Không Là Bè Bạn Bình Thường

Chương 8




Từ nhỏ tới lớn Chu Chức Trừng là cô bé ngoan được hàng xóm khen ngợi, xinh xắn, học giỏi, ngoan ngoãn, hiếu thảo.

Hầu hết trẻ em ở thị trấn nhỏ, ở nông thôn đều nổi loạn vào thời gian học cấp 2, cô thì không. Cô bình thản nhìn bạn bè cùng lớp nhuộm tóc đủ màu, uốn dựng như gà tây, chụp ảnh ngửa đầu 45 độ đầy bi thương, nước mắt rơi từ khóe mắt được che bởi cái mái dày. Khi đó cô vẫn là cô nữ sinh ngoan ngoãn mặc đồng phục, cột tóc đuôi ngựa cao cao, thành tích xuất sắc, từ thị trấn nhỏ xa xôi mà đậu điểm rất cao vào trường trung học số 1 thành phố.

Lúc này, thời kỳ phản nghịch nhạy cảm của cô mới khoan thai đến muộn.

Năm đầu trung học, học quân sự, bạn bè ngồi tán gẫu, hầu hết mọi người đều đến từ trường cấp 2 công lập hoặc trường dân lập trọng điểm trong nội thành, cũng quen biết lẫn nhau, Chu Chức Trừng như một người ngoại lai cô độc xâm nhập từ thị trấn nhỏ vào đây. Chỉ tiêu trường Nhất trung chỉ lấy 600 người, trường trung học cơ sở huyện lần này chỉ có cô và Khương Lê đậu.

“Cậu có thể từ một trường cấp 2 kém vậy thi đậu vào đây hẳn đã phải rất cố gắng, rất vất vả nhỉ? Buổi tối chắc phải học đến 2-3 giờ.” Một bạn học nói với cô, “Gần nửa lớp chúng tôi thi đậu nên chúng tôi đều không chăm chỉ lắm.”

Chu Chức Trừng ngơ ngác nghĩ, không có, cô cũng không chăm như vậy.

“Cậu từ nhỏ đã ở cùng với ông bà à? Vậy cậu là “đứa trẻ bị bỏ lại”, vậy cậu thật sự rất hiểu chuyện, rất chất phác, ba mẹ cậu đã không quan tâm mà cậu vẫn có thể tự học hành, tốt thật.” (Chú thích: Đứa trẻ bị bỏ lại là thuật ngữ chỉ những đứa trẻ vẫn ở lại các vùng nông thôn của đất nước trong khi bố mẹ các em đi làm ở thành thị. Trong nhiều trường hợp, những đứa trẻ này được chăm sóc bởi đại gia đình, thường là ông bà hoặc bạn bè của gia đình, những người vẫn ở vùng nông thôn. Theo Báo cáo thường niên của UNICEF năm 2018, có khoảng 69 triệu trẻ em Trung Quốc bị cha/mẹ bỏ lại phía sau do di cư, tương đương với 30% trẻ em ở khu vực nông thôn.)

Chu Chức Trừng càng bối rối hơn, không có, ba mẹ không bỏ mặc cô.

“Nghe nói huyện của các cậu rất lạc hậu, vậy cậu ở lại trường, đồ ăn ở nhà ăn không ngon. Ở nông thôn trọng nam khinh nữ, tôi còn nghe nói họ bắt con gái nghỉ học sớm để lấy chồng.”

Chu Chức Trừng không biết phải nói gì.

Lòng tự trọng mẫn cảm tuổi dậy thì của thiếu nữ khiến cô không thể nào chấp nhận được sự thương hại không thể hiểu nổi của mọi người với danh nghĩa thông cảm kia.

Trước kia cô cảm thấy mình hạnh phúc, tuy là “đứa trẻ bị bỏ lại” nhưng ôn mệ hết mực yêu thương cô, ba mẹ cũng rất yêu cô, lên cấp 3, tự dưng cô lại thành kẻ đáng thương trong mắt dân thành phố.

Chu Chức Trừng cũng nhanh chóng nhận ra sự chênh lệch về nguồn lực giáo dục giữa nội thành và huyện lị. Trong kỳ thi tháng đầu tiên, cô không còn dẫn đầu mà ngược lại, tuột hạng xuống cuối lớp.

Sau kỳ thi tháng có buổi họp phụ huynh, cô nghĩ đến việc ôn mệ tuổi cao, sức khỏe kém, không cần thiết phải ngồi xe buýt cả tiếng đồng hồ rồi lại chuyển qua xe buýt nội thành chỉ để đến xem thành tích kém cỏi của cô.

Nhưng cô không ngờ, cô là người duy nhất trong lớp không có phụ huynh tham dự họp.

“Gia đình em sao lại mặc kệ em thế này?”

“Hình như người lớn trong nhà không quan tâm đ ến việc học hành của con cháu.”

“Chức Trừng, trình độ giảng dạy ở trường cấp 2 của em tương đối lạc hậu, không có điều kiện làm thực hành hóa học, vật lý, sách lịch sử cũng ít, vì vậy mấy môn này điểm của em tương đối kém. Nhưng không sao, cứ bình tĩnh, lần sau chúng ta lại tiếp tục.” Giáo viên chủ nhiệm tận tình khuyên bảo.

Ngay cả mẹ của bạn cùng bàn cũng nhìn cô bằng ánh mắt thương hại: “Đứa bé này quá hiểu chuyện, người nhà thật vô trách nhiệm, phụ huynh không ai đến.” Sau đó lại mắng bạn cùng bàn cô, “Nhìn con đi, mẹ vẫn còn theo ngồi học cùng con, mỗi ngày lái xe đưa đón, vậy mà con thi còn kém hơn Trừng Trừng. Mẹ con bé không có văn hóa thì con bé thi vậy không có gì ngạc nhiên, nhưng mẹ con là sinh viên đấy.”

Chu Chức Trừng biết có thể họ không có ác ý, nhưng lời này khiến cô khó chịu. Cô không khỏi trách mình quá nhạy cảm.

Khi cô được nghỉ quay về thị trấn, hàng xóm đều biết cô vào Nhất trung thì học không tốt.

“Nếu ‘Phượng hoàng vàng không bay ra khỏi khe núi’*, Thái Mai sẽ không kiêu ngạo được.” (Chú thích: Câu Phượng hoàng vàng bay khỏi khe núi là chỉ những người xuất thân từ miền núi, nông thôn có được thành công/thành tích/thành tựu, nổi tiếng.)

“Tôi đã nói rồi mà, con gái thông minh sớm nên có giỏi cũng chỉ giỏi thời tiểu học, cấp 2, lên cấp 3 là con gái theo không kịp. Anh của Trừng Trừng thi đậu đến Bắc thành, con trai vẫn giỏi hơn, bản lĩnh.”

“Không sao, con bé không học thì gả chồng sớm chút, con gái là con nhà người ta, học nhiều vậy cũng làm được gì, chỉ có lão Chu ngốc mới nâng niu cháu gái như tròng mắt vậy thôi.”

Chu Quốc Hoa ngày thường đối đãi mọi người ôn hòa, không thích cãi cọ, nghe thấy vậy thì tóm lấy chổi lông gà đánh người, hiếm khi ông giận đỏ mặt, mắng: “Nói hươu nói vượn cái gì hả? Cháu gái tôi là của nhà tôi chứ cái gì mà nhà người ta! Cút ra ngoài!”

Người kia trước khi đi còn nói vọng lại: “Tôi nói thật, có cháu trai thì ông mới có thể thật sự làm ông, cũng may còn đứa cháu trai chứ không là đoạn tử tuyệt tôn.”

Chu Chức Trừng thật sự rất buồn, lần đầu tiên cô nhận ra trong mắt một số người, từ giới tính đến khả năng của cô đều là tội lỗi.

Cha mẹ Khương Lê mâu thuẫn, cha cô ấy nghiện rượu, thường đánh đập vợ con, mẹ cô cảm thấy chỉ có con trai mới bảo vệ được mình, không quan tâm con gái. Sau khi cô lên cấp 3 thì tuy thành tích vẫn tốt như cũ nhưng thường xuyên chơi bời cùng mấy cô gái hư trên thị trấn. Từ sau lần thi tháng đó, Chu Chức Trừng cũng bắt đầu gia nhập với họ.

Mấy cô bé có điểm chung, cô độc, không được thấu hiểu, muốn được chú ý. Tụ tập cùng nhau cũng không làm chuyện gì hại người hại mình quá đáng, chỉ trang điểm quá lố, mặc quần áo gợi cảm trưởng thành hơn độ tuổi, nhuộm tóc đủ màu, làm móng tay theo phong cách Gothic, thỉnh thoảng trốn học, lang thang trên đường, chơi game trong tiệm net, hoặc ngồi trước cửa tiệm net nhìn những thiếu niên xách vũ khí kéo bè kéo lũ đánh nhau.

Điểm số Chu Chức Trừng tuột dốc không phanh.

Đến tận kỳ nghỉ hè đó, anh trai tốt nghiệp đại học dẫn về một người bạn trường bên, một chàng trai trẻ giản dị, sạch sẽ.

Hai người lần đầu gặp nhau, dù có tỏ ra bình tĩnh đến đâu thì cô cũng không thể giấu được sự rung động trong lòng.

Giang Hướng Hoài khác với những thiếu niên cô từng gặp, anh tuấn trong sáng, đường nét gương mặt sắc nét, đôi mắt đen láy mỉm cười nhìn cô sẽ khiến người ta có ảo tưởng rằng trong mắt anh chỉ có mình cô.

Anh trai nói, anh ấy xuất thân trong gia đình giàu có, học hành xuất sắc, tốt nghiệp xong không có việc gì làm nên đến thị trấn giải sầu.

Chu Chức Trừng không biết miêu tả tính cách anh như thế nào, dường như anh thờ ơ với mọi thứ, bất kể cô làm hay không làm gì, anh đều giữ thái độ như vậy, cách biệt với người khác một lớp sương mù, từ chối người khác đến gần. Anh đeo một chiếc mặt nạ thật dày, che giấu con người thật của mình.

Cô nghĩ đến Belikov*, người giấu mình thật sâu trong bao, trốn tránh khỏi hiện thực. (Chú thích: Belikov là nhân vật trong truyện Người trong bao (Tiếng Nga: Человек в футляре) là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà vănngười NgaAnton Chekhov được sáng tác vào năm 1898. Với tác phẩm Người trong bao, Chekhov đã phê phán lối sống hèn nhát, bạc nhược, bảo thủ và ích kỉ của một bộ phận trí thức Nga cuối thế kỉ XIX. Từ đó nhà văn cũng muốn thức tỉnh mọi người: “Không thể sống mãi như thế được”.

Belikov là một giáo viên dạy tiếng Hy Lạp. Đây là một con người kỳ lạ. Dù thời tiết có như thế nào, Belikov đều “đi giàycao su, cầm ô và nhất thiết là mặc áo bành tô ấm cốt bông“. Mọi vật dụng của Belikov cũng được để trong bao. Hầu như không ai có thể nhìn thấy mặt ông ta vì lúc nào ông ta cũng “đeo kính râm, mặc áo bông chần, lỗ tai nhét bông, và khi ngồi xe ngựa thì bao giờ cũng cho kéo mui lên”. Belikov cũng khá kín đáo vì “cả ý nghĩ của mình, Belikov cũng cố giấu vào bao”. Cả buồng ngủ của ông giáo viên này cũng ngột ngạt vì kín như hộp. Lúc nào, ông ta cũng trùm chăn kín đầu. Câu nói quen thuộc của ông ta đó là: “Nhỡ xảy ra chuyện gì thì sao?”. Sống với một con người như thế, ai cũng phải sợ, vì mỗi khi làm việc gì, việc đó lại gây phiền cho con người kỳ lạ đó.)

Lúc ấy Giang Hướng Hoài nghe anh trai cô nói đến bắt cô về, thấy cô không để ý đến mình anh cũng chỉ cười.

Tiệm net khói thuốc lượn lờ, ánh sáng lờ mờ, không khí ngột ngạt, cô không thể đánh thắng con boss lớn trong game kia càng bực mình, mím môi chỉ muốn chiến đấu với game kia.

“Anh giúp em.”

Tai cô căng cứng, không biết Giang Hướng Hoài đã đi đến sau lưng cô từ lúc nào, khom người nói khẽ vào tai cô.

Cô quay đầu lại theo bản năng, lọt vào tầm mắt cô là đường quai hàm sắc bén mịn màng, trái khế trên cổ anh nhô lên, xương quai xanh rõ nét, khoảng cách giữa hai người gần đến mức cô có thể thấy được bên phải cổ anh có một nốt ruồi nho nhỏ.

Bàn tay cầm chuột của cô vô tình chạm vào những ngón tay thon dài mát lạnh của anh, bàn tay còn lại của anh vòng sau lưng cô đến bàn phím, cô bị giữ trong lòng anh rất thân mật.

Chu Chức Trừng đứng bật dậy như điện giật, tim đập rất nhanh, đẩy Giang Hướng Hoài ra, lạnh lùng nói: “Tránh ra, tôi phải đi về.”

Cô nói xong không thèm quay đầu rời đi, vành tai không khống chế được đỏ lên, nóng bừng làm cô càng bực bội, người chết tiệt phía sau không biết mà còn cười nói gì đó với cô.

Nói cái gì, cô không nghe được câu nào.

Sau này cô mới biết, anh nói, tài khoản game của cô chưa đăng xuất. Anh không lạ lẫm, cô đi thì anh không lãng phí, dùng trang bị cô mua, chơi tài khoản cô đã trả tiền, chơi hết các phó bản game.

Mà anh trai cô còn không biết xấu hổ khen anh: “Được đấy người anh em, mày ra tay thì em gái tao tự đi khỏi quán net.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.