Thực ra Diệp Thanh Hữu nói đúng.
Dù đây không phải là buổi biểu diễn chính thức ra mắt công chúng, nhưng nó vẫn là một kỳ thi nghiêm túc và chuẩn mực. Bất kể có sự cố nào xảy ra trong quá trình, cũng không thể dừng lại hay làm lại.
Tôi cắn răng, hít một hơi thật sâu, lấy hết can đảm cầm lại ấm nước.
Sau “cam lộ nhuận tâm sen” sẽ đến bước “Phượng hoàng tam điểm đầu”. May mà mấy lần luyện tập chăm chỉ trước đó đã không phụ lòng tôi. Ba lần nâng lên hạ xuống đều đặn, sau cùng tôi thu nước một cách gọn gàng từ trên cao, nước trong ba ly được rót ra hoàn toàn đều đặn, bằng phẳng. Đây có lẽ là bước tôi làm tốt nhất kể từ khi bắt đầu biểu diễn. Ngay cả những lần luyện tập trước đây cũng không đạt đến mức hoàn hảo như lần này. Có khởi đầu tốt, các bước tiếp theo cũng tự nhiên mà suôn sẻ. Từ “Bích ngọc trầm thanh giang”, “Quan Âm phủng ngọc bình”, đến “Xuân ba triển kỳ thương”, và “Huệ tâm ngộ trà hương”, tôi hoàn thành một loạt các động tác khá mượt mà. (1)
Khi tôi cuối cùng cũng đặt ly thủy tinh trở lại bàn trà, lần lượt vào vị trí, vai tôi chùng xuống ngay lập tức, yếu ớt hỏi Diệp Thanh Hữu: “Đàn anh, em được bao nhiêu điểm…?”
“Em tự cảm thấy mình qua chưa?” Diệp Thanh Hữu không trực tiếp trả lời câu hỏi của tôi mà hỏi ngược lại.
Tôi khô khốc nói: “Chưa qua.”
Diệp Thanh Hữu cúi đầu nhìn lại bảng điểm đã đầy những ghi chú của anh: “Em tự đánh giá thử xem, lần này biểu diễn nghệ thuật pha trà chỗ nào làm tốt, chỗ nào chưa làm tốt?”
Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói: “Phượng hoàng tam điểm đầu không có sai sót, mấy bước cuối cùng cũng không gặp vấn đề lớn.”
Diệp Thanh Hữu gật đầu, ra hiệu cho tôi nói tiếp.
Tôi im lặng một lúc rồi bắt đầu khô khốc liệt kê những lỗi ngớ ngẩn mình đã phạm phải hôm nay: “Em không chuẩn bị đủ đạo cụ trước khi biểu diễn, bước đun nước và đốt hương làm sai thứ tự, khi dùng khay trà để trưng bày lá khô thì tay cầm không đúng tiêu chuẩn, trước khi ngâm trà quên làm nguội nước, giữa chừng thì không nên để sai lầm ảnh hưởng và biểu lộ ý muốn dừng biểu diễn.”
Tôi lần lượt liệt kê từng lỗi của mình, càng đếm càng thấy mình không thể tha thứ, mặt mày ủ dột nhìn Diệp Thanh Hữu, chờ anh tuyên bố kết quả. Diệp Thanh Hữu lại nhìn bảng điểm trong tay rồi hỏi lần nữa: “Còn gì nữa không?”
Mặt tôi gần như nhăn lại: “Còn nữa sao? Còn nữa… Em thật sự không nghĩ ra.”
Diệp Thanh Hữu: “Em nghĩ thêm đi.”
Tôi lướt qua toàn bộ quá trình pha trà của mình từ đầu đến cuối, rồi lại lướt từ cuối lên đầu một lần nữa, nhưng thật sự không nghĩ ra thêm lỗi nào để chỉ ra, tôi đáng thương nhìn chằm chằm vào Diệp Thanh Hữu. Diệp Thanh Hữu trầm ngâm một lúc rồi nhắc nhở: “Lục Du từng nói, ‘Nhữ quả dục học thi / Công phu tại thi ngoại.’*. Em muốn học trà, công phu cũng nằm ngoài trà.”
*(Nếu như con quả muôn học làm thơ thì công phu là ở ngoài việc chữ nghĩa)
Cuối cùng, tôi chợt nhớ ra điều quan trọng mà mình đã quên.
Tôi đã không rửa tay trước khi pha trà.
Rửa tay trước khi pha trà không chỉ là vấn đề vệ sinh mà còn là một nghi lễ quan trọng, thể hiện sự tôn trọng với trà và văn hóa, tinh thần của nó. Trà là loài cỏ quý hiếm của núi non, thanh khiết, xua tan phiền muộn, là thứ cỏ lá sạch và tinh khiết nhất trên đời. Dùng đôi tay bẩn để chạm vào trà không chỉ làm bẩn lá trà mà còn là sự xúc phạm và coi thường sự “thanh khiết” đó.
Lúc ấy lưng tôi lạnh toát, mồ hôi lạnh chảy dọc theo thái dương, thậm chí tôi còn không dám nhìn thẳng vào mắt Diệp Thanh Hữu. Diệp Thanh Hữu thở dài một hơi, đưa bảng điểm cho tôi: “Em tự xem đi.”
— Năm mươi điểm. Kỹ thuật không đạt, lễ tiết chưa đủ, thái độ không đúng mực. Bảng điểm đó được ghi đầy những dòng chữ dày đặc với nét bút thanh mảnh, không bỏ sót một lỗi lầm nào của tôi, từ lớn như không rửa tay, không hâm chén và dụng cụ, đến nhỏ như không mỉm cười, tư thế cầm chén không đúng, giống như một bản cáo trạng dán thẳng vào mặt tôi. Tôi lúng túng cất bảng điểm đi, cẩn thận quan sát sắc mặt của Diệp Thanh Hữu.
Không có biểu cảm gì, khóe miệng lạnh lùng khẽ cong lên, đôi mắt đen như hắc diện thạch nhìn thẳng vào tôi.
Tôi vô thức co rụt vai lại, cố gắng đưa ra một lời giải thích hợp lý cho thất bại của mình: “Khụ, đàn anh Diệp, em không cố ý… Hay là để lát nữa thi lại? Lần tới em chắc chắn sẽ qua.”
“Lúc nãy khi anh hỏi em có muốn hoãn lại một thời gian để thi hay không, em đâu có nói thế.” Diệp Thanh Hữu nói. “Anh đã cho em rất nhiều cơ hội rồi. Biểu hiện của em hôm nay hoàn toàn nằm trong dự đoán của anh, không có gì để nói nữa. Trước đây, anh đã nhắc em nhiều lần đến trà thất để luyện tập toàn bộ quy trình biểu diễn nghệ thuật pha trà, nhưng em chỉ nói suông, không hề có hành động thực tế. Khi đó, anh đã biết kết quả kỳ thi thực hành lần này của em chín phần mười sẽ như vậy.”
Tôi vội vàng nói: “Xin lỗi, nhưng dạo này em thật sự hơi bận…”
“Anh không chấp nhận bất kỳ lý do nào, tất cả chỉ là cái cớ.” Ánh mắt Diệp Thanh Hữu lạnh lùng hơn mọi ngày, lời nói cũng sắc bén đâm đau người. “Một buổi biểu diễn nghệ thuật pha trà chỉ mất chưa đến mười phút, thậm chí không lâu bằng một ván game của em. Em không phải là không có thời gian, mà là không muốn làm.”
Tôi nghẹn lời, lắp bắp xin lỗi: “Xin lỗi, em sai rồi. Là do em quá lười.”
“Không ngại nói cho em biết, anh đã hỏi Trần Quân xem em dạo này đang làm gì. Anh không định trách em vì điều đó, nhưng anh sợ nếu anh không nói, em sẽ không nhận ra hành vi của mình có gì không đúng,” Diệp Thanh Hữu nói. “Em còn nhớ chữ mà anh tặng em sau buổi xem phim hôm đó không? Chữ ‘Trầm’. Em thông minh như vậy, chắc hẳn biết phải hiểu chữ đó thế nào. Chữ mà anh tặng mỗi người đều liên quan đến việc mà họ đang làm. Đại Chúc thì tùy tiện qua loa, Trần Quân thì nhanh nhẹn ham học, còn em đang cố gắng làm cho tâm mình lắng xuống, muốn tập trung và đơn thuần làm một việc mà mình thực sự muốn làm. Anh nói đúng không?”
Nói đến đây anh dừng lại một lúc, chờ đợi câu trả lời chắn chắn của tôi. Tất nhiên anh nói đúng, tôi cũng đã thấu hiểu điều mà anh muốn truyền đạt vào đêm hôm đó và cũng bị nó làm cho xúc động mạnh mẽ, gật đầu liên tục. Thế nên anh lại hỏi tôi: “Vậy nếu em đã biết mình muốn gì, biết mình nên làm gì, tại sao lại phụ lòng nó và tại sao lại tự buông thả bản thân?”
Câu hỏi này thật khó để tôi mở miệng trả lời.
Tôi từng nghe người ta tức giận tuyên bố rằng, bản tính con người vốn xấu. Con người sinh ra đã mang tội tổ tông: kiêu ngạo, tham lam, phẫn nộ, lười biếng, tham ăn, dục vọng, đố kỵ – những thói xấu này bẩm sinh đã có, không ai tránh khỏi. Con người phải không ngừng mài giũa mình bằng đức hạnh, dùng đạo đức để ràng buộc bản thân, phải trải qua vô số đau khổ mới có thể chinh phục những tội lỗi nguyên thủy đó và sở hữu phẩm chất cao quý. Tôi nhớ lại mình từng giận dữ lên án sự lười biếng của Vương Đại Chúc và sự buông thả của Văn Bạch Hóa, nhưng giờ đây tôi nhận ra mình chẳng có tư cách gì. Tôi cũng chẳng khá hơn họ bao nhiêu.
Những lời chất vấn của Diệp Thanh Hữu khiến tôi chột dạ. Tôi cúi đầu, ngón tay đặt lên khăn trà, toàn thân tôi chìm trong sự hối hận và căm ghét bản thân, dao động mãnh liệt. Tôi cảm thấy hoặc mình nên tự vả một cái để ngất đi, hoặc tìm một chỗ nào đó mà chui xuống, nếu không trong giây tiếp theo, tôi sẽ chết vì xấu hổ mất.
“Tạ Gia, em quá kiêu ngạo, việc em thể hiện sự sắc bén không tốt cho em đâu,” Diệp Thanh Hữu nói. “Sự kiêu hãnh xứng đáng với tài năng của em là sự kiên định, nhưng kiêu ngạo vượt quá tài năng của mình chính là tự mãn. Anh tưởng cuộc trò chuyện lần trước đã đủ để thức tỉnh em, nhưng em không những không thay đổi mà còn trở nên tệ hơn. Người mà em làm phụ lòng không phải là anh, cũng không phải bất kỳ ai khác, mà là chính bản thân em.”
Cuối cùng Diệp Thanh Hữu nói: “Tạ Gia, em làm anh thất vọng. Nhưng điều quan trọng không phải là anh thất vọng, mà là em đừng để mình phải hổ thẹn với chính bản thân mình.”
–
Chú thích – Nguồn baidu
Bích ngọc trầm thanh giang
Sau khi rót nước nóng vào cốc, đầu tiên trà nổi trên mặt nước sau đó từ từ chìm xuống đáy chén. Điều này được gọi là “bích ngọc chìm dòng trong.”
Quan Âm phủng ngọc bình
Trong truyền thuyết Phật giáo, Quan Âm Bồ Tát thường bưng một bình ngọc chứa cam lộ, có thể trừ tai, giải bệnh, cứu khổ cứu nạn. Trà nghệ nhân dâng trà đã pha cho khách, gọi là “Quan Âm phủng ngọc bình”, hàm ý chúc phúc cho mọi người bình an suốt đời.
Xuân ba triển kỳ thương
Đây là một nét đặc trưng trong nghệ thuật pha trà xanh. Nước nóng trong chén như làn sóng xuân, làm cho búp trà từ từ nở ra, búp trà nhọn như mũi thương, lá trà mở ra như lá cờ. Một búp một lá gọi là “kỳ thương”, một búp hai lá gọi là “tước thiệt” (lưỡi chim sẻ). Trước khi thưởng trà, ngắm nhìn búp trà trong làn nước trong veo dao động, tựa như những tinh linh xanh đang múa vũ điệu của sự sống, rất sinh động và thú vị.
Tuệ tâm ngộ trà hương
Thưởng trà xanh cần phải “nhìn, ngửi, và nếm”. Sau khi ngắm cảnh “xuân ba triển kỳ thương”, cần ngửi hương trà. Trà xanh khác với trà hoa và trà ô long, hương trà thanh tao nhẹ nhàng, cần dùng tâm hồn cảm nhận mới có thể ngửi được hương xuân, cũng như mùi hương thanh khiết, sâu lắng của sự sống.