Linh Ký - An Tư Công Chúa

Chương 37




Tập 37.

Trần Linh phá cười lên, nhìn Lê Như Tiên mà nói:

- Trí ngươi chưa bằng ta đâu, đừng nói thử ta mà làm gì? Ta đây xem hai ngươi như anh em của ta cả, vậy nên nói cho các ngươi biết ý nguyện của bổn vương, những lời ta nói ra chẳng tránh khỏi làm các ngươi hoài nghi, nhưng ta biết các ngươi đều là người quân tử, sẽ không làm lộ ra ngoài. Làm người quân tử sống trên đời phải biết rõ mệnh trời, hiểu được mệnh mình, mệnh của ta là làm bá vương, nếu cố cưỡng cầu lại mà tiếm lấy ngôi báu, tất phải mang vào mình cái họa diệt vong, trên ta là minh quân, ngang ta là tôi trung, dưới ta là tướng giỏi, dưới nữa là dân hiếu, quốc gia xã tắc đều đồng lòng vững bền, kẻ nào có ý nghĩ sai quấy, tất sẽ bị tận diệt, ấy là cái lẽ thường ở đời. Cho dù hùng mạnh như nhà Nguyên cũng phải thua thôi, nói gì tới hàng vương gia. Ta biết các ngươi đều hiềm nghi ta vì thân phận của ta, nhưng ta thề trước một dải non sông nước Việt này, nếu Linh này làm sai với Thiên đạo, với tôn đạo của lòng ta, thì chết chẳng được toàn thây, chết đi rồi muôn đời lại còn mang tiếng nhơ chẳng thể gột rửa, nếu trời đất chứng cho cái đạo của ta, thì Linh này trường tồn mãi cùng non sông. Các ngươi hãy cùng xem đây!

Đoạn Trần Linh cởi phăng áo ra, trong đêm tối nhập nhoạng, cả hai tướng đều thấy rõ ở lưng Trần Linh có xăm hình một con quạ đen lớn, trên mặt quạ có khắc gia huy Thiên triều, Trần Linh nói:

- Ta chẳng có nguyện làm rồng, ta chỉ nguyện làm con quạ đen này, nguyện làm tai mắt cho Thiên tử, nguyện trong bóng đêm này mà làm tròn nghĩa bề tôi.

Hai tướng nghe thế, lại thấy hình xăm ấy, bất giác ứa lệ, cùng quỳ xuống sau lưng Trần Linh, chắp tay mà nói:

- Chúng tôi xin nguyện theo vương gia cả đời chẳng bỏ.

Trần Linh cũng rơi nước mắt, quay lại quỳ xuống ôm lấy hai người, nói:

- Các hiền đệ của ta…

Đoạn cả ba cùng kết bái làm huynh đệ, lại uống rượu tâm tình cho tới gần sáng mới cùng xuống núi, tới sáng hôm sau thì đoàn sứ chia tay Như Tiên và Hữu Công để hồi kinh.

Trong đêm ấy, trước khi xuống núi, Trần Linh cao hứng làm một bài thơ, Lê Như Tiên dùng kiếm khắc lên trên một phiến đá to trên đỉnh núi:

“Một màu đêm đen mây mờ lan tỏa

Đạo người quân tử thần trí sáng ngời

Nguyện trọn chữ trung, xứng danh vương giả

Trường tồn xã tắc, hào khí muôn nơi.”

- Bạch vương gia Trần Linh kính bút, Bệ Hạ vạn tuế, Đại Việt anh hùng- .

Khi cao hứng viết ra bài thơ ấy trên đỉnh núi vào đêm rượu say, trăng thanh gió mát, Trần Linh nào có ngờ rằng chỉ một chữ “Trung” trong bài thơ, đã cứu cho vương gia được khỏi tiếng nhơ muôn đời về sau…

Bấy giờ Trịnh Chiến hồi kinh, được Vua có chiếu dụ vào trong cung, bấy giờ cũng có cả Trần Linh và Hàn Thuyên cùng được gọi vào triệu kiến, trong chiếu chỉ còn cho gọi cả Lê Như Tiên vào nhưng có nói thêm,do ở xa cung nên nếu bận việc quân, có thể truyền lời lại cho sứ giả, vì vậy mà Lê Như Tiên không tới diện kiến.

Bấy giờ Vua ban thưởng cho mọi người xong, còn mình Trịnh Chiến, đối mặt với nhau, Vua hỏi:

- Nhờ sức của Trịnh tướng quân, việc cá sấu sông Lô đã yên, thủy quân ta lại luyện tập như thường, công tướng quân to lắm.

Trịnh Chiến chắp tay đáp:

- Tiểu tướng tài hèn sức mọn, không làm được gì, tất thảy đều nhờ công của Bạch vương gia và thượng thư đại nhân, lại nhờ ân đức tiền nhân ở Tế Giang mà thành việc.

Vua nói:

- Khanh không cần khiêm tốn, Trẫm đã biết cả rồi, nay lý ra phải thưởng, nhưng lần trước trong kì thi tứ hổ, khanh phạm tội khi quân, vì thế mà công tội bù trừ nhau, thế nhưng cái tội to hơn, công không trừ hết tội, nay lý ra vẫn còn phải xét phạt, chỉ là hình phạt giảm đi.

Trịnh Chiến cúi đầu đáp:

- Thần xin Bệ Hạ ban cho phạt.

Vua Nhân Tông nói:

- Nay hỏi khanh có biết nghề thợ mộc không?

Trịnh Chiến nghe xong thì ngơ ra chẳng hiểu gì, các quan cũng nhìn nhau không hiểu ý tứ Vua ra sao, riêng có Trần Linh bước ra chắp tay thưa:

- Tâu Thánh Thượng, khi xưa hắn ở Tế Giang, trước khi vào quân ngũ, nhà hắn ba đời làm nghề thợ mộc đẽo gỗ.

Vua nói ngay:

- Thế thì tốt, nay ở cung Thụy Ngọc (cung của công chúa An Tư) có cây xà ngang chẳng biết bị ma quỷ ở đâu yểm vào, hay bị trùng bọ ở đâu làm tổ mà mọt hết cả, cứ sửa lại gãy đổ, Khanh có nghề thợ mộc, lại còn hình phạt nợ đó, vậy nay ta phạt Khanh tu sửa cây xà ở cung công chúa, Khanh làm tới khi nào xong thì thôi, nhưng tránh phạm vào sự tôn nghiêm chốn hậu cung, một tuần lễ cho Khanh tới đó sửa hai lần.

Các quan nghe xong bấm bụng mà cười, Trịnh Chiến vội dập đầu thưa:

- Thần xinh lĩnh phạt.

Thế là từ hôm đó, Trịnh Chiến cứ bảy ngày thì tới phủ công chúa hai ngày, còn năm ngày thì vẫn ra thao trường luyện quân, công chúa vui hẳn ra trông thấy, thường ngày cứ hay nói cười vu vơ, lại còn học thêm nghề đàn hát. Tướng quân trèo lên trên xà ngang sát trần nhà, công chúa đứng bên dưới, thị tỳ, nữ hầu và nô bộc cùng đứng ngoài cửa, hai người cứ thế, một người ở trên , một người ở dưới mà trò chuyện có khi cả ngày chẳng chán, rồi công chúa đàn cho chàng nghe, chàng ôm chặt lấy thanh xà ngang, tay lau vệt mồ hôi, cứ nhìn công chúa mãi, công chúa cũng cứ đứng ngồi bên dưới, nhìn chàng mà cười, mỗi khi chàng xuống, mồ hôi đều nhễ nhại, công chúa lại lấy khăn tay, tự mình lau vệt mồ hôi cho chàng, tranh thủ những khoảng thời gian tiếp xúc ngắn ngủi ấy mà lén nắm lấy tay chàng, hôn lên má chàng, chẳng cho ai hay.

Ban ngày Trịnh Chiến sửa lại một chút, đêm đến An Tư lại sai Ngũ Thu Linh trèo lên đục đẽo cho hỏng đi, xà sửa mãi chẳng xong…

…Công chúa cứ cười mãi chẳng thôi…

Hai Vua nghe tâu báo như thế, cũng thấy cay khóe mắt cả, nhưng ngặt vì việc nước có biến, quân lính luyện tập mệt nhọc, nhân dân làm ăn lầm than cơ cực khó khăn, nên tạm hoãn tất cả việc cưới hỏi ở các cung.

Mùa đông, tháng 10 năm ấy, Vua theo kế hoạch đã định, đi ra Bình Than*, Vũng Trần Xá*, họp bàn trăm quan và vương hầu, bàn kế sách chia nhau đi đóng giữ những nơi hiểm yếu, sẵn sàng đối chọi lại nếu như quân giặc đóng ở Lạng Châu xâm nhập vào nước ta.

(*Bình Than: đoạn sông Lục Đầu ở Chí Linh, Hải Dương. *Vũng Trần Xá: chỗ hợp lưu của hai sông Thái Bình và Kinh Thầy.)

Ở Bình Than, Vua lấy Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư làm phó đô tướng quân đánh thủy.

Bấy giờ Khánh Dư là Thiên tử Nghĩa Nam* của Thánh Tông, do thông dâm với con dâu của Trần Quốc Tuấn mà bị truất quyền vương, bị đày đi bán than.

(*Thiên tử Nghĩa Nam: con nuôi của Vua, được mang họ Vua, phong vương như con đẻ trong họ.)

Vua cho tìm về, đoạn thấy Khánh Dư chèo đò chở than, Vua sai sứ gọi, Khánh Dư nói:

- Tôi là thằng bán than, có việc gì mà gọi.

Sứ về báo, Vua nói:

- Nhân Huệ Vương đấy, người thường ai mà dám nói thế.

Thế là cho gọi vào, thấy Khánh Dư mặt dính đầy than, lem luốc khổ sở lắm, Vua thở dài nói:

- Nam nhi mà thế này là cùng cực lắm rồi.

Liền phong làm phó đô, cho cùng bàn việc nước, ngồi dưới hàng vương, trên hàng hầu, sau này Nhân Huệ Vương lập nhiều đại công, hợp ý Vua lắm, về sau giặc tan rồi, lẽ ra công lao cao quý không ai bằng, tiếc rằng thói dâm không bỏ được, về thời bình vẫn mang họa.

Phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm quốc công tiết chế, thống lĩnh binh mã quân đội cả nước.

Phong thái úy Trần Quang Khải làm thượng tướng thái sư.

Phòng đinh củng viên làm hàn lâm viện học sĩ phụng chỉ

Bên cạnh đó còn phong cho hơn một trăm tướng, vương, hầu các chức danh quan trọng trong quân đội.

Trịnh Minh, Trần Bình Trọng, Trần Sâm, Nguyễn Địa Lô, Lê Như Tiên đều được phong tướng đi giữ các nơi, riêng có Trịnh Chiến dù là quán quân tứ hổ nhưng không được dùng, không được phong tướng, Vua truyền rằng vì là tướng giỏi nên ở kinh thành chờ giao cho trọng trách quan trọng hơn. Trịnh Chiến biết không phải như thế, giận lắm nhưng biết có bàn tay của Trần Linh can thiệp không cho chàng cầm quân nên Chiến không làm gì được, đành nín nhịn ở lại kinh thành Thăng Long chờ được gọi.

Tâm thế cả nước đều khẩn trướng, các tướng ra sức luyện quân khắp trên các doanh trại, triều đình bận rộn, cưới xin, lễ tục, phong tục, lễ hội đều tạm dừng hết, ai nấy đều một lòng vì việc chung, An Tư nóng ruột cứ năm lần bảy lượt xin Thượng Hoàng cho cưới nhưng Thượng Hoàng đều kiếm cớ thác đi, nói:

- Danh chưa chính hợp sao ngôn thuận được, nay em cứ yên lòng, sắp tới có việc binh, để hắn có chút công lao đã, rồi ta phong cho làm Thiên tử nghĩa nam, bấy giờ cưới cũng được, giờ cả nước đang lo chuẩn bị đánh giặc, làm lễ hỉ để làm cho cười cho thiên hạ chăng, Trịnh Chiến là kẻ anh hùng, dù có cho cưới, đời nào hắn chịu?

Công chúa lại khóc lóc ỉ ôi, nói:

- Cứ gọi chàng vào mà hỏi là biết ngay có chịu không.

Vua đau cả đầu chẳng biết làm sao, cho gọi Trịnh Chiến vào hỏi, trước khi Chiến đi, Huyền Thiên căn dặn:

- Nay thánh ý triệu vào hẳn là hỏi ý tướng quân xem việc cưới xin thế nào, tướng quân cứ nói chưa lập được công danh gì, chẳng dám xứng với công chúa, xin ban cho cơ hội cầm quân, bấy giờ sẽ hay. Công chúa là thân nữ nhi mong manh, chỉ mong được hạnh phúc, không nghĩ gì xa, nếu chiều theo công chúa mà vội vàng xin cưới là dở lắm đấy, có thể làm phò mã nhưng muôn đời chỉ là con chó trông hoàng triều, chẳng ngóc đầu lên được.

Trịnh Chiến y theo lời dặn ấy mà tâu bày, Vua trong lòng mừng lắm, nói nhỏ với Chiến:

- Ngươi nói đúng hợp ý Trẫm, có ai bày cho ngươi không?

Trịnh Chiến nói:

- Là quân sư phủ bày cho như thế.

Vua cười nói:

- Ngươi quả là người thật thà, bên cạnh lại có người giỏi phò cho, giao công chúa cho ngươi thì ta yên tâm lắm, nhưng ngươi có đợi được không?

Trịnh Chiến đáp:

- Kẻ đó nhân từ, thật thà, nhưng hữu dũng vô mưu, có thể dùng vào việc khác, còn cho hắn đi đối chọi với giặc dã biên cương, đều là các tướng dày dặn kinh nghiệm trận mạc, tức là đưa hắn vào chỗ chết. Cứ chờ cho việc cấp bách qua đi, thần khắp có cách tác hợp cho hắn với công chúa.

Vua nghe thế thì hài lòng, không nói gì nữa, vậy là Trịnh Chiến vẫn ngày ngày luyện tập quân mã, ngày ngày đi sửa xà nhà ở phủ công chúa, nhưng chẳng được cầm quân, ngày tiễn các tướng Bình Trọng, Trần Sâm đi nhận ấn tướng quân rồi đi ra nơi biên ải làm nhiệm vụ, chiến chẳng khỏi chạnh lòng, chỉ biết lặng nhìn Trần Linh đầy oán trách, Trần Linh biết hết, nhưng không nói nửa câu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.