Khabi nhìn tôi chăm chú, vẻ nghiêm trọng đáng sợ:
- Đừng trách ta không cảnh báo trước, phản ứng ngược không tốt đẹp gì đâu!
Tôi lạnh người. Đối với loài yêu tinh, phản ứng ngược là tai họa vô cùng đáng sợ, nhẹ thì bị tiêu tán phép lực, trở lại nguyên hình, nặng thì bị đày xuống tầng địa ngục sâu nhất, vĩnh viễn không thể hồi sinh.
Đang mãi suy nghĩ, bỗng Khabi sáp lại gần tôi, ghé vào tai tôi gào lên:
- Còn nữa, tránh xa con trai ta ra!
Cái giọng chua ngoa của cô ấy khiến tôi khiếp hãi, phải lùi lại vài bước. Chân Kim ư? Tên nhóc không biết trời cao đất dày là gì đấy ư? Tôi vừa xoa tai, vừa cau mày:
- Ai thèm động vào cậu ta, tôi tránh còn chẳng kịp nữa là!
Có câu “phúc đức tại mẫu”, nhờ có mẹ mà Chân Kim được Hốt Tất Liệt rất mực cưng chiều. Những năm gần đây, Hốt Tất Liệt giao Chân Kim cho mưu sĩ người Hán mà ông rất mực trọng dụng và tín nhiệm là Diêu Khu để ông truyền dạy cho cậu nhóc kho tri thức Nho học của người Hán. Ngoài ra, Hốt Tất Liệt còn gửi Chân Kim đến chỗ Bát Tư Ba để cậu truyền giảng Phật pháp. Mỗi lần đến học, cậu ta rất thích được chơi đùa với tôi. Tên ranh này không biết đã tốn bao nhiêu nước bọt để thuyết phục Khabi và Bát Tư Ba tặng tôi cho cậu ta. Tất nhiên Bát Tư Ba không đồng ý, Khabi cũng vậy. Mỗi lần gặp cậu ta là tôi lại lẩn như trạch, những lúc không thể né tránh thì tôi giả đò thờ ơ, mặc kệ cậu ta. Không hiểu cậu ta thích thú gì ở tôi kia chứ, với thân phận tôn quý như thế, cậu ta muốn nuôi con thú cưng nào chẳng được?
Khabi cốc tôi một cái đau điếng, rồi hầm hừ:
- Năm nay nó mười lăm tuổi rồi, đang trong thời kỳ tò mò về chuyện nam nữ. Cô lại xinh đẹp như tiên giáng trần thế này, nó mà trông thấy, không bị hớp hồn mới lạ.
Tôi vừa xoa đầu vừa trừng mắt oán thán:
- Cô đã tặng cho cậu ta hai tỳ nữ rồi kia mà.
Khabi chớp chớp hàng mi dài thanh tú, cười chế nhạo:
- Cô chẳng hiểu gì về đàn ông cả. Với họ, tình dục và tình yêu là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Chân Kim mới chỉ được nếm trải tình dục, nào nó đã biết tình yêu là gì.
Tôi không hiểu:
- Sao có thể tách biệt tình yêu và tình dục ra được? Loài hồ ly chúng ta chỉ sinh con đẻ cái với người bạn đời của mình thôi mà.
Khabi thở dài thường thượt, nhíu mày:
- Cô đã hóa thân thành người thì cũng nên làm quen với tập tính của loài người. Phụ nữ lúc nào cũng khao khát “mong gặp người thật lòng, bạc đầu không xa cách”[5]. Nhưng kết thúc như mơ của “trai anh hùng, gái thuyền quyên” chỉ có trong các vở kịch mà thôi. Vì sao loài người say mê những vở kịch đó? Bởi vì thứ tình yêu son sắt, thủy chung ấy không bao giờ tồn tại ngoài đời thực nên nó trở thành niềm khát khao của họ.
Tôi cúi đầu sầu tủi. Cứ mỗi lần trong tôi dấy lên niềm hy vọng tràn đầy là lại bị Khabi giội một gáo nước lạnh. Nếu đàn ông bạc bẽo đến vậy thì tôi còn hóa thân thành người làm gì nữa?
- Nhưng vị Lạt Ma của cô lại là ngoại lệ.
Thái độ quay ngoắt một trăm tám mươi độ, Khabi bỗng nhắc đến người đàn ông mà tôi ngày đêm tưởng nhớ:
- Muốn chiếm được cảm tình của người đàn ông trí tuệ, ý chí kiên cường ấy không hề dễ. Nhưng một khi cậu ấy đã động lòng trần thì đó sẽ là tình cảm sắt son bền chặt, suốt đời không thay đổi.
Cô ấy cúi người, ghé sát gương mặt tôi, mắt phượng mày ngài nhìn tôi chăm chú, đáy mắt lấp lánh vẻ tinh quái:
- Cậu ấy đã nhìn thấy hình dạng này của cô chưa?
- Vẫn... vẫn chưa. – Tôi ấp úng, lòng bàn tay đẫm mồ hôi. – Tôi... tôi sợ...
- Sợ cậu ấy nhìn thấy dung nhan tuyệt sắc của cô mà vẫn không chịu động lòng chứ gì?
Tôi gật đầu hồi hộp.
Khabi vuốt ve an ủi tôi rồi thở dài:
- Cậu ấy đã dâng trọn cuộc đời cho Phật Tổ, liệu còn có thể dành cho cô được mấy phần? Tranh giành trái tim một con người với Phật Tổ, khó hơn gấp ngàn lần so với việc phải tranh giành với những người phụ nữ khác.
Trái tim tôi như bị đẩy tuột xuống vực thẳm. Đúng vậy, tôi có gì nào? Ngoài một gương mặt đáng yêu và nhiều năm chung sống cùng cậu ấy, tôi có tư cách gì để tranh giành trái tim cậu ấy với Phật Tổ?
Tôi dõi mắt ngắm nhìn những dãy núi trải dài vô tận trong bóng chiều tím nhạt. Mặt trời xuống núi, những tia nắng cuối ngày dần khuất lấp nơi chân mây. Mặc cho gió lạnh thổi bay suối tóc màu lam mềm mại như nhung lụa, tôi cứ đứng đó, thẫn thờ nhìn hoàng hôn dần tắt.
~.~.~.~.~.~
- Cuộc chiến với Nam Tống của Mông Kha Hãn không hề thuận lợi, chớp mắt đã sang năm 1259, nhưng Mông Kha Hãn vẫn chưa công phá được Hợp Châu, Tứ Xuyên. Và rồi trong một đợt tấn công, Mông Kha Hãn bị trúng pháo đá của quân địch, lâm bệnh rồi qua đời trên chiến trường vào tháng Bảy năm đó.
Chàng trai trẻ vỗ tay:
- Cơ hội của Hốt Tất Liệt đã đến!
- Đúng vậy! – Tôi mỉm cười gật đầu. – Khi ấy, Hốt Tất Liệt đang ra sức đánh chiếm Ngạc Châu, Hồ Bắc. Được tin Khả hãn qua đời, Hốt Tất Liệt vội vã nghị hòa với Nam Tống để dẫn quân ngược lên phía bắc bởi vì người em trai út A Lý Bất Ca hiện đang trấn giữ miền Bắc của ông đã đi trước ông một bước, chuẩn bị triệu tập hội nghị Kurultai để tranh đoạt ngôi vị Hãn vương.
Chàng trai trẻ bắt chước tôi ngồi ôm gối, thu mình ở đầu bên kia của lò sưởi:
- Theo tôi được biết thì A Lý Bất Ca là một nhân vật không dễ đối phó.
Tôi gật đầu. Thanh niên trẻ thời nay rất ít người ham đọc sách lịch sử, họ dành phần nhiều thời gian để lên mạng trò chuyện hoặc chơi điện tử. Chàng trai này quả là một người hiếm có. Tôi nói tiếp:
- Thế lực của A Lý Bất Ca cũng rất mạnh, nhất là vào giai đoạn Mông Kha Hãn ra sức kìm hãm Hốt Tất Liệt, A Lý Bất Ca đã được Mông Kha Hãn trọng dụng. Bởi vậy, rất đông quý tộc Mông Cổ đã ủng hộ và đứng về phía A Lý Bất Ca. Nhưng Hốt Tất Liệt đã nhiều năm cư trú trên đất Hán, nhân lực, vật lực của Trung Nguyên dồi dào hơn miền Bắc của A Lý Bất Ca rất nhiều. Bởi vậy, khi tranh đoạt ngôi vị Khả hãn, Hốt Tất Liệt đã nhanh chóng nắm quyền chủ động.
=== ====== ====== ====== ====== ====== ===
[5] Câu thơ trong bài Khúc ngâm bạc đầu của Trác Văn Quân. (DG)