Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 55




Ở trên thuyền mấy ngày, hễ có thời gian rảnh là Sở Vọng lại lôi sách vở ra học môn phiên dịch, dịch liền một cách các tác phẩm văn cổ mà các giáo viên ngày trước từng dạy thành văn xuôi hiện đại, rồi lại từ văn xuôi hiện đại dịch sang tiếng Trung. Cô ngồi trong phòng làm việc trên, Mật Thu và Lật Thích thấy điều mới mẻ thì xúm lại tôi một câu cô một câu. Bỗng dưng có bầu không khí sinh hoạt náo nhiệt chưa từng có khi ở chỗ bà Kiều.

“Cô chủ đang làm gì vậy?”

“Người hầu chúng ta biết chuyện của cô chủ làm gì? Cẩn thận, đừng làm ồn cô chủ.”

“Chỉ có cô Tạ là năng lui tới nhà ta, mà cô ấy có để ý chúng ta đâu. Còn cháu của bà trời sinh dịu dàng, tuy ít nói nhưng khiến người ta gần gũi hơn.”

Thỉnh thoảng nói chuyện với hai người bọn họ, cô mới biết một điều, thì ra trước kia tên của Mật Thu và Lật Thích là tên tiếng Anh, Mật Thu là Michael còn Lật Thích là Lizzy, để người Hoa kiều và người ngoại quốc thường xuyên đến biệt thự dễ gọi. Về sau dịch sang tiếng Trung cũng để tiện cho khách Thượng Hải từ trong nước đến.

Tuy bà Cát không cho phép Sở Vọng đến buổi khiêu vũ chơi, nhưng khi trên thuyền có kinh kịch và hát côn khúc thì bà vẫn dẫn Sở Vọng đi xem, đồng thời cũng gọi Chân Chân đi cùng. Sở Vọng đâu nghe hiểu kinh kịch, lúc mở màn thì nhìn các đào kép ca hát đi tới đi lui, áo xanh phủ ngoài áo đỏ, hai màu xanh hồng sặc sỡ đan xen, đợi tới khi mọi người hò reo cổ vũ thì cô cũng vỗ tay theo đám đông. Trên thuyền có không ít người nước ngoài, không biết có xem hiểu không hay chỉ tới góp vui, vỗ tay gào thét còn to hơn ai hết, thậm chí vỗ tay xong rồi, bọn họ còn châu đầu vào nhau cười nói ầm ĩ.

Chân Chân tập trung xem hết kinh kịch rồi chuyển sang côn khúc, cuối cùng cắn hạt dưa bình luận một câu: “Người ta nhả châu nhả ngọc, còn bọn họ như bị mắc cổ, yết hầu hỏng rồi.” Ngày trước khi ở nhà, Chân Chân từng theo vai đào nổi tiếng trong và ngoài nước học hát mấy năm, nên lời nhận xét cô đưa ra rất đúng trọng tâm. Bà Cát nghe thế thì chỉ liếc nhìn, rồi cười cười xem kịch tiếp.

Mà người nổi bật nhất trên thuyền chính là cậu Tạ ở bên cạnh. Sau tranh chấp với anh Hoàng đêm đó, Sở Vọng không thấy anh ta đâu nữa. Theo lời bà Cát nói thì là: “Đây là lúc cậu ta buông thả nhất.”

Sở Vọng học xong thì theo bà Cát đi chơi khắp thuyền cả ba ngày, thuyền cũng tiến dần từ duyên hải chạy vào bến cảng. Mọi người gào thét và vỗ tay ầm ầm khi sắp cập bến, nhưng lần này Sở Vọng không có tâm tình kích động như trước. Trong tiếng hoan hô của du khách khi lần đầu đến Hương Cảng, Hoàng Mark dựa vào cửa huýt sáo, nói: “Quãng đường này đúng là gió êm sóng lặng. Thuyền viễn dương của bọn họ chắc cũng sắp đến Ấn Độ Dương rồi nhỉ?”

Tạ Trạch Ích nghe thế thì lại lên tiếng, “Ấn Độ Dương, đúng là khiến người ta hoài niệm.”

Kiều Mã Linh hỏi: “Ấn Độ Dương thế nào?”

Anh Hoàng giải thích: “Du học sinh đi châu Âu mà nhắc đến Ấn Độ Dương thì đều ngầm hiểu: gió lớn liên miên, mấy ngày ở trên thuyền là mấy ngày không được ăn uống ra hồn, ra khỏi Ấn Độ Dương sẽ vào biển Đỏ, biển Đỏ thì yên ổn hơn, sau đó là đến bến cảng. Vì vậy mà Ấn Độ Dương được gọi là ký ức nôn mửa.”

Kiều Mã Linh ồ một tiếng, “Chỉ sợ cậu và em hai phải chịu đựng, nhất là em hai –”

Phòng đối diện lỉnh kỉnh di chuyển đồ đạc, còn bên này lại cực kỳ thong thả. Chân Chân và bà Kiều mệt đến mức đổ mồ hôi, còn Sở Vọng đi theo bà lại rất nhàn hạ ăn xoài khô.

Vừa xuống thuyền, rất nhiều lái xe nhao nhao ùa lên tìm khách. Chợt trong đám đông vang lên giọng nữ quen thuộc, đứng từ xa hét lớn: “– Anh ơi, ở đây!”

Sở Vọng và Chân Chân nghe rất quen tai, bèn nhìn theo tiếng gọi. Tạ Di Nhã mặc áo phông trắng, tóc đuôi ngựa màu hạt dẻ cong cong được ánh nắng rực rỡ hắt lên, đứng giữa đám đông vô cùng nổi bật, khiến không ít các chàng trai phải đưa mắt ghé nhìn. Chân Chân hừ một tiếng nghiêng đầu đi, Sở Vọng bật cười, chia nửa quả xoài khô của mình cho cô ấy, miễn cưỡng đè lại lửa giận của Tiết đại tiểu thư.

Có điều Tạ Di Nhã ở bên kia đúng là chói mắt thật.

Tạ Trạch Ích hỏi: “Cha đâu?”

Tạ Di Nhã cười nói: “Cha bận việc làm ăn nên gần đây đã đi Mã Lai rồi. Có điều mẹ tư mẹ năm mẹ bảy đều đến, mặt mũi anh hơi bị lớn đấy.”

Cô nàng chỉ vào một nơi ở cách đó không xa: bốn năm chiếc xe Dodge đang đậu trên sân bãi ở bến cảng, ba bốn người phụ nữ da trắng trung niên yêu kiều quyến rũ bước xuống xe.

Hiếm khi thấy Tạ Trạch Ích đen mặt như lần này, miễn cưỡng trấn định đi đến chào hỏi, “… Đã lâu không gặp, các mẹ càng lúc càng trang điểm đẹp.”

Sở Vọng xoay đầu đi cười phì một tiếng. Ở bên này, nhà họ Kiều và nhà họ Cát cũng chậm rãi đi đến. Bà Kiều miễn cưỡng khách sáo với bà Cát một hồi, sau lại hỏi: “Hay là để Sở Vọng nó đi cùng tôi về nhà đi, nó còn nhiều đồ đạc ở bên kia lắm.”

Bà Cát khoác tay Sở Vọng cười bảo, “Mấy thứ đó cứ để lại chỗ chị đi, để con bé đến chỗ chị thì còn có đồ dùng. Đến chỗ tôi mà còn cần mấy thứ đồ cũ đấy à?”

Bà Kiều bật cười: “Nói cũng đúng. Một mình Chân Chân ở chỗ bác cũng ngột ngạt buồn lắm, Sở Vọng cháu nhớ đến chơi thường xuyên nhé.”

Lên xe nhà họ Cát, băng qua cảnh huyên náo chạy lên núi. Lần này khác với lần trước – lần trước chăm sóc mọi người suốt dọc đường, đến khi xuống thuyền lại vừa sợ hãi với thế giới lạ lẫm vừa cảnh giác về tương lai, nên bắt buộc phải gắng gượng. Còn bây giờ chơi vui vẻ suốt dọc đường, bây giờ đã mệt mỏi, cô vừa lên xe đã ngủ say, giữa chừng lại ngáy khò khò như một chú mèo nhỏ, làm bà Cát bật cười.

Xe dừng lại trước cửa biệt thự họ Cát, người hầu đi ra đón, gọi “thưa bà” “thưa bà” liên tục. Bà Cát buồn bực, dặn bọn họ thấp giọng lại, “Cô ba vẫn đang ngủ trên xe. Các em chuyển đồ vào phòng đi, đợi con bé ngủ thêm lát nữa rồi hẵng gọi dậy.”

Tuệ Tế đáp vâng, vui vẻ nói, “Cô ba cũng đến rồi sao? Em cứ tưởng phải đợi thêm mấy hôm nữa.”

Hai người đang nói chuyện thì Sở Vọng đã mơ màng lẩm bẩm, “Đến nơi rồi ạ?”

Bà Cát nói, “Nếu dậy rồi thì mau về phòng ngủ đi, không bị cảm lạnh đấy.”

Sở Vọng đi theo sau bà Cát và Tuệ Tế, lúc vào cửa thì đưa mắt nhìn cột trụ màu trắng lát đá cẩm thạch. Cánh cửa màu đỏ tía được đẩy ra, cầu thang trắng theo kiểu châu Âu dần xuất hiện trong tầm mắt. Bà Cát đang định dặn người chuẩn bị bữa tối, nhưng đi được hai bước lại như nhớ ra gì đó, quay sang nói với Lật Thích: “Nếu cô ba đã đến đây thì em đổi tên đi, đừng để đụng tên tiếng Anh với con bé.”

Sở Vọng rất ít khi nói tên tiếng Anh của mình với bà Cát, thế mà bà vẫn nhớ. Lật Thích cười nói: “Vừa hay em cũng muốn đổi tên. Cô ba đặt tên cho tôi có được không?”

Dựa theo chuyện đã xảy ra trên con tàu Titanic ở cùng thời đại, cô đang định nói là “Rose”, nhưng khi thốt ra miệng thì lại thành: “La Sa* thì sao?”

(*Phiên âm tiếng Trung của tên Rosa.)

La Sa cười nói: “Màn thanh la váy lục sa, hay lắm ạ.”

Sở Vọng thầm buồn cười: người hầu của cô út đúng là tài giỏi, còn lý giải được thay cho mình nữa.

Bà Cát suy nghĩ rồi nói: “Cô đã chuẩn bị vài bộ đồ cho cháu rồi, đủ phong cách cho đủ tình huống, lát nữa Tuệ Tế sẽ dẫn cháu lên phòng, có thể mặc thử xem có vừa không. Không vừa cũng không sao, ngày mai thợ may sẽ đến. Trước khi hoàn thành đồ mới, có bộ gì thì cứ mặc tạm đi đã.”

Bà Cát dặn dò xong thì Tuệ Tế dẫn cô đến phòng của mình. Sở Vọng đi theo sau cô ấy đi xuyên qua phòng khách lớn từng thấy ngày trước, đi qua một hành lang. Cửa sổ trên hành lang dài được chạm trổ, lờ mờ thoáng thấy bóng tùng trúc mai ở bên ngoài, cứ như đang diễnTây Sương Kývậy. Băng qua hành lang, đẩy cánh cửa đầu tiên ra, Tuệ Tế dừng bước ở cửa đợi cô vào trước, “Đây là phòng của cô ạ.”

Còn chưa bước vào mà Sở Vọng đã ngạc nhiên cảm thán: Đây là căn phòng có giường lớn có thể ngắm cảnh vô cùng sang trọng trong truyền thuyết đây mà.

Tuệ Tế kéo tấm rèm ở cửa kính sát đất ra – gốc mai phía sau cánh cửa dần xuất hiện, tầm nhìn đối diện thẳng với bãi cỏ nhà bác cả.

Phòng tiếp khách loại nhỏ, có mấy chiếc ghế sofa nhỏ màu xanh biếc, ngoài ra có thêm hai ghế mây cùng bàn trà – tất cả đều rất tinh xảo. Tuệ Tế nói: “Nếu cô ba mời bạn bè đến chơi thì có thể ở đây trò chuyện.”

Hai cánh cửa nhỏ, một gian là thư phòng, một gian là phòng thay quần áo. “Bà chê tủ quần áo chật không đủ to. Giờ con gái nhà giàu đều có một phòng riêng làm phòng thay đồ, nên bà cũng bố trí một phòng như thế cho cô.” Tuệ Tế vừa nói vừa kéo ba cánh cửa tủ ở trong phòng thay đồ ra – cả ba ngăn tủ đều có đầy quần áo màu sắc sặc sỡ. Tuệ Tế lại nói: “Trước khi đi Thượng Hải, bà đã dựa theo số đo của cô bảo thợ may may gấp. Bên cạnh là phòng ngủ và buồng vệ sinh – cô có thể thử đồ xem có vừa không, tôi ra bên ngoài trước, nếu cảm thấy thiếu gì thì cứ nói với tôi.”

Sở Vọng “ừ” một tiếng, Tuệ Tế đi ra ngoài, nhân tiện khép cửa phòng lại giúp cô.

Cô nhìn chằm chằm mấy bộ quần áo treo đầy tủ: Vải cotton, vải sa, vải lụa, vải gấm, vải lanh; áo ngủ mặc ở nhà, áo len lông cừu, dạ phục, áo tắm; chơi thể thao thì có đồng phục chơi golf, cầu lông và váy tennis; khiêu vũ thì có váy nhảy tango màu đen và màu champagne đính vảy kim tuyến, váy nhảy rumba lấp lánh, váy ba-lê màu trắng tinh; áo sơ mi rộng rãi, váy đầm, Jumpsuit, áo váy; rồi còn có đồ mặc ăn tối, dạ phục, váy cocktail mặc khi gặp khách ở nhà; khi đi ra ngoài thì có áo lửng, áo khoác dài, áo vét da; đi kèm những bộ đồ này là những đôi giày và túi xách kín cả một tủ…. Cái gì cần có cũng có cả, ngoại trừ sườn xám ôm người ra, Sở Vọng không thấy thiếu thứ gì.

Đây chính là “mặc tạm đi đã” mà cô út nói đây hả?

Nhìn tủ quần áo chật ních đồ trước mặt, lúc này cô mới hiểu vì sao Chân Chân chỉ mới đến biệt thự nhà họ Cát một lần mà lúc quay về đã chê này chê nọ. So với cuộc sống ở đây, cuộc sống ở biệt thự nhà họ Kiều đúng là kém xa.

Tủ quần áo kia như có ma lực, khiến Sở Vọng không kìm nén được lập tức chọn một bộ váy gấm không tay màu lam mặc thử. Vừa cầm vào tay, cô đã giật mình sực tỉnh, lập tức nhoẻn miệng cười: quả nhiên quần áo có ma lực lớn với phụ nữ, chẳng trách trước khi Cát Vi Long đến chỗ của bà Lương thì là một kiểu, nhưng sau khi thấy tủ quần áo kia thì biến thành một kiểu khác.

Nghĩ đến đây, cô kìm nén sự kích động của bản thân, treo váy vào phòng thay đồ, chỉ chọn áo mặc trong tối nay để thay – rất vừa người. Còn những bộ đồ khác, sau này có cơ hội sẽ từ từ mực thử – vào những lúc những nơi thích hợp nhất.

Thay đồ xong thì cô lại thấy mệt, thế là kéo bức rèm màu đỏ tía vào, mặc nguyên đồ thả mình lên giường – giường nệm lông ngỗng, vừa đổ nhào xuống đã mềm mại khiến ta có cảm giác thoải mái, ngủ rất ngon giấc.

Cô út đúng là người tốt, dĩ nhiên bà ấy không phải là bà Lương rồi.*

(*Trong “Lư Hương Thứ Nhất” của Trương Ái Linh, Cát Vi Long là một cô gái thuần khiết, nhưng đã bị bà Lương là bác gái đẩy vào con đường sa đọa không lối về.)

Sở Vọng nghĩ bụng, tiện nhắm mắt lại, định chợp mắt nghỉ một lúc trước khi ăn tối, “Mình còn có chuyện quan trọng ngày mai phải làm, sao có thể mơ màng vào lúc này được?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.