Không Sơn Điểu Ngữ

Chương 6: Công Lương Vô Khi




Xuân hạ chuyển giao, chính là thời khắc trăm hoa đua sắc, ve kêu râm ran.

Ngoại ô kinh đô Hàm Đan của Triệu quốc, một con tuấn mã màu đen phi nhanh như cưỡi gió, vó ngựa đến đâu, cỏ cây văng tung toé, bụi đất tung lên đến đó. Tiếng roi ngựa giòn giã vang trên con đường cổ kính dài hẹp, kinh động đến cả chim chóc ở tận nơi núi rừng.

Đến cổng thành, người trên ngựa xoay người nhảy xuống, hai binh sĩ cầm giáo tiến tới tra khám, người nọ vội vàng nhét vào tay tên lính hai nén vàng, chiếc nón trúc xanh thẫm che gần hết khuôn mặt hắn, chỉ thấy hắn cúi người khom lưng(*), luôn miệng nói cười. Hai binh sĩ nhìn nhau một cái, không hẹn mà cùng cười toe toét, sau đó giả vờ giả vịt như vỗ vỗ cái túi trên lưng ngựa, rồi mở hàng rào cho hắn vào thành.

(*)cúi đầu khom lưng: dịch nguyên văn "điểm đầu cáp nhục", chỉ bộ dáng khúm núm e dè.

Thành đô Hàm Đan của Triệu quốc có thể gọi là đô hội lớn trong cả thiên hạ. Nơi đây không chỉ đất đai rộng lớn, văn minh lâu đời, mà còn là nơi hưng thịnh có một không hai trong thiên hạ của múa Triệu. Bước vào trong thành là có thể thấy các phường múa lớn nhỏ, tiếng nhạc du dương trầm bổng nối tiếp nhau truyền tới, những cô gái dáng vẻ thướt tha vừa bước vừa nhảy trên cát mịn, đến ngay cả những đứa bé trên đường cũng bắt chước bước theo. Nhìn xung quanh, chỉ thấy một cảnh hoà thuận tốt lành.

Vậy nhưng người thúc ngựa quất roi kia dường như chẳng hề quan tâm tới tất cả những điều này, ngựa của hắn đi một mạch đến ngôi nhà tranh phía tây thành mà không nghỉ chân.

Hoa sen trong ao đã nở, năm ba con bướm vỗ cánh bay qua, khẽ chạm nhẹ lên những nhụy hoa phấn hồng, rồi lại nhanh chóng bay đi.

Cổng Vô Khi Thảo Đường vừa mới mở, một đám trẻ con tươi cười ríu rít đã chạy ra, chúng vẫn còn đang ở tuổi để chỏm(*), mặt đầy vẻ ngây thơ, tất cả đi một đôi giày cỏ, người mặc áo bố đã vá, trong tay đều cầm một tấm bảng gỗ khắc đầy chữ.

(*)tuổi để chỏm: từ 8 đến 13 tuổi. Ở Trung Quốc thời xưa, trẻ em trong độ tuổi này sẽ buộc nhiều chỏm tóc.

Phía sau lưng chúng, một ông lão tóc hoa râm tươi cười đi ra, vuốt râu dặn bọn trẻ đi đường cẩn thận kẻo ngã, bọn trẻ đều vẫy tay chào ông, rồi cười toe toét chạy đi.

Đôi mắt trũng sâu của ông lão tràn ngập vẻ trìu mến yêu thương, nếp nhăn trên khuôn mặt vì cười mà chợt rõ chợt mờ, thấy lũ trẻ đó đã đi xa, lão mới thu lại nụ cười, quay người đi vào trong nhà. Lúc ấy, tiếng vó ngựa dồn dập truyền tới, lão lập tức quay người lại nhìn, chỉ thấy một con tuấn mã màu đen đã dừng ở trước cổng, người trên lưng ngựa kia đội một chiếc nón trúc màu xanh thẫm.

Ông lão vừa trông thấy người nọ, trên khuôn mặt già nua đột nhiên ánh lên một tia kinh ngạc, đờ người trong giây lát, sau đó vội vàng bước lên phía trước, thay đổi nụ cười có vẻ yêu thương trìu mến đối với đám trẻ, nịnh nọt mà niềm nở cười nói: "Anh Ca(*) cô nương đại giá quang lâm, lão phu lại chẳng nghênh đón từ xa!"

(*)Anh Ca: "Anh" trong chim anh vũ, nghĩa là con vẹt.

Người trên ngựa bỏ nón trúc xuống, để lộ ra một khuôn mặt thanh tú, trắng nõn như tuyết, lung linh tinh xảo, hoá ra là một cô gái tóc dài buộc cao!

Anh Ca xoay người xuống ngựa, treo nón trúc lên lưng ngựa, khoé miệng nhỏ nhắn cong lên nói: "Công Lương tiên sinh, không cần phải khách khí, chúng ta là bằng hữu đã lâu mà."

Lão già gật gù liên tục: "Chí phải chí phải! Lão phu và Anh Ca cô nương đương nhiên là bằng hữu rồi! Chỉ là..." Ông lão nặng nề thở dài, lại ho khan mấy tiếng, dường như không chịu nổi khí lạnh ngoài nhà, "Công Lương Vô Khi ta đúng thật là già rồi vô dụng, thân thể suy nhược, đầu óc mù mờ, đến cả bao nhiêu ngày đã qua cũng không nhớ, Anh Ca cô nương gửi thư nói ba ngày nữa mới tới, ta cứ tưởng còn một ngày, không nghĩ rằng mới chớp mắt mà...cô nương đã tới."

Anh Ca nhìn bộ dạng tự trách của lão, trong lòng hừ lạnh một tiếng, lão già Công Lương Vô Khi này quả nhiên xảo trá giảo biện, ngoài mặt lão ăn năn hối lỗi, thực chất là đang phàn nàn mình đến sớm hơn thời gian ước định. Nếu như mình không phải là người mua lâu năm của lão, e rằng lúc này, trên khuôn mặt già nua keo kiệt kia ngay cả điệu cười hư tình giả ý như vậy cũng chẳng có.

Anh Ca gỡ một cái túi màu đen từ trên lưng ngựa xuống, lắc lắc trong tay, cười bảo: "Công Lương tiên sinh, ta là một thương nhân, thời gian quan trọng hơn bất kì điều gì, nếu ta đã đến sớm một ngày, thì đương nhiên số tiền đặt cọc cũng sẽ gấp đôi."

Công Lương Vô Khi nhìn chằm chằm vào chiếc túi trong tay Anh Ca, cái túi này quả thật to gấp đôi so với những cái mà nàng đã mang tới trước đây, khi lão định vươn tay ra cầm lấy, Anh Ca đã nhướng mắt, giơ chiếc túi lên đầu: "Toàn bộ tiền trong túi này là của ông, nhưng nếu như ông không thể cho ta đáp án mà ta muốn, thì một xu trong đây ông cũng không nhận được."

"Lão phu đã đáp ứng với cô nương thì chắc chắn sẽ làm được, có điều..." Công Lương Vô Khi thở dài một tiếng, trên mặt lộ ra vẻ khó xử.

"Sao thế? Chuyện này khó với ông lắm à?"

Công Lương Vô Khi quay đầu nhìn ra sau, giống như sợ có người nghe thấy cuộc nói chuyện giữa bọn họ. Vô Khi Thảo Đường được dựng ở phía tây thành Hàm Đan - nơi dấu chân thưa thớt, đơn sơ tồi tàn, thông thường có rất ít người tới, nhưng Công Lương Vô Khi vẫn cực kì cảnh giác, nhỏ giọng nói: "Anh Ca cô nương, chúng ta hãy vào trong nhà nói chuyện trước đã..."

Anh Ca cụp mắt xuống, gật đầu theo lão ta vào trong.

Vô Khi Thảo Đường là một ngôi trường tư thục đơn sơ, trong gian nhà tranh thấp bé này chỉ kê vài chiếc bàn cũ nát, trải một ít cỏ khô, bốn bức tường giăng đầy mạng nhện, xà nhà có vài chỗ dột chưa sửa, giống như bị một cơn bão ập xuống xối xả, thứ được sắp xếp gọn gàng nhất, cũng có giá trị nhất, chính là những thẻ tre đặt trên bàn đá kia. Vô Khi Thảo Đường không phải ai cũng biết, thường thì những người đến đây học tập đều là trẻ mồ côi được Công Lương Vô Khi nhận nuôi, là Công Lương Vô Khi đem chúng về ở cùng nhau. Những người quen biết Công Lương Vô Khi chỉ nghĩ rằng lão là một người tốt bụng thiện lương, lại chẳng ai biết được, lão đem những đứa trẻ đó về đây để làm một vài việc không ai hay.

Dưới phiến đá đặt thẻ tre trong nhà tranh là một mật đạo thông xuống mặt đất, chỉ cần phiến đá hơi xê dịch một chút là có thể mở được lối vào mật đạo.

Không ai biết rằng, dưới một túp lều tranh tồi tàn xập xệ này, lại là một nơi được bao phủ bởi đầy những vàng bạc châu báu và ngọc ngà trang sức.

Anh Ca chắp tay sau lưng đi quanh phòng, ngắm nghía vàng bạc châu báu bày biện khắp các kệ xung quanh, không khỏi cảm thán lão Công Lương Vô Khi này đúng là thần giữ của yêu tiền như mạng, đống tiền này đủ để cho hàng chục người ăn sung mặc sướng cả đời, nhưng rất nực cười là, Công Lương Vô Khi cứ khư khư một mình. Lão ta chồng chất kho báu ở nơi đây, dường như chỉ để thỏa mãn sở thích sưu tầm của bản thân. Anh Ca đã làm giao dịch với lão rất nhiều lần, nhưng không biết được lão dùng số tiền này cho việc gì.

Anh Ca ném túi vàng lên bàn, ánh vàng lập tức tỏa ra, Công Lương Vô Khi đứng đối diện, ánh mắt dán chặt vào trên đó không rời. Anh Ca lấy một nén vàng ra ngắm nghía trên tay, nói: "Công Lương tiên sinh đừng ngại nói thẳng, rốt cuộc làm việc kia có gì khó khăn?"

Nghe Anh Ca nói, Công Lương Vô Khi mới thu lại ánh mắt tham lam, đáp: "Tin tức cô nương muốn trước đây, bất kể là người hay vật, chỉ cần là trong lãnh thổ Triệu quốc, ta đều có thể nghe ngóng được. Nhưng lần này...thứ cô nương muốn tìm lại là Ngọc Bích họ Hòa được mệnh danh 'Ngọc Côn Luân', cái này..."

"Sao vậy? Không tìm được?"

"Ngọc Bích họ Hòa không phải là một bảo vật bình thường, quân chủ bảy nước không ai không muốn có được nó, nhưng rốt cuộc nó ở đâu vẫn là một câu đố chưa có lời giải..."

Anh Ca đặt nén vàng xuống, khẽ cười một tiếng: "Công Lương tiên sinh, chúng ta làm ăn lâu như vậy, thành ý là quan trọng nhất, ông không nhất thiết phải lừa ta chứ."

Công Lương Vô Khi ngạc nhiên: "Cô nương nói vậy là có ý gì?"

Anh Ca ném vàng vào trong túi, bước tới gần lão nói: "Mọi người đều biết, Ngọc Bích họ Hòa được tìm thấy ở Sở quốc nhiều năm về trước và luôn được lưu giữ ở đó, nhưng về sau vì một số nguyên nhân, Ngọc Bích họ Hòa lại lưu truyền tới Triệu quốc các người. Tần Chiêu Tương Vương thèm muốn viên bảo ngọc này, liền dùng mười lăm tòa thành để trao đổi, nhưng Triệu Huệ Văn Vương của các người không đồng ý lắm, bèn dựng lên màn kịch hay Lận Tương Như 'Trả ngọc về Triệu', kể từ đó, Ngọc Bích họ Hòa vẫn luôn ở Triệu quốc... Công Lương tiên sinh, ta nói đúng chứ?"

Công Lương Vô Khi nhăn mày gật đầu, giống như không hề bác bỏ lời Anh Ca nói, nhưng lại lắc đầu thở dài: "Cô nương chỉ biết một mà không biết hai, mặc dù cuối cùng Ngọc Bích họ Hòa rơi vào tay Triệu quốc, nhưng trong thời kì này, các nước đã nhiều lần cử cao thủ tới Hàm Đan đánh cắp. Triệu Vương rất tức giận, hạ lệnh đem giấu Ngọc Bích họ Hòa đi, nhưng rốt cuộc giấu ở đâu, sau cùng có bị trộm đi hay không, thì chẳng ai biết được. Lão phu ở Triệu quốc mấy năm nay chưa từng nghe được tin tức gì về Ngọc Bích họ Hòa..."

"Ngay cả Công Lương tiên sinh cũng không biết?" Anh Ca khẽ cau mày.

"Ngọc Bích họ Hòa đã mất tích mấy chục năm, muốn tìm ra nó quả thực không phải việc dễ dàng."

Anh Ca chống cằm trầm ngâm suy nghĩ, Công Lương Vô Khi nhiều năm qua đã ngầm dệt nên mạng lưới tin tức dày đặc như vậy, nếu lão bảo không tìm được, thì có lẽ cũng thật sự không có thông tin gì. Nhưng lúc này, Anh Ca không hoàn toàn tin vào những gì Công Lương Vô Khi nói, bởi lẽ bản thân trước kia đều mua tin tức về người và vật từ lão, rất bình thường, có điều lần này lại là Ngọc Bích họ Hòa, mà lão già thích sưu tầm vàng bạc châu báu này, nói không chừng đã thám thính được tung tích của Ngọc Bích họ Hòa, nhưng không báo lại?

"Công Lương tiên sinh, ta biết ông thích bảo vật quý báu, nhưng nếu như ông muốn làm Triệu Huệ Văn Vương, vậy ta cũng sẵn lòng làm Tần Chiêu Tương Vương, dùng nhiều tiền hơn để trao đổi với ông!" Anh Ca nhướng mày cười khẩy, mắt lóe lên tia lạnh.

Công Lương Vô Khi tuy đã già, nhưng đầu óc vẫn vô cùng minh mẫn, thậm chí còn hiểu được ý tứ trong lời Anh Ca nói, xua xua tay nói: "Cô nương nói gì thế! Công Lương Vô Khi ta dù yêu tiền, nhưng tuyệt sẽ không lừa dối trong mua bán, ta làm việc buôn bán nhiều năm như vậy, nếu mà không có uy tín đáng tin, chỉ sợ đã không sống nổi đến ngày nay rồi!" Nói xong bất đắc dĩ lắc đầu, đôi môi nhăn nhúm thở dài bảo: "Chẳng giấu gì cô nương, ta ở Triệu quốc nhiều năm như vậy, thật sự chưa từng nghe ai nhắc tới viên Ngọc Bích họ Hòa này, nhưng hôm cô nương gửi tin tới, ta đã sai người ra ngoài dò la rồi, chỉ là bây giờ vẫn chưa nhận được tin tức chính xác."

"Được!" Anh Ca vươn tay kéo cái túi tới trước mặt mình, lòng bàn tay ấn chặt số vàng bên trong: "Lần này ta đến sớm một ngày, Công Lương tiên sinh không thể cho ta tin tức, ta không trách ông. Vậy ta sẽ cho ông thêm một ngày, đêm mai ta sẽ lại đến đây, hy vọng tiên sinh sẽ có thể cho ta câu trả lời." Nói đoạn Anh Ca đẩy vàng tới trước mặt Công Lương Vô Khi, tiếp tục nói: "Số tiền đặt cọc này bây giờ là của ông hết, sau khi xong việc sẽ còn có một khoản khác."

Công Lương Vô Khi lấy hai tay ôm chặt chiếc túi vàng, đôi mắt đều bị ánh vàng chiếu sáng: "Anh Ca cô nương yên tâm, lão phu chắc chắn sẽ cố hết sức tìm kiếm! Cố hết sức tìm kiếm!"

Vừa nói lão vừa ôm chiếc túi rảo bước tới trược một cái rương lớn, trong rương vàng đã chất đầy một nửa, lão cười lớn rồi đổ vàng vào, bịch bịch bịch! Tiếng va chạm vang lên lanh canh, chớp mắt vàng đã chất thành một ngọn núi nhỏ.

Anh Ca nhìn dáng vẻ tham lam của lão, nụ cười trên mặt nhạt đi, thầm nghĩ lão già này tốt nhất là hãy đưa cho nàng tin tức đầu đuôi gốc ngọn(*) như trước kia, nếu mảy may có chút ẩn tình gì... Ánh mắt Anh Ca ánh lên một tia lạnh lẽo, tay phải buông thõng chậm rãi di chuyển ra sau người, năm ngón tay nắm lại, trong tay áo léo lên một tia lạnh sắc bén.

(*) đầu đuôi gốc ngọn: nguyên văn "nhất ngũ nhất thập", dịch sát nghĩa là "một năm một mười", ý chỉ sự chi tiết, kĩ lưỡng.

Anh Ca chắp tay cáo biệt, Công Lương Vô Khi chợt kêu nàng dừng lại, khuôn mặt đầy nếp nhăn nở ra một nụ cười giả tạo nói: "Anh Ca cô nương, cho lão phu nhiều lời hỏi một câu, một thứ như Ngọc Bích họ Hòa, lại biến mất bao năm, sao đột nhiên cô nương lại muốn tìm nó?"

Anh Ca hơi nheo mắt, trong lòng cảnh giác, hừ lạnh: "Hình như tiên sinh đã quên, ngày đầu tiên ta làm ăn với ông đã nói, ta chỉ cần lo trả tiền, ông chỉ cần lo bán tin tức cho ta, còn lại đừng hỏi thêm gì khác."

Công Lương Vô Khi thấy mắt nàng hiện lên vẻ không vui, vội vàng gật đầu nói: "Phải phải phải! Vậy lão phu không hỏi nữa, không hỏi nữa! Anh Ca cô nương đi cẩn thận!"

Nói đoạn lão bước tới cửa mật đạo, kích hoạt cơ quan rồi tiễn Anh Ca ra ngoài.

Ra khỏi Vô Khi Thảo Đường, Anh Ca định dắt ngựa đi, nhưng lại thấy một cậu bé ăn mặc rách rưới đang ngồi trên cỏ, cúi đầu nghịch thứ gì đó.

Anh Ca bước tới, nhìn kĩ đứa trẻ, đầu tóc nó bù xù rất bẩn, khuôn mặt cũng lấm lem, nhưng lại chỉ có mặt trái, khuôn mặt bên phải của nó, lại là mảng sẹo lớn đỏ rực.

"Hổ Oa?" Anh Ca hơi ngạc nhiên.

Đứa bé tên Hổ Oa vừa nghe thấy tiếng nàng, lập tức quay đầu lại, khuôn mặt xấu xí nở ra nụ cười rạng rỡ: "Anh Ca tỷ tỷ! Quả nhiên là tỷ!" Hổ Oa nhảy cẫng lên khỏi mặt đất, chạy tới bên nàng nói: "Anh Ca tỷ tỷ, đệ vừa nhìn con ngựa này đã biết ngay là tỷ đến, đệ đoán đúng rồi! Tỷ tỷ, lâu lắm tỷ không đến rồi, lại muốn lên ngựa đi luôn ư?"

Anh Ca nhìn khuôn mặt cười tươi ngây thơ vô tội của thằng bé, nhìn mảng sẹo rớm máu bên mặt phải của nó, trong lòng nhất thời không chịu được, ngồi xổm xuống xoa đầu nó: "Hổ Oa ngoan, tạm thời tỷ tỷ sẽ không đi."

"Là thật ư! Tốt quá rồi! Vậy là đệ có thể đưa thứ này cho tỷ rồi!" Nói xong Hổ Oa đưa hai tay lên, tay nó thô ráp đen sạm, không giống bàn tay trắng trẻo một đứa trẻ nên có, mà giống một người lao động khuân vác. Lòng bàn tay nó chỉ có một con vẹt gỗ, mỏ vẹt vừa bé vừa nhọn, hai cánh dang rộng ra ngoài, nhưng chỉ có cánh bên trái được khắc hoa văn. Trong tay thằng bé còn cầm một con dao nhỏ, một bên lưỡi dao dính đầy vụn gỗ, hóa ra ban nãy nó ngồi trên đất để khắc con vẹt gỗ này.

Anh Ca khẽ bật cười, vươn tay cầm con vẹt gỗ lên: "Vật này là tặng cho ta à?"

Hổ Oa cười tinh nghịch, lấy tay giấu con vẹt ra sau lưng: "Hì hì! Bây giờ chưa tặng được, vẫn chưa khắc xong đâu! Đợi đệ khắc xong sẽ đưa cho tỷ! Đây là món quà Hổ Oa chuẩn bị cho tỷ đó!"

Anh Ca véo nhéo mũi Hổ Oa: "Được được được! Đệ khắc xong thì đưa cho tỷ! Nhưng mà ấy, sao Hổ Oa lại muốn tặng vật này cho tỷ thế?"

Hổ Oa cúi đầu, ánh mắt dường như trở nên hơi buồn, vểnh môi nói: "Bởi vì...bởi vì người khác đều không chơi với đệ, bọn họ chê ta xấu, toàn tránh xa đệ, chỉ khi nào Anh Ca tỷ tỷ tới mới cùng đệ nói chuyện, cùng đệ chơi..."

Nghe nó nói chuyện nhỏ nhẹ lí nhí, mũi Anh Ca chợt cay, nước mắt không kìm được mà trào lên quanh hốc mắt. Nàng nhớ lại lần đầu tới Vô Khi Thảo Đường, một đám trẻ con đang chơi đùa trên bãi cỏ, chỉ có đứa bé này lẻ loi ngồi bên ao, lặng lẽ đếm cá chép. Công Lương Vô Khi bảo nàng, đứa bé đó tên Hổ Oa, trong nhà nó vừa xảy ra đám cháy lớn, cha mẹ vùi thây trong biển lửa, mặt phải của nó bị bỏng, nếu Công Lương Vô Khi không mang nó về Thảo Đường, có khi đã không thoát nổi cái chết.

Anh Ca từng cho rằng Hổ Oa vì cảnh ngộ bất hạnh cộng thêm khuôn mặt không giống người thường của mình nên mới cực kì khép kín, không giống đứa trẻ thích tiếp xúc với người khác, nhưng khi nàng bắt chuyện với nó, nó lại cười với nàng, bất luận nàng nói gì, thằng bé đều rất thích nghe.

Từ đó, mỗi lần Anh Ca đến Vô Khi Thảo Đường, đứa bé này đều sẽ chạy tới bên nàng mỗi khi nàng rảnh rỗi, Anh Ca cũng sẽ vui vẻ nói cười trò chuyện với nó, không chỉ vì thương cảm thay cảnh ngộ của nó, mà còn vì nàng đã nhìn thấy hình bóng mình năm xưa trên người đứa bé. Năm xưa, tại chốn tối tăm khủng bố ấy, bản thân nàng cũng từng nhỏ yếu, từng cô đơn, ngày ngày sống trong máu tanh và sợ hãi như Hổ Oa, nếu không vì người ấy, có lẽ cả đời nàng cũng không thể thoát khỏi bóng đen đáng sợ kia.

Người ấy trầm tĩnh dũng cảm, khóe mắt tô hoa văn đặc biệt đậm, từng lời nói tiếng cười của y Anh Ca đều ghi trong lòng, chỉ là, đã lâu lắm nàng chưa gặp lại hắn rồi.

Anh Ca nở nụ cười dịu dàng với Hổ Oa, nói: "Bây giờ tỷ tỷ đến đây, Hổ Oa sẽ không cô đơn nữa, nhưng mà ấy, ngày mai tỷ sẽ đi, đệ phải khắc xong chú vẹt này trước đêm mai đấy!"

Nghe Anh Ca nói, đôi mắt buồn rầu của Hổ Oa đột nhiên sáng lên, cười nói: "Được! Trước đêm mai nhất định đệ sẽ khắc xong!" Nói rồi chợt nhớ ra điều gì, nó lấy trong áo ra một tấm bảng gỗ đưa cho Anh Ca: "Đây là Công Lương tiên sinh dạy bọn đệ hôm nay, hôm nay Anh Ca tỷ tỷ đến, giống như là có ý nghĩa ấy!"

Anh Ca nhìn qua tấm bảng gỗ, trên khắc mấy chữ xiêu xiêu vẹo vẹo — "Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ"(*).

(*)Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ: một câu luận ngữ của Khổng Tử, tạm dịch là "Có bạn từ phương xa tới, sao mà không vui cho được."

Ánh mắt Anh Ca đột nhiên cứng đờ, giọt lệ trong hốc mắt ban nãy cuối cùng cũng trào ra. Đứa bé này tuy không có khuôn mặt khiến người ta yêu thích như thế, nhưng tấm lòng nó còn sáng chói hơn mặt trời, chỉ là một người chẳng mấy khi gặp mặt, lại có thể xem nàng như bạn bè, vì nàng mà chuẩn bị quà. Thằng bé đơn thuần như thế, ngây thơ đến vậy, nhưng lại bị Công Lương Vô Khi lợi dụng, không phân rõ trắng đen. Nó cũng giống như những đứa trẻ khác, ở trường tư thục Vô Khi Thảo Đường này học theo lời dạy của Khổng Tử Mạnh Tử, nhưng tất cả đều là lớp ngụy trang mà Công Lương Vô Khi sắp đặt cho chúng, khi người khác không biết, chúng thâm nhập vào mọi ngóc ngách của Hàm Đan, làm những chuyện chẳng hề vẻ vang.

Thế nhưng, đối với một đứa trẻ như vậy, Anh Ca cũng bất lực, bởi vì bản thân cũng giống chúng nó, bị kẻ khác sai khiến, bán mạng cho người ta, mãi mãi không có ngày nào được tự mình làm chủ. Đây chính là số phận chẳng cách nào đổi thay của họ.

Anh Ca lau đi giọt lệ nơi khóe mắt, kéo tay Hổ Oa lên, nhẹ nhàng ôm nó vào lòng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.