Gặp Người Đúng Lúc
Phần 12
Ngày hôm sau, đoàn chúng tôi bắt đầu khám chữa bệnh cho người dân từ sáng sớm, các bác sĩ điều dưỡng chia nhau ra mỗi người một bàn, bên công ty Đông Á thì phát quà cho những người đến khám, đông quá nên mãi quá trưa mới được nghỉ tay ăn cơm.
Tôi với Yến ngồi bệt dưới một gốc cây nhai cơm, mệt với cả đói nên hai đứa chẳng còn sức buôn chuyện gì mà chỉ tập trung ăn. Lúc sau, no căng bụng tôi mới chợt nhớ đến Quân, ngẩng đầu lên nhìn thì thấy anh ta chỉ lặng lẽ ngồi nhìn mọi người ăn mà chẳng mấy khi đụng đũa.
Anh ta mắc bệnh sạch sẽ nên mới không thích ăn uống kiểu này, nhưng mà trên này điều kiện vật chất thiếu thốn, không có bát đũa tử tế mà cũng chẳng có thịt băm không hành, không ăn thì biết ăn gì bây giờ. Tôi để ý từ đêm qua đến tận sáng nay Quân hầu như chẳng ăn miếng nào, anh ta mà cố nhịn đến tận khi đoàn chúng tôi quay về Hà Nội có khi chết đói mất thôi.
Tôi sợ anh ta bị đói chết nên lúc sau khi mọi người ăn xong, rửa bát xong, tôi mới lấy điện thoại nhắn tin bảo Quân đi ra ngoài bờ suối.
Anh ta tỏ vẻ nghi ngờ, hỏi tôi:
– Ra làm gì?
– Yên tâm đi, tôi không bắt anh uống nước suối nữa đâu mà sợ. Năm phút nữa ra tôi cho anh cái này.
– Cô đang có âm mưu gì đấy?
– Đã bảo không có âm mưu gì mà. Năm phút nữa ra đấy nhé.
Nhắn xong, tôi sợ con bé Yến phát hiện nên phải giả vờ mình đau bụng muốn đi vệ sinh, xong còn ôm cả mấy gói bim bim, ngô cay các kiểu đi theo nữa.
Yến nhìn tôi như kiểu nhìn người ngoài hành tinh, trợn tròn mắt bảo tôi:
– Chị đi vệ sinh còn mang bim bim làm gì? Đừng nói là vừa đi vừa ăn đấy nhé.
– Mày dở hơi à? Chị mang cho mấy đứa con nít trong bản.
– Thế sao không để chiều mà mang, tự nhiên đi wc mà còn cầm theo làm gì. Mất vệ sinh chết.
– Kệ chị, thôi tranh thủ ngủ đi, tý chị về.
Thoát được con bé Yến, tôi ôm mấy bịch bim bim lén la lén lút chạy ra bờ suối rồi đứng chờ. Quân là người nổi tiếng, mà cũng là tâm điểm của đoàn chúng tôi nữa, tôi sợ dính đến anh ta thì lại bị người ta đồn đại không hay nên trước mặt mọi người cứ phải giả vờ như không quen, xong giờ gặp nhau cũng như đi ăn trộm.
Thế mà ăn trộm chờ mãi, chờ mãi cũng chẳng thấy bóng dáng đồng bọn đâu.
Tôi đợi hơn mười phút cũng chưa thấy Quân ra, sốt ruột nên định lấy điện thoại ra nhắn tin, ai ngờ còn chưa kịp mở khoá màn hình thì đột nhiên nghe giọng anh ta ngay sát bên tai, làm tôi giật cả mình:
– Gọi ra đây làm gì thế?
– Ôi mẹ ơi, lần sau anh có thể tránh xa xa ra để nói chuyện được không? Giật hết cả mình.
– Cô vừa làm chuyện gì xấu à mà giật mình.
– Xấu cái đầu anh ấy. Bim bim này.
Tôi xoay người, chìa ra hai gói bim bim vị thịt nướng to bự ra trước mặt anh ta, Quân thì cứ cau mày nhìn mấy gói bim bim rồi lại nhìn tôi, lúc sau mới nói:
– Đưa tôi bim bim làm gì?
– Để ăn chứ làm gì? Ở trên này không làm thịt băm được nên tôi mang cho anh bim bim vị thịt nướng, anh ăn tạm đi.
– Không ăn.
– Ăn đi, tôi biết thừa anh đói.
Tôi vừa nói vừa dúi bim bim vào tay anh ta, xong còn rút ra từ trong túi áo hai hộp sữa nữa, tôi bảo:
– Có cả sữa nữa này, vừa ăn bim bim vừa uống sữa là tạm lót dạ được. Không ăn kiểu gì cũng tụt huyết áp ngất xỉu đấy.
Lúc nói mấy câu lãng xẹt kiểu đó, tôi cứ tưởng anh ta sẽ móc mỉa mình như mọi ngày nhưng ngạc nhiên nhất là bỗng dưng Quân lại nhoẻn miệng cười. Lần thứ hai anh ta cười với tôi, không hẳn gọi là rực rỡ như “mùa thu tỏa nắng” nhưng rất ấm áp nhẹ nhàng, đẹp theo một cách riêng biệt, lúc ấy mới biết con người lúc nào cũng lạnh như cục đá ấy, cũng có một khía cạnh dịu dàng rất riêng.
– Ăn không?
Tôi đang ngây người ra nhìn, nghe Quân nói thế mới giật mình gật đầu lia lịa:
– Ăn, ăn.
– Ngồi xuống đi.
Thế là hai chúng tôi ngồi bên bờ suối, mỗi người ôm một gói bim bim với một hộp sữa, không đấu khẩu, không cãi cọ, chỉ im lặng ngồi ăn bên nhau.
Tôi thích ăn vặt nhưng làm ở bệnh viện phải đeo găng tay với bịt khẩu trang suốt, không có thời gian để ăn. Tôi cũng chưa từng đến những nơi hoang sơ hẻo lánh, chưa từng ngồi bên dòng suối trong vắt cùng một người đàn ông thế này… Mãi đến bây giờ được trải nghiệm qua mới biết, hóa ra rời xa chốn thành thị đông người, rời xa khói bụi cùng những bon chen bộn bề ở Hà Nội, tôi đã tìm được nơi bình yên là đây… Bình yên khi có một người đàn ông ở bên tôi.
Những lúc tôi khóc, những khi tôi cười, những lúc tôi chán nản hay cần có người động viên nhất, cũng chỉ có anh ở bên tôi.
Hình như, trái tim tôi đã rung động mất rồi!!!
Nghĩ đến mình bắt đầu thích Quân, tự nhiên tôi lại chột dạ rồi xấu hổ đỏ ửng hết mặt lên, mà ngồi đúng chỗ mặt trời chiếu vào nữa nên hai má tôi càng lúc càng nóng ran. Quân thấy thế tưởng tôi bị làm sao nên mới hỏi:
– Làm sao thế? Sốt à?
– À không…
– Ngồi lùi vào đây.
Anh ta nhường chỗ có bóng của mấy tán lá cọ che cho tôi, tôi thì vẫn ngượng nên cứ không dám thoải mái ngồi cạnh như thường ngày mà cứ xích dần, xích dần lại từng tý một. Đang ngại ngùng thế tự nhiên lại thấy đằng sau mấy cây cọ xuất hiện một cặp mắt đen lay láy nhìn mình.
Tôi giật mình, suýt nữa thì buột mồm kêu lên, may sao Quân cũng phát hiện ra thằng nhóc đó nên lên tiếng trước:
– Đứng đó làm gì thế?
Thằng nhóc chân không đi dép, quần áo trên người chỗ rách chỗ bẩn, mặt mũi thì nhem nhuốc, nghe thế mới lò dò đi ra. Nó có vẻ sợ Quân nên không nói gì mà chỉ nhìn tôi, ánh mắt như muốn cầu cứu.
Cái ông Quân này bình thường lạnh lùng đến người lớn cũng phải sợ chứ đừng nói con nít, thằng bé này còn nhỏ, lại là dân bản nữa nên càng hãi người lạ.
Tôi thấy thương quá mới vẫy tay gọi nó lại:
– Lại đây với cô, không phải sợ.
– …
– Lại đây cô cho bim bim này, chú nhìn thế thôi chứ chú hiền lắm, không cần phải sợ chú. Chú không mắng cháu đâu.
Tôi nịnh mãi mà thằng nhóc không chịu đi lại, Quân thì chẳng kiên nhẫn như tôi, anh ta chỉ nói đúng một câu “Lại đây” là nó không dám chần chừ nữa, đi lại ngay tức thì.
Nó mới bẽn lẽn đi lại chỗ tôi, ngập ngừng nhìn gói bim bim trên tay tôi rồi cố gắng phát âm bằng tiếng Kinh lơ lớ:
– Không … nhìn trộm…
– Ừ rồi. Không nhìn trộm, cháu tên gì?
– A Đàn.
– À, A Đàn. A Đàn nhà ở gần đây à, ở gần đây mới chạy ra đây chơi phải không?
Nó gật đầu, tôi lại nói:
– Thế bố mẹ A Đàn đâu rồi?
– Bố… bố… mất rồi… còn mình… A Đàn với mẹ thôi.
Nghe nhìn thằng nhóc có đôi mắt sáng và trong veo, ở trên vùng bản xa xôi thế này điều kiện vật chất đã thiếu thốn mà còn không có bố nữa, tôi thương quá, tự nhiên muốn ôm nó một cái.
Nhưng mà tôi sợ nó chạy mất nên chỉ bảo:
– A Đàn có muốn ăn bim bim phải không?
Nó lại ngập ngừng gật đầu một lần nữa, tôi cười, đưa cả gói bim bim lẫn hộp sữa của tôi cho nó, đang định bảo “A Đàn ăn đi” thì tự nhiên Quân nói:
– Đưa cả becberin cho nó.
Tôi tròn mắt, ngơ ngác quay sang hỏi:
– Sao tự nhiên lại đưa cả becberin? Nó có bị tiêu chảy đâu?
– Ăn xong kiểu gì cũng bị.
Tôi tức suýt phun máu, tôi với anh ta ăn nãy giờ sao không nói, giờ tự nhiên cho thằng nhóc này chỗ đồ ăn đó thì Quân mới bảo mua becberin?
Tôi không tin ăn kiểu này bị tiêu chảy nên nhất quyết không nghe, mắm môi quát anh ta:
– Tôi ăn kiểu này suốt, có bao giờ bị sao đâu? Anh hù trẻ con thì có.
Quân không thèm trả lời mà đứng dậy, sau đó quay sang nhìn thằng nhóc A Đàn:
– Đi ra đây, chỗ này mới có đồ ăn cho trẻ con.
– Ơ…
Nói xong, anh ta đưa gói bim bim của mình cho A Đan rồi dẫn nó quay về chỗ tập trung của bọn tôi. Trước khi đi còn tốt bụng bảo:
– Uống sữa tươi vị đó dạ dày không dung nạp được lactose, bim bim là có nhiều chất tạo ngọt nhân tạo, kết hợp lại trong dạ dày dễ bị tiêu chảy. Trẻ con ăn như thế 80% phải uống becberin.
Tôi học Y thật nhưng không hay tìm hiểu những chuyện như thế này, với cả tính tôi thích gì là ăn nấy nên có bao giờ để ý đâu. Giờ nghe Quân nói thế thì cứ ngồi đần ra, ngơ ngác nhìn bóng anh ta với A Đan cho đến khi đi khuất, bỗng dưng lại bật cười.
Lúc nãy tôi ăn cơm no rồi nên sẽ không sao, nhưng anh ta từ đêm qua đến giờ không được lót dạ cái gì, biết rõ ràng ăn bim bim với uống sữa kiểu đấy sẽ bị đau bụng, tại sao lại không nói gì mà vẫn im lặng ăn?
Nghĩ đến đấy, lòng tôi bỗng nhiên giống như có một dòng nước ấm chảy qua, vừa mềm mại, vừa nhẹ nhàng lại vừa ngưa ngứa, cảm giác vô cùng kỳ lạ nhưng không thể nghĩ ra tại sao lại kỳ lạ như vậy. Chỉ biết là cứ ngồi bên suối cười một mình như dở hơi thôi, cười mà chẳng hiểu tại sao mình lại cười.
Chiều hôm ấy, chúng tôi lại tiếp tục khám bệnh phát thuốc cho người dân, bởi vì quá đông nên phải khám sang đến cả ngày hôm sau thì mới hết người bệnh được.
Chú trưởng bản lúc ngồi uống rượu cứ bảo bọn tôi:
– Hôm nay là hết rồi đấy, dân bản ai cũng được cán bộ khám bệnh hết rồi. Còn được tặng cả quà nữa. Nhà nước quan tâm bản chúng tôi như thế, người dân ai cũng phấn khởi cán bộ ạ.
– Vâng, được khám chữa bệnh cho mọi người, chúng cháu cũng vui ạ.
– Các cán bộ đừng về sớm nhé, ở đây ngày mai có phiên chợ đấy. Ở lại đi chơi chợ Vàng Ma Chải xem chợ vùng cao có khác chợ đồng bằng không nhé.
Con bé Yến nghe đến chợ cái là mắt sáng lên, cười toe toét bảo:
– Chợ phiên hả chú? Có thổ cẩm, kiềng bạc, trang sức đúng không chú?
– Có thổ cẩm, trang sức, có cả đồ ăn nữa, vui lắm. Ngày mai các cán bộ cứ xuống đó là kiểu gì cũng mua được nhiều thứ ngon.
Mọi người trong đoàn chúng tôi nghe thế thì gật đầu lia lịa, ai cũng háo hức được đi chợ phiên vùng biên giới xem như thế nào. Nghe nói chợ họp rất sớm nên sáng hôm sau mới năm giờ sáng, người dân trong bản đã hò nhau gọi bọn tôi ra chợ phiên.
Tôi cũng lôi bằng được Quân đi, tôi bảo ở dưới đó có thịt lợn, định mua về để làm thịt băm cho anh ta nên phải đi cùng tôi để xách thịt về. Ban đầu Quân nhất định không chịu nhưng tôi lôi kéo dọa nạt mãi, cuối cùng cũng phải dậy đi với tôi.
Sáng sớm trên vùng cao toàn là sương mù, chúng tôi đi bộ trên con đường mòn khấp khuỷu, đi ngang qua những sườn đồi vàng rực hoa dã quỳ. Tôi không thích hoa hèo nhưng thấy dã quỳ đang đúng mùa nở rộ đẹp quá, đang đi cũng phải đứng lại, thốt lên:
– Đẹp thế, như trong phim ấy.
– Cái gì như trong phim.
– Đây này, sương mù ở dưới chân đồi, hoa dã quỳ nở ở trên sườn đồi, mình đứng trên đây nhìn xuống như đang ở trên thiên đình ấy. Đẹp dã man.
– Xem phim viễn tưởng ít thôi.
Đang hào hứng phơi phới bị ăn ngay một gáo nước lạnh, tôi tức nghiến răng nghiến lợi, nhưng vì ở đây có đông người nên không chửi được. Anh Quý trưởng đoàn đi sau bọn tôi, nghe thấy thế thì bật cười:
– Đàn ông không có cảm quan tốt bằng phụ nữ đâu. Đẹp thì đẹp thật nhưng bọn anh không biết thưởng thức ấy Linh ạ.
– À… thế ạ. Tại vì ở Hà Nội cũng có vườn hoa dã quỳ nhưng không đẹp kiểu hoang sơ như này nên em thích ấy anh ạ.
– Thích vài cái ảnh kỷ niệm đi em.
– Vâng.
Tôi bảo Yến chụp cho mình mấy cái, đứng giữa sườn núi cười toe toét cùng cả một rừng hoa dã quỳ. Anh Quý đứng gần đó, tiện tay ngắt một bông, tôi tưởng ngắt cho vui thế thôi, ai ngờ anh Quý chờ Yến chụp ảnh cho tộ xong lại đưa cho nó:
– Chụp cho người khác mà quên mất mình hả? Cầm lấy bông này đi, anh chụp cho.
Tôi với Quân đứng một góc, nhìn nhau rồi lại nhìn hai người họ cứ tự sướng hết kiểu này đến kiểu khác, tự nhiên lại thấy nghi nghi. Tôi ghé tai anh ta nói nhỏ:
– Này, anh thấy anh Quý với Yến có đẹp đôi không?
Quân lạnh lùng quay đi chỗ khác, bảo tôi:
– Bình thường.
– Xùy, hỏi anh tôi hỏi đầu gối còn hơn.
– Đi thôi.
– Ừ.
Tôi lẽo đẽo chạy tay anh ta, nhưng sáng sớm vẫn còn sương, đường ướt nên tôi chạy mới được vài bước đã bị trượt, may sao có Quân đưa tay ra giữ kịp.
Tay anh ta nắm chặt lấy tay tôi, lòng bàn tay mềm và ấm, giống hệt như bàn tay trong giấc mơ đã vuốt tóc tôi:
– Đừng chạy.
– À… quên mất. Tại anh chân dài đấy, đi nhanh tôi đi theo không kịp.
– Đi từ từ thôi.
– Vâng.
Sau đó, anh ta buông tay tôi ra rồi xoay người về phía trước, tôi đang được nắm tay trai đẹp mà tự nhiên lại phải buông ra, tôi cứ thấy hụt hẫng làm sao ấy. Tôi không chạy nữa vì Quân chủ động đi từ từ để đợi, anh Quý với Yến cũng đi sau bọn tôi, hai người họ vừa đi vừa chụp ảnh nên lết mãi đến hơn bảy giờ bọn tôi mới đến được phiên chợ.
Chợ ở đây mang đậm bản sắc của những người dân tộc vùng cao, được bày bán rất nhiều các loại vải thổ cẩm màu sắc sặc sỡ, măng rừng, nấm hương, thịt lợn quay và ti tỉ thức ăn đặc trưng của núi rừng Tây Bắc nữa.
Tôi chạy đến nhặt một chiếc vòng bạc trên sạp hàng của một người dân tộc, cười tít cả mắt:
– Đẹp thế, cô ơi cái này bao nhiêu tiền ạ?
– Năm mươi đồng.
Người bán hàng nói cũng khá sõi tiếng Kinh nhưng vẫn sợ tôi không dịch được, thế là giơ năm ngón tay lên, lặp lại: “Năm… mươi đồng, năm mươi đồng nhé”
Tôi quay đầu lại, ngó nghiêng thấy mọi người đã tản ra để đi thăm thú chợ hết, Yến với anh Quý cũng đang xem mấy thứ cỏ dân tộc ở cách tôi một đoạn, chỉ có Quân đứng một mình bên cạnh hàng trang sức cùng tôi.
Con gái khi thích cái gì, muốn mua nhưng vẫn đắn đo hỏi người bên cạnh. Tôi cũng thế, tôi ngẩng đầu lên hỏi anh ta:
– Này, cái này có đẹp không?
– Ừ.
– Tôi mua nhé. Anh thấy đeo vào tay tôi có đẹp không?
Bạc của người dân tộc trên này trắng nhưng đặc và hơi đục, không giống chất bạc được đánh sáng lấp lánh trong các cửa hàng vàng bạc dưới xuôi. Không biết có bị lừa giống như báo chí hay nói không nhưng tôi cứ có cảm giác bạc này mới là bạc nguyên chất, đeo vào tay nhìn có vẻ hơi đơn điệu nhưng lại như phảng phất mang một nét đẹp của dân tộc vùng cao.
Quân lơ đãng nhìn chiếc vòng trên tay tôi, lạnh nhạt nói:
– Cái đó phải đeo một đôi.
– Sao anh biết?
Cô bán hàng ngồi đó cũng cười bảo:
– Đúng rồi, anh này biết cách đeo đấy. Vòng này phải đeo một đôi.
Tôi không biết cái ông này học kinh tế hay y khoa, hay học cả môn văn hóa dân tộc nữa mà cái gì cũng biết. Ăn gì phải uống becberin cũng biết mà đeo vòng thế nào cũng biết. Giờ mới thấy mẹ tôi nói đúng, còn trẻ mà được như Quân thì không phải đơn giản đâu.
Trong lòng tôi thầm thán phục nhưng ngoài mặt thì vẫn nói:
– Thế tôi nên mua một đôi à?
– Ừ.
– Hay là tôi một cái, anh một cái nhé. Đeo một đôi vướng lắm, với cả tay phải tôi cầm dao mổ nữa, không đeo vòng được.
Tôi nói là nói cho vui thế thôi, cứ tưởng người như Quân sẽ không hào hứng với mấy chuyện lãng xẹt như vậy, đến con chó đáng yêu thế anh ta còn định vứt đi thì làm sao thích đeo vòng đôi với tôi được. Thế mà tự nhiên Quân lại đi lại gần rồi ngồi xuống bên cạnh tôi, rút từ trong ví ra một tờ tiền đưa cho người bán hàng.
Anh bảo:
– Cháu lấy đôi vòng này.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!