Chát! Chát! Chát! Chát!
Hai thanh kiếm gỗ đập vào nhau bật lên những tiếng vang dội. Có khi im lặng hồi lâu, có lúc nổ ròn như pháo Liên Châu không ngớt.
Đây là quang cảnh chốn thôn quê tại Ma Khê phố ở phía Nam đất Nguyên Lăng thuộc giải Tương Tây.
Trước căn nhà ngói nhỏ ba gian, một lão già tay đan giày, thỉnh thoảng ngửng đầu lên nhìn đôi nam nữ thanh niên tỷ thí bằng kiếm gỗ trong sân phơi thóc.
Lão này tuổi lối năm mươi, nhưng mặt đầy vết dăn deo. Mái tóc trên đầu bạc đến phân nửa. Hiển nhiên lão đã trải qua nhiều phen lo lắng.
Khóe miệng lão hé nụ cười tỏ vẻ hài lòng về cuộc tỷ kiếm của đôi trai gái nhỏ tuổi.
Thiếu nữ lối mười bảy, mười tám tuổi, khuôn mặt tròn trĩnh, cặp mắt đen láy. Trán toát mồ hôi chảy thành một tia nước qua má bên trái xuống đến cổ tỏ ra cô đã mỏi mệt.
Cô giơ tay áo lên lau mồ hôi. Mặt cô đỏ bừng như trái hồng quân.
Chàng thiếu niên lớn hơn cô chừng ba tuổi, nước da đen nhẻm, xương lưỡng quyền nhô lên, chân tay thô kệch. Đúng là một hán tử ở nông thôn tại Tương Tây.
Tay chàng cầm một thanh kiếm gỗ, sử dụng rất linh động.
Đột nhiên chàng thanh niên tay cầm kiếm gỗ từ mé bên tả chém xéo xuống.
Tiếp theo chàng xoay tay phóng kiếm về phía sau mà không quay đầu lại.
Thiếu nữ cúi đầu tránh khỏi. Đồng thời cô vung mộc kiếm đâm luôn mấy nhát. Thế kiếm rất cấp bách.
Chàng thanh niên lùi lại hai bước để vung mộc kiếm rộng vòng ra. Chàng quát một tiếng lớn, quét ngang thanh kiếm ba nhát.
Thiếu nữ chống không nổi, đột nhiên thu kiếm về đứng yên, không đỡ gạt nữa.
Cô làm mặt giận hỏi:
- Tiểu muội chịu thua rồi được không? Hay là sư ca đâm chết tiểu muội đi?
Chàng thanh niên không ngờ cô thu kiếm về một cách đột ngột, không chịu đỡ gạt nữa. Nhát kiếm thứ ba của chàng sắp hớt vào lưng cô khiến chàng hốt hoảng, vội thu chiêu lại. Vì thế kiếm mạnh quá đập trúng vào mu bàn tay trái chàng đánh "chát" một tiếng. Chàng không nhịn được la lên một tiếng:
- Ui chao!
Thiếu nữ vỗ tay vừa cười vừa hỏi:
- Đã mắc cỡ chưa? Nếu cầm kiếm thật thì cánh tay đó liệu còn được chăng?
Gương mặt đen nhẻm của thanh niên ẩn hiện màu hồng, chàng sẵng giọng:
- Vì ta sợ hớt vào người cô, vội thu kiếm về, bất cẩn một chút mà đụng vào tay mình. Nếu là cuộc tỷ thí chân thực thì khi nào chịu nhượng bộ?
Rồi chàng quay sang nhìn lão già hỏi:
- Sư phụ! Lão nhân gia bình nghi vụ này như thế nào?
Lão già cầm chiếc giày đan dở đứng dậy đáp:
- Hai người chiết giải năm chục chiêu đầu còn coi được, nhưng mấy chiêu về sau thì chẳng ra trò gì hết!
Lão cầm lấy thanh kiếm trong tay thiếu nữ vung lên thủ thế chém xéo xuống, miệng nói:
- Chiêu "Ca ông hám thượng lai" này tiếp đến chiêu "Thị hoành bất cảm quá" là phải quét ngang chứ không đâm thẳng. A Phương! Hai chiêu "Hốt thính phún kình phong", "Liên sơn nhược bổ đào" thế kiếm phải giống tấm vải mở bung ra. A Vân! Hai chiêu "Lạc nê chiêu đại thư", "Mã minh phong tiểu tiểu" ngươi sử như vậy mới tạm được, nhưng đã gọi là "phong tiểu tiểu" mà ngươi vận hết sức để sử kiếm thì không đúng cách...
Lão dừng lại một chút rồi tiếp:
- Kiếm pháp của chúng ta kêu bằng "Thảng thi kiếm pháp" lừng danh trong võ lâm. Chỉ phóng ra một chiêu đã khiến địch nhân té nhào thành cái xác chết.
Người nhà tập dượt với nhau tuy không thể đánh thật như vậy, nhưng lúc nào trong lòng cũng phải nhớ tới hai chữ "Thảng thi" là chết ngay đứ đừ.
Thiếu nữ nói:
- Gia gia ơi! Kiếm pháp của chúng ta rất hay, nhưng cái tên không được...
dễ nghe. Bốn chữ "Thảng thi kiếm pháp" thật khiến người ta phải ớn gáy.
Lão già đáp:
- Người ta nghe có khiếp sợ mới oai phong chớ! Địch nhân chưa động thủ đã kinh tâm động phách là thua mấy phần rồi.
Tay lão cầm kiếm gỗ đem sáu chiêu kể trên diễn lại một lượt. Kiếm chiêu ngưng trọng, tiến thoái nghiêm minh có vẻ lợi hại dị thường. Đôi nam nữ thanh niên này trong lòng rất kính phục, bất giác vỗ tay hoan hô.
Lão đưa kiếm trả thiếu nữ nói:
- Hai người luyện lại lần nữa. A Phương không được coi là trò đùa. Vừa rồi nếu sư ca ngươi không nhường nhịn thì liệu ngươi còn sống được chăng?
Thiếu nữ nghe lão nói bất giác thè lưỡi ra. Đột nhiên cô phóng kiếm đâm tới cực kỳ thần tốc.
Thanh niên không kịp đề phòng, vội xoay kiếm đỡ gạt, nhưng đã bị thiếu nữ chiếm mất thượng phong, tấn công ráo riết. Trong lúc nhất thời thanh niên chẳng có cách nào vãn hồi tình thế. Giữa lúc chàng lâm vào cục diện thất bại thì đột nhiên mé đông bắc có tiếng vó ngựa dồn dập. Một người kỵ mã đang chạy nhanh tới.
Thanh nhiên quay lại hỏi:
- Ai sắp đến đó?
Thiếu nữ lớn tiếng:
- Đánh thua rồi, đừng cãi chày cãi cối. Ai đến thì mặc người ta, việc gì đến sư ca?
Cô vung kiếm rít lên veo véo tấn công ba chiêu liền.
Thanh niên hết sức chống đỡ. Chàng tức giận quát hỏi:
- Cô tưởng ta sợ cô ư?
Thiếu nữ cười đáp:
- Sư ca ngoài miệng không sợ, nhưng trong lòng cũng hơi run một tý.
Cô phóng kiếm đâm mé tả một chiêu, mé hữu một chiêu cực kỳ linh động.
Lúc này người kỵ mã đã dừng ngựa. Hắn không nhịn được reo lên:
- Thiên hoa lạc bất tận! Xứ xú điểu hàm phi! Thật là tuyệt diệu!
Thiếu nữ la lên một tiếng:
- Ô hay!
Rồi nhảy lùi lại phía sau đứng nhìn người khách mới đến thì thấy gã vào trạc hai mươi ba, hai mươi bốn tuổi, y phục rất trang trọng, ăn mặc theo kiểu công tử nhà giàu ở thành thị. Bất giác cô thẹn đỏ mặt lên hỏi:
- Gia gia! Sao... y lại biết?
Lão già nghe người khách kỵ mã đọc tên hai chiêu kiếm pháp của con gái mình, trong lòng cũng lấy làm kỳ, toan cất tiếng hỏi, thì gã kia đã xuống ngựa tiến lại chắp tay thi lễ hỏi:
- Xin hỏi lão trượng:
ở Ma Khê phố này có một vị kiếm thuật nổi danh là Thích Trường Phát lão gia, nhà ở chỗ nào?
Lão già đáp:
- Lão phu chính là Thích Trường Phát. Ông bạn kiếm lão phu có chuyện gì?
Gã thanh niên lạy phục xuống đất nói:
- Vãn bối là Bốc Viên, xin bái kiến Thích sư thúc. Vãn bối vâng lệnh gia sư đến viếng Thích sư thúc.
Thích Trường Phát đáp:
- Không dám! Không dám!
Lão đưa tay nâng gã dậy. Đồng thời vận nội kình xô ra. Bốc Viên cảm thấy nửa người tê chồn, mặt đỏ bừng lên nói:
- Thích sư thúc khảo nghiệm vãn bối ư? Vừa thấy mặt đã khiến vãn bối phải hổ thẹn.
Thích Trường Phát cười hỏi:
- Nội công của ngươi chưa ăn thua gì. Ngươi là đệ tử thứ mấy của Vạn sư ca?
Bốc Viên lại đỏ mặt lên đáp:
- Vãn bối là đệ tử thứ năm rất dở của gia sư. Gia sư thường tán dương Thích sư thúc nội công thâm hậu. Sao sư thúc lại ra chiêu với vãn bối?
Thích Trường Phát cười ha hả hỏi:
- Vạn sư ca vẫn mạnh giỏi chứ? Anh em ta mười mấy năm nay không gặp nhau rồi.
Bốc Viên đáp:
- Nhờ hồng phúc của sư thúc lão nhân gia, gia sư vẫn bình yên. Hai vị sư ca, sư tỷ đây chắc là cao đồ của lão nhân gia?
Thích Trường Phát vẫy tay hô:
- A Vân! A Phương! Lại chào Bốc sư ca đi!
Lão lại trỏ vào hán tử da đen giới thiệu:
- Đây là đồ đệ của ta tên gọi Địch Vân. Còn con gái ta tên gọi A Phương.
Lão cười ha hả nói tiếp:
- Này! Cô gái nhà quê, cô đừng rụt rè nữa! Y cũng là người nhà, việc gì phải hổ thẹn?
Thích Phương ẩn ở sau lưng Địch Vân, không ra thi lễ, chỉ gật đầu cười mấy tiếng.
Địch Vân hỏi:
- Bốc sư huynh! Có phải sư huynh cũng luyện một môn kiếm pháp như bọn tiểu đệ không? Không thế thì sao vừa ngó thấy kiếm chiêu của sư muội đã gọi ra ngay?
Thích Trường Phát nhổ một bãi đờm xuống đất đánh "toẹt" một cái rồi đáp:
- Sư phụ ngươi với sư phụ y là bạn đồng môn thì dĩ nhiên học chung một môn kiếm pháp. Cái đó lọ là còn phải hỏi?
Bốc Viên cởi bọc trên lưng ngựa xuống lấy ra bốn món lễ vật hai tay dâng lên nói:
- Thích sư thúc! Gia sư gọi là có chút bạc lễ, xin sư thúc thâu nhận cho!
Thích Trường Phát ngỏ lời cảm tạ rồi bảo con gái thu lễ vật.
Thích Phương đem đồ lễ vào phòng mở ra coi thấy một tấm áo bào bằng da cừu, một chiếc vòng tay bằng ngọc, một cái nón chiên và một tấm áo choàng màu đen.
Thích Phương ôm ra cười hì hì, miệng reo lên:
- Gia gia! Trước nay gia gia chưa từng vận quần áo lịch sự. Gia gia mặc những thứ này vào thì hết làm ông lão nhà nông, vừa phát tài vừa có vẻ quan dạng.
Thích Trường Phát vừa ngó thấy đã ngẩn người ra.
Địch Vân thấy khách đến liền chạy qua thôn trang phía trước mua ba cân rượu trắng.
Thích Phương mổ một con gà béo và vào vườn tỉa rau về làm một mâm thịnh soạn.
Cơm rượu bưng ra bốn người ngồi vào ăn uống.
Trong khi ăn cơm, Thích Trường Phát hỏi Bốc Viên:
- Sư điệt tới đây có chuyện gì?
Bốc Viên đáp:
- Gia sư nói là mười năm không gặp sư thúc, trong lòng rất mong nhớ. Lão nhân gia đã định đến Hồ Nam thăm hỏi, nhưng hàng ngày bận rèn luyện môn "Liên Thành kiếm pháp" nên không bỏ đi đâu được.
Thích Trường Phát đang cầm chung rượu kề vào môi, uống một hớp, chưa kịp nuốt vào nghe gã nói vậy lại nhả ra chung, vội hỏi:
- Ngươi bảo sao? Sư phụ ngươi đang luyện "Liên Thành kiếm pháp" ư?
Bốc Viên ra chiều đắc ý đáp:
- Mồng năm tháng trước gia sư đã luyện xong môn "Liên Thành kiếm pháp".
Thích Trường Phát lại càng kinh ngạc, đặt mạnh chung rượu xuống bàn làm cho phân nửa rượu bắn lên tung tóe ướt cả ngực áo. Lão ngồi thộn mặt ra hồi lâu.
Đột nhiên lão nổi lên tràng cười hô hố, giơ tay lên vỗ mạnh vào vai Bốc Viên nói:
- Con mẹ nó! Tiểu tử ơi! Sư phụ ngươi nói khoác đó. Môn Liên Thành kiếm pháp đến sư tổ ngươi còn chưa luyện được, huống chi sư phụ ngươi học nghệ tầm thường, chẳng lấy gì làm cao minh cho lắm. Ngươi đừng gạt sư thúc nữa. Uống rượu đi! Uống rượu đi!
Dứt lời lão ngửa cổ đổ nửa chung rượu vào miệng mà nuốt ừng ực. Tay trái lão cầm trái hồ tiêu đỏ hồng cắn một miếng nhai nghiến ngấu.
Bốc Viên vẻ mặt nghiêm nghị đáp:
- Gia sư đã biết có nói ra sư thúc cũng chẳng tin chút nào. Ngày mười sáu tháng sau là ngày thượng thọ năm chục tuổi của gia sư. Mời sư thúc cùng sư đệ, sư muội qua Kinh Châu uống chung rượu nhạt. Gia sư sai vãn bối thành tâm đến mời.
Bất luận sư thúc có bận việc gì cũng xin dẹp lại để đi dự lễ. Gia sư còn nói Liên Thành kiếm pháp của lão nhân gia e có chỗ luyện chưa đến nơi, mời sư thúc qua chỉ điểm cho.
Thích Trường Phát hơi biến sắc hỏi:
- Nhị sư ca của ta là Ngôn Đạt Bình ngươi có mời không?
Bốc Viên đáp:
- Hành tung của Ngôn nhị sư thúc không nhất định. Gia sư đã phái nhị sư ca, tứ sư ca chia đi các ngả Hà Sóc, Giang Nam, Vân Qúy để tìm kiếm. Thích sư thúc có được tin tức gì về Ngôn nhị sư thúc không?
Thích Trường Phát thở dài đáp:
- Trong ba vị sư huynh sư đệ chúng ta thì nhị sư ca võ công cao hơn hết. Nếu bảo y luyện được Liên Thành kiếm pháp thì ta còn tin tưởng mấy phần. Chứ sư phụ ngươi thì, ha ha, ta không thể tin được.
Tay trái lão cầm hồ rót rượu đầy ra chén. Tay mặt lão cầm chén rượu nhưng chưa uống ngay. Đột nhiên lão lớn tiếng:
- Được rồi! Mười sáu tháng sau ta sẽ qua bái thọ để coi môn Liên Thành kiếm pháp của sư phụ ngươi thành công đến đâu rồi.
Lão lại đặt mạnh chén rượu xuống bàn. Nửa chén bắn ra ướt cả mặt bàn cùng tay áo.
Bốc Viên ăn uống xong cáo từ ra về.
Thích Trường Phát chuẩn bị lễ vật, may quần áo cho mình và Thích Phương cùng Địch Vân để đi Kinh Châu mừng thọ, nhưng không có tiền. Lão phải đem con trâu cày đi bán.
Thích Phương giữ trâu lại hỏi:
- Gia gia ơi! Gia gia đem con Đại hoàng đi bán thì sang năm chúng ta lấy gì để cày ruộng?
Thích Trường Phát đáp:
- Việc sang năm để sang năm sẽ tính, can chi phải lo từ bây giờ?
Thích Phương hỏi:
- Gia gia! Chúng ta cứ ở nhà có hơn không? Đến Kinh Châu làm chi? Đi mừng thọ Vạn sư bá mà phải bán con Đại hoàng, hài nhi thấy không đáng chút nào.
Thích Trường Phát đáp:
- Ta đã nhận lời với Bốc Viên. Bậc đại trượng phu đã hứa khi nào còn canh cãi được. Ta đưa ngươi cùng A Vân đến thị thành cho biết mùi, chẳng lẽ cứ ở thôn dã suốt đời.
Thích Phương nói:
- Làm người dân dã thì đã sao? Hài nhi không cần ra thành thị. Con Đại hoàng do hài nhi chăn dắt từ thuở nhỏ. Bây giờ gia gia định đem nó đi bán, nó không muốn đi. Gia gia có thấy nó chảy nước mắt ra đấy không?
Thích Trường Phát gắt lên:
- Con ngốc kia! Trâu là giống súc sinh thì còn biết gì nữa. Mau buông tay ra!
Lão lại an ủi cô:
- A Phương! Gia gia cũng nhớ con Đại hoàng lắm, nhưng chúng ta tay không đến mừng thọ người ta thế nào được? Quần áo của ba chúng ta lại rách hết. Nhất định phải may ba bộ quần áo mới để người ta khỏi khinh khi.
Thích Phương hỏi:
- Vạn sư bá chẳng đã đưa tặng quần áo mới cho gia gia rồi ư? Gia gia mặc bộ đó là sang trọng lắm rồi.
Thích Trường Phát đáp:
- Trời nóng nhiệt thế này thì mặc áo cừu thế nào được? Hơn nữa sư bá ngươi khoe đã luyện xong "Liên Thành kiếm pháp", nhưng ta không tin. Thế nào cũng phải qua đó coi xem mới được. Phương nhi hãy ngoan ngoãn buông ra.
Thích Phương vỗ vào đầu trâu bảo nó:
- Đại hoàng ơi! Ai mổ ngươi thì ngươi vung sừng húc vào người họ rồi chạy trốn về đây. À, mà không được! Người ta sẽ biết đường rượt theo. Ngươi phải trốn vào rừng thật xa mới yên...
o O o Nửa tháng sau, Thiết Tỏa Hoành Giang Thích Trường Phát đưa đồ đệ Địch Vân và con gái là Thích Phương đi Kinh Châu.
Lão hỏi thăm Ngũ Vân Thủ Vạn Chấn Sơn thì người ta đáp:
- Vạn lão anh hùng oai danh chấn động cả miền Lưỡng Hồ thì còn ai không biết mà còn phải hỏi? Tòa nhà lớn cổng sơn đỏ ở bên kia tức là biệt thự của lão nhân gia.
Thích Trường Phát, Địch Vân, và Thích Phương ba người đều mặc áo mới đến kẻ chợ lần đầu không khỏi có điều bỡ ngỡ.
Địch Vân và Thích Phương chạy đến trước tòa nhà lớn ngó thấy bên trong treo đèn kết hoa. Khách đến mừng thọ đầy nhà và đều là những người lịch sự.
Trong lòng đôi thiếu niên này đều hồi hộp.
Thích Trường Phát toan hỏi người gác cổng, chợt Bốc Viên từ phía trong đi ra. Lão cả mừng hô:
- Bốc hiền điệt! Ta đã tới đây.
Bốc Viên vội ra nghênh tiếp. Gã làm bộ vui mừng reo lên:
- Thích sư thúc đã đến! Địch sư đệ và Phương sư muội mạnh giỏi chứ? Gia sư đang nhắc tới sư thúc. Mời lão nhân gia vào đi.
Thích Trường Phát vừa vào tới cửa đã thấy cổ nhạc nổi khúc nghinh tân rất nhộn nhịp. Thanh âm vang dội khiến Địch Vân giật mình kinh hãi.
Trong nhà đại sảnh, một lão già thân thể cao lớn đang đi đi lại lại mời khách.
Thích Trường Phát hô:
- Đại sư ca! Tiểu đệ đã đến đây!
Lão già kia ngơ ngác tựa hồ không biết là ai. Sau lão mới hớn hở chạy tới cười khà khà nói:
- Lão tam! Lão già đi nhiều quá khiến ta cơ hồ không nhận ra.
Hai vị sư huynh, sư đệ đang dắt tay nói chuyện thì đột nhiên mũi ngửi thấy mùi hôi thối kinh người. Tiếp theo một thanh âm như lệnh vỡ cất lên:
- Vạn Chấn Sơn! Mười năm trước lão còn nợ ta món tiền. Bữa nay có trả không?
Thích Trường Phát quay đầu nhìn lại thì thấy một người hai tay cầm cái thùng gỗ giơ lên. Trong thùng đựng đầy nước phân liệng mạnh về phía hai người.
Thích Trường Phát thấy con gái và đồ đệ đứng ở đằng sau. Nếu lão né tránh thì thùng phân kia phải hất hết vào người Thích Phương. Lão ứng biến cực kỳ thần tốc. Hai tay túm lấy áo trường bào vận kình một cái cho khuy áo đứt ra.
Lão xoay vạt áo hướng ra ngoài. Vạt áo trường bào dời khỏi mình rồi vận nội kình vào phùng ra như cái trống hứng lấy thùng phân. Tiện tay lão đẩy về phía trước. Vạt áo chứa đầy nước phân bay về phía người liệng ra.
Người kia liệng thùng phân rồi liền nhảy sang một bên. Cả thùng phân lẫn áo trường bào trước sau rớt xuống đất đổ ra tung tóe. Cả hai nhà sảnh đường mùi hôi thối xông lên sặc sụa.
Mọi người nhìn lại thấy người kia hàm râu quai nón, thân thể cao lớn, oai phong lẫm liệt đứng ở giữa sân như pho tượng đá. Hắn nổi lên tràng cười hô hố nói:
- Vạn Chấn Sơn! Tiểu đệ vượt đường xa ngàn dặm đến bái thọ các hạ mà không có lễ vật. Vậy đưa tặng muôn lạng hoàng kim để cung hỷ các hạ kim ngọc mãn đường!
Bọn thủ hạ của Vạn Chấn Sơn cùng tám tên đệ tử thấy người này cố ý đến quấy phá, làm cho cả tòa thọ đường trở nên ô uế, đều tức giận vô cùng.
Tám tên đệ tử xông vào toan lôi người kia ra đánh nhừ đòn cho hả dạ.
Vạn Chấn Sơn lớn tiếng quát:
- Các ngươi đứng cả lại!
Bọn đệ tử nghe sư phụ quát tháo, không dám trái lệnh đều dừng bước lại.
Nhị đệ tử là Chu Kỳ tính nóng như lửa liền trợn mắt lên ngó đại hán kia, ngoác miệng ra mà thóa mạ:
- Tổ bà nó! Ngươi là cái thá gì mà bữa nay lại nhân ngày thượng thọ của Vạn lão gia dám đến quấy phá? Nếu không đập tan xác ngươi thì ngươi chưa biết Ngũ Vân Thủ ở Vạn gia là lợi hại.
Vạn Chấn Sơn đã nhận ra lai lịch hán tử râu quai nón liền hô:
- Vạn mỗ tưởng ai, té ra là Lữ đại trại chủ ở Thái Hàng Sơn. Mấy năm nay Lữ đại trại chủ phát tài chứ? Chắc là kim ngọc đầy nhà xài không hết mới đem theo nhiều như vậy.
Các tân khách nghe nói tới bảy chữ "Thái Hàng Sơn Lữ đại trại chủ" số đông châu đầu ghé tai, mỗi người nói một câu:
- Nguyên đây là Lữ Thông ở Thái Hàng Sơn. Không hiểu hắn có điều chi xích mích với Vạn lão gia?
- Lữ Thông là một nhân vật cực lợi hại thuộc phe Hắc đạo ở Ngũ tỉnh miền Bắc. Hắn nổi tiếng khắp hai mặt nam bắc sông Hoàng Hà với môn Lục Hợp Đao và Lục Hợp Quyền.
- Đã tử tế là không đến, mà đã đến là chẳng tử tế gì. E rằng bữa nay còn nhiều chuyện rắc rối.
Mọi người bàn tán hồi lâu không ngớt.
Một số quần hào không hiểu ra làm sao đành đứng lặng nghe đợi chờ xem diễn biến.