(function(w,q){w[q]=w[q]||[];w[q].push(["_mgc.load"])})(window,"_mgq"); Sáng hôm sau, Tống Hành dậy từ giờ Mão. Hắn dành thời gian luyện công như thường lệ rồi bước vào phòng tắm rửa cẩn thận từ đầu đến chân, ngay cả y phục mặc lót cũng được hắn dặn trước là phải xông bằng hương tô hợp thật kỹ. Sau khi chắc chắn rằng trên người chỉ còn lại mùi thơm thoang thoảng, hắn mới ngẩng cao đầu, tự tin tới phòng Thi Yến Vi ăn chực.
Tống Hành đến cũng là lúc Thi Yến Vi đang ăn dở một chén cháo thịt nạc. Nàng không đứng dậy hành lễ mà chỉ nhấc mí mắt, liếc nhìn hắn rồi lại cúi đầu, tiếp tục ăn cháo.
Món bánh hồ nhân thịt dê hôm nay khá mặn, Thi Yến Vi ăn được nửa cái thì không ăn nổi nữa, bèn tiện tay đặt vào trong chén. Tống Hành ngồi xuống đối diện nàng, rửa tay xong thì cầm nửa cái bánh nàng bỏ lại lên ăn.
Thi Yến Vi cũng không lạ gì với việc hắn thích ăn những thứ nàng đã ăn qua. Nàng chỉ nhìn hắn ăn một cách ngon lành mà không có phản ứng gì, đặt bát cháo xuống rồi cầm một cái bánh bao đậu hũ lên.
Dù hơi thèm nhưng vừa ăn cháo xong nên bụng cũng hòm hòm, có khi lại không ăn hết cả một cái, may sao Tống Hành tới thật đúng lúc, Thi Yến Vi xé một nửa ra đưa cho hắn, tránh việc lãng phí thức ăn.
Tống Hành vui vẻ nhận lấy, uống hết hai ngụm cháo thịt nạc còn lại trong chén nàng rồi ăn nốt bánh hồ, trước khi chuyên tâm “thưởng thức” nửa cái bánh bao đậu hũ nàng vừa đưa.
Kỳ thực hắn không quá thích bánh bao, nhưng không biết có phải vì đã qua tay nàng hay không mà món bánh bao cũng ngon hơn so với bình thường, thậm chí còn khiến hắn không nhịn được, lấy thêm một cái nữa.
Bữa sáng của nương tử thường chỉ có một chén cháo, một đĩa bánh hồ và hai cái bánh bao. Nàng cũng dùng qua một ít, Lưu mụ sợ Tống Hành ăn không đủ no liền chủ động tiến lại hỏi xem có cần truyền thêm chút đồ ăn hay không.
Tống Hành vóc người cao lớn, chỉ chừng ấy đương nhiên là không đủ, hắn sai Lưu mụ đến phòng bếp gọi thêm một chén thịt dê.
Hôm nào Thi Yến Vi cũng có thói quen ngủ trưa còn Tống Hành thì luôn thích quanh quẩn bên cạnh nàng. Khi thấy nàng ngủ ngon lành, hắn cũng bất giác buồn ngủ, tựa vào cột giường thiếp đi từ lúc nào không hay.
Phải hơn nửa canh giờ sau, Thi Yến Vi mới ngủ dậy.
Tống Hành tỉnh lại trước nàng, cầm một quyển sách ngồi ở mép giường mà đọc, thấy nàng hất chăn liền khép sách ngay, quay sang nhìn nàng, mỉm cười trêu ghẹo: “Nương tử mà ngủ thêm chút nữa thì mặt trời sẽ ngả về phía tây mất.”
Mới vừa tỉnh dậy đã thấy gương mặt đáng ghét của Tống Hành, tâm trạng nhẹ nhõm của Thi Yến Vi bỗng trở nên phức tạp. Nàng im lặng không để ý đến hắn, một mình đến giá áo lấy y phục ra mặc.
Tống Hành thầm than vì đã trót bỡn cợt nàng về chuyện ngủ nướng, bèn đứng dậy ôm nàng từ phía sau, tựa cằm lên mái tóc nàng: “Nương tử lại giận ta đấy à?”
Thi Yến Vi không khỏi cảm thấy bất lực, đẩy tay hắn ra, thẳng thừng đáp: “Ta còn chưa mặc áo xong.”
Tống Hành thành thật ngồi gọn vào ghế bành, chăm chú nhìn nàng mặc áo. Đợi mãi cho đến khi nàng mặc xong, hắn kéo nàng ngã vào lòng, khẽ cười nói: “Hồi còn ở Thái Nguyên không phải nương tử thích làm mấy món điểm tâm lắm sao? Vừa khéo hôm nay là Trung thu, hay nương tử dạy ta làm món bánh hồ thử xem?”
Thi Yến Vi theo phản xạ muốn từ chối, nhưng Tống Hành dường như đã đoán trước được ý nghĩ của nàng. Hắn đưa tay miết nhẹ vào vành tai nàng, thấp giọng hỏi đúng một câu: “Nương tử còn muốn về Thái Nguyên không?”
Người xưa có câu: Đánh rắn phải đánh giập đầu. Tống Hành quả là rất giỏi nắm bắt tâm lý nàng. Chỉ bằng một câu hỏi đơn giản ấy, hắn đã khiến Thi Yến Vi phải nuốt lại những gì định nói, miễn cưỡng sửa lời: “Mùa thu là thời điểm thích hợp để ăn khoai môn, ngoài bánh hồ nhân thịt và quả tươi hay là làm thêm vài chiếc bánh hồ nhân khoai môn nữa?”
Tống Hành đưa tay vuốt nhẹ phần gáy trắng như tuyết của nàng, rũ mắt nhìn xuống cổ áo hé mở, lấp ló đường cong mềm mại viền quanh ngực, ý cười trên mặt càng sâu, “Hôm nay nương tử mới là nhân vật chính, ta đều nghe lời nương tử.”
Người này đúng là mặt dày, không biết xấu hổ. Thi Yến Vi liếc mắt nhìn hắn, gạt đi bàn tay càng lúc càng táo tợn của hắn ra: “Giữa ban ngày ban mặt, Tấn vương không sợ người khác cười nhạo nhưng ta thì vẫn cần mặt mũi.”
Thấy nàng cáu kỉnh không vui, Tống Hành sợ chọc quá đà thì tối nay nàng sẽ không để hắn chạm vào người nữa, đành tạm thời kiềm chế ham muốn gần gũi nàng, bế nàng lên rồi bước ra ngoài, hướng thẳng đến nhà bếp.
Tư thế ngồi này thật quá khoa trương và nổi bật, huống chi bên ngoài còn biết bao người. Thi Yến Vi e lệ như quả táo chín mọng, gần như không dám ngẩng đầu nhìn những tỳ nữ và bà mụ đang dừng bước, hành lễ vấn an.
Chỉ một lúc sau, hai người đến được phòng bếp. Thi Yến Vi vừa nhào bột vừa kiên nhẫn hướng dẫn Tống Hành rửa khoai môn, gọt vỏ, cắt thành miếng rồi đặt lên xửng hấp, cuối cùng nghiền nhuyễn cùng sữa và một ít đường cát, làm thành nhân bánh.
Tống Hành tiếp thu và thực hành rất tốt. Bột mà Thi Yến Vi nhào cũng đã được để nghỉ xong. Đúng lúc này, nhóm trù nương đưa nhân đậu đỏ và mứt táo đã được sên sẵn để làm nhân bánh hồ đến.
Hai người bận rộn suốt một canh giờ. Mẻ bánh đầu tiên được rắc thêm một ít hạt mè, bày vào chiếc đĩa năm cánh đế cao, mỗi cái đều nóng hôi hổi, tỏa ra hương thơm hòa quyện giữa mùi lúa mạch và sữa tươi ngào ngạt, chỉ ngửi thôi mà đã thật hấp dẫn.
Bên ngoài viện tử của Thi Yến Vi, Lưu mụ và những người khác đã chuẩn bị bàn dài ghế đẩu, bày biện thêm các món ăn nhẹ khác. Một bếp lò đỏ lửa đang hấp món cua đồng, thêm một lò nhỏ khác thì đang đun trà nóng, ngoài việc chuyển toàn bộ chậu cúc trong phủ ra đây thì họ còn mua thêm hàng chục chậu mới từ bên ngoài vào.
Tống Hành xách hộp thức ăn, cố ý đi chậm lại để sóng bước với Thi Yến Vi. Khi bước qua cổng viện, khung cảnh với sắc hoa nở rộ lọt vào tầm mắt khiến Thi Yến Vi không khỏi ngẩn người, quay sang nhìn Tống Hành.
Việc tốn kém nhiều nhân lực và tài lực thế này Lưu mụ không thể nào tự ý quyết định mà chắc chắn là sự sắp đặt của Tống Hành.
Thời kỳ này nữ lang có tập tục bái nguyệt vào đêm Trung thu, vì vậy nên Lưu mụ đã đặt hương án và lư hương dưới gốc cây quế trong sân.
Luyện Nhi ôm chú mèo Tuyết Cầu ngồi dưới giàn hoa, vừa vuốt ve bộ lông mềm mại của nó vừa chống cằm, đôi mắt hạnh ngước nhìn ánh trăng sáng, như đang nhớ về một ai đó ở phương xa.
Tống Hành nắm tay Thi Yến Vi, dẫn nàng ngồi xuống ghế đối diện mình. Hắn mở hộp thức ăn, lấy ra món bánh hồ nhân khoai môn mà trước nay chưa từng nghe đến hay nhìn thấy, cắn một miếng nhai kỹ.
Dưới ánh trăng sáng, Thi Yến Vi ngắm nhìn những đóa cúc đang tranh nhau khoe sắc, hoàn toàn không quan tâm đến việc Tống Hành sau khi ăn bánh sẽ cảm thấy hương vị ấy thế nào. Chỉ khi Phùng Quý và Lưu mụ mỗi người lấy một cái ăn thử, nàng mới liếc mắt nhìn qua.
Trước cái nhìn chuyên chú của Thi Yến Vi, Phùng Quý không ngừng xuýt xoa khen ngon, Tống Hành nghe thấy càng đắc ý nói rằng chính Thi Yến Vi đã đích thân dạy hắn làm.
Sau đó, Tống Hành lại mang đến một khay cua, tỉ mỉ bóc lấy phần gạch và thịt cua cho vào chén sứ trắng nhỏ.
Thi Yến Vi vốn không thích ăn cua vì ngại phiền phức, hơn nữa vừa ăn bánh hồ xong nên cũng không đói, bèn chạy tới chỗ Luyện Nhi để chơi đùa với Tuyết Cầu.
Một lúc lâu sau, Tống Hành gọi nàng lại. Hắn đẩy ba chiếc đĩa nhỏ ra trước mặt nàng. Tỳ nữ ngầm hiểu ý, bưng chậu đồng đến để hắn rửa tay.
Thi Yến Vi nhìn vào đĩa thịt cua ở giữa với ánh mắt phức tạp, lòng nàng chợt lóe lên một suy nghĩ hết sức buồn cười: có lẽ Tống Hành đối với nàng không chỉ đơn thuần là động lòng.
Ý nghĩ này vụt qua rồi biến mất, cuối cùng nàng vẫn quy kết hành động của Tống Hành là do đang có hắn đang có tâm trạng tốt, và nếu có tâm trạng tốt thì thi thoảng hắn cũng sẽ lấy lòng nàng, giống như lấy lòng một con chim được nuôi nhốt trong lồng vậy.
Nhờ sự cho phép của Thi Yến Vi, nhóm tỳ nữ muốn bái nguyệt nhưng ngại sự hiện diện của chủ nhân nên không dám manh động thì nay đều lần lượt đến trước hương án, quỳ xuống đối diện với ánh trăng, thành tâm cầu nguyện.
Từ đầu đến cuối Thi Yến Vi đều không quỳ xuống vái nguyện, điều này đã khiến Tống Hành cảm thấy kỳ lạ. Trước đây mỗi khi hắn ở nhà vào dịp Trung thu thì đều thấy Tống Thanh Hòa làm lễ bái nguyệt.
“Sao Âm Nương lại không bái nguyệt?” Tống Hành thắc mắc hỏi.
Thi Yến Vi cụp mắt lắc đầu, điềm đạm đáp: “Nếu bái nguyệt mà linh nghiệm thì trên đời đã chẳng có nhiều nữ lang đáng thương, như mảnh lục bình trôi nổi theo dòng nước”
“Ngày hội Trung thu tốt đẹp thế này thì Âm Nương nói những lời sầu bi ấy làm gì.” Tống Hành nói xong, chẳng hề bận tâm đến đám tỳ nữ bà tử hầu hạ xung quanh, hắn thản nhiên ngồi xuống bên cạnh Thi Yến Vi, kéo nàng vào lòng, ngẩng đầu nhìn ánh trăng sáng vằng vặc trên cao.
Hắn thầm mong, mỗi mùa Trung thu về sau đều có thể cùng nàng thưởng nguyệt.
Hắn muốn cùng nàng sinh con đẻ cái, để rồi dưới ánh trăng và bóng hoa rạng rỡ, ngắm nhìn nàng và lũ trẻ vui đùa.
Nhưng lúc này, trong suy nghĩ của Thi Yến Vi lại không có hình bóng Tống Hành. Nàng chỉ mong rằng trong giấc mơ có thể gặp lại cha mẹ và Trần Nhượng thêm một lần nữa, dù chỉ là nhìn thấy họ thoáng qua hay thậm chí không nói nổi một lời.
Nàng thực sự rất nhớ, rất nhớ bọn họ. Ở xã hội phong kiến hà khắc này, nàng không có lấy một người để trút bầu tâm sự, cũng không ai hiểu thấu những suy nghĩ và tư tưởng trong đầu nàng. Ngày qua ngày, nàng chỉ có thể tự an ủi và lừa dối bản thân, sống như một bóng ma và ôm niệm tưởng về Cẩm Quan thành, cố gắng không để chính mình rơi vào cảnh điên cuồng hay lạc lối.
Đêm dần khuya, hai người trở về phòng, rửa mặt xong, Tống Hành bế ngang Thi Yến Vi đi vào buồng trong.
Khi lưng nàng chạm vào lớp chăn gấm, phía trên liền truyền đến giọng nói vui buồn khó đoán của Tống Hành: “Chuyện ta từng hứa sẽ dẫn nàng quay lại Thái Nguyên, e là phải nuốt lời rồi.”
Thi Yến Vi ngồi dậy, ánh mắt bỗng trở nên lo lắng: “Ý của Tấn vương là không muốn đưa ta về Thái Nguyên nữa có phải không?”
Tống Hành gỡ trâm cài và kim điền hình hoa sen ra khỏi búi tóc nàng rồi tiện tay nắm lấy một lọn tóc đen mượt, mân mê giữa đầu ngón tay như đang thưởng thức, mày hắn hơi nhíu lại, “Không phải ta không muốn đưa nàng theo. Chỉ e Phượng Tường sắp có biến loạn, ta phải ở lại Lạc Dương, tạm thời không thể rời khỏi đây.”
Lời vừa dứt, căn phòng như rơi vào im lặng.
Chuyện liên quan đến an nguy của dân chúng Phượng Tường, nếu buộc hắn thực hiện lời hứa vào thời điểm mấu chốt này thì quả thật là không thỏa đáng.
Thi Yến Vi trầm mặc rất lâu, nàng xoắn chiếc khăn lụa trong tay, cuối cùng vẫn điềm tĩnh đề nghị: “Cho dù ngài không thể đi thì ngày xuất giá của Nhị nương vẫn là việc trọng đại. Nếu để ta đích thân báo với Nhị nương hay Thái phu nhân thì cũng hợp lẽ hơn. Huống chi Tấn vương mang trọng trách bảo vệ phương bắc, nếu Phượng Tường thật sự có biến, chắc ngài cũng chẳng thể phân tâm để lo lắng cho ta. Ta ở lại đây chỉ khiến ngài thêm bận tâm mà thôi. À còn nữa, chẳng phải Tấn vương cũng định đón ta nhập phủ từ Thái Nguyên sao? Vậy chi bằng cứ để người đưa ta trở về Thái Nguyên đợi gả?”
Kỳ thật chẳng cần nàng phải nói ra, Tống Hành cũng đã định sẽ cho người đưa nàng về Thái Nguyên trước.
Dù hắn quyết ý định đô ở Lạc Dương nhưng suy cho cùng căn cơ của hắn ở Lạc Dương vẫn chưa thể vững chắc như ở Thái Nguyên, Nam Ngụy lại luôn nhìn Lạc Dương như hổ đói rình mồi, hắn cũng chẳng có cách nào để đảm bảo rằng lão tặc Giang Tiều kia sẽ không nhân lúc hắn rời đi mà liều lĩnh tấn công Lạc Dương. Vì vậy, việc để nàng ở lại đây một mình càng là điều không thể.
Tống Hành muốn nhân cơ hội này đòi được chút ngon ngọt, giả bộ khó xử, ôm lấy vai nàng kéo nàng vào lòng, hỏi với giọng điệu có phần ấm ức: “Nương tử thật sự chỉ muốn về Thái Nguyên mà không muốn ở lại Lạc Dương thêm vài ngày, bầu bạn với ta sao?”
Thi Yến Vi không trả lời mà chỉ đáp một cách qua loa: “Sau này khi ta chính thức trở thành nhũ nhân của Tấn vương, chẳng lẽ còn sợ không có đủ thời gian bầu bạn với Tấn vương?”
Gió đêm lạnh lẽo thổi vào khiến ánh lửa trong phòng bập bùng lay động, hai chiếc bóng hắt trên màn cũng khẽ lắc lư. Thi Yến Vi như muốn bắt lấy hình dạng cơn gió, nhìn về phía luồng sáng qua lớp màn lụa mỏng.
Sáp nến nhỏ giọt, chảy xuống chân đèn, tan thành những mảnh cánh hoa.
Bên tai nàng lại truyền đến giọng nói đầy luyến tiếc của Tống Hành, “Lần này Âm Nương đi thì không biết đến khi nào mới gặp được nhau nữa.”
Thi Yến Vi đang định lên tiếng trấn an, khuyên hắn yên tâm để nàng đi thì đã bị động tác của hắn ngắt quãng.
Đang định trách móc hắn vì trong đầu chỉ nghĩ đến chuyện đó thì lại nghe hắn nghiêm túc nói: “Mấy ngày tới nương tử phải thương ta nhiều hơn. Đợi đến sáng ngày hai mươi, ta sẽ đích thân tiễn nàng ra khỏi thành rồi để thị vệ và tinh binh hộ tống nàng về Thái Nguyên, nàng thấy có được không?”
Ý nghĩa của từ “thương” này khỏi cần giải thích gì nhiều, Thi Yến Vi vừa nghe đã hiểu ra ngay.
Dù trong lòng có căm ghét hắn cỡ nào thì nếu muốn thuận lợi rời khỏi Lạc Dương, nàng vẫn phải diễn thật tròn vai trước mặt hắn.
Thi Yến Vi cụp hàng mi dài, đôi tay nhỏ siết chặt lấy vạt áo của Tống Hành. Nàng lờ đi cảm giác lạ thường mà hắn mang lại, thoáng cau mày, tỏ vẻ nhu mì: “Những gì ta có bây giờ, từ những thứ nhỏ nhặt như quần áo trang sức đến những thứ lớn hơn như phòng ở sân viện thì đều do Tấn Vương lo liệu, thật không biết nên dựa vào đâu để thương Tấn vương nữa.”
Tống Hành bật cười thành tiếng, “Âm Nương nàng nói thừa rồi. Giờ chẳng phải nàng đang thương ta đấy sao?”
Mặt Thi Yến Vi ửng đỏ như trái đào, vòng eo mảnh mai rụt về phía sau, nàng cắn môi định đẩy tay hắn ra.
Nhưng Tống Hành chỉ dùng một tay là đã có thể dễ dàng chế ngự nàng. Hắn cúi đầu hôn lên môi nàng, cắn nhẹ vào đầu lưỡi nàng, môi lưỡi quấn quýt dây dưa, ngay cả hơi thở của hắn cũng tràn ngập mùi hương của nàng. Hắn không nhịn được, càng đắm chìm trong nụ hôn sâu, si mê hút lấy hương vị ngọt ngào từ môi nàng.
Thân nhiệt hắn dần nóng lên rồi đột nhiên thu tay, cúi người hạ thấp đầu, vừa định chạm vào váy nàng bỗng có tiếng tiểu tư thở hồng hộc vọng vào, bẩm báo rằng Trình Tư mã đang chờ bên ngoài để cầu kiến.
Tống Hành tuy mất hứng nhưng lý trí vẫn chiếm thế thượng phong. Hắn ngẩng đầu lên nhìn về phía Thi Yến Vi, bàn tay thô ráp vuốt nhẹ lên má nàng, dặn nàng cứ ngủ trước, không cần phải đợi rồi sải những bước dài ra cửa.
Bên trong phòng nghị sự.
Trình Diễm hành lễ xong, nghĩ ngợi một lúc rồi mới nhíu mày nói: “Hồi bẩm Tiết soái, thứ tử của Vương Vũ, Vương Sùng đã dẫn quân xuất chinh từ Phượng Châu, hiện đã chiếm được Trần Thương, ít ngày nữa sẽ tiến lên phía bắc đánh vào Kì Châu. Thần cho rằng Tấn vương nên gấp rút lãnh binh chi viện.”
Tống Hành vẻ mặt như thường ngồi xuống ghế thái sư, ra hiệu cho Trình Diễm ngồi, đáp bằng giọng điệu bình thản: “Phượng Tường cũng thuộc phương bắc, tất nhiên không thể không cứu. Vương Vũ hao tâm tổn sức, lệnh tử sĩ lẻn vào Thượng Dương cung hòng đoạt mạng mỗ, giờ lại mưu đồ Phượng Tường, xem ra phải đến tám phần là đã tin vào việc mỗ trọng thương, phải nằm liệt giường. Nếu đã vậy, chi bằng khiến hắn tin tưởng đến mười phần. Đợi đến khi hắn tập trung toàn lực tấn công Kì Châu, quân Thục suy yếu, mỗ sẽ dẫn quân Hà Đông tập kích bất ngờ, nâng cao sĩ khí, đánh thẳng vào Sơn Nam Tây Đạo.”
“Có phải Tiết soái định để Vệ tướng quân tới Kì Châu đoạt lại Trần Thương không?” Trình Diễm ngồi xuống vị trí bên dưới Tống Hành, suy nghĩ một lát rồi hỏi.
Tống Hành lắc đầu, điềm nhiên đáp: “Lần này hãy để Hứa Trọng dẫn năm ngàn binh Lạc Dương đi trước, trong thành cũng không thể bỏ trống, ngươi và Công Tôn Khác ở lại trấn thủ.”
Trình Diễm gật đầu lĩnh mệnh, ngẫm nghĩ thêm rồi nói: “Thần còn một chuyện khác muốn bẩm: Tiết Phụng vừa gia nhập Hà Đông quân. Hắn xuất thân từ Hà Đông Tiết thị, là cháu trai của Thái phu nhân, phải gọi Tiết soái là biểu huynh. Không biết Tiết soái định an bài hắn thế nào?”
“Nếu chỉ vì hắn xuất thân từ Tiết thị, gọi mỗ một tiếng biểu huynh mà dễ dàng ban cho một chức vị thì không chỉ khó lòng phục chúng mà còn khiến vô số tướng sĩ từng xả thân chém giết trên chiến trường bất mãn. Hãy để hắn theo Hứa Trọng tới Kì Châu, nếu hắn dựa vào bản lĩnh tự lập được quân công thì phong thưởng sau cũng không muộn.”
Nghe xong, Trình Diễm càng tin tưởng mình đã không chọn nhầm chủ tử, khâm phục thốt lên: “Tiết soái thánh minh.”
Một canh giờ trước, ở Biện Châu.
Lý Lệnh Nghi ăn tối xong, một mình ra ngồi trên ghế đá giữa đình. Trời đã sẩm tối, gió thu đìu hiu thổi qua sân viện, tỳ nữ lo nàng nhiễm phải phong hàn liền mang theo một chiếc áo choàng đến, phủ lên người nàng.
Chiếc áo choàng đó được thêu rất nhiều đóa hoa hải đường, cũng là loại hoa nàng thích nhất, rất có thể là y đã dặn riêng với tú nương.
Có lẽ là vì lần đầu nàng gặp y là ở ngoại thành Trường An, nơi đó cũng trồng rất nhiều những bụi hoa hải đường.
Lý Lệnh Nghi nói lời cảm ơn, tự tay cột dây áo choàng rồi rồi nhàn nhã nhấp một ngụm trà hoa quế.
Chợt ngoài cổng viện có bóng người lập ló hiện ra, trên tay cầm chiếc đèn lồng hình cá chép, bước thẳng vào sân đình.
Trên bàn đá có đặt một ngọn đèn chụp, ánh sáng từ đó hắt lên bộ đạo bào đang mặc trên người Lý Lệnh Nghi.
Nữ lang kia thướt tha bước tới, quỳ gối rồi cung kính hành lễ với Lý Lệnh Nghi: “Hôm nay là đêm Trung thu, trong thành không có lệnh giới nghiêm. Trước khi đi, lang quân dặn dò nô tỳ mang chiếc đèn này đến cho nữ lang thưởng ngoạn. Nếu nữ lang muốn dạo phố hay đi chơi dọc bờ sông Biện thì nô tỳ sẽ lập tức sai người chuẩn bị xe.”
Lý Lệnh Nghi nghe xong, vội bảo nàng ta đứng dậy. Nàng mượn ánh nến lẫn ánh trăng mà nhìn kỹ nàng ta, sau đó hướng ánh mắt về phía chiếc đèn lồng cá chép rực rỡ sắc màu mà nàng ta đang cầm.
Chiếc đèn được làm từ những thanh tre nắn thành thân hình cá chép, bên ngoài dán giấy màu, bên trong đặt hai cây nến nhỏ. Tuy không tinh xảo như những món đồ được nghệ nhân bày bán giữa chợ nhưng cũng không đến nỗi khó coi, nói chung là tạm chấp nhận được.
Nàng chỉ nhìn thoáng qua cũng đoán được đây là đèn do chính tay y làm, và vì không thường hay làm nên hình dáng mới có phần vụng về.
Từ khi rời khỏi Tuyên Châu đến Biện Châu, nàng đã ở đây được hơn vài tháng nhưng lại chưa từng một lần nhìn ngắm đêm muộn trên sông Biện, không biết ánh trăng đẹp thế này nếu chiếu xuống mặt sông thì sẽ thành quang cảnh tú lệ tới mức nào.
Nghĩ đến đây, cõi lòng cũng tràn đầy rạo rực, nàng vươn tay nhận lấy chiếc đèn hoa, nở nụ cười dịu dàng rồi nhỏ nhẹ đáp: “Ta vừa dùng xong bữa tối nên đang đi dạo một chút để tiêu thực, vậy làm phiền tiểu nương tử lo liệu việc này.”
Nữ lang trước mặt nàng nhìn có lẽ chỉ mới đôi mươi, mà nàng thì đã quá ba mươi, gọi nàng ta là tiểu nương tử đúng là rất thích hợp.
Nữ lang ấy khẽ gật đầu, rồi đi tìm người chuẩn bị xe.
Lý Lệnh Nghi trở vào phòng lấy mũ che mặt, đội lên tóc. Khi xe đã sẵn sàng, nàng bước ra ngoài biệt phủ, lên xe rồi dặn xa phu hướng về phía sông Biện.
Vì hôm nay là Trung thu nên hai bờ sông Biện cực kỳ náo nhiệt, dòng người qua lại tấp nập, đâu đâu cũng có sự xuất hiện của những gánh hàng rong hay từng sạp hàng bán đồ chơi nhỏ. Ánh trăng như dải lụa mềm phủ lên mặt nước lăn tăn, phát ra sắc màu của những mảnh vàng tan ngọc vỡ. Vô số thuyền hoa lững lờ trôi trên sông, nương theo dòng nước chầm chậm di chuyển.
Lý Lệnh Nghi đứng cạnh lan can của một cây cầu đá, ngẩng đầu nhìn vầng trăng tròn huyền ảo trên cao, lòng bất giác dâng lên những hồi ức về một nơi xa xăm, nơi chứa đựng những con người và sự việc có gắn bó mật thiết với nàng, nhưng giờ đã thuộc về một thế giới khác.
Nàng chợt nghĩ nếu ở đây có ai đó cũng mang nỗi niềm giống như nàng, hẳn lúc này cũng đang mượn ánh trăng này mà bồi hồi tưởng nhớ, kế đó là sự thổn thức giữa trăm mối ngổn ngang.
Nghĩ ngợi như vậy một hồi, cuối cùng nàng dành ra một chút tâm tư nhớ đến Thẩm Kính An, không biết tình hình chiến sự Trì Châu giờ đang diễn ra thế nào. Nếu y mãi không thể hạ được hai trấn Tuyên Hấp, Trấn Hải, có lẽ nàng sẽ phải tiếp tục lánh nạn ở Biện Châu, trở thành gánh nặng cho y mà chẳng thể quay lại núi Kính Đình.
Mong sao y có thể sớm toại nguyện, bình an trở về.
Lý Lệnh Nghi thầm cầu nguyện, trong lòng lặp đi lặp lại câu “Phúc sinh vô lượng Thiên Tôn”, sau đó mới xách đèn xuống cầu, tiếp tục dạo bước về phía chợ.
Thẩm Kính An quả là một người cẩn trọng và đáng tin cậy, những thị vệ mà y sắp xếp cho nàng làm việc cũng rất tận tâm. Kể từ khi nàng xuống xe ngựa, bọn họ đã lặng lẽ hòa vào đám đông, luôn giữ khoảng cách không xa không gần, vừa đảm bảo an toàn cho nàng vừa không quấy rầy nàng.
Sáng hôm sau, vào đúng giờ Mão, Hứa Trọng lĩnh lệnh của Tống Hành, dẫn năm ngàn binh mã rời thành, tiến về Kì Châu.
Đêm đó, Tống Hành vẫn đến phòng của Thi Yến Vi như thường lệ.
Hắn lấy lại cuốn sổ Thi Yến Vi đang giả vờ xem, cánh tay rắn chắc bế ngang người nàng lên, cúi đầu nhìn sâu vào đôi mắt trong veo của nàng, cười nói: “Nương tử muốn học quản lý sổ sách thật sao? Sau này vẫn còn nhiều thời gian mà.”
Nhận ra hắn đang bước ra ngoài, nàng thoáng nhớ đến những lời hắn nói với nàng đêm qua, hoảng loạn vội hỏi: “Ngài muốn đưa ta đi đâu?”
Tống Hành thấy vậy, vẫn giữ vẻ mặt ung dung, trấn an nàng đáp: “Âm Nương đừng sợ, ta chỉ muốn bế nàng đi tắm thôi.”
Vừa nói, hắn vừa bế Thi Yến Vi ra ngoài. Lời nói của hắn khiến sống lưng nàng căng cứng, tim đập loạn nhịp, lòng bàn tay rịn mồ hôi.
Những ngày này, bệnh tình cũng không khiến hắn kiềm chế được chút nào.
Giờ bảo là đi tắm nhưng chưa chắc đã tránh được việc kia.
Dù sao thì sáng mai là có thể rời khỏi hắn rồi, đành nhẫn nại thêm một đêm nữa vậy.
Trong lúc Thi Yến Vi còn đang nhẩm tính thì người kia đã sải những bước dài tiến vào phòng tắm, đặt nàng đứng vững rồi bắt đầu cởi y phục cho nàng.
Ngón tay hắn vừa dài vừa thô ráp, mỗi đầu ngón tay đều có những vết chai dày mỏng khác nhau, hẳn là do những năm tháng vung đao cầm kiếm để lại.
Hơi thở của một nam nhân trưởng thành phả thẳng vào mặt nàng. Không biết có phải do quá căng thẳng hay sợ hãi hay không mà nàng cảm thấy hơi thở nóng rực ấy như làn khí oi bức bốc lên sau cơn mưa hè nặng hạt, mà dù muốn cũng không lờ đi được.
Tống Hành dường như cố tình trêu chọc nàng. Rõ ràng là trước đây chỉ cần một hai thao tác là hắn đã có thể dễ dàng cởi bỏ y phục, nhưng lần này hắn làm từng bước một hết sức chậm rãi. Đầu ngón tay hắn lướt qua vạt áo, chạm vào làn da vừa trơn láng vừa mát lạnh, khiến nàng như bị nhấn chìm trong từng cơn sóng nhiệt.
Thi Yến Vi run lên, cảm nhận vạt áo đột nhiên buông lỏng, gió luồn vào trong lớp áo mỏng, khiến nàng vừa lạnh vừa nóng.
Mấy mươi nhịp thở nữa trôi qua, trên người nàng chỉ còn lại một chiếc kha tử màu trắng ngà.
Giọng nói trầm thấp của Tống Hành truyền xuống từ trên đỉnh đầu, “Ta đã bảo mấy bà mụ ở phòng châm tuyến may thêm cho nương tử mấy món kha tử mới từ vải gấm và tơ lụa, tất cả đã được bỏ vào hành lý của nàng rồi, đừng mang theo mấy món đồ cũ này nữa.”
Thi Yến Vi nghe xong cũng chẳng cảm thấy gì đặc biệt, đáp lại một cách hời hợt: “Y phục và trang sức ta đang mặc đều là do Tấn vương ban tặng, Tấn vương muốn xử trí thế nào thì xin cứ tự nhiên.”
Tống Hành lại bế nàng lên, cẩn thận đặt vào ghế dựa cạnh cửa sổ, rồi ngồi xổm xuống trước mặt nàng, tỉ mỉ cởi đôi giày thêu và tất lụa trên chân nàng.
Lớp vải mềm mại dưới chân nên không hề làm xước làn da mỏng manh của Thi Yến Vi. Đêm thu lạnh lẽo, Tống Hành sợ nàng nhiễm lạnh, cố ý nhúng tay kiểm tra độ ấm trước, thấy vừa phải mới dùng cử chỉ chậm rãi, đặt nàng vào trong thùng tắm.
Thi Yến Vi đưa tay định lấy miếng xà phòng trên dĩa.
Tống Hành vòng ra phía sau nàng, trước khi nàng kịp với tới thì đã nhanh tay ấn tay nàng xuống nước, ẩn ý sâu xa: “Nương tử ngoan nào, bây giờ chưa phải lúc dùng xà phòng.”
Đầu óc nàng vì quá khẩn trương mà trở nên mơ hồ, nghe hắn nói vậy, nhất thời không hiểu được ý hắn, bèn ngây ngô hỏi lại: “Không dùng xà phòng thì làm sao mà tắm sạch được?”
Vừa dứt lời, nàng nghe thấy tiếng vải áo sột soạt, kéo theo đó là tiếng ngọc thạch va vào nhau leng keng. Thi Yến Vi nhận ra đó là âm thanh khi hắn bắt đầu cởi đai lưng điệp tiệp.
Trái tim nàng như hụt mất một nhịp, trên người không mảnh vải che thân, không có gì để nắm giữ nên chỉ có thể bấu chặt vào lòng bàn tay, mong sao hắn đừng kéo nàng ra khỏi nước.
Đai lưng điệp tiệp bị hắn tiện tay treo lên giá áo.
Tống Hành cởi giày vớ, không vớt nàng ra khỏi làn nước mà đổi lại, khí định thần nhàn ngồi vào bên trong thùng tắm.
Thùng tắm vốn rất rộng so với Thi Yến Vi nhưng chỉ trong thoáng chốc đã trở nên chật chội. Mực nước dâng lên, chạm tới mép thùng rồi tràn ra ngoài không ít.
Thi Yến Vi sợ đến mức không biết nên để chân vào đâu.
“Nương tử sợ ta sao?” Tống Hành cười hỏi.
Bị ánh mắt sắc bén như chim ưng của hắn nhìn chằm chằm, nàng không dám dối lòng, chỉ cúi đầu nhìn xuống mặt nước, nhẹ gật đầu.
Tống Hành nâng cằm nàng lên, hạ giọng an ủi.
Với hắn mà nói thì đó là thú vui.
Thi Yến Vi suýt nữa thì mở miệng phản bác, nhưng nghĩ đến việc sáng mai không còn phải nhìn thấy mặt hắn nữa thì tạm thời nhịn hết cả trong lòng.
Tống Hành mặt dày hỏi tiếp những câu kỳ lạ, là dạng câu hỏi mà hắn dám hỏi nhưng Thi Yến Vi thì không dám trả lời.
Biết trước rằng nàng sẽ làm thinh nên Tống Hành cũng ngậm ngùi bỏ qua, chỉ nâng gương mặt phiếm hồng của nàng lên, tách môi nàng ra tìm một lối hẹp để chen vào.
Đôi môi nhỏ xinh như quả anh đào của nàng phải dành ra một chỗ cho hắn, ngay cả không khí trong khoang miệng cũng bị hắn chiếm đoạt. Nàng chỉ còn biết hít thở bằng mũi, nhưng kể cả thế thì vẫn bị hắn chặn đến nghẹt thở, đầu óc lâng lâng.
Làn da nàng đỏ ửng, những giọt nước và mồ hôi quyện lẫn vào nhau.
Rồi Tống Hành bất ngờ hành động khi nàng còn chưa kịp đề phòng.
Thi Yến Vi gần như không thể thở nổi, hai hàng nước mắt trong suốt lặng lẽ chảy ra.
Tống Hành không thể không tách ra khỏi môi nàng, vòng tay quanh người nàng càng được siết chặt hơn, hắn dịu dàng vuốt dọc sống lưng nàng rồi đặt một nụ hôn nhẹ lên trán nàng.
Sau đó, lại kiên nhẫn để dỗ dành nàng.
Nước bắn tung tóe ra khỏi bồn, rơi xuống đất thành từng vệt nước to nhỏ không đồng nhất.
Tiếng nước như tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền không ngừng dội vào tai Thi Yến Vi, tầm mắt nàng cũng trở nên hư ảo. Nhưng dù là vậy, nàng vẫn cảm nhận được mọi thứ xung quanh đang dao động theo cùng nhịp độ lên xuống của chính mình.
Nước ấm trong thùng dần vơi đi, nhiệt độ xung quanh càng lúc càng hạ thấp.
“Âm Nương, Âm Nương ngoan của ta.” Tống Hành liên tục gọi tên nàng.
Thi Yến Vi đã thấm mệt, không muốn để ý đến hắn nữa.
Tống Hành có vẻ bất mãn trước thái độ lấy lệ của Thi Yến Vi, giọng cao vút, gọi nàng hết sức rành rọt: “Âm Nương, Âm Nương yêu dấu của ta.”
Lúc nghe thấy từ “yêu dấu”, Thi Yến Vi mới nhận ra ý đồ thật sự trong lời nói của hắn. Để tránh hắn tiếp tục phát điên, nàng khẽ ho khan rồi điều chỉnh giọng điệu: “Tống Hành, Quỳ Ngưu Nô, ta đang ở đây. Từ nay về sau chúng ta cứ yên bình sống cùng nhau thế này, ngài cũng đừng nghi ngờ ta nữa có được không?”
Tống Hành nghe nàng gọi mình là “Quỳ Ngưu Nô” thì vui mừng hệt như đứa trẻ, đó cũng là cảm giác hạnh phúc nguyên sơ nhất. Hắn trịnh trọng gật đầu rồi ôm nàng càng chặt hơn, chỉ hận không thể mọi lúc mọi nơi ở bên nàng.
Đêm đó, những lời như “Âm Nương” hoặc “tâm can” thỉnh thoảng lại thoát ra từ miệng hắn.
Thời gian cứ thế trôi qua, Tống Hành đột nhiên đứng dậy.
Hắn khỏe như trâu, vẫn thường thích ở loại tư thế này.
Tầm nhìn của Thi Yến Vi cũng bất ngờ được nâng lên, nhờ vào thói quen mà cũng không còn cảm thấy quá xa lạ.
Bên ngoài, gió lớn bất chợt nổi lên, mưa thu bắt đầu trút xuống.
Nước mưa bị gió tạt mạnh vào khung cửa sổ gỗ dán giấy sơn đỏ, phát ra những âm thanh hỗn loạn.
Tống Hành ngồi trở lại trong thùng, gọi Phùng Quý sai người mang thêm hai thùng nước nóng vào.
Chẳng bao lâu sau, một nữ tỳ mang nước nóng đến, ánh mắt ngay thẳng đặt thùng nước đằng sau tấm bình phong.
Đợi khi chắc chắn rằng người nọ đã đi xa, Tống Hành lại lệnh Phùng Quý đang đợi hầu bên ngoài cửa tránh sang một bên. Hắn đứng dậy, lau khô người một cách sơ sài, rồi mặc lại tiết khố trung y, tay xách thùng nước nóng, xắn tay áo, cẩn thận múc từng gáo nước đổ vào thùng tắm.
Đợi đến khi nhiệt độ vừa phải, hắn dùng đậu tắm nhẹ nhàng xoa lên người Thi Yến Vi. Tắm xong, lại tỉ mỉ lau sạch từng giọt nước còn đọng lại trên cơ thể nàng, cuối cùng mới giúp nàng mặc áo.
Xong xuôi đâu vào đấy, hắn bế nàng ngồi gọn trên ghế rồi lấy đôi vớ sạch cùng vân đầu hài đeo vào cho nàng.
Thi Yến Vi mệt mỏi tựa vào lưng ghế, mí mắt rũ xuống nhìn hắn xỏ giày cho nàng, nhận thấy động tác của hắn hết sức thành thục, cơn buồn ngủ vơi đi phân nửa, buột miệng hỏi: “Tấn vương từng đeo giày cho tiểu nương tử nào khác rồi sao?”
Nàng ngờ rằng trước đây hắn từng có người khác.
Tống Hành đang mải chăm sóc nàng, thình lình nghe được câu này thì giận muốn vỡ đầu, thái dương giật lên thon thót, hắn bóp mạnh một cái vào lòng bàn chân nàng, sắc mặt càng trở nên khó coi nhưng vẫn cố kiềm chế cảm xúc để không khiến nàng quá mức hoảng sợ, cất giọng khàn khàn: “Dương Sở Âm, ta sống hai mươi bảy năm qua, chưa bao giờ có ai khác ngoài nàng! Từ khi vành tai tóc mai chạm vào nhau thì cũng là lúc ta bại dưới người nàng, thế mà nàng lại chẳng nhận ra sao?”
Nàng chưa từng hỏi hắn có phải lần đầu hay không, hắn đáp vậy thì đúng là quá lạc quẻ.
Thi Yến Vi bị câu trả lời của hắn làm cho sửng sốt, không biết nên nói gì, nhất là khi nàng vẫn nhận ra lửa giận mơ hồ ẩn hiện trong mắt hắn, toàn thân nàng lập tức căng cứng, những tiếng ong ong phát ra trong đầu khiến dòng suy nghĩ cũng liên tục gián đoạn. Nàng gấp gáp đẩy tay hắn ra, tự mình xỏ giày rồi đứng bật dậy.
Tống Hành vừa bị nàng nhóm hỏa, há chịu để yên nhìn nàng vùng vằng bỏ đi. Hắn vung tay kéo nhẹ cổ áo đằng sau gáy nàng, giống như bắt một con gà con mà kéo nàng trở lại.
Hắn đang giận nên cũng khá mạnh tay, chỉ một chút lực đó đã khiến Thi Yến Vi không thể đứng vững, cơ thể không tự chủ ngã ngửa ra phía sau, lưng dán chặt vào vòm ngực Tống Hành.
Người hắn nóng như lò lửa, khiến Thi Yến Vi không còn thấy lạnh nữa mà trái lại như bị đặt lên vỉ nương.
Tống Hành kiềm nén cơn giận cùng cảm giác bức bối trong lòng, bế nàng như ôm một nắm bông, sải bước dài ra khỏi phòng tắm, về lại chính phòng.
Mưa thu rơi tí tách trên những viên ngói xanh, trượt qua kẽ lá, cuốn trôi bụi mờ, lặng lẽ tưới mát vạn vật.
Chiếc ghế bành kia hiển nhiên không được làm dựa theo vóc người của Tống Hành, Thi Yến Vi không khỏi hoài nghi liệu nó có chịu nổi sức nặng của hai người hay không, nhất là khi Tống Hành còn hết sức vạm vỡ.
Thời gian trôi qua, sáp nến trên đài đã gần cạn, bên ngoài trời vẫn còn mưa. Tống Hành sợ phòng tối quá dễ khiến nàng sợ hãi, nhấc người ngồi dậy, tìm hỏa chiết thắp sáng những ngọn nến khác trong phòng.
Bên ngoài sân tối đen như mực, không thấy le lói dù chỉ một tia sáng nào, nhưng bên trong phòng vẫn sáng rực ánh đèn.
Đêm mưa dễ khiến người ta buồn ngủ, chưa kể Tống Hành còn khiến nàng mệt nhoài. Mí mắt trĩu xuống, nàng vô thức ngáp dài một cái, giục Tống Hành mau thả nàng lên giường nghỉ ngơi.
Tống Hành càng ôm nàng chặt hơn, không cam lòng nói: “Nửa canh giờ nữa mới đến canh ba [1] mà nương tử đã muốn ngủ rồi sao?”
[1] canh ba: từ 23 giờ đến 1 giờ sáng. Một canh giờ bằng với hai giờ đồng hồ hiện đại. Nguyên đoạn này là tầm 10h đêm (22h)
Thi Yến Vi quả thật đã kiệt sức, ngay cả hơi sức để nói chuyện cũng không còn. Nàng khẽ gật đầu, tỏ ý rằng mình rất muốn ngủ.
Trong tiếng mưa rơi rả rích, Tống Hành im lặng một lúc, rốt cuộc vẫn không nỡ để nàng chịu thiệt, đặt nàng trở lại chăn gấm, giúp nàng lau chùi sạch sẽ.
Nghĩ đến việc sáng mai sẽ phải rời xa nàng trong khoảng thời gian rất dài, lòng hắn bỗng nhiên trĩu nặng, không sao chợp mắt được. Trằn trọc đến quá nửa đêm, trạng thái mất ngủ khác thường cùng cảm giác nhớ nhung cực hạn khiến hắn chỉ biết vùi đầu vào hõm cổ nàng, tham lam ngửi hương thơm đạm mạc trên người nàng, hận không thể ở bên nàng mãi mãi.
Sáng hôm sau, Thi Yến Vi tỉnh dậy trong tiếng gọi đầy kiên nhẫn của Tống Hành.
Cơn mưa kéo dài suốt đêm nên mặt đất vẫn còn đang hơi ẩm. Rửa mặt xong, Thi Yến Vi kéo lê thân thể rã rời, chầm chậm tới gần cửa sổ.
Nàng chống cửa sổ lên, bầu không khí trong lành sảng khoái sau cơn mưa cũng tràn vào, mang theo mùi đất lẫn cùng hương quế nhàn nhạt.
Trong đình viện, mộc phù dung rơi rụng khắp nơi, không một đóa nào còn nguyên vẹn cánh hoa. Những đóa hoa còn sót lại cũng bị nước mưa đè nặng, cúi rạp đầu, mang theo nỗi buồn man mác.
Thi Yến Vi đứng tựa vào khung cửa sổ, lặng người nhìn gốc hoa rất lâu. Sau lưng nàng, Tống Hành lấy áo choàng tơ lụa tới gần, khoác hờ lên vai nàng.
Tống Hành nhìn theo ánh mắt của nàng, dừng lại trên một phiến hoa đã rụng, giọng điệu có phần quở trách: “Nương tử thân thể yếu ớt, hoa kia dù đẹp đến mấy thì cũng nên đứng đầu ngọn gió mà nhìn. Trong Thối Hàn cư cũng trồng không ít mộc phù dung, nếu nàng thích thì có thể chuyển đến viện của ta, nàng thấy thế nào?”
“Không cần phải làm thế đâu. Nào có ai chưa qua cửa mà đã dọn đến viện phu lang. Nhị nương và Thái phu nhân mà biết sẽ chê cười ta mất. Hơn nữa ta đã quen với viện cũ rồi, nên cứ để ta tiếp tục ở đó đi.”
Hai người đang trò chuyện thì từ tiếng Lưu mụ lại vọng vào từ sau cánh cửa, thông báo rằng bữa sáng đã được dọn lên.
Tống Hành ôm nàng ngồi lên giường La Hán, lệnh cho người hầu bưng bữa sáng vào.
Ăn sáng xong, Tống Hành lấy bùa bình an cất trong tráp ra cẩn thận đeo lên cổ nàng, giấu vào đằng trong cổ áo.
Ánh mắt lưu luyến dừng lại trên khuôn mặt phù dung ngọc ngà, môi mỏng vô thức lại gần nhưng Thi Yến Vi đã kịp đưa tay ngăn lại, không cho hắn hôn mình. Dưới ánh mắt đầy kinh ngạc của Tống Hành, nàng vươn tay chạm vào tấm bùa bình an ẩn dưới lớp y phục.
Tống Hành lập tức hiểu ra, thầm hối hận vì đeo bùa lên cho nàng quá sớm, hắn cười khổ: “Không thể hôn nhưng ôm một cái thì cũng đâu có ngại. Lần này nương tử đi chỉ sợ mấy tháng tới vẫn chưa thể gặp lại, lòng ta sao tránh khỏi trống vắng.”
Khác với sự quyến luyến của Tống Hành, Thi Yến Vi lại mừng đến mức chỉ muốn nhảy cẫng lên, nhưng dù là vậy, để có thể rời đi suôn sẻ, nàng vẫn tỏ ra u sầu, “Ta sẽ yên tâm chờ ở Thái Nguyên, đợi Tấn vương đến đón ta trở lại Lạc Dương. Có bùa bình an mà Tấn vương cầu cho, chuyến này ắt sẽ bình an vô sự.”
Tống Hành gật đầu, ôm nàng vào lòng, lại bóp chân cho nàng.
Không lâu sau, Phùng Quý vào báo đã đến giờ khởi hành. Tống Hành đáp lời, bế ngang người Thi Yến Vi rồi cùng nàng rời phủ, lên xe ngựa.
Sau đêm qua, nỗi niềm ly biệt choán cứ trong lòng khiến Tống Hành gần như không thể chợp mắt, hết lần này đến lần khác cảm nhận hơi ấm từ Thi Yến Vi, mong đêm nay đừng vội trôi qua.
Đêm qua, trời đổ mưa nên bầu không khí cũng trở nên se lạnh, Thi Yến Vi không chê người hắn nóng nữa mà ngược lại, vào lúc nhiệt độ hạ nhất vào khoảng giữa canh năm, nàng chủ động tựa sát vào hắn, hơi thở ấm áp phả lên hõm vai khiến trái tim Tống Hành cũng dịu lại đôi phần.
Thấy đầu nàng nàng trượt ra khỏi gối, sáng mai tỉnh dậy sẽ cảm thấy nhức mỏi, Tống Hành liền duỗi cánh tay rắn chắc làm gối cho nàng, cánh tay còn lại vòng qua eo nàng, tình nùng mật ý như một đôi vợ chồng mới cưới, cùng trải qua những ngày tháng ngọt ngào nhất sau hôn nhân.
Nhớ lại những chuyện đêm qua, lòng hắn càng thêm không nỡ rời xa nàng, thậm chí còn không dám nhìn nàng vì chỉ sợ không kìm được rồi cố giữ lấy nàng.
Hắn tuyệt đối không được lật lọng. Tống Hành không ngừng tự nhủ trong lòng, hắn đặt cằm lên đỉnh đầu nàng, bắt đầu khẽ gọi tên nàng.
“Tống Hành, ta đây.” Thi Yến Vi giấu đi niềm vui, dành ra chút tâm tư để tìm cách qua mặt hắn.
Hắn như không hề biết đủ, gọi đi gọi lại không biết bao nhiêu lần, khiến Thi Yến Vi phải ngẩng đầu lên nhìn hắn. Nàng nhận ra ánh mắt hắn chứa sự lảng tránh, không dám đối diện nàng như sợ đối diện với việc chia ly.
Chuyện này là thế nào? Hắn thật sự nảy sinh cảm giác không nên có với món đồ chơi mà chính mình nuôi dưỡng thật hay sao? Thấy biểu cảm lo được lo mất của hắn, nàng cảm thấy có chút buồn cười, bèn đưa tay nhẹ nhàng véo má phải hắn, như muốn kiểm chứng điều gì đó.
“Quỳ Ngưu Nô không nỡ để ta đi sao?”
Đó là hành động phạm thượng nhưng Tống Hành lại không tức giận, ngược lại còn rất thích thú. Khi nàng định thu tay về, hắn đã kịp bắt được tay nàng đặt lên ngực, để nàng cảm nhận nhịp tim đập mạnh mẽ.
“Dĩ nhiên ta không nỡ, nhưng nàng sắp thành nhũ nhân của ta, ta cũng đâu thể nuốt lời.”
Qua lớp y phục, hơi ấm từ ngực hắn truyền vào lòng bàn tay nàng. Thi Yến Vi đã có câu trả lời xác thực, trong lòng lại càng thêm khinh bỉ hắn.
Đường đường là Hà Đông Tiết độ sứ mà động tình với vật nuôi của chính mình, chuyện này nếu lọt vào tai giới sĩ tộc có khi ai nấy đều cười đến rụng răng.
Khóe môi nàng nhếch lên, ngón tay vẽ loạn thành từng vòng trên ngực Tống Hành, cố ý khiến hắn khó chịu khi chỉ nhìn mà không làm gì được.
Đúng như nàng dự đoán, Tống Hành hết chịu nổi nữa, giữ bàn tay đang gây rối của nàng đặt về chỗ cũ.
Xe ngựa tiếp tục lăn bánh trên con đường lát đá xanh, càng lúc càng tiến gần cổng thành. Tâm trạng Tống Hành càng trở nên nặng nề, muốn hôn nàng, muốn ôm nàng, nhưng vẫn kiềm chế vì biết trên người nàng là tấm bùa bình an. Hắn đành để nàng tựa vào ngực mình, vuốt ve mái tóc đen nhánh của nàng.
Nửa khắc sau, xe ngựa dừng lại ở cổng thành. Tống Hành lải nhải dặn nàng đủ điều, bảo nàng yên tâm chờ ở Thái Nguyên để hắn đến đón về Lạc Dương, rồi mới chịu buông nàng ra. Tống Hành im lặng nhìn theo chiếc xe lăn bánh, vượt qua cổng thành. Hắn lặng lẽ leo lên thành lầu, tiếp tục dõi mắt từ xa.
Mãi đến khi đoàn người biến thành chấm nhỏ rồi khuất hẳn, hắn mới quay người rời đi.
Đêm xuống, Tống Hành một mình đối diện căn phòng trống vắng, trong trong lòng tràn ngập nỗi cô đơn. Rửa mặt thay y phục xong, hắn nằm trên chiếc giường rộng đượm mùi gỗ đàn hương, cảm thấy vô cùng tẻ nhạt.
Trước khi gần gũi Thi Yến Vi, Tống Hành rất thích sự yên tĩnh, nhưng giờ đây, khi bên cạnh không còn nàng, bốn bề u tịch lại khiến hắn chưa thể thích nghi được.
Tống Hành đứng dậy xuống giường, lấy chiếc kha tử mà Thi Yến Vi từng mặc đặt vào ngực áo, tưởng tượng nàng vẫn đang ở bên mình, nhờ vậy hắn mới thấy dễ chịu hơn, dần thiếp đi.
Năm ngày sau, xe ngựa của Thi Yến Vi đã đến Thái Nguyên.
Tiểu tư đứng trước Tống phủ thấy người ngồi cạnh phu xe là Phùng Quý, cứ ngỡ Tống Hành đã về, chân như bôi dầu chạy vội vào phủ, thẳng hướng viện của Tiết phu nhân mà lao tới.
(function(w,q){w[q]=w[q]||[];w[q].push(["_mgc.load"])})(window,"_mgq");