Giải Mật

Chương 4-2




Hội nghị khai mạc vào sáng hôm sau.

Lễ khai mạc rất long trọng, cả bốn vị trưởng và phó Tổng cục đều có mặt. Một ông già tóc bạc trắng chủ trì hội nghị. Theo lời giới thiệu, đây là ông Trưởng phòng nghiên cứu số một của Tổng cục, nhưng bên lề có người nói đây là Bí thư thứ nhất của... kiêm cố vấn quân sự. về chuyện này Kim Trân không quan tâm, anh chỉ quan tâm đến câu nói mà vị này nhắc đi nhắc lại trong hội nghị: chúng ta phải phá cho bằng được khoá hắc mật, đấy là yêu cầu an ninh của nhà nước ta.

Ông ta nói: “Cũng là phá khoá mật mã, nhưng yêu cầu và ý nghĩa của việc khoá từng bộ mật mã là khác nhau, có mật mã chúng ta phá là cho yêu cầu đánh thắng cụ thể một cuộc chiến tranh, có những mật mã phá do yêu cầu của cuộc chạy đua vũ trang, có những mật mã phá là do yêu cầu bảo vệ an toàn cho các vị lãnh đạo, có mật mã phá nhằm phục vụ công cuộc ngoại giao, thậm chí có mật mã phá chỉ do yêu cầu công việc, cho nghề nghiệp nào đó. Còn nhiều nhu cầu khác, nhưng tất cả đều là nhu cầu, tóm lại tất cả đều quan trọng đối với an ninh quốc gia. Tôi có thể thẳng thắn nói với mọi người, không nhìn thấy bí mật tầng cao của nước X sẽ là mối đe doạ lớn đối với an ninh đất nước chúng ta. Có người nói, nếu cho một điểm tựa anh ta sẽ xoay chuyển được cả trái đất, phá được khoá mật mã Hắc mật chính là điểm tựa để chúng ta xoay chuyển trái đất. Nếu nói an ninh đất nước chúng ta đang có vấn đề nghiêm trọng, có một sức ép bị động, thì phá khoá mật mã Hắc mật là phá vây, là điểm tựa để giành thế chủ động.”

Lời kêu gọi mạnh mẽ và trang nghiêm của ông già đáng kính khiến cho buổi lễ khai mạc đạt đến đỉnh cao tĩnh lặng. Lúc ông tỏ ra mạnh mẽ, những sợi tóc bạc trên đầu ông rung rinh óng ánh, tưởng như tóc cũng đang nói.

Buổi chiều là các chuyên gia phát biểu ý kiến, Kim Trân được lệnh phát biểu hơn một tiếng đồng hồ đầu tiên, chủ yếu giới thiệu tiến trình phá khoá Hắc mật, đấy là: chưa có tiến triển thực chất và những suy tư lạ kì nào đó đang trói buộc anh, gồm cả những thứ vô cùng quý giá, để rồi sau đấy anh cảm thấy hối hận vì đã công bố trong hội nghị. Mấy ngày sau đấy, anh dành hơn chục tiếng đồng hồ để nghe ý kiến của chín đồng nghiệp và lời phát biểu của hai vị lãnh đạo trong lễ bế mạc. Tóm lại, Kim Trân cảm thấy đây là hội nghị thảo luận (không phải để nghiên cứu), kết quả rất ít ỏi và nông cạn, mọi người phát biểu với những lời lẽ hoa mĩ, có tính khẩu hiệu, chỉ là lời phát biểu, không tranh luận gay gắt, không có những phút lặng lẽ suy tư. Hội nghị nổi trên mặt nước tĩnh lặng, thỉnh thoảng mới có một vài bọt nước, tất cả đều từ hơi thở ngột ngạt của Kim Trân, anh ngột ngạt bởi sự tĩnh lặng và đơn điệu.

Có thể, vì Kim Trân chán ghét cái hội nghị này, chán ghét cả những người dự hội nghị, ít nhất cho đến khi bế mạc. Nhưng sau đấy anh nhận ra không cần thiết, thậm chí vô lí, vì anh nghĩ, hắc mật như một khối u vướng bận trong người anh, bản thân anh dành tâm sức đào sâu nghiên cứu bao năm nay mà vẫn chỉ là số không, không chút dấu tích nhỏ nào, cảm thấy cái chết đang đe doạ, những người ngoài cuộc vừa không phải là thiên tài, vừa không phải là thánh nhân, chỉ là chút chuyện thoáng qua, lại mong họ phát biểu những cao kiến làm chúa cứu thế, quả là hoang đường, là lời nói trong mơ.

(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)

Là một người cô đơn và mệt mỏi, ban ngày Kim Trân luôn chìm sâu vào suy tư hoặc có thể nói là ảo tưởng, đêm nào cũng nằm mơ. Theo tôi biết, có một thời gian, cậu ta mong mình đêm nào cũng nằm mơ, là bởi, cậu ta được nếm vị ngọt của giấc mơ (có người nói cậu phá được mật mã Tử mật từ trong mơ); mặt khác, cậu ta nghi ngờ kẻ tạo ra Hắc mật là ma quỷ, không có lí tính, tư duy như con người, mà mình là con người xem ra chỉ có thể tiếp cận chúng trong giấc mơ.

Suy nghĩ ấy loé sáng đã cổ vũ cậu ta rất nhiều, tưởng như tìm được lối thoát khi đã cùng đường. Có lúc tôi nghe cậu ta nói, đêm nào cũng lệnh cho mình phải nằm mơ, nằm mơ trở thành nhiệm vụ quan trọng trong một thời gian. Sự cố tình ấy khiến một thời gian sau đấy tinh thần của cậu ta gần như bị đổ vỡ, chỉ cần nhắm mắt là giấc mơ đủ màu sắc kéo đến không tài nào xua đi nổi. Đấy là những giấc mơ rối loạn, không có chút tư tưởng, kết quả duy nhất là đã làm rối giấc ngủ bình thường của cậu ta. Để giữ giấc ngủ, cậu ta không thể không xua đi những giấc mơ hàng ngày bám riết lấy cậu, vậy là cậu ta tạo cho mình thói quen đọc truyện trước khi ngủ. Hai việc ấy, việc thứ nhất có thể làm giảm căng thẳng ban ngày, chuyện sau khiến cậu mệt mỏi, cộng lại có tác dụng kích thích giấc ngủ. Theo cách nói của cậu, đọc truyện và đi bộ là hai viên thuốc trợ giúp cậu ngủ ngon giấc.

Cũng phải nói thêm, cậu ta nằm mơ nhiều tưởng chừng làm cho những gì cậu trải qua, thể nghiệm, thưởng thức trong hiện thực đều vào cả giấc mơ. Vậy là cậu có hai thế giới: một hiện thực và một trong mơ. Ai cũng bảo, những gì có trên lục địa đều có trong biển cả, nhưng những gì có ở biển cả không nhất định có trên lục địa. Tình huống của Kim Trân là như vậy, những gì có trong giấc mơ không nhất định có trong hiện thực, nhưng phàm là những gì có trong hiện thực lại có trong giấc mơ của cậu. Tức là nói, những gì có trong thế giới thực vào trong đầu óc Kim Trân đều được chia đôi, một nửa là hiện thực, là thật, sống động, một nửa khác là hư, rối loạn. Ví dụ, thành ngữ chuyện hoang đường, chúng ta chỉ có một, nhưng Kim Trân lại có hai, ngoài những cái thông thường còn có cái trong giác mơ, đấy là điều chỉ có ở cậu. Khỏi phải nói, cái trong mơ hoang đường hơn cái ngoài hiện thực, càng là điều mê sảng. 

Lúc này Kim Trân bình tĩnh lại, anh tin tưởng, trông chờ cao kiến của những người phát biểu về hắc mật, nhả lời vàng ngọc, chỉ ra sai lầm cho mình, tức là những điều hoang đường, vô căn cứ trong mơ, hoang đường trong hoang đường, vô căn cứ hơn cả vô căn cứ. Cho nên, anh tự an ủi: không trông chờ gì ở họ, đừng trông chờ nữa, họ không thể chỉ ra được cái sai, không thể, không thể.

Anh nói đi nói lại điều ấy, có thể cho rằng gia tăng nhịp điệu ấy sẽ quên đau khổ.

Nhưng chuyến đi lần ấy không phải Kim Trân không thu hoạch được gì. Ít nhất anh có bốn thu hoạch:

Thứ nhất, thông qua hội nghị lần này, Kim Trân thấy các vị thủ trưởng Tổng cục rất quan tâm đến hiện trạng và số phận việc phá khoá mã hắc mật. Đấy là sức ép đối với Kim Trân, mà cũng là sự cổ vũ đối với anh, cảm thấy như được tiếp thêm sức.

Thứ hai, anh được bạn bè trong hội nghị hoan nghênh qua lời nói hoặc tiếp xúc (ví dụ cái bắt tay nồng nhiệt, gật đầu, mỉm cười ân cần, đấy là sự tiếp xúc hoan nghênh) Kim Trân phát hiện mình sáng chói trong giới phá khoá mật mã, ai cũng yêu mến. Điều này trước đây anh biết ít, bây giờ biết khiến anh thêm phấn khởi.

Thứ ba, vào lúc uống rượu ngoài hội nghị, ông già tóc bạc đầy quyền uy rất phấn khởi điều cho Kim Trân một bộ máy tính bốn trăm ngàn phép tính. Điều ấy chẳng khác nào cho anh một trợ thủ hạng nhất tầm cỡ quốc tế.

Thứ tư, trước khi về, anh mua được ở hiệu sách cũ hai cuốn sách mà anh mơ ước từ lâu, trong đó có cuốn ‘Thiên thư” (Có người dịch là “Chữ của thần linh”), là tác phẩm của Engiert, chuyên gia về mật mã học.

Thế nào gọi là chuyến đi không uổng phí?

Có được những thứ đó có thể gọi là không uổng phí.

Kim Trân vui vẻ ra về vì đã có được những thứ đó. Trên chuyến tàu về, không có cảnh giới hoặc những đoàn thể to tát, cho nên Vasili có được hai chiếc giường mềm. Kim Trân lên toa giường mềm, suốt sáu ngày của chuyến đi lúc này lòng anh mới được thanh thản.

Đúng là anh vui vẻ rời thủ đô, vui vẻ vì còn một nguyên nhân khác: đêm hôm đó bầu trời thủ đô bắt đầu có những bông tuyết đầu mùa, tưởng như sự xếp đặt đặc biệt để vui mừng tiễn đưa con người phương Nam. Tuyết càng rơi càng dày chẳng mấy chốc đã phủ trắng nơi nơi, tuyết óng ánh ẩn hiện trong bóng tối. Kim Trân chờ tàu trong cảnh tuyết rơi. Tuyết lặng lẽ rơi và hơi nước khiến lòng anh yên tĩnh, tràn ngập những ý tưởng đẹp.

Trên đường về hết sức thoả mãn, không một thách thức, cổ vũ Kim Trân tin vào kết quả của chuyến đi.

Nhưng khác với lúc đi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.