Lời của Diệp Thanh Hữu đã tiếp thêm cho tôi một sự tự tin vô cùng lớn, khiến tôi có can đảm… xin mẹ tiền học lớp nghệ nhân trà trình độ trung cấp.
Lúc tôi gọi điện cho mẹ bà đang nhảy quảng trường, vừa nhảy vừa nói: “Cái đồ không có lương tâm, chỉ khi nào hết tiền mới nhớ đến mẹ mà gọi điện! Con nhà người ta thì có bạn gái rồi mới xin tiền bố mẹ, còn con không có bạn gái, xin tiền làm gì?”
Tôi hùng hồn đầy lý lẽ đáp: “Con đang học hành mà, học hành! Học làm con vui. Con cũng muốn có bạn gái lắm chứ nhưng học hành thực sự quá vui vẻ đi!”
Mẹ tôi: “Thôi đi, thằng ranh con. Sớm muộn gì cũng ăn sạch tiền của bố mẹ.”
Tôi tức điên lên: “Con cũng kiếm được tiền mà! Con có thể tự mình nhận viết bài, mỗi đơn có thể kiếm được mấy trăm tệ, kỳ này con nhận việc viết bài đã kiếm được vài nghìn rồi. Chẳng phải mẹ bảo con phải tập trung vào việc học không cho con nhận việc ngoài sao? Nếu không thì con đâu cần phải xin tiền mẹ chớ?”
Mẹ tôi: “Được rồi được rồi, tất cả là lỗi của mẹ. Con tưởng mấy đồng nhuận bút của con đủ trả tiền gas nấu vài nồi canh sao? Con quên mất là con đang học mỹ thuật à, ra ngoài nhận viết bài gì chứ, giỏi thì bán tranh thử mẹ xem?”
Tôi: “Con đã vẽ miễn phí cho nhà mình biết bao nhiêu bức tranh trên tường rồi, mẹ có giỏi thì trả thù lao cho con đi?”
Mẹ tôi: “Thua con luôn. Cho con tiền, cầm mà tiêu, học hành cho tử tế vào, đừng bỏ bê môn chuyên ngành.”
Tôi vui vẻ chờ nhận chuyển khoản rồi chạy đến quán trà để thi viết lớp sơ cấp.
Trong quán trà Diệp Thanh Hữu đang đọc sách, anh đeo một chiếc kính gọng đen rất tri thức. Tôi buột miệng nói một câu “Đàn anh Diệp trông bạo lực thật.” Diệp Thanh Hữu ngẩng đầu, khó hiểu hỏi tôi: “Bạo lực gì? Bạo lực chỗ nào?”
Tôi: “À… ừm, cái này…”
Xấu hổ quá.
Tôi đành phải nhanh chóng phát huy khả năng chữa cháy tại chỗ của mình: “Em, ý em là, bảo lễ! Bảo thủ và rất lễ phép!”
*Bạo lực: Bàolì; bảo lễ: bǎo lǐ
Diệp Thanh Hữu vẫn nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ, tôi vội vàng đổi chủ đề: “Khụ khụ, thi cử, thi cử.”
Thực ra đề thi không khó, nhưng kỳ lạ là hầu hết các câu hỏi tôi chưa từng thấy qua. Diệp Thanh Hữu nói 70% câu hỏi đều có trong đề thi thử nhưng tôi thấy chẳng có mấy câu quen thuộc. Khi tôi nộp bài, Diệp Thanh Hữu nhận lấy rồi chấm ngay tại chỗ, chấm được một lúc anh đột nhiên hỏi tôi: “Gia Gia, em không ôn tập nghiêm túc đúng không?”
Tôi ngơ ngác: “Không, không có mà? Em rất nghiêm túc làm bài thi thử, còn chăm hơn cả ôn thi đại học nữa!”
“Thế sao em làm bài thế này?” Anh đưa bài cho tôi xem, trên cột điểm là con số 70 mấy chói mắt. “Anh đã nói rồi, 70-80% câu hỏi đều có trong đề thi thử, nếu em làm bài nghiêm túc thì không thể nào thi ra kết quả này.”
Tôi nhỏ giọng giải thích: “Thật không có mà… Em ôn tập rất nghiêm túc, mà 70 điểm chẳng phải là qua rồi sao…”
“70 điểm? Ở Hòa Quang, phải trên 90 điểm mới gọi là qua.” khuôn mặt Diệp Thanh Hữu lúc nói chẳng có biểu cảm gì, giọng còn khá nghiêm nghị. “Đề thi thử của em đâu? Đưa ra anh xem.”
Tôi rụt cổ lại, lấy đề thi thử từ trong ba lô ra đưa cho anh.
Anh nhận lấy nhìn qua vài lần, biểu cảm đột nhiên trở nên kỳ lạ, vẻ mặt như dở khóc dở cười. Tôi thấp thỏm chờ đợi kết quả phán quyết của anh, rồi anh khẽ ho hai tiếng đưa lại bài thi cho tôi.
“Anh đưa nhầm đề thi thử rồi.” Anh ngượng ngùng nói. “Lẽ ra anh phải đưa đề kiểm tra nghệ nhân trà sơ cấp, nhưng đây lại là đề thi thử nghệ nhân trà cao cấp…”
Tôi: …
Tôi đã nói mà!
Tôi dám dùng đồ cổ của Vương Đại Chúc và hoa giả của Bách Hoa để đảm bảo, với trí thông minh của tôi thì không thể nào không vượt qua được!
Tôi bực bội nhìn anh còn anh thì không hiểu ý cất hai tờ đề đi: “Anh sẽ đưa lại cho em đề ôn thi sơ cấp, tuần sau em đến thi lại.”
Tôi nói: “Anh đổ oan cho em.”
Diệp Thanh Hữu: “Anh xin lỗi…”
Tôi giận dữ nói: “Anh đổ oan cho em!”
Diệp Thanh Hữu giơ tay lên: “Được được được, anh sai rồi, anh xin lỗi, anh sẽ đền bù cho em. Em đến quán trà lâu như vậy mà chưa có chén uống trà riêng của mình, anh tặng em một chén trà được không? Em thích loại chén nào?”
Tôi nghe anh nói muốn tặng quà tôi lập tức nguôi giận, liền vừa nói vừa diễn tả cho anh: “Loại chén sứ ấy, nhỏ nhỏ một chút, trên đó có hoa văn đục lỗ!”
“Hoa văn đục lỗ?” Diệp Thanh Hữu ngẩn người một lúc rồi nói: “Em đang nói đến loại chén Linh Lung, loại có những hoa văn trong suốt nhỏ bằng hạt gạo đúng không?”
Tôi gật đầu lia lịa: “Đúng rồi! Từ nhỏ em đã muốn có một chiếc chén như vậy, chơi rất vui! Nhưng mẹ em không chịu mua cho em!”
“Được thôi, không vấn đề gì, anh sẽ tặng em một cái.” Diệp Thanh Hữu cười nói. “Tại sao mẹ em không mua cho em?”
Tôi: “Mẹ em nói những lỗ lấp lánh trên đó đều khảm nạm kim cương, nhà em không đủ tiền mua.”
Diệp Thanh Hữu: “…”
Anh ấy cố gắng nhịn cười, nhưng tôi có thể thấy anh đang rất vui.
Dù nói thi lại lần nữa, nhưng bài thi đã làm vẫn phải được giải thích lại một lần.
Diệp Thanh Hữu chỉ ra những câu tôi làm sai giảng giải một chút rồi nói: “Nền tảng văn học của em cũng khá đấy, bài cuối cùng về Thất Oản Trà Ca mà em cũng chép lại được hết.”
Ừm, tất nhiên rồi. Làm cán sự môn văn nhiều năm như vậy, chuyện khác không chắc chứ học thuộc thơ thì tôi khá là nhanh.
“Chỉ có điều câu cuối cùng ‘Duy giác lưỡng dịch tập tập thanh phong sanh’ em viết chữ hơi dày quá.” Diệp Thanh Hữu nói. ” Hai chữ ‘Tập tập’ gần như dính liền với nhau rồi.”
Tôi: “… Tập tập? Gì cơ???”
Diệp Thanh Hữu: “Sao thế?”
Tôi ghé lại nhìn: “Nhất oản hầu vẫn nhuận, nhị oản phá cô muộn. Tam oản sưu khô tràng, duy hữu văn tự ngũ thiên quyển. Tứ oản phát khinh hãn, bình sinh bất bình sự, tận hướng mao khổng tán. Ngũ oản cơ cốt thanh, lục oản thông tiên linh, thất oản cật bất đắc dã, duy giác lưỡng dịch tập tập thanh phong sinh… Là vậy hả?”
Diệp Thanh Hữu: “Đúng vậy, sao thế?”
Tôi: “Không, không có gì.”
Làm sao tôi dám nói với anh ấy rằng khi chép bài, vì chữ của anh quá mảnh và dài nên tôi đã đọc nhầm chữ “tập tập” thành chữ “vũ”! Tôi đã luôn thuộc là “Duy giác lưỡng dịch vũ thanh phong sinh”! Tôi còn suy nghĩ rất nghiêm túc tại sao Lư Đồng lại viết như vậy, phải chăng uống quá nhiều trà khiến lông nách hóa thành lông vũ, biến thành đôi cánh bảo vệ mình rồi bay lên trời! Cảm thấy hoàn toàn hợp lý!
Diệp Thanh Hữu nhìn tôi với ánh mắt đầy thắc mắc, tôi lau mồ hôi lạnh, nói: “Lần sau em sẽ nhớ viết chữ giãn ra một chút.”
May mà chưa nói ra, nếu không chắc tôi bị trục xuất khỏi môn phái mất.
–
*Tập tập: 习习; Vũ: 羽
Tạm dịch bài thơ THẤT OẢN TRÀ CA (thơ về Bảy Chén Trà)
Nguồn bản dịch: https://sondacuongnhan.blogspot.com/2009/11/that-oan-tra-thi-tho-ve-bay-chen-tra.html
Nhất oản hầu vẫn nhuận,
Nhị oản phá cô muộn,
Tam oản sưu khô trường,
Duy hữu văn tự ngũ thiên quyển.
Tứ oản phát khinh hãn,
Bình sinh bất bình sự,
Tẩn hướng mao khổng tán.
Ngũ oản cơ cốt thanh,
Lục oản thông tiên linh.
Thất oản ngật bất dã,
Duy giác lưỡng dịch tập tập thanh phong sanh.
Chén đầu hầu vị đượm nồng
Chén hai nhất tảo sạch không muộn phiền
Chén thứ ba rửa liền thực vị
Chừa lại chăng nghìn quyển thi thơ
Chén tư vừa cạn không chờ
Mồ hôi theo đấy lửng lờ tuôn rơi
Chuyện bất bình trong đời mấy độ
Cũng do đây phát lộ chân lông
Chén năm kinh mạch đều thông
Chén trà thứ sáu cõi lòng khinh an
Chén thứ bảy xem đàng chẳng đặng
Nghe bên tai văng vẳng khinh phong