Huyền Thanh

Quyển 1 - Chương 1: Quyển 1: Một kiếp người




Tới đây xứ sở lạ lùng,

Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê. [1]

Nước Đại Nam chia ra bảy Châu lớn, theo thứ tự là: Châu Yên Sơn, Châu Minh Hồ, Châu Nam Quan, Châu Dương Thành, Châu An Tô, Châu Kì Xương và Châu Lương Hằng.

Yên Sơn – mảnh đất hưng thịnh phồn hoa, nổi danh là Kinh Đô thứ hai của Đại Nam.

Minh Hồ – núi sông muôn ngàn trùng trùng, cảnh sắc thơ mộng hữu tình, vải vóc nơi đây, hoa cỏ nơi đây là đẹp nhất.

Nam Quan – bốn bề đều là biển lớn, nơi cung ứng hải sản, thuyền tàu, gỗ quý, đồng thời là chỗ giao thương giữa các thương gia nổi tiếng.

Dương Thành – giáp biên cương, kho khoáng sản dồi dào, nơi đóng quân của các binh sĩ phương Nam.

An Tô – đứng đầu trong nghề nuôi trồng, xây dựng và sản xuất quân lương, mệnh danh là mỏ vàng mỏ bạc của giới thương buôn.

Kì Xương – vùng trời rộng lớn song lại vô cùng hẻo lánh, nhiều phong tục tập quán kì lạ, đa phần là các bộ tộc lớn nhỏ sinh sống.

Lương Hằng – nơi đóng quân của binh sĩ phương Bắc, núi non hùng vĩ, rừng rậm thì bạt ngàn, bốn mùa trong năm đều là tuyết phủ lạnh lẽo.

Châu Nam Quan, huyện Tôn Thạch, làng cổ Ngọc Lĩnh.

Ngày đầu tháng Mười. Vòm trời xám ngắt, sương mù dày đặc rải rác qua dãy núi bạc phía Tây. Gió thổi lồng lộng trên những vùng đồi cao xanh mướt, rùng rợn cái lạnh cắt da cắt thịt.

Có ai đó đã nói rằng: Khi gặp phải khó khăn, ta hãy nở một nụ cười đầy rạng rỡ với đời. Đời thấy rồi sẽ nể ta. Đời không thấy thì vẫn phải cười. Rồi một ngày nào đó, đời sẽ thấy được mà.

Là người nào đã nói mấy lời này vậy nhỉ? Nghĩ mãi mà chẳng ra. Chán thật.

Tôi vỗ nhẹ đầu, dạo này trí nhớ kém quá, cứ hay quên trước quên sau, chưa già mà đã lú lẫn rồi. Tạm gác vấn đề này sang một bên, trước mắt còn có chuyện đáng để quan tâm hơn. Nhìn vào cái gương đồng nhỏ trong tay, tôi nhếch môi, cố nặn ra nụ cười thật tươi tắn, thật rực rỡ.

“Xem nè, trông ổn mà phải không?”

Nghe thấy tiếng gọi từ phía sau, Sa Minh quay người lại nhìn tôi, sau đó liền trợn to mắt, hoảng hốt kêu lên hai tiếng: “Quỷ! Quỷ!”

Và cứ thế, nụ cười trên mặt vụt tắt. Sờ lên bờ môi “căng tràn”, “mọng nước” của mình mà ruột gan tôi đau thốn gần chết.

Đều do chúng cả, lũ ong độc chết bầm.

“Cậu Thanh biết mà, tính tôi nhát gan nên dễ bị giật mình, chứ thật ra không có ý gì khác đâu.” Có lẽ sợ tôi giận, cậu ta cuống quýt giải thích. “Cậu đừng cười nữa là được. Cậu không cười thì tôi đâu có sợ.”

Vòng vo một hồi thì ý vẫn chê đấy thôi, nhưng là trong ngấm ngầm chứ chẳng dám nói huỵch toẹt ra. Đâu thể trách người ta mãi, đến việc giận dỗi tôi cũng thấy thật vô nghĩa vào lúc này.

Cất cái gương vào túi, tôi cố trấn tĩnh đầu óc bằng cách nhấm nháp chén nước ấm đang cầm, lại ăn thêm mấy miếng gừng cho ấm bụng. Ngay bên cạnh, Sa Minh lại có dáng vẻ nôn nóng đứng ngồi không yên, ánh mắt thi thoảng hướng ra ngoài. Tôi thở dài, khẽ vỗ vai cậu ta rồi an ủi vài câu.

Cái quán nhỏ nép mình trong khoảng sân nhà vừa đủ rộng rãi, cạnh con dốc cao với hàng tre già xanh ngăn ngắt bao quanh. Làn khói bồng bềnh tỏa ra từ căn bếp phía sau trông như vầng mây trắng muốt mềm mại. Không khí đặc quánh lại lớp sương mờ. Mùi cỏ cây ẩm ướt và hương hoa nhài nhè nhẹ vẫn vương vấn đâu đây.

Nước trà đun sôi. Gừng non xắt nhỏ. Đậu phộng rang đường. Mận đỏ ướp muối hạt. Đó đều là những món được bán thường ngày ở quán, đắt khách nhất, và hương vị đặc biệt của mỗi món cũng chỉ chỗ này mới có thể làm ra. Những lần đến chợ, tôi thường ghé vào đây ngồi một lát, chỉ tốn một hai đồng mà no căng bụng. Điều quan trọng nhất là, ở đây người ta chẳng thèm dòm ngó hay buông lời xua đuổi. Một nơi thật sự yên bình, tách biệt hoàn toàn khung cảnh ồn ã bên ngoài.

Ban chiều. Chợ vãn người. Quán nước lác đác vài bóng khách quen.

Mùi thơm nức mũi quen thuộc khiến tôi tỉnh khỏi cơn buồn ngủ giữa chừng. Tức thì tôi đứng bật dậy, chạy đến bàn chủ quán kéo ghế ngồi xuống, dán cặp mắt háo hức lên nồi rang đậu phộng nóng hôi hổi vừa được bưng ra bàn.

“Ông làm lâu quá, hại tôi đợi nãy giờ, muốn ngủ gục luôn.”

“Thông cảm nhé. Quán này có mình tôi quán xuyến thôi nên nhiều việc cần làm lắm.”

Ông ấy hỏi giờ này trễ rồi sao hai người còn chưa vào chợ. Tôi nói rằng mình muốn ngồi đợi thêm một lát nữa mới đi.

“Rề rà vậy kẻo chẳng còn gì để mua đâu.” Vừa mài mạnh con dao dài trên tấm thớt gỗ, chủ quán vừa hăng hái tiếp chuyện.

“Không sao, đi mua có vài thứ thôi nên tôi chẳng vội mấy.”

Âm thầm lau mồ hôi lòng bàn tay, tôi gượng cười, nghĩ bụng dạo này đầu óc cứ suy diễn linh tinh.

Tôi dè dặt nhìn xuống mấy đường gân xanh chằng chịt trên cánh tay vạm vỡ của ông ấy. Nói thế nào nhỉ? Đây không phải lần đầu. Rõ ràng là con người bằng xương bằng thịt đứng ngay trước mắt nhưng không hiểu sao, tôi lại có cảm giác chân tay người này hệt như những khúc gỗ cứa mỏng, động nhẹ một cái là đứt đoạn gãy lìa.

Dao đã được mài xong, lưỡi dao sắc bén bóng loáng, giắt gọn trên chiếc kệ gỗ sau lưng chủ quán.

“Cần gì phải ép bản thân cực nhọc như thế. Nhắm chịu không nổi thì về nhà đi.” Ông ấy nhếch môi, giọng hơi khàn.

Tôi cúi đầu vân vê ngón tay giả vờ như mình chẳng nghe thấy.

“Cậu Thanh không gấp nhưng tôi thì có đấy ạ.” Sa Minh bước đến lườm tôi đăm đăm. “Lần nào anh em bọn tôi đi chợ cũng trầy trật quá trời, còn cậu chỉ việc đứng đó trỏ tay năm ngón.”

“Anh làm như tôi sướng lắm vậy. Một ngày hai bữa của các anh là ai nấu hả? Chưa kể, tính cả mấy việc khác cũng vất vả đâu ít.”

Anh em nhà này cứ thích đùn đẩy việc cho người khác. Tôi bực bội nghĩ.

Cậu ta đỏ mặt, miệng ấp úng không nói nên lời, sau cùng phải ngượng ngập nhìn sang chỗ khác.

Như mọi ngày, tôi mua hai phần đậu phộng rang đường. Trả xong bốn đồng, tôi nhét cuộn lá chuối bọc đậu phộng vào chiếc túi giắt bên hông.

Sa Minh nắm chặt túi tiền, chăm chú nhìn nồi đậu phộng rang thơm phưng phức với vẻ thòm thèm hiện rõ trong mắt. Một đĩa đậu phộng nhỏ chỉ mất từ một đến hai đồng, không tính là đắt. Cơ mà theo tôi thấy, dù mất có nửa đồng anh chàng cũng tiếc đứt ruột.

Không nói nhiều, tôi kéo cậu ta ra khỏi quán nước. Đằng sau, chủ quán niềm nở vẫy tay, bảo khi khác lại cùng nhau trò chuyện.

Vừa đến chợ, hai đứa bọn tôi lập tức thẳng tiến tới hàng thịt heo gần nhất. Trên bàn, từng miếng thịt tươi đều được cuốn gọn trong lớp lá dong, miếng nào miếng nấy mỡ nạc đầy đủ.

Miệng còn chưa kịp mở, lời còn chưa kịp thốt, người phụ nữ trung niên ở đối diện đã hậm hực mặt mày đập tay xuống bàn, đuổi khách thẳng cổ mà chẳng cần lí do.

“Đi đi! Không bán cho mấy người đâu!”

Tôi ra sức nài nỉ: “Thím bán cho cháu miếng thịt nhỏ thôi, hay mấy khúc xương ống, lòng ruột còn thừa cũng được nữa.”

“Lì lợm thế! Tao đã bảo không bán rồi mà.”

Mồ hôi chảy sau cổ rin rít vào da thịt, tôi thầm than trong lòng, nhìn bộ dạng giận dữ của bà ấy cứ như con nợ thấy chủ nợ hoặc chủ nợ thấy con nợ ấy.

Khách đến thì bán song chỉ có bọn này là không được mua. Nghe có tức cười không chứ?

Nói khàn cả giọng vẫn vô ích, tôi chỉ còn cách nháy mắt với Sa Minh để truyền đạt tín hiệu cần giúp đỡ. Cậu ta hiểu ý gật đầu, thẳng sống lưng, ưỡn cao bụng bước lên trước.

Hít thở thật nhẹ nhàng, thả lỏng toàn thân, tiếp đó di chuyển các ngón tay lên lưng quần, nắm cho chắc, cúi người toan động tác như sắp kéo xuống đến nơi. Kèm theo là tiếng hét lớn, là điệu cười ngả ngớn của một tên chơi bời chính hiệu.

“Khà khà, không bán là tôi cởi cho bà xem đấy!”

“Lũ man rợ chết bầm! Trời đánh chết tụi bây!” Người đàn bà vội che lại mắt, tức mình chửi ầm lên.

Sau khi trả tiền, không dám nán ở đây thêm giây phút nào, tôi kéo người chạy lẹ cùng mấy miếng thịt ngấn mỡ khó khăn lắm mới mua được. Nếu hôm nay mang tay không trở về chỉ có nước đi bán muối vì chết đói, mà ngày nào còn chưa tìm được anh Hiền thì tôi đâu thể chết ấm ức như vậy ở ngôi làng này. Giả sử không tìm thấy người thì tôi vẫn phải sống thật tốt để còn trở về nhà gặp thầy và chị gái.

Mải nghĩ ngợi lung tung trên đường đi, đến cả giỏ đựng cũng quên mang theo. Nhìn xuôi nhìn ngược, ngó ngang ngó dọc chốc lát, cái áo của Sa Minh trở thành chỗ chứa tốt nhất để tôi nhồi nhét đủ thứ đồ đạc.

“Đây mà chỉ mua chút ít đó hả?” Cậu ta liên tục rên rỉ.

“Anh cố chịu chút đi, khi nào về đến quán trọ sẽ chia cho anh phân nửa đậu phộng rang tôi mua.” Nghe tôi nói vậy, gương mặt bực dọc của cậu ta mới có dấu hiệu dịu dần.

“Vẫn không bán là ông đây tụt quần đấy nhé!”

Tôi dừng bước, ngoái đầu về hướng đã phát ra giọng nói vừa rồi. Đang là ban ngày ban mặt mà tên nào dám ngang nhiên giở thói côn đồ thế nhỉ? Nhưng sao, nhìn bóng lưng người này quen quá vậy? Trong lòng tôi nghi hoặc, vừa định tiến tới xem thử thì đúng lúc người nọ quay lưng lại, gương mặt ấy, dáng dấp ấy, quen đến không thể nào quen hơn, mà không phải chỉ một người thôi.

Sa Vũ – Gã đàn ông cao to đang dữ dằn la hét.

Sa Bình – Cậu thanh niên gầy gò đang cãi nhau om sòm với đám người chặn đường.

Chiếu theo tình hình trước mắt, chắc hẳn họ cũng đến chợ mua lương thực rồi không may rơi vào cái cảnh khốn đốn mà bọn tôi vừa gặp phải, bất đắc dĩ đành dùng lại cái trò cũ rích.

Ba tháng trời ròng rã, từ ngày đầu tiên chúng tôi đặt chân đến mảnh đất kì lạ này thì những con người khắc nghiệt ấy chưa từng ngừng nghỉ ý định xua đuổi. Ngày qua ngày, từng lời chửi rủa chì chiết càng ập đến nặng nề và nhiều hơn.

Ban đầu còn sợ hãi, đói đến thắt bụng quặn ruột cũng chỉ dám húp cháo loãng với rau dại, sáng sớm băng núi đào khoai, đêm khuya gặm rễ cây lót dạ. Nhịn được một giờ, một ngày, một tháng, nhịn thêm nữa đến người mình đồng da sắt cũng chịu không nổi, mới phải liều mạng vùng lên, cố tìm đường sống trong chỗ chết.

Tâm trí tôi mơ hồ trở về với hiện tại, không biết từ lúc nào Sa Minh đã bỏ đồ trên tay xuống, gấp gáp chạy đến hỗ trợ cho hai ông anh của mình. Bảo là hỗ trợ nhưng lại không khác gì đang gây rối, là cái kiểu đứng thẳng người quen thuộc, banh rộng chân, nắm lưng quần toan muốn kéo. Hành động dã man ấy đã dọa các thím, các dì kế bên tái mét mặt mũi đến độ run lẩy bẩy.

May sao người vây xem không nhiều, nếu phải đánh nhau một trận, ít nhất ba người họ vẫn có cơ hội chiếm ưu thế, còn nhỡ xui xẻo đánh không lại ai thì cứ vắt chân lên cổ [2] mà tháo chạy. Dù sao chuyện thường như cơm bữa ấy.

Tôi ngẩng đầu nhìn trời cao, tự nhiên có chút tủi hờn trong lòng. Người ta đi chợ thì xôm tụ như trẩy hội, đến phiên bọn tôi lại có khác chi ngựa điên sổng chuồng đâu. Ngựa chỉ cần cỏ để nhai, còn người thì phải sống bằng lúa gạo, bằng thịt cá, bằng nước trong nước sạch.

Sau mấy lần hùng hổ dọa dẫm, nào là bàn tay run rẩy xé nát áo, răng trên răng dưới gặm xương gặm đá, dáng vẻ dữ tợn như muốn nhào tới lột sạch đồ anh trai bán trứng gà. Hết giằng co lại trầy trật một hồi lâu, cuối cùng cũng thành công mua được đồ. Dưới tiết trời lạnh lẽo, người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại.

Anh em họ thoát khỏi đám đông, mang theo tất cả thành quả ngày hôm nay chạy nhanh về phía này.

Có lẽ vì thấy tôi rảnh rỗi ngồi xổm trên đất bóc vỏ đậu phộng, chẳng nói chẳng rằng với ai, Sa Vũ bèn tức mình giậm chân.

Anh ta lớn tiếng trách: “Sao cậu không đến giúp tụi này một tay? Chỉ biết ngồi đó mà nhìn thôi, bạn bè gì đâu ngộ thế!”

“Tôi sợ mình vụng về sẽ làm vướng tay vướng chân các anh.” Tôi cười xòa, chia cho họ một ít đậu phộng rang đã bóc vỏ. “Huống chi, một thằng nhóc lẻo khoẻo như tôi giả khùng giả điên thì hù được ai chứ.”

“Cậu Thanh cứ thích đùa. Cậu mà vụng về, anh em tôi có nước ăn cám nhà, húp sương ngoài kia.” Sa Bình vỗ lên vai tôi, cho tôi xem thực phẩm chất đầy chiếc giỏ tre to sụ cậu đeo sau lưng.

Có gạo nếp, bột mì, trứng gà, xương heo, mắm tép, đậu phụ, rau củ tươi. Rồi còn khoai sọ, lá lốt, bạc hà, một cân đường nâu và hai túi bông gòn.

Tôi nhẩm tính cẩn thận, nhiêu đây vừa đủ cho mấy ngày dài sắp tới. Dùng bột mì làm lương khô có thể để được lâu. Xương heo chia ra hai phần, hầm canh và nấu cháo. Mắm tép để dành ăn dần. Đậu phụ nhồi thịt băm kho với cà chua. Khoai sọ luộc chấm đường. Lá lốt, bạc hà lấy làm thảo dược trị vết thương. Hai túi bông gòn lớn ước chừng sẽ may được bốn cái gối và hai tấm chăn mới ở nhà.

“Lần nào đi chợ về áo quần cũng té tát, riết rồi thân tôi chẳng còn gì để mặc.” Tay cầm một nắm đậu phộng rang, Sa Vũ dòm xuống cái áo rách tươm trên người, mồm méo xệch.

Nó rách te tua, rách nát thê thảm, lấm chấm lỗ nhỏ lỗ lớn, lỗ dài lỗ ngắn, nom còn gớm hơn miếng giẻ lau sàn.

Lạy Trời, không thể dửng dưng đứng nhìn được mà. Chỉ cần tưởng tượng đến hình ảnh ngày nào anh ta cũng mặc cái áo rách ấy lượn qua lượn lại trước mặt là người tôi lập tức bứt rứt khó chịu.

Vì vậy tôi bảo: “Ở quán trọ còn dư mấy tấm vải trắng. Ngày mai, tôi đem nhuộm rồi may cho các anh vài cái áo mới.”

Nghe xong, hai mắt anh ta liền bừng sáng vẻ mừng rỡ, gật gù liên tục, cơn giận khi nãy đến nhanh rồi đi cũng nhanh.

Sa Minh ôm lấy gối đồ trong ngực, nói: “Cứ tưởng đâu như mọi bữa, chỉ mua được mấy con cá khô nhỏ toàn xương. Ai dè nay gặp may, sướng phải biết.”

Tôi mỉm cười chắp tay sau lưng, thong thả rảo bộ về trước. Vào giờ này là thời điểm thích hợp nhất để chúng tôi mua lương thực. Lúc đó xung quanh chợ sẽ ít người lui tới, trong trường hợp lỡ hai bên có ẩu đả cũng dễ dàng thoát thân. Tất nhiên, mấy cái trò đòi cởi áo kéo quần giữa đường chỉ để hù dọa mà thôi. Thiết nghĩ có cho vàng cho bạc, họ cũng chẳng dám xằng bậy.

Tôi ngoái đầu thử nhìn ra sau, để ý mới thấy, suốt dọc đường, anh em họ vẫn thường ghé tai nhau tiếng nhỏ tiếng lớn, trông bí mật lắm.

Kể ra ba người này không chỉ khác biệt về tính cách mà đến ngoại hình cũng vậy, thoạt nhìn không giống anh em gì cả. Nếu họ không chủ động giới thiệu, mấy ai tin đây là máu mủ ruột rà.

Trong ba anh em, Sa Vũ cao lớn và khỏe khoắn nhất, làn da ngăm đen, lông mày rậm, mắt hổ hung hãn. Tiếp đó là Sa Bình, tóc rễ tre, mũi khoằm, mắt hẹp một mí. Cuối cùng là Sa Minh, mặt vuông chữ Điền, mày thưa mắt sâu, da thịt nhợt nhạt, xanh xao.

Tổng thể thì mỗi người một nét riêng biệt, khó mà nhầm lẫn.

Họ từng kể với tôi rằng mình đến từ vùng núi Cao Nguyên phía Nam, một nơi hẻo lánh nghèo đói, quanh năm suốt tháng chỉ có thể thấy cây rừng rậm rạp, cung đường núi quanh co và vô số vách đá lớn hiểm trở. Ở nơi ấy bốn bề đều là cảnh khổ đọa đày, tháng ngày vất vả phải chắt chiu từng hạt gạo trong chĩnh, từng hạt thóc thô lượm lặt. Bởi lẽ, ba người mới quyết chí rời quê hương lập nghiệp với ước muốn đổi đời. Đến nay, họ xa nhà đã mười mấy năm.

Chiều đã lặng bóng. Con đường dài vô tận trải đầy cỏ xanh, ngợp trong hương nắng tàn còn vương vất tầng không. Khung trời ngày thu se sắt một màu buồn rượi tận cõi lòng.

Chúng tôi về lại quán trọ Hồng Xuân – nơi duy nhất đồng ý chào đón những vị khách phương xa đến làng. Đồng thời, đây cũng là chỗ an toàn duy nhất để trốn chui trốn nhủi [3] sau một ngày kiệt sức vì bị truy đuổi ráo riết ở bên ngoài. Giống như loài chuột hoang thường sống về đêm, hết rình rập lại chôm chỉa đủ thứ nhà người ta, đợi tới khi chúng ăn no đến tròn bụng rồi thì mới chịu trở về ổ của mình.

Tôi ngước mắt nhìn lom lom về phía đối diện. Cái quán tồi tàn và đổ nát, nằm nghiêng trên một ngọn đồi hiu quạnh cạnh cánh rừng lớn lộng gió. Hình ảnh về nơi đây vẫn còn mới mẻ trong tâm trí tôi như lúc mới đến. Bộ bàn ghế cũ kĩ nằm ngổn ngang trên đất, bụi trắng đóng lớp dày giăng kín bốn bức tường, vụn gỗ từ trần nhà rơi xuống vương vãi khắp nơi. Phía sau vườn, ông lão nằm thơ thẩn trên chõng tre, người gầy gò vàng vọt, đầu bạc mày sương, ngà ngà men say bên bầu rượu đã cạn đáy.

Lòng mang thương xót, tôi hỏi lão: “Ông đang đợi ai mà mắt cứ hướng về xa xăm thế kia?”

Lão ta cười nhạt: “Liên quan gì đến mày? Con quỷ cái xấu xí!”

Nhớ lại tình cảnh éo le khi ấy khiến nỗi phiền muộn trong tôi lần nữa hiện về, còn chưa làm gì nặng nhọc đã thấy chân tay mình rã rời, cổ họng ran rát khô khốc.

“Thú thật, tôi muốn ngủ ngoài đường cơ.” Tôi uể oải nói với người bên cạnh.

“Đừng nói là ngủ ngoài đường, bây giờ có muốn ngủ trong chuồng heo, chuồng khỉ, chuồng chó còn không được nữa là.” Sa Bình lắc đầu ngán ngẩm.

Đã đến trước cổng quán nhưng tôi lại chần chừ không đi vào, nghĩ nát óc cũng chỉ còn cách đứng im một chỗ, vờ vịt loay hoay với nắm đậu phộng rang nát nhừ trong tay.

Sa Vũ phía sau luôn miệng thúc giục tôi mở cổng. Tôi liếc trái liếc phải, quyết định trao quyền cho Sa Minh một lần. Cậu ta nhăn nhó mặt mày, trước ánh mắt toát lửa của ba người gộp lại đành phải xung phong bước lên.

“Anh Vũ này, có nhớ hôm qua chị ấy múa điệu gì không?”

“Hình như là múa theo đàn khỉ ấy, hay là khỉ già leo cây, khỉ già chết dưới mưa nhở…”

Khoảnh khắc cánh cổng được mở ra, tôi lập tức giương mắt ngó vào. Không ngoài dự đoán, người ấy đang múa may quay cuồng trong sân.

Yếm đào màu cánh sen tươi, đôi chân dài nõn nà ẩn dưới làn váy mỏng, lụa đỏ quấn quanh vòng eo thon thả của người đàn bà xinh đẹp. Xuân giơ cao cây đuốc đã châm lửa, sắc đỏ mờ mờ rọi trên mái tóc đen căng dày, gò má ửng hồng, cổ tay trắng như ngọc. Mày ngài người cong cong, mắt hạnh thấm ý cười, gót hài khẽ chấm đất, nghiêng ngả xoay vòng.

“Nay cô ấy còn múa lửa nữa cơ. Ghê thật.” Sa Bình dựa lưng vào cổng, tắc lưỡi cảm thán.

Tôi tức mình lườm cậu ta, chạy nhanh vào sân giật lấy cây đuốc trong tay thị, giao cho Sa Minh.

Sa Bình đặt giỏ đồ nặng trịch lên bàn đá, múc một gáo nước trong thau rửa mặt.

“Bọn tôi về rồi đây. Chị nhìn này, bữa nay mua được nhiều đồ lắm.” Thấy Xuân ướt đẫm mồ hôi, tôi bèn đỡ thị ngồi xuống ghế rồi cho thị xem thành quả chiều nay của ba anh em họ.

Xuân chớp mắt nhìn tôi rồi đột ngột bật cười: “Các anh đi chợ lâu quá. Tôi đợi mải từ sớm đến giờ, còn đang nghĩ phải chăng đã chết ở xó xỉnh nào rồi. Nếu lỡ chết thật, biết đi đâu để hốt xác mấy người về.”

“Em Xuân yên tâm, mạng anh em tôi lớn lắm, nhất định sống đến trăm tuổi. Tôi phải sống để còn bầu bạn với Xuân suốt đời.” Sa Vũ ngồi xuống bên cạnh, anh ta nắm lấy bàn tay người đẹp rồi ân cần vuốt ve, thốt lên những lời đường mật dỗ dành như mọi khi.

Gã này lại bắt đầu giở thói bông đùa phụ nữ. Tôi đập mạnh lên bàn tay đang mò mẫm người Xuân, cố ý trừng mắt cảnh cáo. Anh ta giật mình rụt tay lại, cười giả lả như thể chẳng có chuyện gì to tát. Còn Xuân, vẻ dửng dưng trên mặt không đổi, dường như trong bất kể hoàn cảnh nào thị vẫn có thể bình tĩnh đon đả nói cười.

“Sao trong quán im lặng vậy, lão ta đâu rồi?”

“Trong phòng ấy. Sớm giờ vẫn thế, lão không chịu ra ngoài, dù ai khuyên cũng không chịu nghe.”

“Mắc gì giở chứng vậy, đã dâng cơm nước đến tận miệng mà vẫn chê à?”

“Lão đòi ăn cháo cậu nấu, uống trà cậu đun, người khác làm thì lão chẳng thèm ngó ngàng tới.”

Nghe thị kể, lòng tôi chợt rối rắm, vừa thấy giận song cũng vừa buồn cười.

“Hôm bữa, lão nằng nặc tôi bắt tổ ong làm bánh khoai nướng, hại tôi bị lũ ong chích khắp người, đến tận giờ môi vẫn sưng vù đây này! Thế mà lão ta còn dã man mắng nhiếc tôi đủ điều. Ghét quá trời!”

Thị vỗ nhẹ lên vai tôi, thở dài: “Cậu Thanh thông cảm, tính lão là vậy. Tôi cũng nhức đầu lắm, chẳng còn cách nào để ứng phó lão.”

Tôi xòe tay ra đếm, nhẩm lại từng chuyện xấu xa lão già đó đã làm với mình xuyên suốt ba tháng, vừa mới nghĩ tới thôi là máu trong người lại sôi sùng sục.

“Nhưng mà, sao cô Xuân cầm đuốc múa trong sân vậy?” Sa Minh tò mò hỏi. “Tôi nhớ là cô hay múa gậy, múa lụa hoặc múa vòng kia mà?”

Xuân cuốn tròn lọn tóc dài trước ngực, chân gác lên mặt bàn, tay còn lại vuốt nhẹ nhàng bên dưới mép váy.

“Vì thấy thích nên làm thôi. Ban đầu, tôi lo mình cầm không chắc, lỡ bất cẩn quẳng xa một cái là nhà cửa cháy rụi. Cơ mà sau đó, tôi lại nghĩ cùng lắm là cả đám chết trùm, mắc chi phải lo nhiều.” Nói đoạn, thị cong môi. “Chí ít đường xuống địa ngục cũng có người bầu bạn, được thế thì tốt quá còn gì nữa.”

Sa Vũ vỗ vào đùi cười sằng sặc, hiển nhiên không hề sợ hãi. Sa Minh khiếp vía chạy đi đâu mất rồi. Sa Bình ngậm cọng rơm khô trong miệng, lâu lâu lại quay đầu nhìn tôi, nháy mắt huýt sáo vài tiếng. Hay nói chính xác hơn là đang nhìn chằm chằm vào đôi môi sưng to của tôi với vẻ thích thú.

“Múa lửa cũng thường thường thôi, múa quyền mới ghê chị ạ.” Tôi cúi đầu lẩm bẩm.

Chủ quán trọ là một ông lão kì lạ.

Vào cái ngày đầu tiên bước chân vào đây thì tôi đã lờ mờ nhận ra điều đó.

Tính tình của lão vui buồn thất thường, có thể nói tật xấu vô số kể. Nào là nghiện ngập rượu chè, sống bết bát lôi thôi, miệng lưỡi chuyên thốt lời suồng sã, vô cớ đánh đập chửi bới người khác và hay liên thiên khó hiểu những chuyện trên trời dưới đất.

Lão xem khách đến trọ như món đồ chơi mua ngoài chợ để lão tha thồ nắn nót đùa giỡn trong tay, luôn giở thói ngang ngược, đòi hỏi một cách quá quắt nhất. Đừng nói là tôn trọng vì đến cả việc khách sáo đôi câu lão ta cũng không biết làm.

Như lúc này chẳng hạn, bên nồi nước đun sôi, lão ngồi xổm trên đất mở to mắt nhìn tôi với vẻ mặt ngơ ngác, rồi bắt đầu những câu hỏi tưởng chừng không bao giờ kết thúc.

“Mày định nấu món gì? Là cơm dẻo hay cơm khô? Rau này xào hay luộc?”

“Sao mày nướng khoai mà không cạo vỏ? Mày làm cái gì mà đen thui đen sì thế kia?”

“Khi nào mày mới đi bắt tổ ong làm bánh cho tao? Tao thèm lắm rồi.”

“Nói chuyện đi chứ. Con quỷ cái trời đánh!”

Tôi bỏ con dao gọt vỏ xuống rỗ, dùng sức đẩy vai lão: “Ông ra ngoài chơi với anh Vũ hay chị Xuân đi, đừng ở đây làm phiền tôi mãi.”

“Không đi đâu hết! Tao mà đi mất rồi, thế nào mày cũng sẽ bỏ thuốc hại tao!” Lão hất tay tôi khỏi vai, hốc mắt sâu ửng đỏ. “Tao phải ở đây canh chừng mày.”

Lão ta vẫn ngồi đó tiếp tục nói nhăng nói cuội [4]. Tôi dứt khoát quay lưng, mặc kệ vậy. Lúc này cơm vừa chín tới, tôi rút bớt củi dưới đáy bếp, giở nắp nồi, cầm đũa cả [5] xới đều cơm.

“Tao không thích ăn cơm độn khoai lang. Tao thích ăn cơm độn khoai sắn non.” Lão ngó chòng chọc vào nồi cơm, hết trề môi rồi lại vung vẩy tay chân. “Mày nấu món gì cũng như phân ấy. Gớm quá trời!”

Tôi vẫn làm thinh như cũ, mặc cho người bên cạnh tung tóe nước bọt lải nhải không dứt bên tai.

Nước sôi đã tràn ra ngoài, bốc lên từng làn khói trắng.

Có lẽ vì thấm mệt hoặc do tôi cứ im lặng mải khiến lão chán chường không muốn dây dưa thêm nữa, vậy là chuyển qua chọc chọc mấy củ khoai sọ tôi vừa gọt vỏ, hết khịt mũi ngửi lại há miệng gặm cắn.

Giọng lão dần khản đặc, mắng được vài câu thì im hẳn, bắt đầu ngáp ngắn ngáp dài, ngồi đó đờ đẫn một lúc bèn xoay người trèo lên sập gỗ nằm xuống. Song, cách vài phút, lão ta lại khó chịu trở mình, mười ngón tay ra sức cào lên tấm chiếu lót bên dưới, cái gối cao kê đầu, đến vách tường bong tróc sơn cũng không tha.

Bấy giờ, tiếng động ồn ào đằng sau mới chịu dừng, bên tai tôi đã được yên tĩnh phần nào, chắc hẳn người đã ngủ rồi nhỉ?

Thế mà vào khoảnh khắc tôi quay đầu, lại nghe thấy giọng lão, chậm rãi, khẽ khàng.

“Sáng mai, tao muốn uống rượu ngon, ăn thịt dê nướng, cháo sườn hạt sen.”

“Tôi không nấu mấy món đó, càng không có thịt nướng hay cháo sườn cho ông. Đủ cơm ăn là may mắn lắm rồi, ông còn đòi hỏi gì nữa?”

Chứng kiến cái tính ngang ngược như trẻ con ấy khiến tôi không nhịn được bật cười.

“Mày dở thật đấy. Đáng lẽ mày phải nấu ngon như vợ tao cơ. Cơm mềm độn khoai non, cá ngọt rau tươi, thịt mỡ đầy đủ, rượu ngon rồi cả trà thơm.”

“Ôi, vợ tao chết rồi, chẳng biết phải đi đâu mới tìm được mụ…” Lão đột ngột ngồi bật dậy, ánh mắt mơ màng nhìn trần nhà.

Tôi kinh ngạc. Đây là lần đầu tiên tôi nghe ông ta nhắc đến vợ mình. Theo lời chị Xuân kể, đó là một người đàn bà đen đủi tưởng chừng đã bị quên lãng từ lâu, là người bạc tình bạc nghĩa đã biến mất khỏi thế gian này hơn ba mươi năm trời.

Lão ngả người xuống sập, ngửa mặt, khoái chí cười lớn: “Tao thấy hết rồi. Tao biết hết rồi. Mày đừng hòng giấu được ai!”

“Ông thấy cái gì? Biết cái gì?” Tôi nhướng mày gặng hỏi.

“Tao thấy ánh mắt thấm đẫm nét tình của người đàn bà. Tao thấy thân xác còn rực rỡ sắc xuân của người đàn bà. Tao cũng biết rõ lòng người là bần cùng, là tham lam, sao có thể thoát khỏi ảo mộng phù du.”

“Hay thật! Tôi cũng như ông, nhìn thấy, biết rõ những điều không ai ngờ đến.”

Tôi ngước nhìn cái bóng trên tường, cái bóng mờ ảo dưới ánh lửa đỏ rực, cái bóng hãm sâu trong màn đêm vô tận.

“Tôi thấy sự khốn khổ năm tháng dài đã đọa đày linh hồn của kẻ si tình. Tôi thấy nụ cười điên dại, bước chân lầm lỡ của kẻ si tình. Tôi cũng biết rõ lòng người là trắng, là đen, nào có thể dễ dàng nhìn thấu.”

Trong giấc mơ ngày hôm ấy.

Tôi đã thấy lão. Chú thích:

[1] Ca dao – Tục ngữ Việt Nam.

[2] Vắt chân lên cổ: Chạy nhanh, chạy miết, rướn hết sức mà chạy. (Nguồn tham chiếu: Đại Từ điển Tiếng Việt)

[3] Trốn chui trốn nhủi: Bạ đâu chui trốn đó, hết nơi nầy đến nơi khác, không dám ra mặt. (Nguồn tham chiếu: Từ điển – Lê Văn Đức)

[4] Nói nhăng nói cuội: Nói những điều không có thực, những điều nhảm nhí, lăng nhăng, vu vơ, hão huyền. (Nguồn tham chiếu: Đại Từ điển Tiếng Việt)

[5] Đũa cả: Đũa to và dài, mình giẹp, dùng để ghế và xới cơm. (Nguồn tham chiếu: Từ điển – Nguyễn Lân)


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.