Hình Như Tôi Đã Uống Một Tách Trà Giả

Chương 4




Thứ Bảy của cùng một tuần tôi lại rảo bước vào trà thất.

Nghệ thuật pha trà chú trọng đến sáu yếu tố lớn là trà, nước, dụng cụ, nghệ thuật, con người và cảnh, thiếu một trong số đó đều không được. Trong đó, chữ “cảnh” quan trọng đến mức mà tôi cảm nhận rõ ràng ngay lúc này. Hai ngày trước khi đến đây, trà thất đông người, cảm giác như một cửa tiệm ồn ào; nhưng hôm nay nó thật rộng rãi và vắng vẻ, chỉ có vài ba người bạn trà ngồi đọc sách. Qua rèm hạt châu ở cửa và kệ cổ trong phòng, có thể lờ mờ nhìn thấy Diệp Thanh Hữu ngồi phía sau bàn giảng dạy, lật xem ghi chép. Bầu không khí khi đông người và khi vắng người hoàn toàn khác nhau, khoảnh khắc vén rèm bước vào phòng tôi như vượt qua ranh giới thời gian và không gian, từ đó mọi sự ồn ào lộn xộn phía sau rèm không thể làm phiền tôi nữa, tôi thấy yên tĩnh và tự do.

Tiếng rèm hạt châu đập vào khung cửa vang lên khiến Diệp Thanh Hữu chú ý, anh ngẩng đầu lên, qua kệ cổ mỉm cười chào tôi từ xa. Tôi đi vòng qua kệ dài để vào phòng kế, hình như anh không mấy ngạc nhiên, thần thái cử chỉ trong lúc nói chuyện đều mang nét của người chào đón cố nhân: “Đại Chúc nói với anh, em muốn đến đây học trà.”

Tôi gật đầu, hồi hộp đến mức hơi lắp bắp: “Vâng, đúng vậy. Về vấn đề học phí…”

Diệp Thanh Hữu giơ tay vẫy vẫy: “Học phí không cần vội bàn. Hoà Quang không phải là nơi lấy lợi nhuận làm mục đích, em có thể học trước. Nếu tạm thời không tiện trả, học xong từ từ thanh toán cũng được.”

“Chính sách tốt vậy ạ?” Tôi có chút sững sờ. “Thế không sợ có người cứ nợ mãi không trả sao ạ?”

“Anh tin tưởng vào tất cả những người bạn đến đây.” Diệp Thanh Hữu cười, giơ tay mời: “Ngồi đi, trước khi học hãy uống chén trà.”

Lần này anh lại pha loại trà có hương thơm dịu nhẹ của thuốc, tôi vẫn nhớ nó tên là Phúc Đỉnh Đại Bạch Trà. Tư thế anh cầm chén trà rất đẹp, ngón giữa và ngón cái cầm vào mép chén, ngón trỏ đặt trên núm của chén, cổ tay ấn vào trong. Tư thế này khiến bàn tay anh mở rộng hoàn toàn, các ngón tay thon dài, trắng trẻo, các khớp cổ tay lộ ra với góc độ đẹp nhất, khiến tôi phải nhớ đến món chân gà hấp xì dầu mà tôi luôn gọi khi ăn sáng.

Ừm. Thèm gặm quá.

Anh vừa pha trà vừa hỏi tôi: “Ở đây học viên bắt buộc phải mang theo sổ ghi chép, Vương Đại Chúc có nói với em không?”

Emmmmmmm… Tôi rất muốn hỏi ngược lại, anh nghĩ với tính cách của Vương Đại Chúc, liệu hắn có kịp nói cho em biết không?

Nhưng không sao cả! Kể từ lần tôi đã cứu vãn món trứng hấp chín bên ngoài mà sống bên trong trong nồi áp suất bằng cách nghiền nát rồi hấp lại, tôi đã dần giỏi nhất trong việc đưa ra biện pháp cấp cứu khi gặp khó khăn! Thế là tôi chợt nảy ra ý, rút điện thoại ra đặt lên bàn trà: “Mang rồi!”

Diệp Thanh Hữu hỏi tôi: “Em ghi chép bằng điện thoại à? Chụp lại rồi về nhà chép lại sao?”

“Không phải đâu, em có tải một ứng dụng ghi chú trên đám mây vào điện thoại.” Tôi vội mở điện thoại ra cho anh xem. “Ứng dụng này có thể lưu trữ ghi chú trên mạng, chỉ cần tải ứng dụng về, nhập tài khoản và mật khẩu là có thể xem ghi chú trên bất kỳ thiết bị điện tử nào.”

“Công nghệ bây giờ tiện lợi vậy sao…” Diệp Thanh Hữu nhìn qua rồi lộ ra một biểu cảm khác thường, có chút ngạc nhiên nói.

Tôi vừa định mở cho anh ấy xem nhưng rồi đột nhiên nhớ ra ghi chú của tôi toàn là mấy thứ như “Hoàng thượng, xin ngài hãy yêu thương thần” hay “Chủ tịch độc tài và chàng vợ mềm yếu… Ừm…”

Tôi lập tức rút ngay điện thoại lại. Nếu để Diệp Thanh Hữu phát hiện ra tôi toàn viết mấy thứ gay với gay thế này thì chắc tiêu đời luôn.

“Được rồi, em dùng cái này để ghi cũng được.” Diệp Thanh Hữu gật đầu.

Trà Diệp Thanh Hữu pha cũng giống như khí chất của anh ấy, hương thơm nhẹ nhàng, mang chút ấm áp. Anh rót đầy hơn nửa chén trà rồi dời bộ trà sang một bên, lục lọi dưới bàn trà lấy ra một chiếc bảng đen nhỏ: “Chúng ta vừa uống trà vừa học. Bài học đầu tiên hôm nay là về trà lễ, trà lễ bắt nguồn từ phong tục hôn nhân với ba lần trà sáu nghi lễ. Người xưa thường dùng trà để chúc phúc hôn nhân, vì họ tin rằng cây trà “trà không rời gốc, trồng là sinh con”.”

Tôi gật đầu, vội vàng ghi lại: “Trà lễ tương đương với nghi lễ hôn nhân, sinh con vững vàng, cần phải coi trọng.”

Diệp Thanh Hữu lại nói: “Điều đầu tiên của trà lễ là hình thức phải chỉnh tề, móng tay của em rõ ràng không đạt yêu cầu.”

Tôi cúi xuống nhìn móng tay cửu âm bạch cốt trảo rất gay của mình, cố gắng bào chữa: “Ngày xưa chẳng phải nói thân thể là do cha mẹ ban tặng, không nên dễ dàng làm tổn hại sao. Người học thức thì không cần phải lao động chân tay, tất nhiên là để móng tay dài, đó là biểu tượng của địa vị và tri thức. Anh đến viện bảo tàng Học viện Nhạc Lộc, sẽ thấy bức chân dung của Chu Hi, móng tay còn cửu âm bạch cốt trảo hơn em nữa.”

Diệp Thanh Hữu: “Nhưng trông lôi thôi quá.”

Tôi quật cường nhìn anh, còn anh thì bình tĩnh nhìn tôi.

Tôi đầu hàng.

Tôi: “Dạ em cắt.”

Tối hôm đó, tôi cắt hết những móng tay rất gay của mình, rồi xếp theo thứ tự trên tấm lót chuột, chụp ảnh đăng lên trang cá nhân QQ: “Tui không còn móng tay nữa, tui không còn là người có văn hóa nữa, tui là nông dân chân đất rồi hu hu huqwq.”

Diệp Thanh Hữu thả cho tôi một nút like.

Quên chưa nói. Đàn anh Diệp là một người cổ hủ, cứ tưởng biết dùng QQ là hiện đại lắm rồi, còn chẳng biết WeChat là cái gì.

Bốn buổi học đầu đều là kiến thức khái niệm, bắt đầu từ buổi thứ năm mới chính thức giảng về sáu loại trà lớn. Xanh lá, vàng, đỏ, trắng, xanh dương, đen, sau đó có riêng một buổi về Phổ Nhĩ, một buổi về trà hoa, giảng xong là bắt đầu thi chứng chỉ nghệ nhân trà cấp sơ cấp.

Chứng chỉ nghệ nhân trà của quốc gia có năm cấp bậc: sơ cấp, trung cấp, cao cấp, kỹ sư và kỹ sư cao cấp. Đàn anh Diệp là cấp kỹ sư nên khóa học của anh chỉ dạy đến cao cấp. Nghĩ đến việc sau học kỳ này tôi có thể mang về nhà một tấm chứng chỉ nghệ nhân trà để làm màu, tôi thấy cũng hơi háo hức.

Một buổi học thường kéo dài khoảng hai tiếng, nhưng đàn anh Diệp giảng bài cho tôi rất nhanh, thường chỉ cần một tiếng rưỡi là xong hết nội dung trong sách, nửa giờ còn lại tôi sẽ làm nũng anh pha cho tôi một bình trà trắng Phúc Đỉnh.

Chúng tôi thường học như thế này.

Diệp Thanh Hữu: “Cuốn sách trà đầu tiên của nước ta là…”

Tôi: “Trà thánh Lục Vũ, Trà Kinh.”

Diệp Thanh Hữu: “Trong Trà Kinh, Lục Vũ nhắc đến nước dùng để pha trà…”

Tôi: “Nước suối bên trên, nước sông ở giữa, nước giếng ở dưới.”

Diệp Thanh Hữu: “Về dụng cụ trà, nếu gọi Nghi gốm Cảnh sứ…”

Tôi: “Ấm tử sa Nghi Hưng, sứ Cảnh Đức Trấn.”

Diệp Thanh Hữu vỗ tay: “Dạy em học rất thoải mái.”

Tôi làm màu xong liền khiêm tốn vài câu: “Đâu có đâu có, đều là kiến thức văn hóa cơ bản thôi.”

Diệp Thanh Hữu cười: “Em thật khiêm nhường, thường thì sinh viên không biết nhiều về văn hóa như em đâu. Lần trước anh dạy một lớp trung cấp, có một học sinh hỏi anh tử sa là loại cát gì… Còn có chuyện nực cười hơn nữa, có người hỏi anh là trà Ô Long hay trà Thanh ngon hơn, rồi Phổ Nhĩ và trà đen khác nhau chỗ nào.”*

Tôi: “Ha ha ha ha ha ha ha a!”

Nhưng tôi không dám nhắc anh người hỏi trà Ô Long hay trà Thanh ngon hơn chính là tôi của ba ngày trước.

Sau giờ học, như thường lệ, tôi nán lại làm phiền anh để xin uống trà, cũng hỏi vài câu ngớ ngẩn như kiểu trà Ô Long và trà Thanh cái nào ngon hơn để cố duy trì cuộc nói chuyện gượng gạo. Diệp Thanh Hữu thật sự rất kiên nhẫn, từng câu hỏi một đều được anh trả lời chi tiết.

Ví dụ tôi hỏi anh tại sao trà người khác pha thì đắng, còn trà anh pha lại không đắng. Diệp Thanh Hữu nói có nhiều lý do lắm. Có loại trà bản chất đã đắng, như trà rầy cắn của Đài Loan; mỗi người có tính cách khác nhau, tâm trạng khi pha trà cũng khác, nên hương vị trà cũng khác nhau. Nhưng nguyên nhân phổ biến nhất khiến trà bị đắng là do cách pha không đúng, làm cho polyphenol trong trà tiết ra quá mức. Không phải trà anh pha không đắng, mà là anh dùng đúng cách để đối xử với trà, nên trà tự nhiên sẽ trả lại cho anh hương vị tuyệt vời nhất của nó và đó cũng là trách nhiệm của một nghệ nhân trà. Nói xong anh lại hỏi tôi, trước đây em đã uống trà của ai pha chưa?

Tôi đếm ngón tay: Vương Đại Chúc, bố em, hết rồi. À không, em còn uống một loại trà nữa, cũng không đắng!

Diệp Thanh Hữu hỏi: Trà gì?

Tôi nói: Trà đỏ đá.

*Trà Thanh là một trong sáu loại trà lớn, còn có tên khác là trà Ô Long. Phân loại trà phổ biến dựa trên phương thức chế biến, trong đó Phổ Nhĩ là một loại của trà đen.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.