Hôm Nay Tam Tiểu Thư Đã Làm Phản Chưa?

Chương 33: Phần 33




"Các ngươi có biết phải bao nhiêu bạc mới làm được việc này không? Sổ sách ba năm của Điểm Kim các, ước tính mỗi năm hơn nghìn vạn lượng bạc trắng, ngay cả khi Thái hậu có được bạc cũng chỉ biết đúc tượng vàng mừng thọ cho mình, còn Thẩm Tam tiểu thư nhiều năm qua thậm chí không nỡ đổi một bộ y phục, hiện giờ nàng gả vào phủ Dụ Vương của ta mới mặc một bộ quần áo mới."

Nói đến đây, tất cả mọi người đều tỏ vẻ xúc động.

Quần thần nhìn nhau, đều không biết nói gì.

Lục Cảnh Tự lần lượt nhìn từng người: "Có thể nói, hôm nay nếu không có Thẩm Tam, nếu không có người mà các ngươi gọi là một nữ nhi, e rằng những người có mặt ở đây đã là những oan hồn dưới đao của người Bắc Di rồi. Đã như vậy, chư vị nghĩ hiện giờ người có thể tiếp quản triều chính nên là ai?"

Lời vừa dứt, tất cả mọi người nhìn nhau.

Bên cạnh, Viện phán Thái y viện tóc bạc phơ là người đầu tiên chắp tay hướng về phía ta:

"Tam tiểu thư có trái tim vì thiên hạ bá tánh, có Tam tiểu thư như vậy là phúc của bách tính Đông Lương chúng ta, lão thần hổ thẹn."

Các đại thần xung quanh nghe vậy, mới lần lượt cúi người chắp tay về phía ta.

Ngoại truyện: Xưng Đế

Mùa đông năm Hòa Ninh thứ mười ba.

Hoàng đế bỗng nhiên tỉnh lại, biết được tội thần Tống Chi Chương cùng với Thái tử Lục Hạc An và Trấn Nam Tướng quân Lý Thành Nho cấu kết với người Bắc Di âm mưu tạo phản. Trong khi đó, nữ nhi Thẩm gia là Thẩm Khanh Trúc đã trừ khử phản tặc, dẫn dắt dân chúng cùng chống giặc, đặc biệt phong Thẩm Khanh Trúc làm An Lương Vương, thay mặt chấp chính.

Từ đó, Thẩm Khanh Trúc trở thành nữ Nhiếp chính vương đầu tiên của Đông Lương.

Cùng năm đó, đại quân Bắc Di áp sát biên giới, Thẩm gia ở Tây Bắc mang thuốc s.ú.n.g xuất binh, đánh lui quân địch ra xa trăm dặm, bắt được thủ cấp tướng lĩnh địch.

Theo lời khai của tội thần Tống Chi Chương, Tiên Thái hậu đã mưu hại Tiên Đế, hãm hại Thần Quý phi, tàn sát con cháu hoàng tộc cùng hơn trăm người trong hậu cung. Bà ta bị tước bỏ tước hiệu, xóa tên khỏi ngọc điệp, giáng làm thứ dân, người trong tộc bị đày đến Kiềm Nam, cả đời không được đặt chân vào kinh thành.

Tống Chi Chương giúp Thái hậu ám sát Tiên Đế, lại một lần nữa thông đồng với giặc ngoài, mưu hại Hoàng đế, ý đồ soán ngôi, tội không thể tha thứ, bị lăng trì xử tử, cửu tộc liên đới.

Đại Hoàng tử trước đây bị Thái hậu hãm hại, được Nhiếp chính vương minh oan, truy phong là Vĩnh Dương Vương, di vật được đưa vào lăng tẩm thờ phụng, thân quyến lưu lạc bên ngoài đều được ban thái ấp chỗ ở, trọn đời hưởng bổng lộc triều đình, tước vị được truyền thừa.

Trấn Nam Tướng quân tự ý khởi binh mưu phản, bị đại quân truy đuổi đến vách núi biên giới rồi nhảy vực tự tử. Binh quyền còn lại đều bị thu hồi, do thứ tử Thẩm gia là Thẩm Nam Diệp dẫn quân trấn thủ. Đồng thời mở ra con đường mua bán với Tây Tương, từ đó vùng biên giới Tây Nam đặc biệt thành lập hội quán, bang hội thương nhân, vùng Tây Nam vì thế mà làm ăn phát đạt, kinh tế đặc biệt phồn thịnh.

Năm Hòa Ninh thứ mười tám, Hoàng đế băng hà, cả nước để tang. Nhiếp chính vương Thẩm Khanh Trúc lên ngôi Nữ Đế, Đông Lương đổi quốc hiệu thành Đại Lương. Sau khi Nữ Đế lên ngôi đẩy mạnh việc canh tác ruộng lúa, phát triển giống lúa tốt, khai thác mỏ, xây dựng nhà máy vũ khí nóng.

Năm Hòa Ninh thứ hai mươi, Đại Lương điều binh bắc tiến tấn công Bắc Di, tiếng pháo nổ vang dọc biên giới Tây Bắc, nhà nhà nơi biên thành đều vui sướng như đón Tết. Ngày thứ ba đánh bắn, Bắc Di nộp hàng thư, tự nguyện dâng năm nghìn chiến mã, mở thông con đường mậu dịch qua lại. Từ đó Đại Lương không còn chiến tranh.

Mùa xuân cùng năm, Dụ Vương lại một lần nữa xuôi Nam, giám sát việc xây dựng đập thủy lợi lớn, từ đó phía Nam không còn nạn lụt tái diễn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.