Linh Ký - An Tư Công Chúa

Chương 46




Tập 46.

Bấy giờ An Tư lặng im hồi lâu, Thụy Bảo biết rõ tâm tư của em, nhưng cũng im lặng chẳng nói gì, để cho An Tư bộc bạch trước, đoạn sau An Tư mới khẽ cất lời:

- Chị đã nghe việc Trịnh tướng quân sắp xuất sứ đánh giặc chưa?

Thụy Bảo nói ngay:

- Việc đó là việc thường thôi, mỗi ngày có hàng ngàn người ra tiền tuyến đánh giặc, chị đâu có quan tâm được hết tới họ?

An Tư nói:

- Không phải như thế…Trịnh tướng quân và em…Chị cũng biết mà…Lần này chàng đi em lo lắng lắm…

Thụy Bảo nói:

- Trịnh tướng quân ăn bổng lộc của Vua cũng chỉ để cho lúc đất nước có chiến tranh, nuôi quân ba năm dùng quân một giờ, nay có chiến tranh xảy đến, người làm tướng không đi thì ai sẽ đi?

An Tư biết Thụy Bảo nói đúng, càng nói ra thì mình càng đuối lý, nên lặng im chẳng nói gì, Thụy Bảo lại lên tiếng an ủi:

- Làm trai cho đáng chí nên trai, bậc đại trượng phu vì việc nước đều muốn lập công danh để tới ngàn thu lưu truyền, việc đó có thành hay không, là nhờ có sự đồng lòng nơi hậu phương cả. Cảm giác của em chị hiểu rõ hơn ai cả, Bảo Nghĩa Vương ra đi, chị cũng buồn lo nhiều lắm chứ, em cũng thấy rồi đó, thế nhưng phận đàn bà, là người vợ hiền thờ chồng, không thể cùng chồng sát cánh nơi biên thùy, thì hãy cũng vui vẻ mà tiễn chân, chớ làm người đi xa phải bận lòng mà ảnh hưởng tới sự quyết đoán nơi tiền tuyến. Tấm gương của Linh Từ Quốc Mẫu* hãy còn đó, ta không học được trọn vẹn theo gương người xưa, thì cũng làm theo được lấy một vài phần là quý.

(*Linh Từ Quốc Mẫu: Trần Thị Dung, ban đầu bà là vợ của Hoàng Đế Lý Huệ Tông, sau này triều Trần lên ngôi, thái sư đương triều là Trần Thủ Độ sát hại Vua Lý Huệ Tông ở chùa Chân Giáo, sau đó cưới lấy bà. Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ là hai người họ hàng, cũng thầm yêu nhau từ trước khi được gả cưới cho nhà Vua, do đó hai người về sau chung sống hạnh phục. Khi quân Mông Nguyên do Ngột Lương Hợp Thai tiến đánh nước Việt ba mươi năm về trước, cả nước chấn động, Trần Thị Dung cùng với quân sĩ bá quan văn võ cùng tham gia vào việc quân, bà là người chủ trì cho việc vận tải lương và di chuyển nhân dân ở những nơi sơ tán cường địch, cùng ăn cùng ngủ với binh sĩ và nhân dân, đại chiến thành công nhờ có công lao góp sức lớn của bà nơi hậu phương. Xét về nghĩa vợ chồng, bà làm chẳng trọn nghĩa với Vua Huệ Tông, nhưng về công lao với quốc gia, bà là người nữ kiệt, bà được Vua phong thánh, được lập đền thờ ở nhiều nơi, bách dân yêu mến gọi bà danh hiệu “Linh Từ Quốc Mẫu”, thành tấm gương sáng cho người đời sau.)

An Tư nghe thế, biết đó là điều phải, cúi mặt chẳng nói gì nữa, Thụy Bảo thấy công chúa cứng đầu đã dần xuôi, lại được đà nói tiếp:

- Nay chốn gian khó mới biết chí anh hùng, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, huống chi người làm tướng nơi biên cương có lẽ nào lại chịu ngồi yên ở nhà mà hưởng an nhàn? Nếu ai cũng như em chỉ lo giữ chồng cho được, vậy thì quân giặc đã chiếm cả nước từ lâu rồi, em nên nhớ rằng nước mất thì nhà tan, đất nước này chẳng giữ được, giặc vào kinh đô mà dày xéo thì liệu hai em có yên ổn hạnh phúc mà sống với nhau được hay không? Người ra trận không chỉ chiến đấu cho công danh của bản thân, mà còn chiến đấu để bảo vệ những người mình yêu thương nơi hậu phương đấy.

An Tư gật đầu nói:

- Lời chị dạy phải lắm, em xin nghe theo, không cản trở việc này nữa, hơn nữa ý Thánh Thượng đã quyết nên hai ngày nay mới không tiếp kiến em.

Thụy Bảo gật đầu nói:

- Phải nên thế em ạ, hơn nữa như chị nghe được thì Thánh Thượng điều Trịnh Chiến đi giữ ở Gia Lâm, giữ các ải Vũ Ninh, Đông Ngàn, em có biết vì sao lại thế không?

An Tư nói:

- Việc binh em cũng không rõ, thế là sao hả chị?

Thụy Bảo nói:

- Bởi lẽ Gia Lâm, Tế Giang là quê của Trịnh Chiến, chuyến này cho Trịnh Chiến và cha hắn là Trịnh Minh cùng về, như thế hắn không phải tự quyết đoán mọi việc một mình, Trịnh Minh là tay lão tướng, được về Gia Lâm như hổ về rừng, quen thuộc địa hình thủy thổ, lại được lòng dân quân ở đó, sẽ bảo vệ được cho hắn. Hơn thế nữa đại soái thần thú ở Gia Lâm là Trần Cao Vân, hiện nay trong nước có mấy ai qua được tài của Trần Cao Vân? Cao Vân chẳng phải là huynh đệ của Trịnh Minh, là nghĩa phụ cha nuôi của Trịnh Chiến đó sao? Có Cao Vân và Trịnh Minh bên cạnh thì Trịnh Chiến còn lo gì? Vì Trịnh Chiến là người thương của em, nên Bệ Hạ mới quan tâm tới hắn nhiều như thế đấy. Vu Sơn, Tế Giang, Thiện Tài, anh hùng nghĩa sĩ có đầy cả ra, Thánh Thượng cho hắn về đó, chính là có ý bảo toàn tính mạng cho hắn đó, nay nơi tuyến lửa là ở ải Nội Bàng, Bình Trọng và Hưng Đạo Vương đã giữ ở đó rồi, chừng nào Nội Bàng chưa vỡ, thì Gia Lâm vẫn sẽ được vô sự. Những diễn biến đó, tuy chị cũng chẳng hiểu việc binh nhưng chồng chị đang ở Nội Bàng, nên chị vẫn thường sai thủ hạ theo sát, dò la thông tin.

An Tư nghe thế thì lại càng yên dạ, quả nhiên hai Vua trốn tránh chẳng cho nàng tiếp kiến, nhưng vẫn âm thầm quan tâm tới nàng, chỉ là suy nghĩ của bậc đế vương, phận đàn bà chốn hậu cung như nàng không sao hiểu hết được, An Tư nói:

- Được nói chuyện với chị trong lòng em đã vững dạ nhiều lắm, nay chị có tướng nào để dò la thông tin, có thể cho em để đi theo Trịnh tướng quân được không?

Thụy Bảo nói:

- Dưới trướng của Thượng Hoàng có một đội quân bí mật nằm trong biên chế của mật tá vụ, dưới quyền chỉ huy của Thiều Kỷ, gọi là quân Vũ Phong, chị cũng không biết ra sao nhưng chúng chuyên làm công việc gián điệp đưa tin, hình như là tướng Âm Binh do Thiều Kỷ luyện ra, đều hình thành từ gió, khi Bình Trọng và Quốc Tuấn lên đường, Thánh Thượng có sai quân Vũ Phong đi theo, do đó mà nắm được động tĩnh nơi cửa ải, chị cũng nghe nguồn tin từ đó mà ra, nay em có thể hỏi tới Thánh Thượng.

Bấy giờ Ngũ Thu Linh nãy giờ đứng hầu bên cạnh công chúa, nói:

- Việc đó công chúa chớ có lo, em có biết một người cũng có tài ấy, chẳng cần làm phiền tới Bệ Hạ đâu.

An Tư hỏi:

- Là ai vậy?

Thu Linh đáp:

- Đó là Huyền Thiên Tiên Sinh của Vu Sơn, quân sư hay luôn đi cạnh tướng quân đó, người đó cũng có các Âm Binh sai khiến đấy, nay việc đảm bảo thông tin với Trịnh tướng quân, hãy để em cùng bàn với người ấy mà lo cho.

An Tư nghe thế bấy giờ mới yên dạ hẳn, đoạn chị em hàn huyên hồi lâu, rồi cáo từ ra về.

An Tư vừa rời cung Thụy Bảo, lập tức có người của mật tá vụ và người của phủ Bạch vương tới hỏi việc ngay, Thụy Bảo cười trả lời các thám tử:

- An Tư chẳng phải đứa cứng đầu đâu, chỉ là đám nam nhân các người chẳng hiểu được em ấy như ta thôi, các người cứ về báo lại, việc đã xong rồi, ngày mai Trịnh Chiến có thể lên đường.

Bọn chúng cúi đầu chào Thụy Bảo, rồi cùng rút lui đi cả.

Bấy giờ còn một mình, Thụy Bảo lẳng lặng đi vào nhà thờ tự, lại tiếp tục quỷ xuống, trong đêm thanh vắng, lôi kinh ra tụng, nhớ chồng, nước mắt lại lã chã tuôn rơi, cứ thế tụng cho hết các bài kinh thường tụng, đêm khuya mới đi nghỉ

Sáng ngày hôm sau, có tin báo khẩn từ chiến trường về, đạo quân của Thoát Hoan, A Lý Hải Nha, Ô Mã Nhi, đi xuống từ Lộc Châu, đã hợp với quân đội của Bột Lô Hợp Đáp Nhĩ ở ải Khả Ly, Mãng Cổ Đái và Tôn Hựu ở ải Động Bản, cùng đánh tràn qua các ải Vĩnh Châu, Thiết Lược, Chi Lăng, thế giặc như vũ bão, binh hơn bốn mươi vạn, tướng lĩnh nhà Nguyên đều là tay kiêu hùng, các ải này đều nhanh chóng mất, các tướng giữ ải đều bị giết hại, quân Việt bị tàn sát vô số kể, bấy giờ các tướng Nguyên chia ra giữ các ải, Bột Lô Hợp Đáp Nhĩ đóng ở Chi Lăng, Lý Hằng và A Lý Hải Nha đóng ở Thiết Lược, Thoát Hoan cùng các tướng Mãng Cổ Đái, Tôn Hựu, Lý Hằng, Ô Mã Nhi đóng ở Vĩnh Châu, cùng chỉnh đốn binh mã, chuẩn bị dồn quân tổng đánh vào ải Nội Bàng, là nơi có bộ tư lệnh của Trần Quốc Tuấn, Trần Bình Trọng và các tướng lĩnh hàng đầu của quân Việt.

Quan quân khắp cả miền bắc nghe thế đều lo lắng cho Quốc Tuấn, liên tiếp xin lệnh được tới Nội Bàng ứng cứu, trong một buổi có rất nhiều thư của các tướng đang giữ quân ở những nơi hiểm yếu xin Quốc Tuấn cho phép điều quân về Nội Bàng ứng cứu, trong đó có các tướng:

Thứ nhất, Trần Cao Vân đóng quân ở Gia Lâm.

Thứ hai, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đóng quân ở Tuyên Quang.

Thứ ba, Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn (con của Quốc Tuấn) đóng ở Bàng Hà (nay là huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương).

Thứ tư, Minh Hiến Vương Trần Uất đóng quân ở Na Sầm (nay là Na Ngạn, Lục Ngạn, Bắc Giang)

Thứ năm, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng đóng quân ở Long Nhãn (nay là Yên Dũng, Bắc Giang)

Thứ sáu, Hưng Trí Vương Trần Hiện đóng quân ở Yên Sinh (Bắc Giang)…

Và còn nhiều tướng lĩnh ở các nơi khác.

Quốc Tuấn gọi các tướng vào hội ý, nói:

- Các vương tướng muốn hội quân về Nội Bàng quyết chiến với giặc, các ngươi nghĩ sao?

Trần Bình Trọng nói:

- Nếu các tướng kéo quân về đây sẽ cùng chết cả, nước nam sẽ mất.

Quốc Tuấn gật đầu nói:

- Bảo Nghĩa Vương nói đúng ý ta, nay chuẩn bị vừa đánh vừa rút chạy khỏi Nội Bàng, lệnh cho các tướng giữ nguyên trận địa.

Đoạn sai sứ đi trả lời các tướng ngay, nói:

- Nếu chúng không nghe, hãy bảo chúng xin Thánh Thượng.

Các tướng nhận lệnh đều bất bình, đều muốn quyết chiến chứ không muốn bỏ ải, liền cùng viết sớ về xin Thánh Thượng cho xuất binh đốc chiến.

Vua nhận sớ, hỏi Đỗ Khắc Chung xem các tướng có ý gì, Hưng Đạo Vương có ý gì, Khắc Chung trả lời:

Vua Nhân Tông hiểu ra ý, liền truyền cho sứ:

- Hãy về nói các tướng y lệnh Hưng Đạo Vương mà làm, tướng ngoài sa trường làm việc không cần hỏi ý Vua, nay nếu Hưng Đạo Vương lệnh cho ta bỏ Thăng Long, ta cũng phải nghe theo.

Sứ về nói y hệt, vậy là các tướng đều không dám rời vị trí, nhờ đó mà khi ải Nội Bàng vỡ, quân các nơi vẫn giữ được binh lực.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.