(function(w,q){w[q]=w[q]||[];w[q].push(["_mgc.load"])})(window,"_mgq"); Ta quá đỗi kinh hãi, đến mức khi Gia Quý phi và Du phi phản đối việc sắc phong Vệ Yến Uyển làm Phi, ta lại vô thức mở miệng bênh vực nàng.
May mắn, ai nấy đều mang tâm tư riêng, chẳng ai lưu ý sự khác thường của ta.
Không, không thể là Lăng Dung. Ta đã tận mắt thấy nàng đi vào chỗ c.h.ế.t ngay trước mặt mình.
Huống hồ, nàng chưa từng có ánh mắt tự tin như thế, càng không thể trước mặt các phi tần có gia thế, địa vị cao hơn mà vẫn ung dung điềm tĩnh đến vậy.
Là ta nghĩ nhiều rồi, thiên hạ người giống người nào có ít gì.
Ta tự trấn an mình, nhưng hạt mầm hoài nghi đã sớm cắm rễ trong lòng.
Để phòng bất trắc, ta lệnh Phúc Gia truyền chỉ đến Vĩnh Thọ cung, đứa trẻ của Lệnh phi, ta muốn tự mình nuôi dạy.
Nhưng cái "bất trắc" ấy rốt cuộc là gì, ta chẳng dám nghĩ sâu.
2
Vệ Yến Uyển rất hợp làm sủng phi.
Nàng giỏi học hỏi, có thể uốn mình theo thời thế, không ngoại thích.
Quan trọng nhất, nàng trung thành với ta.
Ban đầu, ta từng nghi ngờ nàng cố tình tỏ ra nhu thuận, thực chất dã tâm bừng bừng, bằng không sao lại nhất quyết cầu ta sắp đặt cơ hội cho mình.
Nhưng bất kể ta sai người ngấm ngầm điều tra bao nhiêu lần, vẫn chỉ nhận được một câu: "Lệnh phi không có dị tâm với Thái hậu."
Ta hơi yên tâm, tự nhiên cũng chẳng bạc đãi Thất công chúa do ta dưỡng dục.
Mỗi lần Lệnh phi đến Thọ Khang cung thăm Cảnh Nguyên, ta đều cùng nàng hàn huyên vài câu, nàng có vẻ rất vui, hồi đáp lúc nào cũng mang theo ý cười ôn hòa.
Dĩ nhiên, ta cũng thừa hiểu sự nguy hiểm của Vệ Yến Uyển, nàng không có nhược điểm.
Đối với gia quyến, ngoài mỗi tháng cấp bạc chu cấp, nàng chẳng hề dành thêm chút tình cảm nào cho người mẹ và huynh đệ tham tài của mình.
Đối với Hoằng Lịch, nàng chẳng hề có sùng bái hay ái mộ, nếu có, thì cũng chỉ là sự nịnh bợ được cố ý bày ra.
Hệt như kẻ làm công trong phường buôn ngoài cung, bợ đỡ chưởng quầy để kiếm bạc vậy.
Địa vị ngày một cao, ân thưởng ngày một nhiều, dường như đó chính là mục đích của nàng.
Điểm này, Như Ý và nàng hoàn toàn khác biệt.
Trước lễ sách lập Hoàng hậu, Như Ý đến thỉnh an ta, dò hỏi xem Tiên đế có từng rơi lệ trước mặt ta hay chăng.
Ta chẳng còn kháng cự nàng như thuở đầu, nhưng câu nói ấy vẫn khiến ta chau mày.
Ta nhắc nhở nàng: "Con sắp trở thành Hoàng hậu, từ nay về sau, mọi chuyện đều phải lấy việc phò tá Hoàng đế làm trọng, lấy cơ nghiệp Đại Thanh làm đầu."
Như Ý nói: "Nhi thần muốn làm không phải Hoàng hậu, mà là thê tử của Hoàng thượng. Nhi thần để tâm, chỉ có hai chữ tình phận."
Ta nhìn nàng, nửa như cười, nửa chẳng phải cười, không khuyên nữa.
Dù gì Hoằng Lịch cũng chẳng phải cốt nhục của ta, hắn lại một mực muốn lập nàng làm Hậu, có những chuyện, khuyên nhiều cũng chỉ khiến ta thêm bất lợi.
Ta chỉ biết, sớm muộn gì nàng cũng phải trả giá vì sự chìm đắm quá mức vào hai chữ tình phận của mình.
Quả nhiên, ngày ấy đến còn nhanh hơn ta dự liệu.
Du phi dùng một xâu kinh phán để chỉ tội Vệ Yến Uyển.
Khi đó, Vệ Yến Uyển đã là Quý phi, được Hoằng Lịch sủng ái nhiều năm, có con cái làm chỗ dựa, địa vị vững vàng.
Ta ngăn Du phi lại.
Lời thề độc, cùng lắm cũng chỉ là thứ giúp áp chế khí thế khi chứng cứ đã rành rành, chứ không thể là thứ dùng để lấy tình phận ép Hoàng đế thỏa hiệp. Làm vậy, chẳng khác nào nàng đang tự đẩy mình và Như Ý lên đường cùng.
Đáng tiếc, làm Hoàng hậu nhiều năm như thế, Như Ý vẫn chẳng hiểu được đạo lý này.
Ta muốn khuyên giải, nhưng chung quy vẫn không địch lại sự đối chọi gay gắt giữa Hoằng Lịch và Như Ý lúc bấy giờ.
Vệ Yến Uyển bình an thoát thân, đế hậu rạn nứt, Như Ý cắt tóc, tự mình cấm túc.
3
Tại Thọ Khang cung, ta lui hết mọi người ra ngoài, Vệ Yến Uyển quỳ trước mặt ta.
Quỳ đã lâu, mồ hôi lạnh rịn nơi thái dương nàng, thế nhưng lưng vẫn giữ thẳng tắp.
Ta nói: "Ra tay gọn gàng, không để lại chút sơ hở, ai gia đúng là xem nhẹ ngươi rồi."
Vệ Yến Uyển khẽ cười: "Thái hậu đã biết thần thiếp làm những gì, hẳn cũng hiểu thần thiếp vì sao phải làm thế. Dù có làm lại một lần nữa, chỉ cần nghĩ đến những khuất nhục mình từng chịu đựng, thần thiếp cũng chẳng hối hận."
Ta nhìn nàng, dáng vẻ cố chấp ấy, so với giận dữ, lòng ta lại dâng lên nhiều bi ai hơn.
Nữ nhân trong Tử Cấm Thành, chỉ cần còn sống, bất kể khi vào cung từng sáng rỡ ra sao, cuối cùng đều sẽ trở nên tâm cơ sâu nặng, lạnh lùng vô tình.
Dù là Kính Quý phi khi trước, hay Kính Thái phi đã mất vài năm nay, trên tay cũng từng dính m.á.u của người vô tội như Anh Quý nhân, huống hồ chi những kẻ khác.
Tranh đấu vì sủng ái giữa hậu cung vốn là chuyện chưa từng gián đoạn suốt trăm ngàn năm. Nhưng con nối dòng của hoàng thất là quan trọng hơn cả, chỉ riêng chuyện Vệ Yến Uyển hại c.h.ế.t Vĩnh Kỳ, ta đã chẳng thể dễ dàng bỏ qua nàng.
(function(w,q){w[q]=w[q]||[];w[q].push(["_mgc.load"])})(window,"_mgq");