Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Quyển 3 - Chương 6




Mặt trời ngã về tây, chiếu rọi những mảng tường thành đổ nát trên núi Hồng Sơn. Tôi đứng cách xa, dõi mắt ngắm nhìn bóng dáng cao gầy của hai người giữa cảnh hoang phế của tàn tích xưa cũ. Tôi không xuất hiện nên anh em họ trò chuyện rất thoải mái. Tôi nghe thấy Bát Tư Ba thở dài, chiêm nghiệm:

- Nơi đây từng là cung điện của vương triều Tufan. Vị tán phổ vĩ đại nhất của vương triều là Tùng Tán Cán Bố đã dời đô từ Sơn Nam về mãnh đất trũng thấp, rộng rãi này và kiến tạo thành đô La-ta. Ngài đã cho xây dựng cung điện trên núi Hồng Sơn để đón Công chúa Văn Thành. Tiếc thay, vào giai đoạn cuối của vương triều Tufan, toàn bộ công trình kiến trúc năm xưa đã bị hủy hoại bởi khói lửa chiến tranh.

Kháp Na đứng trên một mái nhà đã sập đổ, dõi mắt nhìn ra xung quanh, cánh tay chỉ về phía những con đường nhỏ hẹp dẫn lên đỉnh núi:

- Cung điện này được xây ở nơi cao nhất trong thành La-ta, lại chỉ có bốn con đường dẫn lên núi. Hẳn là năm xưa, nơi đây được canh giữ vô cùng cẩn mật, phòng thủ dễ dàng và kẻ địch khó tấn công. Nhưng dù là như vậy, vương triều Tufan từng một thời vàng son, thịnh trị cũng không tránh khỏi kết cục sụp đổ. Chỉ còn lại những mảng tường đổ nát, tiêu điều vẫn lưu giữ chút bóng dáng của năm tháng huy hoàng thuở trước.

Bát Tư Ba vẫn chắp tay sau lưng, nhìn em trai mình, ánh mắt đầy ẩn ý:

- Nguyên nhân là do sự tranh giành quyền lực trong nội bộ vương triều. Langdarma, vị tán phổ cuối cùng, ra lệnh giết hại Phật tử, tiêu diệt Phật giáo nên đã bị tăng nhân giết chết. Hai bà vợ của ông ta, ai cũng lăm le muốn đưa con trai mình lên ngôi nên đã chia phe cánh tàn sát lẫn nhau, khiến cho thực lực của vương triều ngày một suy giảm và cuối cùng thì sụp đổ. Một đế quốc hùng mạnh cũng giống như một bức tường kiên cố, sẽ chẳng thể trụ vững nếu bị thối nát, mục ruỗng từ bên trong.

Kháp Na giật mình ngẩng lên, ánh mắt cậu nhìn anh trai thật khác lạ.

Bát Tư Ba vỗ nhẹ vào bức tường thấp lè tè bên cạnh, hỏi:

- Kháp Na, đệ biết vì sao ta lệnh cho người hầu ở lại dưới chân núi để chỉ có hai chúng ta lên đây không?

Kháp Na chợt biến sắc mặt:

- Ngoài việc thăm thú di tích của vương triều Tufan, hẳn đại ca còn muốn nói với đệ chuyện gì đó?

- Ta muốn bàn vói đệ về dự định của ta. – Nét mặt của Bát Tư Ba trở nên nghiêm trang, chàng nhìn em trai, trịnh trọng nói. – Ta dự định di dời giáo phái Sakya ra khỏi vùng Sakya.

- Vì sao? – Kháp Na thốt lên kinh ngạc, lắc đầu phản đối kịch liệt. – Sở dĩ có tên gọi phái Sakya là vì kể từ khi giáo phái được sáng lập, tổ tiên chúng ta đã xây dựng tu viện và các trang viên trên vùng đất Sakya. Trải qua hơn hai trăm năm mới gây dựng được giáo phái như ngày nay. Và với nỗ lực của huynh, Sakya mới trở thành giáo phái lớn mạnh nhất đất Tạng. Nếu rời khỏi Sakya, giáo phái chúng ta sao có thể lấy tên là phái Sakya được nữa?

- Ta hiểu những lo lắng của đệ. Ta đâu nỡ từ bỏ cơ nghiệp mà tổ tiên khổ công gây dựng từ bao đời nay. Nhưng ta buộc lòng phải toan tính cho tương lai của giáo phái. – Vẻ mặt của Bát Tư Ba nghiêm nghị đến lạnh lùng, chàng hướng mắt về phía mái vàng lung linh trên đỉnh ngôi đền Jokhang và khu phố Bakhor chạy quanh ngôi đền. – Trở về quê hương lần này, ngoài việc làm tròn trách nhiệm mà Đại hãn giao phó là phân chia các đại vạn hộ hầu và các cư dân Lad và Mid của đất Tạng, ta còn một dự định vô cùng quan trọng khác: tính toán thật kĩ lưỡng, chu toàn và chọn địa điểm phù hợp để xây dựng thành trì tương lai của phái Sakya.

- Nơi nào là tốt nhất? – Suy nghĩ một lát, Kháp Na như bừng tỉnh. – Đại ca, ý huynh là Sakya ở nơi sâu xa, hẻo lánh, không thuận tiện cho việc cai trị toàn bộ đất Tạng?

- Đúng vậy! – Bát Tư Ba hân hoan, dõng dạc nói. – Sau bao năm vất vả, bác và ta mới đưa giáo phái của chúng ta trở thành giáo phái thủ lĩnh của đất Tạng, nhưng cả bác và ta đều không muốn mưu lợi cho riêng giáo phái mình. Bước tiếp theo, ta muốn hoàn thành tâm nguyện của bác: tận dụng nguồn lực và sự trợ giúp của Đại hãn để chấm dứt tình trạng chia năm xẻ bảy, tiến tới thống nhất đất Tạng!

Kháp Na hiểu ra vấn đề, hào hứng tiếp lời:

- Nếu vậy, thành trì của phái Sakya nhất định phải nằm ở vị trí trung tâm của đất Tạng, với giao thông thuận lợi, địa hình bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, trù phú và cư dân đông đúc.

Bát Tư Ba gật đầu:

- Trên đường đi, ta không ngừng quan sát để chọn lựa nơi hợp lý nhất.

Kháp Na cúi nhìn những ngôi nhà san sát dưới chân núi, sông ngòi lấp lánh ánh bạc trong bóng chiều rực rỡ, những ngọn đồi phủ trắng tuyết xung quanh, rồi quay lại nhìn Bát Tư Ba:

- Thành La-ta nằm ở nơi lòng chảo của nhiều nhánh sông lớn, tựa lưng vào núi, giáp mặt với sông, dễ phòng thủ khó tấn công, chả trách năm xưa Tùng Tán Cán Bố đã quyết định dời đô về đây, gây dựng nên cơ nghiệp hai trăm năm của vương triều Tufan. Có phải đại ca muốn xây dựng thành trì của phái Sakya ở La-ta không?

- Đúng là ta có suy nghĩ đó nên mới đưa đệ đến đây bàn bạc. – Bát Tư Ba nhíu mày đăm chiêu, giọng trầm buồn. – Nhưng điều khiến ta lo lắng nhất là phái Drikung.

Kháp Na cũng chau mày nghĩ ngợi:

- Đúng vậy, sau khi vương triều Tufan sụp đổ, phái Drikung đã xây dựng thành trì vững chắc ở Modro Gongkar, giáp La-ta, các ngôi đền ở La-ta đều thuộc về phái này. Nếu phái Sakya di dời đến đây, phái Drikung có chịu nhượng bộ không? Lẽ nào chúng ta ép buộc họ bằng thánh lệnh?

Bát Tư Ba lắc đầu cả quyết:

- Không thể làm vậy! Tuy chúng ta được Đại hãn nâng đỡ nhưng ở đất Tạng này, phái Sakya vẫn chỉ là một giáo phái nhỏ so với các giáo phái lớn khác. Nếu chúng ta dùng quyền lực áp chế họ, sẽ không chỉ gây mâu thuẫn với phái Drikung, mà các giáo phái khác ở đất Tạng cũng sẽ phản đối chúng ta. Một khi ta trở về Trung Đô, phái Sakya không còn người bảo trợ nữa, sẽ vô cùng nguy hiểm.

Kháp Na hiểu rằng hậu quả của quyết định đó là hết sức nghiêm trọng, cậu cúi đầu suy nghĩ hồi lâu:

- Tuy La-ta là địa điểm lý tưởng để xây dựng thành trì nhưng chúng ta không thể công khai tranh giành địa bàn với họ. Chi bằng đại ca hãy quan sát thêm những nơi khác, biết đâu lại tìm được mảnh đất lý tưởng cho giáo phái chúng ta.

Bát Tư Ba gật đầu ảo nảo. Cánh tay trái vẫn giấu kín trong tay áo, giờ đã đưa ra sau lưng.

Anh em họ cùng hướng mắt về phía thành La-ta tuyết phủ đẹp mê hồn dưới bóng chiều rạng rỡ, hai cái bóng cao gầy ấy nổi bật trên nền đền đài, cung điện hoang phế năm xưa. Phải gồng gánh sức nặng ngàn cân của những trọng trách lớn lao nên lưng Bát Tư Ba chừng như còng xuống.

Bốn trăm năm sau, trên đống đổ nát của di tích cung điện Tufan trên núi Hồng Sơn, xuất hiện một công trình kiến trúc vô cùng nguy nga, lộng lẫy, cũng là biểu tượng của thánh địa La-ta: cung điện Bố Đạt La.

~.~.~.~.~.~

Chàng trai trẻ đưa ra nhận định sâu sắc:

- Cư dân Mid và Lad có phải là khái niệm nông nô mà chúng ta thường nhắc đến?

Tôi gật đầu:

- Đúng vậy. Chỉ khác là cư dân Mid thuộc quyền sở hữu của các lãnh chúa, còn cư dân Lad thuộc quyền sở hữu của các tu viện. Thân phận, địa vị của họ thì như nhau, đời này nối tiếp đời khác đều không được tự do.

Chàng trai trẻ lắc đầu:

- Nhưng đối với các tu viện thì không hề như nhau. Một bên là nộp thuế cho tu viện, một bên là nộp thuế cho địa chủ và nhà nước. Chả trách họ tranh giành khốc liệt như vậy.

Tôi khẽ thở dài:

- Thực ra, khi kế hoạch phân chia này được thực hiện thì lợi ích của tu viện sẽ bị giảm đi. Vì số cư dân thuộc quyền sở hữu của họ đã giảm chỉ còn sáu mươi phần trăm, bốn mươi phần trăm còn lại thuộc về nhà nước.

- Vậy thì chắc chắn họ sẽ phản đối đến cùng.

Tôi cười buồn:

- Nhưng đó là kết quả tối ưu mà Bát Tư Ba đã phải nỗ lực thuyết phục Hốt Tất Liệt mới giành được. Bởi vì nếu chiếu theo ý của Hốt Tất Liệt thì ngài muốn phần lớn cư dân đất Tạng phải nộp thuế cho mình.

Chàng trai trẻ lắc đầu:

- Nhưng mất đi quyền lợi suốt mấy trăm năm qua, chắc chắn các tu viện ở đất Tạng sẽ không biết ơn Bát Tư Ba mà càng oán hận ngài.

- Đúng vậy. Bát Tư Ba chia đất Tạng thành mười ba vạn hộ hầu, phần lớn trong số đó đều là những thế lực lâu đời ở đất Tạng, có cả tu viện lẫn lãnh chúa địa phương. Bát Tư Ba đã xem xét đến quyền và lợi ích hình thành trong quá trình phát triển cũng như truyền thống lịch sử của các giáo phái. Quyền lực suốt mấy trăm năm, giờ đây bị tước mất, các giáo phái sao chịu để yên? – Tôi ngừng lại, gắng gượng nuốt vào lòng dư vị đắng chát vừa trào lên, cố kiềm chế cảm xúc. – Thế nhưng, không phải toàn bộ mười ba vạn hộ hầu này đều ghi ơn Bát Tư Ba. Bọn họ đều nuôi tham vọng và ý đồ riêng, để rồi sau đó, phái Sakya đã phải trả giá bằng máu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.