Dường Như Dì Đã Nói Yêu Tôi

Chương 77




Editor: Gaasu Noo

Tối về nhà, tắm rửa xong, đang định ngủ sớm một chút thì có điện thoại gọi tới, là Bạch Nhược Lâm.

"Alô, chị Bạch!"

"Thỏ Con, có nhớ chị không?" Hình như chị đã uống rượu. Thì ra câu nói "uống trà" ban nãy chính là "uống rượu".

"Chị lại uống rượu?"

"Ai bảo chị ngàn chén không say làm chi?"

"Đừng có điên. Cơ thể quan trọng hơn!"

"Ha ha, em không tin? Ra uống với chị thử đi, chị uống cho em xem!"

"Em không có hứng thú. Chị uống một mình đi, em đi ngủ!" Tôi không muốn dây dưa với người đang mất lý trí.

"Em không có hứng thú với chị, chị biết em chỉ có hứng thú với cô ấy thôi!"

"Chị nói năng lung tung rồi! Chị cẩn thận một chút, để say quá em cũng không tới dìu chị được đâu! Tạm biệt!" Tôi hơi giận, dù sao tôi vẫn xem người này là bạn, cần gì phải sát phạt nhau làm gì.

Tôi cúp điện thoại, tắt máy, đi ngủ.

Qua mấy ngày, tôi đang ở nhà đánh đàn vào hôm nghỉ phép.

Bạch Nhược Lâm lại gọi điện thoại tới, nhưng lần này là ban ngày và tỉnh táo.

"Thỏ Con, có rãnh ra ngoài gặp mặt không? Chị có quà tặng em này."

"Dạ được. Em tới nhà chị hay sao?"

"Chị đang ở Hội sở, em tới đây cho dễ."

"Cũng được."

Một giờ sau, tôi lại đến chỗ quen thuộc đó, rất nhiều ký ức xông lên đầu. Cách đây không lâu, tôi hay thường xuyên ra vào nơi này, bây giờ nghĩ lại giống như một giấc mơ vậy.

Có lẽ đối với chị, tôi tựa như một con bướm đêm lấp lánh, luôn sa vào lưới nhện mà chị dày công dệt nên trong mộng đẹp.

"Tôi là nhện, vận mệnh chính là lưới của tôi."

Hoặc giả, tôi đã sớm trở nên giống như chị, biến thành một con nhện rồi tự sa vào lưới của mình giăng, không thể trốn thoát.

"Thỏ Con!" Một tiếng kêu quen thuộc vang lên kéo tôi ra khỏi suy nghĩ, trở về thực tế.

Tôi quay đầu nhìn chị. Chị đang dựa vào cửa sổ, trên người mặc một bộ váy nhung màu đen, vòng bạc ở cổ lấp lánh, tựa như một quý cô Châu Âu.

Tôi đi tới, cười nói với chị, "Hôm nay chị thật đẹp. Sắp dự dạ vũ sao?"

Chị giơ nửa điếu thuốc trong tay lên rồi hít một hơi, chậm rãi nói, "Tiếc là còn thiếu bạn nhảy, em đi không?"

"Ha ha, kỹ thuật nhảy của em kém lắm, sẽ hủy hình tượng của chị đó!"

Chị liếc tôi một cái, lại hít một hơi thuốc, rồi đặt vào gạt tàn bên cạnh.

Chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy hôm nay chị nặng trĩu tâm sự. Nếu người đang có tâm sự bị ai hỏi han, phần lớn sẽ không muốn nói.

"Sao hôm nay chị lại tới đây?" Tôi phát hiện ngoài hai chúng tôi ra thì chẳng còn ai khác trong căn phòng lớn này cả.

"Chị tới làm thủ tục cho thuê lại."

"Sao ạ? Phòng giải tán?"

Chị gật đầu.

"Tại sao?" Tôi hiếu kỳ hỏi chị.

"Dù sao thì chẳng bao lâu nữa chị cũng sẽ rời khỏi đây." Chị cười với tôi, nhưng sao tôi lại không nhận ra nụ cười này miễn cưỡng biết bao.

Tôi nhất thời có chút tù mù, gì mà đây với kia? Tại sao lại bỏ đi?

"Chị định đi đâu? Sao... sao lại đột ngột như thế?"

"Em không nỡ để chị đi hả?"

Tôi gật đầu.

Chị đưa tay tới, nhẹ nhàng sờ sau đầu tôi, ánh mắt tựa hồ cũng có vô hạn luyến tiếc, nhưng cũng không hề nói gì khác cho tôi biết.

"Còn em? Sống có tốt không?"

"Dạ, cũng định nói cho chị biết lâu rồi. Em đang làm việc ở công ty của dì Lạc." Tôi đã sớm muốn nói cho chị biết, song có lẽ hôm nay cũng không thích hợp lắm, nhưng cũng sợ sau này không có cơ hội.

Chị nhẹ "Ừ" một tiếng, sau đó không nói thêm gì nữa. Chị cúi đầu, từ từ ôm lấy hai cánh tay.

Tâm lý học có nói, tư thế này ám chỉ sự tự bảo vệ bản thân, cự tuyệt ý kiến của người ngoài.

Tôi biết câu nói của mình khó chịu cỡ nào. Nhưng tôi vẫn tàn nhẫn với chị như thế, đúng không?

Tôi vờ như không biết gì, hỏi chị, "Quà em đâu?"

Chị xoay người, lấy một cái máy chụp hình trong hộp ra.

"Đây này, tặng em đó!"

"Cảm ơn!" Tôi nhận lấy, là loại DSLR mà tôi đang muốn mua.

"Không phải hàng mới, có ngại không?" Chị hỏi tôi.

"Dĩ nhiên không ngại. Đừng nghĩ em tham lam vậy chứ!"

Chị gật đầu một cái.

"Thỏ Con, có thể đàn cho chị nghe một đoạn nhạc nữa không?"

Một câu nói làm lòng tôi khó chịu. Tại sao lại giống như vĩnh biệt vậy? Sau này thật sự sẽ không còn gặp lại nữa sao?

Nhưng tôi chẳng có bất kỳ tư cách gì giữ chị lại cả. Dù có giữ lại cũng phí công thôi.

Haiz, bỏ đi! Tôi không hiểu thế giới của chị. Nếu thật sự phải đi, thì 'chỉ cần phất ống tay áo một cái là có thể mang đi một áng mây trời.'

Tôi đi tới bên chiếc dương cầm rồi ngồi xuống.

Nhắc tới cũng đúng dịp, trong khoảng thời gian này tôi luôn tập Dạ Khúc đô thăng thứ của Chopin (1), đó là bài tôi thích nhất trong số 21 Dạ Khúc. Nghệ thuật mơ mộng, thất vọng mà ngọt ngào, đau mà không thương, đẹp đẽ êm đềm.

Trong phim "Nghệ sĩ dương cầm" (2), nam chính cũng ngồi trong phòng thu âm ở Ba Lan đàn bài này. Nhưng tiếc là ngay lúc anh còn chưa đàn xong, thì đã bị pháo đạn của phát xít Đức dội vào. Nhiều năm sau, khi đã trải qua khổ ải, nghệ sĩ dương cầm lại ngồi đàn và thu âm bài hát này. Những nốt thăng trầm biến ảo, ánh mắt anh vẫn trong suốt và u buồn, lệ rơi đầy mặt.

Giai điệu vang lên giữa cơn sóng dữ thì sâu đậm bao nhiêu? Chỉ có người đàn tự biết, người nghe tự hiểu.

Âm nhạc dần kết thúc trong sự dịu dàng vô hạn. Tôi nhẹ nhàng khép lại nắp đàn, trong lòng thầm nói câu "Tạm biệt".

Xoay người, lại phát hiện Bạch Nhược Lâm đã ngây dại sau lưng. Chị thất thần nhìn cây đàn, như thể còn người đang ngồi đánh ở đấy.

Tôi không biết có phải mình lại gợi lên ảo ảnh lần nữa hay không, nhưng vô luận thế nào thì lần này là do tôi cam tâm tình nguyện.

"Chị Bạch." Tôi khẽ gọi chị.

Chị bất chợt giật mình, như bị tôi kéo về thực tại.

"Cảm ơn em, thật là dễ nghe, tựa như mộng đẹp." Giọng nói của chị cũng mang theo hương vị ngọt ngào.

"Hy vọng chị ngày nào cũng có mộng đẹp." Tôi đã không thể trái lương tâm nói 'hy vọng chị mỗi ngày đều vui vẻ'. Ít ra chỉ có mộng mới còn có thể tốt đẹp.

Chị nhìn tôi mỉm cười, "Yên tâm đi, chị sẽ sống tốt. Còn em..."

"Em thế nào đây?"

"Em đó... biết rõ còn hỏi. Haiz, chị chỉ hy vọng em có thể sống vui vẻ, đừng ép bản thân vào ngõ cụt, hiểu không?"

Tôi cười cười, cũng không trả lời chị. Nói không hiểu những lời này là giả, nhưng hiểu được và làm được không bao giờ nằm cùng cấp độ.

Sau khi về đến nhà, lúc nghịch máy chụp hình mới phát hiện bên trong có rất nhiều hình, phần lớn là phong cảnh nước ngoài, cũng có hình của chị nữa.

Có một tấm đặc biệt đẹp, được chụp ở bờ biển. Lúc gió thổi mây trôi, chị mặc một bộ váy trắng, đầu đội nón trắng thật to che nắng, hai chân lội dưới nước biển, đầu hơi cúi, nheo mắt lại mỉm cười.

Tôi thầm cảm ơn chị đã để lại trong tôi một hồi ức đẹp đẽ đến thế.

Từ đó về sau, tôi cũng không gặp lại chị nữa. Sau này tôi có nghe dì Lạc nói chị đã rời bỏ ông chủ Cao, cũng kết thúc mọi việc kinh doanh ở đây. Nhưng về phần trở lại quê nhà hay là đi nước ngoài thì không biết.

Tôi nghĩ chị nhất định đã sắp xếp hết mọi chuyện rồi, nếu không thì cũng không nhanh chóng đến độ ấy. Cú điện thoại của chị mấy ngày trước chỉ vì say rượu nên buông thả bản thân một lần thôi, trong lòng chị biết rõ kết quả hơn cả tôi mà.

Chắc chị cũng lưỡng lự đi hay ở. Nếu tôi không đến nỗi tuyệt tình lãnh khốc với chị như thế, chắc có lẽ chị sẽ không rời đi, ít nhất cũng không nhanh đến vậy.

Tôi âm thầm chúc chị hạnh phúc. Cuối cùng chị đã có thể thoát khỏi những điều không nên có. Hy vọng ở phương xa ấy, chị có thể tìm được bản thân mình lần nữa.

Chị rất dũng cảm, nhất định sẽ tìm được hạnh phúc mình muốn.

(1) Frédéric François Chopin (1810-1849) là một nhà soạn nhạc nổi tiếng người Ba Lan.

21 Nocturne (Dạ khúc) do ông sáng tác gồm có:

+ 3 Nocturne Op. 9 các cung: si giáng thứ, mi giáng trưởng, si trưởng

+ 3 Nocturne Op.15 các cung: fa trưởng, fa thăng trưởng, son thứ

+ 2 Nocturne Op.27 các cung: đô thăng thứ, rê giáng trưởng

+ 2 Nocturne Op.32 các cung: si trưởng, la giáng trưởng

+ 2 Nocturne Op.37 các cung: sonl thứ, sol trưởng

+ 2 Nocturne Op.48 các cung: đô thứ, fa thăng thứ

+ 2 Nocturne Op.55 các cung: fa thứ, mi giáng trưởng

+ 2 Nocturne Op.62 các cung: si trưởng, mi trưởng

+ 1 Nocturne cung Mi thứ Op.72 số 1

+ 1 Nocturne cung Đô thăng thứ Op.posth. (Thỏ Con thích bài này nhất đây. Link:smile:

+ 1 Nocturne cung Đô thứ Op.posth.

(2). Film "Nghệ sĩ dương cầm" (2002) là bộ phim chuyển thể từ hồi ký cùng tên rất nổi tiếng của nhà văn Wladyslaw Szpilman. Bộ phim online này lấy bối cảnh là đất nước Ba Lan trong Thế chiến thứ hai. Một nghệ sĩ dương cầm tên là Wladyslaw Szpiman và gia đình bị đưa vào trại tập trung và bị đối xử tàn tệ. Từ một nghệ sĩ hào hoa vẫn chơi những bản nhạc đẹp đẽ của Chopin, Szpilman sẵn sàng ăn cả những lát khoai tây thối và bị ngộ độc. Anh lang thang trong những khu phố đổ nát, chui lủi trong các gác mái, uống nước thải của bệnh viện... Anh làm tất cả, chỉ cần được sống, và thèm khát được chơi đàn... Phim Nghệ Sĩ Dương Cầm là một bản đàn rất cảm động kể về niềm tin, nghị lực sống mãnh liệt của người nghệ sĩ. Ngay cả trong những lúc cùng khổ nhất, chính âm nhạc là điều kỳ diệu giúp đẩy lùi chiến tranh, xóa bỏ hận thù, mang con người lại gần nhau. (Link film: http://hdonline.vn/phim-nghe-si-duong-cam-4817.html#qIUyOkhWfUiVVow2.99)


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.