THẾ GIỚI Ở ĐÂU CŨNG LÀ CẢ MỘT KHU RỪNG NHIỆT ĐỚI, nhưng New York là nơi tụ hội những điểm đặc trưng nhất của nó. Thứ gì có ích ở nơi khác thì có tầm quan trọng sống còn ở một thành phố lớn. Ta trông thấy bốn gã đàn ông tập trung ở một góc phố đợi mình, hoặc ta chẳng hề do dự chạy như ma đuổi theo hướng ngược lại, hoặc ta tiếp tục bước đi mà chẳng hề tăng hay giảm tốc hay thay đổi sải chân. Ta nhìn về phía trước với vẻ bình thản được tính toán kỹ, ta dò xét nét mặt của họ, ta nhìn đi nơi khác, cứ như thể ta đang nói các anh chỉ có thế này thôi hả?
Sự thật thì, chạy là lựa chọn khôn ngoan hơn. Trận đánh thắng lợi nhất là trận ta không phải tham gia. Nhưng tôi chưa bao giờ tự coi mình là kẻ khôn ngoan. Chỉ cứng đầu, và đôi khi nóng nảy. Một số kẻ đá chó đuổi mèo. Tôi thì tiếp tục bước.
Các bộ com lê đều có màu tím than và trông có vẻ xuất phát từ một loại cửa hiệu gắn biển mang một cái tên nước ngoài. Đám đàn ông trong những bộ trang phục này trông có vẻ giỏi giang. Như các NCO[19]. Am tường mọi đường đi nước bước trên thế giới, tự hào về khả năng hoàn thành công việc. Chắc chắn đám này từng là người của quân đội, hoặc từng là nhân viên thi hành pháp luật, hoặc cả hai. Đây là loại người đã tiến thêm một bước trên bảng lương và bước xa một bước khỏi mọi quy định và luật lệ, và coi rằng cả hai bước đó đều hữu ích như nhau.
Chúng tách thành hai cặp khi tôi vẫn còn cách bốn sải chân. Chừa đủ chỗ cho tôi bước qua nếu tôi muốn, nhưng gã bên trái nâng cả hai bàn tay lên một chút mà vỗ vào không khí, động tác biểu thị cả hai ý Xin hãy dừng lại và Chúng tôi không có gì nguy hiểm. Bước chân tiếp theo, tôi dành để quyết định. Ta không thể để mình lọt vào giữa bốn gã. Hoặc ta dừng lại sớm hoặc ta phóng qua. Vào thời điểm đó các lựa chọn của tôi vẫn để ngỏ. Dừng lại cũng dễ, mà đi tiếp cũng dễ. Nếu chúng khép lại khi tôi vẫn đang di chuyển thì chúng sẽ đổ gục như những quả ki bowling. Tôi nặng trên trăm mốt cân và di chuyển với tốc độ trên sáu kilômet một giờ. Chúng không nặng bằng, cũng không di chuyển nhanh bằng.
Còn hai bước nữa, gã cầm đầu lên tiếng, “Chúng ta nói chuyện được chứ?”
Tôi dừng bước. Hỏi, “Về chuyện gì?”
“Ông là nhân chứng, phải không?”
“Nhưng các ông là ai?”
Tay này trả lời bằng cách lật vạt trước áo ngoài, từ từ và không có chút gì đe dọa, cho tôi thấy chẳng có gì ngoài lớp lót xa tanh đỏ và một chiếc sơ mi. Không súng, không bao súng, không thắt lưng. Gã thò tay phải vào túi trong bên trái lấy ra một tấm danh thiếp. Rồi cúi người về trước đưa cho tôi. Đó là một thứ rẻ tiền. Dòng đầu ghi: Công ty Sure & Certain[20]. Dòng thứ hai ghi: Bảo vệ, Điều tra, Can thiệp. Dòng thứ ba ghi một số điện thoại, mã khu vực 212. Mã vùng Manhattan.
“Kinko’s[21] là nơi tuyệt vời,” tôi nói. “Phải không? Có khi tôi sẽ nhận được cả chín danh thiếp ghi John Smith, Vua thế giới.”
“Danh thiếp này là đồ thật đấy,” gã chỉ huy nói. “Và chúng tôi cũng là hợp pháp.”
“Các ông làm việc cho ai?”
“Chúng tôi không nói được.”
“Thế thì tôi không thể giúp các ông rồi.”
“Ông nói chuyện với chúng tôi vẫn tốt hơn nói với ông chủ chúng tôi. Chúng tôi có thể đảm bảo hành xử văn minh.”
“Giờ thì tôi thực sự sợ đấy.”
“Chỉ vài câu hỏi thôi. Chỉ có thế. Giúp cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ là những người làm công, cố gắng được trả thù lao. Giống như ông.”
“Tôi không phải người làm công. Tôi là một quý ông nhàn nhã.”
“Thế thì cứ ngồi cành cao của ông và khinh thường chúng tôi để rồi hối hận nhé.”
“Những câu hỏi là gì?”
“Cô ta có trao gì cho ông không?”
“Ai?”
“Ông biết là ai. Ông có nhận gì từ cô ta không?”
“Và gì nữa? Câu hỏi tiếp theo là gì?”
“Cô ta có nói gì không?”
“Cô ta nói nhiều. Cô ta nói suốt chặng đường từ Bleecker đến ga Trung tâm.”
“Nói gì?”
“Tôi không nghe được nhiều.”
“Thông tin hả?”
“Tôi không nghe thấy.”
“Cô ta có nhắc tới những cái tên không?”
“Có thể đã nhắc.”
“Cô ta có nói đến cái tên Lila Hoth không?”
“Tôi không nghe thấy thứ đó.”
“Cô ta có nói John Sansom không?”
Tôi không đáp. Tay kia hỏi, “Thế nào?”
Tôi nói, “Tôi đã nghe cái tên này ở đâu đó.”
“Từ cô ta hả?”
“Không.”
“Cô ta có trao cho ông thứ gì không?”
“Thứ đó kiểu gì?”
“Bất kỳ thứ gì.”
“Cho tôi biết điều đó có gì khác nào.”
“Ông chủ chúng tôi muốn biết.”
“Bảo ông ta tự đến mà hỏi tôi.”
“Tốt hơn nên nói với chúng tôi.”
Tôi mỉm cười và tiếp tục bước, qua khoảng trống chúng đã tạo ra. Nhưng một trong những gã đứng bên phải bước sang một bên và gắng đẩy tôi trở lại. Tôi túm lấy cả vai và ngực rồi đẩy gã bắn ra. Gã lại tấn công tôi lần nữa, tôi dừng bước, dứ trái dứ phải rồi chuồi về phía sau gã và đẩy mạnh vào lưng gã khiến gã đâm bổ về phía trước tôi. Áo khoác của gã có một đường xẻ tà duy nhất ở giữa. May kiểu Pháp. Com lê kiểu Anh chuộng hai đường xẻ ở hai bên còn kiểu Ý thì không xẻ đường nào. Tôi chúi xuống mỗi tay túm một đuôi áo và giật mạnh khiến đường may rách toạc dọc theo cả phần lưng. Rồi tôi xô mạnh gã này lần nữa. Gã nhào về phía trước và bổ sang phải. Chiếc áo ngoài chỉ còn bám vào gã bằng phần cổ áo. Phía trước không có khuy, phía sau mở toang, trông hệt như chiếc áo của bệnh nhân.
Rồi tôi chạy ba bước, dừng và ngoái lại. Cứ tiếp tục bước chầm chậm sẽ oai hơn nhiều nhưng cũng ngu ngốc hơn nhiều. Khỏi phải bận tâm suy nghĩ là tốt rồi, nhưng sẵn sàng còn tốt hơn. Bốn tên bọn chúng đang rơi vào khoảnh khắc không biết quyết định ra sao. Chúng muốn túm tôi. Điều đó thì chắc rồi. Nhưng chúng đang ở trên phố 35 Tây vào lúc bình minh. Vào giờ này, gần như toàn bộ xe chạy trên đường là xe cảnh sát. Thế nên rốt cuộc chúng chỉ trừng trừng nhìn tôi và bỏ đi. Bốn tên băng qua phố 35 theo một hàng và đến góc phố thì đi về phía Nam.
Ông xong việc rồi.
Nhưng chưa. Tôi xoay người bỏ đi thì một người đàn ông bước ra khỏi đồn cảnh sát khu vực và đuổi theo tôi. Chiếc áo phông xám nhăn nhúm, chiếc quần thể thao dày màu đỏ, tóc màu xám lỉa chỉa tứ tung. Người nhà nạn nhân. Người em trai. Viên cảnh sát từ một thành phố nhỏ ở New Jersey. Anh ta bắt kịp tôi, túm chặt lấy khuỷu tay tôi như dính keo và nói với tôi rằng anh ta đã trông thấy tôi lúc còn trong kia và đoán tôi là nhân chứng. Rồi anh ta bảo tôi rằng chị gái mình không tự sát.