Mùa hè năm 200X, bãi cát rộng cuối khu xóm Y…
- Trẻ hư! Đứa xui xẻo!
- Tránh xa bọn tao ra!
Trên bãi cát, một đám trẻ con đang bắt nạt một cô bé tám tuổi. Chúng nó vây quanh cô bé, xô đẩy khiến em hết ngã dúi sang bên này lại ngã nghiêng sang bên kia. Cả người cô bé đầy cát, miệng cũng có cát. Cô bé khóc nức nở, nước mắt nhạt nhòa rơi xuống mang theo những hạt cát ướt đẫm.
- Mày mới chuyển về đây chưa được bao lâu mà đã hống hách như vậy rồi. Ba mẹ tao nói rằng ba mẹ mày bắt mày ở trong nhà là vì không muốn mày chơi với bọn tao. Ba mẹ mày còn bảo tụi tao hư đốn mất dạy nữa cơ.
Một đứa con trai khoảng mười một, mười hai tuổi đứng giữa đám con nít, khinh bỉ nhìn em và hất hàm nói. Cậu ta cao nhất đám. Dù còn nhỏ nhưng khuôn mặt cực kì ưa nhìn với đôi mắt nâu hoang dã sắc bén và làn môi mỏng cong cong.
Cô bé run bần bật, em ngước ánh mắt sợ hãi nhìn chúng. Khi đôi mắt khốn khổ của em chạm phải cậu bé kia, ánh mắt bỗng trở nên bi ai rồi dần hóa ra băng lạnh.
Đúng lúc này, từ phía xa bỗng có một quả bóng cát bay vút tới, lao thẳng vào mặt em!
Cô bé ngay lập tức ngã bật ra phía sau, ôm lấy khuôn mặt đau điếng, ré lên. Cát lấp kín mắt khiến em cảm thấy mắt mình như có muôn nghìn con kiến bò bên trong. Em nhắm chặt mắt, vẻ mặt vừa đau đớn, vừa sợ hãi.
- Ha ha ha! Đáng đời!
Cả đám con nít cười phá lên, có đứa ngặt nghẽo đến chảy cả nước mắt.
Cô bé không nói gì cả, em vừa quệt tay qua mặt, cố gắng lấy đám cát đi vừa mếu máo. Các cơ mặt vặn vẹo và tròng trắng tấy đỏ. Trông em thật vật vã. Biểu hiện đó nhanh chóng khiến bọn trẻ e ngại, một đứa vội vã nói:
- Ê tụi bây! Đi mau thôi! Nhìn nó… Thấy ghê quá! Lỡ nó chết thì tụi mình biết làm sao?
- Ừ, thôi, chạy tụi mày ơi!
Một thằng khác tiếp lời nhưng nó chưa nói hết câu, đồng bọn đã chạy bay biến đằng xa rồi. Nó thấy hoảng, cũng vội chạy theo sau đám bạn. Cậu bé mười một, mười hai tuổi ban nãy nhìn theo bóng đám con nít nhát gan khuất dần, đôi mắt hoang dã lạnh nhạt rơi lên người em hồi lâu, mặt đanh lại. Cậu ta cũng hừ mũi rồi bỏ đi.
Sau khi bọn nhóc mất hút, cô bé cũng dần mở được mắt ra, ấy là vì cát trong mắt đã bị nước mắt cuốn ra ngoài hết cả rồi. Cô bé loạng choạng đứng dậy, mới đi được hai bước, đôi chân run rẩy đã lại khiến em ngã nhào ra cát một lần nữa.
Cô bé mím môi, hai mắt trợn lên trừng trừng, lóe lên tia sáng phức tạp. Ánh mắt ấy đơn độc như đêm tối, uất hận như con thú hoang bị trúng tên. Dù vậy, những giọt lệ trong suốt vẫn không ngừng trào ra, lệ thánh khiết như sương, trượt xuống má, mang theo những hạt cát nhỏ bé vô tình…
Cô bé mạnh mẽ chống tay lên nền cát, hàm răng trắng như sứ cắn chặt vào đôi môi mọng đỏ, kiên cường đứng dậy. Em phủi hết bụi cát dính trên chiếc váy màu tím, khập khiễng bước đi, đi ra khỏi bãi cát, đi về căn nhà tối tăm của mình.
Bãi cát hoang vu, trời xanh biêng biếc mơ màng, mây trắng nhàn rỗi trôi trôi, thiên nhiên như đồng thanh cất một tiếng thở dài….
Tôi tên là Nguyễn Ngọc Dịu Yến, học sinh lớp 3B trường tiểu học XX. Tôi là đứa trầm lặng, cô độc không bạn bè. Tôi đã từng xin ba mẹ cho tôi được ra ngoài chơi với những đứa trẻ cùng xóm nhưng ba mẹ chỉ cười, xoa đầu tôi và bảo:
- Mấy đứa trong xóm này vô giáo dục lắm! con đừng chơi với tụi nó! Kẻo lại hư giống chúng nó đấy!
Câu nói của ba mẹ nhẹ nhàng hệt như khói sương vậy.
Hằng ngày, ba mẹ đều đi làm. Tôi không được ba mẹ đưa đón đến trường, dù mới lớp ba, tôi đã bắt buộc phải cuốc bộ từ nhà đến trường rồi từ trường đến nhà, đều đặn ba mươi ngày một tháng, mười hai tháng một năm, và suốt năm năm tiểu học. Chuyện này đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra cho tới khi nào tôi không còn đi học nữa thì thôi.
Nhà tôi chỉ có bốn thành viên, bao gồm: Ba, mẹ, tôi và chị hai. Nói là bốn người vậy thôi chứ thật ra chỉ có mỗi tôi, ba và mẹ là ở nhà. Còn chị hai tôi ư? Người chị mà tôi chỉ còn nhớ được mỗi đôi mắt đen láy và cái lún đồng tiền duyên dáng trên má? Người chị xa xăm ấy của tôi, từ năm bốn tuổi tôi đã không còn được nhìn thấy nữa rồi. Chị sống với bà ngoại ở tận miền bắc xa xôi, còn tôi sống với nội, tận cùng miền nam đất nước. Chị và tôi tựa như hai thái cực, đối nhau và không bao giờ đến gần nhau. Hơn nữa, giữa miền bắc của chị và miền nam của tôi còn cách cả một vùng miền trung rộng lớn nữa mà. Thế nên, tôi đã cho phép mình làm một điều tàn nhẫn: Tôi sẽ quên chị ngay bất cứ khi nào tôi còn lý trí. Tôi sợ nhớ về chị thì tôi sẽ thấy tủi thân mất, lúc đó tôi sẽ lại cô đơn và tôi biết, mỗi lần mình cô đơn thì cũng chẳng có ai chìa tay ra với mình đâu. Đó là kinh nghiệm mà tôi đã đúc kết được sau ba mươi lần khóc lóc trước mặt mẹ, mười lăm lần bày tỏ tâm trạng của mình với mẹ, hai mươi sáu lần nài nỉ nhõng nhẽo với ba.
Vào buổi trưa, nhà tôi không có ai cả, chỉ một mình tôi. Buổi trưa do ba mẹ đều đi vắng nên tôi phải tự mình lo liệu. Mẹ nói lúc tôi còn nhỏ thì tạm thời cho tôi ăn bánh mì trừ cơm, đến khi lớn, tự tôi biết nấu cơm rồi hẵng tính tiếp.
Thế là ngày ngày, tôi đều phải ăn bánh mì, bất chấp có ngán hay không đều phải ăn. Hì, tôi cười, ăn… Chỉ là để sống mà thôi.
Cuộc sống của tôi khá đơn giản. Không có bạn. Ở nhà không trong lớp cũng không. Thường ngày, khi tôi đi học về thì liền đi tắm rửa, sau đó gặm mấy ổ bánh mì qua quýt rồi trèo lên võng và đánh một giấc ngủ trưa nồng nàn, ngủ đến chiều tối thì ba mẹ sẽ đi làm về.
Hằng ngày, tôi đều phải đối mặt với căn nhà trống không lạnh lẽo, với bốn bức tường lãnh đạm âm u. Lúc nhỏ, tôi chỉ biết rằng căn nhà này rất tối tăm, tôi rất buồn tủi và cô độc, nhưng sau này, tôi đã tìm được một từ vựng cực kỳ chính xác để miêu tả về mái ấm của mình. Từ ấy rất đơn giản, đó là: 'Tù'.
Tôi cứ sống cuộc sống ảm đạm đơn độc như thế, ban đầu thì sợ hãi và đau khổ, sau đó một thời gian, không còn sợ hãi và đau khổ nữa mà thay vào đó là uất hận. Hận ba mẹ, hận ông trời, hận cuộc đời đáng nguyền rủa… Rồi dần dà, nỗi hận cũng hóa thành hư vô, tôi giờ đã chai lì và vô cảm. Giờ tôi mới thấy căn nhà này không đáng sợ như mình nghĩ, và tôi bỗng buồn cười, buồn cười vì một thời mình đã quá yếu đuối, quá mỏng mảnh.
Tám tuổi, tôi là một đứa trẻ bất cần đời…