viên Viên hát bốn câu rồi giải thích:

- Đây là tích nói về ngày đức Sùng Trinh quy thiên, Bình Tây vương đánh vào

Bắc Kinh. Ba quân mặc đồ tang phục khóc đức Hoàng đế băng hà. Bình Tây vương

đã vì kẻ bất tường này mà mở cuộc xuất binh.

Vi Tiểu Bảo gật đầu nói:

- Vương phi xinh đẹp thế này thì Ngô Tam Quế vì vương phi mà đầu hàng

nhà Đại Thanh cũng không thể trách được. Giả tỷ Vi Tiểu Bảo này ở vào địa vị

Ngô Tam Quế cũng phải làm thế.

Trần Viên Viên đưa đẩy sóng thu, bụng bảo dạ:

- Thằng nhỏ này ăn nói có vẻ giỡn cợt ta.

Nhưng nàng thấy Vi Tiểu Bảo nét mặt nghiêm nghị mới biết là lời nói của gã tự

đáy lòng phát ra, nàng không khỏi cảm lòng tri kỷ.

Trần Viên Viên tiếp tục cất tiếng hát:

Hồng nhan lưu lạc ra chi

Bạo thiên nghịch địa hay gì mà chơi?

Ra tay quét sạch kiến ruồi

Nhớ quân vương luống ngậm ngùi lòng son

Rồi nàng nói:

- Khúc này nói về vụ vương gia đánh bại Lý Sấm. Sở dĩ Lý Sấm không thành

đại sự là vì chính hắn chẳng ra gì. Vương gia nghe câu này trong lòng không vui vẻ

chút nào.

Vi Tiểu Bảo đáp:

- Phải rồi! Lão nhân gia còn vui vẻ làm sao được? Vì trong bài này ngụ ý đả

bại Lý Sấm cũng chẳng vinh hạnh gì.

Trần Viên Viên nói:

- Sau này là khúc hát nói về thân thế của tiện thiếp

Rồi nàng lại cất tiếng hát:

Cửa quyên đua nở trăm hoa

Cô Tô gái nọ mặn mà hơn ai

Làm cho mê mẩn Phù Sai

Kiếp xưa nàng đã là người nào đây?

Tiếng ca uyển chuyển, tiếng tỳ bà thánh thót dặt dìu. Vi Tiểu Bảo nghe đàn,

tiếng hát mà trong lòng thư thái mê ly.

Trần Viên Viên khẽ nói:

- Khúc này người ta ví tiện thiếp như Tây Thi thực là quá đáng.

Vi Tiểu Bảo cãi:

- So bì như thế là không đúng. Tây Thi làm gì sánh được với vương phi?

Trần Viên Viên cười đáp:

- Vi đại nhân nói giỡn mà thôi. Khi nào tiện thiếp dám tự so với Tây Thi.

Vi Tiểu Bảo nói:

- Tại hạ quyết không nói giỡn mà là có bằng chứng. Tây Thi là người ở phủ

Thiệu Hưng tỉnh Triết Giang, tướng mạo nàng tuy đẹp thật, nhưng người ở Thiệu

Hưng nổi tiếng là ăn nói không được thanh tao, đâu có êm đềm dịu dàng như

vương phi ở Tô Châu?

Trần Viên Viên không nhịn được bật cười nói:

- Té ra còn có đạo lý như vậy. Ngô vương Phù Sai cũng là người ở Tô Châu,

không hiểu sao ngài lại thích Tây Thi được?

Vi Tiểu Bảo gãi tai đáp:

- Lỗ tai Ngô vương Phù Sai không được linh mẫn cho lắm là điều không sai

được.

Trần Viên Viên lại bật cười, hát tiếp:

Trước thềm oanh yến dập dìu

Tài này sắc ấy dễ xiêu lòng người

Phong trần kiếp cũng như ai

Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân

Nàng nhẹ buông tiếng thở dài nói:

- Tiện thiếp cũng xuất thân ở chốn phong trần, không muốn dấu diếm đại

nhân...

Vi Tiểu Bảo hỏi ngay:

- Xuất thân ở chốn phong trần là nghĩa làm sao? Vương phi đừng nói văn

chương với tại hạ, vì tại hạ chẳng hiểu chi hết?

Trần Viên Viên đáp:

- Tiện thiếp vốn là kỹ nữ ở Tô Châu...

Vi Tiểu Bảo vỗ đùi reo lên:

- Hay tuyệt! Thật là hay tuyệt!

Trần Viên Viên hơi lộ vẻ giận dữ nói:

- Đó chẳng qua vì tiện thiếp mệnh bạc...

Vi Tiểu Bảo ngắt lời:

- Tại hạ cùng vương phi chi đồng đạo hợp. Tại hạ cũng xuất thân ở chốn

phong trần.

Trần Viên Viên dương cặp mắt trong suốt lên nhìn Vi Tiểu Bảo. Nàng ngơ

ngác không hiểu, bụng bảo dạ:

- Chắc gã chưa hiểu ý câu xuất thân từ chốn phong trần.

Vi Tiểu Bảo nói tiếp:

- Vương phi xuất thân từ nơi kỹ viện thì tại hạ cũng xuất thân tự chốn lầu

hồng... Có điều một đằng ở Tô Châu, một đằng ở Dương Châu.

Mẫu thân tại hạ là kỹ nữ trong Lệ Xuân viện thành Dương Châu, nhưng tướng

mạo y so với vương phi khác nhau một trời một vực.

Trần Viên Viên rất lấy làm kỳ hỏi:

- Phải chăng Vi đại nhân muốn nói giỡn?

Vi Tiểu Bảo đáp:

- Làm gì có chuyện nói giỡn? Hỡi ôi! Tại hạ bận nhiều chuyện quá, đáng lý

phải phái người về Dương Châu đón tiếp mẫu thân, không nên để người làm kỹ nữ

nữa. Nhưng tại hạ thấy người ở Lệ Xuân viện vui vẻ náo nhiệt suốt ngày, đón người

đến Bắc Kinh có khi làm cho người buồn dạ.

Trần Viên Viên nói:

- Bậc anh hùng chẳng sợ xuất thân ở nơi ti tiện. Vi đại nhân là người quang

minh lỗi lạc. Đúng là bản sắc anh hùng.

Vi Tiểu Bảo đáp:

- Tại hạ chỉ nói với một mình vương phi chứ không tiện nói với kẻ khác vì sợ

họ chỉ mặt thoá mạ là dòng giống đĩ điếm đê hèn. Trước mặt A Kha lại càng không

dám nhắc tới. Nàng đã coi tại hạ không ra gì mà còn nói đến vụ này thì vĩnh viễn

nàng không thèm ngó tới nữa.

Trần Viên Viên nói:

- Vi đại nhân cứ yên lòng, tiện thiếp không bép xép đâu. Thực ra má má y...

cũng chẳng phải danh môn thục nữ gì.

Vi Tiểu Bảo lại nói:

- Nói rút lại thì vương phi đừng nhắc tới vụ này cho A Kha nghe. Nàng ghét

nhất là bọn kỹ nữ và đã bảo hạng đàn bà hư đốn như vậy là cùng cực.

Trần Viên Viên cúi đầu xuống khẽ hỏi:

- Y... y bảo... phụ nữ ở trong lầu hồng kỹ viện... hư đốn đến cùng cực ư?

Vi Tiểu Bảo vội đáp:

- Xin vương phi đừng bận tâm, tại hạ nhất quyết không phải y có ý ám chỉ

vương phi.

Trần Viên Viên nói:

- Dĩ nhiên y không nói tiện thiếp, vì y có biết đâu tiện thiếp là mẫu thân y.

Vi Tiểu Bảo lấy làm kỳ hỏi:

- Sao nàng lại không biết?

Trần Viên Viên lắc đầu đáp:

- Y không biết thật.

Rồi nàng chậm rãi nói tiếp:

- Hoàng hậu họ Chu của Sùng Trinh thiên tử cũng là người ở Tô Châu. Thiên

tử sủng ái Điền quý phi. Hoàng hậu cùng Điền quý phi tranh đấu rất gay go. Phụ

thân của Hoàng hậu là Gia Định bá đến kỹ viện mua tiện thiếp đưa vào hoàng

cung, hy vọng chia lòng sủng ái của thiên tử đối với Điền quý phi...

Vi Tiểu Bảo nói:

- Kế ấy rất diệu! Phen này chắc Điền quý phi phải thua bét...

Trần Viên Viên đáp:

- Y cũng không thua bét. Sùng Trinh thiên tử mải lo quốc sự, không mê nữ

sắc. Tiện thiếp ở trong cung không được bao lâu thì hoàng thượng bảo Chu

hoàng hậu đưa tiện thiếp ra khỏi cung vi.

Vi Tiểu Bảo la lớn:

- Lạ quá! Lạ quá! Tại hạ nghe người ta nói Sùng Trinh hoàng đế có mắt không

tròng, chỉ tin yêu kẻ gian thần, còn hạng đại trung thần như Viên Sùng Hoán lại

giết đi. Té ra lão nhân gia coi đàn ông đã không mắt, coi đàn bà lại càng không

mắt hơn. Một mỹ nhân như vương phi mà lão phế bỏ thì thật là kỳ!

Gã nói rồi tặc lưỡi mấy cái tựa hồ trong thiên hạ chẳng còn chuyện gì lạ hơn

vụ này.

Trần Viên Viên nói:

- Về phía nam nhân người ta ưa thích công danh phú quý, kẻ thì mê vàng bạc,

của báu. Làm hoàng đế lại nghĩ cách giữ vững sơn hà xã tắc, chứ không phải vị nào

cũng ham mê gái đẹp.

Vi Tiểu Bảo nói:

- Tại hạ thì công danh phú quý cũng muốn, bạc vàng báu vật cũng thích, mỹ

nữ lại càng say mê. Chỉ có Hoàng đế là không muốn làm, dù ai cho cũng chẳng

thèm. Ha ha! Trong thành Côn Minh này có một vị nhân huynh đã làm quan lớn nhất

thiên hạ, giàu sang nhất thiên hạ, vợ đẹp nhất thiên hạ, lại còn mong lên làm

hoàng đế.

Trần Viên Viên biến sắc hỏi:

- Phải chăng Vi đại nhân muốn nói Bình Tây vương?

Vi Tiểu Bảo đáp:

- Tại hạ nói trống không vậy thôi, chẳng chỉ vào ai cả, và nhất định không

phải Trần Viên Viên, cũng không phải Vi Tiểu Bảo.

Trần Viên Viên nói:

- Mấy đoạn dưới khúc hát này nói về tiện thiếp gặp Bình Tây vương trong

trường hợp nào. Lão nhân gia xin Gia Định bá đem tiện thiếp đi rồi tự mình đến

làm trấn thủ Sơn Hải quan và lưu tiện thiếp ở nhà tại Bắc Kinh. Chẳng bao lâu Lý

Sấm đánh vào kinh thành.

Rồi nàng cất tiếng hát:

Biết cùng ai ngỏ sự lòng

Ra tay tháo cũi mở lồng cho chim

Trường An chút phận sắm bìm

Kiếm người bạc mệnh như tìm bóng mây

Nàng hát đến đây, tiếng tỳ bà cũng dừng lại, ngồi ngơ ngẩn xuất thần.

Vi Tiểu Bảo tưởng nàng hát xong rồi, vỗ tay khen hay và hỏi:

- Đã hết chưa? Hát hay quá! Hát hay quá!

Trần Viên Viên đáp:

- Giả tỷ tiện thiếp chết vào lúc này rồi thì dĩ nhiên khúc hát đến đây là chấm

dứt.

Vi Tiểu Bảo thẹn đỏ mặt lên mắng thầm:

- Con mẹ nó! Lão gia chẳng có học vấn gì thành ra ngu ngốc. Lý Sấm tiến

vào Bắc Kinh là khúc hát về đức Sùng Trinh hoàng đế đã chấm dứt. Nhưng khúc

hát Trần Viên Viên hãy còn.

Trần Viên Viên khẽ nói:

- Lý Sấm đoạt tiện thiếp đem đi, sau lại bị Bình Tây vuơng đoạt trở về. Tiện

thiếp không phải là người mà là một món hàng ai mạnh thì người ấy đoạt được.

Đoạn nàng lại cất tiếng hát:

Nếu không thừa thắng trận trung

Còn mong tranh đoạt má hồng được sao?

Ba quân phất ngọn cờ đào?

Bày hàng cổ suý kéo vào Tần Xuyên...

Nàng hát xong lại ngơ ngẩn xuất thần.

Lần này Vi Tiểu Bảo không dám hỏi khúc hát hết rồi hay còn nữa, gã quyết

định chủ ý:

- Ta để mặc y hát đến lúc nào hết thì hết, chứ không hỏi cho lòi cái dốt ra.

Trần Viên Viên nói:

- Tiện thiếp đi theo Bình Tây vương vào đánh Tứ Xuyên. Kế đó lão nhân gia

được phong tước vương và tiện thiếp trở thành vương phi.

Nàng ngừng lại một chút rồi tiếp:

- Tin này đồn về Tô Châu, những chị em trong viện ngày xưa đều khen tiện

thiếp tốt phước. Bọn họ lớn tuổi rồi nhưng vẫn phải ở lại trong viện làm kỹ nữ như

xưa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.