Kim Loan Khải Hoàn Ca

Chương 9: Tai Nạn




Di Nguyệt lên thuyền cùng vài vị tiểu thư khác trạc tuổi.

Lúc thuyền đương ở giữa hồ thì ánh mắt Di Nguyệt lại va phải một người.

Nàng ta mặc y phục màu tím nhạt, gương mặt lại có phần cương trực hơn so với lứa tuổi, trông vừa có nét xinh đẹp của nữ nhi vừa có khí phách của một trang nam tử.

Di Nguyệt nhìn nàng ta chăm chú, rồi cũng nhớ ra đó là ai.

Khí phách này, phong thái này ở Vệ quốc chỉ có một – đích tiểu thư phủ Thượng thư binh bộ, cũng chính là tân nương của Dương Hiểu Phong vào kiếp trước.

Một cảm giác kì lạ thoáng qua tim, không phải hận mà chỉ là một chút hoài niệm.

Vị tiểu thư này chẳng chút động chạm, cũng chẳng hại nàng, nàng ta chỉ là vô tình có liên quan đến một nút thắt quan trọng trong đời nàng.

Vị tiểu thư kia đi ngang qua cây cầu, Di Nguyệt cũng vừa vặn thu hồi tầm mắt lại.

Thế nhưng, bất chợt, một lực đẩy rất mạnh từ phía sau chợt tới, đẩy nàng sẩy chân rơi thẳng xuống hồ.

Mọi thứ… chỉ diễn ra trong tích tắc.

Có tiếng la hét thất thanh, Di Nguyệt cố nhoài người khỏi mặt nước nhưng chân lại vướng phải một mớ rong rêu dưới hồ.

Tuệ Nhi ở bên bờ vội kêu lớn nhờ người tới cứu.

Nha hoàn trên chiếc thuyền con cũng nhoài người muốn giữ tay nàng nhưng bất thành, chiếc thuyền cứ chao đảo do sóng nước khi Di Nguyệt vùng vẫy tạo thành.

Bỗng, có một tiếng động lớn như ai đó vừa lao xuống nước.

Ngay khi Di Nguyệt sắp chìm xuống thì một vòng tay đã kéo nàng lên.

Qua tầm nhìn đã mơ hồ, Di Nguyệt thấy thấp thoáng một bóng thiếu niên vừa quen thuộc lại vừa xa lạ.

.

.

.

Lúc Di Nguyệt tỉnh lại đã là giữa đêm, cảm giác mí mắt nặng nề, cả cơ thể nóng bừng như muốn bất động.

Nàng nặng nề nhìn tấm rèm màu lam bên trên, lại thẫn thờ quay đầu sang bên cạnh.

Ngồi cạnh giường là Lý hoàng hậu vẫn đang lo lắng thay khăn cho nàng.

Thấy nàng tỉnh, một tia vui sướng xẹt qua trong mặt vị mẫu nghi thiên hạ, người quay lại hạ lệnh cho nha hoàn: “Mau gọi thái y qua đây, công chúa tỉnh rồi.”

“Mẫu hậu… con khó chịu…” Di Nguyệt huơ tay vào không trung, cảm nhận cổ họng mình khô khốc.

Kiếp trước nàng không quá thân với Ngũ tỷ, dịp thưởng hoa cũng chỉ quanh quẩn ở gần mẫu hậu nên không xảy ra cớ sự này.

Tiết trời vào xuân nước rất lạnh, một tiểu cô nương được nâng như trứng, hứng như hoa như nàng lại rơi xuống đó, hẳn là bị cảm rồi.

“Ngoan, chờ một chút thái y đến ngay.

Nào, uống một chút nước nhé?” Lý hoàng hậu đưa ly nước đến cạnh, Di Nguyệt cố gắng ngẩng đầu dậy uống một chút, sau đó lại nằm gục xuống, thở gấp.

Nàng đau đầu quá! Đau như đầu muốn bị bổ làm hai.

Chỉ một chốc sau có tiếng ngươi đi vào vội vàng.

Thái y còn chưa đến, Quang Thuận đế đã lo lắng ghé lại bên giường, tay đặt lên trán nàng, khẽ hỏi: “Nguyệt nhi của trẫm thế nào rồi? Có khó chịu lắm không?”

“Phụ hoàng… nữ nhi khó chịu lắm…” Di Nguyệt giữ tay Quang Thuận đế lại, tham lam cái cảm giác mà bàn tay ông mang lại.

Quang Thuận đế khẽ cười rồi ngồi xuống một bên giường, nhường chỗ cho thái y bắt mạch.

Cả đêm hôm đó, Quang Thuận đế ở lại Dạ Tinh cung chăm sóc Di Nguyệt.

Có thể với thần dân ông là một đấng quân vương, là thiên tử đứng bên trên tất cả.

Có thể với chúng phi tần hậu cung và các công chúa, hoàng tử khác, ông là một người lạnh nhạt vô tình.

Nhưng đối với Di Nguyệt, ông là một người phụ thân ấm áp, chu đáo.

Giống như nói trên đời không có kẻ vô tâm, chỉ có kẻ mà tâm của hắn không đặt trên người ngươi.

Tâm của Quang Thuận đế vốn không đặt ở những công chúa, hoàng tử khác mà đặt ở chỗ Di Nguyệt.

.

.

.

Bởi vì chuyện Cửu công chúa rơi xuống nước mà trong cung lẫn ngoài cung được một phen xôn xao, có người vui kẻ sợ.

Người vui có lẽ là những người vẫn hằng mong Di Nguyệt gặp chuyện, hoặc những kẻ thích cười khi người khác gặp họa.

Chúng phi tần trong cung được chuyện bàn tán rôm rả cả một thời gian.

Vốn dĩ Ngũ công chúa Tống Tuệ Nhi cũng không hề gì, nhưng nàng lại chủ động quỳ xuống nhận tội.

Âu là do nàng dẫn Cửu nhi đi nhưng lại không chăm sóc kĩ.

Quang Thuận đế tuy có giận, song ông cũng hiểu và qua đó nhận ra Tuệ Nhi là người thấu tình đạt lý.

Thêm vào đó, Lý hoàng hậu và Di Nguyệt có thay nàng ấy nói đỡ vài lời, vậy là hình phạt của Ngũ công chúa là “phạt như không phạt”.

Nàng ấy phải chép hai bản kinh, đồng thời sang chăm sóc Di Nguyệt một thời gian.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như thế, đặc biệt là đối với kẻ trực tiếp dẫn đến tai họa.

Nàng ta là tiểu thư phủ một quan nhị phẩm, có thể nói cũng là lá ngọc cành vàng.

Thế nhưng, sau chuyện ấy, phụ thân nàng ta chỉ qua một đêm bị giáng làm quan cửu phẩm, cả gia đình lớn bé phải chuyển đến một vùng quê xa xôi hẻo lánh nào đấy, cả đời sợ là cũng khó có cơ hội quay lại kinh thành.

Còn bản thân nàng ta cũng bị phạt nặng, tuy không đến mức bị bắt phải rời xa phụ mẫu nhưng e là sau này khó có thể gả được, càng đừng nói là gả được vào gia đình có điều kiện.

À, vẫn còn một người liên quan đến chuyện này nữa.

Chính là Dương Hiểu Phong, người đã có công cứu giá..


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.