Giang Hồ Tham Án Truyền Kỳ

Quyển 12 - Chương 4: Ngư long hỗn tạp




Đông kinh Biện Lương, phát triển mấy chục năm, dân chúng giàu có của cải đầy tràn, sớm không còn cảnh hoang tàn của Ngũ Đại chi loạn, biển hiện cảnh tượng thịnh thế. Tô Chuyết đứng trước cửa thành, nhìn qua dòng người lui tới, chen vai nối gót. Ngẩng đầu trông thấy hai chữ lớn Biện Lương bằng đá được viết theo thể chữ Lệ, cảm xúc chập trùng.

Bao nhiêu năm trước, y đã từng ngửa mặt ngước nhìn cửa thành Biện Kinh như vậy. Thế nhưng y lại không dám tiến vào, bởi vì y biết trong tòa thành này mặc dù có rất nhiều đại gia phú thương, nhưng cũng có càng nhiều nha sai bộ khoái, càng nhiều côn đồ ác nô hơn. Đối với một thằng bé ăn xin dựa vào hãm hại lừa gạt trộm cắp để sống qua ngày mà nói, Biện Kinh đâu chỉ như đầm rồng hang hổ. Đến nay vật đổi sao dời, Tô Chuyết sớm đã không còn như xưa nữa. Nhưng tòa thành đứng sừng sững trước mắt hiện giờ, cũng chẳng tốt hơn chút nào cả, vẫn như cũ là một đầm rồng hang hổ.

Vậy mà hôm nay, hắn không còn cách nào đi đường vòng nữa. Có một số việc, nhất định phải đối diện bước lên.

Tô Chuyết theo dòng người đi vào cửa thành, dọc theo đường cái Chu Tước gần nửa canh giờ, ngoặt vào hẻm Hộ Quốc. Trên đường đi có tiểu thương rao hàng, người đi đường như mây bay, vô cùng náo nhiệt. Nhưng Tô Chuyết cũng không có ngừng chân lại. Chờ ngoặt vào trong ngõ hẻm này, khí tượng đột nhiên xoay chuyển, trở nên có chút đè nén.

Đường tắt rất rộng, nhưng không có mấy người đi đường. Hai bên đều là đại hộ thâm trạch, mọi nhà đóng chặt cửa chính. Xa xa có thể thấy được cuối ngõ hẻm có một hộ trạch viện, trước cổng dựng một bộ câu đối phúng điếu nền trắng chữ đen, treo hai cái đèn lồng màu trắng, phía trên đều viết một chữ Điện (*), nhìn thấy mà giật mình.

(*) Điện: cúng, tế.

Ngõ hẻm này dùng phủ tướng quân hộ quốc tận cùng làm tên, là ngõ nhỏ nổi danh Biện Kinh. Ở bên trong cơ hồ đều là tướng quân xuất thân nhà binh. Tô Chuyết rẽ vào, nhưng lại vòng về, đi vào một quán trà đối diện với ngõ hẻm Hộ Quốc trên đường cái Chu Tước.

Giờ này đã gần đến giữa trưa, trong quán trà có rất nhiều người, cả phòng lớn ở lầu một đã ngồi đầy. Trong phòng lớn có đủ loại người, có hán tử giang hồ thô mãng, miệng văng tục đầy trời. Cũng có người buôn bán nhỏ, ánh mắt khôn khéo lóe lên. Còn có kẻ ăn mặc dở dở ương ương, ngồi uống trà một mình, không nói gì cả.

Tô Chuyết liếc mắt xem xét, khóe miệng hơi cong lên, bước thẳng lên bậc thang. Lầu hai xem như là trang nhã, tiền nước nôi phải cao hơn một chút, bởi vậy không có kín người hết chỗ như lầu một, cũng chẳng có ồn ào. Bất quá cơ hồ mỗi một bàn đều có một hai người ngồi. Tô Chuyết thật vất vả tìm một cái bàn không có người bên cạnh cửa sổ, ngồi xuống, vừa quay đầu thì dễ dàng trông thấy nhà đại trạch đang lo liệu tang sự kia.

Y gọi một bình Mao Tiêm phổ thông, trong thời gian chờ đợi, chợt nghe bên cạnh vang lên tiếng bước chân khe khẽ. Tiếp đó một giọng nói ôn nhuận như ngọc cất lên:

- Thí chủ, có thể thuận tiện cho mượn chỗ ngồi được không?

Tô Chuyết quay đầu nhìn, chỉ thấy một tăng nhân trẻ tuổi đứng ở trước mặt, đang chắp tay hành lễ. Hắn cao bảy xích, một thân tăng bào xanh nhạt gọn gàng sạch sẽ, khoác lên người, tựa như trời sinh vì hắn mà làm vậy. Hắn ngẩng đầu lên, chỉ thấy sắc mặt như trăng sáng, mắt như sao trời, ngũ quan cân đối, sống mũi cao ngất. Người này vừa qua đây đứng, quanh thân tựa hồ tản ra Phật quang nhàn nhạt, làm cho tất cả mọi người bên cạnh đều có chút ảm đạm đi.

Phía sau hắn còn hai người hòa thượng trung niên đang đứng. Bất quá hai người này so với tăng nhân trẻ tuổi kia, quả nhiên là khác nhau một trời một vực. Màu da hai người đều ngăm đen, mắt sâu mũi ưng, mặt mày đáng ghét, không phải là nhân sĩ Trung Nguyên. Dường như hai người chính là vì làm nổi bật tăng nhân trẻ tuổi trước thân mà tồn tại. Nhất thời Tô Chuyết có chút đờ ra. Tăng nhân trẻ tuổi kia lại lặp lại một lần nữa.

Lúc này Tô Chuyết mới lấy lại tinh thần, vội nói:

- Đại sư mời ngồi!

Tăng nhân trẻ tuổi chắp tay trước ngực cám ơn, ngồi xuống đối diện Tô Chuyết, rồi nói với hai tăng nhân khác:

- Hai vị sư huynh, xin ngồi đi!

Nguyên lai ba người này đúng là sư huynh đệ. Hai người kia ngồi song song, cách bàn trà hai thước.

Tô Chuyết hỏi:

- Không biết pháp hiệu ba vị đại sư?

Tăng nhân trẻ tuổi cười nhạt một tiếng, đáp:

- Bần tăng pháp hiệu Vô Ngã.

Người cao kều trong hai tăng nhân trung niên đáp:

- Vô Thiên.

Người mập lùn thì đáp:

- Vô Pháp.

Tiếng Hán của hai người nói trúc trắc khó nghe, Vô Ngã áy náy cười nói:

- Hai vị sư huynh này của ta không phải là nhân sĩ Trung Nguyên. Vô Pháp sư huynh nguyên là thượng sư Thổ Phiên quốc, mà Vô Thiên sư huynh thì đến từ Thiên Trúc.

Tô Chuyết cười cười, trong lòng lại hết sức kỳ quái, Vô Ngã, Vô pháp và Vô Thiên, mấy người này quả thật không thể tưởng tượng nổi. Đang nghĩ ngợi, người hầu đem trà dâng lên. Vô Ngã bỗng nhiên nói:

- Xem sắc mặt thí chủ, tựa hồ có tâm sự sao?

Tô Chuyết sững sờ, rót một chén trà cho đối phương trước, cười đáp:

- Ồ? Vô Ngã đại sư cớ sao nói ra lời ấy?

Vô Ngã cũng không khách khí, nâng chung trà lên đáp:

- Tướng tùy tâm sinh. Tương mạo của thí chủ tuy là có tài kinh thế, nhưng mà giữa ấn đường tiền đình mơ hồ có mây đen bao phủ, không giống như có phúc a!

Tô Chuyết nhấp một miếng trà, cười nói:

- Nghĩ không ra đại sư còn biết xem tướng?

- Cẩm Thành tuy vui thú, không bằng sớm về nhà.(*)

(*) Một câu trong bài thơ Thục đạo nan của nhà thơ Lý Bạch

Vô Ngã chỉ đặt chén trà dưới mũi ngửi ngửi, lại buông xuống, đứng dậy nói.

- Bất quá thấy thí chủ là người tâm chí kiên định, xem ra bần tăng nói vậy cũng là vẽ vời thêm chuyện. Đa tạ thi chủ khoản đãi, bần tăng xin từ biệt, sau này còn gặp lại!

Nói xong cùng hai người Vô Pháp và Vô Thiên quay người xuống lầu, nhẹ lướt đi.

Tô Chuyết ngẫm nghĩ câu nói của Vô Ngã, thâm ý bên trong không nói cũng hiểu. Y lại nghĩ tới trên đường đi nhìn thấy vô số người lao tới kinh thành, trên đường cái Chu Tước, tam giáo cửu lưu tề tụ, trong phòng chính ở lầu một, chính đạo tà đạo có đủ. Kinh thành hiện nay, mưa gió sắp kéo đến. Nhưng càng là nơi đầu sóng ngọn gió, càng là mưu cầu được lợi. Bởi vậy hấp dẫn đến nhiều người như vậy, quả thật là ngư long hỗn tạp.

Đang nghĩ ngợi, chợt nghe được tiếng chế giễu dưới lầu yên tĩnh, tiếp theo thế mà nổi lên một trận cười vang và mỉa mai. Tô Chuyết hơi cảm thấy kinh ngạc, chỉ thấy đầu bậc thang có một người đi đến. Người này thân mặc áo vải đường vân rộng lớn, vóc dáng không cao, trên đầu chỉ chừa một bím tóc, dáng dấp coi như khí khái hào hùng. Bên hông cài một đao cán dài, trên chân đạp guốc gỗ, nguyên lai là một người Nhật Bản. Lúc đó Phù Tang là một nước nhỏ nhất, hướng Trung Nguyên cụ biểu xưng thần. Mà người Nhật đi vào Trung Nguyên, cũng kém một bậc, bị người xem nhẹ khắp nơi, chính là tiểu dân ở nước dưới, man di ngoài vòng giáo hóa. Nhất là bọn họ ăn mặc kỳ dị, phong tục cổ quái, càng khó được Trung Nguyên tán đồng.

Bởi vậy người này vào quán trà, bị người khác chế giễu cũng không kỳ quái. Hắn cũng không có tức giận, đi vào lầu hai, trông thấy mặc dù mỗi bàn đều có người, cũng tính là rộng rãi, nên đi về phía một bàn, muốn hợp bàn (ngồi cùng). Ai ngờ người ngồi đó thấy hắn đến gần, vội nói:

- Đi đi đi, nơi này hết chỗ rồi!

Người Nhật sững sờ, thần quang trong mắt lóe lên một cái rồi biến mất, lại đi đến một cái bàn khác. Ai ngờ hỏi liền ba bàn, đều không có ai nguyện ý ngồi cùng hắn. Lúc này người hầu trà đi tới, nghiêng hỏi người Nhật:

- Nè nè, ngươi có tiền không?

Người Nhật kia mở bàn tay, lộ ra mấy đồng tiền, đáp:

- Ta có năm văn tiền, vừa đủ một bình trà.

Không nghĩ tới hắn nói tiếng Hán cũng lưu loát. Người hầu trà kia lại cả giận nói:

- Đi đi đi! Năm văn tiền còn không đủ tiền ngồi đâu!

Người Nhật đỏ bừng mặt, không hề nói gì, quay người muốn xuống lầu. Khi còn bé Tô Chuyết đã từng bị người coi khinh, nhìn thấy chuyện như vậy, cũng có chút tức giận, đứng lên nói:

- Huynh đài nếu không ngại, có thể tới đây ngồi được chứ?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.