TÔI KIỂM TRA TẤT CẢ CÁC BỨC ẢNH LƯU NIỆM, rất cẩn thận. Trong tất cả các bức ảnh này đều có gã từng đi tàu điện ngầm. Các góc khác nhau, năm khác nhau, chiến thắng khác nhau, nhưng dứt khoát vẫn là tay đó, gần như ngay bên tay phải Sansom. Rồi một nhân viên phục vụ Quốc hội vội vã đi vào phòng và hai phút sau tôi đã trở lại vỉa hè đại lộ Độc lập. Mười bốn phút tiếp nữa tôi trong nhà ga xe lửa, chờ bắt chuyến tàu tiếp theo trở lại New York. Năm mươi tám phút sau đó tôi đã trên tàu, ngồi thảnh thơi, vừa rời thành phố vừa ngắm những sân ga ảm đạm qua cửa sổ. Xa bên trái tôi, một nhóm đàn ông đội mũ cứng màu đỏ áo khoác màu cam rất bắt mắt đang xử lý một đoạn đường sắt. Trong sương dày, áo của họ ánh lên. Hẳn là chất liệu làm áo phải có những hạt thủy tinh phản quang rất nhỏ pha với nhựa. Đảm bảo an toàn, nhờ hóa học. Các bộ áo còn hơn cả bắt mắt. Chúng thu hút sự chú ý. Chúng thu hút ánh mắt. Tôi xem cánh thợ làm việc cho tới khi họ chỉ còn là những chấm nhỏ màu cam phía xa, và tận tới lúc họ hoàn toàn khuất tầm mắt, khi này tàu chạy thêm hơn một dặm nữa. Đến thời điểm ấy, tôi đã có mọi thứ mình định tìm kiếm. Tôi đã biết mọi điều tôi từng nghĩ sẽ biết. Nhưng tôi lại không biết rằng mình đã biết. Lúc ấy thì chưa.
Tàu chạy vào ga Penn và tôi dùng bữa tối muộn ở đúng chỗ đối diện nơi tôi đã ăn sáng. Rồi tôi đi bộ tới Đồn Cảnh sát Khu vực 14 trên phố 35 Tây. Ca đêm đã bắt đầu. Theresa Lee và đồng sự Docherty của cô đã có mặt ở đó. Phòng họp yên tĩnh, như thể toàn bộ không khí ở đó đã bị hút ra. Như thể đã có tin xấu. Nhưng chẳng có ai chạy quanh. Vì vậy tin xấu đã xảy ra ở một nơi khác.
Nhân viên lễ tân ngồi ở lối vào khu bàn làm việc từng trông thấy tôi. Cô ta quay chiếc ghế xoay và liếc Lee, Lee làm vẻ mặt như thể nói chuyện với tôi lần nữa hay không thì cô cũng chẳng chết được. Thế nên cô tiếp tân quay lại tỏ rõ vẻ mặt mình, như thể lựa chọn ở hay đi hoàn toàn là lựa chọn của tôi. Tôi mở lối vào làm bản lề kêu rít lên, rồi lướt qua những chiếc bàn về phía cuối phòng. Docherty đang gọi điện, chủ yếu là nghe. Lee chỉ ngồi đó, chẳng làm gì. Lúc tôi tới, cô ngước lên nói, “Tôi không có hứng đâu.”
“Về chuyện gì?”
“Susan Mark,” cô nói.
“Có tin gì không?”
“Không gì hết.”
“Không có gì thêm về thằng bé à?”
“Ông đã đúng khi lo ngại về thằng bé đó.”
“Còn cô thì không?”
“Thậm chí một chút cũng không.”
“Hồ sơ vẫn đóng sao?”
“Còn chặt hơn ghim ấy chứ.”
“Được thôi,” tôi nói.
Lee ngừng một chút, thở dài nói, “Ông đã có được gì?”
“Tôi biết hành khách thứ năm là ai.”
“Chỉ có bốn hành khách thôi.”
“Và trái đất phẳng còn mặt trăng làm bằng pho mát.”
“Có phải kẻ bị coi là hành khách thứ năm này đã phạm một tội ở nơi nào đó giữa phố 30 và phố 45 không?”
“Không,” tôi đáp.
“Vậy thì hồ sơ vẫn sẽ đóng.”
Docherty bỏ điện thoại xuống và liếc đồng sự với vẻ mặt hùng hồn. Tôi biết cái nhìn đó có ý nghĩa gì. Tôi đã làm cảnh sát trên dưới mười ba năm và trước đây đã thấy cái nhìn đó nhiều lần. Nghĩa là một người khác đã túm được một vụ lớn, rằng Docherty cơ bản thấy vui vì anh ta không liên quan, nhưng lại cũng hơi nuối tiếc, bởi cho dù việc tham gia vào tâm điểm hành động là vô cùng khó chịu dù chỉ xét về mặt giấy tờ báo cáo không thôi, song có lẽ vẫn tốt hơn rất nhiều so với việc chầu rìa theo dõi.
Tôi hỏi, “Có chuyện gì thế?”
Lee nói, “Án mạng nhiều nạn nhân ở phố 17. Một vụ kinh khủng. Bốn gã dưới đường cao tốc FDR, bị đánh và giết chết.”
“Bằng búa,” Docherty pha thêm.
Tôi nói, “Búa à?”
“Dụng cụ làm mộc. Lấy từ cửa hàng Home Depot trên phố 23. Vừa mới mua. Chúng được phát hiện ở ngay hiện trường. Trên đó vẫn còn nhãn ghi giá, nhuốm đầy máu.”
Tôi hỏi, “Bốn tay kia là ai?”
“Chẳng ai biết,” Docherty nói. “Có lẽ đó là mục đích của việc dùng búa. Mặt họ nát hết, răng rơi cả ra, các đầu ngón tay hỏng sạch.”
“Già hay trẻ, da đen hay da trắng?”
“Da trắng,” Docherty đáp. “Không già. Mặc com lê. Chẳng có gì thêm, ngoài việc trong túi có danh thiếp giả, với tên của một công ty chẳng đăng ký ở nơi nào tại bang New York, và một số điện thoại lúc nào cũng không có kết nối bởi nó thuộc về một công ty làm phim.”