Linh Ký - An Tư Công Chúa

Chương 38




Tập 38.

Nửa năm sau, đầu năm thiệu bảo thứ năm, mùa xuân tháng giêng, Tĩnh Quốc đại vương Quốc Khang bắt được con rùa dâng lên Vua, dáng rùa như con trai lớn, lưng có bảy ngôi sao, ngực có chữ nhũng, bụng có chữ vương, Vua cho Quốc Tuấn xem điềm, Quốc Tuấn gọi quân sư của phủ Trịnh là Huyền Thiên Vu Sơn vào giải điềm, Huyền Thiên nói:

Địch họa sắp tới, bên trong nước có nội sinh, xin cẩn trọng cho việc ấy.

Điềm vừa giải được vài hôm thì có tin báo từ phương nam rằng nước Chiêm Thành mất, Vua tôi nhà Trần nghe tin báo xong, đều rụng rời chân tay, lo nghĩ bỏ cả cơm nước, hai Vua thức triền miên, luôn cùng họp bàn các việc rất kín, dân cả nước xôn xao.

Lại nói Toa Đô chiếm được nước Chiêm, báo tin về nước Nguyên, Toa Đô viết thư về tâu Thế Tổ:

- Giao Chỉ liền đất với Chân Lạp, Chiêm Thành, Vân Nam, Xiêm, Miến, nên lập tỉnh ngay trên đất ấy và đóng quân trấn giữ ở ba đạo Việt Lý*, Triều Châu, Tỳ Lan*, lấy lương ở đó cấp cho quân sĩ, tránh được việc vận tải đường biển mệt nhọc.

(*Việt Lý; nay là tỉnh Quảng Trị, *Tỳ Lan; nay là đảo Hải Nam, Trung Quốc.)

Nguyên Thế Tổ đọc thư xong, cười lớn nói:

- Quả nhiên hữu thừa tướng mang quân đi là lấy được đất ngay, nay chỉ còn bọn Đại Việt cứng đầu là phương nam bình định, cứ theo lời thừa tướng mà làm.

Đoạn cho sáp nhập hai nước Hồ, Chiêm làm một, biến tất cả các vùng đất chiếm được của Chiêm Thành thành căn cứ phía nam, tích trữ quân lương chuẩn bị đánh nước Việt từ mặt nam đánh lên, giao cho Toa Đô toàn quyền lo việc cai trị phương nam.

Nước Việt nghe tin, loạn khắp cả nước.

Mùa hạ, tháng sáu, cá ở hồ thủy tinh chết như rạ, Vua sai Đỗ Khắc Chung, Huyền Thiên, Hồ Văn Binh đi xem, các quan đi về, đều tâu việc xấu lắm, liên quan tới nạn nước sâu, thủy binh bất lợi, Vua Nhân Tông nghe thế càng lo, cho dốc lòng luyện tập thủy quân, Vua thân chinh cùng vương hầu ra đôn đốc luyện tập.

Vua sai quan trung phẩm Hoàng Ư Lệnh, quan nội thư gia Nguyễn Chương đi sang Hồ Quảng* thăm dò tình hình quân Nguyên định đánh nước ta ra sao, hai người trước khi đi làm lễ tang trong phủ, tự thắp hương cho mình, chia tay vợ con, viết di chúc, khấn bái trước linh vị, đoạn cùng cắt tóc bỏ vào quan quách thay cho người rồi lên đường, ngày hai quan đi, Vua đích thân ra cổng thành tiễn chân.

Cả hai đều không trở về, nhưng vẫn dùng mưu đưa được tin mật về, việc này giúp cho Nhân Tông có kế sách chuẩn bị.

(*Hồ Quảng: gồm Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Hoa, nơi này là khu điều khiển việc cai trị Đông Nam Á của nhà Nguyên, cai trị các nước Kinh Hồ, Chiêm Thành, bộ tư lệnh chiến dịch thôn tính nước Việt, còn gọi là hành tỉnh Kinh Hồ.)

Tháng giêng năm Thiệu Bảo thứ sáu, Vua cho vét sông Tô Lịch, phát hiện nhiều xương người và bài vị dưới lòng sông, phu phen và quan đốc việc đê điều bị chết nhiều, có một bài vị trên ghi hai chữ “Thanh từ”, mưa to ba ngày không ngớt, Nhân Tông sai đạo sĩ đi phá, Huyền Thiên tâu lên không thể phá được, đành chôn chặt, Huyền Thiên dựng đàn tế trời và thần sông, đích thân Trần Quốc Tuấn chủ trì lễ tế, sau một ngày đêm có con rùa vàng nổi lên, trừng mắt nhìn Quốc Tuấn, Quốc Tuấn rút gươm ra, rùa đi mất, trời tạnh mưa trở lại.

Tháng hai, đất ở Xã Đàn* nứt, rộng sâu không thể lường được, các quan xem điềm tâu lên, Nhân Tông thức trắng ba đêm, sai Huyền Thiên chủ trì lễ tế cáo trời đất.

(*Xã Đàn: nơi các Vua làm lễ tế thần linh.)

Tháng chín, mặt trăng và sao kim cùng mọc ban ngày, cách nhau một thước, Huyền Thiên xem điềm, tâu rằng biên giới khó giữ, xin cho ngay sứ sang hoãn binh, Vua sai Trần Phủ sang xin nước Nguyên hoãn binh, Trần Phủ về báo thế giặc to lắm, không chịu lui binh, Vua hỏi to thế nào, Trần Phủ tâu;

Nguyên Thế Tổ sai Trấn Nam Vương giữ ở biên giới Lạng Châu suốt cả năm qua, A Lý Hải Nha làm phó tướng, A Lý Hải Nha là người của Thiên gia, một tộc cũ nước Đại Lý đã bị tuyệt, được phong làm An Nam hành trung thư tỉnh tả thừa tướng, người này tài dùng binh phi thường, xây dựng quân đội ở Lạng Châu chủ yếu do tay người này, trong một năm đã biến Lạng Châu, Kinh Hồ thành thủ phủ, căn cứ hậu cần vững chắc, bất khả xâm phạm, muốn thắng Thoát Hoan, phải bắt cho được người này. Ngoài ra còn có các tướng giỏi người Nguyên là Khoan Triệt, Bột La Hợp Đáp Nhĩ, Sát Tháp Nhi Đài, Mãng Cổ Đái, Nạp Hải, là các chiến tướng tộc Nguyên đã quen chinh chiến, bất kể một người trong số họ đều có thể dùng được mười vạn quân thành thạo, các tướng hán có Lý Bang Hiển, Tôn Hựu, Tôn Đức Lâm, Lưu Thế Anh, Nghê Nhuận, Lưu Khuê, đều là chiến tướng. Quân y, hậu cần do Trâu Tôn chỉ huy, làm theo lệnh của thừa tướng A Lý Hải Nha, tổng quân có tới năm mươi vạn. Ngoài ra còn lệnh cho Toa Đô chuẩn bị quân để đánh từ nước Chiêm đánh lên tiếp viện, phối hợp với Thoát Hoan tạo thế gọng kìm, ép nước ta vào giữa.

Vua nghe xong bật dậy khỏi ghế rồng, loạng choạng đứng chẳng vững lo cho cái nạn nước nhà. Cả triều đình xôn xao, bởi lẽ ba năm về trước, nhà Nguyên đánh nước Nhật Bản, diện tích lớn gấp đôi nước Việt cũng chỉ dùng có mười bốn vạn, năm ngoái đánh nước Chiêm rộng ngang nước Việt, cũng chỉ dùng có nửa vạn, chẳng hiểu do đâu lần này đánh nước Việt mang nhiều quân đến thế? Có lẽ còn ghi nhớ mối thù xưa thất bại (đây là lần thứ hai đánh nước Việt, lần thứ nhất đánh hơn ba mươi năm về trước cũng bị Thái Tông và Trần Thủ Độ đẩy lùi.)

Tháng mười hai, Vua Nhân Tông xin kế Thượng Hoàng, Thượng Hoàng Thánh Tông cho triệu tập hội nghị diên hồng, cho mời phụ lão cả nước hỏi;

Giặc đã ở biên giới đánh xuống có nên đánh không hay nên hàng tránh cho bách dân đổ máu, muôn người như một đều cùng hô “Đánh”, Vua cười nói; “Đánh thì đánh thôi.”

Thánh Tông đã có ý định đánh, nhưng vẫn cho triệu tập hỏi, ấy là cái mưu xét sự ủng hộ của dân chúng, như người xưa dạy; “Nuôi người già mà xin lời hay.”

Sau hội nghị diên hồng, cả nước hừng hực khí thế đánh giặc, Vua truyền lệnh đánh khắp cả nước, các sử gia người Nguyên sau này đều chép lại việc quân Nguyên sau này khi vào Đại Việt đi qua các địa phương đã thấy các thông báo của triều đình Đại Việt cho dân chúng rằng "Tất cả các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng.”

Trần Quốc Tuấn làm thống lĩnh binh mã, nhận thấy lòng quân đều lo sợ chẳng yên, bởi quân Mông Cổ thường lấy ít thắng nhiều, mỗi người lính của họ có thể địch được mười người thường, ấy vậy mà lần này còn mang nhiều quân đi, hẳn là có ý san phẳng nước Việt, Quốc Tuấn biết binh sĩ đều sợ, chỉ là chẳng biết chạy về đâu bởi hai đầu bắc nam đều có địch, sợ lòng quân sinh biến, liền viết hịch tướng sĩ để khích lệ ba quân, lời hịch như sau;

“Ta thường nghe; Kỷ Tín lấy thân chết thay, cứu thoát được Vua Cao đế; Do Vua chìa lưng chịu giáo che chở được Vua Chiêu vương; Dự Nhượng nuốt than để trả thù cho thầy; Thân Khoái chặt tay để gánh nạn cho nước; Uất Trì Cung một viên tướng nhỏ, còn biết che đỡ Đường chủ, ra khỏi vòng vây của Thế Sung; Nhan Cảo Khanh là bầy tôi xa, còn biết mắng chửi Lộc Sơn, không nghe lời dụ của nghịch tặc. Từ xưa, những bậc trung thần nghĩa sĩ, lấy thân theo nước, đời nào là không có đâu? Nếu mấy người kia, chăm chăm học thói dút dát của con gái trẻ con, chẳng qua cũng đến chết dũ ở dưới cửa sổ, đâu được ghi tên vào trong thẻ tre lụa trắng, danh tiếng cùng trời đất cùng lâu bền?

Các người đời đời là con nhà võ, không biết chữ nghĩa, nghe những chuyện ấy, thảy đều nửa tin nửa ngờ. Thôi thì những việc cổ xưa, hãy để đó không nói đến nữa. Nay ta hãy đem chuyện nước Tống, giống Thát kể cho các người cùng nghe; Vương công Kiên là người gì? Nguyễn Văn Lập tỳ tướng của y lại là người gì, chỉ có vòng thành Điếu Ngư nhỏ bằng cái đấu hai người ấy chống nổi toán quân trăm vạn của Mông Kha, khiến cho con dân nước Tống, đến nay hãy còn nhớ ơn. Đường Ngột Ngại là người gì? Xích Tu Tư tỳ tướng của y lại là người gì? Xông pha lam chướng trên đuờng muôn dặm, hai người ấy đánh được quân Nam Chiếu trong vài tuần, khiến cho Vua chúa Giòng Thát nay còn để tiếng!

Huống chi ta với các ngươi, sinh ở buổi rối ren, lớn lên nhằm khi khó nhọc, chính mắt ngó thấy sứ ngụy đi lại, đường xá nghẽn ngang, chúng múa cái lưỡi cú quạ làm nhục chốn triều đình, chúng giơ cái thân chó dê, kiêu ngạo với quan tể phụ; chúng nhờ mệnh lệnh của chúa Mông Cổ, mà đòi nào ngọc nào lụa, sự vòi vĩnh thật vô cùng; chúng mượn danh hiệu của Vua Vân Nam mà hạch nào bạc nào vàng; của kho đụn đã hồ hết cung đốn cho chúng giống như đem thịt mà liệng cho cọp đói, sao cho khỏi lo về sau?

Ta thường thì tới bữa quên ăn, giữa đêm vỗ gối, nước mắt tràn xuống đầy mép, tấm lòng đau như bị đâm, vẫn lấy cái sự chưa thể ăn thịt nằm da, nuốt gan uống máu của chúng làm tức. Dẫu cho một trăm cái thân của ta phải đem đốt ở đồng cỏ, một nghìn cái thân của ta phải đem bọc vào da ngựa, ta cũng vui lòng. Các ngươi lâu nay ở dưới cửa ta cầm giữ binh quyền, thiếu áo thì mặc áo cho, thiếu ăn thì sẻ cơm đỡ, quan nhỏ thì cho lên chức, bổng ít cho thêm lương, đi thủy cấp thuyền, đi bộ cấp ngựa, những khi trận mạc, sự sống thác thầy chung với trò, những lúc mừng khao, tiếng vui cười ai cũng như nấy. So với Công Kiên làm chức thiên lý, Ngột Ngại ở ngôi phó nhị, có khác gì đâu.

Thế mà các ngươi thấy chủ bị nhục chẳng lấy làm lo, gặp nước bị dơ chẳng lấy làm thẹn, làm tướng nhà nước phải hầu mấy đứa chum mường, mà không có lòng căm hờn, nghe khúc nhạc thờ đem thết một tên ngụy sứ, mà không có vẻ tức giận; kẻ thì chọi gà cho thích, kẻ thì đánh bạc mua vui, có người chỉ chăm vườn ruộng, cốt nuôi được nhà; có người chỉ mến vợ con, lấy mình làm trọng; cũng có kẻ chỉ lo làm giàu làm có, việc quân quốc chẳng thèm đoái hoài, cũng có người chỉ ham về săn bắn mà quên việc binh, hoặc là đam mùi rượu ngọt, hoặc là mê tiếng hát hay.

Quốc Tuấn sai các tướng đi đóng giữ các nơi hiểm yếu và cửa ải trên cả nước, xong xuôi đâu đó cả thì thám tử từ biên giới báo về.

Thoát Hoan phát binh…

Chiến tranh chính thức bùng nổ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.