Linh Ký - An Tư Công Chúa

Chương 47




Tập 47.

Quân Nguyên do Tôn Hựu, A Lý Hải Nha dẫn, đánh thốc tràn vào ải mạnh như sấm sét, Quốc Tuấn đã lên kế hoạch, cho quân ra cự địch giãn ra rồi dần rút lui, nhưng A Lý Hải Nha đọc được ra mưu của Quốc Tuấn, cho quân phục kích các nẻo rút lui, giết được nhiều quân tướng của ta, toàn quân tan vỡ rút đi tứ tán, đích thân Thoát Hoan dẫn theo các tướng Bột Lô Hợp Đáp Nhĩ, Mãng Cổ Đái, Ô Mã Nhi truy kích Trần Quốc Tuấn. Lý Hằng, Nghê Nhuận, Tôn Hựu truy kích Trần Bình Trọng, Bình Trọng dẫn quân bỏ chạy vào rừng, sống chết không rõ, Quốc Tuấn định trốn đi theo đường núi nhưng người gia nô là Dã Tượng nói:

- Đại vương đã lệnh cho Yết Kiêu giữ thuyền, Yết Kiêu vẫn đang giữ thuyền ở bãi Tân (một bãi bồi ở sông Lục Nam), nay đại vương hãy về bãi đó, có thuyền của Yết Kiêu thì mới trốn thoát được, quân Nguyên phục kích đầy trên núi, nếu đi theo đường đó thì cầm chắc cái chết.

Quốc Tuấn thở dài nói:

- Trời hại ta rồi, trận vỡ đã lâu rồi, chắc Yết Kiêu cũng đã đi chứ làm gì còn ở đó?

Dã Tượng nói:

- Yết Kiêu chưa thấy đại vương thì nhất định không rời thuyền.

Quốc Tuấn thở dài nhìn lên núi, quả nhiên thấy quân Nguyên đã lấp ló đầy trên núi, đang tràn xuống truy kích, đành miễn cưỡng đi ra phía bãi Tân, khi đi tới nơi, quả nhiên tất cả thủy quân đã rút hết, chỉ còn mình Yết Kiêu giữ thuyền, vương rơi nước mắt nắm lấy tay Yết Kiêu nói:

- Chim hồng hộc bay cao là ở sáu trụ cánh, không có sáu trụ đó cũng chỉ là chim thường thôi.

Đoạn Yết Kiêu chèo thuyền đi rất gấp, Thoát Hoan, Tôn Hựu và Đáp Nhĩ đi tới sát bãi thì thuyền đã ra xa tầm bắn cung, Thoát Hoan ở trên bờ hét lớn:

- Trần Quốc Tuấn! Rồi có ngày tao bắt được mày.

Quốc Tuấn nói vọng lên:

- Còn xem bản lĩnh mày tới đâu đã.

Thế rồi thúc thuyền đi rất nhanh.

Thoát Hoan nghiến răng nói với các tướng:

- Kiếm thuyền đuổi theo thôi.

Ô Mã Nhi là đại đô đốc trong quân, rất giỏi thủy quân, can lại nói:

- Không đuổi được đâu, chúng dùng thuyền nhẹ, trên thuyền có Yết Kiêu* là kẻ có tài nơi sông nước, chờ kiếm được thuyền chúng đã chạy xa rồi.

(*Yết Kiêu: tướng Việt, môn khách trong nhà Trần Quốc Tuấn, Yết Kiêu lấy theo biệt hiệu của loài chó săn mõm ngắn, người này là bạn đồng liêu với Dã Tượng (voi chiến) và Nguyễn Địa Lô (thần tiễn), Yết Kiêu có tài bơi lội rất giỏi, truyền rằng Yết Kiêu học được phép Bức Thủy Thuật ở tận núi Bạch Hạc Sơn, có thể lặn dưới nước cả ngày không cần lên, dưới nước mở mắt nhìn như ban ngày, có thể chèo thuyền cả ngày không mỏi, chỉ nhìn dòng nước là biết hải lưu, biết nơi nước sâu.)

Thoát Hoan nghiến răng căm tức nói:

- Quốc Tuấn là đại tướng chủ soái thống lĩnh quân đội Đại Việt, bắt được hắn thì quân Việt sẽ tan vỡ, ngày nay xổng mất con hổ lớn, ngày sau lại thêm trăm mối lo.

Đoạn cho quân thu về hội với bọn Sát Tháp Nhĩ Đài, bấy giờ quân Nguyên đã đánh tan Nội Bàng, đang vỗ về dân chúng, bắt giải tù binh, thu dọn xác chết, cho xây ổn định căn cứ quân sự, rồi cùng mở tiệc khao thưởng quân sĩ.

Thoát Hoan cho họp ngay các đại tướng lại, nói:

- Đây không phải lúc để nghỉ ngơi, phải thừa thế mà truy kích chúng nó ngay, những tàn quân còn sót lại sẽ rút về đâu?

Tả Thừa tướng là A Lý Hải Nha nói:

- Chúng tất không về kinh đô đâu, mà sẽ xuôi theo dòng nước về Vạn Kiếp.

Mãng Cổ Đái nói:

- Vậy ta nên đốc xuất binh mã đánh Vạn Kiếp ngay chứ?

Hải Nha đáp:

- Toàn quân thắng to, khí thế đang hăng, nhưng muốn đánh Vạn Kiếp, phải chấn chỉnh lực lược đã, cứ cho toàn quân nghỉ ngơi thêm ngày mai rồi sẽ xuất hành, bởi lẽ về Vạn Kiếp, xung quanh là Gia Lâm, Trà Hương, đều có các tướng, Quốc Tuấn về được đó sẽ có các quân đó yểm trợ, nay ta lên luôn chưa có lợi, theo tôi nên chia làm hai đường, một đường đốc xuất tới Vạn Kiếp, các đạo quân từ các nơi sẽ đổ về đó vì mất Vạn Kiếp thì Thăng Long cũng khó giữ, đường thứ hai nên cho đi lối Gia Lâm mà đánh để ngăn quân từ đó tiếp viện sang.

Đại tướng Bột Lô Hợp Đáp Nhĩ nói:

- Lời thừa tướng phải lắm, quân ta đông gấp mười quân nó, dù có chia thành năm mũi vẫn cứ áp đảo, không nhất thiết phải cùng đổ dồn về một nơi, nay cứ chia ra hai mũi, đánh cùng lúc cả Gia Lâm và Vạn Kiếp ắt lấy được cả hai nơi, rồi từ từ tràn ra mà chiếm hết như tằm ăn rỗi.

Thoát Hoan ngẫm nghĩ hồi lâu, thấy các tướng cùng đồng lòng đoạn nói:

- Ta đã hiểu ý các ngươi, nhưng ngặt nỗi ta nghe tình báo nói nơi đất Gia Lâm đó quân đội dày dạn kinh nghiệm tác chiến, đã nổi tiếng từ lâu, lần tiến quân trước thời Ngột Lương Hợp Thai cũng vì nơi đây chống giữ quá chặt mà dẫn tới quân ta thất bại, ý các tướng ra sao? Ai có thể đi đánh mặt Gia Lâm được?

A Lý Hải Nha nói:

- Gia Lâm nổi tiếng về quân đội gan dạ, liều lĩnh, anh hùng, lại tác chiến giỏi, nhưng còn một điều khác làm cho quân đội nơi ấy hùng mạnh, đó là vì nơi đó trùng trùng linh dị, thần linh ma mị có nhiều, là nơi đất hiểm trùng yếu, nay nói đến việc huyền, nếu không biết mà đi bừa vào dễ diệt vong, nay tôi cũng có ít nghề huyền môn, xin nhận đi tới đó.

Các tướng đều biết A Lý Hải Nha vốn xuất thân là tướng Thiên gia, rất giỏi dùng các thuật huyền, liền cùng lấy làm phải, đại tướng Sát Tháp Nhĩ Đài nói:

- Vậy tôi xin đi theo thừa tướng lấy đất Gia Lâm.

Thoát Hoan truyền:

- Vậy chư tướng nghe ta phân việc đây, bến Vạn Kiếp là nơi thủy quân có thể tác chiến, vậy giao cho Ô Mã Nhi phụ trách, Bột Lô Hợp Đáp Nhĩ, Lý Bang Hiển, Áo Lỗ Xích làm phó tướng, chờ thuận lợi thì xuất quân đi đánh, ta sẽ đi thân dẫn đại quân đi bọc hậu phía sau. Còn đường Gia Lâm, ta giao cho thừa tướng A Lý Hải Nha làm chủ soái, Sát Tháp Nhĩ Đài, Mãng Cổ Đái, Tôn Hựu, Nghê Nhuận làm phó tướng, toàn quyền theo ý thừa tướng khởi binh.

Các tướng đều đồng thanh nhận lệnh, bấy giờ Mãng Cổ Đái hỏi:

- Bọn Lý Hằng, Tôn Hựu sao lâu về thế, liệu có bắt được Bình Trọng không?

Thoát Hoan hỏi:

- Bình Trọng là kẻ nào?

Mãng Cổ Đái nói:

- Kẻ này là phó tướng trong quân của Quốc Tuấn, là cánh tay phải của hắn, kẻ này tuổi trẻ nhưng anh dũng, văn võ song toàn, mưu trí rất giỏi, là một trong bốn tướng đứng đầu của quân tứ hổ nhà Trần, là đội quân chọn ra các tướng trẻ tuổi dưới ba mươi, để hắn sống thêm năm mười năm nữa thì thành tay đại tướng lão làng.

Thoát Hoan nói:

- Vậy hãy tới tiếp ứng các tướng bắt hắn chứ?

Hải Nha đáp:

- Lý Hằng, Tôn Hựu, Nghê Nhuận đều là thiện tướng quân, chúng cùng đi còn lo gì nữa, Bình Trọng chỉ có một mình, sức cùng lực kiệt, rồi cũng chết thôi.

Thế rồi Thoát Hoan cho giải tán, các tướng ai về trại nấy, chuẩn bị quân mã khí giới và mọi công tác hậu cần, sẵn sàng khi có lệnh thì đánh Gia Lâm và Vạn Kiếp…

Bấy giờ lại nói quan quân vỡ tan, lạc mất Trần Quốc Tuấn và Phạm Ngũ Lão, nhiều tướng bị sát hại, Trần Bình Trọng bỏ trốn sâu vào trong rừng, khắp người đầy máu, trụ giáp cũng vỡ, đi bên mình chỉ còn có phó tướng là Đoàn Thai cùng với bốn người lính, lẩn sâu vào rừng né tránh, rồi chợt thấy tiếng hô vang khắp cả nẻo rừng núi, tiếng quân Nguyên vang vọng từ xa lại. Bình Trọng nói:

- Chúng đang lùng bắt ta đấy.

Đoàn Thai đáp:

- Kỵ binh của chúng đều là sát thủ, chúng có tài dùng ngựa lùa dồn con mồi vào thế chân tường, rồi siết chặt vào giữa, đó là lối đánh của người Mông Cổ.

Bình Trọng thở dài, ngửa mặt lên trời, nói:

- Phen này trời hại ta rồi.

Đoàn Thai nói:

- Nay chỉ còn có một cách cuối, mé đông ngọn núi này là đường dẫn tắt sang Bắc Giang, cứ nhắm hướng tây bắc mà đi là được, nay tôi cùng với các chiến binh đi lối đông nam dụ địch, tướng quân hãy men theo đường đó cố mà phá vòng vây nhé.

Bình Trọng giật mình nói:

- Như thế không được, có chết thì cùng chết chứ.

Đoàn Thai đáp:

- Mỗi người sinh ra trên đời có một sứ mệnh, một bổn phận khác nhau, có lúc cần cùng nhau sinh tử, có lúc thì một người phải sống cho muôn người, tướng nào cũng đòi chết cùng với ba quân thì chẳng còn tướng mà đánh trận nữa.

Bình Trọng nghe thế thì nước mắt tuôn rơi, lặng nhìn binh sĩ, Đoàn Thai mỉm cười nói:

- Nếu tướng quân sống thoát, hãy về nhắn lại vợ con tôi, tôi nhớ thương… nhiều lắm.

Nói rồi đi rất gấp, cả bốn người lính cùng khóc, bước vội theo Đoàn Thai, Bình Trọng gạt lệ, cởi bỏ giáp, đoạn vội vã đi theo hướng ngược lại lần ra mé bìa rừng.

Đoàn Thai đi về hướng đông nam cách cỡ chừng một dặm thì lần ra lối quang, liền có bóng quân Nguyên nhìn thấy, Đoàn Thai cứ cắm đầu cắm cổ chạy càng xa khỏi chỗ Bình Trọng càng tốt, quân Nguyên hò reo đuổi theo như thú săn mồi, chạy được thêm một quãng xa thì có một tướng cưỡi ngựa dẫn theo hơn trăm binh sĩ giữ lấy lối đi, Đoàn Thai dừng bước lại, tướng Nguyên hỏi:

- Ông tên họ là gì? Có hàng hay là chết?

Đoàn Thai đáp:

- Trần Bình Trọng này không biết hàng! Nay bị giặc bắt thì chịu chết thôi. Cho hỏi được chết dưới tay ai?

Thật là,

Chiếm được ải Nội Bàng, Thoát Hoan thưởng đại quân

Vây khốn rừng kì lân, Đoàn Thai liều cứu chủ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.