Linh Ký - An Tư Công Chúa

Chương 19




Tập 19.

Làm xong các nghi lễ đăng đàn và các lễ bái theo thông lệ thường nhật, các tướng và các mưu sĩ cùng đi vào nơi thao trường hoàng cung, nơi đây rộng lớn mênh mông, xa xôi muôn trượng, cả một vùng dải bằng rộng lớn, được xây kín quanh như đấu trường, lại có khu võ đài riêng, tất cả đều được bố trí công phu, hợp cho việc tập trận.

Các tướng vào vị trí, quan chủ sự là chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung, đi bên cạnh có tới hơn mười viên quan và gần hai chục viên võ tướng làm trọng tài, ai nấy đều mang theo giấy, có người mang nghiên mực đi cùng, các bàn bố trí cho các quan ngồi xếp chồng gần nhau, hai bên đấu thao trường treo rặt những giá để cung kiếm cờ quạt, các tay trống thủ, tù và cùng kèn đứng thành hàng dài ở hai bên, các tay cờ lệnh cũng đứng sát phía sau, trông như ra chiến trận thực sự.

Ngựa tốt được người trông coi dắt ra, con nào con nấy trông hùng dũng vô cùng, lông chân lông bờm rậm rịt, ngựa ngẩng cao đầu, nhởn nhơ mà đi theo người cầm cương, thi thoảng lại có chú hý vang trời như hiểu lòng quân sĩ.

Bên dưới hàng ghế khán đài có vô vàn quân lính và các tướng lĩnh cùng dõi trông theo, tọa trên hàng khán đài cao, lính gác đứng dày đen kịt, xung quanh mang gươm giáo tua tủa, cờ trống rợp trời, đó là nơi hoàng đế đang cùng các vị thân vương ngự mà xem cuộc so tài của các thí sinh.

Trông không khí ấy, trong lòng ai nấy đều hân hoan, tiếng người reo hò, tiếng ngựa rền vang, thực nức lòng người võ tướng, hội đấu diễn ra như đi trẩy hội, triều đình cũng cho cả người dân vào xem, quanh thao trường kể ra có tới cả vài ngàn người.

Bấy giờ Đỗ Khắc Chung đại nhân giở tờ văn án, nheo mắt đọc văn tế tế cáo trời đất, đoạn động viên khích lệ các tướng vài câu, rồi phổ biến luật thi cho chúng:

- Ở đây có hơn hai mươi tướng, ngựa tốt có hơn ba mươi con, các loại binh khí trên giá đầy đủ tất cả chủng loại, từ trường thương, trường đao, kiếm dài, đoản kiếm, câu liêm, búa, chùy, đinh ba, mã tấu, kích, lăng thủ, phi thủ…Các ngươi thích dùng loại nào thì tùy chọn loại ấy. Các tướng tham gia chỉ có bốn người là thí sinh của vòng tứ hổ, còn lại là các tướng đã dừng bước ở vòng thập lục long, nhưng đều là tay trí dũng, nay cũng ra diễn võ giương oai lấy công, sẽ dùng cho việc binh. Vòng thi tứ hổ sẽ gồm các phần sau đây: phần thứ nhất, các tướng cùng bước ra thi kì thi bày binh bố trận, cờ nguyên nhung chỉ huy giao cho bốn người tứ hổ, các tướng còn lại theo hiệu lệnh của cờ để ra, quân đánh trống và quân cầm cờ, cũng như quân ra giàn trận đã được hoàng cung chuẩn bị sẵn, đều là người được huấn luyện, sẽ theo hiệu lệnh của các ngươi ra. Phần thứ hai các tướng thi tài điều khiển ngựa và tài cung thủ để tác chiến, phần thi này quan trọng, sẽ được chấm điểm cao, bởi lẽ lần này chọn người tướng tài là để chống quân Nguyên, tiền thân chúng là quân Mông Cổ, giỏi tác chiến bằng ngựa trên vùng thảo nguyên, các ngươi hết sức lưu ý cho. Tới phần thứ ba, các tướng rút hết, chỉ còn bốn người của tứ hổ, sẽ chia ra hai phe đánh đối kháng, bên nào thắng thì vào tiếp phần thứ tư sẽ so tài cướp cờ. Trong bốn phần đó, điểm được chấm xuyên suốt theo từng phần chứ không phải người cướp được cờ cuối cùng thì thắng, nên trong từng phần các người đều lưu ý trổ hết tài năng, sức bền, mưu lược, võ học của các người đều có khoa mục để chấm điểm riêng cả. Sau khi thi xong bốn phần, giám khảo chấm xong thì dâng lên Thánh Thượng và Hưng Đạo Vương, các ngài đang ngự ở trên kia quan sát, sau đó cả hai mươi người các ngươi cùng lên trên khán đài nơi Thánh Thượng ngự nghe ngài hỏi thí lần cuối và tuyên đọc kết quả.

Các tướng nghe xong, đều cúi lạy Khắc Chung đại nhân. Bấy giờ chợt quân lính xếp giàn hết ra, Khắc Chung cũng vội lạy, thì ra có hai vị vương gia bước tới, là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc.

Chiêu Quốc Vương nói với các tướng lĩnh:

- Trong khi các ngươi thì võ, thì những kẻ thi văn sẽ thi bên kia, thái sư đang phổ biến luật thi cho chúng, các ngươi nên biết rằng kì thi lần này rất quan trọng, các ngươi đứng được ở đây là trong thời gian qua đã loại cả trăm ngàn người mới có vinh hiển đó, cuộc thi hôm nay giám khảo rất nhiều, Thánh Thượng và các vương cũng cùng quan sát, từng người trong các ngươi đều được chấm điểm chính xác, con đường vinh hiển nghiệp binh gia của các ngươi về sau, đều có liên quan tới phần nhiều việc các ngươi thể hiện thế nào trong hôm nay, các ngươi liệu mà nắm bắt lấy, bổn vương tới đây có lời húy lạo động viên như thế, các ngươi đã nhớ cả chưa?

Tất cả các tướng đều chắp tay đồng thanh hô to:

- Tạ đại vương, chúng tôi đều nhớ.

Chiêu Quốc Vương hài lòng gật đầu, nói:

- Vậy chúc các ngươi thi tốt.

Nói rồi hai vương quay đi, gia nhân thủ hạ kéo nhau đi theo tới vài chục người, các vương đi rồi, Đỗ Khắc Chung cũng chúc sĩ tử thi tốt, rồi dẫn đầu các quan và tướng võ trong đoàn trọng tài về vị trí tọa ngồi, sẵn sàng chấm thi.

Bấy giờ các tướng cùng bước ra giữa thao trường, quân sĩ hò hét vang trời, kèn trống tù và cùng nổi lên đồng loạt thị uy, cảnh tượng hào hùng ngút trời, muôn dân trăm họ nhìn thấy cảnh ấy, lòng ai cũng phấn khởi hân hoan, chẳng còn nghĩ gì tới việc chiến tranh sắp xảy đến.

Trịnh Chiến nhảy lên một con tuấn mã có lông màu đỏ tía, thúc ngựa tới giá để binh khí, chọn cho mình một cây trường thương vốn là binh khí sở trường, đoạn tế ngựa đi thẳng tới viên tướng giữ cờ hiệu, thế rồi đoạt lấy cờ của viên tướng ấy, tự mình vẫy cờ hiệu chỉ huy ba quân giàn trận, quân sĩ đã được huấn luyện nhiều năm trong cấm quân, có nhiều kinh nghiệm, nhìn cờ hiệu là đọc ra ngay ý đồ của Chiến, các viên dũng tướng lại cùng am hiểu binh thư, thúc quân giàn trận, đó là trận đồ bát quái, hình thành tám cửa, là một trận đồ khó thực hiện, do viên thừa tướng Trung Hoa thời tam quốc là Gia Cát Khổng Minh chế ra, là một thế trận khó, nếu người không am hiểu về binh pháp không thiết lập ra được. Các quan trong hàng giám khảo thấy Trịnh Chiến diễn được trận đó, cùng vỗ tay mà khen giỏi.

Trần Sâm thấy Trịnh Chiến chứng tỏ mình như thế, cũng không chịu kém cạnh, nhảy lên con bạch mã trắng, đoạn đi lại giá binh khí, nhấc bổng lên một cây búa to nặng tới cả vài chục cân, đoạn xoay tít nó, rồi bước tới viên tướng đang đánh trống. Sâm nhảy xuống đánh trống trận ầm ầm, tướng giữ cờ liền vẫy theo hiệu lệnh đánh trống, binh sĩ cũng nghe theo hiệu lệnh, giàn ra thành trận đồ “Hàng long”, đây là trận đồ khó, được viên tướng nước Ngô bên Trung Hoa thời chiến quốc là Tôn Vũ chế ra, các giám khảo lại đồng loạt vỗ tay, dân trăm họ cũng đứng cả lên mà xem tướng giàn trận, thành thế trận đối nghịch. Mọi người lại cùng tấm tắc ngợi khen tài.

Trần Bình Trọng thấy vậy thì cũng bước lên con ngựa bờm đen, thúc ngựa tới giá để binh khí, chọn một thanh trường kiếm, đoạn tế ngựa ra trước hàng quân, hét to làm hiệu, quân sĩ đều nhất loạt đồng thanh “dạ” lên một tiếng thật to, đoạn Bình Trọng cũng dùng cờ ra hiệu, quân sĩ giàn ra thành trận đồ “Yểm lược thư”, bấy giờ tất thảy giám khảo đều cùng đứng dậy mà bàn luận sôi nổi. Đây là trận đồ được soạn ra cùng với sách “Binh thư yếu lược”, do đích thân Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ đạo biên soạn. Quân trong hàng hàng ngũ chỉnh tề, di chuyển rất nhanh, trận đồ biến hóa linh hoạt theo từng hiệu lệnh cờ, đoạn Bình Trọng phất cờ, trận đồ cùng tịnh tiến lên, tan vào trong trận đồ của Trần Sâm và Trịnh Chiến, thế rồi lại cùng vượt qua mà rút ra, chẳng hề sai lệch một hàng lối nào, các giám khảo đều tấm tắc khen ngợi tài, thực là người giỏi lắm mới làm được thế.

Bình Trọng cười vang nói:

- Trong các ngươi, ai phá được trận này của ta?

Tức thì có một viên tướng cưỡi con ngựa bờm xám, tay cầm một cây phương thiên họa kích, vai đẹo cung tên, hùng hồ bước ra giữa trận. Thì ra đó là Nguyễn Địa Lô, viên tướng thứ tư cùng bước vào vòng thi tứ hổ.

Địa Lô nói:

- Bảo nghĩa vương thực tài giỏi lắm, chẳng phải ai cũng dựng được trận này, thế nhưng người dựng đã giỏi, người phá được còn giỏi hơn, ngài hãy xem tôi đây!

Đoạn Địa Lô đoạt lấy cờ của viên phó tướng giữ cờ, vẫy cờ ra hiệu, tức thì quân sĩ giàn thành hàng, thiết lập ra trận rất lạ, quân sĩ chia thành ba tốp, tốp đầu rộng đổ giàn ra, hai tốp sau lại nhọn tòe dần về sau như hình mũi tên, thế rồi địa lô phất cờ, quân sĩ lao vào trong trận đồ của Bình Trọng.

Trần Sâm và Trịnh Chiến cùng hét vang lên:

- Chúng tôi cũng phá được, bảo nghĩa vương hãy xem đây!

Nói đoạn phất cờ, đánh trống, quân sĩ lao ầm ầm vào trận của Bình Trọng, khí thế ngút trời.

Các giám khảo và dân trăm họ đều cùng bật dậy khỏi chỗ ngồi mà xem diễn trận, thực là một cảnh hùng tráng vô cùng được diễn bởi các vị tướng giỏi và quân sĩ giỏi nhất trong nước lúc bấy giờ, trong đời khó mà được thấy lại.

Ở trên ghế thượng tọa là Nhân Tông, Hưng Đạo Vương chầu bên cạnh, Nhân Tông quay sang hỏi:

- Trận ấy tên gì thế? Tướng phá trận ấy là ai?

Hưng Đạo Vương đáp:

- Trận đó là Hùng Thư Hoàn Kì, tướng đó là Nguyễn Địa Lô, môn khách trong nhà thần, đó là tay tướng tài.

Nhân Tông cười nói:

- Hóa ra là người của ái khanh, thảo nào lại biết phá trận của ái khanh.

Hưng Đạo Vương cười nói:

- Chẳng phải thế đâu, trận của thần lập ra dù cho có biết phá cũng không dễ mà phá được, lần này ta tuyển được đều là nhân tài, cả bốn người ấy đều xứng vào hàng đại tướng!

- Thì ra là người của ái khanh, quả nhiên hảo hán gặp nhau, thiên hạ này giữ được, chính là nhờ các ngươi cả.

Vua cười hài lòng lắm, thế là cùng với các đại vương hướng xuống tiếp tục quan sát.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.