“Dù kiến thức sâu rộng đến đâu,
cũng cần học hỏi cái hay của người khác;
Nếu kiên trì học hỏi không ngừng nghỉ,
sẽ thông hiểu và thấu suốt mọi sự.”
(Cách ngôn Sakya)
17.1
- Tiểu Lam ơi Tiểu Lam, em ở đâu?
Trong cơn mê man chập chờn, tôi nhận ra giọng nói đầy lo lắng của Kháp Na. Tôi lắc lắc đầu, trời ơi, đầu tôi nặng như búa bổ, tôi lại đổ vật xuống. Tiếng gọi như sắp khóc của Kháp Na hòa với tiếng bước chân cuống cuồng tìm kiếm.
- Tiểu Lam ơi, đừng làm ta sợ, em mau ra đây đi!
Tôi gắng gượng nhổm người dậy, nhưng tứ chi mềm nhũn chẳng thể đỡ nổi thân thể nặng như chì, đành cất giọng yếu ớt đáp lại:
- Tôi ở đây.
Tiếng bước chân dồn dập tiến lại gần, tấm bạt căng lán trại được kéo sang bên, Kháp Na sục sạo vào từng khe nhỏ tìm kiếm, cuối cùng cũng phát hiện ra tôi đang treo mình trên xà ngang. Cậu ấy vội vã leo lên, ôm tôi xuống, gương mặt điển trai nhuốm vẻ âu lo:
- Tiểu Lam ơi, ta và đại ca tìm em cả ngày trời. Em làm ta lo muốn chết!
Tôi đã thiếp đi cả ngày ư? Tôi nheo mắt, giọng nói nhẹ như gió thoảng:
- Tôi mệt quá, không chịu nổi nên đã thiếp đi.
- Lam Kha, cảm ơn em! – Dáng vẻ thong dong của ai đó xuất hiện sau lưng Kháp Na, đôi mắt trong ngần, thấu suốt ấy chiếu đến tôi ánh nhìn trìu mến, ấm áp. – Nếu không có em, ta thật sự không biết phải vượt qua cửa ải này ra sao.
Đón lấy ánh mắt ấm áp, chân thành ấy, tôi thấy những việc mình làm là hoàn toàn xứng đáng. Đột nhiên hai má tôi nóng bừng, bóng dáng thân thuộc trước mắt cứ mờ dần, tôi gắng gượng đáp lại:
- Tôi đã hứa với đại sư Ban Trí Đạt sẽ bảo vệ hai… anh em… cậu…
Trước lúc chìm vào cơn mê man, tôi chỉ kịp nghe thấy giọng nói hốt hoảng của Kháp Na:
- Tiểu Lam nóng quá, em ấy ốm rồi!
Lúc tôi tỉnh lại lần thứ hai thì nhận ra mình đang nằm trên giường, trên người là mảnh chăn thường ngày tôi vẫn đắp. Kháp Na bưng chiếc bát vào phòng, thấy tôi thò đầu ra khỏi chăn thì mừng vui khôn tả, vội vàng chạy lại:
- Tiểu Lam, em tỉnh rồi à? Có đói bụng không? Uống chút sữa đi!
Kháp Na kề bát sữa sát miệng tôi, tôi đưa mắt quan sát xung quanh, đó là một căn phòng thiền tịnh kiểu Hán được trang hoàng sạch sẽ, trên bàn làm việc, nhang thơm tỏa hương thoang thoảng. Tôi ngạc nhiên:
- Chúng ta đang ở đâu? Anh trai cậu đâu?
Kháp Na dịu dàng vuốt ve đầu tôi:
- Chúng ta đã đến chùa Sùng Thánh ở Hà Châu, em hôn mê suốt mấy ngày liền nên không hay biết gì. Đại ca vẫn ngày ngày ở bên chăm sóc em, nhưng hôm nay là ngày huynh ấy thọ giới Tỷ khâu, không thể vắng mặt.
Tôi sửng sốt, bật dậy, mảnh chăn rơi xuống:
- Hôm nay ư?
Kháp Na gật đầu:
- Ta cũng muốn được đến đó xem đại ca thọ giới, nhưng huynh ấy không yên tâm, bảo ta ở nhà chăm sóc em. Em đừng sốt ruột, buổi lễ kết thúc là huynh ấy về ngay thôi.
Tôi muốn chạy đến đó ngay lập tức, nhưng mới bước một bước đã hoa mắt, chóng mặt rồi ngã nhào. Tôi đành dùng miệng cắn vào vạt áo Kháp Na:
- Đưa tôi đến đó! Đưa tôi đến chỗ cậu ấy làm lễ thọ giới.
Kháp Na ôm tôi vào lòng, nhẹ nhàng động viên:
- Tiểu Lam à, em còn yếu lắm, phải nghỉ ngơi cho khỏe. Đại ca thọ giới Tỷ khâu đâu phải việc gì nghiêm trọng, em không đến cũng được mà!
Tôi lắc đầu quầy quậy:
- Kháp Na, làm ơn, đưa tôi đến đó!
Không thuyết phục được tôi, cậu ấy đành cho tôi uống sữa rồi ôm tôi chạy đến giới đàn. Lúc chúng tôi tới nơi, Bát Tư Ba đang đứng trước lối đi dẫn vào một hành lang rất dài, bên cạnh là các đệ tử đã theo cậu ấy nhiều năm qua: Drakpa Odzer và Besangbo. Y phục của cậu ấy rất giản dị, không phải áo cà sa sặc sỡ và mũ ngũ sắc trang trọng, chỉ là chiếc áo tăng ni màu đỏ sẫm bình thường, cổ đeo chuỗi tràng hạt làm từ gỗ đàn hương mà bác cậu từng đeo. Đang chuẩn bị bước vào dãy hành lang, Bát Tư Ba chợt trông thấy Kháp Na hớt hải chạy đến, trên tay là tiểu hồ ly với vẻ mệt mỏi tột độ, ánh mắt cậu ấy bỗng sáng lên.
Kháp Na vuốt ve đầu tôi và gật đầu với Bát Tư Ba, cậu ấy nở nụ cười toại nguyện, ánh mắt trong veo, long lanh như hồ nước. Rồi cậu ấy quay đầu lại, hướng về dãy hành lang hun hút, chầm chậm cất bước.
Đó là một dãy hành lang rất dài và hẹp, hai bên phủ kín vải đen, âm u, tối tăm, tưởng như không thể chạm đến tận cùng, cách một đoạn lại có một vị cao tăng đất Tạng đứng đón. Kháp Na cất tiếng khe khẽ, giải thích cho tôi hiểu:
- Ở Trung Nguyên có rất ít ngôi chùa đủ tiêu chuẩn để thọ giới Cụ túc, vì theo quy định đó phải là ngôi chùa có quy mô lớn. Đi hết dãy hành lang này sẽ đến nơi đại ca làm lễ thọ giới.
Tỷ khâu giới hay còn gọi là Cụ túc giới có thể nói một cách dễ hiểu là tấm bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Phật giáo của các đệ tử nhà chùa. Muốn trở thành một nhà sư chuẩn mực, người tu hành phải thọ giới Cụ túc và tuân thủ hai trăm năm mươi điều giới luật. Một số giới luật hết sức nghiêm khắc, đòi hỏi người tu hành phải có sự quyết tâm và nỗ lực phi thường.
Bát Tư Ba nổi danh ngay khi còn rất nhỏ, thành tựu mà cậu ấy đạt được trong lĩnh vực Phật học khó ai sánh bằng. Nhưng dù đạt tới cảnh giới nào về mặt học thuật, cậu ấy vẫn phải tuân thủ các yêu cầu của hoat động tu hành trong các tu viện và đền chùa Phật giáo. Vậy nên, dù am hiểu sâu sắc các giáo lý Mật Tông Sakya từ lâu nhưng Bát Tư Ba vẫn phải thọ giới Cụ túc năm hai mươi tuổi như những Sa di bình thường khác.
Bát Tư Ba chầm chậm bước đi, lưng thẳng, vầng trán cao rộng, vẻ mặt an nhiên, phong thái thoát tục. Bước đi trên hành lang âm u, mù mịt ấy, không biết cậu ấy đang nghĩ gì?
Đến chỗ đại sư của phái Nyingma, gương mặt ngài hiền từ, đôn hậu nhưng giọng nói cất lên vang vọng, đầy uy nghiêm:
- Sa di Lạc Truy Kiên Tán, kiếp này ngươi nguyện sẽ phụng sự Phật Tổ suốt đời chứ?
Bát Tư Ba ngẩng đầu, khẳng khái đáp:
- Thưa vâng!
Đến chỗ vị đại sư của phái Pagmodru Kagyu, giọng nói nghiêm nghị lại vang lên trầm bổng:
- Sa di Lạc Truy Kiên Tán, ngươi có sẵn sàng gánh vác trách nhiệm hoằng dương Phật pháp suốt đời không?
Bát Tư Ba tự tin đáp:
- Thưa có.
Đến chỗ trưởng lão của phái Drikung Kagyu, ngài nhìn Bát Tư Ba vẻ đầy nghiêm nghị:
- Sa di Lạc Truy Kiên Tán, kiếp này người bằng lòng buông bỏ mọi yêu ghét, hận thù, mọi chấp niệm chứ?
Bát Tư Ba ngừng lại chốc lát, giọng nói kiên định cất lên:
- Thưa vâng.
Bát Tư Ba vừa bước đi vừa lần lượt trả lời câu hỏi của các vị đại sư tham gia lễ thọ giới cho cậu cho đến khi đi tới giới đàn làm lễ.
Ba vị pháp sư tọa trên đài cao, bên cạnh họ là bảy vị chứng nhân xếp thành hàng ngang thẳng tắp. Chủ trì lễ thọ giới hôm nay là đại sư Shakya Zangpo, đương nhiệm bản khâm của phái Sakya. Vị đại sư lấy ra từ khay gỗ một con dao cạo đầu sáng loáng, Bát Tư Ba thành kính cúi đầu. Trong tiếng tụng niệm lầm rầm vang vọng của bảy vị chứng nhân, ngài Shakya Zangpo bắt đầu xuống tóc cho Bát Tư Ba:
- Từ đây, thoát khỏi sự sống chết, xa lìa nỗi ghét thương, tách biệt khỏi thế tục, con có làm được không?
Bát Tư Ba thôi khép mắt, ngước lên, hít một hơi thật sâu, nói dõng dạc:
- Con làm được!